Câu lục phá cách trong Truyện Kiều

Vanvn- Cùng là thơ lục bát, nhưng có bài nghe êm dịu, có bài lại trúc trắc, khó đọc. Nguyên nhân ngoài vần ra, còn do điệu, tức là thanh trắc và thanh bằng của các chữ trong câu quyết định điều đó.

 

Chúng ta biết rằng, với một câu thơ lục bát chuẩn thì chữ thứ 2 của câu lục cũng như của câu bát phải là thanh bằng, chữ thứ tư của mỗi câu phải là thanh trắc(*). Trong 1.627 câu bát của “Truyện Kiều”, câu nào cũng chuẩn, nghĩa là mọi câu đều có chữ thứ hai thanh bằng, chữ thứ tư thanh trắc. Nhưng trong 1.627 câu lục thì không như thế, nghĩa là có một số câu có chữ thứ hai thanh trắc, hoặc chữ thứ tư thanh bằng. Ta tạm gọi những câu lục như vậy là “câu lục lệch chuẩn” hoặc “Câu lục phá cách”. Trước hết ta hãy thống kê những câu lục ấy:

– Mai cốt cách, tuyết tinh thần

– Đau đớn thay phận đàn bà

– Nền phú hậu, bậc tài danh

– Người quốc sắc, kẻ thiên tài

– Khi tựa gối, khi cúi đầu

– Người nách thước, kẻ tay đao

– Đồ tế nhuyễn, của riêng tây

– Duyên hội ngộ, đức cù lao

– Nước vỏ lựu, máu mào gà

– Tin nhạn vẩn, lá thư bài

– Khi khóe hạnh, khi nét ngài

– Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

– Khi gió gác, khi trăng sân

– Khi hương sớm, khi trà trưa

– Khi chè chén, khi thuốc thang

– Sao chẳng biết ý tứ gì

– Có cổ thụ, có sơn hồ

– Khi Vô Tích, khi Lâm Tri

– Mụ quản gia, vãi Giác Duyên

– Hết nạn nọ, đến nạn kia

– Hại một người, cứu muôn người

– Người một nơi, hỏi một nơi

– Người yểu điệu, kẻ văn chương

– Tưởng bây giờ là bao giờ

– Thêm nến giá, nối hương bình

– Khi chén rượu, khi cuộc cờ.

Như vậy, ta tính được 26 câu lục lệch chuẩn, chiếm tỷ lệ chưa đến 1,6% tổng số câu lục. Trong 26 câu này thì có đến 21 câu có chữ thứ hai mang thanh trắc, và chỉ 7 câu có chữ thứ tư mang thanh bằng. Với những câu lục bát chuẩn, khi không thất vận, bao giờ nghe cũng êm tai; ngược lại với trắc bằng lệch chuẩn, ngay cả khi chuẩn vần, thường trúc trắc, khó đọc. Thế nhưng khi đọc “Truyện Kiều”, không câu nào ta có cảm giác trúc trắc, ngang ngang, ngay cả những câu lục lệch chuẩn. Nguyên nhân vì sao?

Ta biết rằng thơ lục bát thường ngắt nhịp từng cặp hai chữ một:

Trăm năm/ trong cõi/ người ta (2/2/2)

Chữ tài/ chữ mệnh/ khéo là/ ghét nhau (2/2/2/2)

Phần lớn những câu lục bát trong “Truyện Kiều” cũng được ngắt nhịp như vậy. Thế nhưng ở 26 câu lục lệch chuẩn trên kia, không câu nào Nguyễn Du ngắt theo nhịp 2/2/2 quen thuộc, mà ngắt theo nhịp 3/3. Như vậy, chính nhịp 3/3 trong câu lục có sức mạnh làm tiêu tan sự trúc trắc, cho phép một câu lục lệch chuẩn làm thành viên một cặp lục bát êm dịu, mượt mà. Phải chăng đây cũng là một “bí quyết” mà những người làm thơ lục bát chúng ta cần tham khảo?

 

Có người nói Truyện Kiều là tác phẩm văn chương duy nhất trên thế giới mà người dân sử dụng để đoán định hậu vận (?!)

Đọc lại 26 câu lục trên kia, ta thấy rằng, chúng không chỉ được ngắt theo nhịp 3/3; mà chỉ trừ ba câu: “Đau đớn thay phận đàn bà”, “Sao chẳng biết ý tứ gì”, “Người một nơi, hỏi một nơi”, còn 23 câu lục còn lại, mỗi câu được chia ra hai phần, tạo thành một cặp tiểu đối 3-3 hoàn chỉnh, và khi đó đọc lên nghe thuận tai hơn ba câu trên kia dù ngắt nhịp 3/3 nhưng không tạo thành tiểu đối.

Như trên đã nói, lục bát chuẩn thường có âm điệu du dương, lên bổng xuống trầm theo quy luật. Tuy nhiên nó cũng có “tác dụng phụ” là dẫn đến sự đơn điệu, nhất là đối với những bài thơ dài hay những truyện thơ hàng ngàn câu. Có đôi khi những câu lệch chuẩn giống như con ngựa bất kham dễ quật ngã những nài ngựa. trình độ hạn chế, nhưng với những nài ngựa giỏi thì tìm được cái hay ở chúng. Với “đàn ngựa ngôn ngữ” thì Nguyễn Du là nài ngựa kỳ tài, có phép riêng để sử dụng những con ngựa lệch chuẩn, để cho lục bát trong “Truyện Kiều” giàu âm điệu, tiết tấu, tránh được sự đơn điệu thường tình.

Cũng cần lưu ý rằng, khi không thể ngắt nhịp 3/3 thì đại thi hào tìm cách hoán vị các từ, chứ không chịu để cho câu lục lệch chuẩn xuất hiện. Ví dụ như khi nói về Hoạn Thư:

Ở ăn thì nết cũng hay

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta thường nói nết “ăn ở”, chứ không mấy khi nói “ở ăn”. Nguyễn Du thừa biết điều ấy, nhưng nếu dùng “ăn ở” thì chữ thứ hai câu lục mang thanh trắc: “Ăn ở thì nết cũng hay”, không thể ngắt theo nhịp 3/3, thế là “con ngựa bất kham” này không có “chiêu ngắt nhịp” để trị, không thể dùng được, nên đành phải hoán vị hai chữ đầu câu để đưa nó về một câu lục chuẩn.

Để giúp các bạn dễ nhớ 26 câu lục trên, tôi ghép chúng lại trong một bài lục bát như sau:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ, phong trần khác xa

Đau đớn thay phận đàn bà

Sống làm vợ khắp người ta, tội tình

Nền phú hậu, bậc tài danh

Tình đầu ngắn ngủi sau dành phần ai

Người quốc sắc, kẻ thiên tài

Vô duyên, chỉ để vắn dài dòng châu

Khi tựa gối, khi cúi đầu

Bên nhau ai biết về sau thế nào

Người nách thước, kẻ tay đao

Đầu trâu mặt ngựa ào ào đến ngay

Đồ tế nhuyễn, của riêng tây

Chắt chiu bao thuở, một ngày sạch lau

Duyên hội ngộ, đức cù lao

Nhẹ tình, nặng hiếu lòng đau biệt nhà

Nước vỏ lựu, máu mào gà

Tính toan của Mã nghe mà sởn gai

Tin nhạn vẩn, lá thư bài

Khi khóe hạnh, khi nét ngài, mà kinh!

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình, chiếc thân

Khi gió gác, khi trăng sân

Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ

Khi hương sớm, khi trà trưa

Bàn vây điểm nước, vần thơ họa đàn

Khi chè chén, khi thuốc thang

Không hay địa ngục, thiên đàng là chi

Sao chẳng biết ý tứ gì

Cho chàng buồn bã tội vì Hoa Nô

Có cổ thụ, có sơn hồ

Đêm Quan Âm Các lần mò trốn đi

Khi Vô Tích, khi Lâm Tri

Thương thay thân gái chuyển di bao miền

Mụ quản gia, vãi Giác Duyên

Mấy lần gặp gỡ, mấy phen chia lìa

Hết nạn nọ, đến nạn kia

Biết bao giờ mới yên bề thảnh thơi?

Hại một người, cứu muôn người

Người một nơi, hỏi một nơi, lầm đường

Người yểu điệu, kẻ văn chương

Đoàn viên một cuộc tình thương vô bờ

Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Tưởng bây giờ là bao giờ, nét xinh

Thêm nến giá, nối hương bình

Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan…

 

Dùng bao câu chữ làng nhàng

Chỉ mong chuyên chở hạt vàng văn chương!

VƯƠNG TRỌNG/ VNCA

_____________________________

(*) Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du không sử dụng thể lục bát gieo vần ở chữ thứ tư câu bát, nên ở đây không bàn về thể

Các tin khác:

Luận về những tiếng đàn

Đỗ Anh Vũ

 

Trong bảy môn nghệ thuật mà loài người đã sáng tạo ra, âm nhạc có thể nói là bộ môn dễ thưởng thức nhất đối với đông đảo công chúng. Âm nhạc của thiên nhiên có lẽ đã đến với con người từ những thứ thật gần gũi như chim hót líu lo, suối chảy róc rách, sóng biển rì rào... Âm nhạc đến với mỗi tuổi thơ từ lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ...

1-5 of 95<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter