Người vinh dự được sáu lần gặp Bác Hồ

Ký của Hoàng Tương Lai

 Đến thăm ông ở tổ 4 thị trấn Yên Thế (Lục Yên) vào một sáng đầu thu giữa tiết trời dịu mát. Ông nở nụ cười mãn nguyện trò chuyện cùng khách quen. Quá quen là đằng khác, anh em họ kết nghĩa từ thuở hàn vi của bậc cha ông. Ông sinh ra và lớn lên ở xã Phan Thanh, dân tộc Nùng, nhưng nói tiếng Tày và hiểu về văn hóa Tày hơn bất cứ ai là người bản xứ. Nhớ năm 2007, được cùng ông tham dự Liên hoan hát then đàn tính toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Cao Bằng. Tiết mục của ông vừa đàn tính vừa hát, ngón chân xóc nhạc. Bài then "Hắt cần sjao mâứ” (Làm người con gái mới) tự đặt lời của ông nếu có loại giải trên giải Nhất chắc Ban Giám khảo sẽ giành cho ông vì quá xuất sắc. Trước lúc lên đường, vợ ông dặn tôi: Cháu nhắc ông giữ gìn sức khỏe. Bữa tối ấy, ngồi chén chú chén anh với nghệ sĩ người Thái Vương Khon ở Tây Bắc, thấy có vẻ bung biêng, tôi vỗ vai ông nói nhỏ: Bà trẻ có điện muốn gặp ông một lát. Ông xin phép đứng dậy ra về. Lên cầu thang nhà nghỉ, ông khen: Cháu khá quá, uống nữa ông say mất. Gần hai chục năm gắn bó với Đoàn văn công quân khu Tây Bắc, nay gặp lại sao không vui. Ông còn cùng đoàn nghệ nhân Yên Bái tham gia mấy kỳ liên hoan dân ca toàn quốc nữa mà toàn giải vàng giải bạc đem về niềm vinh dự cho tỉnh nhà.    

Hôm nay đến với ông, thấy ông vẫn bộ quần áo chàm đen truyền thống của Tày- Nùng, dáng đi có vẻ không còn nhanh nhẹn nhưng nụ cười vẫn rất tươi cùng hàm răng quen ăn trầu đều tăm tắp. Ái dà, tám mươi tám tuổi rồi và vẫn minh mẫn. Nói đến nghệ nhân ưu tú Hoàng Nừng thì cả huyện Lục Yên này, cả những nghệ nhân, rồi những người làm công tác văn hóa ở tỉnh Yên Bái ai mà chả biết. Mọi người biết ông, quý ông vì ông đàn giỏi hát hay nhất là những bài Khắp Tày, những lúc đội mũ áo diễn sướng bụt Nùng như có thánh đang nhập vào. Ông kéo Vi- ô- lông đã hay (vì ba năm học trung cấp âm nhạc ông học chuyên về món ấy), ông thổi khèn bè mới mê hoặc làm sao, đến khi đánh đàn tính hát then càng hay nữa khiến người nghe chỉ ước thành con vía đậu vào nơi cằm ông để đêm ngày được nghe ông hát và tập hát theo ông. Mọi người mến ông, quý ông vì ông dày công truyền cho con cháu họ biết về âm nhạc, biết hát các làn điệu của dân tộc mình và biết nâng niu trân trọng giữ gìn nó như một báu vật. Cái nôi quê hương đã nuôi ông lớn dậy bằng những lời Khắp, lời Cọi của mẹ, của dì của các bậc cao niên. Trời phú cho ông cái giọng, mỗi khi ới Khắp là người nghe muốn lịm đi, rã rời hết chân tay, chả thế người vợ của ông bây giờ ít hơn ông những 19 tuổi cũng vì nghe giọng Khắp của ông mà nên duyên, hết lòng chăm sóc ông. Thời niên thiếu lên nương ra ruộng ông cắt mẩu gốc rạ làm kèn thổi cho vui, thế rồi phường kèn chuyên khóc than đám hiếu trong vùng đã tuyển ông đi theo thổi kèn ca khóc than các đám hiếu. Ông thổi khèn pí pặp pí lò của người Thái đến thành thạo cũng từ cái gốc đó. Năm 1952, ông vào bộ đội, đơn vị phát hiện tài năng của ông, cho ông theo học âm nhạc rồi công tác tại Đoàn văn công quân khu Tây Bắc tiền thân của quân khu 2. Đến năm 1969 ông chuyển về công tác tại Đoàn ca múa Yên Bái. Năm 1978 ông về công tác tại Phòng Văn hóa huyện Lục Yên rồi nghỉ hưu. Ở ông còn là pho sách quý về những câu hát giao duyên để kết bạn tình bằng lời hát Khắp. Có thể nói hát Khắp- Yếu là "Đặc sản" văn hóa của dân tộc Tày ở Lục Yên, giữ gìn và phát triển được là có công rất lớn của nghệ nhân Hoàng Nừng cùng các cấp ở huyện Lục Yên. Để làm tròn đạo dâu con trong gia đình, vẹn tình vẹn nghĩa, đảm đang không thể quên câu ông vẫn lên giọng Khắp khi cô nàng nào lơ đãng việc gia đình "... Dậy dậy thôi giã bột nuôi chim/ Dậy dậy thôi sàng bột nuôi én/ Dậy dậy thôi quét dọn cửa nhà/ Lợn khua máng đòi ăn/ Trâu ở chuồng đi thả/ Ngựa trong tàu lùa ra/ Mặt trời mọc đằng Đông sáng lóa...". Chính tâm hồn yêu âm nhạc, yêu văn nghệ truyền thống dân tộc đã đưa ông vinh dự có những lần được gặp Bác Hồ.

Được hỏi về những kỷ niệm đáng trân trọng nhất của thời gian công tác của mình. Mắt ông bỗng sáng long lanh, giọng nói như được tiếp thêm sức mạnh vô hình nào đó. Ông kể: Đó là những lần được gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Ông lần giở những trang nhật ký viết vội của một thời trai trẻ, oanh liệt, gian khổ đáng nhớ trong quãng đời công tác của mình. Có những trang viết vội bằng mực tím còn khá rõ, còn những trang viết bằng bút chì ở một thời khốn khó của mấy chục năm trước lần mãi mới ra.

"... Tháng 7 năm 1958, mình được chọn trong Đoàn văn công quân khu về Hà Nội cùng Đoàn văn công Tổng cục chính trị phục vụ Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 2. Đêm ấy thật náo nhiệt, lần đầu mình được nhìn thấy Bác Hồ cùng các vị lãnh tụ của Việt Nam. Bác ngồi ở hàng ghế đầu, còn mình kéo Vi- ô- lông ngay gần Bác. Được nhìn thấy những chiến sĩ anh hùng từ miền Nam ra cùng hội tụ ở thủ đô Hà Nội. Ôi sung sướng hết chỗ nói, đó là niềm ao ước bấy lâu..."

"... Hè năm 1959, Đoàn văn công quân khu Tây Bắc được mời về Hà Nội cùng Đoàn văn công của Tổng cục chính trị có buổi biểu diễn phục vụ đoàn khách quốc tế. Tối hôm ấy có Tổng thống In đonesia là Soekarno ngồi cạnh Bác Hồ ngay hàng ghế đầu. Thời tiết nóng nực, có người cầm quạt quạt cho Bác cùng các vị khách nước bạn. Bác bảo: Không phải quạt đâu các cháu ạ! Ông ấy ở gần xích đạo nên chịu nóng tốt lắm...".   

"... Năm 1959, Đoàn văn công ở nhờ nhà dân ở bản Bó Thuận, Sơn La, khi tập múa hay dàn dựng các vở diễn phải ra gốc đa, nhiều hôm nghỉ tập đi giúp dân gặt lúa, thu ngô, đào mương dẫn nước về ruộng. Chiều ngày 14 tháng 7 năm 1959, cả đoàn ăn cơm sớm rồi hóa trang ra 3 ô tô để đón đoàn đi biểu diễn ở hội trường khu ủy cách 5 cây số. Hôm đó khán giả rất đông. Bỗng có tiếng hô vang nghe rất rõ: Hồ Chủ Tịch muôn năm! Hồ Chủ Tịch Muôn năm! Sau mới được biết Bác Hồ từ Hà Nội lên làm việc với khu ủy và dự buổi biểu diễn hôm nay. Ai cũng hồi hộp, sung sướng. Bác mặc bộ quần áo lụa màu đen, râu tóc trắng như mây. Ngồi bên cạnh Bác có Chủ tịch khu tự trị Thái- Mèo Đại tá Vũ Lập, Thiếu tướng Chính ủy quân khu Chu Huy Mân cùng nhiều vị nữa. Hôm đó, mình vẫn kéo Vi- ô- lông cùng dàn nhạc được vinh dự ngồi ngay trước mặt Bác Hồ, số diễn viên khác chưa biểu diễn thì rẽ phông ra nhìn Bác. Khi tốp nữ hát bài "Con trâu sắt" của nhạc sĩ Trần Chương. Tiết mục kết thúc, Bác Hồ đứng dậy hỏi các diễn viên: Thế các cháu yêu bộ đội hay yêu máy cày hơn? Cả tốp nữ đứng nghiêm trả lời: Dạ thưa Bác: Chúng cháu yêu cả hai ạ! Bác Hồ vỗ tay, cả người xem náo nhiệt vỗ tay rồi tiếng hô vang lên đồng loạt: Hồ Chủ Tịch muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm! Mình đã cùng anh Mộc trong đoàn lấy bút ghi vào chiếc ghế Bác Hồ lúc nãy vừa ngồi: Chiếc ghế này Bác Hồ đã ngồi xem Đoàn văn công quân khu Tây Bắc biểu diễn ngày mồng 7 tháng 5 năm 1959...".

"... Lần tiếp theo vào năm 1960 là lần mình được điều động về Đoàn văn công tổng cục chính trị một thời gian rồi trở lại Đoàn văn công quân khu Tây Bắc. Chiều tối đoàn văn công quân khu Tây Bắc đang trọ ở trường Chu Văn An thì trực ban yêu cầu hóa trang khẩn trương để đi biểu diễn phục vụ khách Trung ương. Đoàn qua gần Hồ Tây rồi rẽ vào thẳng Phủ Chủ tịch. Lần này người dẫn chương trình giới thiệu trong buổi diễn hôm nay có Bác Hồ cùng các vị lãnh tụ như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười cùng nhiều vị nguyên thủ khác. Biểu diễn xong Bác Hồ lên tận sân khấu yêu cầu đoàn đứng thành hai hàng nghe Bác nói chuyện. Bác nói: Đêm nay được xem các cháu biểu diễn rất hay có nhiều tiết mục dân tộc vùng cao Tây Bắc rất đặc sắc. Đoàn sống ở vùng có nhiều dân tộc anh em nên cần có nhiều tiết mục về dân tộc nhiều hơn nữa, hay hơn nữa. Rồi Bác nói trong đoàn ai là người dân tộc thiểu số thì bước sang bên phải. Cả đoàn có gần 80 người hôm đó chỉ có 5 anh em là người dân tộc thiểu số đứng ra một bên theo yêu cầu của Bác. Bác Hồ bắt tay từng người một rồi hỏi từng diễn viên người dân tộc. Bác Hồ chỉ nữ diễn viên đứng ở cuối hàng:

- Cháu tên gì?

- Dạ cháu là Lèo Thị Xìn, dân tộc Thái, cháu là diễn viên múa ạ!

Mình hồi hộp quá, khi Bác bắt tay rồi hỏi đến lượt mình:

- Cháu tên gì ?

- Dạ, thưa Bác cháu là Hoàng Nừng, dân tộc Nùng An ở tỉnh Yên Bái ạ! 

- Thế cháu làm gì ở trong đoàn?

-  Dạ thưa Bác, cháu là nhạc công Vi- ô- lông ạ!

Bác nói: Vi- ô- lông là nhạc cụ phổ biến ở phương Tây, Việt Nam ta ít dùng, mong cháu phát huy nữa cùng các loại nhạc cụ dân tộc khác!

Bác hỏi tiếp diễn viên đứng cạnh mình:

- Dạ thưa bác cháu là Phùng Sào Dín, dân tộc Mường ạ!

Bác bắt tay ân cần hỏi lần lượt cả năm anh em người dân tộc.

Đêm ấy tại Phủ Chủ tịch cả đoàn được ăn bữa miến gà cùng bia, kẹo thật ngon..."

"... Tháng 5 năm 1962, mình được chọn trong Đoàn văn công quân khu Tây Bắc cùng Đoàn văn công quân khu Việt Bắc về Hà Nội biểu diễn mừng Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3. Mình vẫn kéo Vi- ô- lông và lại được ngồi ngay gần Bác. Nhiều lần mình cùng đoàn được nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp Bác Hồ cùng đoàn, ảnh đen trắng gửi cho mỗi người trong đoàn một ảnh làm kỷ niệm...."

"... Năm 1967, Đoàn văn công quân khu Tây Bắc sơ tán ở Bản Bó, Sơn La. Đêm thì ngủ nhờ nhà dân, ngày thì vào rừng vầu mà luyện tập múa hát. Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đánh phá ra miền Bắc rất ác liệt. Không được phơi đồ trắng ra nắng, nấu ăn bằng bếp hoàng cầm không cho khói bay lên để tránh máy bay Mỹ. Một buổi sáng, Đại tá Vũ Hồng Vinh- Phó Chính ủy quân khu vào rừng thăm anh em trong đoàn và thông báo: Bác Hồ sang năm nay sức khỏe hơi yếu. Ai ai cũng se sắt nỗi lo về sức khỏe của Bác. Được Phó Chính ủy thông báo là Bác muốn xem các các tiết mục các dân tộc thiểu số Tây Bắc. Đoàn ra sức ngày đêm dàn dựng luyện tập các tiết mục rồi được về Hà Nội tham gia biểu diễn tại Phủ Chủ tịch.

... Hôm được lệnh lên đường về Hà Nội, đoàn được 3 xe ô tô đến đón tại bản Bó tới bản Long Khao huyện Yên Châu gần cầu Tà Là Vài nghỉ lại lúc trời gần tối. Sáng ấy, xuất phát lúc mờ sáng. Bỗng có hai chiếc “thần sấm" của giặc Mỹ ào đến ném bom. Bom ném xuống gần cầu khi hai xe đã đi qua, chiếc còn lại người kịp nhảy xuống vào hầm trú ẩn, nhưng xe bị cháy, đồ đạc bay nát hết. Đoàn có 3 người bị thương phải quay về quân khu điều trị tại viện 6. Đoàn sau khi ổn định vẫn về Hà Nội vào trọ nghỉ tại Trường Chu Văn An. Tối hôm sau đoàn vào Phủ Chủ tịch biểu diễn. Trước khi biểu diễn Ban Tổ chức đưa đi xem hầm trú ẩn nếu có báo động thì bình tĩnh xuống hầm để tránh bom Mỹ. Hà Nội lúc này như một chảo lửa vì máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá. Dân sơ tán đi ra ngoại thành, chỉ còn những công nhân, tự vệ các nhà máy cùng bộ đội sẵn sàng bắn trả máy bay giặc Mỹ mò đến cắn trộm. Trên sân khấu nhìn xuống, mình thấy các vị lãnh tụ vẫn ung dung tự tại, nhà máy điện Yên Phụ vẫn sáng trưng ánh điện. Biểu diễn xong cả đoàn được quây quần xung quanh Bác. Mình được Bác vẫy, tay cầm Vi- ô- lông cùng các diễn viên nam đứng sau Bác. Các diễn viên nữ ôm hôn Bác. Nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định lúc tiến lúc lùi chụp ảnh cho đoàn và hứa mai sẽ cho mỗi người một kiểu ảnh. Bác nói: "Mỗi tiếng đàn tiếng hát của các cháu vang lên là một viên đạn cùng quân giải phóng miền Nam tiêu diệt bọn giặc Mỹ cùng bè lũ tay sai". Đêm ấy, lại được chiêu đãi phở gà cùng kẹo, bia. Nghỉ một ngày và hôm sau lên đường về đến Kim Bôi, Hòa Bình biểu diễn cho hàng ngàn cán bộ chiến sĩ các đơn vị bộ đội chuẩn bị lên đường vào chiến trường. Nhớ những lần cùng đoàn sang bên nước bạn Lào biểu diễn cho bộ đội và nhân dân bên nước bạn xem và được hoan nghênh nhiệt liệt.

... Trên xe trở lại quân khu, mỗi người cầm tấm ảnh chụp chung với Bác trên tay, ai cũng trầm ngâm nghĩ về Bác, sức khỏe Bác có vẻ không được tốt, ước gì Bác khỏe để những lần sau chúng cháu lại múa hát những tiết mục dân tộc đặc sắc cho Bác xem....".

     Tôi đọc lại, lược ghi những dòng nhật ký từ quyển sổ tay của ông để ông nghe lại. Mắt ông ngân ngấn lệ. Giọng ông trùng xuống: Nhiều lần sau được gặp lại Bác Hồ, nhưng là thấy Người đã yên nghỉ trong lăng mỗi lần cùng nhân dân các dân tộc về Hà Nội viếng Bác. Được thăm nhà sàn cùng ao cá của Bác, càng thấy Bác Hồ giản dị mà vĩ đại, thanh cao biết nhường nào. Người đã suốt đời lo cho dân cho nước. Ông nói: học Bác suốt đời vẫn chưa đủ, học ở cách sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư, gần dân của Bác, học ở đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của Bác. Biết ông là tấm gương làm theo lời Bác, tác phong của Bác để con cháu noi theo. Ông có một căn nhà nhỏ ở thị trấn mà gọn ghẽ ngăn nắp. Trên tường treo trang trọng những huân huy chương trong kháng chiến cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp rồi những huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn của cả nước và của tỉnh. Ở giữa là tấm bằng Nghệ nhân ưu tú của Chủ tịch nước ký, trao đợt đầu tiên của cả nước năm 2015, ông vinh dự được phong trong 10 nghệ nhân ưu tú ở Yên Bái. Cạnh đấy là chiếc Vi- ô- lông của UBND huyện Lục Yên tặng cùng chiếc khèn bè treo cạnh những chiếc đàn tính. Ông cùng con trai Hoàng Ngọc Chấn mở lớp truyền dạy năng khiếu tại nhà cho thế hệ trẻ yêu thích âm nhạc dân tộc. Ông bảo sống vui sống khỏe, sống có ích là ao ước của tuổi già. Ông rất vui vì có người nối dõi cái nghề yêu mến gắn bó suốt cuộc đời ông. Con trai ông là Hoàng Ngọc Chấn, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái chuyên ngành âm nhạc với nhiều ca khúc đặc sắc. Ông tặng tôi quyển "Hát Yếu" do ông sưu tầm và dịch ra tiếng phổ thông đã in ấn. Tôi xin phép chào tạm biệt ông, ông lên giọng hát câu Khắp khiến tôi cứ dùng dằng chẳng nỡ cất bước:    

                                   "... Chẳng vội gì ngày việc

                                       Đừng tiếc gì ngày công

                                         Lúc về có người đưa

                                         Ngày về có người tiễn

                                         Tiễn đến nơi đầu ngõ nắng hồng

                                         Đưa về nơi đầu đồng nắng tỏa...."

 

 

 

                                                                         H.T.L

 

                                          

    

 

 

Các tin khác:

1-5 of 336<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter