Người say Ong

 Truyện ngắn của Hoàng Tương Lai

Từ một kỷ niệm đáng nhớ nên ông mê con ong từ ngày đó. Dạo ấy, đơn vị đóng quân ở rừng Lào tỉnh Xiêng Khoảng làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào đánh giặc. Những cánh rừng nhiều tầng nhiều lớp ấy có những tổ ong rừng to như chiếc chiếu một treo lừng lững ở cành cây. Ông cùng cậu liên lạc thèm mật ong quá, bèn rải ni lông dưới đất rồi giương súng lên bóp cò. Mật ong vàng sánh chảy xuống tấm ni lông rải hứng dưới đất đựng được đến ba chục ký mật. Cậu liên lạc cứ thế vốc cả nhộng ong vào miệng. Bỗng cậu ấy mắt trợn trừng ú ớ giơ tay cầu cứu thủ trưởng, ông biết cậu ta nuốt phải con ong non bị nó đốt vào yết hầu cổ họng. Ở quê, ông đã nghe các cụ truyền lại khi bị ong non đốt vào gốc lưỡi chỉ có nước tiểu là trị được. Ông liền ngắt lá rừng làm phễu, vạch quần, són mãi mới được vài giọt đổ vào miệng cậu liên lạc. Lúc sau cậu ấy tỉnh hẳn, quỳ xuống chắp tay vái thủ trưởng như tế sao vì nhờ vài giọt nước tiểu mà cậu ấy sống lại. Cậu ấy lặc lè trên vai túi mật ong rừng về cho đơn vị bồi dưỡng để chuẩn bị bước vào chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum. Ở chiến trường dạo ấy thiếu đủ mọi thứ, những giọt mật ong như thuốc bổ toàn thân làm cho toàn đơn vị ai cũng hào hứng khỏe thêm ra.

Ông Tuấn sau khi phục viên về lấy vợ sinh con với cuộc sống nông nhàn, ông tỷ mẩn đục gốc cây rỗng nuôi được bốn đõ ong. Ong nhà khác ong rừng ở chỗ là không hung hăng như ong rừng, ông chỉ việc ngậm điếu thuốc lá vừa hút vừa phả khói xua nó bay xa rồi bới tìm lấy mật trong tổ. Thích ong bởi ông thấy kỷ luật tổ chức của loài ong rất cao. Con chuyên đi trinh sát tìm mật hoa, con chuyên đi hút mật, có con gác cổng ra vào nơi tổ của nó. Con đi hút mật mà vào tổ không có nhụy hoa, túi không có mật là không được vào. Nó sải cánh bay mọi cánh rừng xa hàng mấy cây số mà không lạc bao giờ. Trong tổ có ong chúa, nếu ấu trùng sinh nở ra một con ong chúa khác là lúc nó chuẩn bị chia đàn ra làm hai. Nghe tiếng ong bay đang reo trong không trung là ông biết nó đang đi tìm mật hay nó trinh sát tìm nơi làm tổ mới. Cũng có loài ong là kẻ thù của loài ong mật đang nuôi. Đó là những con ong bò vẽ, nó bay đến bắt những con ong gác cửa của tổ ong đem về phục dịch hầu hạ cho nó như tìm mật hay thức ăn về cho nó. Ông để ý thấy loài ong khác to hơn lượn lờ quanh tổ ong đang nuôi là ông diệt bằng được. Rồi các loại kẻ thù khác luôn rình rập như: thạch thùng, dán, kiến... nhưng những con ong gác cổng đều tự bảo vệ được.

Đời ông chỉ có hai người bạn tôồng, một Tày và một người là người Dao quần trắng ở bản bên. Làm "bạn tôồng" đâu có dễ. Phải là người cùng tuổi, tâm đầu ý hợp, phải lễ lên bàn thờ nhà bạn thề sống chết có nhau, vui sướng cùng hưởng đến trọn đời, phải coi bố mẹ của bạn như bố mẹ mình. Con cháu bạn như con cháu mình. Con cháu ba đời không được lấy nhau. Một lần đang ăn cỗ trưa tại nhà "bạn tôồng" người Dao, cỗ đang vui, rượu đã bốc lên mặt, bỗng có tiếng ong bay vo ve trước hiên nhà. Biết là ong đang đi tìm nơi làm tổ. Ông bỏ đũa vào mâm xin phép bạn cởi áo vẫy, cầm đất ném mấy con ong đang bay trên đầu mình. Ông giơ áo vẫy chạy qua hai cánh đồng, chạy qua một cánh rừng mới lấy được ba con ong đi trinh sát tìm tổ mới. Ông vui sướng quay lại nhà bạn, biết mình đã bỏ mâm cỗ tại nhà bạn hơn hai tiếng đồng hồ. Bạn vẫn chống đũa ngồi đợi cạnh mâm. Bạn chỉ buông lời trách mà như xát muối vào lòng: "Mày coi con ong hơn cả bạn tôồng, dám bỏ cả mâm rượu mà đi, tao tưởng mày không quay lại là tao mang con gà cùng lễ vật sang nhà mày làm lễ bỏ bạn tôồng luôn đấy". Ông chỉ biết gãi đầu gãi tai mà xin lỗi cả nhà bạn.

Một chiều mùa thu, dìu dịu nắng, tiếng ong tìm mật râm ran khắp mọi cánh rừng. Cậu liên lạc năm xưa tìm đến nhà ông. Trời ơi! Cái cậu năm xưa ở rừng Lào có tý nước tiểu vào miệng mà nó sống lại. Ông hỏi: Mày tên vẫn là Tú phải không? Chú vẫn ở xóm đấy xã đấy chứ gì. Vâng thì em vẫn thế! Ông trách mình vô tâm, chỉ nhớ cậu liên lạc tên Tú ấy ở Hưng Yên, mà xã nào huyện nào chả nhớ nữa, chỉ nhớ quê cậu ở nơi có cây nhãn tổ, hình như ở Phố Hiến hay sao đấy. Tú qua mạng lên Phây biết vợ ông đã mất vì bạo bệnh nên lặn ngòi ngoi nước lên thăm ông. Tú còn mang biếu ông mấy lọ bột nghệ vo viên hòa trộn mật ong để ông dùng. Tú biết ông thời xưa ở lính đã chớm bị đau dạ dày. “Ơ! Anh cũng nuôi ong à?” “Mới có vài đõ thôi”. Tú kể: “Về phục viên là em cũng nuôi ong, bây giờ có 25 đõ, hết mùa hoa nhãn em phải thuê xe lên tận Tuyên Quang, Hà Giang để chu du khắp mọi cánh rừng cùng những đõ ong lấy mật đấy anh ạ! Mật có bao nhiêu không đủ bán cho khách đến đặt mua”. “Còn anh thế nào?” “Ừ, cũng có vui mà có buồn chú ạ! Về phục viên lấy vợ, sinh được hai đứa, một gái một trai, nuôi chúng ăn học thành đạt giờ lập gia đình có nhà ở thành phố, còn anh cùng vợ bám ruộng bám vườn rừng nuôi ong lấy đấy làm vui. Rồi nỗi buồn ập đến, vợ anh bị bạo bệnh bỏ anh mà đi nằm ở cánh rừng dưới chân núi ấy”. Ngày vợ ông mất, ông bảo các cháu lấy những sợi vải trắng buộc vào từng chân đõ ong để báo cho nó là chủ nhà đang có tang, không hiểu sao mấy ngày sau có một đõ ong tự bay đi đâu mất. Ông Tuấn ngớ ngẩn cả tuần: hay là vợ ông đem theo một tổ để về thế giới bên kia nuôi cho có bầu bạn. Mấy dây trầu cũng vậy, đang quấn quýt leo lên quấn lấy buồng cau mà cũng héo mất một dây, vợ mình có ăn trầu đâu, bà chỉ chăm hái đem sang cho bà ngoại. Có đêm ông nằm mơ thấy vợ về, bà ấy ngó nghiêng từng đõ ong rồi hái nắm lá trầu đem sang cho bà ngoại, ông đuổi theo gọi mãi mà bà chẳng quay lại. Ông tỉnh dậy mà mắt ầng ậc nước.  

Tú về Hưng Yên rồi tuần sau Tú lại lên cùng hơn hai chục đõ ong đến ở cùng ông Tuấn. Nhìn Tú quay mật nơi thùng ly tâm nhẹ nhàng mà lại chẳng mất thời gian như mình. Ở gần nửa năm bầu bạn đỡ đần hôm sớm cùng ông. Khi về lại Hưng Yên,Tú bảo: Em để lại cho anh chục đõ ong cùng chiếc thùng ly tâm quay lấy mật. Chỗ anh có các loại hoa suốt bốn mùa thế này, nuôi vài chục đõ mới bõ anh ạ! Em thấy anh sút đi nhiều đấy! Mỗi sáng thức dậy là anh lấy một cốc nước hơi ấm bỏ xuống đấy hai thìa cà phê mật ong cùng vài giọt chanh để uống. Anh cứ làm thế cho em, ba tháng sau hồng hào trở lại rồi đón bà nào còn hơi xuân một tý đến ở cùng bầu bạn, em sẽ lên dự lễ hợp hôn của anh chị.

Tú đến Tú về, ông Tuấn vơi đi nỗi buồn trống vắng vì có con ong ngày ngày bầu bạn sớm trưa. Ông hiểu con ong mật đang nuôi ngày một nhiều hơn. Con ong cho mật ấy không phải có hai mắt như con người mà có tới năm con mắt. Hai con mắt to đa tròng là mắt chính dùng để quan sát động tĩnh, tìm hoa, hướng bay và phân biệt màu sắc của hoa. Ngoài ra còn ba mắt nhỏ hình tam giác để phụ giúp cho hai mắt chính. Ong còn có hai cặp cánh, cặp cánh trước dày và to hơn nên khiến chúng bay nhanh và không biết mệt mỏi. Một tổ ong có từ hai vạn rưỡi đến năm vạn con. Trong tổ có ong chúa, ong thợ và ong đực. Ong chúa làm nhiệm vụ sinh sản, là trung tâm chỉ đạo tối cao, nó sống trong khu riêng biệt do ong thợ thiết kế cho nó. Ong chúa có hình dạng to hơn ong thường và có tuổi thọ từ ba đến năm năm. Ong chúa bay ra khỏi tổ là cả đàn ong phải nhường đường bay cho nó. Còn ong đực không hút mật vì không có túi đựng phấn hoa, không có vòi tiêm nọc độc. Ong đực chỉ có công việc là giao phối, mà giao phối giữa không trung với con ong chúa ở tổ của mình và ở tổ ong khác. Con ong đực nào khỏe nhất mới được giao phối với ong chúa, cuộc đời hoành tráng và bi thương của ong đực là khi giao phối xong là tự chết. Trong tổ ong, ong thợ là đông nhất tới 98% trong đàn, công việc chính là tìm phấn hoa hút mật, chăm sóc ấu trùng ong chúa đẻ ra và xây tổ chăm sóc ong chúa. Chỉ có ong thợ là có vòi tiêm nọc độc vào đối thủ và nó cũng tự chết khi chiếc vòi nó tiết được nọc độc vào đối thủ. Ông Tuấn thấy vui khi đàn ong tưng bừng nhảy múa một vũ điệu rất kỳ lạ trên không trung. Đó là sau khi hoàn thành hút mật và phấn hoa về tổ, ong thợ không bay đi luôn mà nó bay múa vòng tròn và lắc mông tạo thành hình số 8. Hơn hai chục đõ ong đặt để khá gần nhau mà chúng chả nhầm tổ của chúng bao giờ, mà cũng không bao giờ xảy ra chiến tranh giữa các đàn ong với nhau. Ông không dám đi chơi đâu xa vì nhớ đàn ong hơn hai chục đõ quanh nhà. Mới mơ sáng mà đàn ong thợ đã ríu riu bay đi tìm phấn hoa hút mật, nó cần mẫn có khi con người phải học nó. Nó tinh ý biết vườn quả nào phun thuốc sâu là nó bay tránh xa. Từ hoa cây rừng trồng như mỡ, keo, hoa lúa, hoa bí, hoa mướp, hoa thanh long, hoa vải, hoa nhãn, hoa bưởi, hoa chanh, hoa cau cùng các loài hoa dại trên rừng là con ong tìm đến cần mẫn bỏ đầy túi phấn hoa cùng mật đem về tổ. Mỗi tổ mỗi tháng cho ông ít nhất là ba lít mật xịn. Mật ông đóng đầy can cất giữ được chục can ông mới xuất, mà toàn khách quen đặt cọc trước. Ông đã làm theo cách của cậu Tú: mỗi sáng uống một cốc nước ấm pha mật ong cùng vài giọt chanh. Ông uống những viên mật ong trộn bột nghệ mà thấy cái bệnh dạ dày như khỏi hẳn. Ai cũng khen ông trẻ ra, da dẻ hồng hào phong độ. Có bạn thân còn xung phong làm mối cho mấy bà ở bản bên góa chồng mà tuổi còn khá trẻ. Ông chỉ ậm ừ cho qua chuyện: từ từ để tính đã. Tính cái gì, hơn sáu mươi mùa cái bánh chưng rồi, phong độ thế này mà không lấy vợ là phí.

Đem lọ mật ong hòa thành viên cùng bột nghệ, tay xách cả can nhỏ mật ong sang biếu bạn tôồng, đang trên đường về thấy cô Hồng hớt hải chạy ra đón.

- Anh Tuấn ơi! Em thấy ở tàu lá cọ ven đồi nhà em có đàn ong đang tụ ở đấy, em không dám lại gần sợ nó đốt. Anh sang xem đem nó về nuôi chắc được đấy anh ạ!

- Ừ!  Để về lấy dụng cụ bảo hộ rồi anh sang luôn!

Từ lâu ông đã để ý thấy cô Hồng cùng thôn dáng ưa nhìn, góa chồng đã mấy năm, ít hơn mình chục tuổi chịu khó chăm làm. Nhà có mỗi cô con gái đi làm dâu tận tỉnh xa. Nhưng cứ ngài ngại thế nào ấy. Hôm nay mới được theo chân cô ấy lên đồi cọ gần nhà cô, ông thầm nghĩ: cô này đúng là thắt đáy lưng ong. Thế mà mình..... Ông đeo găng tay, đội mũ lưới, cô Hồng giữ thang để ông trèo lên. Đàn ong tụ lại bên dưới tàu lá cọ như chiếc mũ cối, bàn tay ông nhẹ nhàng như thôi miên cả đàn ong vào chiếc túi lưới. Ông bảo cô Hồng:

-  Nhà anh còn chiếc đõ, ong bay đi từ lúc nhà anh mất. Để anh về lấy sang cho ong vào đặt ở nhà em nhé.- Cô Hồng đỏ mặt:

- Tùy anh, nhưng em chả biết chăm ong thế nào đâu đấy!

-  Đơn giản mà em, thỉnh thoảng anh đáo qua xem là được rồi!

Suốt đêm trằn trọc, ông Tuấn cứ nghĩ mãi về cô Hồng. Nhớ một lần ông đang gieo mạ, vì những thửa mạ trong thôn gần nhau, cạnh những rạch mạ của ông, Hồng cũng đang quãi mạ, chắc thấy ông lóng ngóng tung nắm hạt giống xuống rạch đất mạ chỗ dày chỗ thưa, cô đã dừng lại giúp ông gieo mạ rồi cắm nan che ni lông giúp ông rồi vội vã ra về. Lần khác: nhà ông ở ngay gần sân vận động của xã, lễ hội xuân năm đó xã tổ chức lễ hội "xuống đồng", nhà ông được chị em nhờ đun nồi bánh chưng to đùng. Gói bánh chưng thì mấy chị em cùng cô Hồng gói rồi xếp xuống nồi ngâm nước ba tiếng sau mới đun bếp, việc đó giao cho chủ nhà. Ông đã thức từ lúc gà gáy hỳ hục đun nồi bánh chưng cho hội chị em. Mờ sáng cô Hồng đã chạy sang giúp ông vớt bánh chưng ra kịp ráo nước để đưa ra lễ hội. Không có cô Hồng sang thực tình ông chẳng biết làm thế nào với nồi bánh chưng đang sôi đó. Hình ảnh ấy, ông giữ mãi trong lòng khi vắng bóng dáng bàn tay tảo tần khuya sớm của người vợ yêu quý. Nhìn những thửa ruộng bí ngô đang ra hoa vàng rực gần nhà cô, ông ao ước biến thành những con ong thợ sáng sáng bay tới thụ phấn cho hoa bí giúp cô. Ông thương cô vất vả dậy từ lúc mờ sáng ra đồng để đi thụ phấn cho hoa bí, tay thoăn thoắt thụ phấn cho từng bông hoa cái, khi xong cả ba sào bí thì đã gần trưa.

Chiều muộn. Ông qua nhà cô, Hồng đang gánh những gánh bí về xếp đầy hiên nhà, toàn bí nếp loại cổ dài nay đang được mọi người lùng mua. Ông ghé tai vào đõ ong để gần hiên nhà. Ừ! Có tiếng đàn ong đang vỗ cánh quạt vù vù trong tổ, đấy là ong thợ đang dùng cánh quạt mát cho những bánh mật đang nuôi ấu trùng trong tổ. Theo kinh nghiệm của mình tổ ong này sẽ nhiều mật đây. Thôi để mai sang mở đõ lấy mật vậy. Ngoảnh ra thì cô Hồng gánh bí vào sân. Cô gỡ nón, mồ hôi bết những đuôi tóc vào đôi má ửng hồng. Cô chào anh rồi thưa:

- Cảm ơn anh, cảm ơn đàn ong của nhà anh...!

- Sao lại phải cảm ơn!

- Em chẳng phải sáng sáng ra đồng thụ phấn cho bí nữa. Mỗi sáng tinh mơ ra ruộng bí thấy đàn ong đã lấy hết phấn ở đài hoa đực và bay sang hoa cái tìm hút mật, tay chân nó mang đầy phấn sang cho hoa cái, vô tình nó thụ phấn cho hết ruộng bí nhà em. Mà bí vụ này sai quả hơn những vụ trước anh ạ!

Ông lúng túng:

- Thế thì... anh phải cảm ơn em mới phải, vì sắp hết vụ hoa, những chú ong cố lấy nhụy lấy phấn về dự trữ qua mùa lạnh đấy em ạ.

Ông định nói: "Con ong làm mật yêu hoa..." nhưng ông không dám mở miệng. Hai má ông nóng ran, trống ngực đập rộn ràng. Ông lảng sang chuyện khác:

- Sáng mai em ở nhà, anh sang mở đõ ong lấy mật!

- Nhanh thế! Đã có mật rồi à anh?

Xã có nhiều người hỏi kinh nghiệm nuôi ong của ông và cũng sắm đõ lùng ong về nuôi, người thì năm đõ, người thì chục đõ. Họ rủ nhau thành lập hợp tác xã nuôi ong và bầu ông Tuấn làm chủ nhiệm hợp tác xã. Xã chấp nhận luôn vì đang có phong trào lập các hợp tác xã theo mô hình mới. Cũng vui, ngày mở đõ lấy mật là ngày tụ tập các thành viên đến vừa trao đổi kinh nghiệm vừa mổ thêm con gà làm canh để mọi người cùng hả hê nhắm rượu với nhộng ong non nấu măng chua. Vui đáo để.

***

Một tối cuối thu. Ông Tuấn đang thiu thiu ngủ thì có chuông điện thoại khiến ông tỉnh giấc.

- Chú Tú đấy à! Khỏe chứ?

- Dạ em khỏe. Em xin thông báo với anh một việc hệ trọng. Em đã liên lạc với con trai và con gái anh. Các cháu nhất trí cuối năm về tổ chức đám cưới cho ông với bà trẻ.

- Bà trẻ nào, vớ vẩn...!

- Bà trẻ mà anh đã cho cả đàn ong sang thụ phấn bí cho đấy, giấu em sao được!

Ông cúp máy, lẩm bẩm:

- Cái thằng.... chỉ được...!

                                                        

H.T.L

 

 

           

           

 

 

Các tin khác:

16-20 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter