“Lẩu cáy” xuống phố

Ký của NGUYỄN TÂM

 

Trở về sau chuyến công tác ở vùng cao Trạm Tấu đã lâu mà tôi cứ mãi không quên thứ hương thơm mát, nồng nàn của bông lúa nếp non trên những thửa ruộng bậc thang của đồng bào Mông, rồi cả cái vị ngọt thơm, đậm đà quyện trong hạt xôi căng tròn, dẻo quánh trên mâm cơm khách ở phố huyện. Dù không phải là “tín đồ” của món nếp, nhưng tôi vẫn luôn mê nhất món xôi được đồ từ nếp Tan Tú Lệ bởi hương vị ngọt ngậy, đậm đà, dẻo thơm mà chưa có bất kỳ loại nếp nào có được. Lần này lên Trạm Tấu, bất ngờ gặp và được thưởng thức hương vị quen thuộc ấy, dù không sánh bằng nếp Tú Lệ nhưng “Lẩu cáy” cũng đủ khiến tôi ngược lên cánh đồng Tà Ghênh ở Xà Hồ để tận mắt chiêm ngưỡng thức quà tinh túy mà thiên nhiên ban tặng cho đồng bào Mông nơi đây.

Vốn là một trong 56 huyện nghèo nhất cả nước, Trạm Tấu khiến người ta hễ nhắc đến là thường nghĩ ngay tới một huyện vùng núi 30A với những khó khăn chồng chất: đường vào chỉ độc đạo một con đường tỉnh lộ 174, thường bị cô lập với bên ngoài mỗi khi có thiên tai, sạt lở do bão lũ; hơn 11 vạn dân thì hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có gần 80% dân số là đồng bào dân tộc Mông; thời tiết khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá, mùa hè thì trong một ngày cũng có đủ thời tiết của bốn mùa, sáng nắng ấm như mùa xuân, buổi trưa trời oi bức với gió khô nóng, chiều xuống khí hậu lại mát mẻ như mùa thu, tối đến trời lại lạnh như mùa đông... Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn khiến cho kinh tế- xã hội của huyện gặp nhiều gian nan, đời sống của bà con bao năm vẫn không thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, từ những chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương trong chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, tận dụng, phát huy những lợi thế, xây dựng nông thôn mới gắn với liên kết sản xuất, khai thác sản phẩm đặc trưng của địa phương; cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc trong huyện mà đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn của Trạm Tấu đang từng ngày thay đổi. Được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng hùng vĩ và bầu không khí trong lành, Trạm Tấu trở thành điểm đến lý tưởng hấp dẫn du khách tới khám phá và trải nghiệm những sản phẩm du lịch đặc sắc như nghỉ dưỡng ở Suối khoáng nóng; ngắm không gian mênh mang, bồng bềnh trên bản Cu Vai thơ mộng; chinh phục những đỉnh cao với những câu chuyện đẹp như cổ tích và biển mây trắng ngập trời trên đỉnh Tà Chì Nhù hay kỳ quan hùng vĩ Tà Xùa; để được thả mình dưới thác nước Tà Xùa trong vắt, mát lạnh giữa ngày hè hay chỉ đơn giản là hóng gió giữa vi vút đồi thông xanh và nhâm nhi chén trà shan tuyết được thu hái từ đỉnh núi Phình Hồ cao tới 1.500m so với mực nước biển và thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị đặc trưng riêng có của núi rừng Tây Bắc. Nói đến những món ăn đặc trưng, cùng với nét đặc trưng về văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống, Trạm Tấu cũng là mảnh đất được thiên nhiên ban tặng cho nhiều thức quà quý như lợn đen, gà đen, măng ớt, nếp nương, lẩu cáy, khoai sọ, tinh dầu xả… Nhất là mấy năm gần đây, sự nhạy bén của các tổ chức kinh doanh và những thương buôn trước nhu cầu và sự tinh, sành của thực khách; thêm vào đó là sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ số mà ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch, nông nghiệp của người nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện được nhiều người biết đến và có mặt ở nhiều thị trường lớn.

Trong chiến lược phát triển kinh tế, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, chứng nhận OCOP vẫn luôn được coi là một giải pháp trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Là một trong những địa phương đi đầu trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP trong khu vực miền núi phía Bắc, trước yêu cầu thực tiễn của quốc gia và của tỉnh trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”- OCOP, tiếp nối Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019- 2020, định hướng đến năm 2030”, năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm đánh giá đầy đủ hiện trạng thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, đánh giá tiềm năng, cơ hội và phân tích, dự báo bối cảnh mới có tác động tới phát triển kinh tế- xã hội nông thôn… Sau ba năm triển khai Chương trình OCOP, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 138 sản phẩm (OCOP) được đánh giá, phân hạng và được cấp giải chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Trong đó có 118 sản phẩm 3 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh, và nhiều sản phẩm có tiềm năng đạt được 5 sao. Xác định đây là đề án trọng tâm để phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, của huyện, những năm qua, Trạm Tấu đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, từ xây dựng nông thôn mới, người dân đã dần thay đổi tư duy, cùng nhau liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nhau sản xuất, phát triển kinh tế. Kể từ năm 2019 đến nay, huyện đã có 8 sản phẩm nông nghiệp, du lịch được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên, 3/12 đơn vị cấp xã có sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Bước vào giai đoạn 2022- 2025, toàn tỉnh có 138 sản phẩm đã được đánh giá lại và thêm 177 sản phẩm nâng cấp, phát triển mới, trong đó Trạm Tấu đang và sẽ góp mặt 23 sản phẩm và số xã có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình đã tăng lên 8/12 đơn vị. Khi đã trở thành sản phẩm OCOP, các sản phẩm bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, nhất là dịch vụ du lịch; giá trị sản phẩm được nâng lên, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa của Trạm Tấu.

Trong số 23 sản phẩm mà Trạm Tấu đăng ký xây dựng thương hiệu OCOP giai đoạn 2022- 2025, ngoài các sản phẩm du lịch ít nhiều đã làm nên tên tuổi của Trạm Tấu như Điểm du lịch Tà Xùa; Điểm du lịch leo núi mạo hiểm Tà Chì Nhù, Điểm du lịch cộng đồng Cu Vai thì cũng có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng riêng có của Trạm Tấu, đã và đang được thực khách yêu mến, trong đó có Lẩu cáy- một loại gạo nếp đặc sản của đồng bào Mông vùng cao. Tìm lên Xà Hồ để được nghe câu chuyện về cây lúa nếp đem đến hương vị dẻo thơm đặc trưng của núi rừng ấy, tôi được Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đặng Tiến Dũng cùng cán bộ Địa chính- Nông nghiệp người Mông trẻ tuổi Hờ A Giao đưa đi thăm những thửa ruộng Lẩu cáy trên cánh đồng Tà Ghênh. Ngày cuối năm, lúa trên những thửa ruộng bậc thang đã chín vàng, tỏa ra hương thơm nồng nàn và trải lên khắp sườn non một màu vàng no ấm. Giữa cánh đồng rộng hơn 50ha, những thửa ruộng cấy Lẩu cáy không nhiều nhưng chỉ cần qua lời giới thiệu, miêu tả sơ qua là chúng tôi cũng nhanh chóng nhận ra mà không cần phải tìm kiếm. Lẩu cáy là giống lúa đã gắn bó với đồng bào Mông không biết từ bao giờ. Theo tiếng Mông, Lẩu cáy vốn được gọi là “plảu cấy”, nghĩa là nếp gà, sau này người Thái lấy giống về trồng, đọc thành “lẩu cáy” lâu dần thành quen. Người Mông xưa nay không ăn cơm nếp nhiều như người Thái, thường chỉ dùng vào những dịp lễ tết hay những lễ thức quan trọng cho nên Lẩu cáy không được trồng nhiều như gạo tẻ. Lẩu cáy là giống lúa có những đặc tính rất riêng, kén đất, kén cả thời tiết, khí hậu và cách chăm sóc nên không thể trồng đại trà và không phải nơi nào cũng cấy được. Với đặc tính thân cây cao, to nhưng rất mềm, hạt lại to, chắc, nặng nên dễ gãy đổ; thời gian sinh trưởng, phát triển lâu hơn các giống lúa khác nên chỉ được trồng trong khung thời vụ duy nhất trong năm là vụ mùa. Theo Hờ A Giao chia sẻ, Lẩu cáy là giống lúa đã theo người Mông từ rất xa xưa nhưng lại là lúa nước chứ không phải là lúa nương. Cây lúa có nhu cầu rất cao về ánh sáng, độ ẩm và nhất là phải đủ nước, cho nên thường phải sau tháng 3, tháng 4 bà con mới bắt đầu cấy và phải sang đến tháng 10, 11 lúa mới bắt đầu chín. Tuy rất “khó tính” khi trồng cấy nhưng bù lại, khi đã thành những hạt gạo to mẩy, căng tròn thì Lẩu cáy lại làm nên món xôi đặc sản của vùng cao Trạm Tấu bởi sự thơm dẻo, ngọt bùi riêng có chỉ chịu xếp sau nếp Tan tú Lệ chứ không thua bất cứ một loại nếp nào khác.

Với chủ trương tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhất là thúc đẩy phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp và các sản vật của địa phương, những năm gần đây, Trạm Tấu đã vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất, đưa cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, biến sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa, giúp người dân thoát nghèo bền vững, trong đó có cây khoai sọ, lúa nếp 87, nếp cẩm nương, Lẩu cáy… tạo ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất, phát huy những cây trồng chủ lực, đặc sản của huyện; giúp người dân thâm canh chăm sóc cây trồng, tạo việc làm nâng cao thu nhập, từng bước hình thành chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm. Bởi chất lượng đặc biệt của giống lúa nên từ lâu, đồng bào Mông và Thái ở các xã, bản trong huyện cũng đã nhân rộng sản xuất, song do đặc tính “khó chiều” của cây lúa nên diện tích trồng chưa được nhiều. Tuy nhiên, cùng với nếp nương Trạm Tấu và nhiều loại gạo đặc sản khác, qua nhiều hình thức như làm quà biếu, bán hàng online qua mạng xã hội hay được khách du lịch lựa chọn mua về làm quà mỗi khi đến với Trạm Tấu đã giúp Lẩu cáy được thực khách ở nhiều nơi biết đến và yêu thích, nhất là thực khách ở các thành phố lớn. Chỉ cần gõ hai từ Lẩu cáy trên Google hay lướt dạo trên facebook, ta có thể thấy rất nhiều địa chỉ và trang quảng cáo bán mặt hàng này. Điều đó cho thấy Lẩu cáy đã không còn chỉ là thực phẩm của đồngbào Mông trên núi, mà nó đã “xuống phố”, trở thành món ăn đặc sản, thành một thức quà quý được nhiều người tìm kiếm và thưởng thức.  Không chỉ có vậy, năm 2022, Lẩu cáy đã được Hợp tác xã kinh doanh, sản xuất, dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Vốn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Chương trình OCOP và tâm huyết dành cho những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, Lẩu cáy là sản phẩm thứ 3 được HTX Hưng Thùy xây dựng thương hiệu và chứng nhận OCOP 3 sao. Cũng giống như 2 sản phẩm khoai sọ và măng ớt Trạm Tấu, bằng những cách làm riêng giúp bà con mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, Lẩu cáy sẽ sớm được HTX Hưng Thùy đem tới góp mặt ở các hội chợ, sàn thương mại điện tử và các thị trường rộng lớn, để dần trở thành một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của địa phương.

Năm 2020, tỉnh Yên Bái đã khởi công dự án đường nối Quốc lộ 32 với tỉnh lộ 174. Khi tuyến đường này được hoàn thành và đưa vào sử dụng, thế độc đạo của huyện Trạm Tấu sẽ được phá vỡ, khoảng cách giữa các xã vùng cao Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Xi Láng đến trung tâm huyện cũng sẽ được rút ngắn, sản xuất giao thương từ đây sẽ có nhiều thuận lợi, đời sống kinh tế- xã hội của đồng bào sẽ ngày càng được nâng lên. Và rồi kể từ đây, mỗi khi nhắc đến Trạm Tấu, người ta sẽ không còn nghĩ đến một huyện nghèo 30A heo hút, mà sẽ nhớ đến một Trạm Tấu xinh đẹp với đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù bồng bềnh mây trắng, nhớ đến đồi thông vi vút gió, suối khoáng nóng… hay nhớ đến món măng ớt cay nồng, nếp thơm Lẩu cáy đã ngàn đời gắn bó với những con người vùng cao mộc mạc, giản dị nhưng luôn trọng tình, hiếu khách ở nơi đây.

                                                                                    N.T

 

Các tin khác:

1-5 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter