Bác Hồ trong trái tim Văn nghệ sĩ Yên Bái

MINH NGỌC

 

Tháng 9, mùa Thu gõ cửa. Bầu trời trong xanh cao vợi, những con đường bừng sắc đỏ cờ hoa.

Tháng 9, người dân Việt Nam hân hoan chào mừng ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tháng 9, người dân Yên Bái bồi hồi, xúc động, nhớ lời Người dạy cách đây tròn 65 năm tại Lễ đài sân vận động thị xã Yên Bái.

Và trên từng tuyến phố, từng con ngõ nhỏ lại ngân lên giai điệu tha thiết: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất/ Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại …”(1). Chính tình yêu thiêng liêng, trong sáng đó đã trở thành sợi dây liên kết bất tử, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận về Người.

Sinh thời, Bác không nhận mình là một nhà thơ, nhà văn; song trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Bác đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp văn học nghệ thuật và xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ để đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người đã xây dựng cho mình hệ thống các luận điểm phong phú và sâu sắc về vai trò của văn học nghệ thuật, về văn nghệ sĩ- chủ thể sáng tạo tác phẩm văn nghệ với sự kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Bác Hồ đã gọi văn nghệ sĩ là chiến sĩ. Người nghệ sĩ- chiến sĩ trong tư tưởng của Bác là người có lý tưởng cách mạng đúng đắn, trong sáng về đạo đức, cao đẹp về tâm hồn và có tài năng nghệ thuật xuất sắc để dẫn dắt tinh thần dân tộc, hướng đến các giá trị cao đẹp góp phần thực hiện chức năng thẩm mỹ của văn hóa văn nghệ.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, dù phần lớn chưa một lần được gặp Bác nhưng với tình cảm yêu mến, kính trọng và biết ơn Bác, văn nghệ sĩ Yên Bái đã tận tụy thực hiện sứ mệnh của mình đồng thời có rất nhiều sáng tác về Bác, khắc họa sâu đậm hình tượng nghệ thuật sống động về một Vị lãnh tụ, một Anh hùng của dân tộc và một Danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới. Khó có thể kể hết những tình cảm, những sáng tác của văn nghệ sĩ Yên Bái về Bác, nhưng có những tên gọi mà cuộc đời sáng tác của họ gắn liền với Bác như: Hoàng Hạc, Nguyễn Ngọc Bái, Vũ Chấn Nam, Lê Vân, Lâm Quý, Hoàng Bảo, Bùi Hồng Sính, Vi Hoàng, Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Pờ Sào Mìn, Trần Thị Nương, Huyền Sâm, Dương Soái, Dương Nhâm, Trịnh Thoại, Đinh Hội, Lê Anh Quốc, Địch Ngọc Lân, Hán Trung Châu, Nguyễn Thế Chửng, Nguyễn Đức Long, Lê Quốc Hùng, Lê Văn Lộc, Phạm Đức Toàn, Ngọc Chấn, Thanh Phương, Lương Văn Đức… (Thơ); Bùi Nguyên Khiết, Phạm Đức Hảo, Hoàng Việt Quân, Hà Lâm Kỳ, Bùi Huy Mai, Nguyễn Hiền Lương, Vũ Quý, Vũ Bờ, Quách Liêu, Nguyễn Ngọc Yến, Hoàng Kim Yến, Nguyễn Thị Tâm, Lưu Khánh Linh… (Văn xuôi); Thanh Bình, Dương Nhâm, Phùng Chiến, Ngọc Quang, Huyền Tuân, Tạ Hà Té, Vũ Trọng Quý, Ngọc Bái, Kim Phụng, Xuân Vệ, Lê Minh, Ngọc Chấn… (Âm Nhạc); Quách Hùng, Trần Lâm, Thanh Xuân, Nguyễn Đình Thi… (Mỹ thuật); Thanh Miền, Vũ Chiến, Tuấn Nghĩa, Tuấn Vũ… (Nhiếp ảnh); Khánh Nguyệt, Tạ Hà Té, Xuân Mai, Thanh Hương, Minh Tuấn… (Sân khấu- Biểu diễn); Thanh Tửu, Diệu Thuần, Hoàng Hiền, Mai Hiền, Ngọc Thắng, Ngọc Hoài… (Truyền hình)…

Thông qua nhiều loại hình văn học, nghệ thuật, các tác giả người Kinh và dân tộc thiểu số Yên Bái đã bộc lộ lòng biết ơn của đồng bào, dân tộc mình đối với Bác thông qua những hình ảnh vừa thiêng liêng vừa hết sức cụ thể. Từ các tác phẩm hiện lên hình ảnh Bác Hồ với tất cả sự giản dị trong đời thường song chứa đựng lòng thương yêu vô bờ cùng trí tuệ lỗi lạc. Với tấm lòng chân thành, tin cậy, văn nghệ sĩ Yên Bái đều dành cho Người sự khâm phục, ngưỡng mộ và kính trọng. Từ đôi dép cao su Bác đi, chiếc áo Bác mặc, căn nhà sàn ấm hơi Bác, những nơi Bác đến, vườn quả Bác trồng, nét chữ Bác viết, ánh mắt, cử chỉ, lời nói của Người… đặc biệt là hình ảnh của Người trong buổi nói chuyện tại Lễ đài sân vận động thị xã Yên Bái vào sáng ngày 25/9/1958 đã trở thành nguồn cảm hứng, trở thành các hình tượng sáng tạo trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Những hình ảnh tư liệu về Bác, những câu chuyện về Bác được tái hiện trong các tác phẩm đã khiến cho người đọc, người nghe, người xem nghẹn ngào xúc động, yêu kính, khâm phục tận đáy lòng. Hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm đã được văn nghệ sĩ Yên Bái sáng tác nhằm ca ngợi công lao, tình cảm của Người mà vẫn không sao nói cho hết. Trong đó có những tác phẩm, những tác giả chỉ nhắc đến thôi đã thấy chan chứa tình cảm dành cho Người. Lật từng trang sách, đọc giả có thể hiểu thêm, kính trọng thêm hình ảnh một người Cha, một người Thầy ân cần, gần gũi, ấm áp song vẫn sáng bừng chân dung của một vị Lãnh tụ đáng kính qua một số tác phẩm văn học tiêu biểu: Người ở nguồn, Bác Hồ trong lòng người Yên Bái- Lào Cai, Người ở núi thương nhớ Bác Hồ (Tập văn xuôi- Hoàng Việt Quân); Vầng trăng và cánh rừng (Trường ca- Nguyễn Ngọc Bái); Về Pác Pó (Tập thơ- Vũ Chấn Nam)… cùng các bài thơ, bài viết, truyện ngắn: Chứ Bác Hồ- Nhớ Bác Hồ (Hoàng Hạc); Dâng Bác mùa giải phóng, Vào lăng viếng Bác, Theo đường Bác (Lê Vân); Giây phút bên Người, Đêm nguyên tiêu nghe thơ Bác, Đêm tháng năm (Bùi Hồng Sính); Lời Bác Khuyên năm ấy, Đảng trong tôi, Trồng cam nhớ Bác (Đinh Hội); Bác vẫn làm thợ, Cây Pơ mu mãi bên Người, Để Đảng kỳ đỏ rực với thời gian (Huyền Sâm); Lũy tre Ba Đình, Khúc ca bến Âu Lâu, Mùa xuân mãi mãi cho đời (Hoàng Bảo); Lời người năm ấy, Trung thu đón Bác, Thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ (Lê Văn Lộc); Những cánh chim xanh, Người lính về hưu (Văn Thà); Bài thơ hóa giải hận thù, Người dân Yên Bái kể chuyện Bác Hồ (Vũ Quý); Nhớ lời Bác dạy (Vũ Bờ); Tấm ảnh Bác Hồ (Quách Liêu); Lời Bác rừng hoa (Nguyễn Thanh Đàm); Bác về Pác Bó, Cây quế Bác Hồ, Bác Hồ trong lòng người Yên Bái (Thế Quynh)... Tha thiết với từng giai điệu, nhiều tác phẩm Âm nhạc viết về Người đã chạm tới trái tim người nghe như: Bác về một sớm mùa thu (Dương Nhâm), Người Mèo nhớ Bác (Thanh Xuân); Người mèo có chữ, Nhớ ngày Bác Hồ lên thăm vùng cao (Huyền Tuân); Khát vọng Hồ Chí Minh (Ngọc Bái); Phố núi miền Tây nhớ Bác (Phạm Đức Toàn); Nhớ Bác trên đường biên giới (Vũ Trọng Quý); Thăm lán Nà Lừa (Nhạc Kim Phụng, thơ Hiền Lương); Về Tân Trào nhớ Bác (Xuân Vệ)... Các tác phẩm Mỹ thuật lại mang đến những cảm nhận rất sâu sắc và tinh tế về Bác- “Vị cha già dân tộc” một cách độc đáo và đầy ý tưởng: Tranh sơn dầu “Bác Hồ với các dân tộc Hoàng Liên Sơn” (Trần Lâm); Tranh cổ động “Ơn Bác- Người Mèo có chữ”; Tranh sơn dầu “Ấm áp tình thương” (Quách Hùng); Tranh cổ động “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” (Nguyễn Đình Thi)…

Sau này, kể từ năm 2008 khi Trung ương Đảng khởi xướng phát động Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào học tập và làm theo Bác ngày càng phát triển rộng khắp mọi lĩnh vực đời sống trên địa bàn tỉnh. Nhớ lời Người dạy, văn nghệ sĩ “cần có lập trường vững, tư tưởng đúng”, phải toàn tâm, toàn ý “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”... Văn nghệ sĩ Yên Bái vừa học theo Bác vừa say mê sáng tác về Bác, về việc học và làm theo Bác. Tiếp nối thành công Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016- 2020 với hàng nghìn tác phẩm tham gia dự thi với kết quả rất đáng tự hào (đoạt 5 giải Trung ương, 18 tác phẩm của 18 tác giả, nhóm tác giả được trao thưởng cấp tỉnh), ngay đợt 1 Cuộc vận động giai đoạn 2021- 2025 (1/2020- 10/2022), văn nghệ sĩ Yên Bái đã sáng tác 804 tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề này, trong đó lĩnh vực văn học có 294 tác phẩm của 91 tác giả, nhóm tác giả; nghệ thuật có 510 tác phẩm của 99 tác giả, nhóm tác giả. Tại lễ tổng kết, trao giải đợt 1 Cuộc vận động tại tỉnh Yên Bái, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái vinh dự được nhận khen thưởng của Ban Tổ chức về thành tích xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động đợt 1, giai đoạn 2020- 2025; cùng 27 tác phẩm văn học nghệ thuật được trao thưởng (02 giải A, 04 giải B, 06 giải C và 15 giải Khuyến khích).

Vinh dự biết bao khi những tình cảm trong sáng, chân thành dành cho Người đã được vinh danh, chọn đi triển lãm tại quốc tế, được trao thưởng toàn quốc. Có thể kể đến tác phẩm Tranh cổ động “Ơn Bác- Người Mèo có chữ” của Họa sĩ Quách Hùng đã đoạt giải A Triển lãm Tranh cổ động toàn quốc, được chọn đi dự Triển lãm ở Ấn Độ năm 1991. Trường ca “Vầng trăng và cánh rừng” của Nhà thơ Ngọc Bái đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng thưởng toàn quốc trong Cuộc vận động, sáng tác, quảng bá các tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2008- 2009 và đoạt giải A Cuộc vận động cấp tỉnh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức trao giải vào tháng 9/2009. Tác phẩm Ảnh nghệ thuật “Vượt khó trong học tập” của NSNA Vũ Chiến và tập Bút ký “Những dấu chân qua” của nhà văn Nguyễn Ngọc Yến được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải Khuyến khích đợt I Cuộc vận động, giai đoạn 2016- 2020. Đặc biệt lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018- 2020 tại Hà Nội- thủ đô ngàn năm văn hiến do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức đã để lại những dấu ấn khó phai. 03 tác phẩm văn học: Tiểu thuyết “Cánh cung đỏ” của nhà văn Hà Lâm Kỳ; tập Khảo cứu, biên soạn “Tìm trong dân gian” của tác giả Hoàng Việt Quân và tập Truyện ký “Bản hùng ca Tây Bắc” của nhà văn Nguyễn Hiền Lương đã vinh dự đoạt 03 giải thưởng lớn: A, B, C. Cũng trong cuộc vận động này, nhiều văn nghệ sĩ của tỉnh đã có tác phẩm xuất sắc đoạt giải thưởng cao, cấp tỉnh như Nhạc sĩ Dương Nhâm, Họa sĩ Nguyễn Đình Thi, NSNA Tuấn Nghĩa, các tác giả Vũ Chấn Nam, Vũ Quý, Vũ Bờ, Hoàng Kim Yến, Nguyễn Thị Tâm, Kim Phụng… Những giải thưởng cao quý đó không chỉ là tôn vinh thành quả lao động, sáng tạo của văn nghệ sĩ Yên Bái mà còn thể hiện tình cảm sâu nặng của văn nghệ sĩ Yên Bái đối với Người- đóa sen đẹp nhất, thanh cao nhất của dân tộc Việt Nam.

Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” từ khi phát động đến nay đã được 15 năm. Bằng tấm lòng biết hơn sâu sắc, văn nghệ sĩ Yên Bái đã dâng lên người những đóa hoa thơm ngát. Giải thưởng đã khẳng định thêm một lần nữa giá trị văn hóa, sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khẳng định sự tiếp nối của dòng chảy văn học nghệ thuật, báo chí cách mạng nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Và sau tất cả, bằng tình cảm yêu kính của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ Yên Bái mong muốn lan tỏa tình cảm sâu đậm ấy thành hành động, nguyện một lòng học và làm theo tấm gương sáng của Người, chung tay xây dựng tỉnh Yên Bái “Xanh- hài hòa- bản sắc- hạnh phúc” trong tương lai. Suy nghĩ ấy, quyết tâm ấy được thể hiện thật rõ trong bài thơ “Người ở núi thương nhớ Bác Hồ” của tác giả Hoàng Việt Quân: “Người ở núi thương Bác chỉ muốn khóc/ Người ở núi nhớ Bác chỉ muốn làm/ Người ở núi yêu Bác chỉ muốn hát… Người ở núi ghét nhất/ Người nào không học theo Bác/ Người nào không làm theo Bác/ Coi như người bỏ đi”.

Đã tròn 65 năm kể từ ngày Bác Hồ thăm Yên Bái. Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, Yên Bái đang ngày càng khởi sắc, từng bước trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, góp phần cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập theo đúng lời dạy của Người. Hình ảnh cao đẹp của Người mãi khắc sâu trong trái tim, khối óc lớp lớp thế hệ văn nghệ sĩ Yên Bái. Những tác phẩm về Người đã, đang và sẽ tiếp tục ra đời, vang lên và hiện hữu khắp muôn nơi, khiến cho triệu triệu người dân Việt Nam nói chung và người dân Yên Bái nói riêng thêm hiểu, yêu, kính trọng và biết ơn Người…

M.N

 

 
 

 

 

 

(1)      Lời bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la”- Nhạc sĩ Thuận Yến

Các tin khác:

1-5 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter