La Pán Tẩn mùa nước đổ

Ký của Dương Hiền Nga 

Trở lại Mù Cang Chải sau mùa Covid, thị trấn miền núi cao mát mẻ, vắng và bình yên. Suối Nậm Kim, Nậm Mơ nước ít và trong, róc rách chảy suốt đêm ngày.

Nơi tôi đến là La Pán Tẩn, vùng lõi của Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang là nơi có khu đồi Mâm Xôi huyền thoại.

Mọi người thường thích đến Mù Cang Chải vào tháng mười khi lúa chín vàng trên các triền ruộng bậc thang để chiêm ngưỡng công trình ruộng bậc thang lúc đẹp nhất, lúc hoành tráng nhất, nên thơ, hấp dẫn và bắt mắt nhất. Cũng phải thôi vì dịp đó Mù Cang Chải đẹp lạ kỳ khiến du khách trầm trồ ngưỡng mộ, khiến các thi sĩ, các nhiếp ảnh gia, họa sĩ tốn nhiều giấy mực ca ngợi…

Riêng tôi lần này đến Mù Cang Chải khi đại đa số ruộng bậc thang đang chuẩn bị canh tác. Toàn cảnh cơ bản là ruộng khô và cỏ dại, lác đác ngô đang trổ cờ. Tất cả các triền ruộng lớn nhỏ cao thấp, tầng tầng lớp lớp đang đợi nước đổ.

Rời thị trấn, tôi cùng cháu Tuệ (một người trẻ tuổi thường xuất hiện trên Youtube Ru Ba Than về vùng cao), ngược dốc lên La Pán Tẩn vào một ngày nắng đẹp. Cảnh núi non làng bản thật là yên ả, cuộc sống nơi đây chậm và hiền hòa.

Nhìn các triền ruộng bậc thang đợi nước đổ đang còn khô nứt và cỏ dại, bờ ruộng khô trắng lơ thơ cỏ mọc,… tôi nghĩ, hành trình canh tác nơi đây thật không đơn giản. Lúc này là thời điểm quan trọng nhất, quyết định nhất việc canh tác trên ruộng bậc thang nơi đây. Nông dân ở đây nói: “Việc cày bừa cấy gặt ở ruộng bậc thang vất vả một thì việc lấy nước vào ruộng bậc thang vất vả mười”. Việc lấy nước vất vả mười ư? Thì “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nhưng cái sự “Nhất nước ở đây nó khác thường lắm!”. Tôi ngước nhìn các thửa ruộng bậc thang nối nhau, đuổi nhau lên tận đỉnh núi rồi nhìn xuống khu Mâm Xôi đang xanh xanh màu ngô trổ cờ và nghĩ: Nguồn nước nào? Nguồn nước nào đổ từ đâu cho đầy ắp tất cả hàng ngàn tầng bậc lớn nhỏ cao thấp nối tiếp trùng điệp thế kia?

Tôi nhìn đồng hồ là 13 giờ, bà con đã vào lán nghỉ ăn trưa và cho con bú, vắng người nhưng tôi thấy duy nhất một thanh niên đi từ triền núi xuống khu Mâm Xôi rồi anh leo ngược dốc lên chỗ tôi ngồi. Được biết đó là anh Trần Phượng- Bí thư Chi bộ xã La Pán Tẩn, tôi chào hỏi, anh đáp lại bằng cái bắt tay, miệng hổn hển thở, mặt đỏ gay vì nắng. Hỏi chuyện anh Phượng mới biết: Tuần này là thời điểm rất quan trọng cho nước đổ vào khu lõi của Danh thắng Ruộng bậc thang để kịp canh tác đúng nông lịch. Năm này Mù Cang Chải ít mưa, khô hạn hơn, để dòng nước đổ qua hàng ngàn thửa ruộng bậc thang đang khô khát xuống đến khu Mâm Xôi, dưới thấp là phải có sự kiểm tra điều hành chung nên hôm nay 8 đồng chí ra quân, đích thân đi khai nguồn nước dẫn về khu Mâm Xôi. Tôi ngó sang bên cạnh thấy một dòng nước vàng, đục ngầu xối xả lao xuống mấy thửa ruộng. Anh Phượng nói: Nguồn nước ở đây chỉ có một, được lấy từ bản Hấu Đề trên núi cao, đi xe máy lên bản là hơn 5km nhưng để theo dòng nước xuyên rừng là gần 10km. 8 đồng chí trong các ban của xã La Pán Tẩn đã đi lên đầu nguồn và chia nhau kiểm tra chốt giữ, khai thông 8 điểm trên chiều dài gần 10 km. Việc này khiến tôi thấu hiểu tính chất quan trọng và quyết định của nguồn nước ở thời điểm này. Vì ngoài dòng nước từ bản Hấu Đề chảy xuống không còn cách nào dẫn nước lên bao nhiêu thửa ruộng bậc thang kia được. Nếu không có người điều hành thống nhất thì cũng khó vì ai cũng muốn lấy nhanh, lấy trước lấy đủ để canh tác. Anh Phượng đi rồi, tôi gặp em Hờ Thị Mỷ là cô gái Mông sinh ra lớn lên ở đây, ruộng của gia đình em chính là khu lõi của danh thắng, là khu Mâm Xôi cũng đang chờ nước đổ để canh tác. Mỷ có ngôi nhà nhỏ ngay gần khu ruộng, em đón khách du lịch và bán đồ ăn nhẹ. Mỷ bảo: từ lúc 15 tuổi mẹ đã sai em đi lên bản Hấu Đề rồi một mình một cuốc đi khai thông dòng nước về ruộng nhà. Vất vả lắm! Nguồn nước quý giá này tiếng Mông gọi là “Cử đề” (rãnh nước, nguồn nước). Khi đi khai thông rãnh nước gọi là “Tho cử đề” đó là nguồn sống đem đến sự sinh sôi cho bao nhiêu thửa ruộng bậc thang đang khô khát, nứt nẻ, là phép mầu hồi sinh cho mùa màng La Pán Tẩn. Mỷ kể: Nhiều lần em đi “Tho cử đề” vô cùng vất vả, đi cả ngày trong rừng để khai thông dòng chảy. Nhưng sợ nhất là lần nào đi cũng gặp vài ba con rắn, có lần em bỏ dở chạy về bị mẹ mắng… Nhưng ruộng nhà Mỷ cuối nguồn nên vẫn phải đi “Tho cứ đề”. Một ngày đi theo nguồn nước như vậy rất mệt, ngã lên ngã xuống lấm hết người và ăn trưa một mình trong rừng. “Cử đề” cấp nước cho nhiều khu ruộng bậc thang nên trước đây không tránh khỏi sự cạnh tranh giành nguồn nước vì vậy sau này chính quyền đã xây xi măng được hơn một nửa chiều dài “Cử đề” chống thất thoát nước và có sự quản lý điều hành phân bổ cho bà con. Vất vả nhất là “Tho cử đề” lần đầu vào tháng 6 hàng năm. Nghe Mỷ kể, tôi lại ngó nhìn họng nước được lắp ống nhựa đen cỡ đại, dòng nước đục ngầu một màu gần như chất vàng loãng tan chảy đang lao xối xả xuống các thửa ruộng nhỏ phía dưới. Tôi thực sự ấn tượng với dòng nước đục ngầu màu vàng này! Ở các thửa ruộng bậc thang đã đổi nước, bà con đang tranh thủ bừa cho nhuyễn bùn, cả trâu bừa, cả máy bừa mini thi nhau quần trên mặt ruộng, tất bật hối hả trên những thửa ruộng vừa dài vừa cong, vừa hẹp, bùn non bắn lên chi chít trên mặt và quần áo người bừa, vài tiếng sau phụ nữ tung mạ rồi dàn hàng ngang cấy giật lùi. Rất nhanh, một màu xanh non nớt đã phủ kín mặt ruộng. Những ngày này cả gia đình người Mông ra ruộng, họ phải mang theo con nhỏ, đứa biết đi thì đứng trên bờ ruộng đợi cha mẹ làm việc, những em bé sơ sinh được địu trên lưng mẹ cả ngày… Tôi chứng kiến bữa cơm trưa trong lán nghỉ của một đại gia đình, chỉ có xôi lá cơm tím và măng cay, cá khô, rau, đậu nhưng họ ăn uống vui vẻ vì “Cử đề” đã đổ nước về ruộng đúng lịch, những bà mẹ trẻ vừa cho con bú vừa ăn cơm. Các ông bố bón cơm cho đứa lớn, đó là cuộc sống lao động bình dị nơi núi cao. Tôi được mời một bát xôi lá cơm tím dẻo thơm, đó là những hạt gạo của vụ lúa trước, tôi được chung vui với bữa cơm cấy cơm cày của bà con mà lây cái niềm vui hồn nhiên của người lao động chân lấm tay bùn… Nhưng đây mới là ngày đầu đón “Cử đề” để bừa và cấy, mùa nước đổ La Pán Tẩn còn kéo dài trường kỳ trong 90 ngày liên tiếp nữa lúa mới chín. Mỷ nói đó là 90 ngày “Cho đề”. Ngày nào các gia đình cũng phải đi kiểm tra và khai thông dẫn đủ nước vào ruộng cho tới khi lúa chớm chín mới dừng để lo việc gặt đập phơi… Thời gian “Cho đề” kéo dài cũng không ít gian lao. Một dòng nước nhỏ như vậy tưới tắm cho bao nhiêu thửa ruộng luôn khô khát mới biết nguồn nước nơi núi cao quý giá thế nào! Để đủ nước suốt ba tháng là bao nhọc nhằn bền bỉ. Chưa biết hạt thóc nơi đây vụ này mẩy cỡ nào, hạt gạo vụ này thơm ngon cỡ nào nhưng tôi biết chắc chắn giọt mồ hôi đổ xuống các thửa ruộng bậc thang phải nhiều gấp bội phần nơi khác. Mỷ nói việc canh tác ở đây nhiều chật vật vì nếu năm nào không may hạn hán, ít mưa, ít nước, thì dù lúa xanh tốt rồi vẫn bị một loài kiến ra cắn thân, thiếu nước sâu bọ cũng nhiều, thế là mất mùa. Hờ Thị Mỷ bây giờ đã là bà mẹ 24 tuổi có một con trai lên ba nhưng em vẫn gắn bó với ruộng bậc thang quê hương. Vừa nói chuyện em vừa nhanh tay chuẩn bị bữa ăn trưa đơn giản cho cán bộ xã đi “Tho cử đề” tập trung về ăn tạm. Ngoài em Trần Phượng- Bí thư Chi bộ xã còn có Giàng A Su- Cán bộ thủy nông; Lù A Tu- Bí thư Chi đoàn; Giàng A Linh- Cán bộ Địa chính; Giàng A Giơ- Chủ tịch Cựu chiến binh; Giàng A Lềnh- Cán bộ Văn hóa; Háng Lủ Lâu- Trưởng Ban chỉ huy quân sự và Hờ A Giàng- Cán bộ Tư pháp. Bữa ăn qua nhanh và trao đổi công việc ngắn gọn rồi lại leo núi lội rừng vì “Cử đề” và “Tho cử đề” để điều hành phân bổ nguồn nước cho nước đổ hợp lý.

Nhìn 8 gương mặt này tôi càng thấu hiểu nguồn nước nơi đây là mạng sống, là linh hồn của ruộng bậc thang, với cây lúa nước, ở đâu cũng “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nhưng nước ở đây không thể chảy dọc, chảy ngang, chảy chéo, chảy sang hay chảy lên như ở đồng bằng, nước chỉ một mực lao từ đỉnh núi xuống, chỉ một mực đổ xuống không thể quay lại nên có “mùa nước đổ” La Pán Tẩn.

Để có mùa vàng rực rỡ ấm no vào tháng 10 hàng năm thì từ tháng 6 tất cả chính quyền và người dân nơi đây đã lao động cật lực, nhọc nhằn và đầy toàn lo đầy hy vọng trên những thửa ruộng nhỏ bé ông cha để lại… “Bờ xôi ruộng mật” ở đây mặn chát mồ hôi! Ca ngợi danh thắng quốc gia đừng quên những giọt mồ hôi tháng 6 trên hàng ngàn thửa ruộng vừa dài, vừa cong, vừa hẹp mà đẹp đến mê hồn của La Pán Tẩn.

 

D.H.N

 

Các tin khác:

16-20 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter