A Tú của bản Mông

 Ký của Hoàng Nhâm

 Rất nhiều bà con người Mông ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu gọi anh bằng cái tên trìu mến là A Tú để tỏ lòng yêu quý anh như con em của mình. Còn tên thật của anh là Vi Văn Tú, dân tộc Tày, sinh năm 1989 tại xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.

Học xong đại học ngành thủy sản, Vi Văn Tú về làm việc tại Trại Giống thủy sản Nghĩa Lộ. Sau đó, Tú chuyển sang làm cho một công ty chế biến thức ăn gia súc. Gắn bó nhiều năm với miền Tây Yên Bái, lấy vợ người Thái, nên Tú thấy mình không biết tự khi nào cứ đắm mình vào vẻ đẹp con người, cảnh quan, văn hóa ở đất này. Vậy là, tháng 4/2018, Tú quyết định làm YouTube và trở thành chủ kênh “Gái bản” nhằm quảng bá về văn hóa, du lịch và ẩm thực miền Tây Bắc.

            Tôi hỏi:

- Vì sao lại chọn tên kênh là “Gái bản”?

            Tú mộc mạc:

- Nhiều người đã ví Mường Lò là “Miền gái xinh”. Bởi thế, em lấy tên kênh là “Gái bản”, đơn giản chỉ vì mong muốn được quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, con người, cảnh quan, phong tục, tập quán, tiềm năng du lịch ở vùng này vừa kỳ bí vừa đẹp tựa như sơn nữ tuổi trăng tròn trong ngần căng tràn nhựa sống.

            Với mục tiêu như thế, từ ngày làm YouTube, sức trẻ, nhiệt huyết và chất sống pha chút nghệ sĩ bởi được sinh ra ở một vùng quê văn hiến mà vinh dự trong xã của anh có tới hai nhà văn người Tày, có truyền thống văn hóa các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan độc đáo và đặc sắc, nên bước chân của Tú đi như không ngừng nghỉ để thỏa chí đam mê. Và rồi, trong dặm dài đây đó, Tú chợt nhận ra ở nhiều bản làng vùng sâu hay nơi lưng núi ngang trời đang có những hoàn cảnh, những mảnh đời rất cần được cộng đồng giúp đỡ, sẻ chia. Vậy là, Tú mạnh dạn quyết định thông qua kênh của mình kêu gọi cộng đồng ủng hộ. Ban đầu, Tú chú trọng kêu gọi giúp đỡ học sinh ở một số trường vùng sâu, vùng cao (chủ yếu là ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu- một xã hầu hết là người Mông) quần áo, dày dép, sách vở, đồ dùng học tập… vì các em ở đây quá đỗi khó khăn. Những việc làm của Tú, những mong được góp chút công sức để trẻ thơ vùng cao thêm động lực đi tìm cái chữ. Dẫu vậy, càng gắn bó nơi non cao ấy, A Tú càng thấu nguyên nhân cái nghèo ở Túc Đán là vì dân trí thấp, mặt bằng canh tác khó khăn, kỹ thuật canh tác lạc hậu, khí hậu khắc nghiệt, địa hình cắt sẻ… khiến nhiều người vừa nghèo vừa lâm cảnh đau ốm, bệnh tật triền miên hoặc phải sống đơn thân nuôi con nhỏ trong những căn nhà lụp xụp, trống hoác, không tài sản đáng giá.

- Nhìn những mảnh đời như thế, thương lắm và em lại quyết định thông qua kênh của mình kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân giúp đỡ để em cùng cộng đồng xây nên những ngôi nhà nhân ái- Tú tâm sự.

Hình ảnh chân thật từ mỗi hoàn cảnh, sự tận tâm của Tú cùng bà con nghèo làm nhà; mọi chi tiêu cho công trình đều được Tú công khai, minh bạch từng phần… đã chạm đến trái tim rất nhiều người và số người xem kênh, số tiền ủng hộ Tú làm việc thiện cứ tăng dần; trong đó, có rất nhiều người Việt đang định cư, làm việc ở nước ngoài. Kết quả những việc làm của Tú đã mang lại thành công hơn cả mong đợi. Với quãng thời gian tròn một năm từ khi Tú làm căn nhà đầu tiên, đến nay, em đã làm được 12 ngôi nhà khang trang cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như anh A Chú bị suy thận nặng, nuôi 3 con nhỏ và 3 năm nay mỗi tuần 3 lần phải xuống bệnh viện ở thị xã Nghĩa Lộ chạy thận; anh A Sinh sức khỏe yếu, nuôi 2 con nhỏ và vợ bị đau dạ dày từ lâu; chị Cha đơn thân cũng nuôi hai con nhỏ; anh Thiên cụt một chân nuôi con 4 thơ; em Khua mù một mắt và chồng bỏ đi khi đứa con còn bế ngửa... Trong số những căn nhà đã làm, có 11 căn được hỗ trợ hoàn toàn trị giá từ 80 đến 100 triệu đồng/căn. Số tiền còn dư sau làm nhà, Tú mua sắm cho họ những vật dụng cần thiết và nắm bắt nhu cầu cần tạo sinh kế để hỗ trợ. Vì vậy, hầu hết những hộ này đều được mua trâu giống, dê giống, có người được mua xe máy để hàng ngày xuống vùng thấp làm thợ xây dựng…

Bước đột phá lớn trong hoạt động thiện nguyện của Tú gần đây là em trao đổi thông tin trên kênh “Gái bản” bày tỏ mong muốn dùng một phần tiền ủng hộ từ cộng đồng mạng để làm đường bê tông, làm cầu qua khe suối.

- Trẻ em ở đây mùa mưa thường bỏ học hoặc đi học thì những đôi chân trần, áo quần luôn lấm lem bùn đất và phải qua khe lũ bằng những cây cầu tạm. Bà con vận chuyển lúa ngô, nhu yếu phẩm, vật liệu làm nhà… tại một số thôn, chòm dân cư vẫn phải oằn lưng gùi vác. Vậy là, em nghĩ mình phải tìm cách làm đường cho dân- Giọng Tú trầm xuống.

Những mong muốn của Tú lập tức được cộng đồng mạng hoan nghênh, ủng hộ và em rốt ráo triển khai công việc nên chỉ trong thời gian ngắn, 2 cây cầu nhỏ qua khe, 2 mố cây cầu sắt bắc qua suối lớn thôn Làng Tống đã hoàn thành mà trị giá tiền hỗ trợ sắt, xi măng chỉ hết 7 triệu đồng; cát, sỏi, đá thì dân khai thác tại chỗ và chung sức thi công. Đặc biệt, 2 mố cây cầu sắt, không hiểu vì sao đơn vị thi công không làm đường dẫn vào cầu mà để dân phải làm sàn gỗ để đi. Tú và bà con phải xây thêm hai đầu mố, đổ bê tông cốt thép làm đường dẫn vào cầu mỗi bên dài hơn chục mét. Thấy đường ở thôn Làng Tống đi đến một số chòm dân cư lầy lội, chỗ dốc trơn, Tú lại vận động tài trợ để làm đường. Với sự hỗ trợ cát, sỏi, xi măng từ nguồn kinh phí ủng hộ và tinh thần lao động hứng khởi, hăng say của dân bản, tổng chiều dài hai đoạn đường bê tông cỡ 1 km, dày khoảng 8 cm, rộng 80 cm đã chóng vánh hoàn thành.

Làm xong các công trình cầu, đường thôn Làng Tống, trong lần chuyển gạo, hàng hóa ủng hộ của các mạnh thường quân lên giúp đỡ thôn Làng Linh, chng kiến mọi người vất vả vác từng bao gạo, nhất là ở chòm Cống Dua, bà con ì ạch đi trên con đường mòn quanh co, dốc tộc, lởm chởm đá khiến Tú không thể cầm lòng. Em đã ướm hỏi, nếu bà con quyết tâm làm đường bê tông thì em tìm cách giúp đỡ. Cán bộ xã, thôn họp dân bàn bạc, ai cũng mừng vui nhất tề ủng hộ rồi cùng Tú tìm cách nắn tuyến để con đường ngắn nhất, bằng nhất có thể. Hôm khởi công làm đường, bà con háo hức lắm và cứ hai hộ chung góp một con gà liên hoan ra quân.

- Triển khai làm đường rồi em mới thấy mình liều, vì số tiền sau khi làm xong đường trên thôn Làng Tống chỉ còn lại vài chục triệu đồng- Tú bày tỏ.

Trong khi đó, tỷ suất đầu tư cho một cây số đường đặc thù ở vùng cao (rộng 1 m, dày 10 cm) như Tú đang làm thường đắt gấp 3 lần so với vùng thấp. Bởi thế, năm 2020, huyện Trạm Tấu chỉ xây dựng kế hoạch làm 18 km, còn riêng Tú đã làm khoảng 3 km ở Túc Đán. Đã vậy, sau khi cắm tuyến, san gạt nền đường, bỗng lộ ra ngay đoạn giáp cầu Cống Dua một vách đá dốc nghiêng dài gần 5 chục mét, khiến ai cũng nản lòng. Một nhà máy thủy điện gần đó cho dân lấy cát vét lên từ lòng hồ để làm đường bỗng không cho nữa. Một hộ trên tuyến đường đồng ý hiến đất nay lại đổi ý nên phải nhờ chính quyền vận động nhiều lần. Khí hậu vùng cao vào mùa mưa thường mưa lớn, kéo dài nên không cẩn thận sẽ có những đoạn bê tông mới đổ trút cả xuống vực hoặc gây gián đoạn thi công. Những phần việc phải thuê như máy xúc, xe chở vật liệu thì đều bị hét giá “trên trời”. Bà con người Mông chưa quen với những công việc kỹ thuật bê tông cũng là một trở ngại lớn hoặc họ phải làm đường trong thời gian quá dài, trong khi hàng ngày còn phải lo kiếm sống nên không biết bà con sẽ theo đuổi công trình được bao lâu. Bởi vậy, trừ ngày mưa, tạnh thì ngày nào Tú cũng đi về khoảng 5 chục cây số để kiểm tra thi công các ngôi nhà nhân ái; bám công trường làm đường để điều hành công việc, giám sát kỹ thuật và điều quan trọng nhất là để động viên bà con không bỏ cuộc… Nhiều đêm mất ăn mất ngủ vì một mình cáng đáng công việc, Tú đã đặt tên con đường này là “Con đường huyền thoại Cống Dua”; người dân thi công được gọi là “Những chiến binh Cống Dua”.

 - Em đặt tên như vậy, là để thấy mình đang bắt đầu một công việc cực kỳ khó khăn và cũng để nêu quyết tâm cho chính bản thân mình- Tú tâm sự.

Thật may, trong hoàn cảnh đầy nan giải ấy, Tú nhận thấy tình cảm bà con dành cho em rất nhiều và họ sẽ không vì khó khăn mà buông bỏ. Trẻ già, gái trai ngày ngày nhẫn nại bạt đá, san đường, vác đá, gùi từng bao cát, sỏi, xi măng… vượt núi. Cán bộ xã thường xuyên đến thăm và cử 50 cán bộ, giáo viên xuống cùng đổ bê tông theo Chương trình “Ngày thứ Bảy cùng dân”. Trưởng bản Mùa A Tráng thay mặt dân bản hết lòng cảm ơn A Tú và các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm. Bố mẹ vợ và vợ của Tú hiểu được nỗi vất vả nên ra sức động viên, tạo mọi điều kiện để Tú chuyên tâm công việc. Đặc biệt, các fan hâm mộ kênh “Gái bản” luôn sát cánh hàng ngày với Tú. Họ tư vấn cách làm đường qua mạng, rồi có người như ông Chiêu đã 72 tuổi, quê ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) nguyên là bộ đội mở đường Trường Sơn tình nguyện lên ở một tháng giúp Tú xử lý đoạn đường vách đá nghiêng. Ông Triệu- nguyên là cán bộ kỹ thuật xây lắp Công ty Quản lý đường bộ I (Yên Bái) xem kênh thấy bà con xây từng viên đá tại kè ở vách đá nghiêng rất tốn công nên cũng lên hướng dẫn ghép cốp- pha, rải bê tông xếp từng lớp đá một vừa nhanh vừa đẹp vừa chắc chắn. Ông cũng giúp hàn lan can cho đoạn đường này và thay lan can cũ cây cầu sắt cho an toàn và đẹp. Anh Nhàn ở Đồng Nai- người có chuyên môn về xây dựng giao thông thường xuyên tư vấn kỹ thuật cho Tú qua điện thoại và anh ủng hộ trước 75 triệu đồng mua gạo cho bà con, mua vật liệu làm đường cùng lời hứa đồng hành với Tú. Mới đây, anh gửi thêm 43 triệu đồng để dân làng liên hoan hoàn thành đoạn đường khó nhất, chia tay ông Chiêu; mua quà tặng ông Chiêu, ông Triệu, tặng 71 hộ, mỗi hộ 20 kg gạo và thêm tiền để thay thế lan can cầu sắt Cống Dua. Chị Yến- Việt kiều Mỹ ủng hộ 23 triệu đồng mua gạo và máy tời vật liệu; chị Ngân- Việt kiều Úc gửi 12 triệu đồng mua máy trộn bê tông và 4 xe rùa. Tú cho biết, số tiền ủng hộ đã được vài trăm triệu đồng và rất nhiều người gửi tặng quần áo, gạo, đồ ăn, quà cho trẻ nhỏ… để bà con yên tâm bám sát công trình. Vợ chồng anh Hồng ở Hà Nội cùng một người bạn vừa chở đồ ủng hộ lên tận thôn và thết đãi bà con làm đường. Vợ chồng anh Hưng, anh Phúc cũng ở Hà Nội sau nhiều lần ủng hộ, nay đưa 3 con nhỏ lên đây trải nghiệm và cũng thết đãi bà con bữa cỗ thịnh soạn ngay tại công trường, sắm sửa bát, đũa, cốc nhựa, mẹt đựng thức ăn trong những ngày lao động…

Hơn 3 tháng thi công, “Con đường huyền thoại Cống Dua” đã hoàn thành trên 2/3 chiều dài bê tông. Xe máy chở vật liệu đã vượt núi vèo. Cảm kích sự chung tay của cộng đồng, Tú thầm hứa, mình sẽ cố gắng thật nhiều để làm thêm những con đường bê tông giúp bà con vùng cao đỡ khổ và anh muốn tạo sự lan tỏa đến nhiều YouTube ở vùng cao cũng sẽ làm như thế, vì đây là cách làm rất đúng hướng. Về lâu dài, Tú ấp ủ khá nhiều dự định. Tú tâm sự: từ công việc hàng ngày, em đã rút ra bài học, nếu mình làm tốt những việc mà bà con vùng khó khăn đang cần thì mình luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cả cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian tới, em sẽ tập trung hướng đến những công việc mà hiệu quả mang tính xã hội rộng lớn hơn, bền vững và phát triển. Theo đó, em sẽ kiên trì giúp đỡ việc học hành của trẻ thơ vùng cao, vì đây là việc cốt lõi nâng cao dân trí; vận động ủng hộ để động viên bà con phát triển sinh kế hiệu quả cao như: chuyển đổi đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang làm ruộng bậc thang để tăng mạnh sản lượng lương thực; hỗ trợ công trình nước tưới cho gieo trồng; sử dụng nguồn hỗ trợ để khuyến khích bà con trồng cây lâm nghiệp ở những nơi tiện đường vận chuyển, trồng cây bản địa lấy gỗ, trồng quế, sơn tra (táo mèo)... là cây có giá trị kinh tế cao vừa có nguồn thu vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc; khuyến khích chăn nuôi đặc sản địa phương như gà đen, lợn Mông; phát huy nghề truyền thống làm ghế mây, rèn dao Mông… và Tú sẽ mua lại sản phẩm ấy để chế biến, tiêu thụ như táo mèo khô, chuối hột khô, thịt lợn sấy, dao Mông... mà vợ chồng Tú đang làm rất hiệu quả hoặc dẫn dắt thị trường tiêu thụ cho bà con trên kênh “Gái bản”...

Tôi rất vững tin, những dự định của Tú sớm thành hiện thực!            

                                                                                                              H.N

 

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 336<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter