Truyện ngắn của PHAN LONG ĐỊNH
Thôn Đình Thị ra đời là gắn với tên gọi ngôi đình dựng dưới gốc thị cổ thụ. Nhưng ngôi đình bị đập phá tan hoang vào những năm cải cách ruộng đất do bài trừ mê tín dị đoan. Sau này những năm sửa sai kể cả thời kỳ đổi mới nhà nước cho phép phục dựng lại, nhưng chả ai quan tâm tới nữa. Ấy thế mà cái nền đình vẫn được giữ nguyên vẹn vì đây được cho là khu đất thiêng. Chuyện đất thiêng nẩy sinh là năm đó xã xúc tiến phong trào thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Một cái trại chăn nuôi lợn tập trung được xã xây dựng ngay trên nền đình. Thế nhưng chăn nuôi không thành vì lợn bị dịch bệnh chết hết. Sau xã phải chuyển trại đi chỗ khác mới chăn nuôi được. Sau đấy có anh nhà gần đó vác mai đến đào ao thả cá cạnh nền đình. Khi cái ao được định hình thì một cơn gió lạ ào đến làm anh ta méo mồm gục xuống. Người ta vội vàng võng cáng anh lên bệnh viện huyện, đi nửa đường thì anh ta tắt thở. Về sau vợ con anh phải lấp cái ao lại mới được yên chuyện. Với lũ trẻ con thì ngược lại, năm sơ tán máy bay Mỹ, xã cho dựng lớp học vỡ lòng ngay trên nền đình ẩn dưới bóng cây thị lũ trẻ chẳng bị làm sao. Ngay cả bây giờ cái nền đình trở thành bãi đá bóng của bọn trẻ con chăn trâu thì đứa nào đứa nấy vẫn lớn lên nần nẫn.
Thôn Đình Thị có ba cánh đồng là cánh Đồng Nhội, Đồng Vải và Đồng Bông. Gọi là Đồng Nhội và Đồng Vải vì ngay giữa cánh đồng là cây Nhội và cây Vải cổ thụ mọc chênh vênh trên gò mối cao. Còn cánh Đồng Bông tách biệt bên kia suối Đình Thị. Nghe kể lúc đó thôn Đình Thị mới mọc lên tầm độ mươi nóc nhà sàn bên những cánh rừng âm u. Thấy cánh rừng bên kia suối Đình Thị màu mỡ, anh Tịch rủ em trai là anh Thụ đưa vợ con sang khai phá làm ruộng. Năm đầu tiên được mùa to, thêm mấy hộ nữa sang khai phá. Nhưng rồi liên tiếp mấy năm liền trời hạn hán mất mùa, không cấy được lúa. Người ta lại kéo nhau quay lại Đồng Nhội và Đồng Vải canh tác. Anh Tịch và anh Thụ tiếc công cố bám giữ. Vợ anh Tịch và vợ anh Thụ đưa bông về trồng trên những đám ruộng được cày bừa tơi xốp. Cây bông tốt lên bời bời, cuối năm bông thu về chất cả năm gian nhà. Mấy mẹ con chị Tịch và chị Thụ ngày đêm kéo sợi, dệt được những tấm vải đem ra chợ bán. Thu nhập từ cây bông cũng chả kém gì cây lúa. Tiếng lành đồn xa, dân buôn vải các nơi kéo đến mua hàng tấp nập. Tên Đồng Bông ra đời từ đó. Chỉ đến khi huyện cho chặn dòng đắp phai thủy lợi trên ngọn nguồn suối Đình Thị thì cánh Đồng Bông mới cấy lại được lúa nước. Diện tích cây bông cứ thu hẹp dần và mất hẳn nghề dệt vải thủ công. Nhân nhà máy dệt Nam Định tuyển công nhân, anh Tịch cho cái Lâm là đứa con gái út vừa học hết lớp bốn đi làm công nhân nhà máy dệt. Đồng Bông nhiều ruộng, nhiều đồi nhưng vướng dòng suối, khó đi lại nhất là mùa lũ nên chẳng mấy ai mặn mà chuyển nhà sang đó cả.
Nói thôn Đình Thị không có cầu bắc qua khu Đồng Bông là chưa đúng. Bởi bến nước ông Tịch đã từng hiện hữu hai cây cầu rồi. Cây cầu thứ nhất khi anh em ông Tịch mới sang khai phá Đồng Bông, các ông đã chặt cây gỗ trò to, dùng rìu đẽo phẳng một mặt, ghếch hai đầu sang hai bờ thành một cây cầu vững chãi. Lúc ấy dòng suối Đình Thị nước chảy hiền hòa quanh năm. Vào mùa mưa kể cả mưa Ngâu tháng bảy tầm tã thì con suối nước cũng chỉ dâng lên từ từ và rút dần khi mưa ngớt. Nước dòng suối được điều hòa như vậy là do phía đầu nguồn và hai bên bờ suối là những cánh rừng nguyên sinh. Cánh rừng đó đã giúp ngăn giữ lại được một lượng nước lớn. Về sau cây cầu gỗ bị mục gẫy, người ta lại thi nhau khai phá rừng thành ra chả còn gỗ to để làm cầu nữa. Cũng vì chặt phá, triệt hạ hết những cánh rừng hai bên bờ thì con suối Đình Thị mới trở nên tàn tạ và hung bạo như bây giờ. Nó tàn tạ về mùa khô dòng suối chỉ là một cái rãnh mương nhỏ, người ta thi nhau vứt các loại túi ni lông, lông gà vịt, rác rưởi, thậm chí cả xác gà, lợn dịch chết nổi lều phều, ruồi nhặng bu kín mít, rồi người ta lại xả nước thải từ các nhà máy chế biến sắn mi ni xuống suối. Nước suối chuyển thành màu đen kịt, mùi hôi thối bốc lên đến lộng óc. Ai có việc phải lội qua suối mà không rửa sạch chân cẳng thì chỉ vài tiếng sau sẽ nổi mụn ngứa gãi bằng chết. Mùa mưa đến, sau một trận mưa con suối trở nên hung bạo bất thường. Nước từ đầu nguồn, từ các nơi đổ dồn về đứng cách xa hàng cây số vẫn nghe thấy tiếng đá xô vào nhau lộc cộc, tiếng nước gầm réo ầm ầm man rợ. Sau cơn lũ những tảng đá sâu tận âm ti củ tỉ bị nước xô dạt, moi móc lên xếp dọc theo hai bên bờ suối nhìn thật hoang tàn. Lần thứ hai làm cầu, ấy là nhân xã được một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ. Xã cũng chọn ngày giờ lành và mua bản thiết kế tận dưới Hà Nội. Nhưng nghe đâu số tiền làm cầu cán bộ xã chỉ chi vào chưa đến một nửa. Thành ra ngay mùa lũ đầu tiên cây cầu đã bị cuốn phăng đi vài chục mét. Thế là Đồng Bông lại trở về cảnh ngăn cách bởi dòng suối Đình Thị.
***
Ngày Lâm được tuyển vào làm ở nhà máy dệt, cô tưởng mình sẽ sớm trở thành một công nhân đứng máy. Nhưng trái với suy nghĩ ban đầu của cô khi nhìn những cỗ máy lớn chạy rào rào đến hoa cả mắt. Nó khác hoàn toàn với cái khung cửi mà bố cô tự làm bằng gỗ cho mẹ con cô dệt những tấm vải thô ở nhà. Để vận hành được cỗ máy khổng lồ kia, điều đầu tiên là cô phải học. Với trình độ lớp bốn trường làng, viết thư gửi về cho bố mẹ còn sai chính tả thì không thể vận hành nó được. Nghĩ đến việc học cô lo lắng muốn bỏ về với bố mẹ. Nhưng rồi cô lại sợ xấu hổ với dân làng, xấu hổ với sự kỳ vọng của bố mẹ và người thân ở nhà. Thế là hàng ngày cô tham gia cùng anh chị em công nhân đóng gói sản phẩm, vệ sinh quét dọn phân xưởng. Đến đêm cô lại cùng một số người tham gia lớp học bổ túc văn hóa do nhà máy tổ chức. Thầy cô giáo dạy bổ túc cho lớp học của Lâm cũng là những công nhân trong nhà máy. Trong những người thầy đó có Kha điển trai, luôn vui vẻ tận tình. Mặc dù làm công nhân điện nhưng anh lại là thầy giáo dạy văn của lớp học. Với vốn văn học sâu sắc, giọng nói truyền cảm, nhẹ nhàng luôn thu hút học viên học tập. Sau hai năm học tập Lâm đã học xong chương trình cấp hai bổ túc văn hóa và kỹ thuật dệt tiên tiến. Điều đáng nói là giữa Kha và cô đã nảy nở mối tình nhiều cung bậc cảm xúc. Khi con bé Hồng mới bi bô tập nói thì Kha xung phong nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Giặc Mỹ đưa máy bay ồ ạt ném bom bắn phá miền Bắc, Lâm gửi con bé Hồng về ông bà ngoại. Cô trở lại tham gia trung đội tự vệ chiến đấu bảo vệ nhà máy. Ngày miền Nam giải phóng, Kha gửi lại một cánh tay ở chiến trường. Mặc dù vậy anh vẫn may mắn hơn nhiều người khác đã không trở về. Kha được bố trí vào làm việc ở bộ phận hành chính của nhà máy. Con Hồng lên mười tuổi thì thằng Quyền ra đời. Hai chị em chúng được bố mẹ nuôi ăn học đến nơi đến chốn. Con Hồng theo học sư phạm về làm giáo viên. Thằng Quyền từ bé đã dứt khoát phải vào học đại học giao thông. Ấy là từ ngày còn nhỏ chúng theo bố mẹ về quê ngoại chơi, thấy những đứa trẻ thất học nên con bé Hồng ước mơ sẽ làm cô giáo. Thằng Quyền thì khác, mỗi lần lội qua dòng suối Đình Thị nó đều ước có được cây cầu. Nhất là lần ông ngoại mất đúng vào ngày nước lũ tràn bờ. Nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, thuyền bè chẳng có, bố nó lẩm bẩm: “làm thế nào bây giờ, đúng là ngày đàng gang nước”. Đúng lúc đó, mấy anh thanh niên trong xóm dắt con trâu mộng to đến bảo mọi người cưỡi lên để nó đưa sang suối. Lượt đầu mẹ và chị Hồng nó qua suối an toàn. Lượt sau đến hai bố con Quyền, từ bé đến giờ chưa bao giờ được cưỡi trâu nên nó rất sợ. Bố ngồi sau nó chỉ có một tay vừa giữ túi đồ vừa giữ Quyền. Khi con trâu đến giữa dòng suối, một luồng xoáy như muốn nhấn chìm cả người và trâu. Quyền sợ hãi khóc thét lên. Bố Quyền vội buông túi đồ để giữ lấy con. Nhìn túi đồ bập bềnh trôi theo dòng nước, mấy anh thanh niên vội vàng bơi theo. Khi giở túi đồ ướt sũng nước ra không thấy cái ô tô đồ chơi chạy pin đâu nữa, Quyền tức tưởi thút thít khóc. Từ đấy mỗi lần thấy bố mẹ nói đến lội suối qua nhà ông bà ngoại, nhất là sau khi thấy chị Hồng thi vào sư phạm, có ai hỏi sau này Quyền làm gì, nó đều rả lời sẽ học để xây cầu qua suối nhà ông bà ngoại.
***
Từ hồi cây cầu do tổ chức phi chính phủ tài trợ bị lũ cuốn trôi. Đã hơn chục năm qua chẳng còn ai quan tâm tới nữa. Sau khi vợ chồng ông Tịch, ông Thụ chết thì chỉ còn mấy đứa con các ông án ngữ khu Đồng Bông. Khu rừng nguyên sinh xưa kia đến nay chỉ là những quả đồi trọc lốc để làm bãi chăn thả trâu bò cho bọn trẻ con. Họa hoằn lắm có những bãi xoan, bãi keo lơ thơ không ai chăm sóc. Người ta không mặn mà trồng cây lấy gỗ do chi phí vận chuyển quá lớn. Cả khoảng đồi mênh mông hơn trăm héc ta bỏ trống ai nhìn cũng thấy tiếc rẻ.
Khi xây dựng quy hoạch nông thôn mới, cũng có ý kiến đề xuất xây dựng cây cầu và mở đường sang khu Đồng Bông. Nhưng đa số ý kiến không ủng hộ, bởi vì phần kinh phí nhân dân trong thôn đóng góp không đủ để thực hiện.
Lại nói về việc học của thằng Quyền. Ngỡ tưởng nó là trẻ con nói chơi cho vui, ấy vậy mà nó thi đỗ Đại học Giao thông thật. Chú Chiến- em ruột bố nó làm Phó Giám đốc công ty Xây dựng huyện giải thể vào thời kỳ xóa bao cấp. Chú nghỉ “một cục” và rủ một số anh em nguyên là thợ trong công ty theo chú đi lên mạn ngược tìm việc làm. Thời đó người ta gọi chú là “ông cai đầu dài”. Sau một thời gian chèo lái và bằng kinh nghiệm tích lũy được, chú đã xây dựng được công ty tư nhân chuyên về xây dựng của riêng mình. Quyền tốt nghiệp đại học được chú nhận vào làm việc ngay. Có điều nhiều công trình hoàn thành nhưng chủ đầu tư nợ kéo dài gây khó khăn cho công ty, cho nên phải tìm hiểu kỹ từng công trình trước khi nhận thực hiện. Hơn nữa phải thường xuyên gần gũi chủ đầu tư để thanh toán được kịp thời. Quyền luôn được chú Chiến cho đi theo giao dịch, nên nó nắm bắt rất nhanh những kiến thức không có trong trường học. Đến khi thấy Quyền đã cứng cáp, chú Chiến giao cho Quyền giữ chức Giám đốc công ty. Còn chú đứng đằng sau làm cố vấn, chính vì vậy công ty ngày càng làm ăn phát đạt.
***
Đăng tần ngần bước chậm từng bậc cầu thang lên tầng hai. Anh hít một hơi dài và đi theo hành lang về phía phòng chủ tịch ủy ban xã. Đang định gõ vào cánh cửa kính mờ khép kín thì trong phòng Toan lên tiếng:
- Vào đi!
Đăng nhẹ nhàng kéo hờ cánh cửa lách vào. Luồng khí mát lịm từ máy điều hòa ập vào người làm Đăng khẽ rùng mình, lí nhí chào Toan:
- Chào chủ tịch!
Toan ngồi trên cái ghế xoay bọc da, trước mặt là cái bàn ngồn ngộn giấy tờ chồng đống lên nhau. Anh moi trong cái phong bì ra một tờ giấy mỏng, đập mạnh xuống bàn và cáu kỉnh nói:
- Giấy mời khởi công! Ai cho làm? Tôi phải nói với các anh bao nhiêu lần nữa hả?
- Thưa anh! Mong các anh xem lại, bà con đã tập kết đủ vật liệu rồi ạ!
- Thôi ngay! Không có khởi công khởi đồ gì hết!
- Với cả anh Quyền đã chuyển máy về rồi ạ.
- Lại anh Quyền, anh Quyền! Cái thằng vớ vẩn. Tôi đã nói với nó chưa đủ thủ tục, chưa làm được. Thế mà nó vẫn cố tình là thế nào? Mà còn anh nữa. Anh là Trưởng thôn sao lại để làm ăn thế này. Yêu cầu anh về…
- Vâng! Nếu gọi tôi lên chỉ có vậy thì chào anh! Tôi về!
Đăng bực bội quay nhanh ra cửa. Toan nói với theo:
- Tôi nhắc lại cấm các anh không được làm đấy nhé! Anh mà làm vớ vẩn là chúng tôi kỷ luật cả lũ cho mà xem!
Đăng bỏ ngoài tai những lời trịch thượng của chủ tịch xã, cưỡi lên xe máy phóng thẳng về. Đến đầu thôn, mọi người xúm lại hỏi:
- Thế nào? Ổn cả chứ?
- Vừa rồi tôi với anh Quyền lên báo cáo, Chủ tịch xã nói chưa có trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới nên không cho làm. Anh Quyền đề xuất bổ sung vào quy hoạch, Chủ tịch vò đầu bứt tai nói phải trình qua nhiều cấp nhiều ngành trên huyện lắm. Thế rồi Chủ tịch Toan gợi ý anh Quyền chuyển toàn bộ số tiền vào ngân sách để xã xây dựng trường học. Anh Quyền không đồng ý với lý do trường học đã được Nhà nước đầu tư tương đối đầy đủ, cây cầu sang Đồng Bông cấp thiết hơn. Chủ tịch Toan cương quyết nói vậy là không thể được, nếu cố làm sẽ bị kỷ luật…- Đăng thông tin lại toàn bộ cho mọi người nắm được.
- Kệ, cứ làm đại đi!
- Phải đấy, cứ làm đi trưởng thôn ạ! Xã chỉ dọa chứ còn lâu mới kỷ luật được các anh.
Chờ mọi người yên lặng, Đăng mới cất tiếng:
- Ban lãnh đạo thôn chả sợ gì xã kỷ luật cả. Có điều sợ ảnh hưởng đến anh Quyền. Nên để anh Quyền làm việc lại với xã cũng chưa muộn bà con ạ.
***
Mặt trời vẫn còn ẩn mình sau lớp sương lạnh cuối thu. Nhưng bà con thôn Đình Thị có mặt đầy đủ tại bến nước ông Tịch. Đoạn suối được chi đoàn thanh niên dọn dẹp gọn ghẽ. Những lá cờ đỏ cắm dọc hai bên bờ suối phần phật tung bay. Sự ồn ã như ngày hội của thôn Đình Thị.
Một ông cụ cao niên được thôn cử ra cúng thổ địa. Sau khi xong các thủ tục, cụ cầm cái thuổng chọc mạnh ba nhát thuổng xuống đất. Cụ quay ra nói với Đăng và Quyền đang đứng phía sau:
- Xong rồi đấy! Các anh cứ thế mà làm thôi.
Cái máy múc cỡ lớn nổ ầm ầm và vục mạnh chiếc gầu xuống đất. Từng lớp đất cát được múc lên ràn rạt. Cái hố móng cứ sâu dần theo mỗi gầu đất. Chả mấy chốc cái hố vuông vắn đã sâu quá đầu người. Bà con trong thôn đứng xung quanh ồn ã bình luận: “Ái chà! Máy làm có khác, một gầu đất có lẽ cánh thanh niên phải đào hàng tiếng đồng hồ mới xong”, “Ôi thích thật, chưa được mười lăm phút mà cái hố đã sâu thế kia cơ mà”, “Chả bù cho lần trước đào bằng sức người, móng nông choèn choèn làm gì mà cầu chả bị lũ đẩy bay đi”, “Cơ bản là công trình bị rút ruột ấy mà”…
Mọi người đang chăm chú theo dõi và bình luận thì Toan cùng mấy anh dân quân xuất hiện. Toan chỉ tay vào mặt Đăng giật giọng quát to:
- Này ông Đăng cho dừng lại ngay! Tôi đã bảo không được làm mà sao ông vẫn cố tình hả?
Nghe Toan quát, nhiều người quay lại ngơ ngác. Tiếng máy nổ ầm ầm át cả tiếng quát nên cái máy vẫn miệt mài đào đất. Toan quát một lần nữa, Đăng mới chạy lại bảo anh công nhân tắt máy. Tiếng ồn ào của bà con thôn Đình Thị nổi lên: “Ơ làm sao lại dừng nhỉ?”, “À thì ra lão Toan chủ tịch xã không cho làm”, “Mẹ kiếp!”.
Mấy cậu thanh niên chạy lại vây quanh Toan:
- Tại sao lại không được làm hả ông Toan?
- Việc của các cậu à? Hôm nọ tôi đã nói đi nói lại với trưởng thôn rồi. Chưa có quy hoạch nên chưa được làm.
- Quy hoạch, quy hoạch! Đây là tiền của anh Quyền và của dân chúng tôi bỏ ra, liên quan gì đến các ông mà các ông cấm?- Một cậu thanh niên vặc lại.
- Mày biết cái gì mà nói? Tiền nào đầu tư cho xây dựng nông thôn mới cũng phải làm theo quy hoạch hết.
Tiếng ồn ào lại nổi lên rào rào: “Vớ vẩn, chờ đến bao giờ để các ông có quy hoạch cho chúng tôi có cầu đi lại hả?”, “À! Phải rồi tiền của mình bỏ ra chúng nó không được gì nên ngăn cản ấy mà”, “Đúng đấy, đúng đấy! Như lần trước các lão ấy rút ruột hết nên cây cầu chỉ được ba bảy hai mốt ngày đã bị lũ cuốn trôi, lạ gì nữa”, “Cứ làm đi! Việc đếch gì phải sợ”.
Toan mặt đỏ gay, nạt lại đám thanh niên đang vây quanh mình:
- Này đừng nói bố láo bố lếu. Tôi bảo dừng là dừng, thằng nào làm bậy bạ cho dân quân xích cổ lại.
Một cậu thanh niên to cao lực lưỡng điên tiết xông lại túm chặt cổ áo Toan:
- Ông xích cổ ai hả? Chúng tôi cứ làm xem thằng nào dám xích hả.
Cậu thanh niên xiết chặt cổ áo làm cho Toan ằng ặc trong cổ họng, hai tay giơ lên chới với. Thấy vậy, Đăng chạy lại gỡ tay cậu thanh niên ra khỏi cổ áo Toan.
- Cậu Cao đừng làm thế!
Đăng vừa dứt lời, cậu thanh niên buông mạnh tay ra làm cho Toan lảo đảo sắp ngã. Toan mặt tái mét, nói gắt với mấy anh dân quân đang ngơ ngác đứng phía sau:
- Để người ta chống người thi hành công vụ thế mà các cậu cứ trơ mắt ếch ra đấy à?
Vừa lúc đó một chiếc xe ô tô con đi tới gần đám đông thì dừng bánh. Cửa xe bật mở, mấy người đàn ông lục tục bước xuống. Toan vuốt ngực và ngoái nhìn những người vừa xuống khỏi xe:
- Chủ tịch huyện đấy! Chuyến này mấy đứa liệu mà giải thích với lãnh đạo huyện nhé.
Nói rồi Toan xăm xăm đi đến trước mặt chủ tịch cúi xuống đưa hai tay ra định bắt tay. Nhưng chủ tịch huyện làm như không thấy Toan mà đi nhanh về phía đám đông bà con đang đứng nhìn mình, anh bắt tay Đăng và Quyền cùng những cụ cao niên rồi giơ tay vẫy vẫy chào mọi người:
- Xin chào bà con! Hôm nay tập trung đông vui quá nhỉ.
Toan tẽn tò chạy theo sau chủ tịch huyện và nói nhanh:
- Thưa anh, thôn này hôm nay làm ăn rất bậy bạ ạ.
- Sao thế?- Lúc này chủ tịch huyện như mới để ý thấy Toan.
- Dạ! Thưa chủ tịch là tự ý xây cầu qua suối khi chưa được phép của ủy ban xã ạ!
- Sao lại tự ý?
Nghe chủ tịch huyện hỏi, Toan đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì đám đông lại ồn ào mỗi người một câu. Sau khi Đăng chấn chỉnh thì tiếng ồn ào mới thưa dần. Toan vội thưa:
- Thưa anh là vì không có trong nội dung quy hoạch nông thôn mới trong giai đoạn này ạ.
Chủ tịch huyện gật đầu nói:
- Ra vậy. Anh Toan này, đồng ý là trong quá trình xây dựng nông mới phải có quy hoạch, vì nó có ý nghĩa quan trọng. Nhưng việc thực hiện phải trên cơ sở phát huy nội lực là chủ yếu, nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ. Mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ. Hình như các anh chưa bàn bạc với dân trong quá trình xây dựng quy hoạch thì phải.
Nói rồi chủ tịch huyện quay ra với bà con đang chăm chú nghe:
- Kính thưa bà con! Vừa rồi anh Quyền đây cực chẳng đã nên phải lên báo cáo với tôi. Tôi đã đồng ý để anh Quyền vẫn tiến hành khởi công cây cầu dân sinh theo dự kiến. Qua đây tôi xin lỗi bà con thôn Đình Thị vì lãnh đạo ủy ban cùng các cơ quan chức năng của huyện làm việc còn quan liêu, xa rời cơ sở quá.
- Như thế thì phá vỡ hết quy hoạch ạ!- Toan vớt vát.
- Anh Toan này! Việc quy hoạch là do con người chúng ta xây dựng lên, chỗ nào chưa phù hợp cần điều chỉnh bổ sung ngay chứ. Qua anh Quyền báo cáo, chúng tôi biết các anh ấy đã làm việc với đảng ủy, ủy ban xã hơn một tháng nay rồi. Vậy mà tại sao các anh không lên báo cáo huyện để tìm phương án giải quyết hả? Lúc đầu chúng tôi định mời anh lên huyện báo cáo sự việc, nhưng nghĩ phải xuống trực tiếp để nắm chắc tình hình hơn. Tại sao các anh lại có suy nghĩ cỏn con máy móc thế nhỉ? Vừa rồi tôi đã làm việc với một số ngành chức năng của huyện, đồng thời báo cáo với đồng chí bí thư huyện ủy và thống nhất chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực Đồng Bông của thôn Đình Thị trong thời gian tới. Hôm nay có một số đồng chí thành viên ban chỉ đạo huyện đi cùng tôi xuống đây. Sắp tới các anh cùng khảo sát, nắm chắc tình hình để điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp. Thay mặt lãnh đạo huyện xin cảm ơn Công ty Xây dựng của anh Quyền đã đóng góp cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương chúng ta. Hôm nay tôi tuyên bố cho phép công ty anh Quyền và nhân dân thôn Đình Thị tiếp tục thực hiện theo kế hoạch.
Chủ tịch huyện vừa dứt lời, tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên rào rào. Cái máy múc lại nổ ròn, mọi người cùng hồ hởi ai vào việc đó thực hiện như không có chuyện gì xảy ra. Trong khi đó Toan cùng mấy anh dân quân xã lủi thủi bỏ về từ lúc nào mà chẳng ai hay biết.
Với số tiền một tỷ đồng do Công ty Xây dựng của Quyền hỗ trợ cùng việc đóng góp công sức của bà con thôn Đình Thị cây cầu đã hoàn thành. Bà con muốn đặt tên cây cầu theo tên Công ty Xây dựng của Quyền nhưng anh từ chối và chỉ cho làm một tấm biển đơn giản mang dòng chữ Cầu dân sinh Đồng Bông gắn ngay ngắn trên trụ bê tông vững trãi.
***
Chuyện xây dựng cây cầu Đồng Bông thấm thoắt đã hơn chục năm. Qua bao mùa lũ cây cầu vẫn gồng mình chống chọi chẳng hề hần gì. Từ ngày xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì khu Đồng Bông cũng vươn mình trỗi dậy. Con đường bê tông gần chục cây số đi sâu vào tận chân núi. Những ngôi nhà xây được mọc lên dọc hai bên đường và hằng đêm ánh điện sáng lung linh huyền ảo. Những ngọn đồi trọc xưa kia, nay đã khoác lên mình một màu xanh bất tận. Cánh Đồng Bông luôn trĩu hạt khi mùa về.
Hôm nay, một mùa xuân mới mang sức sống mãnh liệt đang đến gõ cửa từng ngôi nhà người dân thôn Đình Thị. Trên những thân cây già nua núp mình trong mùa đông lạnh lẽo, giờ bắt đầu đâm chồi nảy lộc đón chào làn nắng xuân ấm áp. Cùng với đó là tình yêu thương nồng ấm của người dân thôn Đình Thị đang tỏa lan, xốn xang trong sự tự tin, háo hức trước mùa xuân mới. Thời gian trôi đi, nhiều thứ sẽ trở thành dĩ vãng, nhưng câu chuyện về cây cầu không có trong quy hoạch chắc chắn sẽ được người dân thôn Đình Thị nhớ mãi.
P.L.Đ