Nguyễn Đức Dũng- Người viết giấc mơ

Ký của Dương Thu Phương

 

Chúng ta đang đi đâu?

Đi tìm vàng trong đá.

Chúng ta có gì, vào lúc này?

Có Nhân dân, những người thợ mỏ, khán giả cũng là giám khảo công tâm nhất.

Vậy chúng ta đóng vai trò gì trong đó?

Mang miền tin, sự khích lệ, cổ vũ; làm ấm những viên ngọc phát sáng ấy, chiếu sáng người cầm nó và lan tỏa ánh hào quang xung quanh nơi nó đến.

Với hai chúng ta?

Có cần gì nhiều, bởi vốn dĩ câu chuyện tự nó nói lên tất cả.

Đoạn hội thoại đã rất lâu rồi ấy cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi khiến con đường đến nơi đây nhanh như một cái chớp mắt.

Tháng ba về, tháng của buổi giao mùa, tháng của những nắng mưa bất chợt, có lẽ vì thế mà con người lúc này cũng trở nên dễ rung động, dễ bộc bạch, dễ thổ lộ và có một chút lắng lại để nhìn ngắm quãng thời gian mình đã đi qua.

 Tôi may mắn được gặp anh trong một khoảng thời gian như thế, bởi rất hiếm khi anh chia sẻ về mình. “Lúc công ty Cà phê Yên Bái giải thể, những con chữ trôi đi trong giọng kể xúc động, cảm giác chính xác lúc đó là một mình mình giữa biển nước mênh mông, không nhìn ra phương hướng, cũng không một chỗ bám víu. Như con gà bị người ta đập bể lớp vỏ bên ngoài và lôi tuột ra khỏi quả trứng”. Đó là cảm giác của một Trưởng phòng Kế hoạch của Công ty Cà phê Yên Bái khi mọi kế hoạch bị vỡ ra, không cách gì ngăn lại được. “Mà không chỉ riêng mình, tất cả mọi người cũng đều có tâm trạng như vậy, nỗi hoang mang cộng hưởng tạo thành một làn sóng dạt mọi ý nghĩ nằm rạp xuống. Chán chường và bi quan”.

Trong căn phòng làm việc nhỏ, ánh mắt anh hướng về nơi trang trọng nhất. Ở đó, treo bức ảnh ngày đầu tiên Công ty cổ phần Yên Thành thành lập.

Có những sự lựa chọn mình không được quyền lựa chọn, giọng anh nhỏ dần. Nhưng mình vẫn tin vào quyết định liều lĩnh đó.

Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, phân tích nguyên nhân vì sao một dự án Nhà nước được đầu tư công phu, bài bản như thế lại đổ bể, nghĩ về những ngày tháng sau này của những cộng sự, những nhân công mất việc, anh quyết định bàn với một số anh em thân thiết cùng nhau góp vốn, mua lại một phần tài sản thanh lý của Công ty Nhà nước, thành lập Công ty cổ phần Yên Thành. Từ đây chính thức bắt đầu bước trên con đường mới chông gai, mang theo gánh nặng trách nhiệm, theo món nợ ân tình nhưng cũng là giấc mơ nuôi góp của một thời tuổi trẻ.

“Tại sao anh chọn kinh doanh măng?”

Chính tôi cũng cảm thấy đây là một câu hỏi chỉ để mà hỏi. Vì câu trả lời vốn đã luôn thường trực trên khuôn mặt cương nghị của anh. Yên Bình nói riêng, Việt Nam nói chung đa phần vẫn xuất phát từ nông nghiệp, người ta sống với đất, dựa vào đất mà tồn tại. Thế mạnh thổ nhưỡng vùng đất này là măng, lại có sẵn một vùng nguyên liệu tre măng Bát Độ được hình thành từ một dự án nông nghiệp trước đó. Sản phẩm của nông dân sẽ đi về đâu? Những nhân công không có kỹ thuật kia sẽ phải làm gì? bản thân cũng không thể phát huy lợi thế và kinh nghiệm quản lý từ trước. Thế nên, chỉ với vốn kinh doanh 500 triệu, 20 lao động, Hội đồng quản trị vẫn mơ ước và quyết tâm làm ăn với nước ngoài, xuất ngoại sản phẩm, chinh phục cả những thị trường khó tính nhất và yêu cầu kỹ thuật cao nhất.

Ai đó đã từng nói rằng: “Khi bạn dồn hết tâm trí để làm một việc gì đó thì cả thế giới sẽ dồn sức giúp bạn”. Có lẽ chỉ có sự giúp đỡ vô hình và kỳ diệu đó thì một xưởng chế biến nhỏ với 20 công nhân mới nhanh chóng trở thành một nhà máy chế biến măng xuất khẩu với công suất 3.000 tấn/năm, ổn định công việc, đảm bảo tiền lương, điều kiện lao động tốt nhất có thể cho 250 công nhân.

 Những khoảng nắng mới trước sân, cùng làn gió nhẹ thoảng qua mang theo mùi thơm thoang thoảng của măng tre, hương thơm đặc trưng của vùng đất này. Qua bao nhiêu suất xuất ngoại học hỏi, có cả mồ hôi và nước mắt nay thứ hương thơm bình dị, quê kiễng từ vùng đất đai sơn cước này đã được tỏa hương ở những nền văn minh công nghiệp và ẩm thực lớn bậc nhất thế giới và châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Chúng tôi mơ màng nhìn ra xa, nghĩ về làn khói tỏa ra từ những căn bếp của người Việt trên khắp thế giới, làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà, gợi nhớ cho con cái họ về cội nguồn bản xứ. Hương thơm của vị măng tre trên những bàn ăn của người nước ngoài, có lẽ không thứ văn hóa nào thấm, đượm, lan tỏa và kết nối bằng ẩm thực.

Nói đến Công ty cổ phần Yên Thành, nói đến những công ty nhỏ mới khởi nghiệp, nhắc đến thành phần kinh tế tư nhân của những năm 2005-2007 là nói đến muôn vàn khó khăn chồng chất đến từ vốn, nhân lực, thể chế và cả cách nhìn nhận, đánh giá của người dân. Đi vào đây nhiều lần, gặp gỡ với nhiều người, tôi được họ kể lại, nơi đây đã từng có sự việc: Mặc dù cây trồng trên đất đã được công ty mua lại, được UBND tỉnh đồng ý và tiến hành đầy đủ thủ tục pháp lý thuê đất. Nhưng bà con vẫn cho rằng công ty đã chiếm đất, chiếm rừng nên phản đối gay gắt. Những nhóm người tụ tập nhau lại, kéo thành từng đoàn đi khiếu kiện. Họ đập phá đồ đạc, hủy hoại cơ sở vật chất tại đội sản xuất của công ty. Các cuộc xô xát, đụng độ gây thương tích cả cho những người đứng ra bảo vệ. Hình ảnh đó vẫn là vết lằn trong trí nhớ những người đã từng chứng kiến. Khi chúng ta muốn thực hành công lý ở một nơi duy tình và đời sống con người gắn nhiều với lệ làng, tập tục, đó là cả một quá trình. Chính trong hoàn cảnh như thế đã thử thách, rèn bản lĩnh của một người lãnh đạo, một đảng viên. “Dân vốn dĩ là tốt, vốn dĩ ngại đấu tranh và xung đột, họ chỉ phản đối khi chưa hiểu rõ sự việc hoặc bị lôi kéo mà thôi”. Câu nói đơn giản ấy là quan điểm chỉ đạo cơ bản trong quá trình giải quyết sự việc. Tranh thủ sự vào cuộc của chính quyền, các đoàn thể, bản thân anh kiên trì giải thích mọi thắc mắc của người dân, trưng cầu ý kiến nguyện vọng của họ trên tinh thần cầu thị và tôn trọng. Người lãnh đạo giỏi đồng thời cũng là người dân vận khéo, để chính hôm nay, trên mảnh đất vốn nhiều sóng gió ấy ai cũng nhắc đến vị giám đốc ấy như một người thân trong gia đình. Anh là Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc, Bí thư Chi bộ Công ty Cổ phần Yên Thành, một cử nhân kinh tế có lối tư duy nhạy bén với thị trường và một sự cố gắng không mệt mỏi trong công việc.

Chúng tôi vẫn luôn tự hỏi, điều gì làm nên thương hiệu “Nguyễn Đức Dũng”. Đó chính là việc tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm thu nhập ổn định cho số cán bộ, công nhân mất việc do công ty Nhà nước giải thể, duy trì và củng cố vùng nguyên liệu sẵn có, từng bước tạo lập sản phẩm hàng hóa mới cho địa phương. Hay còn nhiều hơn thế nữa. Sau thành công với măng tre, anh quyết định dẫn dắt công ty theo định hướng mở rộng ngành hàng sản xuất là chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu. Đi đúng hướng, khai thác đúng lợi thế cạnh tranh, sản phẩm gỗ xuất khẩu nhanh chóng trở thành sản phẩm chủ lực của công ty mang lại doanh thu hơn 100 tỷ đồng hàng năm, và chinh phục những thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Ấn Độ. Chế biến nông lâm sản gắn với nông nghiệp, nông dân là hoạt động kinh doanh chủ yếu vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh vừa như một cách anh tri ân mảnh đất này, nơi đã chăm lo, bảo bọc, nuôi dưỡng chàng trai mảnh khảnh đất Văn Lâm, Hưng Yên như ngày hôm nay.

Đại dịch Covid-19 hoành hành, bao nhiêu công ty chưa kịp đi vào hoạt động bị chết yểu, bao nhiêu công ty phá sản hoặc hạn chế sản xuất tối đa, đặc biệt là những ngành hàng xuất khẩu gần như đóng băng, nền kinh tế đình trệ, nhưng anh tâm niệm “mình có kinh nghiệm, có thị trường, có tiền… mà còn chịu thua thì người dân phải làm thế nào? Lúc khó khăn họ giúp đỡ mình, chính những lúc này mình càng phải san sẻ lợi ích với họ. Chỉ cần công ty còn thì việc bao tiêu sản phẩm do cá nhân người nông dân, hay các hợp tác xã, tổ hợp tác xã sản xuất ra là phải được đảm bảo”. Vì thế, dù khó khăn, Công ty cũng cố gắng đầu tư thêm thiết bị, mở rộng nhà máy để khép kín quy mô, tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa từ khâu “Trồng- thu hoạch- sơ chế- chế biến- xuất khẩu” để hàng nghìn người nông dân được ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm, yên tâm sản xuất mở rộng vùng nguyên liệu, người công nhân an tâm gắn bó với công ty với mức lương bình quân đạt trên 6 triệu đồng, và cùng với tỉnh, huyện góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng là thể hiện vai trò tích cực năng động của khu vực kinh tế tư nhân trong tình hình chung của nền kinh tế thời kỳ đổi mới.

Khoảng trời trong nhất là sau cơn mưa, con người bình thản nhất khi đi qua mưa gió. Chúng tôi tự hỏi nguồn động lực tinh thần nào đã cùng với vị giám đốc vượt qua muôn vàn khó khăn như vậy. Như hiểu được điều đó, anh chia sẻ thêm.

“Chỉ sau 3 tháng thành lập công ty, chúng tôi đã thành lập chi bộ đảng. Đảm bảo sự phát triển đúng định hướng thì mới có thể đi xa được. Trong mọi trường hợp chúng tôi vẫn rất cần sự đồng hành, ủng hộ của cấp ủy chính quyền. Có sự chỉ đạo của tổ chức đảng, sự hỗ trợ vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội thì dù phát triển kinh tế hay phát triển văn hóa tinh thần mới tạo thành phong trào, có sự hưởng ứng và cổ vũ mạnh mẽ và cũng chỉ như thế mới đạt được mọi mục tiêu đề ra”. Anh nói trong vui vẻ và hứng khởi. Trong quý I năm 2021, chúng tôi đã cử 2 đồng chí đoàn viên ưu tú đi học lớp cảm tình Đảng, cũng mong muốn các đồng chí sớm trở thành người đảng viên, thêm một cán bộ gương mẫu, thêm một tấm gương sáng cho anh chị em trong công ty học tập, noi theo.

Có lẽ không cần nói quá nhiều, những con số đã phản ánh đầy đủ và trung thực về việc thực hiện quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách tại công ty. Hằng năm, Công ty cổ phần Yên Thành đóng góp cho ngân sách địa phương lên đến hơn 1 tỷ đồng, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo từ 150 đến 200 triệu đồng. Muốn làm được như thế, bản thân người đứng đầu phải nói trước làm trước, noi gương cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên. Có thể điểm qua một vài hoạt động từ thiện nhân đạo của công ty như: ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ quét, sạt lở đất tại các xã huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên; ủng hộ xóa nhà dột nát các xã Chế Cu Nha, Hồng Ca; ủng hộ xây dựng nông thôn mới các xã: Đại Đồng, Kiên Thành, Hồng Ca …

Chúng tôi không ngạc nhiên khi anh được vinh danh là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010- 2015; là Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2019. Được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái; UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen cho những thành tích và đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, huyện, góp phần an sinh xã hội trong suốt những năm qua.

Chúng tôi vẫn luôn cho rằng một người không thể làm nên kỳ tích nhưng kỳ tích phải được bắt đầu từ một người. Một vùng sơn cước xa xôi có thể làm ăn trực tiếp với những thị trường khó tính nhất của quốc tế; từ một nhà xưởng chỉ 20 nhân công bây giờ là công ty đạt doanh số hơn trăm tỷ mỗi năm, Bí thư, Giám đốc công ty Nguyễn Đức Dũng chính là người viết nên giấc mơ đó. Sắc xanh của màu áo công nhân, sắc vàng của những thảm măng, màu nâu thẫm của ván nhựa in vào không gian thấm đẫm hương thơm dịu nhẹ của hoa tạo nên cảm giác sinh sôi và tràn đầy nhựa sống, lan tỏa giấc mơ tươi đẹp bay xa.

 

 D.T.P

Các tin khác:

6-10 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter