Mùa thu về với quê hương

Ký của Vũ Quang Trung 

Thấp thỏm hẹn nhau suốt từ những ngày đầu xuân, đến hôm nay ông mới vui vẻ:

- Đi vào dịp này có ý nghĩa hơn chú ạ! Sáng mai nhé. Mùa thu ta trở lại chiến khu mới hay.

Sáng hôm sau, bộ ba chúng tôi với hai xe máy, đủ tư trang, lên đường. Chỉ huy là ông Đinh Đình Phiệt- nguyên cán bộ Ban Dân vận tỉnh, người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Cường, huyện Trấn Yên, cùng với ông Nguyễn Đức Mưu- nguyên Trưởng phòng Giáo dục Trấn Yên, cũng tròn tám chục tuổi và tôi là ký giả muốn biết nhiều hơn về mảnh đất vùng sâu, vùng xa của một xã vùng cao, của một huyện nông thôn mới.

Xe lăn bánh được một đoạn thì ông Phiệt quay lại nói to:

- Lên đến đỉnh đèo Khe Đó mới nghỉ ăn sáng đấy.

Chúng tôi lần lượt vượt qua cầu Văn Phú rồi thênh thang trên đại lộ, tiến thẳng về phía đường cao tốc, chui qua cầu lại đi tiếp, chợt bâng khuâng, lưu luyến nhìn lên đồi cây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng nhân Tết trồng cây xuân 2019, và trong tôi lại vẳng lên lời Tổng Bí thư: “Chưa bao giờ Yên Bái có cơ đồ tốt đẹp như hôm nay”. Xe tiếp tục bon bon vượt qua khu du lịch Đầm Sen và đi chừng hai cây số nữa thì chầm chậm rẽ vào đất Việt Cường.

Con đường nhựa đủ cho hai ô tô tránh nhau chạy quanh co bên chân những đồi cây xanh biếc, những tràn lúa, ngô mơn mởn sau những trận mưa đầu thu rồi chúng tôi chạm chân đèo Khe Đó. Tất cả về số, xe từ từ bò lên dốc quanh co, vòng phải, vòng trái, lại vòng phải, cứ thế trong tiếng máy gằn. Nhiều lúc cứ tưởng hết “cua” này là hết dốc, song nhô ra, dốc mới đã đập sát tầm mắt. Ông Phiệt quay lại đùa:

- Có đi được không?

- Anh yên tâm- Tôi cười vui- chưa bằng Chế Tạo, Chế Cu Nha đâu.

Rồi chúng tôi cũng lên tới đỉnh đèo. Hạ đồ, ăn uống thật thơ mộng giữa rừng xanh, núi đá, phảng phất sương thu. Vừa ăn vừa ngắm cảnh, ông Phiệt chỉ tay về phía xa xa:

 Các anh có nhìn thấy những cột ăng ten cao vút kia không? Rồi những ngôi nhà cao tầng đỏ xanh vàng trắng kia nữa, cả những mái nhà ngói đỏ nhè nhẹ tỏa lên những làn khói xanh mờ, tràn vào những đồi bạt ngàn quế. Quê tôi đấy. Nơi khó khăn nhất của vùng 3 Việt Cường mà chỉ trong vòng dăm bảy năm thực hiện xây dựng nông thôn mới đã thay da đổi thịt, vươn lên như chàng Phù Đổng thuở nào.

Cả ba lại lên xe, vòng vèo, vi vu lượn xuống dốc, rồi qua một khu đông dân với nhiều ngôi nhà đẹp và đủ loại hàng hóa dịch vụ. Tôi vẫy dừng lại chia sẻ:

- Các anh ạ! Viết về nông thôn mới nhiều lắm rồi, cứ như một công thức: Khó khăn- Xây dựng- Thành công. Hôm nay em sẽ viết riêng về thôn Đồng Phú thôi. Mảnh đất khó khăn nhất của một xã vùng cao, cùng với xã, với huyện đi lên nông thôn mới.

Nhà sưu tầm Nguyễn Đức Mưu ủng hộ luôn:

- Đúng đấy! Đi lên nông thôn mới của một thôn vùng ba chót vót. Hay! Mà lại là vùng ngoại vi chiến khu cách mạng với bao chiến công thầm lặng cho đến hôm nay.

Ông Phiệt nhiệt tình:

- Thế thì thế này! Ta gửi xe vào nhà cháu tôi rồi cùng đi bộ. Tôi sẽ là “hướng dẫn viên” cho các anh. Được chứ!

Cả ba gửi xe xong, đầy hào hứng bước chân trên mảnh đất ngoại vi chiến khu cách mạng, mà ông Đinh Đình Phiệt là nhân chứng lịch sử. Vừa đi ông vừa kể:

- Ngày xưa vào Đồng Phú đâu có đường, muốn vào chỉ có duy nhất là lội ngược suối, luồn khe, vượt dốc Hồng, men theo vách đá mà vào. Mãi đến năm 1919, khi xuất hiện hơn chục hộ người Tày vào khai thiên lập địa thì mới có tên Đồng Phú trên bản đồ Việt Nam, thuộc Tổng Lương Ca. Đến đầu năm 1950 của thế kỷ trước, người Dao kéo về đây định canh định cư làm cho Đồng Phú thêm dấu chân người, kéo theo hơn chục hộ người Kinh để ba dân tộc quây quần bên nhau sinh sống.

Đi qua khu trung tâm Đồng Phú, ông Phiệt giọng trầm lắng, ngậm ngùi:

- Khu dân cư chúng ta vừa đi qua chính là nơi thực dân Pháp cho là hậu cứ của chiến khu Vần, đã bốn lần chúng thực hiện chính sách “Giết sạch- Đốt sạch- Phá sạch” cả làng Đồng Phú. Được du kích báo trước nên nhiều người đã chạy thoát lên rừng; chín người bị giết, hai chục người bị bắt. Có một căn hầm thày mo Vãi Sảo đang trốn thì bị chúng phát hiện. Thằng quan Tây hí hửng tưởng cán bộ Việt Minh, xông đến tận cửa hầm quát tháo bọn lính bắt sống. Thày mo Vãi Sảo lao từ trong hầm ra, vung dao quắm chém thẳng vào mặt thằng Tây. Nó tránh và lưỡi dao chém trúng vai. Bọn lính hốt hoảng nổ súng đuổi theo. Vãi Sảo hi sinh tay còn nắm chắc con dao. Cả Đồng Phú bị đốt sạch không còn một cái nhà. Trâu, bò, dê, lợn… bị bắn chết hết. Đồng lúa bị đốt, phá tan hoang.

Đi thêm đoạn nữa, ông Phiệt chỉ tay vào một tràn ruộng, trên bờ có một bể xây gọn, đẹp, phía trước có hàng chữ lớn “Bể dựng hộp, vỏ thuốc trừ sâu đã sử dụng”.

- Tràn ruộng này chứng kiến hai thanh niên Đồng Phú là Đỗ Văn Hợp và Đỗ Kim Quy, đang làm đồng thì có mấy ông Việt Minh đi qua hỏi “Đi chiến khu làm du kích đánh Tây không?”. Cả hai bỏ mai, bỏ lúa đấy bảo cụ Cấp: “Về nói với bố mẹ là bọn cháu đi đánh giặc rồi”. Chín năm kháng chiến trường kỳ, hòa bình lập lại chỉ có một anh trở về làng, còn một đã dũng cảm hi sinh ở chiến trường Tây Bắc.

Ông Đức Mưu bấm máy liên tiếp, miệng còn nói:

- Tý nữa quay lại ghi tiếp. Một địa danh đầy chất tư liệu quý. Từng tấc đất đều thấm máu những người yêu nước Đồng Phú.

Ông Phiệt cười vui:

- Còn nhiều anh ạ! Còn kia, trên vạt gò quế xanh tốt kia, xưa là gò vầu nhà ông Đỗ Văn Phát. Chính tay tôi và nhiều thanh niên đã thiết kế một khu để Đội cải cách tổ chức cho nông dân đấu địa chủ, cường hào. Người nghèo được chia ruộng cấy, trâu cày. Người nông dân biết ơn Đảng, Chính phủ lắm.

Ông dừng lại, chỉ tay về phía xa xa:

- Kia là nhà bí thư thôn. Ta vào đó đã.

Chúng tôi đi dọc một đoạn đường đúng nghĩa là “Đoạn đường hoa do phụ nữ chăm sóc”. Hai hàng cây hoa hai bên đường đầy đặn, đều tăm tắp nở rộ hoa đỏ, hoa tím, hoa vàng. Chưa đến nhà, Bí thư Đỗ Quang Đạt đã tươi cười đi nhanh ra đón.

Ngôi nhà của bí thư thôn hơi là lạ bởi sự phối kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại. Căn nhà gỗ 5 gian xưa kia được bảo dưỡng về chất lượng và nâng cấp xung quanh tựa nhà Thái 8 mái, nhiều phòng, nhiều cửa, rực rỡ, sáng sủa như một biệt thự mi ni, thật đẹp, gần gũi, thân thiện. Anh còn bảo làng cháu có ý định sẽ giữ lại toàn bộ nhà gỗ, mái lá để sau này sẽ là phố cổ vùng cao, khách thoải mái tham quan.

Khách chủ líu ríu, nghĩa tình quanh ấm trà thơm, rồi biết ý tưởng của chúng tôi, anh cười khiêm tốn:

- Đồng Phú chúng cháu cũng như một cây quế trong rừng quế để góp thành những rừng quế bạt ngàn thôi, cũng như các thôn, bản khác cùng xã góp sức xây dựng quê hương nông thôn mới. À! Mà thế này, để cháu gọi mấy anh chị nữa sang đây cho thêm phong phú nhé.

Anh rút điện thoại sử dụng luôn. Tôi chăm chú nhìn anh, người sĩ quan thiết giáp năm xưa nay vẫn toát lên trên gương mặt, ánh mắt đầy chất thép của người lính cụ Hồ.

Gọi xong, đặt chiếc máy lên bàn, anh như người có lỗi:

- Tiếc quá! Anh Đỗ Ngọc Hồ, Trưởng thôn lại có việc lên huyện cùng Chi hội Trưởng Cựu chiến binh Đỗ Kim Khỏa và Thôn đội Trưởng Nguyễn Quốc Huy. Còn lại các anh các chị sẽ tới bây giờ các bác ạ.

Anh với tay rót thêm nước vào các ly nhỏ rồi nhìn chúng tôi:

- Các bác uống nước đi! Cháu tranh thủ thế này nhé! Cả thôn với hơn hai ngàn hai trăm mét vuông, là nơi sinh sống của ba dân tộc anh em: Tày, Dao, Kinh, cuộc sống trông cậy vào nông, lâm nghiệp. Cả rừng phòng hộ và rừng bảo vệ sấp sỉ 250 ha, ruộng trằm nên năng suất quá thấp. Hạ tầng cơ sở thì thật sự khó khăn, nhỏ bé. Đường liên thôn xe máy không đi được. Điện sáng chưa vươn tới cùng với trường học đơn sơ, thiếu thốn. Chăn nuôi chưa phát triển mà còn pha chất hoang dã, thả rông trên rừng xanh. Vùng cao là thế đấy các bác ạ.

Nói tới đây anh cười thật tự nhiên pha chút bẽn lẽn. Ông Đức Mưu lại hứng khởi:

- Hay lắm anh Đạt ạ! Đó chính là tư liệu sống đáng quý. Anh tiếp đi.

- Từ năm 2011- Anh tiếp- Xã nhận kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Nói thật với các bác, sau nhiều lần thôn lên xã, xã xuống thôn thực địa rồi họp bàn, lên kế hoạch cứ như là sắp vào trận đánh lớn ấy, có lúc cháu không dám tin vào thành công kia. Các thôn khác ít nhiều còn có của ăn của để, có những thuận lợi nhất định, với Đồng Phú chót vót ở vùng ba thuận lợi ít lắm, diện đói nghèo chiếm hơn 50% rồi, làm sao một vài năm kéo hết lên được. Cũng may, cơ sở hạ tầng đã có “anh 135” hỗ trợ. Ba đợt họp toàn thôn cật lực, các già làng, trưởng bản tham gia, hiến kế, bảo ban, kêu gọi con cháu. Già làng Hoàng Đình Lập nói như người cha, người ông:

- Các cháu ạ! Xã ta, thôn ta đều là người dân tộc, trước kia sống du canh, du cư đói khổ lắm. Chúng ta nghe Đảng, nghe Chính phủ nên mới có cuộc sống như hôm nay. Bát cơm chưa ngon vì thiếu thịt, thiếu canh. Cái bụng chưa no vì thiếu tiền, thiếu gạo. Cái áo chưa đẹp, cái miệng chưa cười bởi thiếu chữ, thiếu khôn. Bây giờ Đảng bảo làm nông thôn mới đi sẽ có tất cả. Thế thì còn do dự gì nữa. Ngày kháng chiến các già làng đánh thằng Pháp, ông Việt Minh bảo lưỡi gươm, mã tấu ngắn quá thì hãy tiến lên một bước sẽ đâm trúng kẻ thù. Đúng quá rồi. Bây giờ Đảng bảo làm đi sẽ ấm no, sung sướng, các con, các cháu hãy làm đi…

Già làng Đỗ Văn Tài cũng chậm rãi từng câu:

- Ông nghĩ thêm thế này! Có ăn, có mặc rồi thì phải có cái nhà đẹp mà ở, phải có cái đài, cái ti vi, có cái xe máy, tức là phải có đường giao thông chứ. Bà con hãy làm theo kế hoạch của xã, của thôn đi, đường mở đến đâu ta hiến đất đến đấy, dù cái nhà có phải chuyển, dù có phải phá cái chuồng lợn, chuồng trâu, có phải lấp cái ruộng, cái ao, dù có phải chặt cả rừng quế non, chặt cây mít, cây cau ta cũng làm để có cái đường đẹp mà đi, cho ô tô chuyển hàng hóa xuôi ngược, ta mới có nhà xây, xe máy, điện thắp sáng và bật ti vi mà xem chứ. Già nói thế có đúng không?

Bí thư Đỗ Quang Đạt dừng lại, nét mặt đầy xúc động như vừa hồi tưởng lại những ngày tháng sôi động của Đồng Phú. Giọng anh nhỏ hơn:

- Nghe già làng nói và bà con hết lòng ủng hộ mà con càng thấm thía lời dạy của Bác: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Các bác ạ. Đây chính là minh chứng cho chân lý “Ý Đảng- Lòng Dân” trong sự nghiệp cách mạng phải không các bác. Sau những ngày đó, cả Đồng Phú thực sự là một công trường xây dựng. Đoạn thì sử dụng nhân lực tại chỗ, đoạn thì lực lượng lao động của công nhân và đoạn thì các đơn vị bộ đội thi công, tiến độ nhanh lắm. Dân thì ủng hộ lúa, gạo, ủng hộ thực phẩm, rau củ quả, gia cầm, thủy cầm. Nhà thì cân chè khô, thùng nước ngọt; nhà thì thúng sắn luộc, rổ khoai lang nóng hôi hổi cùng những ấm trà xanh chẳng khác gì “Hàng em ra tận chiến hào”. Vui lắm và thật ấm tình quân dân một lòng xây dựng nông thôn mới. Và một kỷ niệm đã đi vào lịch sử khi bộ đội làm xong chiếc cầu xi măng khó khăn nhất, đã quyết định đề nghị với xã cho đặt tên là “Cầu ông Cấp”. Một già làng là cán bộ tiền khởi nghĩa.

Ngoài sân chợt có tiếng xe máy và hai chiếc xe đắt tiền từ từ đỗ lại trước nhà. Bí thư Đạt vui vẻ giới thiệu chủ khách.

Chị Hà Thị Phương, Chi hội Trưởng Phụ nữ cùng anh Đào Thế Hải, Bí thư Đoàn. Cả hai thật trẻ trung, nhanh nhẹn, thông minh, cởi mở. Cũng môi son, tóc đỏ, tóc vàng.

Bí thư Đạt như tháo được nút thắt:

- Đến phần của các cậu đấy. Văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của thôn mình. Tóm tắt đi.

Với nét mặt tươi trẻ, chị Phương nhanh nhảu:

- Phụ nữ chúng em chỉ biết cơm áo gạo tiền thôi. Mà cái thời khó khăn đã qua rồi. Còn hôm nay các bác cứ nhìn cảnh quan thế nào thì nó thế đấy ạ.

Ông Mưu vui vẻ:

- Vâng! Chỉ có đẹp, thơ mộng, khoa học, gần gũi và hiện đại thôi. Được chưa? Đây nhé, “Đường hoa phụ nữ tự quản” thì trên cả tuyệt vời. Đường liên thôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn giao thông. Cây trồng hai bên đường thẳng tắp, không bị bẻ ngọn, bẻ cành. Khu có ruộng và cây trồng cứ cách vài trăm mét lại có một thùng rác ghi rõ “Thùng đựng vỏ, hộp, túi thuốc trừ sâu đã sử dụng”. Tuyệt vời lắm.

Chị nhìn ông Mưu cười thật tự nhiên:

- Phụ nữ chúng cháu làm thì hết lòng nhưng chơi cũng hết mình đấy ạ! Đội văn nghệ luôn đứng đầu xã, bóng chuyền hơi có 3 đội nữ, 2 đội nam và 3 đội bóng chuyền da mạnh nhất nhì huyện. Chúng cháu thi đấu giao hữu, giao lưu khắp nơi, cả Văn Yên, Lục Yên rồi mời cả tỉnh Hòa Bình lên thi đấu. Vui lắm. À mà thôi! Bí thư Đoàn tiếp đi.

Bí thư Đoàn Đào Thế Hải như được bật nút:

- Chuyện của thanh niên bọn cháu thì nhiều lắm. Làm ra làm, chơi ra chơi. Ngoài thể thao, văn nghệ, ca, múa, nhạc, kịch chúng cháu còn có một đội sư tử phục vụ tết Trung thu và các ngày lễ, tết. Chủ nhiệm là anh Nguyễn Tất Thành, đa năng lắm. Đồng Phú có mạng lưới truyền thanh do Đoàn thanh niên phụ trách, ngày phát hai buổi. Chủ nhật thường có “Câu chuyện truyền thanh” do đội kịch thể hiện rất có hiệu quả. Đặc biệt cái hôm nhận được tin Đồng Phú về đích nông thôn mới sớm nhất xã; xã lại về đích tốp đầu của huyện, chúng cháu tổ chức một chương trình văn nghệ chào mừng rất đỉnh các bác ạ. Đỉnh lắm.

Rồi Hải quay lại Bí thư Đạt kết thúc bất ngờ:

- Dạ! Báo cáo hết ạ.

Tiếng cười vui lại rộn lên đầy chất thanh niên. Bí thư Đạt nhìn khắp một lượt rồi như kết luận:

- Chuyện tóm tắt là vậy các bác ạ! Đồng Phú đạt chuẩn nông thôn mới cùng với xã Việt Cường vào đầu năm 2018. Hạ tầng cơ sở về đích đầu tiên trong toàn huyện, tạo điều kiện sớm thay đổi toàn bộ cuộc sống vật chất, tinh thần, văn hóa, khoa học cho bà con nông dân. Đúng! Có nhân dân làm gốc thì có tất cả, hơn 40% hộ dân hiến đất cho nhà nước. Hộ nghèo chỉ còn 6,8%, hộ giàu chiếm gần 22%. Một bước nhảy vọt diệu kỳ đấy ạ. Vườn rừng phát triển làm giàu đúng hướng, có hơn 200 ha quế chất lượng cao, có hộ tới gần 80 ha và xuất hiện nhiều đại gia trẻ tuổi. 100% các gia đình có xe máy, có nhà vài chiếc, xe vận tải hơn chục chiếc, tắc xi 4 chiếc, dịch vụ phát triển đa dạng, có cửa hàng chẳng kém một siêu thị thành phố. Nhà cao tầng mọc lên liên tiếp, hiện đại, mang bóng dáng của biệt thự mi ni. Đồng Phú đã làm tốt chương trình “Ăn sạch- Ở sạch- Uống sạch- Thở sạch”. Nguồn nước dân sinh ở đây có lẽ không đâu có. Thôn tổ chức mỗi hộ góp 10 triệu để xây dựng một bể chứa, lấy nguồn nước từ lưng chừng núi đá, độ cao so với địa bàn dân sinh là hơn 20m, có mạch nước trong veo phun lên vô tận. Bể nước trên độ cao vách núi chứa hơn 100 khối, chuyển qua lần bể lọc thứ hai và theo đường ống tỏa về với dân bản, sạch vô cùng. Bữa ăn hàng ngày yên tâm, ngon miệng và sức khỏe của bà con Đồng Phú được nâng cao rõ rệt, bệnh tật, đau yếu từng bước bị đẩy lùi- Chợt anh liếc nhìn đồng hồ- Thôi nhỉ?! Đồng Phú chúng cháu quan niệm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc. Chúng cháu tiếp tục củng cố, phát triển để Đồng Phú sẽ là nông thôn mới kiểu mẫu. Bây giờ cũng gần 12 giờ rồi, mời các bác và tất cả cùng sang nhà anh chị Đinh Văn Thêm và Phạm Thị Nhài, ngay cạnh đây thôi, bố mẹ của hai đại gia trẻ tuổi của thôn cùng dùng cơm trưa, bữa cơm của người nông thôn mới Đồng Phú chúng cháu. Nào! Kính mời mọi người.

Thấy từ chối lúc này hoàn toàn chẳng có lý do, tất cả cùng vui vẻ theo anh. Vợ chồng anh chị Thêm- Nhài cùng gia đình con cháu đã sắp đủ bốn mâm thịnh soạn. Tôi giật mình nhìn thấy từ bàn, ghế, mâm bát đều lịch thiệp, bắt mắt quá, lại đủ các món ăn.

Ông Mưu chớp nhanh một kiểu ảnh rồi mới cầm ly rượu thơm:

- Tôi xin được ghi nhận vào bộ sưu tầm bữa cơm bình thường của người nông dân nông thôn mới vùng cao Đồng Phú. Nào! Ta cùng ghi nhận và chúc mừng nào!

Tiếng đặt ly lách cách xuống bàn ăn và tiếng vỗ tay cùng tiếng cười vui kéo dài như làn gió mát thổi từ những rừng quế bạt ngàn xanh….

 

V.Q.T

 

Các tin khác:

1-5 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter