Hoang thủy

Truyện ngắn của HOÀNG THẾ SINH

 

Một chiều xuân, Thái Hà xuất hiện trong khu trang trại rừng của Bách giống như chuyện người Sao Hoả bay xuống trái đất- kỳ lạ và hoang tưởng! Thái Hà mặc váy đỏ, áo chẽn đỏ, đội mũ nồi đỏ, tay xách ví đỏ, đi giày da nâu thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng mơ hoa đang nở trắng ngần. Bách chạy ào từ sườn đồi bên kia, đứng sững trước mặt Thái Hà, giọng sửng sốt:

- Cơn gió lành nào đưa Hà tới đây thế?

- Chẳng có cơn gió lành nào sất!- Thái Hà vừa nói vừa gỡ găng tay nhét vào chiếc ví- Chỉ có cơn điên đưa mình tới đây.

- Cơn điên?- Bách nghe giọng nói lạnh lùng và lạ lùng của Thái Hà, trong lòng thấy khó chịu, nên cứ lặp bặp- Cơn điên á? Hay là...

- Bách tưởng mình điên chứ gì?- Thái Hà nhìn thẳng mặt Bách, giọng vẫn lạnh lùng- Có thể lắm! Nhưng mình không vô tình đâu! Mình nhớ các bạn, nhớ rừng núi, nơi chắt chiu làm nên máu thịt và cuộc đời khốn khổ của mình...

Bách đứng lặng, nhìn như hút hồn vào Thái Hà. Giời ạ! Bách thầm nghĩ, bạn ấy rừng rực như một bó đuốc thế kia! Vẫn cái miệng trái đào mọng đỏ, xinh ơi là xinh, mũi thẳng, đôi mắt đen thẳm mơ màng dưới tràng mày dài và xanh rì không hề tỉa tót, nom càng thăm thẳm như vực sâu, muốn nhấn chìm tất thảy lũ đàn ông si tình và háu gái... Nhưng dáng vẻ kiêu sa và lạnh lùng của Thái Hà khiến Bách khó chịu, muốn xa lánh. May thay, nỗi "nhớ bạn, nhớ rừng núi" của Thái Hà đã níu chân Bách lại, đối diện với người bạn chẳng mấy mặn mà. Còn nhớ mãi hồi học lớp Mười, cả lớp đi rừng chặt nứa đem về đan vách lớp. Một số bạn thì vác bộ tắt cánh đồng Mường Lò, còn Bách và một số bạn, trong đó có Thái Hà thì đóng chung mảng, thả xuôi theo Ngòi Thia. Phải thú thật, ngày ấy Bách mê đắm Thái Hà lắm, nhưng nhát, cứ thấy hai hãi, chỉ sợ các thầy cô giáo và các bạn biết thì chết. Thế nên Bách thường nhìn trộm Thái Hà, nhìn từ xa cơ, chẳng dám đi gần bao giờ. Cho nên khi Thái Hà bắt đóng chung mảng nứa, Bách vừa sung sướng vừa sợ hãi, cứ lúng ta lúng túng, buộc mấy cái lạt đều đứt bung. Thái Hà liền cong cớn: "Con trai gì mà vụng về đến thế!" và cười hí hí như trêu ngươi. Bách giận dỗi, đạp bó nứa ra, nhìn trừng trừng cái người coi thường mình. Chợt Bách kêu ối ối, rồi chạy lại một tay nắm lấy cổ chân Thái Hà, tay kia gỡ con vắt to phình đang bám trên bắp đùi trắng tươi ném ra dòng suối. Thái Hà khiếp quá, ngã trên tảng đá, hai chân giãy lên đập ùm ùm xuống nước. Bách giữ chặt chân của Thái Hà, nhổ bãi nước bọt vào bàn tay rồi xoa xoa lên vết vắt cắn còn đang rỉ máu. Mấy bạn gái xúm xít xung quanh, ai nấy mặt tái mét. Bách lại nhỏ bãi nước bọt nữa vào bàn tay, rồi ấp cả bàn tay lên vết vắt cắn trên đùi Thái Hà, xoa xoa... Bỗng Thái Hà giật chân lại, giơ tay tát đánh bốp vào má Bách, giọng cong cớn: "Xoa gì mà lâu thế! Đừng có mà mon men!". Bách sững người, đưa tay ôm má. Mặt Bách tái mét, nước mắt ứa ra vì giận và xấu hổ. Về nhà, suốt đêm ấy Bách không ngủ được, cứ nghĩ tại mình xấu trai nên mới bị Thái Hà đối xử như vậy. Và bài học đầu tiên trong đường đời còn non nớt mà Bách nghĩ ra là, đừng bao giờ mon men đến chỗ con gái xinh đẹp!

Chuyện ấy xì xào mãi cho đến cuối khoá học, rồi cũng qua đi. Mỗi đứa đi một ngả, đứa vào sư phạm, bách khoa, đứa vào trường y, trường luật, Thái Hà đỗ Đại học Mỹ thuật công nghiệp, còn bọn con trai hầu hết đi bộ đội. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bọn con trai trở về, cũng vào đại học cả. Bách học trường Đại học Nông nghiệp, tốt nghiệp ra trường về công tác ở Lâm trường Nậm Thoong, chuyên lo chuyện trồng rừng.

Rồi bất ngờ gặp Thành, cũng bạn học xưa, rủ thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Mộc Hoa (thường gọi là Công ty Mộc Hoa, những bạn hàng thân thuộc thường gọi Công ty Thành- Bách), đến nay đã trên chục năm, nổi tiếng về sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, có gần chục đại lý nằm rải từ Việt Trì- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh- Huế, từng tham gia Hội chợ ở Paris và xuất khẩu không ít mặt hàng sản xuất từ gỗ pơ mu và gỗ dổi đen ra nước ngoài. Nhờ tài khắc gỗ, tuyển thợ, mở rộng quy mô sản xuất của Thành và cái duyên kỳ lạ trong việc thẩm tranh và giao dịch trong thương trường của Bách, đã làm cho cái "gia tài" Công ty Mộc Hoa phất lên nhanh chóng. Thành thì khỏi nói, rõ là ông chủ Công ty, giàu sang, đam mê nghề và kinh doanh, biết dùng tiền như ông tướng dùng binh vậy. Còn Bách, chẳng biết làm sang, có nhiều tiền liền đem mua đất rừng, lập trang trại: khoanh nuôi và bảo vệ rừng nguyên sinh, trồng cả một rừng mơ hàng ngàn cây, rừng nhãn mênh mông giăng từ chân Đèo Hươu sang tận chân núi Tu Lình, ở đấy có cả một cái đầm nước tự nhiên rộng gần chục héc-ta ngay chân núi. Tất cả các nguồn sinh thuỷ nơi rừng núi hoang sơ trên dãy Tu Lình, kế đó là dãy Khau Pả, Mã Sơn, đều đổ về đây qua ba thác đá là thác Hoa, thác Tu Lình, thác Mộc Thiên, khiến cho đầm Tu Lình đầy ắp quanh năm và trong xanh, mát lịm. Xung quanh đầm vẫn nguyên rừng già, đây đó những cây chò chẳng biết bao nhiêu tuổi, cao vút lên, toả bóng xanh giữa lưng trời- Bách gọi chúng là Thần mộc thiên! Sơn ca muôn loài đến đây hót líu ríu từ bình minh cho đến tối. Thỉnh thoảng lũ khỉ rủ nhau xuống đầm tắm, rồi lại kéo nhau lên cây hái quả, trèo cả lên các mỏm đá cao trên sườn núi, bám dây đu từ cây này sang cây kia như trẻ con chơi đu vậy. Đầm vốn nhiều loài cá núi như cá sộp, cá trạch, cá sỉnh, cá ngựa vằn... Bách còn thả xuống đấy hàng vạn giống cá chép, trôi, trắm, rô phi, cứ thả đại xuống cho họ nhà cá thêm đông đúc, cho các chàng- nàng mê mải câu kẹo vào những ngày thứ bảy, chủ nhật. Bách còn thả tự do một lũ gà, ngan, vịt. Xung quanh đầm Tu Lình, Bách cho làm một số lều lán để du khách tránh mưa nắng, hoặc nghỉ ngơi sau những giây phút thoả sức lên rừng săn bắn, xuống đầm bơi lội. Dưới chân núi sát với đường cái, Bách cho dựng một nhà sàn lớn, đủ cho cả chục du khách ăn nghỉ với vài tiện nghi như ti vi, cát sét và các đồ dùng sinh hoạt khác... Những năm tháng vừa công tác, vừa tham gia sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, giao dịch đây đó, Bách vẫn thường thăm hỏi Thái Hà mỗi khi gặp bạn bè. Được biết, Thái Hà tốt nghiệp ra trường cũng là lúc bố về hưu, đưa mẹ và các em Thái Hà về Hà Nội sinh sống (Thái Hà là kết quả tình yêu của chàng trai Hà Nội và cô thôn nữ Thái Mường Lò xinh đẹp). Trong khi tất tưởi ngược xuôi tìm việc làm thì Thái Hà gặp Phương, một chàng trai vừa đẹp trai, vừa hào hoa. Phương đang làm nghiên cứu sinh Vật lý bên Nga, là con thứ của một gia đình cán bộ giàu có ở Hải Phòng. Tình yêu sét đánh làm cho Thái Hà mê muội và lãng quên mọi khát vọng nghệ thuật. Cưới nhau xong, Phương lại sang Nga, rồi bỏ Nga sang Đức buôn bán, làm ăn cùng một nhóm công nhân xuất khẩu lao động. Thái Hà không biết việc đó, chỉ biết hàng tháng lĩnh tiền của chồng gửi về, nằm dài, ăn dài ở nhà bố mẹ đẻ, rồi sinh cái Nét (tên con gái của Thái Hà tự đặt). Năm cái Nét ba tuổi, đã bi bô nói chuyện, gọi rõ ông bà, bố mẹ, thì Thái Hà nhận được thư với mười lăm ngàn đô la và đơn xin ly hôn của Phương từ Đức gửi về qua một người bạn. Như bị sét đánh, Thái Hà nằm vật ra, chết lặng trong nước mắt. Sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ, Thái Hà dứt khoát ký vào đơn ly hôn và định quăng cả mười lăm ngàn đô la vào bếp lửa. Sau nghe bạn bè, Thái Hà giữ số tiền ấy, tìm mua một căn hộ xuềnh xoàng gần ngoại ô thành phố, vừa làm nơi ở của hai mẹ con, vừa làm xưởng vẽ. Thái Hà tự giam mình trong bốn bức tường, không bao giờ khóc, cười và vẽ như một sự giải sầu, chẳng bức tranh nào nên hồn. Thế rồi, ma đưa lối quỷ dẫn đường làm sao đã biến Thái Hà thành người vẽ rong. Từ lời giới thiệu của bạn bè, Thái Hà quen với khá nhiều quan chức các tỉnh. Trước nghệ sĩ, lại là người đẹp mê hồn như Thái Hà, ông nào cũng muốn có một bức chân dung mình do chính người đẹp vẽ, vừa hãnh diện, vừa được dịp ngắm người đẹp, mà người đẹp bị bội tình chắc vẫn còn đau khổ và cô đơn lắm, biết đâu... Những bức chân dung của các ngài ra đời khá đẹp, nhưng không đẹp bằng cái giá mà các ngài trả cho người đẹp nghệ sĩ. Có ngài tỏ ra sành điệu nghệ thuật, không yêu cầu người đẹp vẽ chân dung, mà vẽ tranh phong cảnh toàn cảnh khu trụ sở cơ quan chẳng hạn. Vâng, thì phong cảnh trụ sở cơ quan, cao tầng, bóng cây, xe Pháp, màu cứ lên bộn bề, sướng cả mắt. Chả ra tranh nghệ thuật, nhưng cái giá mà các ngài trả cho người đẹp vẽ bức tranh ấy, theo cách thật nghệ thuật: giá cao và đặc biệt tình cảm. Nhưng cũng không bao giờ nhận được ở Thái Hà một nụ cười chia sẻ! Cứ thế, Thái Hà lăn vào cuộc đời, bất cần, miễn là có nhiều tiền, rồi mua nhà lầu, xe máy, rồi gửi con và chu cấp tiền để ông bà già nuôi cháu. Bạn bè bắt đầu lo sợ cho Thái Hà, nhưng không lo sợ việc Thái Hà làm bằng tâm tính của Thái Hà đã bị thay đổi hẳn. Không còn là Thái Hà vô tư, yêu đời, cong cớn mà đằm thắm như xưa nữa. Bây giờ là một Thái Hà kiêu sa, lạnh lùng và không bao giờ cười, chấm dứt nụ cười từ lúc ghì bút ký vào đơn ly hôn. Hơn hai mươi năm qua, Thái Hà đã không khóc, cũng không cười. Có lần Bách đã nói trước bạn bè nhân ngày hội trường rằng, Thái Hà đang trong tình trạng tâm lý khủng hoảng và nguy hiểm! Bạn bè phì cười. Bách thì cố lý giải rằng, không khóc, không cười, đó chỉ là một sinh vật không có tâm hồn, không có linh hồn. Mà không có tâm hồn thì không thể có lòng nhân ái, không thể có tình yêu đích thực, không thể nào biết hưởng thụ những vị ngọt ngào hay cay đắng của cuộc sống con người. Không có tâm hồn nghĩa là sẽ không có linh hồn. Không có linh hồn thì sống đấy mà như không sống, như cây nến không có bấc làm sao đốt cháy, còn như sau này, làm sao siêu thoát, nghĩa là tuyệt diệt, không có sự tiếp nối nào hết... Nghe thế, bạn bè không cười nữa, ai nấy thật sự lo lắng cho Thái Hà. Về nhà, sau khi trao đổi với Thành một cách thẳng thắn về trách nhiệm tình bạn, Bách đã viết thư gửi Thái Hà, nói hết mọi điều và mời bạn hãy trở lại miền sơn cước này, làm một cuộc điền dã dài dài để suy ngẫm và sáng tác. Ít ngày sau, Bách nhận được thư Thái Hà với mấy lời cộc lốc và tức như bò đá:... “Tôi đã chết đâu mà các bạn phải thương hại đến thế!". Thì thôi, chả dám mon men! Bách hậm hực nghĩ, rồi cũng quên đi trong bộn bề công việc...

Nào ngờ, Thái Hà đang đứng trước mặt Bách đây, cứ như từ Sao Hoả bay xuống vậy. Giữa khoảng lặng hồi tưởng, một câu hỏi nhức nhối cứ trồi lên trong óc Bách: "Nàng như cây nến căng đầy, nhưng có bấc không để mà đốt cháy?". Nhìn sâu vào đôi mắt đen thẳm của Thái Hà như thăm dò ý tứ, Bách nói:

- Về đây, bạn cứ coi như trở về nhà mình, Bạn được tuỳ ý.

- Thế còn vợ con Bách?

- Đang ở đại lý Hải Phòng với anh bạn của mình.

- Hừ, tin bợm mất bò!- Thái Hà có ý chê trách.

- Mình biết yêu thì cũng biết tin tưởng. Thôi, ý bạn sao đây?

- Nếu có thể...- Giọng Thái Hà bỗng lắng xuống- Nếu có thể, đêm nay Bách đưa mình ra bến sông Hồng. Mình muốn vẽ...

Đêm nay như bao đêm, nhưng vô cùng đặc biệt đối với Thái Hà. Theo chỗ bạn bè được biết, rằng chưa bao giờ Thái Hà đi sáng tác tranh nghệ thuật. Điều này khiến Bách rất xúc động. Ra đến bến sông, trăng bắt đầu nhô lên khỏi luỹ tre bờ bên kia. Bách đốt bó đuốc cháy sáng rực, soi cho Thái Hà dựng giá vẽ và pha màu. Ánh trăng vàng chảy tràn trên bờ cát, chạy tràn ra lòng sông lấp loáng. Thái Hà lặng đi giây lát, rồi bàn tay mềm mại đưa những nét vẽ mờ tỏ, càng lúc vẻ mặt Thái Hà càng đam mê, đắm đuối. Bức tranh có tựa đề "Đêm Vàng" của Thái Hà, theo cảm nhận riêng của Bách là tuyệt vời, được sáng tạo trong bối cảnh như vậy. Và mấy ngày đêm sau đó, Bách đã âm thầm viết một bài thơ cho dù chẳng phải nhà thơ, trong đó có mấy câu: "Em đam mê với gam màu nóng lạnh/ Đuốc bập bùng như ngọn lửa hoang sơ/ Đêm vũ trụ nhập vào ngọn bút/ Em vẽ ào nét thực nét mơ/ Em cứ vẽ tràn cả ra bờ cát/ Cát ngàn năm mặn đến bất ngờ/ Em cứ vẽ tràn cả lên mặt đất/ Đất ngọt ngào hương cỏ non tơ/ Em cuống quýt hoá thân vào trời đất/ Chợt hiện ra trăng Mười sáu- sững sờ/ Trăng Mười sáu ôi chao tròn trịa nhú/ Như xửa xưa/ Xửa xưa/ Xửa xưa...". Bách giấu nhẹm trong túi áo ngực. Suốt cả tuần ở trang trại, ngày nào Thái Hà cũng đi khắp các cánh rừng già, trèo đèo, lội suối, vùng vẫy bơi lội trong đầm Tu Lình, rồi vẽ, lúc ban mai khi chiều tối. Một sớm mai, rừng núi còn mờ mịt hơi sương, rừng mơ như có tuyết phủ trắng xoá một vùng. Thái Hà đã vục dậy, chạy mấy vòng quanh ngôi nhà sàn, rồi hăm hở leo ngược dốc vào đầm Tu Lình. Mặt trời cũng đã ngự trên đỉnh núi, toả muôn ngàn ánh hào quang rực rỡ xua tan sương mù, để lộ dần vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, sơn ca hót ríu ran chào đón ban mai. Đứng trên phiến đá khá bằng phẳng dưới gốc cây vải guốc cổ thụ sum suê lá, Thái Hà cởi chiếc áo khoác ngoài, xoa xoa hai bàn tay lên ngực, rồi cởi bỏ cả quần áo, giậm chân nhảy tùm xuống làn nước xanh ngắt vẫn còn đang toả mờ sương khói. Thái Hà vùng vẫy một lúc rồi bơi ngược lên phía dòng thác Tu Lình. Lúc đầu cảm giác lạnh, sau Thái Hà thấy ấm dần. Thấy có người bơi lội, mấy con khỉ từ đâu trong hốc đá cũng nhảy ùm xuống đầm. Thái Hà ngoảnh nhìn, rõ là đôi vợ chồng khỉ với con khỉ con cứ bám riết lấy lưng khỉ mẹ. Bất giác, Thái Hà vung cả hai tay té nước vào lũ khỉ. Chúng tròn mắt, giơ tay che mặt, kêu khẹc khẹc. Và cũng thật bất ngờ, lũ khỉ quay sang té nước vào nhau và té cả về phía Thái Hà, vừa té nước, chúng vừa đùa giỡn, kêu chí choé. Thái Hà bật cười, tiếng cười giòn và lanh lảnh như tiếng rung của chuông đồng. Một lúc, chắc là thấm rét, lũ khỉ leo lên bờ vẫy nước, rồi kéo nhau chạy ngược lên hang núi. Thái Hà vẫn té nước về hướng mấy con khỉ chạy và cười ngặt nghẽo. Khi mấy con khỉ đã mất hút trong hang núi, Thái Hà mới lội ngược vào tận dòng thác, để cho nước xối thẳng vào đầu, lạnh toát. Thái Hà đứng thẳng dậy, dang tay nhìn về phía mặt trời, đón ánh nắng ban mai toả lấp lánh trên thân thể. Trái tim đập thình thịch bởi đã lâu lắm rồi, bây giờ Thái Hà mới lại nhận ra chính mình, như một thiếu nữ, bầu vú căng đầy sức sống, dưới đấy một miền xanh rì và mông nở, với cái eo thon... Thái Hà ngửa cổ uống ba ngụm nước mát lành, thầm cảm ơn thiên nhiên trong lành đã ban tặng những phút giây sung sướng, tự do và yêu sống đến ngây ngất. Quên hết, Thái Hà cứ để dòng nước mát lạnh xối mãi xuống thân thể, cho đến lúc cái lạnh bao bọc khắp thân thể như một khối bao bằng nước đá, Thái Hà đổ ụp xuống, trôi tuột ra đầm sâu. Như có linh tính mách bảo, Bách rời Công ty ngay đầu giờ làm việc và phi xe máy như bay vào trang trại. Nghe rõ tiếng cười lanh lảnh trên đầu thác Tu Lình, rồi im bặt. Bách chạy thục mạng lên đầm nước, vắng người, chỉ thấy mấy con khỉ cứ chạy cuống cuồng, kêu chéc chéc ầm ĩ cả lên, rồi vơ đất đá ném xuống đầm. Chợt nhìn thấy đống quần áo trên tảng đá, Bách hiểu ra, vội nhào xuống nước, lặn mấy hơi thật dài, phải mở mắt nhìn mới thấy Thái Hà. Bách vác Thái Hà trên vai chạy một lúc, rồi lấy váy bọc thân thể lạnh cứng của bạn và xoa liên hồi lên ngực. Cho đến lúc trái tim đập trở lại, ngực Thái Hà phập phồng hơi thở, Bách ôm Thái Hà đặt tựa vào gốc cây vải guốc, rồi vội vàng vơ lá khô, cành cây khô gom lại thành đống, lẩy bẩy lần tìm bật lửa ga, đốt lửa. Bách cởi áo ướt và các thứ trong túi ra hong cho khô. Cứ để trần, Bách ngồi cạnh Thái Hà, giữa hai đống lửa đang cháy rừng rực. Thái Hà ấm dần trở lại, hơi thở đều đều, đôi mắt mở to nhìn chằm chặp vào bộ ngực vạm vỡ của Bách, lại nhìn ra mênh mông núi rừng đang tràn đầy nắng, và tiếng chim hót. Thái Hà ngỡ trong mơ, như đang lạc vào một thế giới khác, một thế giới hoang sơ nhưng yên lành và tin cậy. Bỗng Thái Hà quàng tay ôm cổ Bách, rồi úp mặt vào ngực Bách bật khóc, tiếng khóc như bị nén giữ nghẹn ngào, nức nở. Bách vốn vụng dại trước đàn bà, chẳng biết dỗ dành Thái Hà thế nào, đành nói:

- Thôi đừng khóc nữa! Qua rồi, có gì mà sợ!

- Không, không phải mình sợ!- Giọng Thái Hà run run, đẫm nước mắt- Mình tủi thân quá!

- Tủi thân!- Bách hỏi lại một cách ngớ ngẩn.

- Bách chẳng hiểu gì về đàn bà!- Thái Hà khẽ véo tai Bách.

- Vâng, chẳng hiểu gì sất! Chỉ biết có một nàng tiên "ngủ nuy" dưới đáy đầm Tu Lình...

Thái Hà véo tai Bách, cười ngượng nghịu. Không nói ra nhưng trong lòng Bách vô cùng sung sướng vì Thái Hà đã khóc lại cười, có nghĩa là tâm hồn Thái Hà chưa chết, là người có linh hồn, đáng được yêu thương và lại biết yêu thương, có tâm hồn Thái Hà sẽ có cơ hội trở thành hoạ sĩ đích thực... Bách sẽ cho bạn bè biết điều này.

Bách để Thái Hà ngồi tựa vào gốc cây vải guốc, trở xuống nhà sàn lấy quần áo ấm cho bạn. Thái Hà ngúc ngắc đứng dậy, mặc lại quần áo, rồi ngồi hong áo cho Bách. Thấy mấy mẩu giấy nhàu nát, Thái Hà cầm lên xem. Trời ơi!- Thái Hà thốt lên: Bách tặng mình cả một bài thơ hay thế này ư? Lại gì nữa đây? Thái Hà cầm mảnh giấy, khẽ đọc: Hôkusai là nhân vật khổng lồ, một ngọn núi Phú Sỹ trong văn hoá và nghệ thuật nước Nhật thế kỷ 19... Năm 1834, tựa đề cho bộ "100 cảnh núi Phú Sỹ", ông viết rằng, tới khi 50 tuổi tôi đã trình bày rất nhiều tranh, song tất cả những gì tôi tạo ra được trước khi đến tuổi 70 đều không đáng kể tới. Mãi năm thứ 73 của đời mình tôi mới bắt đầu hiểu phần nào bản chất của tự nhiên, của cây và hoa, súc vật, chim và cá và côn trùng. Với 80 tuổi tôi sẽ đi thêm được một chút và 90 tuổi tôi sẽ đi vào tới bí mật của sự vật. Rồi khi 100 tuổi chắc chắn tôi sẽ đạt tới giai đoạn tột đỉnh bậc thầy và với 110 tuổi thì tất cả những gì tôi tạo ra mỗi một cái chấm, mỗi cái nét đều sống động. Ai mà sống lâu như tôi sẽ xem xem lời tôi có đúng không?

Đọc xong, Thái Hà ngẩng đầu nhìn khắp rừng mơ trắng ngần, nhìn lên đỉnh Tu Lình- Khau Pả- Mã Sơn xanh thắm giữa trời, thì thầm: Hôkusai kính mến!  Con ước được sống tới trăm năm không chỉ để hiểu bản chất sự vật, hiểu nghệ thuật, mà để hiểu biết thấu đáo về chính con người. Cảm ơn dòng hoang thuỷ giữa núi rừng hoang sơ và trong lành tuyệt vời kia đã giúp tôi hiểu thêm chính mình, hiểu thêm bạn bè và biết tin yêu, giữ gìn cuộc sống...

Chẳng kịp đợi Bách mang quần áo lên, Thái Hà chạy vào lều cỏ, lấy giá vẽ dựng ngay ven đầm Tu Lình. Nét vẽ đầu tiên trong ban mai này được Thái Hà phác hoạ chính là những dòng hoang thuỷ trong lành được chắt ra từ ngàn xanh, ngàn xưa vô giá!

                                                                            

                                                                              H.T.S

                                       

 

Các tin khác:

1-5 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter