Những người “giữ lửa” ở Mù Cang

Ký của Nguyễn Thị Tâm

 “Phụ nữ Mù Cang Chải bây giờ không còn là những người đàn bà Mông chỉ biết im lặng, cam chịu những khắc nghiệt của lễ giáo truyền thống; không còn lầm lũi, e dè, phụ thuộc vào chồng; cũng không còn gồng mình lam lũ, vượt núi, băng rừng trên đôi chân trần nứt nẻ… mà chị em đã biết đọc, biết viết, biết hòa mình vào với các hoạt động xã hội, biết đi xe máy, biết sử dụng công nghệ, biết làm kinh tế, biết chăm sóc bản thân biết “xây” cho mình một gia đình ấm no, hạnh phúc và cũng biết giữ cho ngọn lửa hạnh phúc ấy luôn cháy”. Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải Sùng Thị Mỷ khi trò chuyện với tôi trong một cuộc gặp cách đây không lâu. Tôi không ngạc nhiên về câu nói của chị. Bởi, qua câu chuyện của chị Mỷ tôi biết đó là sự thật, và tôi còn biết rằng, sự chuyển biến, thay đổi của những người phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải diễn ra cũng chưa lâu. Chị Mỷ tâm sự rằng, những ngày đầu chị mới tiếp nhận công tác phụ nữ (cách đây 10 năm), khi tiếp xúc với chị em ở cơ sở, nhiều lần chị phải bật khóc bởi vừa giận, vừa thương các chị, các em của mình. Cùng là phụ nữ với nhau mà các chị em mỗi người mỗi cảnh. Người thì chỉ biết đầu tắt mặt tối trên đồi, trên nương. Người thì sắp mâm cho chồng rồi lầm lũi ngồi ăn nơi xó bếp. Rồi hầu hết chị em còn chưa biết chữ, gửi tài liệu tuyên truyền về không đọc được, đưa giấy tờ gì cho ký cũng chỉ biết xòe ngón tay ra điểm chỉ… Có hôm đi dự cuộc họp ở Chi hội, nghe cấp dưới báo cáo chị em đến dự đông đủ chị Mỷ rất mừng. Chị không mừng vì cho rằng chị em trân trọng mình mà đến, mà chị mừng vì chị em phụ nữ đã tiến bộ, mạnh dạn tham gia công tác Hội. Thế nhưng đến khi điểm danh, nhiều người gọi tên mãi chẳng chịu thưa, đến khi Chi hội Trưởng đến tận nơi bảo thì mới ớ ra vì không nhớ đó là tên của mình; hỏi đến tuổi, ngày tháng năm sinh thì chị em bảo, đến hỏi ông Trưởng bản, chỉ ông ấy mới biết thôi… Buồn, xót xa, chị Mỷ dành nhiều thời gian đi cơ sở hơn để gần gũi với chị em. Lần nào gặp mặt, trò chuyện với chị em, chị Mỷ cũng không quên nhắc các chị em rằng: “Cái tên là của bố mẹ đặt cho, bố mẹ đã phải mổ gà cúng ma nhà, cúng tổ tiên để đặt tên cho mình thì không được quên. Đánh mất cái tên là đánh mất chính mình”, “Các chị mỗi sớm thức dậy rửa mặt, chải tóc cho con thì phải nhớ rửa mặt, chải tóc cho chính mình; hàng ngày quan tâm đến cái ăn cái mặc cho chồng cho con xong thì phải quan tâm cả đến cái ăn, cái mặc của bản thân; trước khi ra khỏi nhà phải nhìn lại xem mình đang mặc gì, như thế đã được hay chưa, mình phải biết yêu, biết thương bản thân thì mới được chồng yêu thương…”. Cùng với việc quán triệt tới các cấp Hội phải tuyên truyền mạnh mẽ đến chị em để họ biết tự trân trọng và chăm sóc chính bản thân mình, chị Mỷ chủ động tìm gặp những ông chồng của họ, bởi chị biết muốn thay đổi được họ thì trước hết phải thay đổi được tư tưởng và phải có được sự ủng hộ, hỗ trợ của những ông chồng này. Nhưng để thuyết phục được các ông chồng cũng như chính các chị em thì phải miệng nói, tay làm mới có hiệu quả. Nghĩ vậy, chị Mỷ không chỉ đi tuyên truyền, vận động suông mà mỗi khi đến nhà vận động, chị mặc nhiên ngồi ngang hàng với cánh đàn ông và nói để họ biết, cũng là phụ nữ Mông, chị có thể ngồi cùng để nói chuyện, để ăn cơm với họ thì tại sao mẹ, chị, vợ của họ lại không thể. Ngày lễ tết, chị diện váy áo xúng xính, lướt xe máy đến hội chợ để chị em biết rằng cùng là phụ nữ Mông, chị làm được thì chị em chắc chắn cũng làm được…

Chị em phụ nữ Mông huyện Mù Cang Chải tham gia làm đường giao thông nông thôn

Xác định vai trò là cầu nối, là điểm tựa vững chắc để chị em phụ nữ Mông nơi đây có điều kiện phát triển, tiến bộ nên chị Mỷ và các chị em trong Hội luôn tìm mọi cách khắc phục khó khăn, chú trọng đổi mới để phát huy hiệu quả của các phong trào thi đua sao cho sát nhất, thiết thực nhất với điều kiện và nhu cầu thực tế của chị em. Để thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào Hội, chị chỉ đạo các cấp Hội phát động nhiều hoạt động tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, đa dạng các nội dung sinh hoạt, hình thức tổ chức. Rồi, để giúp chị em xóa mù chữ, chị Mỷ lại tham mưu với huyện, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, với Đoàn Thanh niên mở các lớp xóa mù; để hỗ trợ chị em làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, chị cùng các chị em trong Hội tìm kiếm các mô hình, các loại cây, con giống cho chị em làm, khai thác các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, tạo nguồn vốn tại chỗ cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế, khởi nghiệp; để giúp các chị em chăm sóc tốt cho gia đình, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, khôn lớn, chị đề nghị Tỉnh Hội tạo điều kiện để chị em được tiếp cận với các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; thành lập và từng bước thu hút các chị em tham gia vào các câu lạc bộ như CLB “Không sinh con thứ 3”, CLB “Không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống”, CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”, CLB “Nuôi dạy con tốt”, CLB “Không bạo lực gia đình”… Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tích cực phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trên các lĩnh vực hoạt động công tác Hội. Hội đã mở được 40 lớp học xóa mù, giúp cho hơn 1000 chị em biết đọc, biết viết; hỗ trợ cho 90 chị em khởi nghiệp; phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho 300 chị em; giúp đỡ 87 hộ thoát nghèo; tổ chức được 390 hoạt động tuyên truyền, thu hút 65.000 lượt hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia; tổ chức nhiều phong trào thi đua như “Phụ nữ Mù Cang Chải  tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang, Giỏi việc nước, đảm việc nhà” hay Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”…; Phối hợp với tổ chức SPIR và các đơn vị tài trợ trao 240 con dê sinh sản; 01 con bò; 80 con lợn; 4.000 con ngan, vịt cho các gia đình hội viên nghèo; tặng 94 sổ tiết kiệm, 668 xuất quà và các nhu yếu phẩm trị giá 1,6 tỷ đồng; 2.300 áo ấm, 600 chăn cho học sinh; 2.000 bếp tiết kiệm củi cho 5 xã (tổng trị giá gần 3 tỷ đồng); phối hợp với Hội LHPN tỉnh cấp phát 2.000 bếp đun tiết kiệm năng lượng cho 5 xã, cho 85 hộ hội viên phụ nữ thị trấn vay với tổng số vốn 374 triệu làm công trình vệ sinh, đường ống nước sạch; thành lập 14 tổ tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em tại các cơ sở; giúp cho hơn 8.800 hộ được cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con, cháu…

Từ những nỗ lực của chị Mỷ cũng như các cấp Hội mà chị em phụ nữ ở Mù Cang Chải ngày càng thay đổi, tiến bộ rõ rệt. Vẫn là những người phụ nữ Mông hiền lành, đảm đang, cần cù, chăm chỉ và yêu thương gia đình, nhưng giờ đây, chị em đã mạnh dạn, chủ động hơn khi tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nhiều chị em phụ nữ đã vượt qua được những định kiến, những rào cản của lễ giáo phong kiến, vượt qua cánh cửa tâm lý e dè, ngại ngần để ra bên ngoài học hỏi, rèn luyện trở thành những người có ích cho xã hội, làm giàu cho quê hương và có điều kiện để xây cho mình những ngôi nhà hạnh phúc vẹn tròn. Hiện nay, số chị em đang đảm nhận những cương vị lãnh đạo của huyện ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, có chị là Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã; nhiều chị là Trưởng, Phó các cơ quan, đơn vị cấp huyện; có chị là Phó Chủ tịch UBND huyện và cũng có chị là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Tham gia ở các ngành nghề như Y tế, Giáo dục, Khoa học- Công nghệ... chị em phụ nữ chiếm số lượng khá đông và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Đến nay, huyện có một đội ngũ nữ cán bộ y tế giàu y đức, giỏi chuyên môn và 01 nữ Bác sĩ Chuyên khoa I để chăm sóc tốt sức cho nhân dân. Đồng thời hàng năm, huyện xuất hiện ngày càng nhiều nữ giáo viên giỏi, đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục toàn diện của huyện. Nếu là ngày trước, chị em phụ nữ ở bản Mông còn không dám múa, dám hát thì nay, thông qua các phong trào, hội thi của Hội các chị em được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại 110 đội văn nghệ quần chúng và 45 câu lạc bộ thể dục thể thao trong toàn huyện. Điều đó đã giúp cho các chị em trở nên mạnh bạo, tự tin hơn; nâng cao nhận thức của chị em trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh; khơi dậy niềm tự hào, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp trong gia đình, họ tộc, cộng đồng dân cư; đồng thời cũng góp phần nâng cao dân trí, sức khỏe và làm phong phú đời sống tinh thần của chị em. Tham gia phong trào thi đua “Phụ nữ Mù Cang Chải  chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội đã tích cực vận động chị em tham gia vào việc cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Thực hiện 80 công trình, phần việc trong phong trào này, từ cán bộ đến hội viên, chị em đã đóng góp trên 300 triệu đồng, 13.000 ngày công làm 45 km đường bê tông đi các bản; làm 02 cầu tạm; giúp 16 tấn xi măng, 4.370 ngày công xóa 15 nhà tạm, nhà dột nát tại xã Nậm Khắt; hỗ trợ làm 5 nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng 205 mô hình thu gom rác thải; khai hoang 13 ha ruộng bậc thang; tổ chức 350 buổi quyét dọn vệ sinh thu gom rác thải. Cùng chung tay với nhân dân cả nước trong cuộc chiến chống đại dịch COVID- 19, ngay trong những đợt bùng phát dịch đầu tiên, chị em phụ nữ Mù Cang Chải đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến trong công tác tuyên truyền, phòng chống dịch, cùng với đó vận động quyên góp và phát động may, phát miễn phí trên 34.000 chiếc khẩu trang vải an toàn; vận động hỗ trợ các lực lượng phòng dịch bằng các nhu yếu phẩm trị giá trên 20 triệu đồng. ...

Là lực lượng đông đảo nhất của phụ nữ toàn huyện, phụ nữ nông thôn ở Mù Cang Chải chiếm tới 50% trên tổng số lao động nữ. Trong những năm gần đây, dưới sự dẫn dắt, giúp đỡ của Huyện Hội, chị em phụ nữ đã chủ động làm kinh tế, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động, tạo thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Nhất là 5 năm trở lại đây, nhờ có những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch mà Mù Cang Chải được bạn bè trong và ngoài nước biết và tìm đến. Nắm bắt được điều này, cùng với việc tập trung phát triển chăn nuôi, trồng cấy thì chị em đã từng bước tiếp cận và nhanh chóng khai thác, phát triển các ngành nghề dịch vụ du lịch trên nền tảng của bản sắc văn hóa truyền thống như làm du lịch cộng đồng, thêu dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong... Thậm chí, nhiều chị em còn phát huy được trí thông minh, sáng tạo để gây dựng nên những mô hình tiêu biểu như mô hình Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha. Được hình thành từ sự dẫn dắt, hướng dẫn tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hờ Thị Dê cùng 20 chị em người Mông ở bản Dề Thàng đã lập nên Tổ hợp tác. Chỉ sau 3 năm, các chị em đã tìm tòi, sáng tạo và cải tiến sản xuất ra gần 20 loại mặt hàng với hàng ngàn sản phẩm có giá trị. Không chỉ được du khách trong nước biết đến, sản phẩm của các chị còn vươn tới cả thị trường các nước Châu Âu.

Còn nhớ trong chuyến công tác cách đây không lâu, tôi đã có dịp đến thăm La Pán Tẩn và được gặp rất nhiều chị em phụ nữ Mông vừa trẻ, vừa đảm đang lại vừa giỏi làm kinh tế. Trong số đó, tôi đặc biệt ấn tượng với gương mặt xinh xắn và nụ cười duyên của cô chủ nhỏ Lý Thị Nung ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn. Dù còn rất trẻ, không có nhiều vốn liếng cũng như kinh nghiệm nhưng Lý Thị Nung lại dám mạnh dạn đầu tư san phẳng quả đồi của bố mẹ cho để làm nhà cộng đồng đón khách du lịch. Với một ngôi nhà sàn có sức chứa khoảng 10- 15 khách cùng vườn hoa tam giác mạch rộng bát ngát tọa trên đỉnh đồi cao đã khiến cho homestay của gia đình Lý Thị Nung trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch mỗi mùa đổ nước và mùa lúa chín, đem lại cho gia đình em nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hôm lên Khao Mang, đến thăm một số hộ chăn nuôi theo mô hình tổ hợp tác của xã mà tôi thấy vui lây với niềm phấn khởi trên gương mặt của vị Chủ tịch UBND xã Sùng A Dinh và Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Giàng Thị Xá. Anh Dinh chia sẻ với tôi rằng, Khao Mang cũng là một trong những xã vùng III của Mù Cang Chải nên đời sống của nhân dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Chị em phụ nữ trong xã chủ yếu làm nông nghiệp. Thế nhưng nếu như trước đây sản xuất chỉ là tự cung tự cấp thì nay, chị em đã biết sản xuất theo hướng kinh doanh nên đời sống đã dần khấm khá hơn. Không chỉ vậy, từ khi chị em tham gia vào các hoạt động phong trào của Hội Phụ nữ thì đời sống vật chất và tinh thần của họ đều được cải thiện rất nhiều. Giờ đây, họ không còn là người yếu thế, mà được sống bình đẳng với chồng, nhiều người còn trở thành trở thành trụ cột của gia đình. Khi chúng tôi đến thăm gia đình Cứ Thị Mỷ ở bản Háng Bla Ha B, thấy cơ ngơi nhà ở và khu chăn nuôi gọn gàng, sạch sẽ cùng nụ cười thật tươi trên gương mặt rạng ngời hạnh phúc của người phụ nữ trẻ thì đã có thể khẳng định lời nói trước đó của anh Dinh là đúng. Mỷ năm nay mới tròn 30 tuổi, lập gia đình và đã có 2 con. Ngày mới ra ở riêng vốn liếng chẳng có gì, chồng làm cán bộ y tế đồng lương ít ỏi, 2 con còn nhỏ nheo nhóc nên khó khăn chồng chất. Tham gia hoạt động Hội, được chị em động viên, Mỷ mạnh dạn chăn nuôi, trồng cấy. Có chồng giúp đỡ về kiến thức chăm sóc rồi thuốc men mỗi khi vật nuôi ốm bệnh, dần dần Mỷ cũng tạo dựng được một số vốn nho nhỏ. Mấy năm gần đây, những chị em được Mỷ giúp đỡ, hướng dẫn cách chăn nuôi cũng đã phát triển hơn nên Mỷ cùng các chị em đề xuất với Hội cho thành lập tổ hợp tác chăn nuôi. Vào tổ rồi, được chỉ bảo cách chăn nuôi, có nơi mua giống lại sẵn mối bán lợn thành phẩm, chị em bảo ban nhau cùng phấn đấu, nhà nào cũng tăng đàn, mở rộng chuồng trại. Riêng nhà Mỷ lứa nào cũng 15 đến 20 con cả giống lợn Mông lẫn giống lợn lai. Bên trên là khu chuồng trại, bên dưới là ao cá rộng cả vài héc ta, rồi lại ruộng lúa mỗi vụ cũng cho Mỷ hơn 30 bao thóc. Ở trong tổ, nhà chị Vàng Thị Máy từ chỗ chỉ biết quanh quẩn với nương rẫy, giờ trong chuồng lúc nào cũng có lợn tạ, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng; còn nhà Thào Thị Náng năm nay vừa mỏ rộng thêm 4 gian chuồng nuôi mới, nuôi thêm lợn nái để bán giống, nuôi thêm đàn trâu cả chục con. Có một điều khiến tôi thật sự ấn tượng, đó là vào thăm nhà nào cũng thấy có đàn ngan vài chục con, con nào con nấy đầu đỏ găng, nặng đến 5- 7 cân. Được biết, giống ngan của người Mông ăn rất ngon, ngoài thị trường có giá tới 80- 100 nghìn 1 cân. Thế nhưng không nhà nào muốn bán mà nuôi chỉ để phục vụ bữa ăn của gia đình. Thế mới biết, cuộc sống của chị em giờ đã tốt hơn rất nhiều.

Từ hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động và sự động viên kịp thời của các cấp Hội, 5 năm trở lại đây, hầu hết các phong trào, mô hình thi đua do Hội phát động đều được chị em trong toàn huyện nhiệt tình hưởng ứng. Có thể kể đến như mô hình “Tiết kiệm 5000đ/tháng”, Phong trào “Chung tay ủng hộ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” đã tiết kiệm được hơn 1,5 tỷ đồng; Phong trào “Ủng hộ làm nhà Mái ấm tình thương” đã được chị em đóng góp gần 3 tỷ đồng cùng trên 530 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa 12 ngôi nhà “Mái ấm tình thường”, 2 nhà “Đại đoàn kết” và thăm hỏi tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, trợ cấp khó khăn đột xuất cho chị em phụ nữ, trẻ em trên địa bàn huyện; mô hình thi đua “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” đã có hơn 5000 hộ đạt tiêu chí thi đua...

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, hạnh phúc của mỗi gia đình đều có được từ tình thương, bàn tay vun đắp và sự hi sinh cao cả của những người mẹ, người vợ người chị. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, gia đình sẽ là tổ ấm, ngọn lửa hạnh phúc sẽ mãi lung linh khi người phụ nữ luôn hết mực yêu thương, chăm lo cho gia đình, nhưng cũng dám vượt qua định kiến, vươn lên làm chủ cuộc đời, cống hiến cho xã hội. Tôi mới hay tin, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIX. Một trong số các mục tiêu lớn của các chị ở nhiệm kỳ này chính là giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, khơi dậy tinh thần sáng tạo, khát vọng phát triển; tiên phong hành động vì hạnh phúc, bình đẳng và sự phát triển của phụ nữ nơi quê núi Mù Cang. Dưới mái nhà chung, chị em phụ nữ Mù Cang Chải giờ đây đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trước gia đình cũng như xã hội. Các chị luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người Phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang”; tích cực lao động sản xuất nâng cao thu nhập, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết yêu thương và xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ hạnh phúc.

 

                                                                                 N.T.T

 

 

 

Các tin khác:

21-25 of 336<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter