Xuân về trên xã Hồng Ca

Ký của LÊ XUÂN

 

Hòa trong làn gió heo may se lạnh và những cơn mưa lất phất kéo dài, trong không khí của mùa xuân vừa đến, tôi có dịp trở lại Hồng Ca. Hồng Ca là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, nằm cách xa trung tâm huyện gần 30 km với địa hình bao quanh bởi núi cao, khe suối dày đặc. Xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 9.324,46 ha với hơn 6.615 nhân khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%, trong đó hơn 32% dân tộc Mông, 56,5 % dân tộc Tày, 11,5% dân tộc Kinh và số ít các dân tộc khác. Đây cũng là xã có tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất huyện Trấn Yên, trình độ dân trí còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp. 

Đã hơn hai mươi hai năm kể từ khi tôi rời xa Hồng Ca, vẫn con đường xưa dẫn vào trung tâm xã, con đường tôi đã gắn bó một thời tuổi trẻ nhưng nó không còn nhận ra tôi. Giờ nó đã được rải nhựa nhẵn nhụi, không còn là con đường ngổn ngang đá hộc của ngày nào. Từ đỉnh “dốc bổ đôi”, ranh giới giữa xã Hồng Ca và Hưng Khánh đưa mắt nhìn về những ngọn núi Hồng Ca, vẫn những dãy núi trùng điệp nối tiếp nhau nhưng không còn là những ngọn núi hoang thuở trước mà giờ đây cây cối xanh tươi xen lẫn những ngôi nhà xây mái đỏ nằm rải rác dưới những tán cây nơi chân núi. Đi hết con dốc cuối cùng đến trung tâm xã, ngỡ hay mình lầm đường bởi hiện ra trước mắt tôi là một khung cảnh sầm uất nhà cửa san sát, hàng quán nối nhau hai bên đường, một cuộc sống đông vui nhộn nhịp khác xa với khung cảnh cuộc sống có phần đìu hiu của hơn hai mươi năm về trước. Tôi đến Uỷ ban nhân dân xã Hồng Ca, do  hẹn trước nên đồng chí Nguyễn Thành Dương- Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phụ trách mảng kinh tế của xã đã chủ động bố trí thời gian để tiếp. Biết mục đích ghé thăm của tôi anh Dương vui vẻ: “Anh đi đường xa chắc hãy còn mệt, cứ bình tĩnh nghỉ ngơi một lát rồi tôi sẽ đưa anh đi xem cuộc sống của bà con ở một vài cơ sở sản xuất hợp tác xã”. Trò chuyện cùng anh tôi được biết: Trong những năm qua xã Hồng Ca đã có những bước chuyển mình tích cực, từ một xã tỷ lệ người dân thuộc diện hộ nghèo nằm trong tốp xã cao nhất huyện, đến nay toàn xã đã giảm được 32% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2016; năm 2021- 2022 mỗi năm giảm được 4,3%, năm 2023 số hộ nghèo trong xã còn 9,52%, số hộ cần nghèo còn 12,67%. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 50,3 triệu đồng, tăng 4,1 triệu đồng so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. “Hồng Ca là một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện, đa số người dân vốn quen với tập tục sản xuất lạc hậu, để có được sự phát triển về kinh tế, giảm nghèo bền vững xã đã tập trung phát triển những thế mạnh nào ạ?”- Tôi hỏi. Đồng chí Dương vui vẻ, trong những năm qua Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân xã Hồng Ca đã chỉ đạo người dân tập trung phát triển kinh tế dựa trên điều kiện đặc thù của địa phương. Cụ thể về nông nghiệp xã đã tập trung chủ yếu vào các cây trồng chủ lực như quế 2550 ha, thu nhập từ quế đạt trên 150 tỷ đồng; tre măng Bát độ 1290 ha thu nhập đạt trên 50 tỷ đồng; ngoài ra người dân còn đẩy mạnh trồng cây dâu tằm, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Song song với việc ưu tiên trồng những loại cây thế mạnh phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương xã còn ưu tiên khuyến khích người dân mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình như phát triển các mô hình chăn nuôi trâu bò, nuôi lợn lái, chăn nuôi gia cầm đặc sản. Năm 2023 toàn xã thực hiện được 16 mô hình chăn nuôi, trong đó chăn nuôi trâu, bò 10 mô hình; chăn nuôi lợn nái 02 mô hình; chăn nuôi lợn đen 01 mô hình; chăn nuôi gà đen (đặc sản) 03 mô hình. Đồng thời xã cũng tranh thủ vốn đầu tư và liên kết với các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước mở các cơ sở sản xuất sơ chế nông lâm sản tại chỗ nhằm tạo công ăn việc làm cho nhân dân, giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từ đó tạo tâm lý để người dân yên tâm canh tác làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Rời trụ sở xã, Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Dương đưa tôi đi thăm cơ sở chế biến quế thuộc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp xã Hồng Ca tại thôn Hồng Hải. Còn nhớ trên con đường này hồi còn công tác tại xã ngày trước tôi cũng đã có lần đi qua nhưng đó là con đường đất đỏ lầy lội, trơn trượt vào ngày mưa còn giờ đây xe chúng tôi đi trên một con đường bê tông nhẵn nhụi, hai bên đường rợp bóng cây xanh. Anh Dương cho tôi biết, hiện nay 100% đường liên thôn trong xã đã được bê tông hóa, khi nghe tôi hỏi về chương trình bê tông hóa tuyến giao thông trong xã, anh kể: “Để có được tuyến giao thông trong xã thuận lợi như hiện nay là cả một quá trình gian nan đấy anh ạ. Khi thực hiện chương trình Nhà nước hỗ trợ xi măng- nhân dân đóng góp vật liệu và nhân công xây dựng, không ít người dân phản đối vì họ cho rằng hạ tầng giao thông là trách nhiệm xây dựng và quản lý của nhà nước, trách nhiệm của các cấp thẩm quyền, đấy là chưa kể đến việc để xây dựng được giao thông còn phải vận động nhiều hộ dân hiến đất mở đường. Động chạm đến quyền lợi nhiều hộ dân kịch liệt phản đối thậm chí sống chết không để đường đi qua, có người còn nói bao đời nay ông cha họ đi lại trên những con đường đất cũng có sao đâu, vẫn nuôi được con đàn cháu đống, vẫn trưởng thành dựng vợ gả chồng cả đấy thôi. Vậy là cán bộ xã lại thành lập các đoàn dân vận chia nhau đi các ngả đến từng thôn xóm. Không nhớ bao nhiêu lần, bao nhiêu đêm, có những gia đình cán bộ đến nhà lần thứ năm, thứ sáu mới chịu ngồi tiếp. Cán bộ kể chuyện ngày xưa còn nhỏ đi học từ nhà đến trường dù đi bộ nhưng vì đường trơn bị ngã bê bết đất đỏ, đầu tóc lấm lem. Bố mẹ, ông bà lên rừng đào măng về bán thương lái đến mua trả rẻ vì vận chuyển ra khỏi xã đường đi lại khó khăn. Cuộc sống ngày xưa bố mẹ, ông bà mình khổ lắm... Cứ vậy, mưa dầm thấm đất, cuối cùng nhà nọ bảo nhà kia vui vẻ tự nguyện hiến đất nối liền giao thông thôn xóm”. Mải trò chuyện, xe chúng tôi đã đến cơ sở sản xuất quế của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp xã Hồng Ca, thấy có cán bộ xã đến cô kế toán hợp tác xã nhanh nhảu ra tiếp đón, rót nước mời chúng tôi rồi cô nói “Các anh ngồi uống nước để em đi gọi anh quản lý, anh ấy đang làm cùng công nhân bên xưởng ạ!”. Cô chạy đi, mấy phút sau trở lại cùng một người đàn ông trong bộ quần áo lao động đã bạc màu, Phó Chủ tịch Dương đứng dậy bắt tay rồi quay sang giới thiệu với tôi “Đây là anh Nguyễn Thế Hùng, xã viên của Hợp tác xã. Anh Hùng dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng cơ sở sản xuất, xưởng với diện tích khoảng 1ha được sắp xếp sản xuất theo từng khu, khu vực nạo vỏ có nhiệm vụ chuyên nạo và làm sạch vỏ quế bóc. Khu vực nấu tinh dầu, khu vực băm cành, các sản phẩm được sơ chế tại đây sau đó được chuyển về các công ty chế biến các sản phẩm từ quế ở Hà Nội để hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc hay Đài Loan, Trung Quốc. Bây giờ đang giữa tháng 12, không phải là thời gian khai thác vỏ quế nhưng khung cảnh tại xưởng chế biến vẫn nhộn nhịp người xe đi bán cành, lá quế. Anh Hùng cho tôi biết, cây quế dóc vỏ vào các tháng 2- 3 (dương lịch)- mùa xuân và tháng 8- 9 (dương lịch)- mùa thu. Thời gian đó người dân tập trung khai thác quế, xưởng sản xuất làm việc hết công suất với khoảng 60- 70 công nhân làm việc thường xuyên. Còn thời gian này cây quế bị sát không bóc được vỏ, người dân chỉ tỉa cành lá để bán nên công việc của xưởng chủ yếu là băm cành phơi, sấy khô và nấu tinh dầu từ lá và cành quế nhỏ. Vào những tháng thu hoạch quế của người dân, xưởng chế biến của các anh thu mua và tiêu thụ khoảng 80 tấn cành lá quế mỗi ngày. Thời gian này mỗi ngày chỉ thu mua, tiêu thụ được khoảng từ 30- 50 tấn cành lá. Xưởng chế biến của Hợp tác xã đã góp phần quan trọng vào việc tạo công ăn việc làm, nhất là giúp người dân tận dụng được cành lá quế, Vì khi cây quế chưa đến tuổi khai thác, cành lá rậm rạp. Muốn cho cây quế vươn nhanh phải tỉa bớt cành lá, nếu không cành ở thấp bị khuất cũng sẽ tự héo khô. Có xưởng thu mua, chế biến sản phẩm tại chỗ sẽ giúp người dân vào mùa quế sát vỏ sẽ tập trung tỉa cành lá vừa chăm sóc cho cây có nhiều ánh nắng vừa giúp có thu nhập ổn định từ cây quế. Khi nghe hỏi về công việc và thu nhập, chị Trần Thị Sao công nhân khu vực băm cành cho biết “Công việc của em tại đây ổn định với mức thu nhập đều đặn 7 triệu đồng một tháng. Trước đây khi chưa có xưởng chế biến quế này vào dịp giáp tết không có việc làm em thường phải theo mấy anh chị em cùng thôn đi đến thành phố tìm việc làm thuê để có tiền cho con ăn học và mua sắm tết cho gia đình. Nay những tháng giáp hạt em vẫn được ở nhà chăm lo cho con cái, vẫn có thu nhập ổn định. Mà cũng không chỉ riêng gia đình em, nhờ tận dụng thường xuyên được cành, lá quế nên đời sống của người dân trong xã cũng ổn định hơn”. Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp xã Hồng Ca có cổ phần của 13 xã viên. Ngoài xây dựng vận hành hoạt động của xưởng sơ chế quế, Hợp tác xã còn liên kết với các công ty nông nghiệp xanh, công ty Vạn Đạt mở cơ sở thu mua, sơ chế măng Bát độ tại chỗ vào mùa thu hoạch măng Bát độ. Qua đó đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhân dân, nhất là giúp sản phẩm măng Bát độ của địa phương không bị dư thừa hay mất giá. Hiện nay măng Bát độ đang là một mặt hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với giá thành rất cao. Được biết trong những năm gần đây những gia đình trồng măng Bát độ tại xã Hồng Ca có thu nhập ổn định, có hộ dân thu nhập từ 70- 100 triệu đồng trên vụ. Xã Hồng Ca cũng đã xây dựng đề án và được huyện phê duyệt trong giai đoạn 2024- 2025 bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng quế, xã chủ trương vận động, chỉ đạo người dân trồng mới thêm 100 ha cây măng Bát độ, trong tương lai quế và cây măng Bát độ sẽ vẫn là hai loại cây nông sản chủ đạo giúp ổn định và nâng cao mức thu nhập cho nhân dân.

Chúng tôi trở lại trụ sở xã, trên đường về, khi nghe tôi hỏi về yếu tố chính giúp Hồng Ca có được bước chuyển mình nhảy vọt, anh Dương mỉm cười, để có được kết quả đổi mới như ngày nay là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân huyện, các Ban xây dựng Đảng; sự nhận thức và mạnh dạn đổi mới của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt các phòng ban của huyện đã phối hợp với xã tổ chức nhiều buổi lao động cuối tuần cùng dân. Nhờ gần gũi tiếp xúc với dân nên đã hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con để có chủ trương đường lối phù hợp từ đó động viên tinh thần, khí thế thi đua giúp nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tạm biệt anh Nguyễn Thành Dương, tạm biệt Hồng Ca trong tôi vẫn còn mãi tiếng nói cười của những người nông dân vận hành máy, hình ảnh những chiếc xe chất cao cành lá đi về xưởng và những ngọn núi ngút ngàn xanh tươi. Gần trưa, những cơn mưa buổi sớm gọi xuân đã nghỉ nhường bầu trời quang đãng cho mặt trời ấm áp lên cao. 

 

L.X


Các tin khác:

1-5 of 333<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter