Người giữ lửa hậu phương

Ký của THẾ QUYNH

                                                                

Thế là đèo Lũng Lô- con đèo mang trong mình quá khứ hào hùng của một thời máu lửa đã được Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia (Theo định số 1409/QĐ- BVHTTDL, ngày 27/4/2011). Nhân dịp này tỉnh Yên Bái cũng tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Đèo Lũng Lô- Con đường lịch sử”. Vui lắm! Cả Thượng Bằng La cứ rộn lên y như cái ngày nhân dân tham gia mít tinh ở bản Háu Ngoài mừng độc lập thoát khỏi ách thống trị của Nhật- Pháp và tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Cờ, băng rôn treo rợp các ngả đường. Mới sáng tinh mơ mà già, trẻ từ thôn Bữu, thôn Đỗng phía ngoài đến bản Dạ, bản Bau, Văn Tiên giáp chân đèo Lũng Lô đã đổ về trung tâm xã. Trong ngày vui đó, tôi vinh dự được gặp ông Hoàng Kim Sáng- người từng gắn bó với công cuộc mở đường qua con đèo huyền thoại. Hôm ấy ông mặc bộ quân phục cất kỹ từ ngày rời tiểu đoàn cảnh vệ bảo vệ cơ quan Khu ủy Tây Bắc về tham gia công tác tại địa phương. Những huy chương, huân chương kháng chiến và cả Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cũng được trân trọng gài nơi ngực áo. Bằng giọng hồ hởi của nhân chứng lịch sử, ông tái hiện lại cho người nghe về thời khắc oai hùng.

Ngày ấy, thực dân Pháp với âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa đã đưa quân đánh chiếm lại Nghĩa Lộ, vùng ngoài huyện Văn Chấn. Sau trận bị bộ đội chủ lực thuộc Tiểu đoàn Quyết thắng phối hợp với du kích xã Thượng Bằng La phục kích tại Đèo Đao (đỉnh Lũng Lô) buộc phải rút về Quang Huy và đóng đồn dã ngoại ở thôn Cao, xã Chấn Thịnh. Tháng 10 năm 1947, chúng cho một đại đội đánh chiếm Thượng Bằng La rồi lập đồn đóng quân tại bản Bữu với âm mưu cùng đồn Ba Khe, đồn Đồng Bồ án ngữ các đầu mối giao thông, phối hợp càn quét lập tề ngụy, xây dựng vành đai trắng, ngăn chặn ảnh hưởng của chiến khu Vần- Hiền Lương, hòng bóp chết phong trào cách mạng Thượng Bằng La cùng vùng ngoài Văn Chấn. Dân tình khổ lắm, còn hơn cả lúc một cổ hai tròng áp bức Nhật- Pháp. Hằng ngày chúng cho quân xuống các bản càn quét, cướp của cải, lương thực đẩy người dân vào tình trạng thiếu đói. Rồi chúng còn phá nhà cửa lấy vật liệu đem về xây dựng đồn, làm sân bay. Chưa đầy một năm mà đã có trên 400 ngôi nhà bị đốt phá, hơn 300 con trâu bò bị giết. Thanh niên trai tráng thì bị bắt lính, đi phu liên miên bỏ cả ruộng vườn không người sản xuất. Thực hiện chủ trương đưa dân đi sơ tán, xây dựng làng kháng chiến, Thượng Bằng La đã vận động nhân dân ban đêm về gặt lúa, khẩn trương cất giấu lương thực, đuổi trâu bò vào rừng không để rơi vào tay giặc. Mới chục tuổi đầu, Hoàng Kim Sáng và những bạn cùng trang lứa phải theo gia đình đi sơ tán nhằm bảo tồn lực lượng, tiếp tục cho cuộc kháng chiến lâu dài. Lên rừng, sang Ngọn Phào thuộc xã Nghĩa Tâm, rồi xuống tận vùng tự do Yên Lập của tỉnh Phú Thọ. Ở đâu cũng nhớ quê hương và mong sớm được trở về tham gia chiến đấu. Tin vui chiến thắng cứ dồn dập báo đến, du kích Thượng Bằng La phối hợp với bộ đội chủ lực phục kích địch ở đèo Đen Đin, Đá Đỏ, Lũng Cao, Dốc Thọ, Khe Hán, Khe Mặn, quấy phá địch ở ngay đồn Bữu khiến chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Mười ba tháng đánh giặc đã tiêu diệt được 49 tên trong đó có 4 tên Pháp, thu được 15 khẩu súng, lấy lại được 15 con trâu bò và đốt cháy 2 kho quân trang, quân lương của địch. Nghe mà nức lòng. Tháng 5 năm 1952 ta mở chiến dịch Tây Bắc, mục tiêu quan trọng là tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ. Bộ đội chủ lực phối hợp với quân dân địa phương tiến công địch ở khắp nơi buộc chúng phải rút khỏi nhiều vị trí quan trọng. Cùng chung số phận, bọn đóng ở đồn Bữu cũng bỏ của chạy lấy người. Nghĩa Lộ giải phóng, Thượng Bằng La hết bóng quân xâm lược, đồng bào các dân tộc náo nức trở lại quê hương. Mảnh đất cha ông trước trù phú là thế mà sau 5 năm thực dân Pháp chiếm đóng lập đồn nay trở nên tiêu điều. Cánh đồng cỏ mọc, làng bản xác xơ, Khe Phưa, Khe Mặn khét nồng khói đạn. Phải khai hoang phục hóa, làm lại nhà cửa, xây dựng cuộc sống từ đầu. Chính quyền đã lãnh đạo nhân dân tổ chức thành các nhóm đổi công, lên rừng lấy cây về dựng nhà tạm, đồng thời khẩn trương bắt tay ngay vào sản xuất lương thực, trồng rau màu lấy ngắn nuôi dài đảm bảo đời sống trước mắt. Đến cuối năm 1953 đã có 85% số ruộng đất được phục hóa. Màu xanh của lúa, ngô, khoai, lạc phủ kín cánh đồng. Nhiều nhà mới được dựng lên. Tối tối lớp học bình dân học vụ lại bắt đầu sáng đèn. Những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ cũng được duy trì. Các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn thanh niên cứu quốc... được củng cố vững mạnh và sinh hoạt đều đặn. Khát khao trở về quê hương hoạt động nay đã thành hiện thực, Hoàng Kim Sáng làm đơn xin gia nhập tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc. Từ sinh hoạt, được nghe về truyền thống đấu tranh anh dũng của tổ chức Đoàn, nhất là tấm gương sáng ngời hy sinh dũng cảm vì độc lập tự do của Tổ quốc như Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu hay Hoàng Văn Thọ tay không xông lên cướp súng giặc ở ngay xã Đại Lịch kế bên. Rồi cũng lần đầu tiên tuổi trẻ Thượng Bằng La sát cánh bên nhau cùng cất ca vang hành khúc thanh niên "Đi lên thanh niên/ Có ngại ngần chi/ Đi lên thanh niên/ Làm theo lời Bác/ Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên" mà trái tim ngỡ được truyền thêm lửa. Họ hăng hái xung phong đóng góp sức trẻ vào công cuộc tái thiết bản làng. Ai cũng muốn được phân công nhiệm vụ. Tác phong nhanh nhẹn và cũng đã học qua bậc tiểu học, Sáng được các đồng chí lãnh đạo tín nhiệm phân công làm văn phòng Ủy ban hành chính kháng chiến xã. Công việc tối mày tối mặt, nào là soạn thảo công văn, xuống thôn bản kiểm tra sản xuất, làm báo cáo tổng hợp... Nhìn các anh bộ đội hành quân qua, lại nhiều thanh niên trong xã nhập ngũ và tham gia dân công hỏa tuyến những muốn cũng được đi bộ đội. Gặp chủ tịch xã Hoàng Kim Thảo trình bày nguyện vọng, ông bảo: "Đánh giặc thì chiến trường hay hậu phương đều quan trọng cả. Xây dựng hậu phương vững mạnh tiếp sức cho tiền tuyến cũng là vinh quang đấy". Nghe mà lòng tự nhủ lòng hãy yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 16 tháng 12 năm 1952, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời cũng quyết định mở con đường 13A, bắt đầu từ Bến Hiên tới ngã ba Cò Nòi, nối với đường 41 phục vụ cho chiến dịch. Tuyến đường mà công binh và dân công phải mở dài trên 120 km, riêng đoạn chạy dọc qua xã Thượng Bằng La dài 18 km địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu và phải vượt qua đèo Lũng Lô. Công việc ở Ủy ban xã lại càng nhiều thêm. Nào là việc tham gia khảo sát phát tuyến và tổ chức các lực lượng mở đường; rồi lo nơi ăn chốn ở cho bộ đội công binh và dân công. Thượng Bằng La còn được chọn là nơi tập trung quân lương, quân trang vượt đèo vào chiến dịch. Cán bộ xã căng mình ra với nhiệm vụ được giao, anh nào anh nấy mặt mày hốc hác vì thiếu ngủ. Làm văn phòng lại càng vất, đôi chân cuốc bộ từ thôn Mỏ qua Khe Thắm, vòng về Bản Bữu đến Suối Đao, gần hai chục thôn bản cứ đâu cần là phải có mặt. Được cái lòng dân cũng thuận, từ trẻ đến già mỗi người một việc đều hăng hái đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến. Ngay từ tháng 11 năm 1953 đã đón trên 5.000 lượt bộ đội, dân công ở các nơi về tham gia chiến dịch mở đường 13A. Mặc dù mới ở nơi sơ tán về còn gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình nào cũng giành phần được đón người về ở cùng. Hai ông Hà Đình Phẩm và Hoàng Đình Xướng còn tình nguyện dẫn đoàn khảo sát cắm tiêu mở đường qua đèo Lũng Lô. Riêng đoạn qua Khe Thắm, qua cánh đồng Mỏ dài 3 km mà phải vượt 3 con suối lớn với bãi sình lầy hàng ki lô mét. Nhân dân đã quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre bương. Có gia đình tình nguyện góp cả bộ cột nhà vừa mới chặt về để lót đường, bắc cầu thông xe. Cả Thượng Bằng La rộn rã công trường. Cùng với việc tham gia của toàn dân, xã còn tổ chức 3 đại đội, mỗi đại đội từ 85 đến 140 người, chủ yếu là thanh niên. Một đại đội do Hà Đình Tài phụ trách có nhiệm vụ trực chiến suốt ngày đêm ở những đoạn đường xung yếu, bắc cầu lót ván cho xe qua và trực tiếp tham gia mở đường. Đại đội do Hà Đình Chi phụ trách chỉ huy thì có nhiệm vụ trực chiến ngày đêm sẵn sàng đánh trả các đợt oanh tạc ném bom của máy bay địch. Còn đại đội của Hoàng Kim Tường chia thành 3 trung đội đảm trách tuần tra, canh gác từ Ba Khe, Khe Thắm, Bản Dạ không để mất vũ khí, đạn dược và bảo vệ đường dây thông tin liên lạc. Hoàng Kim Sáng phấn khởi lắm, thế là lớp trẻ ai cũng được tham gia vào sự nghiệp cứu nước, xứng đáng với thế hệ đi trước. Bước chân vì thế lại càng dẻo dai hơn, công việc văn phòng thực sự hữu ích khi được đóng góp tích cực cho cuộc kháng chiến vĩ đại.

Trên công trường đường 13A, suốt từ Cầu Gỗ đến đỉnh đèo Lũng Lô tiếng mìn phá đá ì ầm và tiếng cuốc, xẻng va vào nền đá cứng choang choang. Khi đường được mở tới đỉnh đèo thì gặp phải vách đá dựng đứng chắn ngang, phải đu người trên dây mà choòng, mà đục. Một số người vùng ngoài lần đầu biết thế nào là núi cao, vực sâu tỏ ra lo lắng dễ phải mất hàng năm mới thông được đèo. Lại phải cùng đoàn cán bộ có mặt kịp thời để động viên, làm công tác tư tưởng. Hoàng Kim Sáng bảo mọi người, đèo Lũng Lô là lưng của một con rồng đầu ở Cò Nòi bên Sơn La còn đuôi tận Bến Hiên tỉnh Tuyên Quang. Con rồng bị tên quỉ mắt xanh, râu đỏ bắn bị thương nên gồng mình vì đau đớn. Muốn cho nó nằm yên phải chữa khỏi vết thương, tức là hạ thấp độ cao con đèo. Biết anh chàng bộ dạng thư sinh bịa, song lại thấy có lý vì dù sao cũng gần với công việc họ đang làm. Thế là tất cả ồ lên tán thưởng. Rồi những đợt thi đua, phong trào văn nghệ được phát động. Điệu hò Thanh Hóa, hát đối Nghệ An, điệu khắp của người Tày, người Thái Yên Bái vang lên suốt tuyến đường khiến ai nấy vơi đi mệt nhọc. Qua mỗi ngày, hình hài con đường đã hình thành. Tổng hợp số liệu báo cáo lên trên mà lòng Sáng thấy vui vui, y như mình vừa lập chiến công vậy. Quân Pháp biết ta mở con đường chiến lược tiến vào Điện Biên Phủ, chúng liền tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc hòng ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Cùng với Âu Lâu, Hưng Khánh, Vực Tuần, Cò Nòi, thì địa điểm đèo Lũng Lô là nơi địch ném bom ác liệt. Liên tục, mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 đến 6 lần. Bản Dạ, cầu Bản Bắc và cả thôn Mỏ của anh trở thành cái túi hứng bom. Bom phá nát đường, bom rơi vào bản làm cháy nhà, xới tung mồ mả. Sau này thống kê cho thấy trong suốt chiến dịch máy bay địch đã ném xuống đây gần 12.000 tấn bom, có ngày ném xuống 200 quả. Chúng dùng bom phá thì bộ đội, dân công nghe tiếng máy bay còn tránh được vào vách núi, ngườm đá để bớt thương vong. Đáng ngại nhất là bom bướm. Loại bom này rất nhỏ, được ném dày đặc và lúc ném xuống không nổ ngay chỉ khi nào người vướng phải hoặc đá lăn va đập vào thì mới phát nổ gây sát thương. Vượt qua nguy hiểm, bất chấp bom đạn, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến đã có hàng vạn lượt bộ đội, dân công ngày đêm bám đường. Địch phá ta lại sửa ta đi, địch phá đoạn này ta mở đoạn khác, địch phá ban ngày ta mở đường ban đêm. Sau hơn 200 ngày đêm, con đường tiếp tế cho Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày và trở thành một kỳ tích lịch sử làm thực dân Pháp bất ngờ, khiếp sợ tinh thần quả cảm của quân và dân ta. Làm con đường đã khổ nhưng khi dân công tải lương, tải đạn qua đèo cũng muôn trùng gian nan. Đường mở giữa rừng già nên khe nước, mạch nước rất nhiều. Nền đường đá lởm chởm, người và phương tiện đi lại liên tục, rồi cả trâu bò cũng được đưa ra chiến trường làm thực phẩm khiến mặt đường luôn lầy lội, nhớp nháp. Thời gian cao điểm của việc chi viện cho tiền tuyến kéo dài từ cuối năm 1953 đến khoảng đầu tháng 4 năm 1954, dân công, bộ đội thường phải đi trong mưa đêm giá rét. Đi đêm không có ánh đèn, một tay người dân công phải giữ đòn gánh, tay kia chống gậy. “Cái khó ló cái khôn”, dân công ta có sáng kiến bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh buộc vào hai đầu đòn gánh để dẫn hướng cho nhau và giữ được cự ly. Người đi trước hễ thấy khe nước, cầu tạm, vũng lầy thì báo hiệu cho người đi sau đề phòng khỏi ngã. Có lần, không biết do mệt mỏi hay nhầm lẫn thế nào mà người đi đầu bảo phía trước có hố mà đến giữa đoàn lại thành phía trước có hổ. Tất cả liền hạ gánh, tay gậy tay đá sẵn sàng chống lại thú dữ, đến khi biết là lầm thì cười ồ và lại cất gánh lên vai đi tiếp. Khổ như vậy mà dân công vẫn thi nhau hát cho quên đi nỗi nhọc, cho mau ra tiền tuyến. Họ còn í ới hỏi thăm quê quán ở đâu, tình hình chiến trận ra sao giữa đoàn đi ra với đoàn đi vào. Ở ngoài công trường về, Hoàng Kim Tường kể: Nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong đội hình đại đội súng cối 267 thuộc Đoàn B08 hành quân từ Đại Từ lên miền Tây Bắc. Khi tới Thượng Bằng La, đại đội được lệnh dừng chân. Cấp trên phổ biến nhiệm vụ cho đơn vị là tham gia "Chiến dịch Trần Đình". Không ai biết Trần Đình là địa danh nào trên bản đồ Tổ quốc. Người đoán già, kẻ đoán non "Có lẽ ta hành quân nghi binh, qua Nghĩa Lộ rồi lại quặt về đồng bằng". Bỗng một chiến sĩ cất giọng nói to "Thôi, dẹp thắc mắc nhé! Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi". Nghe thấy hay, nhạc sĩ vội lấy cuốn sổ tay và cẩn thận ghi nguyên câu nói của người chiến sĩ ấy. Và bài hát "Hành quân xa" với lời ca có câu "Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi" được ra đời ngay trong bước đường hành quân, trở thành khúc quân hành của những người lính Cụ Hồ trong cuộc trường chinh vĩ đại. Như vậy, hàng vạn tấn quân trang, vũ khí đạn dược; hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm tập kết ở khu vực Thượng Bằng La đã vượt đèo vào chiến trường và được bảo vệ an toàn, góp phần làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Nghe ông kể mà tôi như được đắm mình trong cuộc. Chợt nhớ câu thơ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát”. Con đường qua đèo Lũng Lô hôm nay đã rộng mở và sự dũng cảm hi sinh cho ngày toàn thắng của lớp cha anh lịch sử mãi khắc ghi. Ông Hoàng Kim Sáng, mấy chục năm trời làm văn phòng, Ủy viên thư ký và liên tục 5 khóa giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Tuổi thanh xuân đã mang sức trẻ cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, khi nghỉ chế độ còn tham gia làm Chủ tịch Hội người cao tuổi. Giờ ông đã là người thiên cổ, nhưng bậc lão thành ấy mãi là hình ảnh đẹp, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo phấn đấu xây dựng quê hương Thượng Bằng La giàu đẹp, xứng với địa danh “Đèo Lũng Lô- Con đường lịch sử”.

 

T.Q

Các tin khác:

Đón ánh bình minh

NGỌC HÀ

 

Sau ngày đảo chính Nhật Pháp (9/3/1945), đồng chí Minh[1] được Xứ ủy Bắc Kỳ cử lên hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở các tỉnh Phú Thọ- Yên Bái. Chiến khu Vần là một trong những cơ sở cách mạng quan trọng của Yên Bái. Địa thế rất hợp với đánh du kích...

91-95 of 333<  ...  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter