Trầm tích Điện Biên

                                                                         Ký của NGUYỄN THỊ THANH

Có thể nói, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Đã 70 năm đi qua nhưng tiếng vang của chiến thắng lừng lẫy năm châu ấy vẫn không thể xóa nhòa và hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…" vẫn in dấu trong lòng dân tộc.

Những anh bộ đội Cụ Hồ và những thanh niên xung phong, những dân công ngày ấy nay tuổi đã cao, đồng nghĩa với những nhân chứng lịch sử dần ít đi, nhưng ký ức về một thời máu lửa vẫn nóng bỏng, vẹn nguyên và qua năm tháng từng giọt nhựa sống được tích tụ, được cô lại như "cánh kiến hoa vàng". Với tôi, mỗi cựu chiến binh- chiến sĩ Điện Biên như những gộc trầm tích đã, đang và mãi mãi tỏa hương, tô đẹp trang sử vàng của dân tộc anh hùng!

   Đồng chí Trần Xuân Kha, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Nghĩa Lộ cho biết trên địa bàn thị xã nay chỉ còn 10 đồng chí đã từng tham gia chiến dịch, tất cả đều trên 90 tuổi, nhiều đồng chí sức đã yếu. Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi xin phép gặp một số cựu chiến binh để được nghe, được hiểu và được hòa cùng tâm trạng của những người lính một thời ra đi đánh giặc đã ngạo nghễ trở về trong niềm vui chiến thắng…

   Tiếng vọng Him Lam!

   Trong ngôi nhà nhỏ tại thôn Pá Xổm xã Phù Nham thị xã Nghĩa Lộ, ông Hứa Văn Diên nay tuổi 92 chỉnh tề trong bộ quân phục Cựu chiến binh, ông nói "Năm nào cũng vậy cứ đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hoặc ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tôi đều khoác áo cựu chiến binh. Tôi thấy đẹp lắm! Tự hào lắm!". Dù tuổi cao song ông còn khỏe và minh mẫn, khi được hỏi về ký ức Điện Biên ông hào hứng kể mà không hề vấp váp. Nhập ngũ năm 1952, ông được biên chế vào C136, D130, E 209, F312. Ông nói, điều vinh dự tự hào nhất là được đánh trận mở màn chiến dịch ngày 13/3/1954 vào cứ điểm Him Lam. Trước đó đơn vị được quán triệt mệnh lệnh "Đánh chắc! Tiến chắc!" và lẽ ra lực lượng công kiên mở màn sẽ do Đại đoàn 308 hoặc 316 làm chủ công, nhưng vì cả hai đơn vị đó vừa truy kích quân Pháp ở bên Lào nên lần này Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 312 do Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn chỉ huy mặc dù Đại đoàn cũng khá mệt mỏi vì vừa phải kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra, phải xây dựng trận địa ở vị trí sung yếu. Để đảm bảo tinh thần "trận đầu phải thắng!" Ban tham mưu Quân đội đã bố trí một lực lượng mạnh gấp 3 lần, có kế hoạch bố trí phòng pháo cùng với pháo phòng không, pháo phản kích. Trận địa pháo của đại đoàn được xây dựng trên cao, đào hầm và ngụy trang rất kỹ càng có thể quan sát xuống cứ điểm Him Lam, một trung tâm đề kháng mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên. Trong hồi tưởng của ông, từ khoảng 8 giờ sáng máy bay Đakota của quân Pháp vừa hạ cánh xuống sân bay đã bị ta bắn trúng bốc cháy ngùn ngụt, tức thì chúng cho bộ binh và xe tăng từ Mường Thanh tiến ra nhằm đánh vào trận địa xuất phát của ta. Khoảng hơn 5 giờ chiều, nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đơn vị đồng loạt ngắm bắn hỏa lực vào cứ điểm Him Lam, nhìn rõ khói pháo bao trùm lên các đồn bốt giặc. Thấy bị nã pháo liên tiếp xe tăng và bộ binh địch từ Mường Thanh phải nhanh chóng rút lui, bộ binh ta thừa cơ hiệp đồng xung phong tiến đánh cụm cứ điểm trên đồi Him Lam. Anh em hả hê lắm! Sau đó được lệnh yểm hộ cùng bộ binh đặt pháo ngay trước cứ điểm để bắn trực tiếp vào các lô cốt cùng với đơn vị trợ chiến chi viện cho bộ binh tiến lên đặt ống thuốc nổ mở cửa đột phá. Như vậy là chỉ sau khoảng 40 phút trung đội bộc phá đã dọn sạch con đường xuyên qua hàng rào dây thép gai và bãi mìn cho bộ đội ta tổng tiến công. Đợt 1 này kéo dài đến ngày 17/3 quân ta đã làm chủ đồi Him Lam, đồi Độc Lập và Bản Kéo.

   Ông còn kể những ngày đêm giằng co với địch của đợt 2 suốt từ 30/3 cho tới 30/4 ở Mường Thanh, đồi C1, đồi A1 và đợt cao điểm thứ 3 từ ngày 1/5 đến 7/5/1954… Bất chợt ông đứng lên dang tay hát "Hôm qua đánh trận Điện Biên, chiến hào xuất kích, đồi Him Lam ta tiến vào… Đột phá, tiêu đao ta đánh vào! Đi mở đường thắng lợi, ta đã đổ mồ hôi ta tới đây, quyết tiêu diệt cho hết quân thù…!" (Bài hát "Trên đồi Him Lam" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận). Ông cười rất tươi rồi vỗ vào vai tôi nói thông cảm cho ông nhé! Già rồi hát không hay nhưng bài hát này cả đơn vị hầu như ai cũng thuộc, vì có mình trong đó, vui sướng lắm! Vâng ông ơi, chúng con đã nhiều lần nghe ca sĩ hát bài này nhưng hôm nay trong tiếng hát của ông con đã nghe thấy cả tiếng pháo rền của 70 năm trước, nghe thấy tiếng kèn xung trận và cả tiếng reo mừng chiến thắng của bao chiến sĩ đã "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!".

   Hồng Cúm, nơi tàn quân cố thủ!

   Bước qua chín bậc cầu thang lên nhà sàn của cựu chiến binh Lò Văn Hò ở xóm mới Ao Sen 1, phường Tân An, là người dân tộc Thái đã vào tuổi 90 nhưng nước da ông vẫn hồng hào, dáng nhanh nhẹn, ông Hò ra cửa đón tôi và chào thân thiện bằng tiếng Thái "Hảo hăn nớ…! Noọng mứa dam côn ké hăn nế…?" (Chúc mạnh khỏe nhé! Hôm nay đến thăm già này có việc gì vui không?). Ồ…! Nhiều ngày nay cả nước tri ân chiến sĩ Điện Biên mà "noọng" không đến với "Ải lung" là có lỗi nhiều lắm đấy! "Noọng" đến để nghe chuyện đánh Tây giải phóng bản mường chứ! Và chúng tôi cùng cười rôm rả làm ấm cả mấy gian nhà sàn.

   Sau giải phóng Nghĩa Lộ ngày 18/10/1952, chàng thanh niên 19 tuổi bản Muông Hán xã Phúc Sơn thuộc Châu Văn Chấn đã khám tuyển quân sự, đến tháng 1/1953 nhập ngũ vào Trung đoàn 195 thuộc quân khu Tây Bắc. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ được triển khai, Trung đoàn của ông Lò Văn Hò được lệnh tăng cường cho chiến dịch với nhiệm vụ phối hợp đánh phân khu Hồng Cúm. Kể chuyện chiến đấu mà giọng ông cứ nhẹ nhàng nhưng mỗi lời kể càng thấm sâu vì tại cứ điểm này quân ta chủ yếu triển khai phương án bao vây, kiềm chế lực lượng pháo binh địch và cố gắng ngăn không cho chúng tiếp viện vào phân khu trung tâm. Đồng thời dùng các biện pháp nhằm khống chế sân bay Hồng Cúm không cho máy bay có thể cất cánh chở chi viện cho trung tâm Mường Thanh. Ông nhớ như in ngày 21/4/1954 quân địch xuất quân chi viện cho cứ điểm trung tâm, từ Hồng Cúm lính Pháp đi sau xe tăng hùng hổ tiến vào hướng lòng chảo Mường Thanh. Được lệnh tiến công bộ đội ta hô xung phong đuổi theo truy kích, cũng đúng lúc nghe tin ta chiếm được đồi A1, tướng Pháp đã đầu hàng nên bộ đội càng vui mừng, đánh càng hăng khiến hàng trăm quân lính tháo chạy, vứt bỏ vũ khí, ta thừa thắng xông lên và bắt được gần 2.000 tên, thu được rất nhiều súng đạn. Nhưng dù phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ, tướng Đờ Cát đã ra hàng vô điều kiện nhưng quân Pháp ở phân khu Hồng Cúm vẫn còn nguyên 3 tiểu đoàn, chúng ngoan cố chống cự. Bộ đội chủ lực dùng pháo 105 ly bắn cấp tập vào Hồng Cúm đồng thời yêu cầu tướng Đờ Cát gọi điện cho quân Pháp ra hàng nhưng không thấy chúng phản ứng gì, khi ta quyết định tấn công chúng mới chống trả quyết liệt, nhưng đến 8 giờ tối ta được lệnh "Dọn sạch" tàn quân tại Hồng Cúm. Lúc này biết không thể chống trả được bộ đội ta nên chúng tìm cách tháo chạy sang phía Lào song đã bị ta chặn lại và bắt sống.

   Gió từ cánh đồng đưa hương lúa đang uốn câu thơm ngào ngạt. Ông Lò Văn Hò khiêm tốn nói "Tôi chỉ được đánh bọn tàn quân ở Hồng Cúm thôi, chắc không vinh dự bằng các đồng chí khác…".  Người núi vẫn thế mà, họ cứ thật như cây cỏ, nhưng cuộc kháng chiến của dân tộc ta là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, mỗi người dân cũng là một chiến sĩ huống chi ông đã anh dũng xông pha nơi lửa  đạn chiến trường! Điều đáng nói hơn chính là câu chuyện sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với niềm vui chung của quân và dân miền Tây Bắc vẫn có thế lực ngấm ngầm chia rẽ khối đại đoàn kết, vì vậy còn nhiều người dân tộc hoài nghi cho rằng "người keo" (người Kinh) lên đây đánh giặc xong là giữ đất của người Thái, người Mèo. Trước tình hình đó chiến sĩ Lò Văn Hò và các anh em người dân tộc thiểu số được ở lại Điện Biên đi vào dân, sống cùng dân suốt mấy tháng trời làm nhiệm vụ tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu và cùng tổ chức hệ thống chính quyền từ thôn bản đến cấp xã, từng bước đập tan âm mưu chia rẽ dân tộc giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông lại được cử sang nước bạn Lào cùng 9 đồng chí khác nằm vùng tại tỉnh Pa Thí săn lùng tung tích của tướng phỉ Vàng Pao với mục tiêu bắt sống hoặc tiêu diệt gọn nhưng vì rừng núi hiểm trở, lực lượng mỏng nên chưa thực hiện được nhiệm vụ đó. Nhìn vẻ mặt trầm ngâm, tiếc nuối và ánh mắt lảng tránh tôi liền lên tiếng thán phục khả năng của ông trên mọi lĩnh vực. Vì được biết năm 1960 ông phục viên về tham gia cán bộ lãnh đạo xã của vùng đồng bào Thái xã Phúc Sơn huyện Văn Chấn, sau này ông còn được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách khối nông lâm cho đến lúc nghỉ hưu.

   Ngã ba Cò Nòi, "Yết hầu" trọng điểm.

   Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, không thể không nhắc tới sự đóng góp máu xương và công sức của lực lượng dân công, thanh niên xung phong và quần chúng nhân dân. Tôi rưng rưng khi nghe tin trên địa bàn vẫn còn một số nhân chứng lịch sử trong đội quân hùng hậu này. Đồng chí Nghĩa Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã đưa tôi đến gặp ông Bùi Hồng Vân trên nhánh đường 3/2 thuộc tổ 5 phường Tân An, ông gia nhập lực lượng thanh niên xung phong từ năm 1952 thuộc đội 40, C408 làm nhiệm vụ thông tuyến và đảm bảo an toàn giao thông, giữ những con đường huyết mạch cho bộ đội kéo pháo, hành quân, chở vũ khí, khí tài và dân công chuyển lương thực, thực phẩm lên tiền tuyến. Ông đã từng tham gia công trường 111 mở tuyến từ Lai Châu sang Điện Biên, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất vẫn là những ngày giữ chốt ở ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa quốc lộ 37 và quốc lộ 6 thuộc xã Cò Nòi huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La. Đây được coi là "yết hầu" mà quân địch quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng thanh niên xung phong phải bám trụ ngày đêm, ông Vân giơ tay lên miêu tả mỗi ngày chúng thả không biết bao nhiêu quả bom, cứ khoảng 13 đến 15 phút máy bay địch lại ném bom bắn phá một lần, có ngày thả tới gần 300 quả bom các loại nào là bom phá, bom nổ chậm, bom bướm… Cho nên Cò Nòi còn được mệnh danh là "túi bom" và cũng nơi đây hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong đã đổ máu hy sinh. Song họ vẫn kiên trung bám trụ, nắm được quy luật hoạt động của máy bay địch nên lúc thì trú ẩn trong hang đá, lúc tràn ra dọn đường, lấp hố bom quyết đảm bảo thông suốt tuyến vận chuyển từ Yên Bái sang và từ miền xuôi lên. Trong số 18.200 lượt thanh niên xung phong được huy động phục vụ chiến dịch thì đã có hơn 1.000 người được phân công thường trực tại ngã ba Cò Nòi. Tôi hỏi ông lực lượng này có phải lấy từ dân công hỏa tuyến không? Ông cười và giải thích, đây chính là lực lượng được Bác Hồ quyết định thành lập từ năm 1950 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định Thanh niên xung phong cũng như bộ đội, chúng ta đều phải anh dũng hy sinh, sẵn sàng chiến đấu, đoàn kết, một lòng một dạ đi đến thắng lợi cuối cùng. Chính vì vậy ngã ba Cò Nòi đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Ông cho biết mình cũng suýt hy sinh tại túi bom này nhưng may bom đạn nó vẫn tránh để bản thân được trở về tiếp tục cống hiến và xây dựng kinh tế ở vùng núi Tây Bắc thân yêu. Cựu thanh niên xung phong đã 95 tuổi, ông vừa được vinh dự đi dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ và tri ân tại Thủ đô Hà Nội. Ông tự hào đem ra khoe bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khung thếp vàng do quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng.

   Với 3 đại diện trong số những cựu chiến sĩ Điện Biên hôm nay, người vinh dự đánh từ trận đầu quyết liệt, người tham gia "dọn sạch" tàn quân và đấu tranh bảo vệ thành quả kháng chiến, người đại diện cho lực lượng phục vụ chiến dịch đã giúp tôi hiểu thêm nhiều về giá trị của độc lập tự do, giá trị của lòng yêu nước, thương nòi, đấu tranh không khoan nhượng với bất cứ kẻ thù nào, dù đối đầu hay giấu mặt cũng không thể khuất phục được một dân tộc anh hùng, một dân tộc luôn có lòng tự tôn, đoàn kết, sẵn sàng hy sinh tất cả để đổi lấy tự do, hạnh phúc. Mỗi người dân Việt Nam yêu vước đã cùng làm nên chiến thắng và chiến thắng Điện Biên Phủ đã mang một tầm vóc, ý nghĩa to lớn không những kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà còn mở ra một giai đoạn cách mạng mới.

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954- 2024) chính là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào và khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch trong gia đoạn hiện nay! Chúng ta cũng sẽ mãi tri ân những chiến sĩ Điện Biên, họ không những là nhân chứng lịch sử mà còn là những viên ngọc quý, những cây trầm tích mãi tỏa hương cho đời…!

                                                                                        N. T. T

  

 

 

Các tin khác:

Đón ánh bình minh

NGỌC HÀ

 

Sau ngày đảo chính Nhật Pháp (9/3/1945), đồng chí Minh[1] được Xứ ủy Bắc Kỳ cử lên hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở các tỉnh Phú Thọ- Yên Bái. Chiến khu Vần là một trong những cơ sở cách mạng quan trọng của Yên Bái. Địa thế rất hợp với đánh du kích...

91-95 of 333<  ...  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter