Một ngày với Đồng Khê

                            Ký của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

 

Trong chuyến đi thực tế sáng tác cuối năm 2022 này, tôi dành trọn vẹn một ngày cho Đồng Khê, xã thứ hai của huyện Văn Chấn vừa cập chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Gần, được biết, Đồng Khê được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Đại hội Đảng bộ xã Đồng Khê lần thứ XXII, nhiệm kì 2020- 2025, ra Nghị quyết chuyên đề, duy trì các tiêu chí nông thôn mới theo chuẩn và hoàn thành nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, song đến cuối năm 2022, Đồng Khê đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trước một năm so với Nghị quyết Đảng bộ xã.

- Anh có thể cho biết kết quả cụ thể của từng tiêu chí được không?- Tôi hỏi Chủ tịch Nguyễn Xuân Gần. Anh tươi cười bảo:

- Xin thông tin cho nhà báo biết ngay. Đầu tiên là nói về thu nhập của người dân, vì nông thôn mới nâng cao là phải nâng cao thu nhập, mức sống cho nông dân. Hiện tổng thu nhập bình quân đầu người dân Đồng Khê là 47,6 triệu đồng/người/năm, tăng 11,4 triệu đồng so với năm 2020. Nâng cao thu nhập cũng đồng nghĩa với giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2020   9,5% cuối năm 2021 giảm xuống còn 4,79% theo chuẩn cũ và là 14,16%  theo chuẩn mới, đến cuối năm 2022 chỉ còn 7,4% theo chuẩn mới. Thứ hai, là nông thôn mới nâng cao thì bộ mặt nông thôn phải thay đổi rõ rệt. Đó là đường, là nhà ở, là điện, là môi trường sống của người dân. Trước hết nói về đường, Đồng Khê có tổng chiều dài các tuyến đường quốc lộ, liên thôn, ngõ xóm là 39,1km; trong đó 5,5km quốc lộ 32 được thảm bê tông nhựa; 16,7 km đường liên thôn đã được bê tông hóa 15,2 km, nền đường rộng 5m, mặt đường 3,5m; 16,9 km đường ngõ xóm đã bê tông hóa 16,5km chiều rộng nền đường 4m, mặt đường 3m, chỉ còn lại 400m cấp phối sẽ bê tông hóa trong năm 2023; đã lắp được 30 biển báo giao thông tại các trục đường thôn và liên thôn; 9/10 tuyến đường thôn có điện chiếu sáng với tổng chiều dài trên 28km; 20,1km thôn được trồng hoa, cây cảnh, cây bóng mát. Về điện, tại địa bàn xã 7 trạm biến áp công suất từ 100-400 KVA, hệ thống điện lưới Quốc gia đã được kéo đến 10/10 thôn, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia trong sinh hoạt và sản xuất đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định. Về nhà ở, trên địa bàn xã không có nhà tạm, nhà dột nát, 100% nhà ở của dân đều đạt tiêu chuẩn của Bộ xây dựng quy định, càng ngày càng nhiều nhà xây kiên cố nhiều tầng hoặc kiểu nhà vườn. Để phục vụ cho giao thương, buôn bán, chợ Đồng Khê được đầu tư xây dựng mới với tổng diện tích sàn 2.485m2, diện tích xây dựng là 561,4m2, lòng nhà rộng 20,4 m; diện tích tối thiểu cho một điểm kinh doanh trong chợ là 16,2m2. Còn về bảo vệ môi trường, người dân tích cực, đồng lòng, chung tay bảo vệ môi trường, thay đổi hẳn tập quán sinh hoạt tùy tiện, không vứt rác bừa bãi tại các khu vực công cộng, cống rãnh thoát nước. Hàng tháng đều tổ chức ngày thứ 7 tổng vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, khu công cộng. Đã có 52% số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn, rác thải tại nguồn. Chất thải thực phẩm hữu cơ được dùng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi; chất thải có khả năng tái chế được thu gom bán cho các đơn vị thu mua phế liệu; chất thải rắn nguy hại thu gom vào các thùng phuy sắt có nắp đậy, để thực hiện xử lý quy định. UBND xã cũng đã ký hợp đồng với Ban quản lý nước sạch và Vệ sinh môi trường vận chuyển chất thải rắn vào Sơn Thịnh xử lý. Nước thải sinh hoạt được các hộ gia đình xây bể tự hoại để thu gom, xử lý, không để chảy tràn gây ô nhiễm môi trường. Xã cũng duy trì 75 lu thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng và các vườn trồng cây ăn quả để xử lý. Trên địa bàn xã có 10 cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu; chế biến chè; sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, xe máy, sản xuất đá vật liệu xây dựng đều có hồ sơ về bảo vệ môi trường. 755 hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại nằm cách biệt với nhà ở, chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh. Trên địa bàn có 9 nghĩa trang xây dựng theo đồ án quy hoạch được phê duyệt; hệ thống hạ tầng nghĩa trang được đầu tư đảm bảo vệ sinh môi trường; mai táng phù hợp với quy định. Tại các khu công cộng như sân chơi, nhà văn hóa các thôn, bản đều được trồng cây bóng mát là các loại cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích. Để nâng cao chất lượng môi trường sống xã xây dựng 3 công trình cung cấp nước sạch, ngoài ra còn có các nguồn cấp nước sạch quy mô nhỏ theo hộ gia đình, đảm bảo đạt 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh theo quy định. Các tổ chức đoàn thể thường xuyên vận động, tuyên truyền hộ gia đình xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thay đổi thói quen, tập tục lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Hội Phụ nữ xã phát động phong trào hộ gia đình đảm bảo 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Những hộ thiếu vốn có hoàn cảnh khó khăn được xã xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ nguồn ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng các công trình vệ sinh. Đến nay xã Đồng Khê đã thực sự Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp, được UBND tỉnh Yên Bái công nhận xã đạt chuẩn “Vệ sinh toàn xã”.

- Còn về văn hóa, giáo dục thì sao?

- Trên địa bàn xã có 03/03 đơn vị trường học, trường Mầm non, trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở đều đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, đang phấn đấu để trường THCS đạt chuẩn mức độ 2. Trẻ 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 100%; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt tiêu chuẩn về huy động trẻ khuyết tật có khả năng học tập, hòa nhập ra lớp. Toàn xã có 10 đội bóng đá Nam, Nữ; 06 đội bóng chuyền hơi; 09 đội văn nghệ của các thôn, 6/10 thôn được triển khai lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời. Các nhà trường trên địa bàn xã cũng đều thành lập các CLB thể thao, văn nghệ cho học sinh luyện tập, biểu diễn các điệu múa, điệu khắp của đồng bào dân tộc Tày. cũng có điểm phục vụ bưu chính, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các dịch vụ bưu chính. Đài truyền thanh của xã, công suất 50W phát tin tới 11 cụm loa đặt tại các thôn. Ngoài ra còn có 11 điểm văn hóa công cộng được lắp đặt hệ thống wifai miễn phí; gần 60 % nhân dân trong xã sử dụng điện thoại thông minh. Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95,1%. Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 98,46%. Tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt 41,2%. Về xây dựng nếp sống văn hóa và nâng cao chỉ số hạnh phúc, năm 2022 có 1.350/1.485 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, hạnh phúc; 10/10 thôn được công nhận danh hiệu “Làng, bản, tổ dân phố văn hoá, hạnh phúc”; xã được công nhận là “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” đạt chuẩn văn hoá. Năm 2022, Đồng Khê là 1 trong 8 xã của huyện thực hiện Đề án chuyển đổi số. Tại trụ sở xã có 24 máy vi tính nối mạng Internet; 100% cán bộ công chức xã có địa chỉ hòm thư điện tử công vụ để gửi và nhận văn bản; ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và các phần mềm quản lý điều hành rất hiệu quả, giúp công tác chỉ đạo điều hành hoạt động của UNND đảm bảo tốt. Bộ phận hành chính công của xã thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân theo chế độ một cửa liên thông, chất lượng giải quyết ngày càng được nâng lên, đa số hồ sơ được tiếp nhận đều được giải quyết đúng hạn và trước hẹn, không để xảy ra khiếu nại vượt cấp.

- Còn tổ chức sản xuất thì sao anh?- Tôi hỏi. Chủ tịch Gần trả lời ngay:

- Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương, xã đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp, lựa chọn những cây, con giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất tập trung; phát triển chăn nuôi đại gia súc gia cầm; về cây lúa, 70% giống lúa thuần chất lượng cao, 30% là giống lúa lai mang lại hiệu quả kinh tế ổn định về thu nhập cho người trồng lúa. Về cây chè, với tổng diện tích hiện có 200ha do thâm canh và chăm sóc tốt, năng xuất chè búp tươi bình quân trên 10 tấn/ha, đưa sản lượng chè của nhân dân của xã tăng rõ rệt và nâng cao thu nhập của hộ làm chè. Cây lâm nghiệp, với diện tích 931,95 ha, chủ yếu là cây lấy gỗ, bán cho các xưởng chế biến gỗ. Cây ăn quả, cam, bưởi, chanh là 67ha; xã cũng chuyển 12 ha đất bãi trồng ngô năng xuất thấp sang trồng dâu nuôi tằm, bước đầu cho hiệu quả, tăng thu nhập cho nhân dân. Trong những năm gần đây, xã còn tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, kinh doanh cá thể, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện trên địa bàn xã có 01 công ty và 01 doanh nghiệp khai thác đá, vật liệu xây dựng; 01 doanh nghiệp chế biến chè; 01 Hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm. Xã cũng có 2 sản phẩm OCOP là Rượu Mơ Vương Việt và Rượu Táo Mèo của Công ty TNHH thương mại và Sản xuất hàng nông sản Việt Nam, đã được Hội đồng OCOP cấp huyện thẩm định, đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ đề nghị hội đồng OCOP cấp tỉnh công nhận. Ngoài ra còn có mô hình trồng dâu tây, bắp cải tý hon, tầm bóp, cà chua của Công ty TNHH NIINUMA TOMOARM với diện tích khoảng 4.100m2, áp dụng ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm...

- Còn quốc phòng, an ninh thì sao?- Tôi chuyển hướng câu chuyện- Đó cũng là tiêu chí quan trọng của nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch xã cũng thông tin ngay:

- Xã thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lắp đặt 8 camera an ninh tại các vị trí trọng điểm trên địa bàn xã; lắp 05 barie an ninh tại 05 thôn; xây dựng mới 1 mô hình 3 không về vũ khí; 1 mô hình bóng điện an ninh, kẻng an ninh; duy trì 2 tổ tự quản về an ninh trật tự; 1 mô hình bóng điện an ninh, kẻng an ninh nên xã luôn đạt chuẩn về an toàn, trật tự xã hội. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn cũng ổn định, không có khiếu kiện đông người, vượt cấp; không để xảy ra trọng án; các loại tội phạm và tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm. Về quốc phòng, xã rất chú ý xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, 108 đồng chí dân quân xã được huấn luyện đúng, đủ nội dung chương trình, thời gian theo quy định của Bộ Quốc phòng, sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc phòng và công tác cứu hộ, cứu nạn khi có mưa, bão, lũ quét.

Tôi lại ngắt lời Chủ tịch Gần, hỏi:

- Bằng cách nào xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trước 1 năm so với kế hoạch?

Chủ tịch Gần mỉm cười bảo:

- Huy động tổng lực anh ạ. Ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã tích cực chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đúng hướng, sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng xuất chất lượng giá trị sản phẩm; tiếp cận các nguồn vốn của tỉnh, huyện để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, cây ăn quả có múi; xây dựng vùng lúa thâm canh chất lượng cao, cho năng suất ổn định từ 60 tạ/ha/vụ trở lên; vùng thâm canh chè năng suất trên 10 tấn/ha/năm. Tất cả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nay đã đạt nông thôn mới nâng cao song Đồng Khê không dừng lại với kết quả này mà bắt tay ngay vào xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII đã đề ra. Tiềm năng, thế mạnh thiên nhiên, con người của Đồng Khê còn phong phú lắm chưa khai thác hết nhà báo ạ. Với tổng diện tích đất tự nhiên là 2.285,19 ha, gồm 2 dạng địa hình chính, vùng thung lũng tương đối bằng phẳng và vùng đồi núi, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 1.135,27 ha, chiếm 49,68 % tổng diện tích, rất phù hợp với cây lúa, ngô, chè, cây ăn quả; đất lâm nghiệp là 906,86 ha rất phù hợp với trồng quế và cây lấy gỗ; ngoài ra còn có đất nuôi trồng thuỷ sản 9,43 ha; đất chưa sử dụng là 52,40 ha là tiềm năng thiên nhiên rất lớn cho Đồng Khê phát triển kinh tế. Về mặt con người, Đồng Khê là xã đông dân, với 1.485 hộ; 5.265 khẩu là nguồn nhân lực dồi dào. Con người dân Đồng Khê rất cần cù, chịu khó, sáng tạo, đoàn kết, đặc biệt là có khát vọng vươn lên. Tiềm năng, thế mạnh đó, nếu được khai thác hết, tôi tin Đồng Khê sẽ còn giàu đẹp hơn nữa. Hiện Đồng Khê đã hoàn thành đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở cho việc quản lý sử dụng đất đai, định hướng phát triển cơ sở hạ tầng, tạo lập môi trường sống thích hợp, kết hợp hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp, phát triển dịch vụ, du lịch, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và quốc phòng an ninh.

Tôi bắt tay Chủ tịch Gần, cảm ơn đã cung cấp các thông tin rất kĩ lưỡng và hỏi Chủ tịch câu hỏi cuối cùng: Qua xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao sớm hơn kế hoạch một năm, bài học kinh nghiệm của Đồng Khê là gì? Chủ tịch Gần vui vẻ bắt tay tôi, chia sẻ:

- Trước hết là công tác chỉ đạo, điều hành quản lý bài bản của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã và Ban phát triển nông thôn cấp thôn anh ạ. Sau đó là phải tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới nâng cao. Công tác tuyên truyền đòi hỏi phải chiều sâu và rộng khắp tạo niềm tin cao trong nhân dân để phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Thứ nữa là phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị cơ sở. Đảng bộ, Chi bộ Đảng phải phát huy vai trò lãnh đạo và đầu tầu gương mẫu. Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội phải triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”. Các tổ chức thành viên cũng đều phải tích cực vào cuộc. Ví dụ, như ở Đồng Khê, Hội Nông dân đảm nhận mô hình “Bóng điện an ninh”; Hội Phụ nữ đảm nhận mô hình “Đường hoa tự quản”, “5 không 3 sạch”; Hội Cựu chiến binh đảm nhiệm mô hình “Đường an ninh tự quản”; Đoàn Thanh niên đảm nhiệm mô hình “Đường thanh niên tự quản”... Và một điều tôi cho là vô cùng quan trọng, đó là mọi việc làm đều phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, triệt để thực hiện nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Chia tay Chủ tịch Nguyễn Xuân Gần, tôi đi xuống cơ sở. Đầu tiên là xuống thôn Nà Trạm thăm cở sở nuôi tằm. Vào nhà bà Bùi Thị Gấm, Chủ nhiệm HTX dâu tằm, bà hồ hởi nói:

- Tôi là người Thái Bình, lấy chồng người Tày Đồng Khê, thấy đất bãi Đồng Khê có thể trồng dâu được, tôi đã mạnh dạn trồng dâu nuôi tằm phát triển nghề truyền thống của quê hương Thái Bình trên đất Đồng Khê. Thấy gia đình nuôi tằm cho thu nhập cao, một số hộ nhờ tôi hướng dẫn cách trồng dâu nuôi tằm. Trên cơ sở các hộ trồng dâu, nuôi tằm, xã vận động thành lập Hợp tác xã. Đến nay HTX đã có 19 thành viên, tôi được bà con bầu làm Chủ nhiệm. Hiện diện tích trồng dâu của HTX là 12ha. Còn chăn nuôi tằm vẫn tiến hành tại các hộ gia đình. Kén tằm được bán cho Công ty Hạnh Shiu. Chúng tôi đang có hướng phát triển thêm thành viên, mở rộng diện tích trồng dâu và dệt thành phẩm. Sản phẩm đầu tiên chúng tôi dự định dệt là khăn đội đầu cho phụ nữ Tày, một vật dụng truyền thống của người Tày Đồng Khê.

Nói rồi bà Gấm dẫn tôi xuống thăm nơi nuôi tằm của gia đình, xăm xắn rắc dâu cho tằm ăn để tôi chụp ảnh. Tôi chúc bà thành công, rồi chia tay bà để vào thôn Thác Vác, thôn xa nhất của Đồng Khê, thăm gia đình nghệ nhân hát then chơi đàn tính Vũ Tuấn Thọ, Hoàng Thị Dần. Ông bà đều đã trên 80 tuổi nhưng rất vui vẻ mặc trang phục Tày truyền thống, đánh đàn tính, hát then cho tôi thưởng thức. Cả hai ông, bà còn say sưa nói về 8 điệu xòe Tày Đồng Khê, gồm xòe khăn, xòe hương, xòe hoa, xòe chèo đò, xòe ống, xòe gậy mới được khôi phục, để biểu diễn trong dịp lễ tết, đám cưới, mừng cơm mới, nhà mới và ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông nói đến đâu bà làm động tác xòe đến đấy thật hồn nhiên vui vẻ, tiếng cười, tiếng nói vang vọng, khiến các cháu trong xóm đến xem rất đông. Ông cũng cho biết hiện thôn Thác Vác đã thành lập Câu lạc bộ hát Then, đàn tính với hơn 40 người tham gia, lại có cả đội xòe Tày thường xuyên luyện tập. Ông bảo bà con nhân dân vui lắm, phấn khởi lắm khi văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc Tày được khôi phục. Hỏi ông về cái tên địa danh Đồng Khê, ông Thọ bảo:

- Theo các cụ kể lại, tên gốc là Đồng Khe, vì cánh đồng ở đây có rất nhiều khe nước, sau mọi người đọc chệch thành Đồng Khê nên mới có tên gọi này.

Ông Thọ còn giải thích cho tôi về tên các thôn. Thôn Thác Vác là chỉ nơi đầu nguồn. Thôn Ao Sen là xưa có ao sen giữa đồng. Thôn Bản Hốc bởi ở đó có nhiều cây hốc- một loại tre gióng thẳng, dầy mình, rất cứng. Thôn Bản Tạo là vì xưa có nhiều người làm thầy, làm tạo. Rồi thôn Nà Trạm, Đồng Sặt, Gốc Báng, Minh Đồng, Văn Tứ, Trung tâm, tên địa danh nào cũng có lý do, ý nghĩa riêng. Mỗi cái tên đều chứa đựng những giá trị văn hóa dân gian từ nhiều đời. Nguyện vọng của bà con là vẫn mong muốn được giữ cái tên dân gian đã có từ lâu, chứ đổi thành các con số như thôn 1, thôn 2, thôn 3… thấy nó vô hồn lắm.

Chia tay gia đình ông Thọ, tôi trở về phố huyện. Xe máy phóng êm ru trên con đường liên thôn từ Thác Vác ra Ao Sen thảm bê tông phẳng lỳ, giữa cánh đồng sau vụ gặt đang được bà con thu dọn, cày vỡ, chuẩn bị cho vụ đông- xuân. Người Đồng Khê đúng là không cho đất nghỉ. Đất và người chung sức, chung lòng làm cho Đồng Khê thêm đẹp, thêm giàu. Tự nhiên trong lòng tôi âm vang lên lời bài ca “Tình cây và đất”, sáng tác của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng: Đất vắng cây/ Đất ngừng/ Ngừng hơi thở/ Cây thiếu đất/ Cây sống/ Sống với ai/ Chuyện trăm năm/ Ân tình cây và đất/ Cây bám rễ sâu/ Đất ôm chặt đáy lòng/ Những con đường/ Trải dài bóng mát/ Những mảnh vườn/ Trái ngọt cây xanh/ Ôi đẹp làm sao/ Tình cây và đất/ Đem đến môi sinh/ Mạch sống cho đời…

Một ngày với Đồng Khê đem lại cho tôi cảm giác lâng lâng thật khó tả. Tôi vui, vui vì người nông dân Đồng Khê đã thực sự đổi đời.

N.H.L

 

 

Các tin khác:

1-5 of 333<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter