Dốc núi

Truyện ngắn của DƯƠNG THU PHƯƠNG

 

Anh vừa bay ra từ trong đám mây, và nó đưa anh tới đây. Hải đứng hơi nghiêng, lắc lắc cánh tay cầm chiếc điện thoại vẫn còn sáng nhấp nháy và tiếng chị google đang tận tình chỉ dẫn trong khi chờ Quỳnh lao về phía mình. Cô không kịp nói gì hai hàng nước mắt ào ra ướt cả cổ Hải và khuôn mặt Quỳnh trở nên nhòe nhoẹt. Sau một lúc Hải vỗ về, Quỳnh thôi khóc nhưng người vẫn rung lắc không dừng. Hải kéo cô trượt theo con dốc. Không biết trường nằm ở đâu nhưng nơi đây quay ra mọi hướng đều là những con dốc. Quỳnh theo Hải như cây tầm gửi bám theo cành. Khi Quỳnh thôi nức nở, họ ngồi lại bên vệ đường, hai đôi môi siết chặt vào nhau, vội vã và quấn quýt. Những chị người Mông đeo măng và củi ngang lưng cố dừng lại nhìn trong chốc lát, còn bên cạnh là những người đàn ông và cả những người đàn bà nghẹo đầu bên một mô đất nào đó mà ngủ. Có lẽ họ vừa ra từ một đám cưới, đám ma nào đó quanh đây.

- Sao anh không báo trước để em còn chuẩn bị.

- Không có gì phải chuẩn bị, anh đã mang theo hết cả rồi. Hải một tay xách túi đồ ăn sẵn, một tay xách túi hoa quả nặng trĩu lên ngang mặt cười cười nói. Quan trọng nhất là anh không chắc chắn có thể lên được hay không nếu báo trước lại làm em chờ đợi và lo lắng. Việc chúng mình cần làm nhất lúc này là tiết kiệm thời gian.

Nhà ở cho giáo viên nằm ngay sau trường nên không một dòng thông báo nào thì khi Hải và Quỳnh về đến cửa đã có một đoàn các thầy cô cùng trường đứng trước đón đợi. Đây là lần đầu tiên họ gặp nhau, Quỳnh giới thiệu với Hải từng người, Hải trao họ túi hoa quả bảo là em mang từ dưới đó lên, nhưng không khéo chọn cũng không biết có ngon không, mời các anh chị. Có các chị nhưng đa phần là các em gái, huých tay nhau cười khúc khích trong những đôi mắt cũng rưng rưng. Quỳnh đưa Hải lên gặp hiệu trưởng, ông có vẻ như đang đợi sẵn, những câu hỏi cũng được chuẩn bị sẵn nên ông hỏi nhanh, dồn dập khiến Quỳnh tiếp xúc hằng ngày mà cũng thấy run run. Sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi, hiệu trưởng thông báo Quỳnh sẽ được nghỉ 3 ngày, bắt đầu từ bây giờ, trường sẽ phân công giáo viên dạy thay và trực quản học sinh. Cô Nga người ở chung phòng tập thể với Quỳnh nói sẽ sang ở với các chị bên cạnh nhưng Quỳnh bảo không, bọn họ sẽ ra ngoài. Quỳnh thấy Hải nói đúng thứ họ cần bây giờ là thời gian.

Chiếc xe máy cứ leo một con dốc lại xuống một con dốc nghiêng ngả trong ánh chiều.

- Sao lại có chuyến thăm bất ngờ này?

Hải định đùa rằng Quỳnh nói như vẻ không muốn anh lên thăm nhưng sợ cô dỗi nên anh khai thật. -Sếp có chương trình tập huấn tại Hà Nội, đưa sếp xuống xong là anh quay về và nghĩ ngay đến việc lên đây với em. Anh còn chưa báo cơ quan, cũng không biết là sếp có việc gì gấp cần đến anh không nữa. Làm rồi tính.

Quỳnh nói sẽ đưa Hải đi thăm một vòng cảnh quan nơi đây, tiện thể tìm một nhà nghỉ đàng hoàng. Hải nói, có Quỳnh đi cùng họ đi đến bao lâu cũng được. Nhưng sau khi đi mọi con đường đều thấy núi trước mặt, núi sau lưng, đi bao xa vẫn thấy mình ở lưng chừng một ngọn núi nào đó Hải quyết định đừng lại khi nhìn thấy tấm biển “Hotel”. Nhà nghỉ có sẵn ấm đun nước, các loại mỳ tôm, phở gói thêm túi đồ ăn vặt với những món vốn đã chuẩn bị sẵn cho Quỳnh. Họ chính thức có đêm cùng nhau, thuộc về nhau, say nồng và mộng mị trong bảng lãng hơi núi.

Chiếc bàn bé nhỏ oằn mình trong đống sổ sách tài liệu. Sổ điểm cá nhân, sổ điểm lớn, các sổ họp, các loại biên bản, sổ chủ nhiệm, lịch báo giảng và cả đống giáo án chưa kịp chỉnh sửa che đến nửa khuôn mặt Nga. Tuần sau có cuộc kiểm tra toàn diện của Phòng. Dòng thông báo hút kiệt sức lực của cô giáo đi làm từ 6 giờ sáng. Các cô phải điểm danh học sinh, nếu bạn nào vắng còn phải lên tận bản đi gọi. Cũng có đoạn đi được xe máy nhưng đa phần là đi bộ qua suối hoặc leo đồi. Nhà người Mông là những căn nhà gỗ bé nhỏ không khóa bao giờ. Nếu gia đình nào có việc không thể để khách lạ vào thăm thì người ta đã treo cành cây ở trước cửa báo hiệu. Bình thường bọn trẻ đã hay trốn học đi bẫy chim, đào măng, bây giờ lại đang vào mùa thảo quả, lớp vắng hoe. Lớp học bán trú nhưng có đêm nào được yên. Bọn trẻ vẫn tìm mọi cách nhảy ra khỏi rào với đủ thứ lý do khác nhau kể cả là về bắt vợ vì ở với vợ vui hơn ở trường, không quan tâm đến việc mình chỉ mới là cậu nhóc 14, 15 tuổi. Ở đây là thế, bố mẹ ông bà thế, bây giờ các bạn cũng thế. Nếu không tìm đủ bọn trẻ, Nga thấy tiếc công sức đã bỏ ra trong cả mấy năm qua, biết bao giờ mới về được xuôi hả chị. Miệng trình bày, kể khổ nhưng cô vẫn thay bộ đồ đi cùng với Quỳnh, có lẽ trong thâm tâm cô sợ một ngày mình như thế. Nhà đám ồn ào với đủ thứ nhạc nhùng. Tiếng kèn ỉ ôi, tiếng bát va nhau trên những mâm rượu thịt dọn vội, tiếng lợn kêu eng éc, tiếng gà nhảy vào nhau loạn xạ ở một gốc cây nào đó. Lách qua đám người nồng nặc mùi, và ngả nghiêng, xộc xệch, Quỳnh đi vào thắp nén hương và nhìn mặt cậu học sinh lớp mình chủ nhiệm không may sảy chân trên vách núi lần cuối. Em nằm nghiêng trên một chiếc bàn được người ta treo cao trước gian nhà chính. Đôi mắt nhắm nghiền, yên giấc. Những thìa cơm vẫn bón vào chiếc miệng nhỏ mím chặt, hạt cơm rơi ra. Tiếng khóc với theo ai oán rằng con không thương cha mẹ anh em nên chê cơm họ bón. Giọng điệu vẫn dai dẳng, dải cơm rơi xuống trắng chân người khóc. Bỏ lại mọi lời núi kéo van vỉ chân thành Quỳnh và Nga ra về. Suốt một tuần liền cô không nuốt nổi cơm, có cảm giác gì đó đang dợn dợn lên trong cổ họng. Tiếng Nga liên tục chuyện trò, những bài hát từ chiếc MP3 Hải tặng không làm cho Quỳnh quên được cảm giác hôm đó. Hải lên thăm Quỳnh lần thứ 2. Anh không yên tâm khi nhìn thấy gương mặt nhợt nhạt, gầy rộc của Quỳnh qua chiếc màn hình điện thoại bé xíu. Mất 5 tiếng đi xe cho 200km, ở lại một đêm rồi sáng hôm sau Hải phải quay về. Bao nhiêu năm đi làm anh chưa từng nghỉ lấy một ngày phép, sự mẫn cán đó làm cho các sếp quý và luôn giữ lại làm lái xe riêng.

Dù đã là lái xe bao nhiêu năm nhưng đi xe khách vẫn nôn mật xanh mật vàng. Nhìn cái dáng mệt mỏi của Hải mà Quỳnh thương anh ghê gớm. Đó là lần thứ 3, Hải lên thăm Quỳnh trong vội vã mang theo một tin vui. Chú Sơn có hỏi thăm em. Điều Hải luôn trăn trở, điều Quỳnh luôn chờ đợi, bây giờ đã được nói ra. Có nghĩa Quỳnh vẫn nằm trong sự quan tâm của một ông quan chức kia, có nghĩa là đường về của Quỳnh ngắn hơn một chút. Hải là lái xe riêng của chú Sơn được chú yêu quý. Khi còn băn khoăn ái ngại cho cuộc tình 5, 7 năm tràn đầy thanh xuân, nhiệt huyết với Hải, họ đã tự động viên nhau rằng. Đi vùng cao vài năm đến lúc xin chuyển về cũng dễ mở lời. Với lại, vài năm, còn tránh được cả tuổi kim lâu, thái bạch gì đó mà các bà bảo là không nên kết hôn. Vậy nên từ đó, ngoài công việc dạy học Quỳnh bắt đầu cả công việc bán hàng online. Cô gom góp bán đủ những thứ đặc sản vùng núi như măng, táo mèo, mật ong, thịt khô, chặng ngược lại cô lại thu gom hàng tiêu dùng. Hình như Quỳnh có duyên với buôn bán như mọi người nhận xét. Cô đã chuẩn bị đầy đủ cho ngày người ta giúp mình cũng có chút quà cảm ơn. Cuộc sống cứ thế cuốn Quỳnh đi. Ngoảnh lại đã qua cả thái bạch, kim lâu gì đó.

Sau khi thi học kỳ, đổi được lịch, Quỳnh muốn giành một bất ngờ cho Hải. Hải không ở nhà. Anh đang đi công tác. Anh nói thật tiếc là Quỳnh không nói trước để anh sắp xếp. Thực ra thì chẳng bao giờ Hải chủ động được lịch trình vì sếp luôn có những việc đột xuất cần gọi đến nhưng ít nhất là Quỳnh không phải vất vả đổi chác giờ giấc để về vào lúc này. Quỳnh qua nhà chơi, bà mẹ Hải mang lá trầu hai ngọn ra khoe. Người ta nói cau lại buồng, trầu hai ngọn, nhà đầy phúc khí, chắc sẽ sớm thêm con thêm cháu trong nhà. Hải cũng đã có tuổi. Quỳnh hơi chạnh lòng.Cô ít hơn Hải một tuổi.

Trên chuyến xe ngược, cô nhoài người về phía trước, cố định chiếc điện thoại có giá đỡ trên khoảng trống ít ỏi giữa những ông thần tài, tinh dầu xe oto và một vài cuốn sổ lưu ý của chủ xe. Cô hơi nghiêng người dang rộng hai tay, cảm giác như cô đang được bay trong mây, phía dưới chân và cả sau lưng, những ngọn núi gối đầu lên nhau yên ả và bình lặng. Anh lái xe chủ động hãm tốc độ, lùi sau xe máy của một người đàn ông bản địa. Mưa bay bay, thỉnh thoảng một đám mây sà xuống sát cửa kính xe, dù mới xế chiều nhưng Quỳnh cảm giác như đang trong một chiều đông nhá nhem và rét mướt. “Ngày cứ ngắn như thế này người miền núi chẳng biết làm gì ngoài sinh con”. Câu cảm thán mang vẻ hài hước của người đi cùng đoàn làm cho không khí phấn chấn hơn. Những người đang lâng lâng say lắc phía đằng sau cũng tỉnh hẳn hướng mắt ra phía cửa kính nơi các em bé gái đang nô đùa dưới thác nước sau buổi đi hái sơn tra và lăn những tải đầy quả xuống các lán nhỏ, sập xệ ven đường chờ thương lái đến chở đi. Quỳnh muốn ghi lại tất cả những cảnh sắc này, sẽ là một phần ký ức tươi đẹp khi cô rời khỏi đây. Cô tin sẽ như thế sau trong một ngày gần đây thôi.

Bỏ lại công việc đang chất chồng. Là các chương trình văn nghệ chào mừng 20/11 do cô phụ trách chính, là các lớp học vào giai đoạn thi giữa kỳ, là tổng kết năm đón Tết, là biết bao đơn hàng đang chờ đợi cô phân bổ. Quỳnh lao đi. Ông hiệu trưởng kiên quyết không cho cô nghỉ nhưng cô đã sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật. Cô cũng hứa sẽ trở lại trường mà không để bất kỳ một hạng mục nào bị tồn đọng. Nếu có thể đổi bao nhiêu để lấy được đôi cánh như trong truyền thuyết hẳn cô cũng sẽ đổi và bay về ngay. Tin Hải cưới do chính Hải báo lại với cô với muôn vàn lý do để giải thích cho sự việc đó. Rằng đó là một tai nạn, Hải bị gài bẫy. Sau khi cái thai to không thể giải quyết được cô ta mới đến báo với cơ quan và gia đình anh. Đó là cuộc hôn nhân không tình yêu, chỉ đơn thuần là sự chịu trách nhiệm của một người đàn ông. Anh ta sẽ ly hôn ngay khi đứa bé đủ lớn. Bây giờ người ta ly hôn còn nhiều hơn người kết hôn nữa kìa. Anh quen bên tòa án, mọi việc sẽ được giải quyết nhanh thôi… Với khí thế của Quỳnh, ông hiệu trưởng có đủ sự điềm tĩnh để không cho Quỳnh nghỉ.  Hẳn là ông sợ việc xô xát, ẩu đả, náo loạn đám cưới chẳng giải quyết được vấn đề gì lại làm mất đi phong thái của một giáo viên. Chưa từng nghĩ đến điều đó, chỉ là nhất định Quỳnh phải xác nhận xem người đứng trên bục cao nhất hôm nay, người mang vest, chân đi giày tây, tay cầm hoa mà cô luôn tưởng tượng lâu nay trông sẽ như thế nào.

Và Quỳnh đã trở lại trường, trong một ngày chiếc xe oằn mình, rậm rịch leo dốc. Nó chậm rãi, cẩn thận như cái dáng Hải nâng đỡ cô dâu trong những bước đi nặng nề sau chiếc váy cưới dài rộng ngày hôm trước. Mây đột ngột sà xuống, bóng tối trùm lên, cô nhắm mắt lại, chỉ muốn được như thế mãi mãi.

 

D.T.P

Các tin khác:

11 ngày với Tây Nam bộ

Ký của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

           

            7 ngày với Cần Thơ!

Tháng 8 năm 2023, 15 văn nghệ sĩ Yên Bái được cử dự Trại sáng tác VHNT tại Nhà sáng tác Cần Thơ. Từ lâu, chỉ biết Cần Thơ qua những câu ca: Cần Thơ có bến Ninh KiềuCó dòng sông đẹp có nhiều giai nhân”;Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về”; “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh/ Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ/ Ai về Chợ nổi Cái Răng/ Thăm cô em gái khăn rằn vắt vai?…

81-85 of 335<  ...  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter