Kiêu hãnh Thác Bà

 Ký của NÔNG QUANG KHIÊM

 

Trong ký ức của rất nghiều người thời ấy, vẫn hằn sâu giây phút lịch sử và thiêng liêng 10 giờ sáng ngày 05/10/1971, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị và Thủ tướng Chính phủ Liên Xô Pốtgornưi cắt băng khánh thành và khởi động tổ máy số 1, Nhà máy thủy điện Thác Bà. Dòng nước ào ra, tung bọt trắng xóa xuống hạ lưu sông Chảy. Điện bừng sáng! Đó là ngày chào đời đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam, tiếp sức sống mãnh liệt cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Niềm vui rạng rỡ trên từng khuôn mặt, cả nước náo nức hướng về Thác Bà, Yên Bái. Chúng ta đã chiến thắng! Chiến thắng thiên nhiên và chiến thắng kẻ thù. Đã có hơn ba vạn năm nghìn dân nghe theo lời Đảng gọi tự nguyện rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn gắn bó biết bao thế hệ để đến nơi ở mới với muôn vàn khó khăn. Đã biết bao mồ hôi, nước mắt, mất mát, hy sinh to lớn dồn nén lại hàng chục năm để làm nên kỳ tích này!…    

 

Kỳ I: Một thời máu lửa

 

Cuộc đại di dân

Từ năm 1959 đến năm 1961, sau 2 năm khảo sát, thiết kế, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965) Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà trên dòng sông Chảy, thuộc địa phận của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Huyện Yên Bình được giao một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, phức tạp là phải di chuyển hàng ngàn hộ dân sống trong vùng quy hoạch lòng hồ đến nơi ở mới. Nằm bên hai bờ sông Chảy, khu vực quy hoạch lòng hồ là một vùng đất màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi với những cánh đồng phì nhiêu rộng lớn như: Làng Bạc, Đại Đồng, Dương Liễu, An Thọ, Đồng Tâm, Văn Chính, Bình Hanh… một miền quê trù phú với những giá trị, trầm tích văn hoá đặc sắc, lâu đời. Mỗi tấc đất, ngôi nhà, dòng suối, gốc cây, mảnh vườn đều gắn bó, ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Giờ chuyển đến nơi ở mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống, tâm tư tình cảm, phong tục, tập quán của biết bao người dân. Sẽ không tránh khỏi những suy tư, luyến tiếc, cả những day dứt khi rời bỏ mồ mả, tài sản, khi mất đi hơn 5.300 ha ruộng (chiếm 1/4 diện tích và 1/3 sản lượng lương thực hàng năm của tỉnh Yên Bái khi đó), 2.000 ha đất trồng màu và hơn 2 vạn ha rừng, rồi 30 nhà thờ, 15 đền, 17 chùa, 11 miếu tầm cỡ bị ngập dưới lòng hồ. Dắt díu nhau về một nơi xa lạ, có nghĩa phải làm lại từ đầu. Biết bao khó khăn đang chờ đón. Chuyển dân đi đâu, bố trí nơi ở mới làm sao để người dân có cuộc sống ổn định khi ruộng vườn, đất đai, điều kiện không được tốt như nơi ở cũ. Đó là việc phải lo, là một cuộc cách mạng, trước hết là “cách mạng trong tư tưởng”. Nhận rõ nhiệm vụ nặng nề, tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban Chuyển dân của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó lập kế hoạch tham mưu cho tỉnh trong việc di dân. Xác định trách nhiệm của mình trước tỉnh và Trung ương, Đảng bộ huyện Yên Bình cùng đoàn kết thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo nhiều chủ trương, biện pháp tích cực để thực hiện tốt cuộc vận động chuyển dân. Tháng 5 năm 1962, Huyện ủy Yên Bình quyết định thành lập Ban Chuyển dân của huyện gồm 7 thành viên do đồng chí Đặng Cao Đàm, Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Cuộc vận động chuyển dân bắt đầu bằng việc tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ đảng viên, các giáo giới và toàn thể nhân dân để mọi người nhận thức được về giá trị, lợi ích của công trình thủy điện Thác Bà đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, kiến thiết và thống nhất đất nước. Huyện Yên Bình là nơi đạo Công giáo đến khá sớm (từ thế kỷ XVIII), có nhiều nhà thờ và giáo dân sinh sống (chiến 70%). Khi vận động chuyển dân, các thế lực chống phá, phần tử phản động tung tin “Cộng sản lợi dụng chuyển dân để phá đạo, giáo dân sẽ bị phân tán xen kẽ với người không theo đạo và sẽ không có nhà thờ để cầu nguyện…” dẫn đến hoang mang, lo sợ từ linh mục đến giáo dân, cuộc “cách mạng tư tưởng” vốn đã khó càng khó khăn hơn. Trên cơ sở đánh giá tình hình, hội nghị cán bộ cốt cán được tổ chức ở vùng giáo dân để quán triệt kế hoạch tổng thể chuyển dân vùng lòng hồ đối với bà con giáo dân; tọa đàm với linh mục, tu sĩ và các vị chức sắc. Mọi thắc mắc được giải đáp, sáng tỏ, phương án di dời được bàn bạc, thống nhất cụ thể. Thuận lợi và thật đáng mừng là nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình sớm được giác ngộ cách mạng, đã từng trải qua nhiều cuộc vận động như giảm tô, giảm tức, cải cách dân chủ, hợp tác hóa nông nghiệp, họ luôn vững tin vào Đảng và Chính phủ. Niền tin đó đủ lớn để họ đánh đổi, hy sinh để về nơi ở mới. Cuối năm 1962, cuộc vận động chuyển dân được thí điểm ở Chính Tâm và Tân Thành, hai xã tập trung hầu hết đồng bào Công giáo sinh sống, sau đó mở ra diện rộng, chia thành nhiều đợt. Cùng với vận động, chuyển dân, nhiệm vụ khai hoang được huyện Yên Bình đặt lên hàng đầu. Khai hoang đến đâu chuyển dân đến đó. Đợt 1 năm 1962 đã chuyển được 71 hộ về quê mới. Với tinh thần tự lực cánh sinh và sự giúp đỡ của cộng đồng, trong thời gian ngắn, số hộ di chuyển đợt 1 đã nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở và đi vào sản xuất. Sau thắng lợi của đợt 1, từ năm 1964 cuộc vận động chuyển dân đợt 2 được triển khai mạnh mẽ. Toàn đợt đã chuyển được 1.421 hộ dân, xây mới 36 sân kho, xây dựng các trường cấp I, II, trạm xá, nhà thờ, đồng thời chuyển hàng nghìn phần mộ của thân nhân bà con về quê mới thuộc các huyện Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên (Yên Bái) và các huyện Đoan Hùng, Hạ Hoà (Phú Thọ). Ngày 19/8/1964, Nhà máy thủy điện Thác Bà chính thức khởi công xây dựng. Từ tháng 7 năm 1965 trở đi, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Công trình thủy điện Thác Bà là một trọng điểm đánh phá ác liệt. Để đảm bảo tiến độ thi công nhà máy, Trung ương và tỉnh Yên Bái chủ trương, chỉ đạo chuyển dân nhanh gọn đợt cuối cùng. Cuối năm 1966 công tác chuyển dân cơ bản hoàn thành, 2.019 hộ gồm 11.050 nhân khẩu tiếp tục được chuyển đến quê mới. Do chiến tranh đánh phá của máy bay Mỹ ngày càng ác liệt, công tác di chuyển số hộ dân còn lại kéo dài đến tận năm 1968. Kết thúc toàn đợt, huyện Yên Bình đã chuyển 8.913 hộ, 35.000 khẩu thuộc 37/39 xã của huyện sang quê mới, trong đó có gần một nửa chuyển sang huyện bạn, tỉnh bạn. Cùng với việc chuyển dân, đã chuyển hơn 35.000 di, hài cốt, 23.000 căn nhà, hàng chục nhà thờ, đền thờ, công sở, công trình công cộng, bệnh viện, trạm xá, kho tàng… Khi đó hoàn cảnh chiến tranh, chưa có chính sách đền bù tái định cư như sau này, trên thực tế Nhà nước chỉ hỗ trợ phần di chuyển và tạo điều kiện về địa bàn sản xuất tại nơi ở mới, còn lại là tự lực cánh sinh khắc phục mọi khó khăn của người dân. Thật đáng quý, thiêng liêng và lớn lao biết bao vì người dân đã đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ, tất cả âm thầm nuốt nước mắt ra đi để có một thủy điện Thác Bà sáng cho cả nước. Cuộc vận động chuyển dân đi xây dựng quê hương mới phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà thành công có ý nghĩa kinh tế, chính trị và quốc phòng vô cùng to lớn!...

 

Công trường bất tử

Năm 1960, những người công nhân xây dựng đầu tiên đến Thác Bà, họ là những người lính Cụ Hồ vừa chiến thắng giặc Pháp từ khắp các chiến trường Bắc, Nam về đây, phần đông quân số thuộc Đại đoàn 308 do Đại tá Vũ Nhất là Chỉ huy trưởng công trường. Tiếp đó là các chàng trai, cô gái công nhân đến từ khắp nơi, nhưng nhiều nhất là Thái Bình, Nam Hà, Hải Hưng. Đặc biệt là hơn 100 chuyên gia Liên Xô từ khắp các nước cộng hòa đã về Thác Bà với tình hữu nghị quốc tế cùng những kinh nghiệm quý báu. Tất cả đều tràn ngập nhiệt huyết. Khác với dự tính, công việc chuẩn bị kéo dài đến gần 4 năm. Đó là những phần việc khổng lồ và khó khăn bao gồm mở công trường, mở đường khai thác vật liệu, xây dựng trạm nghiền sàng đá, trạm trộn bê tông, xưởng cưa xẻ, dựng lán trại công nhân, san núi, đắp đê quây, đào hố móng… Những máy khoan, máy ủi, máy xúc hối hả làm việc ngày đêm. Những hố móng khổng lồ ngốn hàng triệu khối đất đá cùng những lỗ khoan sâu vài chục mét tốn hàng nghìn tấn vữa, xi măng để kết cấu móng thủy điện thành một khối vững chắc. Mãi đến ngày 19/8/1964, nhà máy khởi công, đúng dịp kỷ niệm 19 năm Cách mạng tháng Tám thành công. Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã trịnh trọng đặt những đồng tiền mang hình Bác Hồ, tượng trưng cho thời đại Hồ Chí Minh xuống nền móng thủy điện, đồng thời đổ mẻ bê tông đầu tiên vào hố móng. Sau ngày khởi công, từng tốp công nhân khẩn trương làm việc; từng đoàn xe chở bê tông, sắt thép nối duôi nhau rầm rập. Người đua sức với xe, với máy và chạy đua với cả thời gian. Công trình cứ thế lớn dần, cao dần. Nhưng bất ngờ, ngày 8 và 21/7/1966, từng đoàn, từng lũ máy bay Mỹ kéo đến, chúng chia thành nhiều tốp, rải bom xuống toàn bộ công trường trải dài ba, bốn cây số với ý định xóa sổ hoàn toàn nhà máy. Tất cả công trường bị khói bom chùm kín, các mảnh bom xé nát mọi thứ. Gần 100 cán bộ, nhân viên, công nhân đang làm việc đã anh dũng hy sinh. Đau thương và lòng căm thù càng tiếp thêm sức mạnh. Bom dứt, tất cả lại lao ra công trường. Năm 1968 Mỹ ngừng ném bom. Tiến độ được đẩy lên, gấp gáp hơn, tranh thủ từng giây, từng phút. Công nhân hầu như không có phút rảnh rỗi, tất cả ăn ngủ ngay tại công trường, giàn giáo. Rồi ngày hội lấp sông cũng đến, một ngày đáng nhớ, ngày 22/2/1970. Người dân Yên Bình, có cả người già, trẻ con, thanh niên, nam, nữ các dân tộc nô nức đến để xem lấp sông, để xem công trình vĩ đại, như xem “ước mơ” của chính mình sắp thành hiện thực. Có nụ cười rạng rỡ tự hào, có gương mặt thán phục, ngỡ ngàng, có ánh mắt rưng rưng hạnh phúc. Từng đoàn xe gấu, xe bò tót nối đuôi nhau trút từng tảng bê tông khổng lồ xuống dòng thác hung dữ. Chỉ trong vòng 85 phút, dòng thác bị chặn đứng. Ngày hội lấp sông thành công trong sự hân hoan, vui sướng. Ở đó toàn là những người trong cuộc, những người từng thấm thía nỗi đau của những mất mát, cực nhọc nên niềm vui nhân lên biết nhường nào. 10 giờ sáng ngày 05/10/1971, giây phút lịch sử và thiêng liêng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị và Thủ tướng Chính phủ Liên Xô Pốtgornưi cắt băng khánh thành và khởi động tổ máy số 1, Nhà máy thủy điện Thác Bà. Dòng nước ào ra, tung bọt trắng xóa xuống hạ lưu sông Chảy, điện bừng sáng. Nhà máy bắt đầu chính thức hoạt động. Đó là ngày chào đời đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam, tiếp sức sống mãnh liệt cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Niềm vui rạng rỡ trên từng khuôn mặt, cả nước náo nức hướng về Thác Bà, Yên Bái. Chúng ta đã chiến thắng! Chiến thắng thiên nhiên và chiến thắng kẻ thù. Ngày 10/3/1972 tổ máy số 2 đi vào hoạt động; tiếp đến 19/5/1972, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, tổ máy số 3 khởi chạy. Nhưng một lần nữa, ngày 16/4/1972, đế quốc Mỹ mở lại chiến tranh phá hoại miền Bắc. Lần này Ních Xơn sử dụng những thủ đoạn tàn bạo hơn với tuyên bố đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Chỉ sau ít ngày giặc Mỹ đã ném bom phá hủy hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc. Ngày 2/6/1972, máy bay Mỹ kéo lên Thác Bà, chúng tập kích bằng một trận bom bi nổ chậm rải thảm dày đặc khu vực nhà máy. Bom nổ bùm bụp suốt hai ngày. Nhà máy lập tức thành lập đội cảm tử, nhanh chóng nhặt phá bom bi. Bất chấp bom nổ chậm, lực lượng sửa chữa vẫn làm việc. Chỉ sau hai ngày, nhà máy lại phát điện bình thường. Không hủy diệt được nhà máy, ngày 10/6/1972 giặc Mỹ cay cú tổ chức một trận đánh quy mô lớn hơn với sự tham chiến của khoảng 50 máy bay hiện đại các loại, chia thành vòng trong, vòng ngoài, tầng bay thấp, tầng bay cao, đua nhau trút bom có điều khiển bằng laser vào giàn máy. Chúng chụp ảnh lại và huyênh hoang rằng miền Bắc Việt Nam và thủy điện Thác Bà khó có thể khắc phục được hậu quả. Tiếng bom vừa dứt, trong khói bom mù mịt, mọi người ào ra nhà máy tìm kiếm đồng đội mình xem ai còn, ai mất. Nhưng lạ thay, như một phép màu, công nhân, kỹ sư vận hành nhà máy dìu nhau ra không thiếu một ai. Khi khói bom vừa hết, đội kỹ thuật nhà máy đã ra khảo sát đống đổ nát và lập tức lên phương án sửa chữa. Phương án được cấp trên đồng ý. Chiến dịch sửa chữa được tổ chức. Thủy điện Thác Bà lại sục sôi làm việc. Mảnh bom xé nát thân máy, găm hàng trăm vết thương trong ruột máy, nhiều thiết bị tự động bị nghiền nát, các kỹ sư phải thiết kế lại theo kiểu Việt Nam. Cán bộ, kỹ sư, công nhân nhà máy vừa khắc phục hậu quả vừa tổ chức lực lượng tự vệ chiến đấu phối hợp với bộ đội phòng không không quân sẵn sàng đánh trả khi lũ giặc quay trở lại. Trận địa phòng không vững chắc đã làm giặc phải run sợ. Một trong những chiến tích xuất sắc phải kể đến là máy bay cánh cụp cánh xòe F111C hiện đại nhất của Mỹ bị bắn rơi và máy bay Mỹ bị không quân ta đuổi đánh rơi ngay gần nhà máy. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ kết thúc, nhà máy lại dồn sức hàn gắn vết thương chiến tranh, hoàn thiện nhà máy. Sau hiệp định Pa ri, với sự giúp đỡ của Liên Xô, nhà máy tiếp tục xây lắp, hoàn thiện. Đến tháng 7/1975 nhà máy thủy điện Thác Bà được xây dựng hoàn chỉnh như đúng thiết kế và bắt đầu bước vào một chặng đường mới phát triển nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức…   

 

  (Kỳ II: Hành trình phát triển…)

                                                                                                                                            N.Q.K

 

 

 

Các tin khác:

151-155 of 335<  ...  26  27  28  29  30  31  32  33  34  35  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter