Một thời nhung nhớ

Truyện ngắn của AN NHU

 

Năm 1945, thoát chết sau trận đói lịch sử, ông Sinh theo người anh họ rời quê lần mò lên Hà Nội. Đến đây nghe nói trên miền rừng có nhiều việc làm lắm, nên hai anh em lại tiếp tục lần mò lên Yên Bái. Đến Yên Bái, hai anh em dắt nhau đi tìm việc làm kiếm sống. Dọc đường mệt lả vì đói khát, ông Sinh hỏi anh: “Anh ơi, toàn là rừng núi hoang vu thế này làm gì có việc cho anh em mình làm thuê để sống?”. Người anh động viên: “Cố lên em! Các cụ dưới quê vẫn kháo nhau: “Còn tiền Chợ Ngọc, Chợ Ngà/ Hết tiền xuôi ngược Thác Bà, Thác Ông”. Đến sông Chảy anh em ta nhất định sẽ kiếm được việc làm để sống”. Đi bộ mấy ngày liền hai anh em đến một bản của người Cao Lan. Vừa đói, vừa mệt, nhìn thấy một căn nhà sàn to, hai anh em xin vào làm thuê. Đó là nhà của một Thầy Mo người Cao Lan nhưng gia đình Thầy Mo chỉ cần một người giúp việc. Hôm sau, người anh họ để ông Sinh ở lại và ra đi tìm việc làm ở nơi khác.

 Ông Sinh được gia đình Thầy Mo cho ở chung trong nhà, phụ giúp việc chăn trâu, làm ruộng, làm nương. Vốn là con nhà nghèo, hiền lành, lanh lẹ và chịu khó học hỏi, chẳng bao lâu ông Sinh đã thuộc mọi việc trong nhà, được cả nhà Thầy Mo cũng như bà con trong bản quý mến. Thấy ông Sinh nhanh nhẹn, thông minh và hiền lành, thật thà Thầy Mo đã nhận ông Sinh làm con nuôi. Lâu ngày, bà Bếp Yên, con gái thầy Mo đem lòng yêu thương và nảy nở tình yêu đôi lứa với ông Sinh. Thấy người con gái duy nhất đem lòng yêu thương ông Sinh, thầy Mo đồng ý gả bà Bếp Yên cho cậu con nuôi. Ơn thầy và cảm động trước tình yêu của người vợ, ông Sinh chăm chỉ làm lụng và theo học lớp bình dân học vụ của xã, rồi trở thành thầy giáo dậy chữ Quốc ngữ, được bà con trong bản yêu quý và gọi là Thầy Kế Sinh. Từ ngày lấy ông Sinh, bà Bếp Yên dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình và giúp chồng lo toan việc nhà, việc bản. Mấy năm sau bố mẹ bà lần lượt qua đời, chỉ còn lại chồng là người thân duy nhất trong nhà để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và là trụ cột cho vợ cùng các con.

*

Chính phủ xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, nhiều hộ dân tại bản phải di dời chỗ ở. Năm 1971, việc xây dựng Nhà máy thuỷ điện được hoàn tất, sông Chảy bị chặn dòng tạo ra mặt hồ rộng lớn với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ. Để mưu sinh, các gia đình sống ven hồ phải đóng thuyền nhỏ để vừa đánh bắt thủy sản ven hồ làm thức ăn hàng ngày, vừa làm phương tiện đi canh tác trên các đảo hồ, đi lại giữa các bản, các xã ven hồ và đưa con em đi học. Lam lũ làm ăn, một lần ông Sinh dậy sớm, bơi thuyền đi thu cất rọ tôm, bị trúng cảm lạnh và ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ.

Bà Bếp Yên lam lũ làm lụng, nuôi bốn người con ăn học, Ổn là con trai thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em. Ổn nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, chịu khó học, năm nào cũng đạt học sinh giỏi nên được học tiếp lên cấp ba. Chị Bình phải bỏ học phụ giúp việc cùng mẹ chăm các em ăn học. Thương mẹ, thương chị, Ổn mấy lần xin nghỉ học đi làm công nhân trồng rừng nhưng bà Bếp Yên dứt khoát: “Không! Con phải học, con phải đi học nghe chưa”. “Nhà mình nghèo con đừng làm mẹ hổ thẹn với thiên hạ”. Nói xong, bà Bếp Yên ngoảnh mặt đi, vội lấy vạt áo tràm vá nhiều mảnh đã bạc phếch đưa lên lau ước mắt. Ổn im lặng, ôm ghì lấy mẹ, lòng càng thấy thương và yêu mẹ biết nhường nào.

Từ khi ông Sinh mất, vợ chồng ông Thành giúp bà Bếp Yên đưa đón Ổn đi học. Chung, cô con gái của gia đình ông Thành đã vào lớp tám, hai anh em cùng học trên trung tâm huyện Yên Bình cách nhà khoảng bốn mươi cây số. Từ nhỏ hai anh em cùng học một trường trong làng, Ổn hơn Chung hai tuổi, rất quý mến nhau, ông bà Thành yên tâm khi có Ổn luôn bên cạnh giúp đỡ Chung. Ổn lại học giỏi là cán bộ đoàn của trường, ngoài những ngày học ở lớp, những ngày nghỉ hai đứa cùng về bản, cùng tranh thủ lên mương làm rẫy, trồng cây... giúp đỡ gia đình. Một hôm, sau buổi học chiều thứ bảy, hai đứa đi bộ ra bến tàu, trên lưng khoác vòng nguỵ trang bằng cây tế, đang chò chuyện vui vẻ, bỗng tiếng kẻng báo động vang lên, tiếng máy bay gầm rú như muốn xé toạc bầu trời ngay trên đầu hai đứa. Ổn vội ôm ghì lấy Chung, cả hai cùng nằm bẹp vào bụi cây ven đường. Lần đầu tiên trong vòng tay Ổn, hơi thở dồn dập của hai đứa hòa vào nhau, Chung thấy ấm áp, được che chở. Tiếng máy bay xa dần, Ổn nhìn hai má Chung ửng hồng, e thẹn. Chung gỡ tay Ổn đang xiết chặt thân thể mình, khẽ nói:  "Anh... sao anh ghì em mãi thế". Ổn cười: "Sau này anh còn ghì em nhiều hơn nữa đấy". Rồi hai đứa cùng cười hồn nhiên, nắm tay nhau đi đến bến tàu.

*

Chiều thu năm 1972, Ổn cùng Chung ngồi trên con tàu trở về quê. Ánh mắt, nụ cười của Chung hôm nay sao hồn nhiên, trong trẻo lạ thường. “Anh Ổn ơi, nhìn đôi cá bơi kìa”, Chung hồn nhiên gọi. “Đâu… đâu?”, Ổn ghé sát người Chung hỏi. “Dưới đáy hồ ý”, Chung đưa tay chỉ xuống hồ rồi khúc khích cười. Ngả người vào vai Chung, Ổn dí dỏm: “Đó là hai đứa chúng mình đấy”, “Ước gì chúng mình được bơi tung tăng bên nhau như thế nhỉ?”. Chung bẽn lẽn nhìn Ổn: “Thì ai cấm đâu mà ước”. Ổn cười, cầm chặt hai bàn tay và thì thầm vào tai Chung: “Nhớ nhé...”.

Tàu cập bến, bố Chung đã đợi sẵn, hai đứa xuống thuyền về nhà, nhìn chú Thành khua tay chèo, trong lòng Ổn trào dâng nỗi nhớ bố da diết. Đã một năm trôi đi, sao hôm nay Ổn thấy nhớ lạ thường. Nhìn mấy hòn đảo mà bố hàng ngày vẫn bơi thuyền qua để đi dạy học, đánh tôm, đánh cá, lòng Ổn càng thấy thương bố, mẹ, chị Bình và các em vô cùng. Ông Thành tinh ý, chủ động cắt ngang dòng suy nghĩ của Ổn: “Ổn à”. Giật mình quay lại: “Dạ". Chú Thành nói tiếp "Trưa mai sang nhà chú chơi nhé". Ổn lễ phép thưa: "Vâng, để cháu về xin phép mẹ ạ". Chú Thành lại tiếp: "Xin phép mẹ ăn cơm ở nhà chú luôn nhé".

*

Hôm đó, là ngày giỗ của ông Sinh, bà Bếp Yên mổ con gà, làm món canh măng mà ông Sinh ưa thích, bày lên ban thờ và gọi các con: "Bình, Ổn, Tình, Thương ơi! Các con đến vái bố đi”. Bà lặng lẽ thắp ba nén hương cắm lên bát hương tổ tiên và một nén đặt trên mâm cơm, vái ba vái rồi chầm chậm nói: "Ông à! Ông bỏ mẹ con tôi đi đã tròn một năm rồi. Nghe lời kêu gọi của Nhà nước, thằng Ổn nó viết đơn tình nguyện nhập ngũ và đã được cấp trên đồng ý rồi ông ạ. Nhân ngày giỗ ông, tôi muốn nói với ông là ngày mai, tôi sẽ sang nhà ông bà Thành đặt dạm ngõ cái Chung cho thằng Ổn, để hai gia đình đi lại, ông cho phép tôi nhé".

Đêm hôm đó, hai đứa hẹn nhau ra hồ, trời trong veo, trăng sáng tỏ in bóng hai người xuống mặt hồ Thác Bà. Im lặng ngồi bên nhau, ngả đầu lên vai Ổn, Chung thầm thì: “Ngày mai, em không đi tiễn anh đâu nhé”. Ổn ngạc nhiên: “Sao lại không?”. Chung lắp bắp: “Em sợ lúc đó không... không…”. Chung vừa dứt lời, Ổn ôm chặt và đặt lên môi Chung nụ hôn đầu đời. Giật bắn người, bằng phản xạ tự nhiên, Chung đẩy thật mạnh, Ổn ngã lăn ra bờ cỏ. Rồi cả hai im lặng hồi lâu, Chung vội dúi vào tay Ổn chiếc khăn tay bằng vải Popolin trắng móc chỉ xung quanh, giữa thêu bông hồng lồng trong trái tim màu hồng nghẹn ngào: "Em sẽ... em sẽ... đợi anh về". Chiếc khăn nằm giữa hai bàn tay đan vào nhau, một lời thề hẹn ước trong làn gió mang theo hơi nước hồ se se lạnh.

Đã mấy tháng, sau ngày Ổn nhập ngũ, Chung và gia đình chỉ nhận được hai lá thư Ổn gửi về, một lá thư động viên mẹ, chị và hai em. Một lá thư viết riêng cho Chung, trong thư, Ổn chỉ nói ngắn gọn là đang học và rèn luyện trên thao trường, nên không có thời gian nhiều; sau thời gian huấn luyện khả năng đơn vị sẽ vào nam chiến đấu. Khi đó, đơn vị không có địa chỉ ổn định một chỗ, nếu viết thư chắc cũng không nhận được. Ổn động viên Chung cố gắng học tập để thi đỗ cấp III, thời gian rảnh qua nhà thay anh chăm sóc, động viên mẹ, khi đơn vị có địa chỉ ổn định Ổn sẽ viết thư về cho Chung và gia đình. Cũng từ ngày đó, Chung và gia đình luôn chờ đợi, mong ngóng mà không nhận được lá thư nào của Ổn nữa; không biết Ổn phân về đơn vị nào, chỉ biết là Ổn đã đi B vào Nam chiến đấu. Gần một năm chờ đợi, rồi cũng nhận được thư của Ổn. Trong thư Ổn nói đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Thư đi, thư lại, cả gia đình rất vui khi biết tin giờ Ổn đã là tiểu đội trưởng, được kết nạp vào Đảng. Chung mỗi khi nhận được thư Ổn gửi về, đọc đi đọc lại, rồi áp lá thư vào ngực, nơi trái tim đang đập loạn nhịp và thì thầm: "Em sẽ chờ anh về"... Sau đó gia đình và Chung không nhận được thư của Ổn nữa.

Chung đã học song lớp mười, nhưng quyết định không học lên đại học và cũng không đi công tác, mà ở nhà tham gia công tác Phụ nữ tại xã. Hàng ngày, lúc đi bộ, khi đi thuyền, Chung tới các thôn, bản, đến từng gia đình vận động chị em phụ nữ tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nếp sống mới, từ bỏ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc. Lấy công việc làm niềm vui, Chung đã dành tất cả sức lực và tuổi thanh xuân cho công tác dân vận tại địa phương. Mỗi khi nhớ Ổn, Chung lặng lẽ lấy lá thư của Ổn đọc lại rồi áp vào ngực: "Anh à, chúng mình xa nhau bao lâu rồi nhỉ, em mong anh trận chiến này chiến thắng, anh sẽ trở về. Em đợi...."; rồi thì thầm: "Mình đã bước qua tuổi mười tám rồi ư". Chung nhớ lại những kỉ niệm của hai đứa trên Hồ Thác, những buổi đi học cùng nhau… và cứ thế, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má căng tràn sức trẻ.

*

Chồng mất, Ổn đi bộ đội, chị Bình đi lấy chồng xa nhà, hai cô con gái học xong cấp II, không theo học tiếp mà xin đi làm công nhân ở trên huyện, bà Bếp Yên chỉ có một mình. Một ngày đi cấy cùng bà con trong hợp tác xã về, nấu cơm xong, bà Bếp Yên ra đầu nhà, nhìn về phía nhà ông Thành ngóng đợi Chung sang cùng ăn tối. Lúc này bà lại nhớ chồng, nhớ Ổn da diết. Bà thì thầm "Ông à! Thấy tôi một mình lủi thủi, ông bà Thành nói với tôi: “Cháu Chung trước sau gì thì cũng sẽ là con dâu của bà. Nay bà ở có một mình, chúng tôi đồng ý để cháu Chung tối sang ngủ với bà cho ấm cửa, ấm nhà. Tôi vui lắm ông ạ”. Tiếng chèo khua lạch cạch đưa thuyền vào bờ, làm bà Bếp Yên bừng tỉnh. “Con chào Bác”, giọng Chung phá tan không gian tĩnh mịch. “Chung đấy à?”, giọng bà Bếp Yên run run. “Vào nhà đi con, bác chờ con mãi”. “Cháu bận chút việc giờ mới sang được”, rồi Chung ôm ghì bà trong vòng tay, cả hai cùng cười. “Bác chờ cháu sang ăn cơm, hôm nay đi cấy bắt được ít cua về nấu canh”. Chung nhí nhảnh: “Ui… ui thế thì ngon quá ạ”. Đêm đầu tiên ngủ cùng con dâu tương lai, bà Bếp Yên thủ thỉ: “Chung à, từ nay con gọi bác là mẹ nhé”. Chung mỉm cười ngượng ngùng đáp: “Dạ, cháu, cháu...”..

*

Thời gian một năm trôi đi quá nhanh, Bà Bếp Yên đang lúi húi đun nồi bánh chưng, bỗng có tiếng gọi từ ngoài bến thuyền: “Mẹ ơi! Mẹ làm gì đấy”. Bà ngẩng lên nói mát: “Cha bố các cô, Hai chín Tết rồi mới vác cái mặt về”. Tình nhanh nhảu: “Thì chúng con... chúng con biết mẹ có con dâu rồi nên... Hì... hì..”. “Con về mai lại đi trực Tết cơ quan mẹ ạ. Bà Bếp Yên đượm một nỗi buồn man mát. Gió hồ về đêm thổi vào khe liếp hun hút, ba mẹ con nằm ôm nhau tâm sự. Tình nói: “Anh Ổn không về Tết, đang chiến đấu ở chiến trường B, không biết bao giờ mới về mà cưới vợ, thương chị Chung ở nhà quá mẹ nhỉ”. Bà Bếp Yên trầm ngâm một lúc nói: “Các con bận công tác, lại xa nhà, nhìn chị Chung mẹ thương quá. Ngoài việc xã, việc làng còn chăm lo cho bố mẹ, hai em và cả mẹ nữa. Nếu có anh con ở nhà thì chị đỡ vất vả”.

Sáng ngày Ba mươi Tết, Chung sang nhà, trên tay cầm chiếc áo mới mua sang biếu bà Bếp Yên. Chung trò chuyện một lúc rồi xin phép: “Tối nay con xin phép Mẹ ở nhà đón Tết cùng bố mẹ ạ”. Bà Bếp Yên trong lòng dâng lên một mỗi buồn nao nao: “Ừ, con ở nhà lo Tết cho ông bà và các em. Bên này đã có các em về cùng ăn Tết với mẹ rồi”. Ba ngày Tết trôi đi thật nhanh, Thương nói với mẹ: “Mẹ ạ, năm nay cơ quan con được giao nhiều việc, nên công nhân phải làm thêm giờ. Mẹ ở nhà nhớ ăn uống, giữ gìn sức khoẻ, có gì nói với chị Chung nhắn cho con mẹ nhé”.

Đầu năm 1975, loa truyền thanh của xã đã kéo đến từng thôn bản. Cứ năm giờ sáng bà Bếp Yên dậy ra ngồi bậu cửa nghe tin tức thời sự của cả nước, của làng, của xã. Tin chiến thắng miền Nam cứ dồn dập báo về, bà cầu nguyện cho con trai mạnh khoẻ, an lành để về với bà. Quá trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, từ xã chạy về, Chung ôm chầm lấy bà Bếp Yên: “Mẹ, Mẹ ơi, Giải phóng miền Nam rồi, anh Ổn sắp được về rồi”. Bà lặng người, tim bà gõ thình thịch, trong lòng thật sung sướng, niềm vui dâng trào, bà ôm chặt Chung không muốn rời, những giọt nước mắt vui sướng của hai mẹ con thấm vai áo. Làng, xã thật tưng bừng, nhà nhà tối đến tập trung nghe bộ đội kể chuyện chiến thắng. Bà Bếp Yên ngày ngày ngóng trông con trai, thương Chung đã chờ đợi đến ngày đất nước thống nhất vậy mà mãi không thấy Ổn về. Đã hơn một năm kể từ ngày thống nhất đất nước, nhưng Ổn vẫn bặt vô âm tín, không thấy có thư, tin tức gì về cho gia đình, bà mất ăn, mất ngủ. Một chiều tháng 5 năm 1976, bà Bếp Yên và Chung đang trò truyện, chợt có tiếng gọi từ dưới bến thuyền: “Bà Yên ơi! Nhận quà bưu phẩm ạ”. Chung nhận gói bưu kiện từ người bưu tá và reo lên: “Một gia đình tận miền Nam gửi ra Mẹ ạ”. Mở bọc bưu phẩm chị sững người, một lá thư cho mẹ và chiếc cặp ba lá cuốn gọn trong bức tranh vẽ trái tim lồng nhau gửi cho Chung. Chị trấn tĩnh đọc thư, trong thư có đoạn: … “Trận chiến này là quyết liệt nhất, ngày mai đơn vị con ra trận chiến đấu... Dù có mệnh hệ gì thì Mẹ đừng buồn nhé. Mẹ giúp con động viên em Chung và mọi người… Con tin chúng ta sẽ chiến thắng, ngày đó con sẽ trở về bên mẹ và em Chung...”. Lá thư và những kỷ vật của Ổn được gửi vội cho một đồng chí giao liên người địa phương ở vùng Tây Nguyên trước khi vào trận đánh, giờ mới được gửi đến gia đình. Bà Bếp Yên lặng lẽ ôm Chung nức nở. Chung áp lá thư và bức tranh vẽ trái tim lên ngực bình tĩnh nói: “Con xin mẹ, từ nay cho con ở bên mẹ mãi mãi ạ....”. Bà ôm chặt Chung giấu đi giọt nước mắt. Năm tháng trôi đi, nhiều lần bà an ủi Chung: “Con còn trẻ, còn tương lai. Thằng Ổn của mẹ không biết còn sống mà trở về không. Con phải có một gia đình”. Chung cương quyết một lòng chung thuỷ mối tình đầu với Ổn. Chị lao vào công việc của làng, xã để quên đi những mất mát tuổi thanh xuân, vẫn chờ đợi, hy vọng một ngày nào đó Ổn sẽ trở về. Chung xin đi học lớp Đại học tại chức nông nghiệp. Ngày tốt nghiệp Đại học cũng là ngày chị và gia đình nhận được giấy báo tử của Ổn. Anh đã hy sinh trong trận đánh oanh liệt tại Tây Nguyên, trận đánh mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Sau nhiều biến cố gia đình, bà Bếp Yên vì thương con nên ốm đau liên miên. Trước khi qua đời, bà nắm bàn tay Chung nói: “Con à! Bao năm qua con yêu thương thằng Ổn, thương mẹ, mà mẹ chưa làm được gì cho con. Thằng Ổn nó tệ quá, bỏ mẹ, bỏ con mà đi, giờ không biết nó ở đâu, con đừng chờ nó nữa, có như vậy mẹ nhắm mắt mới yên lòng”. Hai hàng nước mắt bà từ từ rơi xuống gối, bà nấc lên và ra đi. Từ khi bà Bếp Yên mất đi, trên cương vị lãnh đạo Hội Phụ nữ xã, chị cùng lãnh đạo địa phương, phối hợp với các tổ chức đoàn thể khôi phục kinh tế sau chiến tranh, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình. Chị tích cực vận động hội viên tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua. Chị trở thành tấm gương tiêu biểu cho phong trào phụ nữ xã. Năm tháng trôi nhanh, Mông Sơn nay đã trở thành xã “Nông thôn mới”, cuộc sống nhân dân ngày càng no ấm.

*

Reng… reng… reng, tiếng chuông điện thoại trong túi tôi bất chợt rung lên, phá tan bầu không khí trầm lặng trong ngôi nhà cấp bốn khang trang, nhưng có phần lạnh lẽo bởi thiếu hơi ấm và bàn tay sắp đặt của người đàn ông trong nhà. Đẩy chén nước về phía tôi, giọng cô Chung nghẹn lại: “Cuộc đời cô đơn giản như vậy đó cháu à”. Nói xong hai mắt cô đỏ hoe, ngân ngấn nước. Nhìn về phía chiếc bàn thờ nho nhỏ, trên đó có lọ hoa cúc trắng, mấy trái cây bứt trong vườn nhà, nén hương trầm đã cháy gần hết, cô nói: “Còn mấy ngày nữa là đến ngày Thương binh liệt sĩ 27- 7. Hôm đó, cô sẽ cùng đoàn cán bộ xã đến thăm hỏi các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với Tổ quốc. Hôm nay cô thắp nén hương, cầu mong cho linh hồn chú Ổn cùng bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng cho sự phồn vinh của đất nước mà nay chưa tìm được mộ phần. Cô mong sớm tìm thấy phần mộ chú Ổn và các liệt sĩ để về sum họp với gia đình”.

        Tôi ôm chầm lấy cô, cô ghì chặt tôi vào lòng, cùng rơm rớm nước mắt, mà không ai nói được điều gì. Lặng đi trong một phút, tôi trấn tĩnh và nói: “Cô ơi, cháu phải đi đây. Mọi người trong gia đình cháu đi đường bộ đã đến nghĩa trang liệt sĩ của xã rồi, cháu xin phép ra đó cùng gia đình thắp hương cho chú Hùng cháu và các anh hùng liệt sĩ xã nhà… Hẹn cô, một ngày gần nhất cháu sẽ quay lại nghe cô kể hết về những biến cố, thăng trầm trong cuộc sống của cô. Cô nhớ giữ gìn sức khỏe ạ”.

***

Tôi lên tàu trở về Cảng Hương Lý, trời trong xanh, in bóng xuống lòng hồ. Những chiếc tàu lớn chở quặng từ mỏ về nhà máy, những chiếc tàu chở khách du lịch qua lại nhộn nhịp trên hồ. Phía trước mặt tôi, hiện ra động Thủy Tiên, điểm nhấn du lịch trong lòng hồ. Xa xa, bên tả ngạn là núi Cao Biền, rồi đến núi Đền Thác Bà, phía dưới chân núi là nhà máy thủy điện Thác Bà, bên hữu ngạn là đỉnh núi Chóp Dù, núi Báng hùng vĩ cùng hàng ngàn hòn đảo phủ kín rừng cây xanh ngát, nhiều mô hình nuôi cá lồng quy mô công nghiệp kết hợp phát kinh tế với du lịch trên hồ Thác Bà. Nhiều hòn đảo được quy hoạch để đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng đang hoàn thiện. Miên man trong dòng suy nghĩ về một tương lai tươi sáng, tiếng còi tàu cập bến làm tôi bừng tỉnh. Rời tàu, lên xe về nhà, đến cơ quan, dù quay cuồng với vòng quay thường nhật nhưng tôi luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện tình lãng mạn, chung thủy của cô Chung- chú Ổn. Chính sự hi sinh thầm lặng của những người phụ nữ như cô Chung và bao xương máu của các thế hệ cha anh đi trước trong đó có chú Ổn đã mang lại cuộc sống độc lập, tự do cho đất nước. Tôi thấy mình thật nhỏ nhoi. Tôi quyết định viết lại câu chuyện tình mộc mạc nhưng rất đáng trân trọng của cô Chung- chú Ổn mà tôi may mắn được nghe...

A.N

Các tin khác:

1-5 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter