Những đồng đội "30 tháng tư" vẫn hát vang bài ca dân vận

Ký của NGUYỄN THỊ THANH

 

Mỗi độ tháng tư về, trong ký ức và trong tâm khảm các thế hệ người dân Việt Nam không ai có thể quên một Tháng Tư lịch sử. Tháng Tư  mà cả dân tộc hát mãi khúc khải hoàn ca về cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chiến thắng 30/4/1975 là bài ca thống nhất, là hình ảnh của một Việt Nam đoàn kết, đồng lòng,  không quản ngại hy sinh, gian khổ, một dân tộc kiên cường, bất khuất trước kẻ thù xâm lược. Tháng tư đi trong phơi phới niềm tự hào ấy đã thôi thúc tôi đến với "Hội đồng đội 30 tháng tư" tại thị xã Nghĩa Lộ để được hòa mình trong hồi ức của những cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm xưa…

Lần này gặp gỡ các anh, tôi không chỉ được nghe những câu chuyện về chiến công hiển hách như từng trang sử hào hùng được lật giở mà điều thú vị là cuộc trò chuyện giữa chúng tôi lại hướng sang chủ đề "Dân vận khéo" tự lúc nào. Anh Phạm Thanh Hòa, cựu chiến binh ở tổ dân phố 4 phường Cầu Thia vừa đem ra khoe chiếc túi đựng mìn Claymo, một chiến lợi phẩm của tàn quân ngụy sau trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột vừa kể về kỷ niệm một thời đáng nhớ. Thi tốt nghiệp phổ thông tại trường Cấp 3 Thanh Chương Nghệ An, anh gác lại giấc mơ giảng đường đại học để lên đường nhập ngũ vào ngày 8/6/1974. Sau thời gian huấn luyện anh được biên chế vào C8 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn 316 làm y tá đại đội. Ngày 17/1/1975 đơn vị được lệnh hành quân từ Nghệ An vào Nam, trận đánh đầu tiên ngày 10/3/1975 không thể quên đã được anh thuật lại một cách sôi nổi, hào hứng. Đúng 4 giờ sáng đơn vị nhận lệnh xung phong, súng đạn của cả hai bên như gầm rít, khí thế tiến công như vũ bão, trận đánh kết thúc nhanh chóng và Buôn Ma Thuột được giải phóng, hàng đoàn lính ngụy ra hàng. Anh cho biết công tác dân vận trong quân đội lúc đó được học tập, quán triệt và thực hiện rất nghiêm túc, hiệu quả. Ai cũng thấm nhuần là trong chiến đấu phải biết dựa vào dân, yêu thương nhân dân, không được tơ hào một mũi kim, sợi chỉ của dân, cùng đó là công tác "binh vận" cũng phải chú trọng. Nếu gặp hoặc bắt được binh lính tuyệt đối không được bắn giết, phải đối xử nhân đạo… Theo lời kể của anh, tôi hình dung từng toán lính ngụy ra đầu hàng quân giải phóng, dưới tán rừng cà phê những nong cơm, rá cơm, chậu thức ăn được bày ra vì số tù binh nhiều quá không thể chia phần vào tô được, các chiến sĩ giải phóng vừa phục vụ vừa giải thích rõ chính sách khoan hồng của cách mạng, khuyên họ nên buông súng trở về với gia đình, về với những người thân yêu, nhiều tên bị thương đã được chăm sóc chu đáo… Anh Phạm Thanh Hòa lúc này cười rất tươi, một lần nữa anh giơ chiếc túi lên và nói "Chiếc túi đựng mìn này chính là kỷ vật của một anh lính ngụy tặng tôi sau những giờ phút làm công tác binh vận. Với anh bạn ấy là dấu ấn của nỗi đau chiến tranh, còn với tôi là kỷ vật để nhớ mãi về cuộc chiến mà chúng tôi là người chiến thắng!". Đơn vị tiếp tục hành quân vào địa bàn Củ Chi đánh trận Đồng Chùa đối diện căn cứ quân sự của Sư đoàn 25 Ngụy Sài Gòn bên Đông Dù. Đây là trận đánh quyết liệt để lại nhiều dấu ấn không thể nào quên. Đạn pháo hai bên nổ chát chúa, đường đạn đan chéo nhau sàn sạt, trên đầu máy bay địch quần đảo thả bom như trút, căn hầm của quân y bị sập, y tá Hoàn hy sinh ngay cửa hầm, còn mọi người bị hất tung lên, Hòa bị mảnh pháo găm qua trán nhưng băng vội vết thương anh lại cùng đồng đội làm nhiệm vụ khiêng, vác thương binh về hậu cứ. Với anh đến giờ vẫn ám ảnh vết thương chiến tranh khi phải cõng trên lưng, vác trên vai những đồng đội nào cụt chân, cụt tay, ngực rách toang, thậm chí bị vạt cả một mảnh đầu… Nhưng ý chí căm thù lúc ấy đã khiến mọi người không sợ gì súng đạn. Giành thắng lợi ở Đồng Dù, đơn vị tiến vào Sài Gòn giữa lúc Tổng thống Dương Văn Minh lên tiếng đầu hàng vô điều kiện. Đi đến đâu bộ đội ta đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của bà con nhân dân, họ đón chào quân giải phóng trong niềm hân hoan. Tháng 4/1976 đơn vị trở ra Bắc với những ngày tháng gian nan vào rừng chặt cây dựng lán huấn luyện và tiếp tục công tác dân vận ở cơ sở, thường xuyên lao động giúp dân, tuyên truyền cho nhân dân về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, dạy chữ, cắt tóc cho các em nhỏ vùng cao và khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào... Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đơn vị lại một lần nữa cầm súng phối hợp cùng bộ đội biên phòng và các cánh quân chủ lực chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Tháng 1/1990 anh được nghỉ chế độ bệnh binh và giám định thương tật 22%, là thương binh hạng 4/4. Nghỉ ngơi chưa được bao lâu, tháng 5/1990 anh được bầu vào cấp ủy Chi bộ khu 5 thị trấn Nghĩa Lộ rồi sau đó làm Bí thư Chi bộ. Công tác dân vận lại là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình lãnh đạo nhiệm vụ ở địa phương. Khi thị xã Nghĩa Lộ được tái lập, anh nhận nhiệm vụ phường đội trưởng kiêm cán bộ văn hóa, rồi làm Phó Chủ tịch UBND phường đến năm 2005. Nhưng sau đó Đảng tiếp tục giao nhiệm vụ và người chiến sĩ ấy lại đảm nhận Bí thư chi bộ. Anh nói, trong 13 năm làm bí thư chi bộ, nếu không làm tốt công tác vận động quần chúng thì không thể nào xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh và tổ dân phố tiên tiến. Muốn dân vận tốt thì người cán bộ, đảng viên phải làm gương, phải vì dân và tin ở sức mạnh của dân. Vậy là anh đã tích cực tìm nguồn lực đồng thời vận động nhân dân phát huy tinh thần làm chủ, tích cực đóng góp xây dựng được nhà văn hóa, làm đường bê tông, làm kênh mương nội đồng. Con đường bê tông đầu tiên từ sức dân vào thời điểm khó khăn đó đã được chọn làm điển hình mẫu mực ở thị xã, được chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng.

Theo giới thiệu của "Hội đồng đội 30 tháng tư", tôi đến gặp cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tứ ở tổ dân phố 4 phường Trung Tâm. Vừa gặp anh tôi bỗng nhớ về một ngày tháng 4/1968 tại nơi sơ tán chống Mỹ, mấy anh chị em tôi được mẹ dẫn đến dự buổi liên hoan tiễn các anh lên đường đánh giặc, cả xóm làng vui như đi hội. Tôi chỉ biết là anh đã đi bộ đội, anh may mắn trở về xây dựng cuộc sống chứ đâu biết chính anh cũng là "lính 30/4". Vậy là anh đã chiến đấu suốt 6 năm liền bên nước bạn Lào và được kết nạp Đảng ngày 23/1/1973 tại mặt trận Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Tháng 6/1974 Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 316 được lệnh về nước và hành quân vào Nam tham gia chiến dịch lớn. Đại đội pháo 120 ly của anh đã hiệp đồng tác chiến với bộ binh giải phóng Buôn Ma Thuột, trong đó kỷ niệm đáng nhớ nhất là trận đánh sân bay Hòa Bình, những khẩu pháo đồng loạt gác nòng lên hàng rào bắn xối xả vào sân bay khiến quân địch hoảng sợ tháo chạy, ta nhanh chóng làm chủ sân bay và Đại đội 5 của anh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Sau đại thắng, đến tháng 10 năm 1975 anh được chuyển ngành về Chi cục Kiểm lâm Nghĩa Lộ, nhưng có lệnh tổng động viên năm 1979 anh lại tái ngũ tham gia các cuộc chiến đấu trên biên giới phía Bắc, năm 1982 phục viên trở về tiếp tục công tác kiểm lâm. Bước chân người chiến sĩ lại vượt núi, băng đèo vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đồng thời giúp đỡ bà con tích cực trồng cây gây rừng, giữ lá phổi xanh cho Tổ quốc. Năm 1989 anh được giải quyết chế độ nghỉ mất sức lao động. Dù nghỉ mất sức nhưng về địa phương anh lại đảm nhận Bí thư chi bộ, có thời kỳ kiêm cả tổ trưởng dân phố. Trong những năm đầu tái lập thị xã Nghĩa Lộ còn muôn vàn khó khăn nhưng phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ lúc nào cũng thôi thúc anh phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là công tác dân vận. Khi nói về lĩnh vực này anh tỏ ra rất tâm đắc, trong đó có việc xây dựng "thế trận lòng dân". Theo anh, một khi cán bộ, đảng viên làm mất niềm tin của nhân dân, không tôn trọng nhân dân thì phong trào làm sao mà lên được, việc xảy ra đơn thư khiếu kiện hầu hết là do vi phạm chính sách, làm mất lòng dân. Anh nói với tôi theo tư tưởng Hồ Chí Minh "Mọi hoạt động phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, phải lắng nghe, thấu hiểu nhân dân". Bởi vì "Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân". Chẳng thế mà khi đã thôi tham gia công tác, là người dân thường nhưng anh luôn tham mưu cho cấp ủy chi bộ về công tác vận động quần chúng. Nắm bắt nguyện vọng của bà con muốn có nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng, khi được chính quyền cấp quỹ đất làm nhà văn hóa thì phải tính sao để có kinh phí xây dựng? Anh đã tham gia vào Ban kiến thiết, bản thân xung phong đóng góp mức cao nhất ngay trong buổi phát động nhân dân đồng thời đi đến các cơ quan, đơn vị, gặp gỡ vận động các doanh nghiệp, cá nhân có hảo tâm giúp đỡ. Vậy là chỉ trong thời gian ngắn, nhà văn hóa của tổ dân phố được xây dựng khang trang bằng 100% vốn huy động trong dân. Mặc dù tuổi cao nhưng anh vẫn là tấm gương lao động miệt mài bằng chính bàn tay và sức lực của mình, không ngừng giữ gìn và phát huy nghề truyền thống làm giò chả của gia đình qua nhiều thế hệ, anh nói có tuổi rồi làm "túc tắc" thôi, mức thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày, vừa có thêm thu nhập vừa đỡ phiền con cháu. Bác Hồ nói rồi, đã là người dân yêu nước thì ai cũng có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia những việc ích quốc, lợi dân, dù là việc bình thường nhất. Nhưng mình vận động mọi người tích cực lao động, phát triển kinh tế mà cứ bằng khẩu hiệu suông thì làm sao có hiệu quả!

Ngoài trời nắng chiều đã ngả, anh chợt nhớ ra và cho biết ở xã Nghĩa An có 2 đồng đội cùng đơn vị, cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Như thể tìm được người thân lâu ngày thất lạc, tôi đề nghị anh dẫn đi ngay. Qua đoạn đường ngót chục cây số từ thị xã Nghĩa Lộ lên bản Nậm Đông sát với địa bàn xã Túc Đán huyện Trạm Tấu, chúng tôi đến nhà anh Hoàng Văn Tỏ dân tộc Thái. Ngôi nhà sàn 5 gian rộng rãi nằm giữa xung quanh là ruộng nương và xa xa mây đã ôm ấp núi. Tại đây hồi ức về những ngày lửa đạn chiến tranh lại ùa về như mới hôm qua… Anh Hoàng Văn Tỏ là lính lái xe, nhập ngũ tháng 2/1967 khi vừa tròn 20 tuổi và mới cưới vợ được 20 ngày. Tiểu đoàn lái xe được giao nhiệm vụ kéo trọng pháo vượt Trường Sơn vào Nam, suốt 22 ngày đêm đi trong bí mật, bụi đường Trường Sơn phủ lớp dày trên mặt, trên áo quần. Trong trận đánh ở Buôn Ma Thuột có những lúc anh phải nhảy xuống thay đồng chí pháo thủ bị trúng đạn để giật pháo, do quân địch tiến công ồ ạt nên đơn vị phải đánh trực tiếp khiến chúng bỏ chạy tán loạn. Khi tiến đánh sân bay Hòa Bình, thấy pháo thủ bị thương gẫy tay, không do dự anh nhào xuống nhằm hướng địch giật liền 8 quả thủ pháo, sung sướng nhìn quân địch tháo chạy như đàn dê sổng chuồng. Anh Xuân Tứ hỏi vui "Lúc đó chắc không nghĩ gì đến vợ con nhỉ?". Anh Tỏ vỗ ngực "Ôi… Mày biết tao nghĩ gì? Chính vì nghĩ về vợ trẻ và đứa con thơ nên tao mới càng hăng! Tao chỉ muốn đất nước giải phóng nhanh để về nhà!". Nói xong anh lặng đi giây lát rồi cho biết khi chiến đấu ở bên Lào nhận tin vợ đẻ, em trai mất đột ngột mà không được về vì cuộc chiến đang rất cam go. Anh rưng rưng kể về sự kiện chúng dồn dân ra chặn đường quân giải phóng ở Buôn Ma Thuột, nhìn những đứa trẻ khóc thét trong tay người mẹ đã chết mà uất nghẹn! Anh nói, thế cho nên lúc ta bắt được tù binh, bộ đội phải làm công tác vận động binh lính, tôi lấy chuyện của mình ra tâm sự làm cánh lính ngụy nhiều tên ôm mặt khóc, rồi thi nhau quẳng súng, túi lựu đạn, túi mìn thành hàng đống to... Như bắt vào mạch chuyện, các anh cùng nói về dân vận như thể mình là những chính trị viên. Bởi vì tại mặt trận, bộ đội đã được quán triệt về công tác dân vận phù hợp phương châm đấu tranh ở Miền Nam, phải biết khích lệ tình cảm dân tộc cho binh lính, giải thích chính sách khoan hồng của cách mạng, chỉ rõ những phi lý trong khi bọn chỉ huy chóp bu thì kéo nhau bỏ chạy mà lại bắt binh lính tử thủ, rồi nhắc nhở động viên họ hướng về vợ con, gia đình và người thân, trong lúc họ hoảng loạn thì rất cần sự giúp đỡ… Càng nghe, tôi càng khâm phục các anh về ý thức binh vận, dân vận và ai cũng ghi nhớ câu nói của Bác Hồ "Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu". Tháng 10/1975 anh ra quân về địa phương, được bầu làm đội trưởng đội sản xuất rồi sau đó làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Lúc bấy giờ công tác vận động đồng bào khó khăn lắm, anh luôn gần gũi tuyên truyền, vận động bà con hỗ trợ nhau và thi đua sản suất, dựa vào nhau như cây tre phải có bụi chứ vào tập thể không phải là dựa dẫm nhau mà ỷ lại công việc cho nhau. Chính vì vậy Hợp tác xã liên hiệp Nghĩa An ngày ấy luôn là lá cờ đầu của tỉnh miền núi. Nhìn trên khuôn mặt người cựu chiến binh già chỉ còn 1 mắt sáng, mắt bên phải bị mù, lõm sâu, tôi hỏi anh hiện là thương binh hạng mấy? Anh cười trừ. Có thương binh gì đâu! Năm đó hầm của chúng tôi bị trúng bom, tôi may mắn thoát chết vì quả bom không nổ, nó khoét một hố sâu và mắt tôi bị mảnh gì đó bắn vào, được đồng đội đưa đến hầm quân y rửa, băng bó rồi tôi lại tiếp tục lái xe lên đường. Bộ đội lái xe hồi ấy ai cũng lấy câu thơ của Phạm Tiến Duật để tự động viên mình, và tôi khẽ đọc cùng anh: "Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy, nhớ lưng đèo"… Tôi thắc mắc tại sao bằng ấy năm anh không làm chế độ thương binh hoặc bệnh binh? Anh bảo mất hết giấy tờ, với lại mãi không sao bây giờ tự nhiên công bố là thương binh thì xấu hổ lắm. Cả anh Tứ và anh Tỏ đều chung quan điểm đó, vậy mà vẫn có nhiều vị làm được giấy tờ thương binh giả mới lạ, thật là họ không có lòng tự trọng! Lòng tự trọng của các anh đã đem lại niềm tin cho bà con dân bản, nên đến nay anh Hoàng Văn Tỏ luôn là chỗ dựa tin cậy đối với chi bộ thôn và Đảng bộ xã Nghĩa An, là cộng sự có uy tín của lực lượng công an nhân dân góp phần giữ gìn trật tự an ninh ở địa phương, là hạt nhân trong công tác xây dựng thế trận lòng dân ở cơ sở.

Trên đường về chúng tôi rẽ vào thăm cựu chiến binh Hoàng Văn Nọi, dân tộc Thái ở Bản Đêu xã Nghĩa An. Một lần nữa những ký ức về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lại sôi động, hào hứng hơn lúc nào hết. Do lập được nhiều chiến công nên đúng vào ngày 2/9/1970 anh đã được kết nạp vào Đảng. Kể đến đoạn tiếp quản dinh thự của tên tướng ngụy, anh Nọi quay sang nắm tay đồng đội cười hể hả "sướng nhất là bọn mình được cánh tù binh khoanh tay chào ông lớn! Bọn mình nói gì chúng cũng nghe theo. Đúng là công tác binh vận lúc đó hiệu quả thật!". Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất anh trở về địa phương làm công nhân công ty chè, đến năm 1978 về quê làm xã đội phó, Bí thư đoàn thanh niên rồi làm Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, được giao phụ trách công tác dân vận nên anh luôn phải tham mưu cho cấp ủy phương pháp vận động nhân dân cho phù hợp. Những năm đó việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu ở vùng dân tộc Thái không phải dễ dàng gì, nhưng mưa dầm thấm lâu, trước hết là gia đình, dòng tộc nhà mình phải gương mẫu thực hành trước, phải biết hy sinh cái tôi thì mới chiến thắng được. Cuối cùng đã bỏ được tục thách cưới, tục ăn uống la đà nhiều ngày trong việc cưới, việc tang, vận động bà con đưa trâu bò, lợn gà ra khỏi gầm sàn. Đặc biệt là quá trình vận động làm vụ đông để thâm canh tăng vụ, tăng thu nhập và làm kênh mương nội đồng, làm đường nội đồng để "giải phóng đôi vai" dùng xe cải tiến chở lúa từ đồng về và chở phân ra bón ruộng. Các anh phải "cầm tay chỉ việc" cho bà con, hướng dẫn kỹ thuật rất tỉ mỉ, cặn kẽ. Vì vậy xã Nghĩa An luôn là đơn vị tiên phong trong xây dựng nông thôn mới, ngày nay đang là xã đi đầu trong công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con và góp phần xây dựng một thị xã văn hóa, thương mại, du lịch. Tôi không thể tin vào tai mình khi nghe người cán bộ xã đã nghỉ hưu nói về dân vận khéo "Là cán bộ của dân, nếu cái đầu mình không nghĩ, cái mắt mình không biết nhìn nhận, cái tai không biết lắng nghe lòng dân, cái chân mình không chịu đi, cái miệng mình không biết nói điều hay lẽ phải và cái tay mình không biết làm, nói tóm lại không biết "ba cùng, bốn cùng" với dân thì không thể làm tốt công việc được đâu!".

Ôi những chiến sĩ "30 tháng tư" ngày ấy và bây giờ đã để lại trong tôi niềm kính phục, lòng biết ơn. Tôi chưa có dịp gặp gỡ được tất cả những người chiến sĩ quả cảm năm xưa trong "Hội đồng đội 30 tháng tư" nơi đây nhưng chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để nói về truyền thống vẻ vang của một thế hệ anh hùng, những người từng qua binh vận đến dân vận đã khơi dậy, tập hợp, quy tụ và phát huy sức mạnh từ nhân dân tạo nên "thế trận lòng dân", đó là một trong những bí quyết làm nên thành công của cách mạng Việt Nam, góp phần không nhỏ trong quá trình củng cố, bồi đắp mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Chia tay các anh tôi cảm nhận các anh là những người đã và vẫn đang hát vang bài ca dân vận "Chúng ta là con của dân, chúng ta là người của Đảng, chúng ta thấu hiểu lòng dân, lo cho dân là lo cho đất nước…". Xin mãi tri ân một thế hệ anh hùng!

 

                                                                           N. T. T

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter