"Yên Bái bay lên như sắc cầu vồng"

 Bút ký của ĐỨC DŨNG

 

...Bỗng những giai điệu trong những ca khúc về đất và người Yên Bái cứ dìu dặt, vọng về. Ấy là “Yên Bái Phố” của Nguyễn Cường, "Về Yên Bái" của Vũ Thiết, là "Một thoáng Mù Cang Chải" của Phùng Chiến..., nhưng tôi vẫn tâm đắc với một "Yên Bái- sắc cầu vồng" của nhạc sĩ Lê Mây để làm tựa đề cho bài viết, và hi vọng từ đây- từ "mùa vàng" VHNT 5 năm lần thứ Hai này, Yên Bái sẽ cất cánh, bay lên...

Vào một ngày hè cuối tháng 04/2022, tôi đến Yên Bái- một tỉnh cửa ngõ các tỉnh khu vực Tây Bắc. "Thủ phủ" của tỉnh- Thành phố Yên Bái bên dòng sông Thao lịch sử (một đoạn của sông Hồng) lộng lẫy cờ hoa, băng zôn biểu ngữ, nhịp điệu phố phường khác hẳn ngày thường…, tất cả đang hướng đến những ngày lễ lớn, đến sự kiện trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5). Đó là không khí. Năm nào cũng vậy. Nhưng năm nay, mùa hè năm Nhâm Dần 2022 này, người Yên Bái vừa đón một sự kiện vô cùng ý nghĩa: Trao và nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) của tỉnh 5 năm lần thứ Hai (2015- 2020). Với 52 tác phẩm, nhóm tác phẩm của 52 tác giả, nhóm tác giả được UBND tỉnh trao tặng, đó là một sự tôn vinh tác phẩm VHNT đặc biệt xuất sắc, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh sâu sắc và toàn diện đời sống xã hội và sự phát triển chung của toàn tỉnh Yên Bái trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Trước khi tôi ở Hà Nội lên nơi được mệnh danh là "vòng xòe Tây Bắc" này, tôi đã đọc, đã nghe và xem, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng Trung ương và tỉnh Yên Bái cùng các trang mạng cá nhân về sự kiện có sức lan tỏa lớn tới đời sống tinh thần của người Yên Bái cũng như người dân cả nước. Nhưng khi lên đến đây, dư âm Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Hai vẫn chưa ngớt, chưa nguôi, như những vòng sóng cứ lan xa, lan xa. Bỗng những giai điệu trong những ca khúc về đất và người Yên Bái cứ dìu dặt, vọng về. Ấy là “Yên Bái Phố” của Nguyễn Cường, "Về Yên Bái" của Vũ Thiết, là "Một thoáng Mù Cang Chải" của Phùng Chiến…, nhưng tôi vẫn tâm đắc với một "Yên Bái- sắc cầu vồng" của nhạc sĩ Lê Mây để làm tựa đề cho bài viết, và hy vọng từ đây- từ "mùa vàng" VHNT 5 năm lần thứ Hai này, Yên Bái sẽ cất cánh, bay lên.

Dư âm sau Giải thưởng VHNT danh giá và cao quý ấy, không chỉ đội ngũ văn nghệ sĩ và người dân Yên Bái tự hào, hứng khởi chúc mừng, tiếp sức năng lượng sáng tác cho nhau mà, bạn bè đồng nghiệp trong giới VHNT cả nước cũng liên tục điện thoại, Zalo, Facebook "tiếp sóng". Chưa hết, trực tiếp lên chia vui với các tác giả đạt giải thưởng còn có các nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế ở Phú Thọ, Đức Dũng từ Hà Nội, đặc biệt có nhà thơ Trương Thiếu Huyền vượt hàng trăm cây số từ vùng biển Quảng Ninh, hội tụ. Nói thêm: Trương Thiếu Huyền không chỉ gắn kết với giới văn chương của Yên Bái, ông còn là "người anh em" tri kỷ của Báo Yên Bái khi ông công tác ở Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh. Đặc biệt nữa, thơ ông được chọn, dùng làm quảng bá du lịch Tây Bắc. Ta hãy nghe: "Tây Bắc là lửa đêm xòe hội/ Tây Bắc là cơm thơm bàn tay/Tây Bắc là rượu từng giọt mắt/ Tây Bắc là xanh của ngàn mây…" (Tây Bắc gọi tên). Trong buổi "hội quân", chúc mừng đơn vị đồng tổ chức xét, tặng giải thưởng và khao giải thưởng, một bên là Hội Liên hiệp VHNT tỉnh và một bên là Báo Yên Bái với các tên tuổi đình đám như: Họa sĩ Nguyễn Đình Thi- Chủ tịch Hội, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Yến- Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, nhà văn Hoàng Thế Sinh (tác giả đạt giải A với tiểu thuyết "Ma tiền"), nhà văn Nguyễn Hiền Lương (đạt giải B với tiểu thuyết "Xóm chợ"); nhà báo Hà Ngọc Văn- Tổng Biên tập Báo Yên Bái, hai Phó tổng "tháp tùng" là Trần Quỳnh Liên và Bùi Minh Đức cùng đội ngũ "cận vệ". Nơi mép sông Hồng về đêm, lộng gió, điện lung linh lấp loáng của quán Thuyền chài, buổi giao lưu và "rửa" giải thưởng giữa hai "binh chủng" Báo- Văn, còn trên cả câu thơ "Tây Bắc là rượu từng giọt mắt" của Trương Thiếu Huyền. Bên sóng nước rì rầm, ì oạp dội về từ Bến Âu Lâu, tôi không thể nhớ bao nhiêu lần các văn nghệ sĩ chạm tay nhau trên mâm… hai, ba/zô!

*

*           *

Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái- Họa sĩ Nguyễn Đình Thi dành cho tôi khoảng thời gian hiếm hoi sau bộn bề công việc. Từ lần gặp gỡ tại Hội thảo Văn học của Chi hội Nhà văn sông Chảy trên tỉnh cực Bắc Hà Giang (năm 2016) do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Chi hội tổ chức, nay tôi mới gặp lại ông sau bao lần hò hẹn, sẻ chia trên… điện thoại. Tóc ông pha sương nhiều hơn và đôi bàn tay cũng chai sần hơn vì cầm toan, cầm cọ. Lan man bao chuyện, chúng tôi vẫn quay về chủ đề chính: Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Hai. Ông phấn khởi, tự tin cho biết: Đây là cuộc trao giải thành công, không ồn ào dư luận, đặc biệt là sự công tâm, công bằng của Hội đồng xét, tặng giải thưởng của tỉnh. Với cơ quan Hội, từ việc thông báo tác giả gửi tác phẩm, tiếp nhận hồ sơ, tác phẩm tham gia giải thưởng, đến quá trình xét giải, Hội đều phối hợp, tham mưu đề xuất với tỉnh trong việc thực hiện các quy chế rất chặt chẽ, rõ ràng. Ông cho biết thêm, giải thưởng lần này khác hơn, "mở" hơn về biên độ nên tác phẩm tốt hơn. Đó là sự cọ sát để khẳng định tác phẩm, qua đó các cá nhân cũng tự đánh giá lại mình về thời gian cống hiến và sáng tác (5 năm). Để đạt được giải thưởng, mỗi cá nhân phải bằng lao động nghệ thuật bền bỉ, thường xuyên, phấn đấu lâu dài mới có được.

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, các tác phẩm dự giải thưởng tập trung phản ánh nhiều đề tài, nổi bật vẫn là đề tài chiến tranh cách mạng. Văn xuôi có tiểu thuyết "Cánh cung đỏ" của nhà văn Hà Lâm Kỳ, tiểu thuyết "Xóm chợ" của nhà văn Nguyễn Hiền Lương; tập truyện ký "Âm vang Ngòi Vần" của Trần Cao Đàm; Thơ có "Vầng trăng và người lính" của Đoàn Đức Bình, "Biển trong tim" của Nguyễn Đăng Lộc; Mỹ thuật có "Tuần tra biên giới" của họa sĩ (HS) Đặng Quyết Thắng, "Trinh sát luồn sâu" của HS Trần Quang Minh; Âm nhạc có ca khúc "Cỏ xanh trên Căng Nghĩa Lộ" của nhạc sĩ (NS) Kim Phụng, thơ Thu Phong.

Mảng đề tài về mảnh đất và con người Yên Bái trong sự nghiệp đổi mới chiếm một dung lượng lớn. Văn xuôi có tập ký "Người con xứ núi" của Nguyễn Thị Tâm; Mỹ thuật có "Chiều trên nương"- sơn mài của HS Phạm Việt Hưng, "Phiên chợ vùng cao"- sơn mài của HS Đào Hữu Đạt, "Chiều Nậm Khắt"- tranh in độc bản của HS Vũ Thị Bích Hạnh, "Phong cảnh vùng cao"- tranh in Lithography của HS Hoàng Trung Hiếu; Âm nhạc có ca khúc "Ký họa Mù Cang Chải" của NS Ngọc Bái, "Huyền thoại trên núi Hoàng Liên" của NS Đoàn Ngọc Bình, "Yên Bái viết tiếp bản hùng ca" của NS Nguyễn Hà Thành. Có lẽ, "bội thu" giải thưởng nhất, ấn tượng nhất phải nói đến chuyên ngành Nhiếp ảnh với hàng loạt tác phẩm như "Hội nhập" của NSNA Thanh Miền, "Hoàng hôn trên đỉnh Sáng Nhù" của NSNA Vũ Chiến, "Sóng nước Mù Cang" của NSNA Tuấn Vũ, "Vũ điệu vùng cao" của Nguyễn Anh Đức, "Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà" của NSNA Hoàng Đô…

Đi sâu vào khắc họa những số phận, những mảnh đời, những tâm tư bộn bề trong cuộc sống gian khó nhưng vẫn khát vọng vươn lên, vẫn luôn lấp lánh ánh sáng trường tồn góp phần lan tỏa nhân cách sống- làm người, được neo đậu, níu giữ hơn đối với mỗi người thưởng thức. Minh chứng cho những điều đó, phải kể đến các tập truyện ngắn như "Hun hút đường quê" của nhà văn Nông Quang Khiêm, "Mùa xa" của Nguyễn Ngọc Yến, "Chiều đầy nắng" của Hoàng Kim Yến; "Trầm tĩnh những nẻo đường", tiểu thuyết của Quang Bách; các tập thơ "Người đánh rơi câu hát" của Ngọc Chấn, "Những bông dành dành đất" của Hà Ngọc và "Lời yêu không để trong túi áo" của Mai Oanh…

Rõ ràng, qua mỗi tên tác phẩm đạt giải thưởng, bằng đặc trưng của mỗi chuyên ngành, tự nó đã "nói" lên, đã khắc họa và phản ánh sinh động và hùng hồn về Yên Bái với phong cảnh thiên nhiên độc đáo mê hồn, về văn hóa tộc người đa dạng, về truyền thống anh hùng bất khuất… đến con người Yên Bái đã và đang nỗ lực vượt khó để xây dựng tỉnh nhà phát triển toàn diện, theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc". Và tôi đã gặp một số "nghệ sĩ của tâm hồn" bằng xương bằng thịt- những người đã và đang "viết tiếp bản hùng ca Yên Bái", như tên gọi của một tác phẩm âm nhạc đạt giải lần này.

Người đầu tiên tôi tiếp xúc là tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1980, hiện đang công tác tại Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái. Hùng là chủ biên trong tập Nghiên cứu- Sưu tầm "Văn hóa dân gian người Thái đen Mường Lò", gồm 2 tập, độ dày 1.500 trang. Tác phẩm đạt giải A. Nói về công trình khảo cứu, nghiên cứu văn hóa công phu này, Hùng cho biết: Dân tộc Thái là dân tộc đầu tiên di cư về Yên Bái. Mục đích là vừa khai thác, bảo tồn vừa phát triển du lịch. Công trình có sự tham gia nhóm 10 người, trong đó có các nghệ nhân dân gian người Thái và cũng phải trên 10 năm mới hoàn thành tác phẩm đồ sộ này. Là Chi hội Trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian, đại diện cho 35 hội viên, Hùng cho biết giải thưởng là sự ghi nhận của tỉnh với văn nghệ sĩ trong đó có văn nghệ dân gian, khích lệ anh chị em trong việc nghiên cứu, khai thác, bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tôi được biết, trong số hội viên nhà văn Việt Nam, nhà văn Nông Quang Khiêm ở Yên Bái đứng trong "tốp" trẻ nhất: Sinh năm 1984, là người Tày. Ở Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Hai này, Khiêm đạt giải C với tập truyện ngắn "Hun hút đường quê". Trước đó, Khiêm từng đạt 2 giải B của Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Quả là nhà văn người Tày "có duyên" với giải thưởng. Nông Quang Khiêm tự biết: "Yên Bái có ít nhà văn. Các tác phẩm đạt giải trước đó đồ sộ, tiếng tăm về tiểu thuyết. Nên mình đạt giải thưởng bằng tập truyện ngắn là bằng lòng rồi. Nhưng mình còn trẻ, còn nhiều thời gian để sáng tác". Tôi tin với sức trẻ, nội lực và tài năng sáng tác (cả văn xuôi lẫn thơ song ngữ tiếng Tày), Khiêm sẽ bước tiếp các thế hệ những người dân tộc viết văn (và những nhà văn viết văn học thiểu số) như: Vi Hồng, Vi Thị Kim Bình, Y Phương, Pờ Sào Mìn, Cao Duy Sơn, Ma Trường Nguyên, Hoàng Quảng Uyên, Dương Thuấn, Dương Khâu Luông… Bởi với mảnh đất "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc" như Yên Bái, thỏa sức cho Nông Quang Khiêm "dụng võ", gặt hái tiếp thành công!

Nhớ lại mùa xuân năm 2019, tôi từng đọc bài viết của nhà thơ,  nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha giới thiệu một tập thơ của một tác giả người Yên Bái đầy mùi mẫn và ấn tượng: "Thuần khiết, một giai điệu Tây Bắc". Bài viết có đoạn "Không yêu đến cạn lòng, không sống đến tận cùng với xứ sở quê hương, không thể chất ngất lên những giai điệu như thế…". Và hôm nay, tôi gặp được chủ nhân của tập thơ "Lời yêu không để trong túi áo". Đó là tác giả Mai Oanh. Tác phẩm đạt giải B. Mai Oanh tên đầy đủ là Vũ Thị Mai Oanh, sinh năm 1982, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Yên Bái. Vì được đọc đầy đủ 36 bài thơ trong tập chị tặng nên tôi đồng điệu với những nhận xét xác đáng của Nguyễn Thụy Kha. Bởi chỉ riêng "Lời yêu không để trong túi áo", trước đó đã "giật cú đúp": Giải A thường niên của Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái và giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2018). Tập thứ hai với tên gọi "Cái vẫy cánh của con bướm" cũng "lập cú đúp"- Giải B của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh và giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Như men say của chiến thắng, Mai Oanh cho biết tháng 5/2022 này sẽ xuất bản tập thứ ba "Niềm vui ngủ ngáy trong tay". Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, Oanh say sưa "cháy" hết mình về thơ ca, sáng tác, về sưu tầm biên soạn, nghiên cứu văn hóa, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ chính là giảng dạy và quản lý giáo dục. Vì công việc, vì nỗi lo "cơm áo không đùa với khách thơ", rất tiếc, tôi không "Ở lại cùng em nghe dân ca Tây Bắc"- như tên bài thơ trong tập đạt giải cao của Oanh.

Như đã đề cập, có lẽ "bội thu" giải thưởng nhất, ấn tượng nhất vẫn là chuyên ngành Nhiếp ảnh. Tôi đã gặp một đại diện cho chuyên ngành này là Nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn Vũ, sinh năm 1990. Vũ đạt giải B cho Bộ ảnh nghệ thuật "Sóng nước Mù Cang". Giải thưởng về nhiếp ảnh nhưng ở Nguyễn Tuấn Vũ hội tụ là người "ba trong một": Hội viên Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội NSNA Việt Nam và hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Vũ tâm sự, là hội viên nhiều Hội như vậy nhưng vẫn đam mê ảnh nghệ thuật nhiều hơn. Sóng nước Mù Cang khắc họa vẻ đẹp của mùa nước đổ, ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Vũ tâm sự, người nghệ sĩ ngoài kỹ thuật thuần thục, điêu luyện về nhiếp ảnh, còn phải đầu tư từ máy ảnh có chân đến thiết bị bay trên cao, mới thấy hết phong cảnh núi non sông nước, ruộng bậc thang kỳ vĩ như thế nào. Từ màu xanh lá mạ đến màu lúa chín vàng; từ cảnh bình minh đến hoàng hôn. Không chỉ giải B lần này, trước đó Vũ từng đạt giải B của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tác phẩm Ảnh nghệ thuật "Chiều về bản" (2019).

*

Trong Báo cáo tổng kết Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Hai, tại Lễ trao giải do họa sĩ Nguyễn Đình Thi- Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh trình bày, có đoạn "Đối với lĩnh vực sáng tác VHNT, tài năng làm nên tác phẩm, tác phẩm làm nên thành tựu, thành tựu làm nên sự phát triển VHNT tỉnh nhà…". Vâng, quả như vậy. Bởi bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, là tìm tòi và đổi mới, không lặp lại mình. Rõ ràng, thành công của giải thưởng lần này là nền móng, tiền đề vững chắc cho sự phát triển VHNT trong các giai đoạn tiếp theo mà "Tư lệnh ngành", Chủ tịch Hội Nguyễn Đình Thi từng trăn trở trong công tác Hội, trong việc xây dựng Hội, trong việc tập hợp, tổ chức, truyền cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, trên tinh thần tất cả vì hội viên và cho hội viên!

Tôi lại lững thững, rong ruổi trong chiều hè thành phố rực rỡ cờ hoa. Lần này "Giữa Quảng trường tôi nghe Yên Bái hát/ Thương nhớ gửi về vai áo những ngày qua…/ Ngày ấy lớp cha ông quyết thành nhân và cũng quyết thành công…". Đó là những ca từ trong ca khúc "Yên Bái phố" của NS Nguyễn Cường. Nó quện vào giai điệu "Yên Bái xanh trong tôi/ Một màu xanh huyền thoại" của Lê Mây trong "Yên Bái- sắc cầu vồng" để quá khứ và hiện tại đan cài, để người Yên Bái mãi tự hào, kiêu hãnh.

Phải chăng, những sắc cầu vồng được lung linh, khúc xạ và lan tỏa- khởi nguồn từ một giải thưởng VHNT danh giá và đầy dấu ấn?

 

                                                                           Yên Bái - Hà Nội, hè 2022

                                               Đ.D

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter