Như cánh lúa hiến cho đời sức sống

                                              Ký của NGUYỄN THỊ THANH

 

Cuối thu, trời tháng mười như đậm hơn, thỉnh thoảng một luồng gió thổi về se se lạnh. Tháng mười gợi cho tôi những cảm xúc về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là trong phong trào "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022- 2027. Cảm xúc đó đưa tôi về với thị xã Nghĩa Lộ mến yêu, nơi ấy có những người mẹ, người chị, người em gái từng "một nắng, hai sương" góp phần làm nên nét đẹp quê hương và góp phần tô thắm thêm truyền thống của phụ nữ tỉnh Yên Bái nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung.

Cánh đồng Mường Lò dưới trời thu đẹp quá! Đất đai nơi đây màu mỡ, dưới bàn tay lao động cần cù của bà con đã tạo nên bức tranh quê "sáng lúa, chiều ngô" mùa gối mùa luôn cung cấp cho thị trường những mặt hàng trở thành đặc sản nổi tiếng như gạo tẻ séng cù, ngô nếp thơm, ngô tím dẻo, cà chua hồng, dưa hấu, thanh long, nhãn, xoài, mận tam hoa, hồng nhân hậu… mà ở mỗi sản vật ấy đều mang bóng dáng, hơi thở và cái tình của chị em phụ nữ, những người đang vươn lên làm chủ cuộc sống, luôn có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Dạo bước trên những đoạn đường bê tông nối liền các thôn làng, tôi đến xã Phù Nham nằm trải dài bên phía Đông dòng suối Nậm Thia thơ mộng. Chị Hoàng Thị Siêm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã niềm nở đón khách như đã thân quen tự bao giờ, và câu chuyện giữa chúng tôi náo nức hẳn lên khi nói về phong trào "Xây dựng người phụ nữ Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập". Riêng với phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ còn thêm một tiêu chí nữa là "văn minh" trong mục tiêu tổng thể "Xây dựng người phụ nữ Nghĩa Lộ văn minh, thân thiện, nhân ái, sáng tạo, hội nhập". Cùng với những nhiệm vụ chung do Hội liên hiệp phụ nữ các cấp triển khai, điều tôi tâm đắc nhất ở đây là sự năng động, sáng tạo của phụ nữ cơ sở, đó là mô hình "Thu gom phế liệu đổi lấy cây xanh". Thường trực hội đứng ra thu nhận phế liệu, giấy vụn bán lấy tiền gây quỹ đồng thời trao cây xanh, cây hoa để chị em về trồng cho xanh vườn, đẹp nhà. Như vậy là đạt được cả hai lợi ích. Bên cạnh đó còn có nhiều mô hình như "Hũ gạo nhân ái" mỗi năm góp được từ 15 triệu đến 18 triệu đồng giúp đỡ những hội viên phụ nữ khó khăn khi giáp hạt; phong trào quyên góp ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập cho 72 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 40 trẻ mồ côi; Tổ chức cuộc thi ảnh "Phụ nữ Phù Nham, vẻ đẹp tiềm ẩn" nhằm khích lệ sự tự tin cho chị em trong thời đại mới. Đặc biệt là mô hình "Gian hàng nông sản" trên mạng với hình thức kết nối giúp tiêu thụ sản phẩm cho chị em làm nông nghiệp, lấy phần lãi gây quỹ tặng thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện cho người dân. Trong năm 2023 đã tặng được 25 xuất Bảo hiểm y tế, năm 2024 đang tiếp tục triển khai nhân rộng. Chị Hoàng Thị Siêm cùng tôi đến thăm các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào "Phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh". Gia đình chị Vũ Thị Mai ở thôn Phù Ninh với mô hình vườn, ao, chuồng phát triển chăn nuôi lợn, gà, vịt kết hợp máy xay sát cho thu hập từ 300- 500 triệu đồng/năm; Gia đình chị Lò Thị Nết thôn Năm Hăn thượng là cán bộ chi hội tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ruộng lúa năng suất thấp sang trồng dưa, trồng bí ngô lấy hạt cho thu nhập cao và có đầu ra bao tiêu sản phẩm ổn định. Còn nhiều nữa những điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc mà tôi chưa có thời gian đến tìm hiểu. Chị Siêm gửi tôi một bản báo cáo 9 tháng năm 2024 để tham khảo, trong đó là những gạch đầu dòng ghi phần việc đã làm được theo chương trình, mục tiêu chứ không lý giải dài dòng, vậy mà cũng kín 5 trang giấy A4. Đó là minh chứng để thấy được tại sao người phụ nữ sinh năm 1990 có 5 năm trên cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đã được bình chọn là "Cán bộ Hội giỏi" cấp tỉnh và "Cán bộ hội giỏi toàn quốc" năm 2023 vừa qua. Không những vậy, chị còn đạt Giải Nhì cuộc thi "Tìm hiểu về cơ quan dân cử" do Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức vào tháng 1/2024, đạt giải Nhì cuộc thi "Kể chuyện Bác Hồ" và là "Báo cáo viên giỏi" thị xã Nghĩa Lộ, chị còn được Tỉnh ủy Yên Bái khen thưởng nhân kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023).

Chia tay chị Hoàng Thị Siêm, tôi sang xã Nghĩa Lợi nằm phía Tây dòng Nậm Thia có 1.067 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Chủ tịch Hội phụ nữ Lò Thị Thúy cũng là một cán bộ trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát đúng phong cách người cán bộ thời hội nhập, văn minh và thân thiện. Ban chấp hành hội phụ nữ đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng ủy xã về phát huy thế mạnh vùng ven đô thị, gần chợ Mường Lò và bản sắc văn hóa dân tộc để tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ thương mại gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy cùng với chỉ đạo phong trào phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, Hội đã tập trung vận động, tạo cơ hội cho việc xây dựng các điểm du lịch như Homestay của chị Lường Thị Hồng Chung ở bản Chao Hạ 1 và rất nhiều nhà hàng ẩm thực, nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn. Đặc biệt, từ mô hình Homestay của gia đình chị Hoàng Thị Loan và gia đình chị Hoàng Thị Vân ở bản Sà Rèn mỗi năm đón hàng nghìn khách du lịch trải nghiệm đi xe đạp, tự nấu ăn, cùng dân gặt lúa, cày ruộng, thưởng thức những điệu múa dân gian của đội văn nghệ trẻ và đội văn nghệ người cao tuổi đã tạo nên sức hút cho du lịch Nghĩa Lộ. Hội Phụ nữ đã tham mưu xây dựng bản Sà Rèn thành mô hình "Bản du lịch cộng đồng" vì nơi đây còn lưu giữ tới hơn 85% ngôi nhà sàn đặc trưng của dân tộc Thái. Để thực hiện việc xây dựng đề án này, hội đã tuyên truyền, vận động một số hộ có nhà xây sẽ dỡ bỏ để làm lại ngôi nhà sàn truyền thống và đang được bà con nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bản Sà Rèn nằm kẹp giữa con suối Thia và suối Nung bình yên nhưng mỗi mùa mưa đến cũng không tránh khỏi nỗi lo lũ ống tràn về, do vậy bà con đã đồng tâm trồng tre chắn lũ quanh làng. Hẳn là đi dưới lũy tre xanh ken nhau rợp mát du khách thập phương sẽ thấy lòng mình lắng đọng, thư thái đến nhường nào. Với địa hình đó, Sà Rèn không có nhiều ruộng nhưng ở đây lại nổi tiếng về những loại rau vườn như cải canh, cải ngọt, rau bí, ngọn su su, rau ngót và các loại lá thuốc như rau ngải cứu, tía tô, lá tắm thơm. Chị Hoàng Thị Loan đã đem công nghệ về sản xuất trà túi lọc tía tô đang được quảng bá và tiêu thụ rất tốt trên thị trường, được khách du lịch ưa chuộng. Đặc biệt hơn, khi nói đến Sà Rèn là nói đến điểm chăn nuôi gà vịt theo tiêu chuẩn Vietgap. Chị Lò Thị Thúy cùng tôi tới thăm mô hình chăn nuôi gà của các chị Hà Thị Thoa, chị Đinh Thị Phương, chị Hoàng Thị Pèn đều ở Sà Rèn. Hộ nào cũng có từ 3.000 đến 5.000 con gà thương phẩm. Riêng chị Hoàng Thị Pèn tập trung nuôi toàn giống gà đen bản địa. Mô hình này không những đem lại giá trị kinh tế cao mà còn là điểm tham quan cho khách du lịch mỗi khi đến thăm bản.

Trao đổi với chị Phạm Thị Thu Thủy cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã tôi thật vui khi thấy phong trào thi đua của phụ nữ các xã, phường đang dấy lên mạnh mẽ. Mỗi cơ sở đều xây dựng những mô hình phù hợp với thực tế địa phương, không dập khuôn máy móc theo một mẫu chung nào. Tất cả tạo nên vườn hoa đa sắc màu trong vườn hoa nghìn việc tốt của phong trào thi đua yêu nước do phụ nữ làm chủ. Trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế năm 2024 các cấp hội đã vận động, hỗ trợ 20 mô hình sinh kế bằng các hình thức như hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trị giá 15,7 triệu đồng, tín chấp vay trên 3,5 tỷ đồng, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm để đảm bảo an toàn vốn và sinh lời. Hội cũng phối hợp với ngành chuyên môn thị xã mở 3 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 64 lao động nữ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo về chăn nuôi thú y, đồng thời hỗ trợ cho chị em tham gia tập huấn, học tập kinh nghiệm phát triển kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… Bên cạnh đó, hội còn vận động, hỗ trợ thêm 70 hộ gia đình hội viên đạt tiêu chí "gia đình 5 không, 3 sạch", chỉ đạo thực hiện được 70 công trình, phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong công tác xây dựng tổ chức hội góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, thời gian qua các cấp hội đã bồi dưỡng giới thiệu được 67 phụ nữ ưu tú cho tổ chức Đảng. Một trong những nhiệm vụ được quan tâm đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, khai thác sử dụng, phát huy ưu điểm của mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh con người quê hương Nghĩa Lộ, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Hưởng ứng cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 do Trung ương Hội phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã triển khai đến các cơ sở Hội và đã có 03 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Hội Phụ nữ thị xã đã triển khai xây dựng mới 07 tuyến đường hoa dài 2,8 km; nâng cấp 03 tuyến đường "thắp sáng đường quê" dài 2,9 km; gắn biển 63 mô hình "nhà sạch, vườn đẹp", hỗ trợ xây dựng 06 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế có thu nhập cao, thành lập mới 06 tổ hợp tác… Hội Phụ nữ cũng tích cực tham gia các chương trình nhân đạo từ thiện thông qua việc kết nối yêu thương tặng quà tết cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà "Mái ấm tình thương"; đầu năm học mới có chương trình "Trao yêu thương- Nâng bước em đến trường" và rất nhiều chương trình thiện nguyện khác, tạo nên mối dây liên kết trong cộng đồng. Nói đến công tác này, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt vào vòng xoáy của ký ức cơn bão số 3 mang tên YAGI vừa xảy ra tháng 9/2024. Hơn ai hết, lực lượng phụ nữ đã tiên phong ngay từ buổi đầu tiên nhận được tin thành phố Yên Bái và nhiều vùng trên các huyện bạn chịu hậu quả thiên tai. Tức thì các chi hội phụ nữ đã kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ nào lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và kịp thời có những chuyến xe chuyển tới vùng lũ, vùng sạt lở. Những "Bếp ăn không đồng" náo nức, khẩn trương gói bánh chưng, đóng cơm xôi, cơm hộp, cơm nắm, bánh mỳ, nước uống cứu trợ; có nhiều phụ nữ liên kết kêu gọi mạnh thường quân tham gia ủng hộ, chỉ tính riêng trong ngày thứ nhất Thường trực Hội Phụ nữ thị xã đã tiếp nhận 734 kg gạo, 591 thùng hàng (gồm mỳ tôm, bún khô, phở, cháo), 96 thùng sữa, 36 thùng và 835 chai nước lọc, hơn 530 thùng bánh các loại, gần 400 chiếc bánh mỳ, 455 kg rau củ và 1.000 chiếc bánh chưng cùng tiền mặt, trứng, nước ngọt… với tổng trị giá 109.531.000 đồng (Chưa kể các nhóm hội viên phụ nữ tự tổ chức đem bánh chưng, cơm, nước lọc đi cứu trợ). Những ngày sau đó thông qua kênh của Hội Phụ nữ chị em đã tiếp tục ủng hộ nhu yếu phẩm trị giá 55.575.000 đồng. Nhất là khi Ủy ban MTTQVN phát đi lời kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng thiên tai, bão lũ thì trong mỗi gia đình người phụ nữ vốn là "Tay hòm chìa khóa" đã tự nguyện đóng góp không kém gì tinh thần cứu nước của những năm tháng chiến tranh chống giặc ngoại xâm, ai có gì góp nấy, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít không kể già, trẻ, gái, trai, không phân biệt giầu, nghèo… Có thể nói, tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách như đã luôn thường trực trong con tim, khối óc của những người mẹ, người chị, người em gái. Cho nên không cần chờ ai đôn đốc nó cũng tự bùng lên ngọn lửa yêu thương như chính bản năng sẵn có. Và hơn hết, khi có một tổ chức tập hợp, động viên thì tinh thần ấy càng được tiếp thêm sức mạnh, được truyền lửa bồi đắp thêm nét đẹp tình người trong khó khăn, hoạn nạn và trong cuộc sống hàng ngày.

Có thể khẳng định, ở lĩnh vực hoạt động nào phụ nữ đều có vai trò quan trọng và luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện vươn lên, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Họ ngời sáng trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm mà vẫn đậm nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Đúng như lời khẳng định của Bác Hồ kính yêu "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".

Đã hết giờ làm việc tại cơ quan thường trực Hội LHPN thị xã mà những con số trong báo cáo vẫn cứ ùa về. Có thể so với nhiều nơi chưa hẳn là thành tích lớn lao nhưng với một thị xã nhỏ bé này thì đó là những con số rất đáng ghi nhận mặc dù chưa thể viết hết ra được trong bài viết này, song tôi tin thành tích của phong trào phụ nữ nơi đây sẽ tiếp tục được nhân lên nhiều hơn thế. Có lẽ muốn thay đổi không khí, chị Phạm Thị Thu Thủy lấy điện thoại mở bài hát "Bài ca Phụ nữ Việt Nam". Lời ca vút lên trong sáng, tự hào "Dòng dõi Bà Trưng vốn xưa nay anh hùng. Giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng. Như cánh lúa hiến cho đời bao sức sống. Xứng danh đã trao tặng người trung hậu, đảm đang…!". Bài hát hay quá! Hình tượng người phụ nữ Việt Nam đẹp quá! Vẻ đẹp khiêm nhường như cánh lúa nhưng vô cùng cao thượng bởi những "cánh lúa" ấy đã đang và sẽ mãi dâng hiến cho đời bao sức sống. Đó là sức sống mãnh liệt của tinh thần Việt Nam, trí tuệ Việt Nam.

                                                                                          N. T. T

  

 

Các tin khác:

1-5 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter