Nắng sớm quê hương

Ký của LÊ XUÂN

 

Buổi sáng hôm nay tôi dậy từ sớm, chuẩn bị, sắp xếp đồ đạc xong xuôi nhìn đồng hồ mới 4h30’ sáng mặc dù hôm trước vừa trải qua một chặng đường mấy trăm cây số. Không phải là một chuyến đi công tác dài ngày hay một hành trình nhiều thử thách nhưng lòng tôi cứ nao nao khó tả. Có lẽ cái tình cảm vô hình của một kẻ hơn ba mươi năm rời xa nơi mình sinh ra và lớn lên đã khiến tôi có tâm trạng bồn chồn như vậy. Trong trí nhớ tôi hiện lên hình ảnh của một vùng quê nghèo lam lũ, những đứa trẻ trốn học đi bới củ mài, hình ảnh cậu bé ngày mưa lẽo đẽo theo cha đi kiếm măng rừng về bán, và… những nồi cơm trộn với sắn nạo phơi khô phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy mấy hạt cơm lác đác…

Khoác ba lô lên vai đúng 6 giờ sáng tôi xuất phát. Đi theo quốc lộ 37 chỉ khoảng hai mươi cây số nữa thôi tôi sẽ gặp lại những ngọn núi thân quen, gặp lại những đứa trẻ thuở còn thơ mà giờ đây chắc tóc đã đều ngả bạc. Nhưng đầu tiên phải đến UBND xã trước đã vì tôi đã có hẹn với đồng chí Nguyễn Minh Thanh, Bí thư xã để gặp mặt vào đầu giờ buổi sáng.

Không mất nhiều thời gian để tôi xác định đường rẽ vào trung tâm xã mặc dù đường giao thông đã có nhiều thay đổi; có nhiều lối rẽ liên thôn con đường lổn nhổn đá hộc của ngày xưa giờ đã được thay bằng đường rải nhựa, đổ bê tông nhẵn nhụi. Mới 6h50’ sáng tôi đã đứng trước trụ sở UBND xã Hưng Thịnh, để xe vào nhà xe, tôi tiến lại một ghế đá nằm dưới tán cây trong khuôn viên trụ sở đang tính ngồi đợi đến giờ làm việc thì đã thấy một cán bộ dáng người dong dỏng bước đến trước mặt tôi, nói “Chắc chú là người hôm qua đã hẹn gặp anh”, “Vâng, em ngỡ mình đến sớm đang tính ngồi đợi, không ngờ anh còn đến sớm hơn em”. Dẫn tôi vào phòng làm việc, sau vài lời hỏi thăm được biết chúng tôi đều được sinh ra tại quê hương Hưng Thịnh nên tôi và anh đã nhanh chóng trở nên thân mật. Biết được mục đích chuyến thăm của tôi anh vui vẻ nói “Chú xa quê hương đã lâu nay có dịp trở về thấy quê hương mình có thay đổi nhiều không?”. “Đúng là có rất nhiều ấn tượng anh ạ! Nhà cửa mọc lên nhiều chỗ em không còn nhận ra, hầu hết đều là nhà xây kiên cố, có cả biệt thự đắt tiền. Có được điều đó chắc không phải chỉ do một vài hộ gia đình giỏi làm ăn kinh tế đúng không anh?”. Rót chén nước mời tôi, anh tâm sự.

Hưng Thịnh là một xã thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Nằm trên quốc lộ 37 là tuyến giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của xã, đây là tuyến đường liên tỉnh có chiều dài 470km, nối liền 7 tỉnh, thành phố Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái và Sơn La. Hiện nay xã Hưng Thịnh bao gồm 10 thôn: Yên Bình, Yên Định, Yên Ninh, Yên Phú, Yên Thành, Yên Thịnh, Yên Thuận, Quang Vinh, Khang Chính, Kim Bình với tổng diện tích là 22,34 km², tổng số dân là 4339 người (Tháng 8 năm 2022).

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhiệm kỳ 2020- 2025 là đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND huyện Trấn Yên, Đảng ủy cùng các cấp chính quyền của xã đã nghiêm túc triển khai, vận động bà con nhân dân trong xã cùng thực hiện bám sát, cụ thể hóa các chủ trương lãnh đạo của Đảng, chủ động, linh hoạt, triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các giải pháp dựa trên đặc điểm tình hình của địa phương, theo đó Hưng Thịnh đã triển khai thực hiện đồng loạt các tiêu chí trong đó lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm. Trước hết là phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông trong xã đến từng thôn xóm để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc trao đổi, lưu thông hàng hóa; song song với việc phát triển giao thông là việc xây dựng lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng cùng với việc trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường hoa trong xã kết hợp vận động bà con xây dựng nhà ở tập trung thành các khu, cụm dân để từng bước hiện thực hóa chủ trương “đô thị hóa nông thôn”. Về kinh tế, xã chủ trương tập trung chỉ đạo nhân dân xây dựng và phát triển kinh tế hài hòa dựa trên đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng của từng thôn để canh tác các loại cây khác nhau như cây ăn quả (cam, chanh), cây măng Bát độ, trồng quế, chăn nuôi trâu bò, nhất là việc khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi lợn, lợn nái sinh sản, gà đen,… Đến nay toàn xã đã có 240 ha cây ăn quả, sáu tháng đầu năm 2022 trồng mới thêm 16 ha; 1200 ha quế và 600 ha các loại cây lấy gỗ đưa diện tích rừng bao phủ trong toàn xã lên 67,6%. Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp xã cũng tích cực vận động các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn xã phối hợp tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong xã, đưa người trong độ tuổi lao động đi tham gia các lớp đào tạo như nấu ăn, may mặc, quản lý trang trại, chăn nuôi để về lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn của xã như các công ty khai thác quặng, các công ty may mặc hay các trang trại kinh tế tại địa phương, đến nay số người lao động qua đào tạo đạt 70% (gần đạt chỉ tiêu 75% người dân trên toàn xã) và số lao động đã qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 30%, (vượt chỉ tiêu 25% của xã). Góp phần giảm số hộ nghèo trong xã từ 54 hộ nghèo thời điểm cuối năm 2020 xuống còn 14 hộ nghèo, phấn đấu đến hết năm 2022 toàn xã chỉ còn 04 hộ nghèo. Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế xã cũng chú trọng duy trì, phát triển bản sắc văn hóa địa phương. Dựa trên hai dân tộc chính của xã là Kinh và Tày từ đó đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa: câu lạc bộ đàn tính then của người Tày và câu lạc bộ chèo của người Kinh; đưa sân khấu học đường áp dụng vào trong các trường học trên địa bàn của xã, cụ thể là trường Mầm Non của xã đã có câu lạc bộ chèo; trường TH&THCS đã đưa vào hoạt động các câu lạc bộ: múa sạp, múa then, học đàn tính. Đặc biệt, năm 2021 xã đã chỉ đạo tổ chức thành công Lễ hội giã cốm ở 4 thôn Quang Vinh, Yên Thuận, Yên Ninh, Kim Bình cùng các trò chơi dân gian được tổ chức tham gia thi trong ngày hội. Và để nâng cao hiểu biết, sự giao lưu học hỏi cho người dân xã đã áp dụng chương trình chuyển đổi số ở các thôn Nông thôn mới, thôn kiểu mẫu từ đó mở rộng xây dựng áp dụng trong toàn xã.

Trước khi gặp anh, trên đường trở về quê hương trong tâm trí tôi thỉnh thoảng lại thấp thoáng ẩn hiện hình ảnh những ngôi nhà tranh co ro trước mỗi mùa đông lạnh, những đứa trẻ thiếu thốn áo quần, thiếu cái ăn, mặt xanh xao vàng vọt nhưng qua lời anh cùng hình ảnh những xóm làng trên đường tôi đi qua, quê hương tôi giờ không còn là vùng quê nghèo lam lũ như xưa nữa. Để có được sự đổi thay như vậy trước hết là nhờ vào những bàn tay tần tảo, cần cù yêu lao động, muốn thoát khỏi đói nghèo. Nhưng trên hết phải kể đến đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự khéo léo vận dụng chủ trương của Đảng ủy, chính quyền xã đến từng thôn xóm, từng hộ gia đình kết hợp với việc thu hút vốn của các chương trình đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn của xã. Khi nghe tôi hỏi về những khó khăn trong quá trình thực hiện anh Thanh nói: “Lúc đầu khi quán triệt thực hiện chủ trương Nghị quyết của Đảng nhiều hộ gia đình cũng chưa tin, không muốn thay đổi phương thức làm ăn truyền thống, hay như việc vận động Nhà nước và dân cùng góp vốn để mở đường, bê tông hóa giao thông thôn xóm gặp phải rất nhiều khó khăn vì người dân chưa thấy được ích lợi lâu dài. Thế là bao ngày, bao đêm đồng chí bí thư lại cùng các đoàn công tác của xã kết hợp với cán bộ các thôn đi đến từng hộ gia đình để tuyên truyền thuyết phục, có những hộ dân còn nổi khùng không tiếp nhưng với lòng kiên trì nhiệt tình của cán bộ cùng những lời lẽ phân tích về chủ trương đường lối phát triển bền vững lâu dài mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra cuối cùng nhân dân cũng một lòng đồng thuận góp công, góp của, tự nguyện hiến tặng hơn 30000 m2 đất mở đường nối liền thôn xóm, Đảng ủy xã đã có kế hoạch chỉ đạo các ban ngành thường xuyên tổ chức các buổi lao động “Ngày cuối tuần cùng dân” từ đó tạo nên một hệ thống giao thông liên thôn được bê tông hóa với tổng chiều dài là hơn 7km đường trục xã, hơn 20 km đường trục thôn và hơn 40 km đường liên thôn liên xóm đạt 98% tổng chiều dài đường giao thông trong xã được bê tông hóa (phấn đấu đường giao thông đạt 100% bê tông hóa trong toàn xã), trong đó 100% các tuyến đường đã có đèn điện thắp sáng, các tuyến trung tâm đã có đường hoa cây xanh”. Kể đến đây giọng nói của vị bí thư xã trầm lắng xuống, nhưng ánh mắt anh rạng rỡ niềm vui. Có lẽ anh đang nghĩ về những tháng ngày đã qua với bao tình cảm, tâm huyết và cả những giọt mồ hôi nhọc nhằn vất vả để mảnh đất quê hương đang từng ngày hòa cùng nhịp thở chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập. “Kìa, chú uống nước đi chứ, chú có nhận ra hương chè này không? Là chè do bà con nông dân trồng trên quê hương mình đấy!” Vừa nâng tách chè tôi đã nhận ra hương thơm nhè nhẹ quyến rũ, hương thơm không lẫn vào đâu được của chè Bát Tiên. Tôi nhấp một ngụm nhỏ để tận hưởng cảm giác mát dịu cùng vị ngọt ngào nơi cuống lưỡi sau vị đắng, chát ban đầu… Tôi nhớ lại thuở còn đi học cấp 2, khi ấy người dân quê hương tôi cũng đã bớt đói nghèo nhờ vào việc chuyển đổi giống cây trồng, thay vì người nông dân chỉ trông chờ có gạo ăn nhờ vụ lúa nương xen lẫn trồng sắn thì đã chuyển sang trồng chè, mặc dù khi ấy chưa có các xưởng chè thu mua chè tươi cho người dân, nên làm chè là một việc vất vả do phải hái về sao khô thủ công, khi ấy chè búp khô cũng chưa thực có giá hơn nữa những đồi chè tuy rộng nhưng cũng chỉ là giống chè không có tên tuổi, còn bây giờ diện tích trồng chè trong toàn xã thu hẹp hơn nhiều so với trước để nhường diện tích cho nhiều giống cây trồng khác nhưng chất lượng chè được cải thiện. Bát Tiên là một loại chè có giá thành tương đối trên thị trường, nhờ vậy đời sống của những gia đình canh tác cây chè cũng có thu nhập ổn định hơn so với trước. “Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều, quê hương mình về căn bản vẫn lấy nông nghiệp làm gốc nhưng làm sao để bà con có thu nhập cao, ổn định lâu dài thì phải có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đảng ủy xã đã đề đạt ý kiến và làm báo cáo, Đảng bộ huyện cũng đã cử các đoàn công tác về nghiên cứu tình hình thực địa từ đó tìm ra các giống cây trồng có giá trị phù hợp với địa bàn từng thôn đồng thời huy động các nguồn vốn hỗ trợ giúp nhân dân dịch chuyển canh tác các giống cây phù hợp đem lại năng xuất giá trị kinh tế cao hơn”. “Có thể nói thu nhập bình quân của người dân xã Hưng Thịnh hiện nay đã cao hơn nhiều so với trước nhưng vẫn ở mức trung bình so với mặt bằng chung của xã hội, thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra, Đảng ủy chính quyền địa phương xã Hưng Thịnh đã có chủ trương đường lối phát triển như thế nào đến năm 2025, thưa anh?”. “Hưng Thịnh chủ trương phải phát triển bền vững lấy phát triển kinh tế làm trọng điểm nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập của người dân, giữ vững những thành tựu đã đạt được tiếp tục nâng cao, mở rộng các mô hình chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, trồng quế, trồng các loại cây lấy gỗ, trồng măng Bát độ. Đặc biệt xã đã tập trung cho một hướng đi mới là phát triển các giống cây có giá trị cao như quýt vỏ giòn, phát triển trồng cây dược liệu; hiện tại toàn xã đã trồng được 9,5ha cây Khôi Nhung cung cấp dược liệu. Bên cạnh việc duy trì, phát triển nông nghiệp sẽ khuyến khích người dân đầu tư mở rộng các cơ sở tiểu thủ công nghiệp: các xưởng bóc gỗ, xưởng chế biến vỏ quế. Cùng với đó là việc tiếp tục tăng cường thu hút vốn đầu tư xây dựng các nhà máy công nghiệp để tận dụng nguồn lao động dồi dào của địa phương. Hiện nay ngoài các công ty khai thác khoáng sản, trên địa bàn xã đã có một nhà máy may bao bì xuất khẩu sang Nhật và một nhà máy dệt vải xuất khẩu sang Hàn Quốc sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương đem lại thu nhập ổn định cho người lao động với mức bình quân từ 10 đến 15 triệu đồng trên tháng”. Hai chúng tôi đang mải mê tâm sự chợt một đồng chí công an bước vào “Thưa chú, chú cùng đi sang trường học với chúng cháu chứ ạ?” Anh vội quay sang nói với tôi “Phải rồi, hôm nay là sáng thứ hai các chú công an có chương trình phối hợp với Trường TH&THCS Hưng Thịnh tuyên truyền đến các cháu học sinh về các vấn đề An toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội và an ninh mạng vào giờ chào cờ của nhà trường, chú cũng muốn đi thăm lại ngôi trường thuở ấu thơ chứ?”.

Từ trụ sở xã đến trường học chỉ vài trăm mét, chúng tôi cùng nhau thả bộ trên con đường bê tông sáng sủa, hai bên đường là những tán cây xanh, những nhành hoa bên đường long lanh giọt sương trong nắng sớm. Đang giữa mùa thu bầu trời trong trẻo, những áng mây trong vắt bồng bềnh như trang điểm thêm vẻ đẹp hiền hòa của một vùng quê đang đổi mới.

 

 

L.X

 

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 333<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter