Vượt qua trên năm đề cử khác đậm chất thời sự, Piranesi đã làm nên một kỳ tích như chính nội dung hàm chứa trong nó.
Phim tài liệu tôn trọng sự thật: Sức hấp dẫn và lằn ranh đạo đức
Tiểu thuyết Piranesi của nữ văn sĩ Susanna Clarke (Anh) vừa thắng giải Women’s Prize for Fiction 2021. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, lần trao giải năm nay đã bị lùi hai tháng so với tháng Bảy dự kiến, để các giám khảo có thời gian đánh giá kỹ hơn về sáu cuốn sách ở danh sách rút gọn. Trong đêm trao giải, chất lượng của các đề cử cho thấy đây là một quyết định khó khăn, khi mỗi cuốn sách là một câu chuyện riêng, một mảnh ghép riêng, và duy nhất.
Vượt qua trên năm đề cử khác đậm chất thời sự, Piranesi đã làm nên một kỳ tích như chính nội dung hàm chứa trong nó. Các đề cử còn lại của giải thưởng năm nay bao gồm Patricia Lockwood với cuốn tiểu thuyết đặc biệt No one is talking about this nhấn mạnh vào sự chi phối của internet. Trong khi đó, Unsettled Ground của Clair Fuller lấy bối cảnh nước Anh thời hậu Brexit của những người già bị bỏ lại phía sau. Transcendent Kingdom của nhà văn gốc Ghana Yaa Gyasi lại là tiểu thuyết cảm động về các mối quan hệ của một gia đình nghèo đói di cư, với xung đột sắc tộc, đối nghịch văn hóa, giấc mơ Mỹ và sự chữa lành, tự vươn lên.
Nữ văn sĩ Susanna Clarke phải vượt qua hội chứng mệt mỏi mạn tính để hoàn thành Piranesi - ẢNH: GUARDIAN
Hai đề cử còn lại bao gồm một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2020 - The Vanishing Half của Brit Bennett - một cuốn tiểu thuyết đậm tính sử thi vô cùng ngoạn mục về tiếng nói sắc tộc. Cherie Jones và How the one-armed sister sweeps her house đã mang người đọc đến đảo quốc Barbados và phơi bày số phận của những lai lịch phức tạp, về tình trạng bạo lực gia đình, hôn nhân tan vỡ, bất ổn tâm lý, cũng như các vấn nạn xã hội đằng sau hậu trường du lịch của đảo quốc này.
Piranesi là cuốn sách thứ hai, sau 14 năm tác phẩm đầu tay Jonathan Strange and Mr Norrell của Susanna Clarke ra mắt. Vẫn là những yếu tố fantasy (kỳ ảo) theo phong cách của C.S. Lewis, Diana Wynne Jones hay Neil Gaiman; nhưng lần này nữ văn sĩ đã đưa tưởng tượng của người đọc lên một tầm cao mới và mở rộng đến vô cùng. Nếu cuốn sách đầu tay là bản sử thi lấy bối cảnh Vương quốc Anh nhuốm màu ma thuật; thì Piranesi lại cá nhân hơn, nhưng cũng nhiều tầng ý nghĩa hơn.
Tiểu thuyết là câu chuyện kể về Matthew Rose Sorrensen - một phóng viên trên hành trình viết lại cuốn sách về nhà tiên tri, tiến sĩ và nhà thần học Arne-Sayles. Tham vọng của ông là xây dựng lại sợi dây kết nối tinh hoa từ thế giới cổ đại về bộ não con người; dẫn đến trong các lễ nghi mở rộng tâm trí, một thế giới mới song song mở ra, tách hẳn với thế giới thực. Thế nhưng có một quy luật trong dòng chảy này, khi một người nếu ở quá hai giờ sẽ liền mất trí tạm thời, lang thang với một niềm tin mình vốn thuộc về nơi đó.
Xây dựng được thế giới ấy đã đành, nhưng Arne-Sayles chưa khi nào cảm nhận được sợi dây ấy. Ông sớm bỏ cuộc và khóa con đường ấy lại, song Kettery - một môn đệ của ông - đã tự mình tiếp tục đường hướng đó, và cũng chính y đã tấn công và bắt nhốt Piranesi (hay Sorrensen) để phục vụ cho việc tính toán thủy triều, vẽ lại chòm sao nhằm tìm ra sự liên kết ấy. Đối với Piranesi, Kettery được biết đến dưới tên gọi mông lung là Người còn lại, sẽ gặp và trao đổi những thông tin này vào một ngày ấn định hằng tuần.
Tiểu thuyết kỳ ảo Piranesi - ẢNH: READINGLIST
Cuốn sách đi vào bước ngoặt khi 16 - một nữ cảnh sát thông qua Arne-Sayles - đã đi vào được thế giới này, và cố gắng cảnh báo Piranesi. Lợi dụng thủy triều đang lên cực đỉnh, hai người hợp sức thoát khỏi Kettery, tìm đường thoát khỏi xứ sở ấy. Thế nhưng Piranesi vẫn mãi hoài nhớ tòa nhà và những tầng mây, phải đến khi sự thật được nói ra, anh mới chính thức về lại đời sống để có được cuộc sống như xưa.
Điểm đặc biệt nhất của cuốn sách này là một thế giới giả tưởng vô cùng độc đáo đã được Susanna Clarke khắc họa nên. Đọc Piranesi ta có cảm tưởng như đang xem lại Ngôi nhà ngàn hành lang hay Lâu đài của pháp sư Howl, với những bức tượng cao Hy Lạp đại diện cho các điển tích, với khả năng mở ra vô tận của công trình này. Ngoài ra, khả năng nắm bắt và giữ mạch truyện của bà cũng là một yếu tố chính níu giữ người đọc. Sự thật dần hiện lên, các khúc quanh trinh thám cũng dần xuất hiện, đánh úp và vô cùng mới mẻ.
Nữ văn sĩ Bernardine Evaristo - Chủ tịch giám khảo năm nay - đã cho rằng đây là một tác phẩm thực sự độc đáo, chứa đầy bất ngờ, có sự kết hợp giữa các thể loại và thách thức định kiến về những gì mà một cuốn sách nên có. Trong bài phát biểu nhận giải, nhà văn Susanna Clarke cũng nói rằng: “Đây là cuốn sách tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết nên, vì liên tục nghĩ mình không đủ khỏe. Vì vậy, việc đoạt giải khiến tôi cảm thấy thật sự phi thường. Tôi rất vinh dự được ở đây. Và tôi hy vọng rằng việc tôi đứng đây đêm nay sẽ động viên những người phụ nữ khác đang mất khả năng lao động vì bệnh tật kéo dài”.
Phần thưởng cho người thắng giải năm nay là 30.000 bảng Anh. Giải Women’s Prize for Fiction có tiền thân là Orange Prize for Fiction, được thành lập năm 1996 với mục đích tôn vinh “tiểu thuyết xuất sắc nhất, nhiều tham vọng, được viết bằng tiếng Anh của mọi phụ nữ trên khắp thế giới”. Mùa giải năm ngoái chứng kiến sự chiến thắng của Hamnet - tiểu thuyết viết về con trai đại thi hào Shakespeare, cũng như nhà văn gốc Nigeria - Chimamanda Ngozi Adichie chiến thắng giải cuốn sách hay nhất trong 25 năm lịch sử giải thưởng này, với Nửa mặt trời vàng.
Theo nguồn: Văn nghệ Quân đội