Về với “Miền quê đáng sống” Đại Minh

Ký của HOÀNG KIM YẾN

 

Đại Minh mùa bưởi chín rộ. Trên khắp các ngả đường bê tông chạy về từng ngõ xóm, bưởi uốn câu sà xuống mặt người đi. Những trái bưởi tròn căng, tươi màu nắng, toả thứ hương thơm man mát lan trong gió thoảng. Đâu đó có một vài xe bán tải lướt ru êm trên mặt đường bê tông vào tận vườn bưởi để rinh về thứ bưởi ngon có tiếng, đã từng được tiến vua làm quà cho người thân. Những tỉ phú vườn bưởi lại được dịp săm sắn ngước lên những tán lá xanh lấp lánh nắng trời, lựa những trái bưởi tròn đều, nặng tay trao cho khách. Hai trăm quả, năm trăm quả và nhiều hơn thế lặng lẽ theo xe toả về khắp ngả, mang theo hương đất, hương rừng và tình người Đại Minh đến người thưởng thức. Trong niềm vui được mùa, những chủ vườn bưởi lại kể cho chúng tôi về những ngày không xa. Khi ấy bưởi Đại Minh suýt nữa bị chìm vào quên lãng. Dân Đại Minh- những người đã coi cây bưởi là một phần cuộc sống của mình ngậm ngùi cầm cưa xăng cắt đi những gốc bưởi đã từng đồng hành đói khổ với họ những ngày đã xa. Không phải vì họ bạc với cây cối trong vườn mà vì bưởi cứ ngày càng kém đi, cả một vườn bưởi hàng mấy chục năm tuổi có năm chả cho quả nào. Họ không tìm được lý do khiến bưởi “kiệt sức” đến vậy. Đã có những cây bưởi to bằng thùng sơn bị đốn, dân xót một, cán bộ xã xót mười. Ấy là những căn cớ để lãnh đạo xã lên cầu cứu lãnh đạo huyện, lãnh huyện lên đề nghị với lãnh đạo tỉnh, mong tìm một hướng đi tốt nhất cho bưởi Đại Minh. Một dự án cấp tỉnh nhằm khôi phục vùng bưởi Đại Minh được thực hiện. Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương đã nằm vùng tại Đại Minh 2 năm liền để tìm ra một lời giải đáp. Phương pháp thụ phấn chéo được thử nghiệm thành công từ những ngày lăn lộn đó. Vận dụng kỹ thuật thụ phấn chéo ấy, bưởi lại cho những mùa quả bội thu. Thu nhập hằng năm của người dân từ 30 đến 40 triệu tăng lên 100 đến 150 triệu. Ấm no lại về.

Anh Định- Chủ vườn bưởi trầm ngâm vỗ vỗ vào thân cây bưởi ngót 100 năm tuổi. Cây bưởi đã được tổ tiên của anh tự tay trồng xuống đất này. Những thăng trầm của thời gian đã ẩn vào trong từng thớ gỗ. Cây đã vững trãi giữa trời đất Đại Minh, chứng kiến biết bao thăng trầm từ những ngày đầu sơ khai của xã. Trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn, con người Đại Minh mang trong mình đầy đủ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Họ đã đóng góp sức người, sức của, tài năng và trí tuệ để góp phần làm nên truyên thống hào hùng của dân tộc. Khi có giặc, họ sẵn sàng xả thân, dũng mãnh, kiên trung đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, giữ gìn từng tấc đất quê hương. Khi thắng giặc, họ lại bắt tay vào sản xuất, tăng gia, vận dụng sự sáng tạo, cần cù để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Truyền thống ấy giờ vẫn đang được phát huy để làm nên một miền quê đáng sống Đại Minh, là xã đầu tiên của huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần không nhỏ để Yên Bình hiên ngang cán đích huyện nông thôn mới trước kế hoạch 2 năm và không còn nợ đọng.

Được biết những ngày đầu nhận được chủ trương xây dựng xã nông thôn mới đầy bỡ ngỡ. Từ nền khởi điểm thấp (năm 2011), tỉ lệ hộ nghèo cao (14%) tương đương với hơn 120 hộ, đường giao thông hầu như chưa được cứng hóa, thu nhập bình quân đầu người là 10,5 triệu đồng/người/năm. Sau 12 năm nỗ lực, bằng nhiều sáng kiến và sự chung tay của người dân, Đại Minh lần lượt cán đích nông thôn mới vào năm 2016, năm 2021 đạt nông thôn mới nâng cao, năm 2023 đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Gặp nhiều người dân Đại Minh để hỏi về những ngày đầu đầy khó khăn, thử thách, họ đều cười, nụ cười của những người đã từng vượt qua khó khăn để chiến thắng “Ngày đó ngay cả trong mơ cũng không thể hình dung nổi làng xóm lại khang trang và bề thế như bây giờ”. Tôi dạo bước trên những con đường bê tông mềm mại uốn qua từng ngõ xóm. Dưới những tán lá mướt mát của bưởi là những căn biệt thự hai, ba tầng bề thế. Sân bếp được bê tông, đường lên vườn bưởi cũng được bê tông. Dưới những lớp đất nâu là đường dẫn nước đến tận gốc bưởi. Chỉ cần mở van, là tất cả những vòi phun sương hoạt động. Tự động hóa và hiện đại hóa đã về với những người nông dân vốn chân chất, hiền lành. Thế mới thấy nông dân thời mở cửa đang nhạy bén bắt kịp với khoa học kỹ thuật tiên tiến để làm giàu một cách chắc chắn và thông minh. Để có được điều đó, những năm qua, xã Đại Minh đã phối hợp với Viện rau quả trung ương, các trường đại học, các trung tâm và các cơ quan chuyên môn cấp trên tổ chức 60 lớp tập huấn cho 1800 lượt người tham gia. Trong đó có tới 58 lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Là một xã có 70% số dân làm nông nghiệp trong đó chủ yếu là trồng bưởi- giống bưởi tiến vua nức tiếng gần xa. Lựa chọn hướng chỉ đạo chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, tạo mọi điều kiện và khuyến khích nhân dân tích cực mở rộng diện tích cây ăn quả, cải tạo vườn tạp và chuyển đổi các diện tích đất lâm nghiệp có bình độ thấp, diện tích chè già cỗi, diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhất là các loại bưởi, đồng thời trang bị cho người dân kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng bưởi, cách bảo quản để nâng cao thu nhập là một hướng đi đúng đắn. Hướng đi ấy đã giúp diện tích bưởi Đại Minh được mở rộng tối đa, với 475 ha, thu nhập năm 2021- 2022 đạt trên 80 tỷ đồng. Cùng với nỗ lực đưa các loại con giống có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi, đến năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 58 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2021. Đó là những căn cớ để thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20.000.000 đồng/người/năm (năm 2016) lên 59.000.000 đồng/người/năm (năm 2023), góp phần đắc lực trong công tác giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 14% hộ nghèo năm 2011 xuống còn 4,32% năm 2023.

Tôi theo chân chị Thắm- Phó Chủ tịch UBND xã dạo bộ trên những con đường bê tông uốn lượn quanh bạt ngàn những bưởi, đâu đó có tiếng gà gáy trưa loang trong không gian thanh tĩnh. Chị Thắm vươn tay chỉ về phía những con đường trước mặt, hồ hởi. Những ngày đầu tiên bắt vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, toàn xã có 17 tuyến đường trục thôn, xóm, với tổng chiều dài là 26 km, cộng với 57 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài là 17 km chỉ là những con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, bụi mù vào ngày nắng. Người dân chưa có tiền lệ hiến đất, hiến công để làm đường. Vì thế những ngày đầu về với dân, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến cây và những tài sản trên đất để làm đường đầy khó khăn trắc trở. Kiên trì, nhẫn nại và gương mẫu đi đầu, những mét đường đầu tiên được làm nên là minh chứng rõ ràng nhất cho những lợi ích mà cán bộ đã phân tích, lý giải. Người dân hiểu những nỗ lực của cán bộ đều vì họ. Họ hiểu, họ đang là chủ thể để tự mình xây dựng cuộc sống của mình thêm tốt đẹp. Các cụ xưa nói chẳng sai, “tư tưởng không thông, ngồi không cũng mệt” và khi tư tưởng thông rồi thì “đẩy thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Đã có những khi khí thế trong dân lên cao, tinh thần thi đua trở nên sôi nổi, làm đường, làm nhà văn hoá, trồng hoa dọc các tuyến đường, điện thắp sáng mọi nẻo đường quê đều trở thành mong muốn, khát khao của nhân dân. Thôn nọ đua với thôn kia, dân sẵn sàng cống hiến cả sức lực, tài sản và tiền của những mong làng xóm của mình thêm khang trang, hiện đại. Đó là căn cớ để Đại Minh không chỉ kiên cố hoá 43 km/43km đường liên thôn, ngõ xóm mà còn bê tông cả 3,4km/3,4km đường trục chính nội đồng và đường trục chính vào khu sản xuất, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Tất cả các tuyến đường trên địa bàn xã đều được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. 100% các tuyến đường xã, đường thôn, đường xóm được trồng hoa, cây cảnh, cây bóng mát. Tại các ngã ba, ngã tư có hệ thống biển chỉ dẫn đảm bảo nhân dân đi lại thuận tiện. Hàng tháng tất cả các thôn trên địa bàn xã đều huy động nhân dân tổ chức tổng vệ sinh, quét dọn, phát quang, khơi thông dòng chảy, vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Có đường liên thôn bê tông 3m rồi, lại mở rộng thêm lên 5 m cho đi lại thuận tiện hơn. Trong niềm vui khi nhắc đến 2.730m đường được mở rộng lên 5 m, lãnh đạo xã không thôi trầm trồ khi nhắc đến sức dân. 1970m2 đất dân hiến, 1359 ngày công dân làm; 1.288.792.423 đồng/1.812.600.633 đồng dân góp để hiểu thế nào là sức dân như nước. Nói thì nói thế nhưng để huy động được sức dân thì những người làm công bộc của dân phải thực sự vì dân hết mực. Những lặn lội đêm hôm, những mướt mát mồ hôi sau những ngày thứ bảy cùng dân, những tấm gương đảng viên gương mẫu đi đầu hiến đất, hiến của, hiến công để có những công trình phúc lợi cho dân... Tất cả đã tạo được niềm tin để nhân dân dốc lòng, cởi dạ.

Trong vui vẻ, chị Thắm kể về những tuyến đường hoa đang khoe sắc dưới cái nắng hanh nhè nhẹ, trên tất cả các tuyến đường của Đại Minh. Đó là những mô hình tiêu biểu được các ngành của tỉnh, các xã bạn đến thăm học hỏi. Niềm tự hào vẫn đang lấp lánh trong ánh mắt như cười của chị Thắm. Thì ra cái phong trào trồng hoa trên các tuyến đường được dấy lên từ những ngày chị còn làm Chủ tịch Hội Phụ nữ. Khi ấy chị đã nghĩ ra cách tổ chức cuộc thi tuyến đường hoa đẹp nhất. Đoàn giám khảo đi đến từng thôn chấm điểm để biểu dương có lãnh đạo xã và cả các trưởng thôn, các bí thư thôn trong toàn xã. Họ đi chấm, thấy thôn bạn có đường hoa đẹp, được chăm sóc tươi tốt, tự thấy thôn mình cần phải làm tốt hơn để không thua bạn kém bè. Bí thư, trưởng thôn trở về tuyên truyền với dân, khích lệ phong trào thi đua trong nhân dân thôn họ. Từ phong trào thi đua ấy, những tuyến đường hoa lại được nối dài, những hàng hoa lại được chăm bón, tỉa cành cho thêm đẹp. Cho đến tận bây giờ họ vẫn thường xuyên chăm bón, làm cỏ để những tuyến đường hoa vẫn tươi nguyên như ngày đầu được đặt vào đất ấm Đại Minh.

Chúng tôi dừng chân trước Đình Khả Lĩnh. Ngôi đình được xây dựng vào khoảng thế kỉ XVIII, theo kiểu chữ nhị, có tường vây bốn phía. Đình Khả Lĩnh là nơi chứng kiến biết bao nhiêu sự kiện lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Dân làng Khả Lĩnh đã anh dũng, sát cánh cùng nghĩa quân Cần vương, đào hào, đắp lũy ngang làng, chặn bước tiến của quân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cờ đỏ sao vàng đã được treo trước cửa Đình trong buổi lễ ra mắt chính quyền cách mạng lâm thời xã. Ngày mùng 6/1/1946, nhân dân nô nức đến Đình bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ nhân dịp phát động “Tuần lễ vàng”, dân Đại Minh đã tổ chức quyên góp tiền của, vàng bạc tại đây. Dấu ấn lịch sử đã làm nên truyền thống văn hóa của vùng đất này. Trân trọng những dấu ấn quý giá đó, hằng năm cũng tại nơi đây lễ hội Đình Khả Lĩnh vẫn được tổ chức long trọng. Người dân lại có dịp hướng về nguồn cội để tỏ lòng biết ơn những người đã có công khai vỡ đất hoang, làm ruộng, cấy lúa nước, trồng bưởi, lập làng để lớp con cháu sau này tiếp tục xây nên làng xóm khang trang như ngày nay. Những trò chơi dân gian lại được diễn ra sôi nổi, đó là thứ keo gắn kết tình làng nghĩa xóm. Chị Thắm bảo, đó là lễ hội lớn nhất trong năm của xã. Hiện giờ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đều được duy trì ổn định với tổng số 13 hoạt động trong 1 năm. Toàn xã có 8 câu lạc bộ gồm 6 Câu lạc bộ (CLB) Bóng chuyền hơi, 1 CLB bóng bàn, 1 CLB cờ tướng và 6 đội văn nghệ tại 6 thôn. Tất cả đều hoạt động thường xuyên, thu hút 62% số người dân thường trú trên địa bàn tham gia. Vì thế đời sống tinh thần, sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Một trong những điểm khác biệt của Đại Minh trong xây dựng nông thôn mới là vận động sự đóng góp của nhân dân toàn xã để xây dựng bất kỳ một công trình nào chứ không phải công trình của thôn nào thì dân thôn ấy đóng góp. Bởi lãnh đạo xã cho rằng, sự chung vai của nhân dân toàn xã sẽ bớt đi gánh nặng cho dân trong điều kiện kinh tế chưa khá giả, đồng thời phát huy được tinh thần trách nhiệm, sự đùm bọc lẫn nhau của toàn dân. Có lẽ vì thế mà sự sự gắn kết keo sơn của tình làng nghĩa xóm thêm khăng khít, bền chặt.

Dừng chân tại một ngôi nhà được gắn biển “Mô hình hộ gia đình 6 không 6 sạch”. Ngôi nhà khang trang, sạch sẽ không kém gì những biệt thự ngoài thành phố được đặt trong không gian sặc sỡ của hoa trước sân nhà và ba bề là cây xanh mướt mát. Được biết "6 không" là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; "6 sạch" là: sạch nhà, sạch bếp; nhà tắm, nhà tiêu, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; sạch ngõ, sạch đường, sạch môi trường. Toàn xã có 154 mô hình hộ gia đình “6 không 6 sạch” như thế trong tổng số 240 mô hình “Nhà sạch vườn đẹp”. Ở Đại Minh không chỉ có hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Nhà sạch vườn đẹp” mà còn có cả mô hình “Xóm nhà sạch vườn đẹp”. Thế mới thấy cái tài của dân vận khéo để xây dựng được ý thức của người dân trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường sống xung quanh. Tương lai, những “Xóm nhà sạch vườn đẹp” sẽ ngày một nhiều; cộng với khả năng kinh tế ngày một mạnh; đời sống văn hoá ngày một nâng cao; công nghệ số đang được vận dụng tối đa với wifi phổ cập tại tất cả các nhà văn hoá; 100% dân số có sổ khám bệnh điện tử, 100% hộ gia đình được tiếp cận và sử dung các nền tảng, dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe trực tuyến; 100% hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 được giải quyết trực tuyến; người nghèo luôn luôn được đồng hành giúp đỡ; an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn. Tất cả là những điều tốt đẹp để Đại Minh trở thành một miền quê đáng sống.

 

H.K.Y

Các tin khác:

1-5 of 333<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter