Cuộc sống mới ở Trạm Tấu

Ký của NGUYỄN PHƯƠNG THÙY

 

Trong thênh thang nắng vàng tháng 7, tôi về thăm lại xã Phình Hồ vùng chè Shan tuyết lớn nhất huyện Trạm Tấu, con đường bê tông như dải lụa trắng khổng lồ vắt lên đỉnh non xanh cao vời vợi, xe máy, ô tô ù ì nối đuôi nhau ngược núi. Những biển mây trắng bồng bềnh trôi trên những đồi chè Shan cổ thụ và những mái nhà người Mông lợp Proximang trắng, hay những mái tôn mới đỏ chói giữa nền xanh trắng huyền ảo khiến tôi như lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh. Phình Hồ như mặc trên mình một chiếc áo mới tinh khôi mà vẹn nguyên bản sắc.

Nhìn Phình Hồ hôm nay ít ai biết được rằng xưa để lên được với Phình Hồ cán bộ huyện chỉ có đi bộ đường rừng, phải bỏ ít nhất 3 giờ đồng hồ đi bộ từ thị xã Nghĩa Lộ lên đến trụ sở UBND xã. Cán bộ huyện Trạm Tấu mỗi lần về xã phải có thời gian ít nhất 1 tuần mới giải quyết xong công việc. Ký ức về Phình Hồ là những gương mặt đen nhẻm vì than gỗ và cả cái đầu bết cả tuần không gội, thêm những bữa ăn trộn đỏ măng ớt và cái rét cắt da cắt thịt mỗi độ đông về. Chưa kể những con đường lên thôn bản nhày nhụa bùn đất, mà các thầy cô giáo cắm bản còn ngao ngán rơi nước mắt. Người dân Phình Hồ một thời sống như biệt lập, đói nghèo và lạc hậu bởi vị trí địa lý và giao thông quá đỗi “ thê thảm” khi phải cuốc bộ đường rừng và tập quán canh tác lạc hậu, trồng lúa nương và nghiện hút thuốc phiện. Tất cả ký ức đó đã lùi xa khi đường được mở lên núi Phình Hồ

Cùng hành trình trên một chuyến xe với tôi đồng chí Nguyễn Văn Liễu- Ủy viên Ban Thường vụ, Thủ trưởng cơ quan Kiểm tra- Thanh tra huyện Trạm Tấu, nguyên là Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Trạm Tấu kể cho chúng tôi nghe hành trình của những ngày phá đá mở đường lên Phình Hồ. Đó là những tháng ngày mà những công nhân cầu đường miền xuôi tuổi đôi mươi phải đi bộ xuyên rừng đến trầy chân sứt thịt, ăn ngủ ở rừng không đếm được thời gian để tìm lối mở đường, là những ngày tháng mà sức trẻ và hệ thống chính trị cả huyện cùng tham gia phá đá mở đường lên núi, phá thế độc đạo tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn giữa 3 xã khu 3 Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Xi Láng với thị xã Nghĩa Lộ, Ông Liễu không quên hình ảnh những cụ già tuổi thất thập cổ lai hy không nén được giọt  nước mắt hạnh phúc  khi lần đầu tiên nhìn thấy ô tô về bản.

Sau gần 20 năm thông đường, xứ núi Phình Hồ đã trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn với những đồi chè Shan tuyết cổ thụ, cảnh đói nghèo xưa chỉ còn là ký ức, Phình Hồ không chỉ là nơi “níu gió, vờn mây” còn níu cả chân người. Đảng viên trẻ Giàng A Vàng, tuổi đời mới 30 nhưng sự trưởng thành chín chắn của đàn ông phố núi đã biểu hiện rõ qua từng câu chuyện kể, Vàng nói “thuở nhỏ sống trong đói nghèo mình thấy khổ cực quá, nên ngay khi Đảng mở đường cho Phình Hồ mình thấy đây chính là cơ hội để mình thoát nghèo. Vì vậy ngay khi trưởng thành và lập gia đình, mình cùng vợ tăng gia sản xuất và đưa ra thị trường những nông sản sạch và gia súc nuôi thả đồi, vì vậy kinh tế phát triển, con mình đi học trong ngôi trường khang trang và được Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để học tập, cuộc sống mới của mình đã hạnh phúc hơn.”

Tuổi còn trẻ nhưng Giàng A Vàng đã có 8 con trâu bò, đàn lợn 5 con và hàng trăm con gia cầm, thóc làm ra chở kìn kìn đi bán. Cùng bản có người già hơn là ông Giàng A Châu ruộng nương ít chỉ 4000 m2 ruộng và ít đất nương nhưng có nhiều sáng tạo trong cách làm. Đó là phân chia trồng gạo đặc sản tẻ đỏ để ăn và bán, chỗ để gieo trồng lúa lai năng suất cao để chăn nuôi. Ông Giàng A Châu chia sẻ “Thấy mọi người hăng say làm kinh tế mình cũng phải học tập, chứ mình là người già mà không gương mẫu thì làm sao giáo dục được con cháu. Đất nước đổi mới rồi. Đảng quan tâm chăm lo không chỉ cơ sở hạ tầng khang trang mà người già như mình có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, thích đi khám bệnh lúc nào cũng được, con cháu được học hành thêm nhiều kiến thức làm kinh tế, không phải lo cái ăn cái mặc vì thế mà mình sống khỏe hơn, mình cảm thấy rất hài lòng, vui và hạnh phúc.”

Cuộc sống của người dân Phình Hồ bước sang trang mới khi hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ và tiềm năng quê hương được đánh thức. Cây chè Shan tuyết không còn “ngủ yên” trên vùng đất đồi mà bật tung giá trị kinh tế khi ngày càng nhiều người biết đến. Nếu như trước đây chè Shan Phình Hồ chỉ để người dân tiện đường đãi khách đường xa và tắm cho trẻ con thì nay phải có 150.000 đồng mới có thể mua được 1kg chè Shan Phình Hồ. Hiện nay toàn xã có trên 89 ha chè Shan với sản lượng hàng năm đạt 202 tấn. Người dân Phình Hồ có thu nhập bền vững từ chè vì chè Shan Phình Hồ đã có thương hiệu riêng nổi tiếng toàn quốc, Già làng Giàng Dua Ký ở thôn Tà Chử không giấu được niềm vui, ông chia sẻ: “Trước đây tôi có nằm mơ cũng không nghĩ ra được Phình Hồ có thể thay đổi như hôm nay. Tôi thật không ngờ được rằng có ngày mình được ngồi xe máy xuống Nghĩa Lộ ăn bát phở, đi chợ mua đồ ăn ngon, quần áo đẹp rồi lại về mà chưa đầy 1giờ đồng hồ, lại còn được dùng điện thoại di động lola cho con ở tận Hà Nội, chẳng cần về mà ngày nào cũng nhìn thấy nhau để nói chuyện. Buổi tối thì điện quốc gia sáng rực, cả bản lung linh ánh điện, tiếng nhạc, tiếng hát từ ti vi, đài phát thanh rộn ràng, cả nước có sự kiện gì lớn mình cũng biết, tôi vui lắm nhà báo ạ.”

Trở về trên con đường từ Phình Hồ về thị xã Nghĩa Lộ, cả đoàn chúng tôi không ai tắt được nụ cười trên môi. Những người lãnh đạo đã gắn bó cả cuộc đời như ông Nguyễn Văn Liễu càng thêm hạnh phúc. Cả tuổi trẻ và thanh xuân của ông đã dành cho những cung đường xuyên rừng thì còn niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi thấy sự hài lòng, niềm tin và sự biết ơn của người dân vùng cao dành cho Đảng, cho những thế hệ cán bộ như ông.

Xe chúng tôi bon bon trên những con đường bê tông uốn cong như dải lụa, qua những cánh đồng thơm hương lúa mới trở về huyện để dừng chân ở xã Trạm Tấu, địa phương đã từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và gửi thư khen. Mặc dù là xã vùng cao với trên 90% dân số là đồng bào Mông sinh sống nhưng xã Trạm Tấu luôn giữ vững “top” đầu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế- xã hội, bởi nơi đây có những cán bộ đảng viên dám nghĩ, dám làm xóa bỏ những phong tục không còn phù hợp với nếp sống mới để xây dựng nông thôn mới. Người mà chúng tôi không thể nào quên chính là đảng viên Mùa A Sử ở thôn Tấu Trên xã Trạm Tấu, anh Sử được mệnh danh là “người phất cờ” cho cuộc “cách mạng tư tưởng” đưa người chết vào quan tài trong cộng đồng người Mông ở huyện Trạm Tấu.

 Người Mông từ thuở khai làng, lập bản hàng nghìn năm đều tổ chức đám tang dài ngày, treo người chết để bón cơm. Trong ký ức của anh Sử nhiều gia đình khốn đốn vì mất người lại mất của, anh Sử chia sẻ: “Tập tục đám ma để lâu ngày con cái phải mổ trâu mổ bò, mổ lợn để cúng. Nhiều gia đình nghèo phải vay mượn trả đến đời con, đời cháu không hết. Chính vì vậy khi đi học được tiếp xúc với nhiều người, rồi cán bộ về tuyên truyền mình quyết định phải thay đổi. Mình biết việc thay đổi không phải ngày 1, ngày 2 nhưng phải có người làm thì mới cải tạo được.”

Nghĩ được là làm, ngay những ngày cuối đời của mẹ, Mùa A Sử thường xuyên túc trực xin ý kiến mẹ, tình mẫu tử và sự bao dung của người mẹ với người con hiếu thuận và hiểu chuyện đã làm thay đổi tư tưởng của hàng trăm thế hệ người H’Mông ở huyện Trạm Tấu. Đáng tang mẹ đảng viên Mùa A Sử trở thành “đám ma lạ” trong cộng đồng người Mông ở huyện Trạm Tấu. Già làng Mùa A Sùng thôn Tấu Dưới xã Trạm Tấu kể: “Mọi người truyền tai nhau và đến rất đông để xem đám ma đó, vì với người Mông họ cho rằng cho người chết vào quan tài gia đình người sống sẽ không may mắn, nhưng mọi người đã phải suy nghĩ lại trước việc làm của Mùa A Sử. Gia đình họ sau khi chôn cất mẹ đã được các cấp khen vì mạnh dạn xóa bỏ tập tục lạc hậu cũ, gia đình Sử không vướng vào nợ nần, cả nhà mạnh khỏe và phát triển kinh tế. Kể từ đó thì công tác tuyên truyền đã thuận lợi hơn rất nhiều, tôi rất hài lòng và tự hào về thế hệ cán bộ trẻ hiện nay.”

Đưa người chết vào quan tài ở xã Trạm Tấu nói riêng và ở huyện Trạm Tấu nói chung giờ đây đã không còn xa lạ trong đời sống đồng bào Mông huyện Trạm Tấu. Tất cả mọi người có sự đồng thuận trước những chủ trương mang tính nhân văn của Đảng, để sau đó không chỉ người chết được đưa vào quan tài mà cả đám cưới không còn tổ chức kéo dài, không thách cưới cao, trai gái không còn bị ép gả, cha mẹ không phải còng lưng ghánh nợ vì cưới con. Trai làng, gái bản vì thế mà yên tâm học hành, xây dựng ước mơ chứ không phải lấy vợ về cho có người làm như trước đây nữa. Trẻ em gái được đến trường được khẳng định vai trò vị thế của mình trong xã hội. Chị Mùa Thị Mỷ- Chủ tịch Hội phụ nữ xã Trạm Tấu cho biết: “Đất nước thay đổi, phụ nữ người Mông được sống hạnh phúc hơn rất nhiều, chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm cho đi học miễn phí để nâng cao trình độ, được tham gia các hoạt động xã hội và được làm những việc mà mình yêu thích, những điều mà thời bà, mẹ tôi không được làm vì hủ tục. Nay trong ngày lễ như 20/10, 8/3 ngày tôn vinh phụ nữ chúng tôi được các ông chồng hay xã, thôn bản tổ chức liên hoan, chúng tôi không còn niềm vui nào lớn hơn vì mình và chị em phụ nữ được tôn trọng.”

Hơn hai thập kỷ đấu tranh với hủ tục, Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã dành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trên con đường xây dựng huyện vùng cao phát triển toàn diện mà người dân chính là trung tâm. Cuộc sống của đồng bào đã thay đổi hoàn toàn, bước sang những trang đời mới ấm no hạnh phúc hơn, không còn sống trong vòng luẩn quẩn đói nghèo và lạc hậu. Nay công nghệ số về tận bản làng, người dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật với những cây con giống chất lượng cao. Xã Trạm Tấu vì thế có những triệu phú nông dân trên núi như Giàng A Lù, Giàng Nỏ Chua, Mùa A Rua. Niềm vui của những già làng như ông Giàng A Hành được nhân đôi khi xã đang xây dựng nông thôn mới, dự kiến sẽ về đích vào năm 2025. Ông Giàng A Hành nói “Tôi rất phấn khởi khi thấy quê hương thay đổi như hôm nay, các chính sách đặc thù của Đảng cho đồng bào dân tộc thiểu số đã củng cố thêm niềm tin của đồng bào vào đường lối lãnh đạo của Đảng để từ đó yên tâm lao động sản xuất, không di cư tự do, thâm canh tăng vụ. Vẫn là ngô, là khoai sọ, là lúa nương nhưng khi vào Nghị quyết của Đảng trở thành những loại nông sản mang về thu nhập bền vững cho gia đình, thật như một giấc mơ khi chính người Mông chúng tôi hôm nay tự lái xe ô tô về bản mình. Cuộc sống mới hôm nay thật sự quá hạnh phúc. Tôi biết ơn Đảng nhiều lắm.”

Ngày mới ở vùng cao Trạm Tấu, đường thênh thang hơn, rừng phủ xanh kín núi đồi, tiếng suối chảy, tiếng gió reo hòa cùng tiếng hót lảnh lót của muôn loại chim rừng như một bản nhạc giao hưởng êm đềm và trong trẻo. Lòng người hân hoan, đất trời mở hội. Công sở, bệnh viện, trường học đã trở thành nơi người dân gửi gắm niềm tin và kỳ vọng, họ đã có thêm niềm tin vào hệ thống hành chính công khi mọi chế độ, thủ tục được giải quyết nhanh chóng, kịp thời cho người dân như chia sẻ của anh Mùa A Lao ở xã Xà Hồ: “Cán bộ ở Trạm Tấu gần dân, sát với sở, chúng tôi được thoải mái trình bày tâm tư nguyện vọng của mình và được giải đáp kịp thời, mọi thủ tục giấy tờ nhà đất, hồ sơ của con cháu ra hành chính công được hướng dẫn và hoàn tất nhanh chóng, tôi rất hài lòng vì điều đó.”

Xưa nói đến Trạm Tấu mọi người nghĩ ngay đến những cung đường đèo dốc xóc như đi ngựa, hay những bản làng người Mông heo hút. Nhưng nay nhắc đến Trạm Tấu là du khách trong và ngoài nước nghĩ ngay đến suối khoáng nóng thiên nhiên Cường Hải được ví như một tiểu Bali giữa đại ngàn xanh thẳm, hay du lịch phượt cưỡi ngựa săn mây trên đỉnh Tà Chì Nhù nơi với tay lên được đến trời như chạm chân ở chốn bồng lai tiên cảnh, nếu không cũng là nghĩ đến khu rừng nguyên sơ Tà Xùa mê hoặc như cổ tích và một đồi thông eo gió được ví như một Đà Lạt thứ hai ở Tây Bắc, một bản làng Cu Vai níu gió vờn mây đậm đà bản sắc.

Trạm Tấu còn có những thửa ruộng bậc thang- một kiệt tác của tạo hóa với  những tầng ruộng gối đầu nhau kéo dài trùng trùng điệp điệp, mùa lúa về những bậc màu nối nhau ngăn ngắt như với đến tận mây ngàn, mùa nước đổ những tầng ruộng như những “tấm gương trời” chiếu nắng vàng, chói chang in hằn màu biêng biếc của mây, những đám mây xếp tầng phủ kín các bản làng, lơ lửng trôi trên các đỉnh núi trập trùng. Ngày rọi ánh nắng, tối chiếu trăng tà, những mảnh ruộng như phím đàn có thể tạo ra được những thanh âm của mênh mông rì rào đồng quê nơi miền sơn cước.

Tất cả những kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho Trạm Tấu không chỉ làm nên một Trạm Tấu nổi tiếng là khu du lịch sinh thái mà nhờ đó người dân Trạm Tấu đã biến giấc mơ của mình thành sự thật khi hôm nay họ đang làm giàu từ du lịch, khi mỗi năm doanh thu từ du lịch của người dân là vài chục tỉ đồng, quê hương Trạm Tấu trở thành mảnh đất vùng cao nổi tiếng xinh đẹp và mến khách.

Cuộc sống mới ở Trạm Tấu hôm nay chưa dừng lại ở đây, Trạm Tấu sẽ còn tươi đẹp hơn nữa khi có cáp treo bay trên đỉnh núi Tà Chì Nhù trong tương lai gần, và Trạm Tấu được quy hoạch thành khu du lịch tầm cỡ Quốc gia sẽ trở thành một Sa Pa thứ hai của Tây Bắc. Người dân Trạm Tấu chắc chắn sẽ ấm no hạnh phúc hơn nữa khi ý Đảng hòa vào lòng dân là một.

 

N.P.T

 

 

Các tin khác:

1-5 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter