Người thầy giáo thương binh

Ký của NGUYỄN THỊ THANH

 

            Từ quê lúa Thái Bình, chàng trai tuổi mười tám khoác ba lô lên dạy học tận trên huyện miền núi Than Uyên tỉnh Nghĩa Lộ. Câu ca "Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên" đôi lúc khiến anh sởn gai ốc, nhưng ở mãi thành quen. Và thầy giáo trẻ Nguyễn Duy Thanh đã là người của dân mường Hô Mít. Nhưng giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang vào thời kỳ sục sôi cách mạng. Chiến trường gọi! Tháng 5 năm 1971 khi những cành hoa phượng rực đỏ sân trường thì thầy giáo Thanh gác lại trang giáo án, gửi lại niềm thương nhớ nơi con em vùng cao để lên đường đánh giặc. Sau thời gian huấn luyện ở D7 Hát Lót tỉnh Sơn La thầy được biên chế vào Trung đoàn 335 Quân khu Tây Bắc và sang chiến trường Lào. Được hỏi về những kỷ niệm chiến trường, thầy sôi nổi kể như vừa mới hôm qua cùng đồng đội trên chiến hào khói lửa.

            Một sáng mùa đông năm 1971, đúng vào ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12 là trận đầu tiên giáp mặt kẻ thù tại Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Đại đội 13 của tôi được giao nhiệm vụ đánh Mỏm 7, còn Đại đội 12 đánh Mỏm 6. Lực lượng công binh bò lên cài bộc phá đánh phá hàng rào mở đường cho bộ binh tiến lên. Trời vừa sập tối, Đại đội 12 được lệnh tiến công nhưng do lỗi kỹ thuật nên phần lớn hàng rào chưa được phá hết khiến anh em chiến sĩ bị mắc kẹt trong làn pháo của địch và thương vong quá lớn. Kể đến đây giọng thầy nghẹn lại, khóe mắt rưng rưng… Tôi số may mắn! Đồng đội hy sinh để chúng tôi được sống chăng? Bởi vì thấy mỏm 6 bị tấn công nên lính ở mỏm 7 bỏ chạy tán loạn. Đó là một ký ức không thể nào quên! Đêm hôm đó đơn vị lại tiếp tục nhận nhiệm vụ truy quét địch. Pháo 12 ly 7 của chúng bắn loạn xạ trên đầu như xé màn trời đêm, nhưng đưới ánh sáng đạn pháo quân ta thừa thắng xông lên bắn trả, quân địch buộc phải rút lui và Đại đội đã làm chủ được cả Mỏm 6, Mỏm 7.

Tôi hỏi cắt ngang dòng hồi tưởng "Chắc là thầy bị thương trong trận đó?". Không, đến tháng 3 năm 1972 đơn vị được cử đi đánh Mỏm 3 Phu Mộc. Trước khi đánh bao giờ cũng phải lên tiếp cận nắm tình hình địch xem có di biến động gì không. Đơn vị cử đồng chí Lò Văn Lún là A trưởng đi cùng Đại đội phó nhưng đúng lúc đồng chí Lún lên cơn sốt cao nên tôi A phó đã xung phong lên thay. Hai anh em men theo giao thông hào, thận trọng bò qua từng mỏm đá, suốt một ngày, một đêm ròng rã chỉ có phong lương khô với bình tông nước. Quan sát kỹ lưỡng và nhận định tình hình xong, trong màn đêm tôi trở xuống dẫn lực lượng lên chuẩn bị cho trận chiến đấu vào sáng 15/3/1972. Nhiệm vụ của đơn vị là vừa phải giữ cửa mở không cho quân địch tràn ra phản công, vừa phải bắn chặn cho bộ đội xung phong. Quân ta dũng cảm xông lên, địch bỏ chạy và ta nhanh chóng chiếm gọn Mỏm 3. Nhưng ngay sau đó đơn vị nhận lệnh quay lại vị trí cũ để phục kích phòng địch đem thêm quân trở lại. Quả nhiên, khoảng gần 6 giờ chiều một trung đội địch bò lên lố nhố từ phía bên kia đồi. Chúng đã vào trúng ổ phục kích của ta. Chỉ huy hô bắn! Quân ta xông lên truy quét làm cho lực lượng địch tan tác. Tôi và đồng chí Đại đội phó ra hiệu cho nhau chạy lên bên một cửa hang nhỏ, vừa lúc đó một đồng chí cho biết bên trong này còn có địch! Đại đội phó khoát tay nói "Mày xả súng vào đó, để tao ném lựu đạn yểm trợ!". Tôi mắm môi lấy hết sức bình sinh bóp cò liên thanh… Súng hết đạn. Nhanh như cắt tôi nhảy phốc xuống hào để lắp đạn và chợt nhìn thấy máu chảy ròng ròng trên cánh tay trái. Giơ tay phải ra định xử lý cánh tay trái thì lòng bàn tay phải cũng bị rách toạc, máu chảy loang lổ. Nhìn lên trên thấy cổ chân Đại đội phó cũng bị thương, máu chảy ướt cả giày…

Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời quân ngũ. Chúng tôi tự hào đã góp phần vào chiến thắng Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng của liên quân Việt- Lào. Đồng chí chính trị viên nói với chúng tôi rằng chiến thắng này đã góp phần đánh bại hoàn toàn cuộc tổng tiến công quy mô lớn của địch, ta tiêu diệt lớn một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, đập tan âm mưu đánh chiếm bàn đạp chiến lược Cánh đồng Chum, bảo vệ thành công vùng giải phóng, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các chiến trường miền Nam Việt Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Là thương binh trở về hậu phương thầy lại gắn bó với trường Cấp 1 Hô Mít, nơi bà con và các em học sinh đang mong đợi chứ? Tôi hỏi. Thầy nhìn tôi cười thân thiện, ánh mắt cười của tuổi 74 vẫn đọng nét của thời tuổi trẻ. Thầy nói: Tôi cũng hy vọng là như vậy. Nhưng sau mấy ngày đi bộ từ thị xã Nghĩa Lộ lên đến Than Uyên thì Ban Tổ chức Huyện ủy bảo không còn danh sách ở huyện và phòng giáo dục nữa. Thế là ngậm ngùi cuốc bộ xuống Ty Giáo dục Nghĩa Lộ, thầy trưởng ty thấy tôi là thương binh nên đã ký quyết định về phòng giáo dục huyện Văn Chấn và được điều đến dạy học tại phân hiệu Bản Đao trường Cấp 1 Nông trường Nghĩa Lộ. Hai năm sau tôi được cử đi học hệ giáo viên Cấp 2 khoa tự nhiên tại Trường Sư phạm Tây Bắc. Suốt 3 năm sư phạm vì là cán bộ đi học nên tôi luôn được giao nhiều trọng trách. Trở về công tác tại huyện Văn Chấn, đến năm 1990 tôi được bổ nhiệm Hiệu Trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, đến năm 2010 thì nghỉ hưu.

Ồ! Vậy là tròn 20 năm! 20 năm ấy với thầy chắc là nhiều câu chuyện đáng nhớ lắm nhỉ?

Ngoài sân cơn gió chiều ào ào như muốn gọi mưa. Lá cây bay lả tả. Nhấp chén trà, mắt nhìn xa xăm, thầy trầm giọng kể. Trường dân tộc nội trú là một trường đặc thù vừa dạy, vừa dỗ, vừa nuôi và là cái nôi đào tạo thế hệ cán bộ tương lai cho các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Vì vậy mỗi thầy cô giáo phải thực sự vừa là người cha, người mẹ vừa là người bạn và đôi khi còn phải là những cô chú cảnh sát canh giữ, bảo vệ các em hơn cả con đẻ của mình. Bởi vì học sinh trăm phần trăm là con em các dân tộc vùng cao, các em từ lớp 1 đến lớp 4 chưa bao giờ phải xa bố mẹ, xa gia đình nên thường trốn học và chưa quen khí hậu vùng thấp nên rất hay ốm đau. Lại có những trường hợp lớn tuổi mới đi học lớp 3, lớp 4 còn bị bố mẹ gọi về đi làm nương giúp gia đình thậm chí về lấy vợ, lấy chồng nữa. Cho nên công tác quản lý thực sự là cả một thách thức lớn. Về nhiệm vụ duy trì sĩ số học sinh chúng tôi thường xuyên phải đến từng bản nhỏ làm công tác chiêu sinh, tuyên truyền vận động các gia đình kiên trì cho con em ăn học tại trường. Rất nhiều trường hợp khi nghe tin con mình bị ốm, gia đình liền đến trường đòi cáng về bằng được để cúng ma và nhất định không cho con đi học. Nhà trường lại phải cử cán bộ y tế trèo đèo, lội suối đến tận gia đình cho uống thuốc, mua thịt, cá nấu cháo bồi dưỡng để nhanh khỏe rồi vận động đến trường.

 Thầy thở dài chia sẻ nỗi niềm, là chiến sĩ trên trận tuyến đánh quân thù đã cam go, không biết sống chết ra sao trước hòn tên mũi đạn, nhưng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa giáo dục cũng không kém phần cam go, có khi ảnh hưởng đến cả tính mạng nữa chứ! Ví như có lần đạp xe đuổi theo học sinh trốn học, do thuộc đường núi nên các em thường chạy tắt qua rừng thì mình cũng phải quẳng xe đạp chạy theo. Một lần vào mùa lũ, một cô học trò trốn về nhà thấy bị đuổi theo đã hốt hoảng chạy nhao qua dòng nước xiết, không kịp đắn đo mình cũng nhào theo vì sợ em bị lũ cuốn trôi, vừa lúc cơn lũ ống trên thượng nguồn tràn về, cả thầy và trò bị nước đánh tung lên, dập xuống. May mà vướng vào một cành cây to và được dân bản đi rừng phát hiện kịp thời nên đã cứu sống cả hai mạng người. Thật hú vía! Vì lạnh và bị va đập, vết thương lại tái phát, đau nhức cả tháng trời. Tôi tròn mắt hỏi thầy còn nhớ người học trò ấy không? Sao lại không nhớ! Đó là em Triệu Thị Nhị dân tộc Dao, có bố là thương binh loại 1 Triệu Trung Phin ở thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền. Vì em là con thương binh nên càng phải gần gũi quan tâm hơn, sau đó em đã được cử đi học lớp y tá rồi tiếp tục học thêm chuyên môn nghiệp vụ về làm cán bộ y tế phục vụ bà con trong xã. Lại một trường hợp mà khiến thầy mất ăn, mất ngủ và suýt vướng vào vòng lao lý. Đó là chuyện về cậu  học trò Thào Xuân Lâm hộ khẩu ở tận trong huyện Sa Thầy Nam bộ, Lâm là học sinh cá biệt được gia đình gửi ra ngoài này cho người nhà chăm nuôi. Vì thuộc diện dân tộc thiểu số nên em được huyện đồng ý cho vào trường nội trú. Có lẽ vừa nhớ nhà, vừa không chịu được khuôn phép trong trường vì vậy giữa đêm khuya em đã trèo tường bỏ trốn. Bảo vệ và giáo viên phát hiện đuổi theo nhưng không kịp với dáng người mảnh dẻ nhanh như con sóc của Lâm. Suốt mấy tháng tìm kiếm, thầy phải cử người về tận Đài Rhát thanh và Truyền hình Trung ương, Báo Giáo dục, Báo Tiền phong nhờ đăng tin rồi ra Công an tỉnh Yên Bái nhờ tìm kiếm nhưng vô vọng. Gia đình đâm đơn kiện thầy Hiệu trưởng. Thầy bị Sở Giáo dục và Công an tỉnh gọi lên mấy lần, nhưng pháp luật công minh nên thầy không bị truy cứu trách nhiệm. Tôi hỏi sau này gia đình có tìm được em ấy không? Thầy lại thở dài. Ơn trời, cậu bé lì lợm đó lưu lạc cho đến tuổi trưởng thành thì tự tìm về quê. Bỗng một hôm thấy gia đình đưa em trở lại trường xin xác minh lý lịch để chuẩn bị đăng ký kết hôn. Thầy nói đây là phi vụ đau đầu nhất, day dứt nhất trong nhiều năm. Có lúc muốn bỏ nghề nhưng tinh thần người lính Cụ Hồ đã giúp thầy vượt lên, dốc hết tâm sức chăm lo cho các em học sinh. Một thời gian khó, nhà bếp luôn phải "Bắc nước chờ gạo" nhưng thầy cùng tập thể cán bộ, giáo viên đã không quản ngại tìm mọi biện pháp để các em đủ ăn, đủ mặc và được chăm sóc tận tình. Có những tháng các thầy cô phải dùng tiền lương ít ỏi của mình đi mua thêm sắn, ngô, khoai độn cơm cho các em có thêm bữa no. Bên cạnh đó phong trào thi đua "Dạy tốt- Học tốt" cũng được quan tâm, đặc biệt là phong trào tự làm đồ dùng dạy học để có nhiều tiết giảng sinh động. Do đó chất lượng nuôi dạy học sinh từng bước được nâng cao. Trường luôn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của ngành Giáo dục và được tặng tưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bản thân thầy Nguyễn Duy Thanh cũng được nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Với những cống hiến và hy sinh không mệt mỏi ấy, năm 2000 thầy đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới" và niềm vui nhân đôi khi năm đó thầy cũng được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú". Từ nền móng của ngôi trường phổ thông dân tộc nội trú này nhiều em đã phấn đấu trở thành những kĩ sư, bác sĩ, sĩ quan quân đội và đáng trân trọng nhất là lực lượng trở về phục vụ quê hương áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nhiều người đảm nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng, phó các ban ngành của địa phương. Tiêu biểu như Giàng A Lử dân tộc Mông là Chủ tịch UBND xã Sùng Đô; Triệu Thị Ánh dân tộc Dao là bác sĩ chuyên khoa I, Trưởng khoa Nhi bệnh viện huyện Văn Chấn; Giàng A Khua Trưởng phòng dân tộc- Tôn giáo Ban Dân vận tỉnh Yên Bái; Lò Thị Viện dân tộc Thái cán bộ lãnh đạo xã Tú Lệ…

Về nghỉ hưu tại tổ 10 phường Trung Tâm thị xã nghĩa Lộ, người thầy giáo thương binh ấy vẫn không ngừng cống hiến khi được đồng đội bầu làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Trưởng Ban bảo vệ dân phố. Đêm đêm khi mọi nhà đã say giấc ngủ thì bóng dáng người cán bộ của dân, Nhà giáo- Chiến sĩ- Thương binh thân quen ấy vẫn đi tuần tra bảo vệ an ninh khu phố. Với tinh thần trách nhiệm và luôn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các phong trào ở cơ sở, nhất là việc xây dựng tuyến phố văn hóa ẩm thực nhằm góp phần nâng cao chất lượng phường văn minh đô thị và phát triển du lịch ở thị xã văn hóa miền Tây của tỉnh, thầy lại được giao trọng trách làm Trưởng Ban quản lý tuyến phố ẩm thực bởi tiếng nói của thầy luôn đem lại niềm tin cho nhân dân. Càng làm việc thầy Duy Thanh càng tâm huyết đúng với tố chất của anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa và tố chất của một Anh hùng Lao động. Vì vậy thầy đã được chi bộ Đảng bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, bà con nhân dân tin tưởng và tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận. Người chiến sĩ ấy can trường trong chiến đấu, lao động miệt mài giữa đời thường đã trở thành tấm gương "Tàn nhưng không phế", tiếng thơm về phẩm chất "Cần, kiệm, liêm, chính" đã giúp người cán bộ của dân luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Mỗi khi đi vận động phong trào hay vận động quyên góp ủng hộ các loại quỹ, phí ở địa phương bà con thường truyền nhau câu nói "Ai chứ ông Duy Thanh mà đi vận động thì tin tưởng lắm. Vì ông có tiếng là thanh liêm rồi!". Chính vì vậy thầy Nguyễn Duy Thanh đã góp phần ghi vào bảng vàng truyền thống của tổ dân phố liên tục đạt đơn vị tiên tiến xuất sắc và chi bộ trong sạch vững mạnh được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng.

Chia tay người thầy giáo thương binh đáng kính ấy trong tôi trào dâng niềm tự hào khôn tả về hình ảnh người chiến sĩ dù trong hoàn cảnh nào, môi trường nào cũng vẹn nguyên bản chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Tôi thầm nhớ đến câu hát thuở học trò "Ngày mai thầy lên đường đi làm anh bộ đội…" Rồi lại khẽ ngâm nga câu hát "Người chiến sĩ ấy, ai đã gặp anh… không thể nào quên… không thể nào quên…". Với tôi, cuộc đời của anh là cả một khúc tráng ca trong bản hùng ca bất tận về người lính trên mọi mặt trận, các anh đã và đang nối tiếp những nốt nhạc trầm hùng trong bài ca "Đời mình là một khúc quân hành…".

                                                                         N. T. T

 

 

Các tin khác:

1-5 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter