Chuyện nhà cụ Thoại

Truyện ngắn của PHAN LONG ĐỊNH

 

            Ngồi ngay hàng bàn đầu tiên trong hội trường, nhưng đến lần mời thứ hai bà cụ Thoại mới đứng dậy lom khom lần đi từng bước khó nhọc. Cô cán bộ văn phòng Đảng ủy nhanh nhẹn bước tới dìu cụ về phía sân khấu. Cụ đưa hai tay run run đón tờ quyết định được lồng ngay ngắn trong khung kính do ông Bí thư Huyện ủy trao. Cụ lóng ngóng làm rơi chiếc hộp đựng chiếc Huy hiệu Đảng xuống chân. Cả Đảng bộ nín thở dõi theo cụ. Cô cán bộ văn phòng lại bước đến nhặt hộ và dìu cụ về phía cái bục phát biểu. Ngập ngừng mãi cụ mới cất lên tiếng nói nghèn nghẹn nơi cổ họng:

            - Kính thưa… các cấp đảng, các cấp… ủy ban, kính thưa… các ông các bà… Thay mặt vong linh nhà tôi, tôi xin cảm tạ các cấp đảng, chính quyền… Ới vong linh ông Thoại ơi… tôi được nhận cái huy hiệu ấy cho ông rồi… Ới Nhỡ ơi là Nhỡ…

            Nói đến đó, giọng bà cụ bị tắc lại. Hai hàng nước mắt đùng đục chảy theo hai bên gò má nhăn nheo xuống đến tận cái cằm móm mém chều ra.

*

            Anh em ông Thoại mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ông cùng cô em gái mỗi người khoác trên vai một cái tay nải, dắt díu nhau đi làm thuê kiếm sống và trôi dạt về đến làng Đình. Dựng túp lều nhỏ bên cái khe cạn, hằng ngày anh em ông đưa nhau vào trong làng làm thuê. Nhà nào có việc anh em ông mải miết làm. Việc trả công chỉ là củ khoai, củ sắn, họa hoằn lắm thì được đấu gạo. Năm ông hai mươi sáu tuổi thì trời xui khiến ông gặp được bà Thoại. Bà Thoại cũng mồ côi cha từ năm lên mười hai. Cùng cảnh mồ côi nên sự quấn quýt của hai người như là định mệnh từ trước. Hai năm sau anh Nhỡ ra đời, và cô em gái ông Thoại cũng được một anh thanh niên trong làng đón về làm vợ. Cách mạng Tháng Tám thành công, làng Đình như bừng lên một sức sống mới. Hằng đêm, ông Thoại với cái đèn dầu trong tay cùng chúng bạn ra đình làng học lớp bình dân học vụ. Được cái sáng dạ, nên chỉ vài tháng sau ông Thoại đã đọc thông viết thạo. Cán bộ huyện về làng gọi ông Thoại lên tham gia vào Ủy ban hành chính xã và được giao phụ trách Nông hội. Ông lại miệt mài đi khắp làng trên xóm dưới vận động mọi người vào tổ đổi công. Mọi người yêu mến ông ở cái tính thật thà, chất phác, lam làm nên ai cũng nghe theo. Thế rồi chi bộ xã đã kết nạp ông vào Đảng. Toàn quốc kháng chiến, xã giao cho ông chỉ huy đội dân công vận tải phục vụ chiến dịch Điên Biên Phủ. Một lần đang trên đường thồ gạo ra mặt trận, ông bị sốt rét phải nằm lại một mình giữa rừng. Ông đốt lửa sưởi cho đỡ rét. Đang đêm cơn sốt ập đến làm ông ngất lịm đi. Ông thò một bàn chân vào bếp lửa mà chẳng hề hay biết gì. Tỉnh dậy thấy nửa bàn chân đã bị cháy xém, khét lẹt mùi mỡ. Từ lần đó chân ông bị cà nhắc, đi lại rất khó khăn. Ủy ban hành chính cho ông nghỉ việc trên xã và cử ông làm Bí thư Chi bộ làng Đình.

Anh Nhỡ lớn lên thì hòa bình lập lại. Anh xung phong vào bộ đội tiễu phỉ trên biên giới. Mấy năm sau, anh được phục viên. Về làng, anh Nhỡ tham gia phụ trách thiếu niên của xã. Anh Nhỡ dạy múa, dạy hát và bày nhiều trò chơi cho bọn trẻ con rất vui, nên đứa nào cũng quý anh. Có lần vào buổi trưa anh dẫn lũ trẻ con lên nương đu đủ của mẹ anh. Một rừng đu đủ ngút ngàn, cây nào cũng lúc lỉu, vàng rực quả chín. Anh trèo lên cây hái xuống một đống quả chín mềm. Thế rồi anh bổ ra đưa cho mỗi đứa một nửa quả. Anh đưa cho mỗi đứa một cái thìa và hướng dẫn bọn trẻ xúc ăn. Mùi thơm và vị ngọt của đu đủ chín làm cho bọn trẻ cứ ngất ngây mãi. Thế rồi có những chiều hè anh đưa lũ trẻ ra bờ suối làng Đình hái dâu da chín. Những chùm dâu da tua tủa từ gốc đến ngọn làm cho bọn trẻ đứa nào cũng thích. Bọn trẻ thi nhau hái những chùm quả quanh gốc cây, anh Nhỡ đu mình trèo lên tận trên ngọn. Anh Nhỡ buộc từng túm quả dòng dây thả xuống. Rồi anh chia cho chúng đem về nhà ăn đến mấy ngày mới hết. Một lần tổ chức văn nghệ tại sân kho làng Đình. Sân khấu được lát bằng những tấm ván trên bờ mương, xung quanh cắm mấy ống nứa đựng dầu hỏa đốt lên để lấy ánh sáng, khói nghi ngút, khét lẹt. Sau những màn múa hát vui nhộn, anh Nhỡ thông báo:

- Mấy hôm nữa anh sẽ đi bộ đội, việc phụ trách đội thiếu nhi anh giao lại chị Thanh. Các em nhớ ngoan ngoãn, nghe lời chị Thanh nhé. Giải phóng miền Nam thì anh sẽ về với các em.

Nghe anh nói vậy, bọn trẻ hết sức bất ngờ. Mấy chị thanh niên và chị Thanh thì nghẹn ngào không nói nên lời. Không khí trầm hẳn xuống. Thấy vậy, anh Nhỡ cười vang rồi nói:

- Kìa, các em làm sao thế? Anh đi bộ đội đánh giặc cơ mà, các em phải vui lên anh mới yên lòng chứ. Anh hứa sẽ về với các em mà. Nào chúng ta tiếp tục hát đi.

Rồi anh bắt nhịp cho chúng hát bài “Hoan hô chú bộ đội”. Nhưng sự hào hứng hầu như không còn, nên hát một cách chuệch choạc, nhiều đứa đã sụt sùi khóc. Tối hôm sau cả làng Đình kéo đến nhà ông Thoại chơi. Anh Nhỡ vui vẻ, tươi cười mời nước, mời thuốc lá mọi người. Các bà, các chị ngồi trên giường thì thầm trò chuyện. Ông Thoại và mấy người đàn ông ngồi quanh cái bàn vừa uống nước, vừa truyền tay nhau cái điếu cày. Thỉnh thoảng tiếng điếu cày lại được rít lên và phả ra làn khói mù mịt. Sau một điếu thuốc lào, một bác lên tiếng:

- Bác Thoại ạ, cậu Nhỡ nó đi bộ đội đánh giặc, việc đó là nên, chúng tôi không dám cản. Nhưng ngẫm lại, tôi thấy cậu Nhỡ mới đi bộ đội về, lần này lại đi tái ngũ, thực sự chúng tôi thấy rất ái ngại. Hơn nữa gia đình nhà bác có mỗi cậu Nhỡ là con trai, cô Thanh lại đang mang bầu như thế liệu…?

Nghe nói vậy, bác Thoại trầm ngâm suy nghĩ, mọi người ùa lên tán đồng: 

- Phải đấy, hay bác lên xã xin cho anh Nhỡ lui lại đợt sau. Mà còn chờ cho cô Thanh “mẹ tròn con vuông” đã chứ.

- Phải đấy! Phải đấy! Ngày mai ta cử người lên xã xin cho anh Nhỡ lui lại.

- Không! Cháu phải đi đợt này đấy! Cháu với Thanh đã thống nhất như thế rồi mà- Anh Nhỡ cắt ngang ý kiến mọi người- Việc đi bộ đội là do cháu tình nguyện chứ có ai ép buộc cháu đâu, cháu lại là Đảng viên trẻ phải gương mẫu chứ. Vả lại các cụ ta chẳng có câu “trai thời loạn” là gì? Huống hồ bà con miền Nam mình đang chết dần, chết mòn với bọn cướp nước. Chúng cháu là thanh niên không đi cứu nước thì còn trông chờ vào ai?

- Thì chúng tôi có ngăn cản anh đâu, ý chúng tôi là muốn anh lui lại một thời gian thôi.

- Không, nếu mà không được đi đợt này là cháu cũng tự nguyện xin ra khỏi Đảng luôn đấy- Anh Nhỡ tỏ ra cáu.

Thấy tình hình bị đôi co, căng thẳng. Lúc này ông Thoại mới lên tiếng với giọng trầm trầm:

- Vâng! Tôi xin cảm ơn bà con. Còn chuyện cháu Nhỡ nhà tôi tình nguyện nhập ngũ đợt này, theo cháu nói thì tôi thấy cũng phải. Thanh niên lại là Đảng viên trẻ, sức dài vai rộng không đi cứu nước lúc này thì chờ đến lúc nào? Với cả trong làng ta nhiều cháu chưa vợ con gì cũng đã đi đó thôi, đằng này thằng Nhỡ nhà tôi còn hai đứa em gái nó nữa cơ mà. Thôi ta cứ tôn trọng cho cháu được toại nguyện.

Nghe ông Thoại nói thế, không khí trùng hẳn xuống. Thấy vậy anh Nhỡ chủ động đứng lên nói:

- Thôi, như vậy việc cháu đi bộ đội không phải bàn tán nữa. Bây giờ là tiết mục văn nghệ. Nào các em thiếu nhi hát phục vụ anh và bà con trước ngày anh lên đường nào.

Nghe anh nói thế, mấy đứa trẻ con rụt rè bước ra đứng thành một hàng ngang giữa nhà cất giọng hát “Hoan hô chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê/ Tàu bay Mỹ đến đây chú bắn cho tan tành/ Nòng súng cao chú quyết giữ lấy trời xanh… ”.

*

Anh Nhỡ hy sinh. Cả làng Đình không ai muốn tin điều đó. Chả thế mà năm giải phóng miền Nam, mỗi lần nghe tin có các anh bộ đội trở về là cả làng, cả xã tưng bừng đi đón, vui như mở hội, nhưng chẳng thấy bóng dáng anh Nhỡ đâu.

Một đêm, sau cơn ho húng hắng, ông Thoại gọi Thanh đến bên nói:

- Con ạ, thằng nhỡ hy sinh đã hơn sáu năm mà con bé Huế cũng đã học lớp hai rồi. Nhìn con cứ ở vậy sao đành. Bố mẹ thấy… anh Khiêm tuy là thương binh nhưng được cái giỏi giang, tốt tính. Hay… bố mẹ ướm lời…

            Nghe bố chồng nói vậy, Thanh giãy nảy lên cắt ngang lời ông Thoại:

            - Không được! Sao bố lại nói vậy, anh Khiêm là trai tân mà.

            - Nhưng bố để ý thấy nói có vẻ quyến luyến với gia đình mình- Bà Thoại đỡ lời chồng.

            - Bố mẹ ơi, con lạy bố mẹ. Anh Khiêm khi xưa là bạn anh Nhỡ, thấy gia đình mình thế này nên anh ấy muốn qua lại giúp đỡ, an ủi. Mà có phải riêng anh Khiêm đâu, các cô các chú thanh niên trong làng đều quý gia đình mình mà- Thanh vừa nói vừa quệt nước mắt- Hay là con ăn ở có điều tiếng gì thì bố mẹ chỉ bảo cho con biết.

            - Không không, con đừng nghĩ vậy. Thấy con lủi thủi một mình đơn chiếc bố mẹ thương lắm. Sau này về già không nơi nương tựa thì khổ đấy con ạ, nên bố mẹ cho phép con mà. Đừng lo cho bố mẹ, vì hai đứa em con lấy chồng ở gần nên chúng vẫn qua lại chăm sóc bố mẹ.

            - Con biết ơn bố mẹ, nhưng con không thể. Về già con còn cháu Huế bầu bạn, bố mẹ cứ yên lòng nhé.

            Ông bà Thoại nhìn nhau cùng thở dài im lặng.

*

            Con bé Huế lũn cũn đi theo ông bà nội nó như cái bóng. Khi nó sinh ra thì bố nó đã hy sinh ở chiến trường. Nên nó không có một chút khái niệm nào về bố, nhìn di ảnh bố trên bàn thờ với ánh mắt thờ ơ, xa lạ. Cũng không thể chê trách gì khi nó còn quá bé để cảm nhận sự mất mát lớn lao mà nó phải chịu đựng. Thế rồi nó đi học. Khi thấy ông bà nội ốm, nó mơ ước sẽ học làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà. Thấy cảnh nhà dột nát, nó ước sẽ học làm kỹ sư xây dựng để xây một ngôi nhà khang trang. Thấy mẹ nó vất vả đồng áng, nó lại mơ ước sẽ là một cô xã viên giỏi. Những niềm mơ ước ấy đã tạo động lực cho nó học hành, thành quả là những tấm giấy khen dán kín góc học tập của nó. Con bé vừa tốt nghiệp phổ thông, cũng là lúc mẹ Thanh phát hiện ra căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Mẹ Thanh đã trút hơi thở cuối cùng trên bắp tay săn tròn của nó. Nó bắt đầu cảm nhận được nỗi đau mất mát. Bà Thoại một lần nữa suy sụp trong nỗi tuyệt vọng. Nước mắt của bà đã trở thành một thứ nước đùng đục, chắt lọc từ tâm can, từ sâu thẳm tận cùng nỗi đau. Thế rồi dòng nước mắt của bà gần như cạn kiệt. Nó chỉ còn rỉ ra chảy theo những nếp nhăn nheo trên khuôn mặt của bà, nhưng cũng đủ để tạo thành những con suối trong mùa cạn. Với ông Thoại, nỗi đau đã biến ông trở thành rắn rỏi hơn. Ông ý thức được mình là chỗ dựa cho vợ và người thân trong gia đình, nên ông không được phép suy sụp. Ông đã khuyên nhủ con Huế đi học chuyên nghiệp. Ngoan ngoãn là thế, nhưng con Huế dứt khoát không chịu đi học. Ông bà Thoại hết lời nặng nhẹ nhưng nó cứ ì ra. Lý lẽ đưa ra ngoài việc chăm sóc ông bà, nó còn có trách nhiệm hương khói cho bố mẹ nó. Ông bà Thoại lay lắt như rừng cây non bị bão tố vùi dập. Nghe con Huế trình bày như vậy đành phải chiều theo ý nó.

            Một hôm chú Dực, con em cô ông Thoại đang làm xã đội phó của xã đến chơi nhà. Dực kéo Huế ra đầu nhà thì thào:

            - Huế này, ngôi nhà cháu dột nát quá rồi, hay cháu quyết tâm làm nhà xây đi.

            Nghe Dực nói, Huế giãy nảy:

            - Nhưng cháu biết lấy đâu ra tiền để mà xây?

            - Thì cháu cố gắng gom góp, chú sẽ chạy thêm phần hỗ trợ của nhà nước cho. Nhà cháu thuộc diện hộ chính sách mà!

            Huế chớp chớp mắt và gật đầu. Dực nói thêm:

            - Nhưng có điều… Cháu đưa cho chú khoảng năm triệu đồng để đi chạy…

            - Năm triệu?- Huế ngạc nhiên hỏi lại.

            - Ừ thì… Mất một ít nhưng được năm mươi triệu thì cháu tính đằng nào hơn, thời kinh tế thị trường có ai làm không công cho ai đâu.

            Nghe Dực tỉ tê, Huế có vẻ hiểu nhưng vẫn băn khoăn:

            - À vâng, để cháu bàn với ông bà đã nhé.

            Từ ngày Dực cầm đi năm triệu, Huế và ông bà Thoại cứ mong ngóng mãi. Nhiều lần Huế hỏi thì Dực cứ ậm ừ nói rằng cấp trên chưa duyệt. Thực tình Dực đem số tiền đó chi tiêu cho cá nhân chứ không phải chạy chọt gì cả. Biết không thể quanh co mãi được, Dực đã đem số tiền đến trả cho ông cụ Thoại. Nhìn Dực quỳ mọp dưới chân mình để xin lỗi, ông cụ Thoại cáu lắm. Nhưng nghĩ Dực là con cháu trong nhà, nên bỏ qua không muốn làm to chuyện. Nhìn vào mặt thằng cháu bất lương, ông cụ Thoại nói gằn từng tiếng:

            - Hừ! Đời người còn dài lắm cháu ạ! Gắng sống làm người tử tế đi.

            Dực ngượng ngùng cúi đầu không dám nhìn ai, anh ta lủi thủi đi nhanh ra ngõ. Thế rồi Dực xin thôi việc trên xã và theo bạn bè đi làm thuê trên thành phố.

            Nhân ngày thương binh- liệt sỹ năm đó, ủy ban xã giao cho cậu Tiến là cán bộ thương binh xã hội xã đến khảo sát và bàn bạc với gia đình cụ Thoại xây dựng nhà tình nghĩa. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục chỉ một thời gian ngắn, Tiến cùng lãnh đạo xã trực tiếp chuyển số tiền nhà nước hỗ trợ làm nhà đến tận tay cụ Thoại. Tiến còn dẫn đến một tốp thợ từ dưới xuôi lên để xây nhà. Thế là ngôi nhà xây cấp bốn khang trang đã mọc lên trên cái nền nhà cũ. Ông Thoại vuốt râu nhìn ngôi nhà cười hề hề làm bà Thoại vui lây. Một niềm vui nữa đến với ông bà Thoại. Ấy là trong cánh thợ có cậu Nam chưa vợ đem lòng yêu thương Huế. Nam lực lưỡng, khỏe mạnh nhưng ngặt nỗi lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Sau nhiều hôm suy nghĩ, liên tưởng đến hoàn cảnh mình ngày trước, ông bà Thoại nhất trí cho Huế và Nam tiến hành đám cưới… 

*

            Nhìn lên khung tờ quyết định truy tặng huy hiệu Đảng của ông cụ Thoại được bày ngay ngắn bên cạnh di ảnh hai cha con trên bàn thờ. Bà cụ Thoại gật đầu hài lòng. Bà cụ nói với mấy cụ già trong làng Đình đến chơi chúc Tết:

            - Được Đảng và nhà nước quan tâm thế này, ông nhà tôi nơi chín suối cũng mát lòng mát dạ các cụ ạ.

            Thấy bà cụ Thoại vui, các cụ trong làng ai cũng vui lây. Ngoài sân hai đứa con của Huế đang đùa nhau với đám bạn của chúng. Trước ngõ, một làn gió nhẹ đang mơn trớn những cánh hoa đào bừng nở trong tiết trời xuân ấm áp.

                                                                                                           

                                                                                                                        P. L. Đ   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác:

41-45 of 333<  ...  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter