Yên Bái của tôi!

Tùy bút của LÂM NGUYỄN

 

Tháng 4, kỷ niệm 123 năm ngày thành lập tỉnh, thêm một dấu mốc thời gian để tôi nghĩ về những chặng đường đã qua và những gì đang đến của Yên Bái. Mặc dù quê cha, đất tổ tôi là xứ nhãn Hưng Yên nhưng Yên Bái mới là nơi chôn rau, cắt rốn của tôi. Yên Bái mới là nơi nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành, bồi đắp lên tâm hồn tôi. Tôi thực sự yêu và tự hào về vùng đất và con người Yên Bái.

Tôi yêu và tự hào về Yên Bái, trước hết là thiên nhiên kỳ vĩ và thơ mộng. Cả dải đất Yên Bái dựa vào dãy Hoàng Liên Sơn như một bức tường thành hùng vĩ, nhiều đỉnh cao sừng sững, ngang trời. Tà Chì Nhù 2.979m so với mực nước biển, đứng thứ 6, Tà Xùa 2.865m, đứng thứ 10 trong tốp 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam, được ví như những thiên đường mây và hoa nơi hạ giới. Nếu như đỈnh Tà Chì Nhù, tràn ngập hoa Mật rồng 5 cánh màu tím pha trắng, vừa đẹp đến mê hồn vừa là một loại thảo dược quý, có thể dùng làm thuốc chữa viêm gan, chống độc và hạ sốt thì trên đỉnh Tà Xùa suốt từ độ cao 2.200m lên đến đỉnh chỉ toàn một sắc tím, trắng, đỏ của Đỗ Quyên rừng. Không chỉ có núi non trùng điệp, Yên Bái còn có hệ thống sông suối như những dải lụa bạch mềm mại đang bay lên trên tấm thảm biếc xanh. Hai con sông lớn, sông Hồng, sông Chảy đều bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua địa phận Yên Bái rồi xuôi về đồng bằng Bắc bộ, bồi đắp phù sa màu mỡ cho những cánh đồng lúa, những bãi ngô, rau trải dọc ven sông. Các con suối lớn Nậm Thia, Nậm Kim, Nậm Tung, Nậm Hát, Ngòi Lao, ngòi Vần, ngòi Hút, ngòi Tu, ngòi Biệc… vừa cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất, tiềm năng thủy điện lại tạo nên vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng. Song thiên nhiên có kì vỹ đến mấy nếu không có con người cũng chỉ là những vùng đất hoang sơ. Con người Yên Bái suốt bao thế hệ không chỉ lập nên những xóm, làng, mường, bản mà còn tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo, những trang sử hào hùng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Tôi yêu và tự hào về vùng đất đã sinh ra tôi, còn bởi đây là một trong những chiếc nôi sinh thành của loài người. Những chiếc răng “người khôn ngoan” cách ngày nay chừng 6 đến hơn 7 vạn năm tại hang Hùm (Lục Yên); các di chỉ thời đồ đá cũ được phát hiện ở hang Thẩm Thóong, Thẩm Lé (Văn Chấn), đã nói lên điều đó. Thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của người Lạc Việt, vùng đất Yên Bái đã được biết đến và được các Vua Hùng xếp trong bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Các Thạp đồng được tìm thấy ở Đào Thịnh, Hợp Minh, Trấn Yên, các trống đồng được tìm thấy ở Minh Xuân (Lục Yên), Phù Nham (Văn Chấn), Mông Sơn (Yên Bình) và nhiều công cụ đồ đồng khác chứng tỏ các cư dân vùng đất Yên Bái đã góp phần tạo nên một nền văn hóa, văn minh đồ đồng rực rỡ của người Lạc- Việt thời Hùng Vương, phát triển cực thịnh vào khoảng thế kỷ thứ V- IV trước công nguyên. Không chỉ là cái nôi sinh thành loài người, Yên Bái còn là nơi hội tụ của nhiều tộc người. Với vị trí chuyển tiếp giữa Tây Bắc, Đông Bắc và Trung du Bắc Bộ, lại có núi cao, sông dài nên nhiều tộc người từ những vùng đất khác do những lý do về điều kiện tự nhiên hay xã hội đã thiên di về đây sinh cơ lập nghiệp. Theo truyền thuyết, người Thái thiên di từ cao nguyên Sipsong Panna; người Mông thiên di từ vùng đất băng giá, 6 tháng ngày, 6 tháng đêm, người Dao lại trải qua một hành trình vượt biển vô cùng gian khổ để đến vùng đất Yên Bái. Theo dòng thời gian, đất lành chim đậu, hiện Yên Bái có gần 30 dân tộc anh em chung sống. Mỗi dân tộc đều mang đến vùng đất Yên Bái bản sắc văn hóa độc đáo, góp phần làm cho vùng đất Yên Bái thêm đẹp đẽ, lịch sử- văn hóa Yên Bái thêm phong phú. Người Thái đã làm nên cánh đồng Mường Lò, vựa lúa và cảnh quan đứng thứ nhì Tây Bắc và một nền văn minh lúa nước độc đáo cùng với những phong tục tập quán, văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc. Điều đặc biệt là người Thái đã coi Mường Lò là đất tổ. Khi qua đời, hồn người Thái ở đâu cũng đều tìm về Nậm Tốc Tát, trên đất Mường Lò để tắm rửa sạch sẽ, mới theo dây “khau cát” lên được Mường Trời. Người Mông đến vùng đất này đã làm nên kì tích ruộng bậc thang, được xếp loại danh thắng đặc biệt cấp quốc gia và nền văn hóa Mông độc đáo. Rồi người Tày, người Dao, người Cao Lan, người Khơ Mú, người Nùng, người Xá Phó… đều góp cho Yên Bái những sắc màu văn hóa đậm đà bản sắc và truyền thống lịch sử hào hùng. Trải qua hàng ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, qua các triều đại Hán, Ngô, Tần, Tùy, Đường, trải qua ba lần xâm lược của quân Nguyên Mông nhưng chúng không thể nào làm mất được bản sắc văn hóa dân tộc, cũng không thể nào khuất phục được con người Yên Bái. Tôi yêu và tự hào bởi sự kiên cường bất khuất của con người Yên Bái. Sách cổ của người Thái Mường Lò, còn ghi, vào khoảng năm 1872, khi giặc Cờ Vàng xâm chiếm Mường Lò, Cầm Hánh cùng các em mình là Cầm Chiêu, Cầm Tám, Cầm Vạn, Cầm Hiệp đã lãnh đạo nhân dân dựng thành Viềng Công làm đại bản doanh, tổ chức đánh đuổi lũ giặc xâm lăng. Tại Lục Yên, vẫn lưu truyền truyền thuyết đời vua Hùng Vương thứ 18, có vị thần rắn hiện hình người mặc y phục đen, lãnh đạo nhân dân đánh giặc, giữ yên bản mường, được nhân dân suy tôn là Vua Áo đen và lập miếu thờ. Điều đặc biệt là khi khai quật vùng miếu thờ vua Hắc Y và đền Đại Kại, các nhà khảo cổ học phát hiện ra những dấu ấn của chiến trận cùng nhiều vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, đá chân cột, tượng đất nung đầu rồng, phượng, lân, voi, các loại đồ gốm sứ, tiền đồng có hình dạng và niên đại giống những hiện vật đã khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long. Theo các nhà khảo cổ học nơi lập Miếu Hắc Y và đền Đại Kại, xa xưa là một quần thể kiến trúc Phật giáo có quy mô lớn, như một Trung tâm Phật giáo, rất hiếm có ở vùng núi. Còn tại Đông Cuông, Văn Yên từ thế kỷ 7, người Tày Khao đã lập Miếu thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, bà lập nên bản mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh cho dân. Vào đời nhà Lê, bà còn phù hộ cho nhà vua đánh tan quân xâm lược, được vua Lê Thái Tổ phong là Lê Mại Đại Vương, suy là Mẫu đệ nhị thượng ngàn. Miếu được dựng lại thành Đền thờ bà và các vị Thần Vệ quốc Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương, người bản địa, giúp vua dẹp giặc.

Thời Pháp thuộc, năm 1886, quân Pháp đánh chiếm vùng đất Yên Bái. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tướng quân Nguyễn Quang Bích, nhân dân các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh Vương Văn Doãn, Đặng Đình Tế, Phạm Thọ, Đặng Tiến Lộc, Đổng Phúc Thịnh, xây dựng căn cứ địa ở Tú Lệ (Văn Chấn), làng Vần (Trấn Yên) tổ chức nhiều cuộc tập kích làm cho quân Pháp ăn không ngon, ngủ không yên. Sau khi hoàn thành việc bình định bằng quân sự, để dễ bề quản lý và tiến hành khai thác thuộc địa, thực dân Pháp chấm dứt chế độ quân quản, chuyển sang chế độ quản lý hành chính nên chúng đã tổ chức lại các đơn vị hành chính. Ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer, ra nghị định thành lập tỉnh Yên Bái, gồm 05 đơn vị cấp huyện (Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Bàn, Lục Yên, Than Uyên), tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái, tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên. Song người dân Yên Bái không cam chịu sự thống trị của chính quyền thực dân- phong kiến, nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp vẫn liên tiếp bùng nổ tại Yên Bái. Năm 1913- 1914, Triệu Tài Lộc, Triệu Kiến Tiên và một số thủ lĩnh khác tập hợp đồng bào Dao, Tày, Kinh nổi dậy chống Pháp ở tổng Trúc Lâu, châu Lục Yên, rồi mở rộng địa bàn hoạt động xuống Trấn Yên, Yên Bình. Nghĩa quân tiến đánh các đồn Lục Yên, Trái Hút, Bảo Hà. Nông dân các xã Mông Sơn, Ẩm Phước (Yên Bình), Nga Quán, Cổ Phúc (Trấn Yên) và nhiều nơi khác cũng vùng dậy đấu tranh chống cướp ruộng đất, chống bắt phu, bắt lính, làm cho Pháp lúng túng, không dễ bề cai trị. Đỉnh cao của phong trào chống Pháp ở Yên Bái trước khi Đảng Cộng sản ra đời là cuộc khởi nghĩa Yên Bái, vào đầu năm 1930, của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng, do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Mặc dù bị thất bại, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của các nghĩa sĩ vượt lên mọi sự bạo tàn đã làm rung chuyển cả hệ thống cai trị của Pháp ở Đông Dương, lan sang tới cả chính quốc. Nhà thơ Pháp Louis Aragon đã phải thốt lên "Yên Bái/ Đây là điều nhắc nhở chúng ta rằng/ Không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ...". 

Truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật khởi của nhân dân các dân tộc Yên Bái được nhân lên gấp bội khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đầu những năm 40, thế kỷ XX, nhiều đảng viên được Xứ ủy Bắc Kỳ cử lên Yên Bái- Phú Thọ xây dựng cơ sở cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Chi bộ Đảng thị xã Yên Bái, Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái- Phú Thọ, Chiến khu Vần- Hiền Lương, Đội du kích Âu Cơ, lần lượt ra đời mở ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào đấu tranh cách mạng ở Yên Bái. Cùng với cả nước, nhân dân Yên Bái đã lật đổ chính quyền thực dân- phong kiến. Ngày 22/8/1945, tại vườn hoa Nhà Kèn tỉnh lỵ Yên Bái, gần một vạn người về dự mít tinh, chứng kiến sự ra đời của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái. Bao khó khăn trong những ngày đầu giành độc lập. Chính quyền cách mạng phải tiếp nhận một gia tài đổ nát của chế độ cũ, hậu quả của nạn đói 1945 vẫn còn đeo bám, hơn 90% dân số mù chữ, sự chống phá của các thế lực phản động, cùng dã tâm quay lại xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Nhưng nhân dân Yên Bái vẫn đoàn kết một lòng, kiên cường vượt qua mọi thử thách vừa xây dựng cuộc sống mới, vừa đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Những địa danh trên đất Yên Bái: Đại Bục, Đại Phác, Nghĩa Lộ, Âu Lâu, Đèo Din, Núi Báng, Lũng Lô… gắn với tinh thần yêu nước và những chiến công của người Yên Bái đã đi vào lịch sử, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (Tố Hữu), kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Pháp. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào kỷ nguyên mới, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, vừa chống chọi với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ. Một lần “Lửa lại thử vàng, gian nan thử sức” con người Yên Bái. Thị xã Yên Bái, một trong những trọng điểm đánh bom hủy diệt của không lực Mỹ, hòng chặt đứt tuyến giao thông đường sắt Hà Nội- Lào Cai, chặn cả lối vào Tây Bắc và làm tê liệt sân bay Yên Bái. Bom đạn kẻ thù làm thị xã không còn một bức tường nguyên vẹn nhưng mỗi người dân thị xã đã là một chiến sĩ kiên cường. Những đoàn tàu vẫn ngày đêm xuôi ngược qua ga Yên Bái; xe ô tô vẫn qua bến Âu Lâu vào Tây Bắc; máy bay từ sân bay Yên Bái vẫn cất cánh đuổi lũ giặc trời; lúa vẫn lên xanh trên những cánh đồng Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Mường Lò; nhà máy Thủy điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam vẫn không ngớt tiếng máy khoan, máy hàn, cùng những đoàn quân Yên Ninh nối tiếp nhau vượt Trường Sơn ra trận. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, Yên Bái lại một lần nữa góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất non sông, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước đã hòa bình, con người Yên Bái hôm nay có một khát vọng thật đẹp. Khát vọng về một Yên Bái “Xanh- Hài hòa- Bản sắc và Hạnh phúc”. Ngay từ khi tỉnh Yên Bái được tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó vươn lên. Tôi yêu và tự hào về sự cần cù, tần tảo, năng động, sáng tạo, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh xây dựng Yên Bái ngày càng giàu đẹp của người Yên Bái. Công cuộc đổi mới đã làm thay da đổi thịt Yên Bái, từ phố thị tới thôn quê, từ vùng thấp tới vùng cao. Yên Bái đã trở thành điểm sáng của cả vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới; vai trò, vị thế là trung tâm liên kết phát triển vùng dần được khẳng định. Nhưng Yên Bái không dừng lại. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025, xác định mục tiêu: xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết của Đảng. Đây vừa là điểm mới trong chiến lược phát triển, vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Cán bộ và nhân dân Yên Bái, nhất là những người đứng đầu đã và đang làm tất cả vì mục tiêu đó. Đồng chí Đỗ Đức Duy, UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy từng tuyên bố: “Chúng ta làm gì, phát triển ra sao thì đích cuối cùng là cuộc sống tốt đẹp, là hạnh phúc của người dân Yên Bái”. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cũng khẳng định: “Quyết tâm cao độ, cách làm bài bản, sáng tạo vì mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái theo hướng phát triển “Xanh- Hài hòa- Bản sắc và Hạnh phúc”.

Đã lùi sâu vào dĩ vãng rồi cái thời Yên Bái “Rừng thiêng, nước độc” với những "Muỗi Bắc Pha, ma Đại Kại", "Nước Mậu A, ma Ngòi Quạch", "Cọp Bảo Hà, ma Trái Hút". Yên Bái hôm nay không chỉ có "Gạo Bạch Hà, gà Linh Môn", "Thịt Nai núi Ngàng, cá làng Bình Hanh" mà còn bao nhiêu sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Yên Bái hôm nay không chỉ có một “Làng Vần có lịch có lề/ Có hang núi đá, có nghề sáo nâu”. Yên Bái hôm nay không chỉ có một Mường Lò gạo trắng, nước trong “Muốn ăn gạo trắng nước trong/ Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”. Đi đến đâu trên đất Yên Bái hôm nay cũng có những điểm du lịch sinh thái- văn hóa, những Homestay, những sản phẩm OCOP đặc sản. Văn Chấn có khu du lịch sinh thái Suối Giàng, ẩm thực thắng cố ngựa và chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng nổi tiếng, khu nghỉ dưỡng cao cấp Le Champ Tú Lệ Resort. Nghĩa Lộ, có cánh đồng Mường Lò thẳng cánh cò bay, di tích lịch sử Căng- Đồn, khu vườn quả- nhà sàn tưởng niệm Bác Hồ, lại được thưởng thức ẩm thực Thái với các món “pa pỉnh tộp” (cá nướng úp), “cáy pỉnh” (gà nướng), “nhứa mù khủa (thịt lợn hấp), “nhứa giảng” (thịt trâu hun khói), "nhứa pho" (thịt lợn băm gói lá nướng), “cay hin pho” (rêu đá vùi than), rồi nhộng sâu báng, sâu chít rang, măng sặt luộc chấm mẻ trưng, nhâm nhi với rượu men lá từ tay các em gái Thái rót, ngà ngà rồi thì thưởng thức món xôi ngũ sắc nấu từ nếp Mường Lò. Cơm xong thì nghe “khắp”, kết thúc bằng một điệu “xé vóng” (múa xòe) vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mù Cang Chải, có ruộng bậc thang, danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, thác Rồng- Dế Xu Phình,  thác Hấu Đề- La Pán Tẩn, thác Mơ- Mồ Dề, mật ong hoa Sơn Tra, rượu thóc, chè Shan tuyết Phúng Luông, đặc sản gà đen Mông. Nghỉ thì có các Homestay ở bản Kim Nọi, Resort Thịnh Đạt, Ecologe Nậm Khắt. Trạm Tấu, có thiên đường mây Tà Chì Nhù, Tà Xùa, Cu Vai, Homestay suối khoáng nóng Cường Hải, xôi gạo nếp nương Lẩu Cáy, khoai sọ nương, măng ớt, chè Shan tuyết Phình Hồ. Văn Yên- miền đất quế, có khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, đền Đông Cuông với tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn góp phần quan trọng vào bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”, Đền thờ ông Bàn Sáu, Tổ nghề quế ở Viễn Sơn, ẩm thực cá chiên, cá lăng sông Hồng. Yên Bình có hồ Thác Bà, được ví như Hạ Long trên núi, rộng 23.500ha, một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ soi bóng xuống mặt nước long lanh cùng hệ thống hang động kì bí ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi; khu du lịch sinh thái Ngòi Tu của làng Dao ven hồ với ẩm thực Dao độc đáo, bưởi đặc sản Đại Minh. Trấn Yên, có đầm sen Vân Hội, tương truyền mẹ Âu Cơ đã từng đặt chân tới, có di tích lịch sử Chiến khu Vần, cái nôi của cách mạng Yên Bái, làng dâu Việt Thành. Lục Yên có chợ đá quý, bình nguyên xanh Khai Trung, ẩm thực vịt bầu Lâm Thượng, khoai môn tím, gỏi cá bỗng, cam sành. Thành phố Yên Bái có Khu tưởng niệm Bác Hồ tại Lễ đài sân vận động, nơi Bác đứng nói chuyện với nhân dân Yên Bái, Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học và các cộng sự tại công viên Yên Hòa, nơi các nghĩa sĩ đã anh dũng hy sinh, phố đi bộ Hào Gia, Yên Hòa, làng hoa Tuy Lộc, đình chùa Nam Cường, mật ong Minh Bảo và những cây cầu mới xây, đêm về soi bóng lung linh xuống mặt nước sông Hồng…

Tôi chợt nhớ tới lần Bác Hồ lên thăm Yên Bái, vào ngày 25/9/1958, khi nói chuyện với nhân dân Yên Bái, Bác đã căn dặn 3 điều: Yên Bái phải xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; Yên Bái phải nâng cao đời sống nhân dân; Yên Bái phải xây dựng đời sống văn hóa mới gắn với tiết kiệm. Cuối buổi nói chuyện Bác đề nghị: Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi- Rồi Bác Hỏi: Các cô, các chú có hứa với Bác thực hiện được không? Cả biển người như sóng dậy, hô vang "Quyết tâm! Quyết Tâm! Quyết tâm". Điều Bác mong đang dần trở thành hiện thực. Ở thế giới bên kia hẳn Bác cũng vui lòng.

 

                                                       

                                                                  L.N

 

 

 

 

 

 

 

                                                       

Các tin khác:

26-30 of 333<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter