Chuyện ông Can Vị

Truyện của Thái Sinh

Trước khi kể chuyện ông Can Vị ở làng Tào, tôi muốn nói đến cây mít ngoài bãi bồi ven bờ sông mà cô đội Đỗ Thị Khiêm đã thắt cổ tự tử trên cây mít vào năm cải cách ruộng đất do xấu hổ vì chửa buộm với đội Nhung. Sau cải cách, gia đình bà Hoạt ở xóm Dom được chia mảnh đất đó, bà Hoạt trồng cấy nhì nhằng độ vài ba năm, vì bà hay nhìn thấy ma trên cây mít nên mảnh đất bỏ hoang. Khi thành lập hợp tác xã thì mảnh đất đó được nhập vào hợp tác xã để trồng mía.

Sau mấy chục năm cây mít to cỡ người ôm, cành lá xùm xòa quả sai trĩu cành, nhiều quả mọc ngay sát gốc, nhưng không ăn được, vì bị ma vày. Quả nào chín thì múi nát bét, nhũn nhùn nhùn, còn trẩy xanh thì múi sượng không ăn được.

Cây mít mỗi ngày một to, cành lá xum xuê chiếm đến mấy chục mét vuông, hợp tác xã mấy lần thuê người chặt để lấy đất trồng mía, nhưng không ai dám chặt. Có người làm thợ mộc ở làng Lủa tên là Ngạnh được thuê chặt, người ta hứa cho ông toàn bộ số cành, hợp tác xã chỉ lấy thân để đóng bàn ghế. Nhưng khi ông này vừa bổ nhát rìu vào thân cây thì bị bật ra ngã chỏng gọng, nằm mê man bất tỉnh, gia đình phải khiêng về, ông ta ốm mấy tháng thì mất.

Ít lâu sau có người ở làng Phùng Thương nhận chặt, ông ta làm lễ xin âm dương đến bảy lần không được, bực quá ông uống rượu thật say để xua đi nỗi sợ hãi, nhưng cứ giơ rìu lên thì như có người kéo tay ông lại không thể bập lưỡi rìu vào gốc cây được. Tức quá, ông hét một tiếng thật lớn rồi dùng hết sức vung rìu chém vào gốc cây, lưỡi rìu bật lại cắm phập vào bàn chân ông máu tuôn chảy như suối, mọi người hoảng quá vội cõng ông về. Từ đó không ai dám nghĩ đến việc chặt cây mít nữa.

Người làng Tào không mấy ai lảng vảng quanh cây mít, kể cả lũ chăn trâu cũng chẳng đứa nào dắt trâu vào gốc mít trú mưa, trú nắng. Mọi người làm đồng thường trú nắng dưới gốc cây xoài cách đó không xa nằm trên một gò đất lổn nhổn đá. Nghe các cụ cao niên ở làng Tào nói rằng trên cây mít đó có rất nhiều oan hồn trú ngụ, những người đi làm đồng sớm hay về muộn thường nghe tiếng khóc nỉ non từ cây mít vọng ra, mẹ tôi cũng kể có lần bà đi cấy cố cho xong đám ruộng, trời sập tối lúc nào không biết, khi đi qua cây mít thấy người nói chuyện lào xào trong tán cây, rồi tiếng khóc nghe não nề lắm, có bận lại nhìn thấy những con đom đóm to bằng vốc tay bay chan chan quanh gốc cây, thỉnh thoảng lại thấy quầng lửa phụt lên từ bãi tha ma bay đến đậu trên ngọn cây mít. Những lần như thế mẹ tôi cắm đầu cắm cổ đi, không dám nhìn vào cây mít, sợ lắm.

 Một đêm thằng Bông dẫn đám trẻ con choai choai khoảng chục đứa mò ra bãi bồi xem ma trên cây mít, tôi cũng trong đám trẻ ấy háo hức đến xem mặt mũi ma thế nào. Trời tối một lúc lâu, thằng Bông dẫn đám trẻ chúng tôi ra đồng, với dáng vẻ hùng dũng nó dẫn đầu đi trước, sau khi vượt qua cánh đồng lúa cấy đã xanh rì, tháng ba mưa phùn lay phay đi được một quãng thì tóc và mặt đứa nào cũng ướt đẫm, ở đồng lại nhiều gió nên đứa nào cũng cảm thấy rất lạnh.

Chúng tôi lặng lẽ đi, cỏ dưới chân ướt nhoèn nhoẹt, tiếng giun rế và ếch nhái cùng cất lên bản hòa tấu thê lương dài không dứt. Thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng ếch nhảy ộp oạp trong ruộng lúa, đầu tháng tư mưa rào xuống khi cây lúa đã đứng cái chuẩn bị trổ bông cũng là mùa sinh sản của lũ ếch. Từng cặp ríu vào nhau trong mưa, người đi bắt ếch cầm đuốc nghe tiếng ếch kêu nơi nào đến đó nhặt cho vào giỏ. Có lần tôi theo anh Đích đi bắt ếch, đêm mưa bước chỗ lầy chỗ thụt bắt được mấy con ếch về người lấm như ma vùi, rét run cầm cập, mẹ tôi phải đốt lửa sưởi để khỏi cảm lạnh, từ đó bà cấm không cho đi bắt ếch, bảo:

- Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Trời mưa gió thế này, mày bé choắt thế kia gió thổi bay mất mạng…

Chúng tôi đã vượt qua cánh đồng chạm chân vào bãi bồi, đang đi thằng Bông chợt dừng lại, nó ngồi thụp xuống quan sát, phía trước mặt một hình người đội nón dáng cao lớn như ông hộ pháp, hai tay cầm hai lá cờ phất liên hồi trong gió, nghe phần phật. Chúng tôi ngồi nép sát vào nhau, thằng Bông quay lại thì thầm:

- Chẳng lẽ là ma?

Nó chỉ nói mấy tiếng như thế, bốn năm đứa trẻ cùng hét toáng lên:

- Ma! Ma!…

Chúng quay đầu chạy thục mạng, chỉ còn thằng Bông và tôi với một đứa nữa có vẻ bạo gan ngồi lại. Sau một hồi quan sát, thằng Bông bật cười khanh khách:

- Bố khỉ, tưởng ma, hóa ra là bù nhìn coi ngô…

 Thì ra sau khi gieo ngô xong, người ta dựng những bù nhìn rơm để xua đuổi lũ chim xuống bới đất ăn những hạt ngô, đỗ mới nảy mầm. Chúng tôi đếm được năm ông bù nhìn rơm đứng ở bốn góc ruộng và một ông đứng giữa bãi, tay ông nào cũng cầm cờ phất liên hồi trong gió. Thằng Bông dẫn chúng tôi tiếp tục đi những bước chân thận trọng, khi tới gần cây mít chừng chục mét thì dừng lại ngồi nấp sau một bụi cây căng mắt nhìn lên cây mít.

Rất nhiều đom đóm, có những con đom đóm to bằng cái chén xanh lè bay từ dưới sông Đáy lên mất hút vào tán mít. Trên cây mít ngoài tiếng lá nghe lào xào trong gió chúng tôi còn nghe thấy rất nhiều thứ tiếng, một con cú ăn đêm thỉnh thoảng lại rúc lên: Cú, cú, cú... nghe rợn tóc gáy.

Thằng Bông ngó ngoáy nhặt một hòn đá rồi vụt đứng dậy ném rào lên ngọn cây làm những con chim trú trên cây bay ra loạn xạ, một con chim mãnh ma to như chiếc diều bay sạt lên đầu chúng tôi, tiếng nó rít lên òa òa khiến đứa nào cũng sợ hãi nằm rạp xuống. Một đám lân tinh to như cái ấm ủ từ phía bãi tha ma phụt lên bay về phía cây mít, nó bay xoay tròn chấp chới mỗi lúc một gần chúng tôi. Thằng Bông đứng vụt dậy cắm đầu cắm cổ chạy, tôi thấy thế thì hoảng quá vội chạy bán sống bán chết theo nó, mấy lần ngã dúi dụi xuống bờ ruộng người lấm lem. Khi về tới đầu làng thằng Bông dừng lại, nó nói giọng hổn hển:

- Cây mít ấy có ma thật chúng mày ạ. Phía sau khối lửa tao thấy một người đàn bà đeo một cái giỏ đi từ phía sông Đáy lên, đầu tóc rũ rượi. Tao nghĩ là cô đội Khiêm, lưỡi cô ta thè ra xanh lè, kinh quá…

 

Ông Can Vị và bà Giáo Minh sau đêm bị mấy dân quân bắt quả tang chuyện giai gái dẫn lên ủy ban xã, do quá xấu hổ bà Giáo đã ra ngoài bãi thắt cổ tự tử trên cây mít mà năm xưa cô đội Khiêm cũng ra đó thắt cổ. Ông Can Vị trở nên dở điên dở khùng vác rìu ra chặt cây mít ở bờ sông nơi hai người đàn bà tự tử.

Không ai dám can, nhiều người nghĩ rằng sau chuyến này ông Can Vị sẽ bị ma quỷ trên cây mít bóp cổ chết sặc tiết. Đa số người dân làng Tào mừng thầm trong bụng, họ không muốn nhìn thấy cây mít đó, không chỉ là cây mít ma mà còn là nơi chết chóc. Hai người đàn bà tội nghiệp đã chọn cây mít để thắt cổ tự tử rồi, sẽ còn bao nhiêu người nữa trót dại đến đó để quyên sinh?

Ông Can Vị chặt cây mít đến ngày thứ năm thì con gái ông là chị Vị và thằng Thiệp biết chuyện, hai người chạy đến can, cũng là lúc cây mít sắp đổ. Ông vứt cái rìu xuống đất xoa hai bàn tay vào nhau:

- Chúng mày sao giờ mới tới bảo tao? Tao chặt cây mít này để trừ họa cho làng. Nếu ma quỷ hại thì chỉ hại một mình tao, còn hơn để đó sẽ còn nhiều người đến đây tự tử. Âm khí nơi này nặng lắm, chúng mày về nhanh đi, chỉ vài nhát rìu nữa là cây mít đổ xuống, nhiều âm hồn theo chúng mày về nhà thì khốn…

Hai đứa cố kéo ông Can Vị về, nhưng không kéo được, ông quệt những đốm nhựa cây đùn ra từ vỏ cây mít màu đỏ xoa lên mặt khóc nức nở. Ông khóc cho kiếp người khốn khổ của ông chưa tới 40 tuổi vợ đã chết, để ông và hai đứa con sống nheo nhóc trên đời, muốn uống một hớp rượu cũng không được, nấu rượu bằng chính thóc gạo nhà mình người ta cũng không cho, bắt ông đeo bộ đồ nấu rượu dẫn quanh làng như một kẻ tội đồ.

Ông khóc cho cô đội Khiêm, ai đã xui khôn xui dại cô đi làm bà đội để vu cáo hết người này đến người khác, rồi chẳng biết đội Nhung hứa hẹn gì mà ăn nằm với ông ta, đến nỗi phải ra đây tự tử. Ông khóc gọi tên bà Giáo Minh, bà thật lòng thương yêu tôi mà tôi không biết, tôi là kẻ đáng chết hơn bà, sao đêm ấy tôi lại hủ bại như vậy? Tôi có thể báo với họ tộc và các con cùng chính quyền trước khi ăn nằm với bà. Tại sao tôi lại làm thế để bọn dân quân nhìn thấy bắt cả bà và tôi? Thật khốn nạn! Tôi và bà là hai kẻ khốn nạn, mà sao bà lại ra đây chọn cái chết vì sự xỉ nhục của dân làng?

Vừa lảm nhảm nói những lời như thế, ông Can Vị đuổi hai đứa con về:

- Đến nước này thì để ma quỷ, thần linh bắt một mình tao thôi, chúng mày về đi, đừng để những oan hồn theo chúng mày về…

Chị Vị và thằng Thiệp bật khóc rồi lặng lẽ quay về làng. Khi hai người về đến đầu làng thì cây mít răng rắc đổ, cây cao đến gần ba chục mét đổ rầm xuống làm sáng cả một góc trời, đàn quạ cùng chim chóc bay loạn xạ kêu thất thanh. Ông Can Vị ngồi thần ra một lúc rồi đứng dậy chặt đoạn cành cây nơi cô Khiêm và bà Giáo Minh buộc thừng vào đấy tự tử vác về nhà.

Đêm ấy trời nổi một trận mưa giông rất lớn quét qua làng Tào làm gãy đổ nhiều cây cối, một số bụi tre bị đánh bật gốc, khiến nhiều mái nhà bị tốc mái, trong đó ba ngôi nhà của ba người dân quân đã bắt ông Can Vị và bà Giáo Minh đêm nào ở cuối làng đều bị sập. Nghe chuyện đó, mẹ thôi thở dài bảo với thầy tôi: Ác giả ác báo, trời có mắt cả đấy ông ạ…

Trời mưa cũng làm sụt một góc miếu cụ Điếc, ông Can Vị bới đất tìm tổ mối để lấp đất thì bất ngờ thấy một hộp gỗ sơn son thiếp vàng được bọc bởi tấm lụa đỏ, khi mở ra trong hộp gỗ đó thấy một khúc gỗ tạc một hình người, đầu rồng khắc hai chữ “thiên tự” bằng chữ Hán. Ông không hiểu hai chữ đó muốn nói nên điều gì. Có thể đây là bùa yểm của các cụ ngày xưa khi xây ngôi miếu này. Ông hãi quá đặt hộp gỗ về lại chỗ cũ rồi lấp đất lên.

Mấy ngày sau ông cặm cụi đẽo cành mít thành hai người đàn bà rồi lập miếu thờ ngay trong vườn nhà mình. Chẳng hiểu vì sao làng Tào cuối năm ấy đến năm sáu đứa con gái không chồng mà vác bụng to tướng, làng tôi gọi là chửa buộm.

Những gia đình có con gái không chồng mà chửa lần lượt mang lễ đến miếu cụ Điếc nhờ ông Can Vị làm lễ tạ, ngoài ra họ còn gửi ông Can Vị mấy đồng bạc để trả ơn. Ông Can Vị ngạc nhiên lắm, thì được các gia đình đó giải thích rằng: Nếu ông không chặt cây mít ở bãi bồi ngoài bờ sông Đáy thì con cái chúng tôi chắc sẽ đến đó thắt cổ tự tử. Kể từ ngày ông chặt cây mít đó âm khí của làng Tào bớt đi nhiều…

Lại nói về cái miếu trong vườn nhà ông Can Vị thờ hai oan hồn cô đội Khiêm và bà Giáo Minh, chẳng hiểu ai đồn thổi thế nào mà những cô gái cao số khó lấy chồng, hay những người nhỡ nhàng đường duyên… đều đến vật nài ông làm lễ cho họ.

Tôi rời khỏi làng Tào nay đây mai đó chẳng mấy khi trở về, còn nhớ mùa mưa năm ấy tôi về thăm làng đúng vào những ngày nước to, nước dâng mấp mé mặt đê, đồng ngập trắng băng, làng Tào giống như ốc đảo nếu đê vỡ thì tất cả sẽ bị nước cuốn ra ngoài biển khơi. Thanh niên trong làng đều huy động lên hết mặt đê, thấy chỗ nào nước sủi bọt qua thân đê thì mang đất đá lấp lại ngay. Những người trong làng bắt đầu mang thóc gạo lên gác trên mái nhà, tất cả nhốn nháo lo chạy nước ngập. Bởi trước khi tôi sinh chừng ba bốn chục năm đê làng tôi cũng đã vỡ ngay chân dốc Hiệp, nước xoáy thành cái đầm to tướng. Nghe các cụ kể lại vụ vỡ đê năm ấy làng Tào chết rất nhiều người, nhà bị chìm bị trôi non nửa. Nên bây giờ nghe chuyện vỡ đê ai cũng hãi.

Tôi chạy sang nhà ông Can Vị, ông không lo chạy thóc lúa lên gác, mà đóng một cái bè chuối rồi đặt hai bức tượng gỗ lên cái bè chuối đó, phủ lên một tấm lụa đỏ, bảo tôi:

- Anh giúp tôi khiêng cái bè này lên đê, tôi muốn trả họ về biển, nơi họ sinh ra…

Tôi thấy gương mặt ông rất buồn và bí ẩn nên không dám hỏi cùng ông khiêng bè chuối lên vai, xung quanh bè cắm 9 lá cờ giấy, hương khói nghi ngút. Ông đi trước vừa đi vừa lẩm bẩm điều gì tôi không nghe rõ. Khi lên tới đê ông vái trời vái đất rồi nhẹ nhàng thả bè chuối xuống sông đẩy ra xa:

- Sống khôn thác thiêng cô và bà hãy đi đi, về miền thăm thẳm yêu thương, đừng quay lại làng Tào nữa…

Ông ngồi xuống đê nhìn theo cái bè chuối trôi theo dòng nước ngầu ngầu đục cùng rều rác và bèo tây từ trên mạn ngược cuồn cuộn chảy về. Tôi nhìn thấy nước mắt ông chảy dài trên đôi má nhăn nheo, một lúc sau khi không nhìn thấy cái bè chuối nữa ông mới đứng dậy quay trở về làng. Ông ngửa mặt nhìn trời rồi nói với tôi giọng mơ hồ:

- Trời sẽ không mưa nữa đâu, chắc đêm nay nước xuống thôi…

T.S

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 336<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter