Đời cu Duậy


                                                                              Truyện ký của NGUYỄN THỊ THANH

Nghe kể, tôi vừa ra đời được vài tháng thì cha mất. Giữa cái đói dài đói rạc của dân quê Thổ Sơn xã Bình Nguyên, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa mẹ tôi trong tay không một tấc đất phải hàng ngày sớm lên núi đốn củi, hái rau, chiều đem về đổi gạo, đổi khoai nuôi con. Rồi mẹ phải đi bước nữa. Tôi được đưa đến nhà Chánh tổng làng Thông xin ở kiếm miếng cơm. Chánh Thông vốn là người tham việc và hà khắc. Tôi gầy còm, nhỏ thó mà phải chăn giữ 8 trâu, 10 bò từ năm giờ sáng đến nhập nhoạng tối. Về nhai vội miếng cơm thừa, canh cặn lại phải khệ nệ bắc nồi cám lợn rồi quay ra ì ạch xay hết vài thúng thóc. Mệt quá, tôi lăn vào ổ rơm chìm trong giấc ngủ. Cái ngủ chưa kịp làm ấm ổ rơm thì gà đã gáy sáng. Cái ngủ tuổi chín mười đâu có nghe được tiếng gà báo thức, chỉ khi tiếng roi quất viu víu vào mông mới bừng tỉnh giấc, choàng mắt bật dậy rúm ró van xin… Đến một ngày đầu năm 1944, khi ấy tôi vừa bước sang tuổi 11 đã bị đẩy đi phu đào sông ở phủ cũ Cầu Hang thay cho con trai nhà chủ. Tôi thật hãi hùng trước cảnh đòn roi như mưa trút xuống đầu, xuống lưng những tấm thân gầy gò, ốm yếu vì đói, vì khát. Nhiều người chết ngay tại chỗ, nhiều người thổ ra máu, hai, ba ngày rồi chết. Đang nghĩ đến cách trốn phu thì thình lình tôi bị tập hợp điểm danh. Tên Đội nhìn tôi từ đầu đến chân và quát lớn "Mi nhỏ tý thế ni mần răng được việc? Đuổi mi về!"… Tôi vừa lê bước đến cổng nhà thì Chánh Thông hùng hổ ra chỉ mặt, quật cho mấy gậy vào lưng rồi đuổi đi. Trời đất như sập xuống. Tấm thân này biết đi đâu, về đâu? Trong bộ quần áo tả tơi chắp đầy mảnh vá, bụng đói mềm tôi tìm về với mẹ. Nhưng mẹ đã bị chết từ lúc nào không hay. Tôi tìm đến dì nhưng nhà dì cũng quá nghèo và không còn cách nào khác tôi đành ngậm ngùi cầm chiếc rá rách theo hướng ga tàu đi ăn xin. Đêm đêm mò đến mấy cái lều chợ bên đường tìm chỗ ngả lưng. Người qua kẻ lại đều nói rằng ở đây nhiều oan hồn người chết lắm, mi nên đi qua cánh đồng sang bên tê mà xin nhà người ta chăn trâu, cắt cỏ. Tôi mệt mỏi bước lê trên các bờ ruộng và đến gần cổng làng Quang Quý thì gặp một chị, chị ấy bảo cứ đứng chờ đây rồi sẽ dẫn về nhà xin giữ trâu cho chủ. Chờ mãi, chờ mãi, càng chờ càng mất tăm. Bỗng đâu có một toán tuần đinh đi tới, họ bắt tôi vào một điếm canh và dúi cho tí cơm nguội. Mấy ngày không xin được cơm cháo gì, tôi sung sướng nhét vào miệng nhai lấy nhai để, lúc ngẩng lên thì chợt nhận ra người con gái lúc nãy đứng ngay trước mặt đưa thêm cho tôi miếng cơm độn khoai và chút nước trong chiếc gáo dừa. Sau bữa no hiếm có tôi lăn kềnh ra nền đất đánh một giấc, khi tỉnh dậy thì mặt trời đã chiếu ngang ngọn tre. Phủi đít vươn vai đứng dậy, tôi bước đi trên con đường làng theo hướng cây đa cổ thụ. Đến bên giếng làng, đang định vục gầu múc nước rửa mặt thì thấy một anh đang cưỡi trên lưng trâu gọi "Ê thằng cò! Quay lại điếm canh đi. Có người muốn mướn mi đó!". Vừa vui, vừa sợ. Vui vì lại có miếng ăn, lại được sống, nhưng sợ liệu thấy mình như thế này người ta có mướn không? Đến nhà ông bà chủ họ Lê, bà chủ vừa lấy tay xua đàn chó vừa hỏi cặn kẽ thân phận. Tôi đang lấm lét lo sợ thì ông chủ cùng những người giúp việc trở về. Ông chủ hỏi tên gì? Họ gì? Tôi lí nhí nói cháu tên Duậy, cha mẹ mất cả rồi và không biết mình họ gì. Ông chủ bèn bảo "Thôi từ giờ mi ở nhà tao, tao cho mi lấy họ Lê, gọi tên là Hậy nhé! Từ cu Duậy tôi có cái tên mới là Lê Văn Hậy. Hàng ngày đi chăn trâu, cắt cỏ và tối về lo cơm nước, quét nhà, thái rau lợn rồi cho cụ bà bị nằm liệt ăn cháo, thay áo quần. Có ngày được sai lên rừng đốn củi hoặc kéo lá về phơi khô để thổi cơm. Ngày tháng qua đi, tôi đã có một chốn nương thân nhưng bỗng dưng mắc bệnh nặng, chân tay sưng phù, bụng trướng hơi, da vàng ệch. Bà chủ sợ mang họa vào thân nên có ý đem vứt bỏ ra ngoài điếm, nhưng may thay tôi đã gặp ông chủ có tâm. Ông kiên trì cho người đi dứt hàng ôm dây bìm bìm, tìm quả cà gai và vài thứ lá gì đó sắc lên cho uống. Không ngờ vài tháng sau bụng tôi xẹp hẳn, da nhuận sắc và tay chân không phù nữa. Ông chủ chuyển việc cho đi chăn vịt ngoài đồng. Mỗi buổi trở về tôi thường đeo theo bên hông đầy giỏ cua cá và một ôm rau lợn nên ông bà chủ rất hài lòng và yêu quý tôi nhất trong số những người làm trong nhà.

Tôi dần lớn, cũng là lúc phong trào bình dân học vụ dấy lên và hầu hết những người ở không ai được đi học. Vì quá ham muốn được biết chữ nên tôi làm việc gì cũng "tăng tốc" để có thời gian lén đến bên hàng rào nghe thầy dạy học. Tôi thường xé lá chuối làm giấy và lấy cậng tre làm bút để học viết chữ, ghép vần. Thế là tự lúc nào tôi đã biết đọc, biết viết trong niềm vui sướng tột độ. Ai ngờ ở phía cuối hàng rào cũng có người con gái nghèo họ Đàm tên Láy đang làm mướn cho nhà bên vẫn thậm thụt học trộm rồi cũng biết đọc, biết viết. Tự lúc nào chúng tôi trở nên thân nhau và luôn cùng chia sẻ với nhau. Biết chuyện, ông chủ cho gọi hai người lại và nói với Láy nếu đồng ý làm gái ở, dâu nuôi thì ông sẽ sang bên đó xin về bên này, nếu chăm chỉ phụng sự gia đình thì ông sẽ cho làm vợ thằng Hậy. Thân gái mồ côi không nơi nương tựa lại được hứa hẹn tác thành nên Láy đồng ý. Cuộc đời của tôi bắt đầu có những tia nắng ấm xuyên qua. Một hôm anh Điền cùng người làm kéo tôi ra sau nhà bảo "chúng mày muốn thành đôi thì phải xin ông bà chủ cho ra ở riêng đi!". Được anh Điền tiếp sức, tôi mạnh dạn đề xuất với ông chủ, không ngờ chỉ sau có một tuần được ông đồng ý. Ông bà còn cất cho chúng tôi một căn nhà tre ngoài bãi, giao cho ba sào ruộng và con trâu để cấy rẽ, nuôi rẽ, hàng ngày vẫn làm lụng cho nhà ông chủ. Vậy là tôi bỗng dưng được vợ, có nhà, có tự do! Như bình minh hừng sáng, tôi  hào hứng tham gia tổ chức thanh niên cứu quốc, còn Láy cũng hăng hái tham gia hội viên phụ nữ và tổ chức nông hội của làng xã. Hạnh phúc nhà cũng đơm hoa kết trái khi giữa năm 1951 đứa con trai đầu lòng của chúng tôi đã chào đời. Từ khi hoạt động đoàn thanh niên cứu quốc tôi luôn nung nấu khát vọng được tham gia kháng chiến, được cầm súng đánh giặc để giải phóng quê hương. Vì vậy tôi đã cùng bạn bè trang lứa ghi tên xin tòng quân. Thấy thằng Tèo trong làng bị gạt tên vì không đủ cân nặng, tôi nghĩ chắc mình cũng khó mà đủ tiêu chuẩn. Tôi liền lén ra đường nhặt sỏi đá dắt vào cạp quần, bỏ vào túi áo, khi đo chiều cao thì nhướn chân lên, thế là đủ cân nặng, chiều cao và được đi bộ đội. Tôi chuẩn bị lên đường với khí thế hừng hực của con người vừa rũ bùn đứng dậy, kiêu hãnh và tự hào! Nhưng nhìn lại cảnh nhà đang túng bấn, vợ mới sinh còn rất yếu và đứa con còn đỏ hỏn trên tay, bần thần giây lát cuối cùng tôi quyết chí đem mấy cân thóc của đoàn thể giúp đỡ xay giã thành gạo, để lại cho vợ con một nửa, còn một nửa đúc nhanh vào bao tượng khoác chéo lên vai tạm biệt xóm làng cất bước theo con đường cách mạng.

            Vào đơn vị huấn luyện, tôi báo cáo với chỉ huy muốn thay tên. Vì cái tên Duậy, tên Hậy đã gắn với quãng đời đau khổ. Hậy ra đi làm cách mạng chỉ có một ước vọng duy nhất là quyết chiến thắng trong mọi hoàn cảnh và chỉ huy đơn vị đã đồng ý cho đổi tên thành Lê Văn Chiến.

            Từ đó tôi hăng say huấn luyện và đơn vị nhanh chóng được phối hợp đánh trận mở màn chiến dịch Hòa Bình sau đó lại rút về chỉnh quân tại Hoằng Hóa. Thật là không gì vui và náo nức hơn khi được liên tiếp tham gia các trận đánh, khi thì vượt sông Vạc, sông Đáy tấn công vào sông Lạc Quần huyện Hải Hậu, Nam Định; khi thì vượt sông Ninh Cơ sang phối hợp chống càn bên bến Sanh. Thắng lợi trở về, đơn vị lại tiếp tục luyện tập thao tác thực binh và nhận lệnh hành quân cấp tốc vào Đô Lương, Bạch Ngọc rồi tới Sông Lam để tiến theo đường 7 về phía biên giới Việt- Lào. Trên đường hành quân từ Cửa Rào qua Khe Kền sang Xiêng Khoảng các chiến sĩ vừa đi vừa phải phát bụi rậm, phát cây cối mở đường ròng rã hàng nửa tháng trời tới Luông- Phra- Băng để tham gia chiến dịch… Chiến thắng trên đất bạn trở về, tôi lại cùng đồng đội tiếp tục hành quân ra phía Bắc theo mệnh lệnh khẩn. Qua những đoạn đường trơn, dốc đứng, người trước cúi xuống kéo người sau, người sau làm thang vai cho người đi trước, cứ thế đường hành quân không nghỉ, quần áo ướt, chân toạc máu, miệng khát khô nhưng không ai một lời kêu ca, oán thán mà chỉ thấy những nụ cười và ý chí sục sôi kháng chiến. Đến trạm dừng chân trên đồi Cọ đơn vị đã củng cố đội hình, phát động phong trào thi đua đánh giặc lập công. Tại đây tôi đã được bình bầu là chiến sĩ xuất sắc. Rồi đơn vị đặt chân đến bến Âu Lâu Yên Bái, nhìn dòng sông Thao mà lòng nhớ về dòng sông Mã quê nhà. Nhưng tình yêu quê hương đã thôi thúc các chiến sĩ vượt qua dốc Mị, đến Vực Tuần thì rẽ đường tắt sang Lũng Lô. Đường đèo quanh co, gặp từng đoàn dân công mở đường, từng đoàn tiếp lương tải đạn phục vụ cho một chiến dịch lớn, cả đơn vị chỉ nghe nói sẽ tham gia chiến dịch Trần Đình. Đường hành quân tràn ngập tiếng hò reo, tiếng chào hỏi nhau vui như trẩy hội. Cứ như thế, bước chân chiến sĩ đã qua Tạ Khoa, Đèo Chẹn, Cò Nòi, Hát Lót, Sơn La, Thuận Châu rồi vượt đèo Pha Đin tiến vào Điện Biên Phủ. Trước tầm mắt, Tây Bắc núi rừng trùng điệp, tám giờ sáng mây mù vẫn chưa tan và khoảng năm giờ chiều từng làn mây trắng đã sà xuống bao quanh từng ngọn núi. Máy bay tiếp tế của địch gầm rú trên đầu, chúng nhả ra liên tiếp những dù hàng. Thỉnh thoảng có thùng hàng bay lạc vào trận địa của ta, cánh lính trẻ chúng tôi vui sướng dùng lưỡi lê cậy nắp thùng chiến lợi phẩm cười ha hả "Hóa ra lính dù cũng biết ưu tiên đối phương gớm! Các em cứ thả dù hàng vào đây. Cảm ơn nhé!".

            Đêm 12 tháng 3 năm 1954, đêm đầu tiên Đại đội 59 thuộc Trung đoàn 57 thức đào giao thông hào trên trận địa. Thỉnh thoảng một đợt pháo kích của địch bắn từ phía Mường Thanh, Hồng Cúm nã tới, mảnh pháo bay vun vút trên đầu, một số bị thương nhẹ. Trên đầu máy bay liên tục lượn vòng thả từng chùm pháo sáng. Các chiến sĩ lưng đeo lá ngụy trang nằm ẹp xuống tránh bị phát hiện, máy bay rút đi anh em lại ngồi lên khoét đất mở thông hào. Đến gần khe nước cạn cách bản Noong Nhai chừng một trăm mét đơn vị được lệnh dừng lại vừa nghỉ vừa lau súng đạn chờ anh nuôi đưa cơm đến và chuẩn bị chiến đấu. Chưa kịp nhận cơm thì từ phía trước mặt tiếng động cơ xe tăng mỗi lúc một gần. Đã xuất hiện lù lù một dàn xe tăng và chừng hai tiểu đoàn lính có phi pháo yểm trợ đang ào ào đi tới. Bên ta chỉ có một đại đội, ai nấy đều mệt mỏi vì đói và mất ngủ cả đêm nhưng lòng sôi sục căm thù đã làm quên đi mệt mỏi. Mặt bụi bám sạm đen nhưng mắt vẫn ngắm trúng từng tên địch để nhả đạn. Trận giao tranh kéo dài từ sáng sớm đến hơn hai giờ chiều chưa dứt. Địch tràn vào lại bị quân ta đánh bật ra, tôi với nhiệm vụ tiểu đội trưởng thỉnh thoảng chồm lên ném lựu đạn vào đội hình địch rồi lại nhảy chúi xuống giao thông hào, chạy chuyển chỗ nghi binh và yểm trợ cho đồng đội. Súng hết đạn, lựu đạn cũng hết. Thấy trên mép đường hầm một đồng đội trúng đạn đã hy sinh, nén đau thương tôi bò nhanh tới lật người đồng đội gỡ lấy quả thủ pháo nằm chờ xe tăng địch tới gần. Một! Hai! Ba!... Tôi quăng quả thủ pháo. Chiếc xe tăng bị xé toác buồng lái xoáy một vòng rồi lật nhào… Tỉnh dậy trong lán thương binh, tôi bàng hoàng biết chuyện mình đã bị đất vùi lấp dưới hào, khi bộ đội vào tải thương vấp phải cẳng chân còn nhô lên liền bới đất lôi lên và đưa vào đây cấp cứu. Tôi òa khóc ôm chầm lấy anh y tá. Sức khỏe hồi phục tôi lại trở về trận địa với tin vui chiến thắng khi quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 100 tên địch. Đại đội 59 được đề nghị tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.

            Ngày 29 tháng 3 năm 1954 là một ngày đáng nhớ. Dưới căn hầm dã chiến, tôi được tổ Đảng 23 mời dự họp và tại đây đồng chí Trần Tuấn Viên, chính trị viên Đại đội, Bí thư Chi bộ 59 đã long trọng tuyên bố quyết định kết nạp tôi vào Đảng Lao động Việt Nam. Cùng đó tôi còn được đề nghị Đại đoàn tặng Bằng khen và được Bác Hồ tặng Huy hiệu. Thừa thắng, bộ đội ta với mệnh lệnh "Đánh chắc, tiến chắc!" hợp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng và các mũi tiến công, ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954 tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ của địch đã bị san phẳng, Điện Biên được giải phóng gây tiếng vang lớn "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tôi hãnh diện trong đoàn quân chiến thắng trở về tiếp tục đánh trận truy quét địch từ Vân Đình, Chi Quan đến Cầu Trôi, Đại Đồng và đồn Bốt Bún. Ngày 19 tháng 8 năm 1954 chúng tôi lại được lệnh tiếp quản thị xã Sơn Tây sau đó tiến sang tiếp quản Chương Mỹ, Hà Tây. Ngày mùng 10 tháng 10 năm 1954 đơn vị của chúng tôi lại kiêu hãnh trong đoàn quân tiến vào tiếp quản thủ đô Hà Nội.

            Cu Duậy ngày nào không thể tin vào mắt mình, không thể tin một sự thật như trong mơ khi cuộc đời đã có được những ngày tháng vinh quang ấy.

*

            Trời Nghĩa Lộ xanh trong, cánh đồng Mường Lò đang vào mùa gặt. Câu chuyện về quãng đời từ khổ đau đến vinh quang của cựu chiến binh Lê Văn Chiến, một chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào phai. Ông nói, nhờ có con đường cách mạng và một lòng theo Đảng mà cu Duậy cù bơ cù bất năm xưa mới trở thành người chiến sĩ Lê Văn Chiến hôm nay.

 Ông hào hứng kể tiếp. Với tinh thần tiến công và lòng nhiệt huyết luôn trào dâng, tôi đã được cử đi học lớp quân chính của sư đoàn rồi cậu học trò tự học bằng lá chuối, cậng tre xưa đã được gữ lại trường làm giảng viên huấn luyện. Tháng 10 năm 1958 tôi được phong quân hàm Thiếu úy. Đến tháng 9 năm 1959  tham gia chi ủy viên Chi bộ Đại đội 59 và được cử đi học tại Trường Lục quân ở Sơn Tây. Tháng 7 năm 1961 do bị bệnh viêm dạ dày nặng không thể phục vụ lâu dài trong quân đội nên được chuyển ngành sang Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tài chính và được phân công thường trực quân sự Bộ Tài chính. Với điều kiện thuận lợi, tôi lại miệt mài học bổ túc văn hóa hết Cấp III và tốt nghiệp Trung cấp Tài chính ở trường Phúc Xá. Cuối năm 1962, đầu năm 1963 Trung ương có chủ trương giải thể Khu tự trị Thái- Mèo để thành lập 3 tỉnh Nghĩa Lộ, Sơn La, Lai Châu. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, tôi xung phong lên công tác vùng Tây Bắc và được bổ sung tăng cường cho Ty Tài chính tỉnh Nghĩa Lộ, phụ trách công tác tổ chức, hành chính sau đó được bầu làm Chánh thư ký Công đoàn. Đến tháng 9 năm 1969 được phân công làm Trưởng phòng Kế toán- Tài vụ, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ Văn phòng Ty Thủy Lợi tỉnh Nghĩa Lộ. Năm 1973 tỉnh đã quyết định điều động về Uỷ ban thanh tra tỉnh Nghĩa Lộ. Sau khi nước nhà thống nhất năm 1975 tôi được cử đi học nghiệp vụ Thanh tra tại Hà Nội. Năm 1976 hợp nhất tỉnh Hoàng Liên Sơn, tôi cùng đoàn công tác đi đến các huyện, thị trong tỉnh, có lúc trực hàng tháng nơi biên giới Pha Long cũng như các xã của Mường Khương, Bát Xát. Thời gian này tôi được đi học lớp hàm thụ Đại học Kinh tế- kế hoạch và tốt nghiệp ngày 15/6/1978. Nhớ lại những ngày xảy ra chiến tranh biên giới, khi nghe tin hàng đoàn người từ bên kia tràn sang gây hấn bằng hành động bắt trâu, bò, ngựa và gặt lúa của bà con ở xã Quang Kim huyện Bát Xát, tôi đã đề nghị với đồng chí chủ tịch tỉnh cho lên cùng lãnh đạo huyện nắm tình hình và tham mưu với tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh có quyết sách xử lý. Cuối năm 1978 tôi được điều động đến huyện vùng cao Mù Cang Chải bổ sung vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ huyện ủy làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Bước chân người chiến sĩ năm xưa lại lội suối, trèo đèo đi đến các bản làng xa xôi, có những hôm phải đi bộ hàng 50- 60 km đường trơn, dốc đứng đi tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và đặc biệt là vận động bà con vào cuộc chiến đấu phá bỏ cây thuốc phiện, xây dựng đời sống mới… Khi nghỉ hưu về với gia đình tôi lại được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Nghĩa Lộ rồi làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về sinh hoạt chi bộ khu phố ông lại tiếp tục đảm nhận chức danh Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Trung Tâm thị xã Nghĩa Lộ và tham gia nhiều tổ chức quần chúng, góp phần làm tốt công tác vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào ở địa phương. Tìm hiểu về Cựu chiến binh Lê Văn Chiến, tôi được biết dù ở lĩnh vực nào ông cũng nêu cao phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được mọi người tin tưởng, kính trọng.

                                                                                              N. T. T

                                  

 

Các tin khác:

16-20 of 333<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter