Tà Chử vào xuân

Ký của Nguyễn Phương Thùy 

Tôi đến thôn Tà Chử xã Bản Công huyện Trạm Tấu vào ngày thời tiết lập xuân, nơi được giới trẻ mê du lịch mệnh danh như Tam Đảo thứ hai ở Tây Bắc. Tiết trời cuối đông sang xuân, Tà Chử như một biển mây mờ mờ ảo ảo, sương mù phủ kín rừng cây Pơ Mu hơn 20 năm tuổi, vẻ huyền ảo ấy khiến tôi cảm thấy như tay với được trời. Đi giữa con đường bê tông lên núi mà như lạc vào một khu rừng cổ tích kỳ bí với sự mê hoặc khó diễn tả bằng lời. Mở đường lên núi đúng là một kỳ tích của ý Đảng lòng dân để huyện vùng cao khởi sắc hơn.

Tôi mê man trong khu rừng Pơ Mu mà muốn lạc lối chẳng muốn ra, cây gỗ Pơ Mu quý lắm nên đồng bào Mông Tà Chử giữ rừng Pơ Mu như giữ gìn huyết mạch của mình, hai bên con đường bê tông những cây Pơ Mu lừng lững thẳng tắp như xếp hàng. Trên độ cao hơn 1000m của núi rừng Tà Chử khí hậu lạnh hơn, sương dày như thể xắt miếng bao phủ lấy từng cành cây ngọn cỏ, tôi cứ ngước cổ lên ngắm những cây Pơ Mu cao vợi mà không thấy mỏi cổ bởi thấy cả một thế giới động vật với rất nhiều loài chim nhảy nhót hát ca trong sương sớm.

Qua khu rừng Pơ Mu đẹp như cổ tích là đến chòm dân cư thôn Tà Chử. Ấn tượng đầu tiên chính là hệ sinh thái rừng đa dạng, hình như Tà Chử chẳng có chỗ nào để đồi trọc ruộng hoang nên bão lũ cũng không thể làm khó mảnh đất này. Ý thức giữ rừng, quản lý rừng, phòng chống cháy rừng dường như ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây từ những “lệ làng” mang ý Đảng, vì vậy Tà Chử thực sự là một bản làng sinh ra từ rừng, sống ở rừng và có vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng.

Người đầu tiên tôi gặp là Hờ A Lồng- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tà Chử. Chàng trai thế hệ 9X được học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất, nên thấm nhuần Nghị quyết của Đảng. Dáng vẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và chất phác đúng kiểu trai rừng. Hờ A Lồng cười như một trúng vụ lúa bội thu, anh cho biết: “Năm 2012, mới 22 tuổi đã được làm trưởng thôn, lúc ý lo lắm không biết phải làm thế nào. Nhưng rồi mình nghĩ việc gì có lợi cho dân bản thì làm, nên tranh thủ sự ủng hộ của già làng, người có uy tín mình vận động người dân thay đổi cách sản xuất cũ, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Vì vậy đến nay Tà Chử đã có diện mạo mới, vừa đẹp như nông thôn mới lại còn giữ nguyên vẻ hoang sơ của rừng”.

 Tuổi trẻ năng động dám nghĩ dám làm cùng tình yêu quê hương làng bản khiến Hờ A Lồng như người thắp lửa cho đảng viên trẻ trong chi bộ. Nhìn khu rừng phòng hộ gần 600 ha trải dài xanh thắm bao bọc xung quanh bản với hệ sinh thái đa dạng cây nọ nối tiếp cây kia, tôi biết anh Lồng và dân bản đã nỗ lực thế nào. Phải từ tinh thần trách nhiệm cao đến tình yêu với rừng thì suốt 8 năm qua cánh rừng này mới được bình yên. Trong khi mặt trái của cơ chế thị trường tác động khắp nơi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái thì Tà Chử xã Bản Công vẫn như một miền đất với những cánh rừng đặc biệt hoang sơ với tỷ lệ che phủ là 60%.

 Giữ rừng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hờ A Lồng còn giữ được lửa ấm tình người. Thương cảm hoàn cảnh cụ Giàng Thị Mảy cùng thôn khi bị mắc chứng tâm thần nên không thể lao động nuôi sống bản thân. Con gái lấy chồng xa lại nghèo không giúp gì được nên anh Lồng đã dựng cho cụ một căn nhà nhỏ trên chính mảnh đất của nhà mình để tiện hàng ngày chăm sóc. Cứ thế 5 năm nay người dân thôn Tà Chử hàng ngày chứng kiến anh Lồng lúc thì mang gạo lúc thì mang thức ăn có khi là sửa soạn nhà cửa giúp cụ Mảy như chính cha mẹ ruột của mình. Hờ A Lồng chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm việc gì có ích cho gia đình, cộng đồng, làng bản thì cố gắng làm, vì vậy trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn nỗ lực cao nhất để xứng đáng với niềm tin của Đảng, của dân giành cho mình.”

Một góc huyện Trạm Tấu- Ảnh: Chiến Thắng

Trong xuân sớm tôi thấy nụ cười rạng ngời của người dân Tà Chử dành cho anh Lồng, người đang viết lên một câu chuyện cổ tích cảm động giữa đời thường, xuân đến từ đất trời, từ tình người Tà Chử.

 Từ tấm gương sáng của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hờ A Lồng, ở Tà Chử còn có có những đảng viên trẻ có “lá gan sắt” kiên trì, sáng tạo trong làm kinh tế ở quê hương. Đó là Hờ A Trang sinh năm 1994, năm 2016 Trang được kết nạp là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và sinh hoạt ở Chi bộ Tà Chử. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, ngay từ nhỏ Trang đã quyết tâm phải đóng góp được điều gì đó cho quê hương làng bản. Nên học xong lớp 12 với những kiến thức mình được học tập và kinh nghiệm của bố mẹ để lại, Trang quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương mình mà bước đầu tiên chính là chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển lúa chất lượng cao, ngô hàng hóa, gà và lợn bản địa.

Hờ A Trang chia sẻ: “Khi tôi nói việc phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bố mẹ có vẻ hơi buồn. Ông bà kỳ vọng ở những người con trai của mình có thể làm cán bộ, làm công chức nhà nước cho rạng rỡ dòng họ. Nhưng tôi quan niệm dù là ai miễn mình sống có ích cho gia đình quê hương làng bản thì đều đáng quý, đáng trân trọng. Ai cũng muốn làm cán bộ thì lấy ai sản xuất lương thực nhà báo nhỉ. Vì thế tôi chọn con đường mà ông cha đã làm nhưng cách làm khác đi. Phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ quy trình thời vụ, lựa chọn những nông sản mà thị trường cần để phát triển, tự mình khắc được mọi người biết đến.”

Dám nghĩ dám làm, Hờ A Trang trở thành triệu phú trẻ của quê hương Tà Chử. Ở tuổi 27 Trang có 8 con trâu, bò, hàng năm thóc, ngô không chỉ đảm bảo lương thực cho gia đình mà còn tiêu thụ số lượng lớn ở huyện. Trang trở thành tấm gương sáng, 1 điển hình đảng viên học tập và làm theo lời Bác ở quê hương. Trang chia sẻ: “Tôi may mắn có 1 con trai và 1 con gái, với điều kiện kinh tế như hiện nay có thể cho bọn trẻ ăn học đàng hoàng. Tôi khuyến khích bọn trẻ hãy theo đuổi đam mê của mình. Đại học không phải là con đường duy nhất để sống và thoát nghèo, mà chỉ cần chúng ta biết sống có ích cho xã hội là được.”

Có cách làm khác, đảng viên trẻ Hờ A Dao cũng có những suy nghĩ “khác người”. Nhận thấy làng bản mình có thế mạnh về du lịch, đặc biệt những năm gần đây khi sức hút du lịch phượt ở Trạm Tấu đã nổi tiếng cả nước. Dao quyết tâm dựng một ngôi nhà sàn khang trang ở ven đường, ấp ủ ước mơ làm du lịch Homestay. Dao cùng với ông Hờ A Su là một đảng viên lão thành kết hợp làm bánh giày cho khách du lịch. Sản phẩm từ gạo nếp nương Tà Chử được chế biến từ bàn tay dẻo dai con trai Mông, sự khéo léo của con gái Mông có hương vị đặc biệt đã thu hút được khách du lịch. Hiện nay mỗi ngày Dao và ông Say tiêu thụ trên 50 chiếc bánh giày, kiếm thêm thu nhập mỗi người gần chục triệu đồng.

Bên cạnh đó, Dao cùng người vợ trẻ lựa chọn giống nếp đặc sản địa phương khoanh vùng để gieo cấy, có nguồn cung ổn định cho việc giã bánh giày, vừa quảng bá đặc sản quê hương vừa giữ nét truyền thống của dân tộc. Dao chia sẻ: “Tôi học bác Su làm kinh tế, và tôi hy vọng có thể phát huy được bản sắc văn hóa Mông từ chính những món ăn bản địa như bánh giày, lợn đen, gà đen. Vì vậy tôi phát triển kinh tế gia đình theo hướng này.”

Nói đi đôi với làm, xuất phát từ tấm gương sáng của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hờ A Lồng, những đảng viên thế hệ 9X của mảnh đất Tà Chử thực sự làm bản làng bừng sáng. Trong số 12 đảng viên hiện nay chỉ còn 1 đảng viên thuộc hộ nghèo, nhưng với quyết tâm của tuổi trẻ thì Chi bộ Tà Chử là 1 chi bộ điển hình của thế hệ 9X giàu mạnh là trong tương lai gần.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hờ A Lồng cho biết: “Tà Chử còn là địa danh nổi tiếng bởi khoai sọ ở đây ngon hơn ở các xã khác, nên trong năm 2021 tôi sẽ vận động người dân mở rộng diện tích trồng khoai sọ. Huyện ta đang xây dựng thương hiệu OCOP, chúng tôi phấn đấu để nông sản của mình mang thương hiệu của mình có thể tiêu thụ ở những thị trường rộng lớn hơn, và là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao”.

Đất nông nghiệp ở Tà Chử không nhiều nhưng những đảng viên ở đây lại có những cách làm như phù phép để biến hóa những mảnh đất khô cằn thành nơi màu mỡ cho nông sản địa phương phát triển. Ai cũng thích chè Tà Chử, khoai sọ Tà Chử, nếp nương Tà Chử và bây giờ là bánh giày Tà Chử. Đường bê tông thông thông thoáng, rừng Pơ Mu như khu rừng cổ tích thu hút khách, người dân bản địa với nếp nhà truyền thống, lối sống mộc mạc, chất phác giản đơn làm nên một Tà Chử giống mà lại khác những bản Mông khác.

Ở Tà Chử còn có những đảng viên đã 80 năm tuổi đời 50 tuổi đảng như ông Hờ A Sang mà đôi chân không chịu nghỉ, trong xuân sớm ông vẫn đến từng nhà thăm hỏi và vận động lớp trẻ thực hiện nếp sống mới. Tuổi thơ ông Sang đã chứng kiến đói nghèo lạc hậu vì thuốc phiện, vì hủ tục, vì lối sản xuất lạc hậu. Nay nhờ ánh sáng Nghị quyết của Đảng, ông chứng kiến tâm huyết của những đảng viên trẻ quyết tâm thay đổi quê hương nên ông muốn góp sức mình vì sự phát triển của nơi ông đã sinh ra. Ông Sang đã vận động thành công những người thân của mình không tảo hôn và không sinh con thứ ba trở lên. Chỉ về phía cánh rừng, ông nhớ lại một thời niên thiếu. Nơi ấy xưa là thuốc phiện, là lúa nương năng xuất thấp, là ruộng hoang khiến người dân thiếu đói triền miên thì nay cánh rừng ấy, mảnh đất ấy rừng phủ xanh, ngô lúa bốn mùa.

Ông Hờ A Sang vui lắm vì thế hệ trẻ được Đảng đào tạo bồi dưỡng, có kiến thức nhất định để có thể lãnh đạo xây dựng quê hương ấm no như hôm nay và còn phát triển hơn trong tương lai. Ông Sang chia sẻ; “Không thể ngờ rằng Trạm Tấu có một ngày thành khu du lịch, là điểm đến của nhiều khách quốc tế, trong nước. Nên còn sức tôi còn giúp con cháu mình sống có ích hơn, để chúng ta tự hào mình là người Trạm Tấu.”

Xuân đã về Tà Chử, xuân ấm tình người, xuân ấm núi rừng. Trăm hoa đua sắc, khu rừng cổ tích vẫn huyền ảo, bao bọc chở che cho dân bản và chúng tôi tin nơi đây sẽ thực sự là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương khi có những đảng viên hết lòng yêu quê hương như thế.

 

 

N.P.T

Các tin khác:

61-65 of 335<  ...  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter