Mưa đêm vùng cao

Ký của LÊ XUÂN

 

Một ngày cuối tháng 7, đang độ giữa hè nhưng thời tiết ở Mù Cang Chải không giống như các vùng khác trong tỉnh Yên Bái, trời nắng gay gắt bỗng chốc lại có những cơn mưa bất chợt bởi nơi đây đã bước vào mùa mưa, mùa nước để những người nông dân ngày ngày miệt mài trên những thửa ruộng bậc thang thêu dệt lên những dải khăn vàng quấn quanh các ngọn núi.

Sau vài lần hỏi thăm tôi tìm đến UBND xã Nậm Có. Ngồi tiếp tôi là một cán bộ trẻ tuổi, đồng chí Sùng A Dinh, Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa- Giáo dục của xã. Sau khi biết mục đích chuyến đi thực tế của tôi Dinh nói “Anh đến Nậm Có vào thời gian này là mùa bận rộn của bà con. Cuộc sống lao động của nhân dân mùa lúa nước, xen lẫn mùa thu hoạch đào, táo mèo chắc chắn sẽ có nhiều cái để anh viết nhưng em muốn giới thiệu với anh về những người đang lặng thầm ngày đêm bám bản. Sáng mai anh em mình sẽ đi cùng đoàn công tác liên ngành của xã đến một số bản anh nhé”. Buổi tối hôm đó tôi được sắp xếp nghỉ ở phòng khách của ủy ban xã, mặc dù vừa trải qua một ngày đi xe nhưng lên giường tôi trằn trọc không sao ngủ được, không biết “những con người thầm lặng” mà đồng chí phó chủ tịch xã nói với tôi là những người như thế nào; phần vì ngoài trời nghe lắc rắc tiếng mưa rơi. Nếu trời mưa to thì ngày mai đi bản quả là khó khăn. Đã qua nhiều chuyến đi thực tế ở vùng cao, đã nhiều lần đi xe máy trên những con đường quanh co đến với các bản Mông nên tôi hiểu cái khó khăn của việc đi bản những ngày mưa như thế nào, mong sao trời đừng mưa to nữa!

Sớm hôm sau khi tiếng loa phóng thanh của xã bắt đầu bản tin buổi sáng tôi đã thấy Phó Chủ tịch Dinh cùng mấy đồng chí trong đoàn công tác của xã đến tập trung ở sân ủy ban. Sau khi sắp xếp nhiệm vụ chuẩn bị cho các thành viên trong đoàn, Dinh giới thiệu tôi với mọi người rồi dừng lại trước một đồng chí dân quân xã “Đây là đồng chí Thào A Sàng sẽ làm nhiệm vụ tài xế đưa anh đi bản”. Đoàn chúng tôi đi gồm có 7 người, đồng chí phó trưởng công an xã, đồng chí làm công tác khuyến nông của huyện xuống cơ sở và đồng chí bí thư đoàn xã có nhiệm vụ đến gặp gỡ hướng dẫn bà con ở một số bản về công tác gieo trồng giống lúa mới; đồng chí Dinh- Phó Chủ tịch, cùng một đồng chí giáo viên, đồng chí Sàng và tôi sẽ đi theo một đường khác hẹn đến tối cùng gặp nhau ở bản Làng Giàng. Đúng 7 giờ sáng chúng tôi bắt đầu xuất phát, ban đầu còn đi trên con đường đất đỏ bằng phẳng xen kẽ những đoạn đổ bê tông khoảng 15 phút sau xe bắt đầu lên dốc, đồng chí Sàng chở tôi bằng chiếc xe Win Tàu tuy gầm cao thông thoáng nhưng nhiều lần vẫn phải dừng lại vừa đẩy vừa nhấc xe trườn qua những hòn đá to bướng bỉnh nằm ngổn ngang giữa đường. Men theo triền núi càng lên cao con đường càng dốc, càng nhỏ lại, đến lưng chừng núi đường không dốc đứng nữa mà đi men theo một con mương dẫn nước. Mặc dù ngồi sau nhưng người tôi ướt đẫm mồ hôi, thần kinh căng như dây nỏ. Các bạn đã bao giờ đi xe máy trên một con đường lên bản quanh co như thế? Nói là đường nhưng thực chất chỉ là một lối mòn men theo bờ mương nước ôm quanh ngọn núi; một bên là vách núi cao, một bên là vực đá sâu hai ba trăm mét lưa thưa vài bụi cỏ, có những chỗ chỉ rộng 50- 60 cm đủ cho một chiếc xe máy đi qua, nhiều khi còn phải trườn qua lưng tảng đá nằm nổi giữa đường; con đường vòng tròn giống như ta đang đi trên miệng chiếc thúng. Nếu không phải là người có tay lái tốt, quen đường, thần kinh vững vàng thì thà đi bộ cả ngày còn hơn là điều khiển xe máy. Khoảng 10 km rồi xe chúng tôi cũng qua hết đoạn đường vòng thúng, con đường lại như sợi dây vắt leo lên đỉnh núi, mùi nắng, gió xen lẫn mùi dầu máy khét lẹt. Mặc dù phải chở tôi nhưng nhờ đi xe Win gầm cao máy khỏe nên Sàng vẫn đi nhanh nhất. 10 giờ chúng tôi dừng chân ở một bãi bằng trên đỉnh núi, tôi mở ba lô lấy chai nước uống rồi đưa cho Thào A Sàng, tu một hơi dài, vuốt mồ hôi trên mặt Sàng nói “Ở Nậm Có đi bản đường xa, khó đi, nguy hiểm nhất là các bản Lùng Cúng, Làng Giàng, Đá Đen anh ạ. Từ đây đến trung tâm bản Làng Giàng đường đi không nguy hiểm nhưng dốc, vào ngày mưa xe phải quấn xích vào cả bánh trước, bánh sau mới đi được”. Một lát sau Phó Chủ tịch Sùng A Dinh cùng thầy giáo Đỗ Trung Hiếu cũng đến nơi. “Anh em nghỉ ngơi mấy phút cho hồi sức rồi đi đến nhà em Sùng Thị Bầu”, Dinh nói. Gần nửa tiếng được nghỉ ngơi vẫn còn bốc ra mùi dầu máy cháy khét những chiếc xe lại tiếp tục nổ máy xuôi xuống theo triền núi. Chúng tôi đi xuyên qua một nương ngô đã thu hoạch, men theo một khe nước nhỏ, trước mắt tôi hiện ra một ngôi nhà nhỏ một mình đứng hiu hắt, ngôi nhà đóng kín cửa. “Chủ nhà đi vắng rồi, mọi người đứng đây chờ để em quay lại hỏi thăm đám trẻ chăn trâu”. Nói rồi đồng chí Sùng A Dinh vòng xe quay lại chỗ nương ngô hỏi thăm xem chủ nhà đi làm ở đâu. Được một lát thấy Dinh trở về sau xe đèo thêm đứa trẻ, anh nói: “Sàng đi xe Win dễ vượt đường đá, chở theo thằng cu này nhờ dẫn đường. Cậu cùng nó đi tìm chủ nhà nói là có cán bộ đến gặp cần về ngay”. Ngồi trò chuyện với tôi, Phó Chủ tịch Dinh cho biết: Nậm Có là xã đông dân nhất của huyện Mù Cang Chải, điều kiện địa lí, giao thông đi lại phức tạp, trong những năm qua mặc dù được đầu tư tu sửa, mở rộng nhiều nhưng việc đi lại ở một số bản xa vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt phải kể đến công tác giáo dục, dù người dân đã có nhận thức tốt hơn, thấy được sự cần thiết trong việc cho con đi học cái chữ nhưng các thầy cô giáo vẫn còn phải vất vả nhiều trong công tác vận động học sinh đến trường, nhất là trong công tác tuyển sinh đầu cấp. Về công tác giáo dục, xã Nậm Có có một trường mầm non, hai trường tiểu học và một trường THCS, thầy giáo đi cùng chúng tôi là giáo viên trường cấp 2 của xã, trường mang tên Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng. Khi tôi hỏi về những khó khăn trong công tác dạy học ở vùng cao, thầy giáo Đỗ Trung Hiếu nói “Sự nghiệp giáo dục ở vùng cao nơi đây chúng em còn gặp nhiều khó khăn lắm anh ạ, ngoại trừ trường mầm non học sinh không ở bán trú tại trường còn các trường tiểu học và THCS gần 100% các em học sinh thuộc diện bán trú ăn nghỉ học tập tại trường. Các thầy cô ngoài nhiệm vụ dạy học trên lớp còn kiêm nhiệm vụ thay cha mẹ các em chăm lo ăn uống, giám sát tất cả các hoạt động hàng ngày”. Năm học 2023- 2024 trường có 905 em học sinh trong đó 795 em ở bán trú trong trường. Cơ sở vật chất bán trú của nhà trường như nhà ở cho học sinh đã được đầu tư khang trang song vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu số lượng. Theo thầy giáo Hiếu cái khó nhất của giáo dục vùng cao là làm sao để các em học sinh yêu trường, yêu lớp. Hiện tượng học sinh tự ý nghỉ học luân phiên không có lý do vẫn thường xuyên diễn ra, đối với học sinh cấp 2 ở vùng cao các em đã nằm trong độ tuổi lao động của gia đình nên việc các em nghỉ học dăm ba buổi về giúp bố mẹ là chuyện thường. Phải làm sao để khi đã đến trường các em muốn ở lại trường vào cả những ngày nghỉ cuối tuần. Muốn vậy nhà trường phải thường xuyên tổ chức cho các em các hoạt động học tập, giao lưu, vui chơi giải trí để thu hút và hướng các em vào nhiệm vụ học tập, đồng thời mỗi giáo viên cần thường xuyên tìm cách liên lạc, trao đổi với phụ huynh học sinh để vận động tuyên truyền. Các giáo viên phải thường xuyên bám trường bám lớp, ngoài giờ dạy học chính khóa cùng nhau xây dựng các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho tất cả các buổi trong tuần. Nhờ có sự nỗ lực đồng thuận của cả tập thể giáo viên nên tỷ lệ chuyên cần của nhà trường trong năm học 2022- 2023 luôn đạt từ 90% trở lên. Hiếu tâm sự: “Nhà em ở Thành phố Yên Bái, mới lên đây công tác được ba năm, lúc đầu chưa quen với công việc, nhiều lúc em chỉ muốn bỏ về đi làm ngoài. Nhưng tiếp xúc với các em học sinh, hiểu được những ước mơ nhỏ của các em cùng cuộc sống đơn giản nhưng thân thiện của người dân nơi đây nên em đã quyết tâm gắn bó. Đây là năm thứ hai em đi làm công tác tuyển sinh vào lớp 6, công tác tuyển sinh đầu năm ở trường xã bao giờ cũng có khó khăn”. Tôi hỏi: “Việc tuyển sinh đầu năm học lúc nào các thầy cô cũng phải đến từng nhà như thế này à?”, Hiếu cười: “Không ạ! Mấy năm trở lại đây được các cấp các ngành quan tâm giúp đỡ, nhất là cấp ủy chính quyền địa phương vào cuộc tuyên truyền vận động nên đa số người dân tự đến đăng ký cho con đi học. Đây là những trường hợp đặc biệt khó khăn nên phải đến tận nhà nắm bắt tình hình để có giải pháp vận động”. “Nhận thức của đồng bào vùng cao giờ đây đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, công tác giáo dục là nền móng cho sự phát triển của xã hội, được lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm như này thật là may mắn cho các cháu học sinh”- Nghe tôi nói, đồng chí phó chủ tịch trẻ mỉm cười: “Em sinh ra và lớn lên ở Nậm Có đi học xong rồi lại về xã nhà công tác. Em vốn là thầy giáo của trường Lý Tự Trọng chuyển sang công tác bên xã anh ạ.”. Mải ngồi nói chuyện, nghe tiếng xe máy nổ xa xa, nhìn đồng hồ đã 12 giờ kém, Thào A Sàng cùng cậu bé chăn trâu trở lại, đi theo sau là một  đoàn viên thanh niên của bản cũng đi chiếc xe Win Tàu đèo theo một người phụ nữ và một bé gái. Sau khi chào hỏi các cán bộ người phụ nữ mở cửa mời chúng tôi vào nhà, ngôi nhà nhỏ hai gian cột được làm bằng tre, vách tre, lợp bằng tấm pro ximăng. Ngoài lối cửa ra vào, ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà chỉ thấy một ánh sáng mờ mờ, một mình ở riêng lẻ nên không kéo được đường dây điện tới nơi, khắp căn nhà chỉ có một cái chõng tre ọp ẹp đóng xuống đất làm chỗ ngủ, một cái bồ đựng thóc quây bằng tấm cót, ngay sát chỗ ngủ là chỗ bếp củi đun nấu, bên trên làm một giàn treo lủng lẳng những bắp ngô. Chủ nhà lấy mấy chiếc ghế nhỏ được khoét từ thân cây gỗ rừng mời khách ngồi, đứa nhỏ nhanh tay đem củi nhóm bếp rồi đặt lên ấm nước. Sùng A Dinh trao đổi qua với chủ nhà bằng tiếng Mông rồi quay sang nói với tôi “Đây là em Sùng Thị Bầu, em đã học hết lớp 5 năm học 2022- 2023 thuộc đối tượng tuyển sinh vào lớp 6 trường cấp 2 của xã năm học 2023- 2024 nhưng do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nên gia đình chưa đăng ký cho em đi học tiếp”. Khi nghe hỏi “Bầu có muốn đi học không?”. Em nói “Em cũng muốn đi học lắm, đến trường được học cái chữ, hiểu biết nhiều điều, các thầy cô dạy nếu không đi học sau này sẽ không làm kinh tế giỏi nhưng nhà em không có người, bố em mất sớm giờ chỉ còn hai mẹ con, em thương mẹ quá không muốn đi xa mẹ nữa.” Nhìn đứa trẻ thân hình còn mảnh mai, ánh mắt trẻ thơ nhưng khuôn mặt đã sạm màu sương gió tôi thấy lòng mình se lại. Mẹ của em mới hơn 40 tuổi nhưng những nhọc nhằn lo toan của cuộc sống đã khiến thân hình già nua như người tuổi 60, thảo nào mà Bầu muốn ở nhà làm việc giúp đỡ mẹ. Các cán bộ và thầy giáo trò chuyện khuyên nhủ hai mẹ con bằng tiếng Mông, tôi không biết tiếng chỉ thấy những giọt nước mắt lăn nhanh trên khuôn mặt người mẹ hiền lam lũ. Biết tôi không hiểu Thào A Sàng nói lại với tôi nội dung chính của cuộc nói chuyện. “Người mẹ nói, cũng muốn cho con đi học nhưng sợ không có tiền đóng góp cho con, con gái thương mẹ vất vả nên không muốn đi học. Cán bộ cùng thầy giáo vận động hai mẹ con cứ yên tâm vì đến trường ở bán trú, Bầu được Nhà nước hỗ trợ nuôi ăn ở trường, còn sách vở các thầy cô sẽ góp mua cho em, các khoản đóng nhà trường sẽ hỗ trợ”. Vừa tuyên truyền vận động, vừa an ủi dỗ dành gần hai giờ đồng hồ, trước tình cảm chân thành và sự kiên trì của cán bộ, giáo viên cuối cùng hai mẹ con cũng tươi cười ký vào bản cam kết đồng ý cho con đi học lớp 6. Trước khi đi thầy giáo còn căn dặn hai mẹ con khi nào trưởng bản thông báo học sinh ra học thì chuẩn bị quần áo đồ dùng sinh hoạt hàng ngày xuống trường các thầy cô sẽ đón. Chia tay hai mẹ con Sùng Thị Bầu đoàn chúng tôi tiếp tục ngược dốc núi đi lên bản. Khoảng một tiếng sau xe chúng tôi bắt đầu xuôi dốc, từ trên cao nhìn xuống, xa xa thấp thoáng những nóc nhà núp dưới tán cây xanh. Đã đến trung tâm bản Làng Giàng, rẽ vào một lối đi nhỏ, trước mắt tôi hiện ra một ngôi nhà nằm giữa bãi đất bằng phẳng xung quanh có hàng rào bằng gỗ, giữa cổng đi vào bên trên treo tấm biển “Trường Mầm non Hoa Hồng; Điểm trường Làng Giàng”, thì ra đó là điểm trường mầm non của bản. Thấy có khách đến hai cô giáo trẻ chạy ào ra đón, Phó Chủ tịch Sùng A Dinh tươi cười “Anh em tôi lên bản công tác xin làm phiền các cô một lúc”. Đi từ sáng tới chiều được ăn bát mì tôm sao mà ngon đến thế. Ăn xong Dinh nói với tôi “Bây giờ anh cùng thầy Hiếu ở lại đây bầu bạn với các cô, em cùng đồng chí Sàng đi trước đến nhà trưởng bản cùng đoàn cán bộ đến trước hội ý, phân công chuẩn bị cho cuộc họp dân bản buổi tối. Các anh tranh thủ nghỉ ngơi tắm giặt rồi mời hai cô sang ăn cơm tối cùng đoàn công tác bên nhà trưởng bản. Tối các cô cùng họp với dân để tuyên truyền phổ biến việc làm hồ sơ liên quan đến chế độ cho các cháu mầm non”.

Trò chuyện với hai cô giáo tôi được biết các cô đều ở nơi khác đến đây công tác, cô giáo Thủy nhà ở thành phố Yên Bái còn cô Nhung nhà ở mãi Hưng Yên. “Khi mới về trường nhận công tác được phân công lên bản lúc đầu chưa quen công việc, phong tục tập quán của người dân, rồi bất đồng ngôn ngữ,… những ngày đầu làm quen với các bạn nhỏ có nhiều cháu còn không hiểu hết tiếng phổ thông công việc thực sự khó khăn anh ạ. Còn chưa kể nỗi nhớ gia đình, nhớ con ngày ngày đeo bám, cứ chiều về nhất là vào mùa đông khoảng 4 giờ chiều sương đã giăng mù mịt, nghe tiếng chim gọi bầy xa xa vọng đến nỗi nhớ nhà càng thêm da diết”, cô Nhung tâm sự, “Nhưng đến giờ sau gần một năm công tác chúng em thấy quen rồi anh ạ! Nhiều lần nghỉ lễ về nhà lại còn có cảm giác nhớ bản, nhớ học trò”. Khi nghe tôi hỏi “Điều gì đã khiến các cô gắn bó với mảnh đất vùng cao nắng, mưa, gió núi?”, cô Thủy mỉm cười “Khó nói lắm anh ạ, lúc đầu em cũng có nghĩ đến việc bỏ về làm ngoài nhưng có một cái gì đó vô hình níu kéo, em cũng không biết nữa… Chỉ biết khi thấy hình ảnh những cháu nhỏ thiếu thốn quần áo, co ro, nước mắt nước mũi giàn giụa vào mùa rét, phần ăn trưa bố mẹ dành mang theo chỉ muôi cơm, miếng trứng xào hay miếng cá khô em lại thấy cổ họng mình nghèn nghẹn, rồi không lỡ xa đám trẻ”. Nói rồi cô gái trẻ đưa mắt nhìn về khoảng trời xa xăm phía sau đỉnh núi. Ở nơi xa kia, một khung cảnh ồn ào tập nập người xe với ánh điện sáng choang đường phố, những đôi trai gái, những gia đình đi bên nhau đến những điểm vui chơi; khung cảnh ấy đối lập hoàn toàn với sự tĩnh lặng thưa thớt bóng người nơi đây. Nhưng vẫn có những con người: Những người đi cùng tôi trong hành trình ngày hôm nay, những người mà tôi đang trò chuyện. Họ tự nguyện để tuổi thanh xuân của mình vương trên những con đường ngoằn ngoèo, hiểm trở vắt trên sườn núi để đến với các bản làng với người dân vùng cao bằng tất cả trí tuệ và tấm lòng mình. Tên tuổi và chân dung họ không có trên các tấm áp phích ngoài đời. Họ chỉ âm thầm, lặng lẽ như cơn mưa đêm của mùa mưa vùng cao; sau đêm mưa sẽ mở ra một ngày mới mát mẻ cho người dân dẫn nước về những thửa ruộng bậc thang tạo nên mùa vàng của núi.

 

L.X

 

Các tin khác:

Đón ánh bình minh

NGỌC HÀ

 

Sau ngày đảo chính Nhật Pháp (9/3/1945), đồng chí Minh[1] được Xứ ủy Bắc Kỳ cử lên hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở các tỉnh Phú Thọ- Yên Bái. Chiến khu Vần là một trong những cơ sở cách mạng quan trọng của Yên Bái. Địa thế rất hợp với đánh du kích...

96-100 of 335<  ...  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter