Vâng lời Bác, dựng cơ đồ
Ký của NGUYỄN TÂM
Ngày cuối thu, nắng trải nhẹ như dát vàng trên những thửa ruộng bậc thang đang vào độ chín; làm ánh thêm sắc xanh ngút ngàn của những đồi quế thơm hương gọi mời du khách; trải tấm lưới lấp lánh kim sa trên mặt hồ Thác Bà mênh mông lộng gió và tô điểm thêm cho sự rực rỡ sắc màu nơi phố thị hào hoa, tấp nập. Tháng 9 sắp qua mà không khí hân hoan, phấn khởi ở khắp miền quê núi Yên Bái dường như chưa hề giảm bớt. Sau sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; công bố quyết định của Chính phủ công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II cùng hàng loạt các sự kiện lớn được tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm, người Yên Bái như càng hăng say, phấn chấn hơn, ra sức thi đua xây dựng quê hương, lập thành tích để tỏ lòng thành kính dâng lên Người.
Ngược về miền Tây trong những ngày cuối tháng 9, hoà vào dòng người nô nức đổ về Mường Lò tôi đã kịp có mặt, tham dự và trải nghiệm không khí hoành tráng của Lễ hội Văn hoá, Du lịch Mường Lò. Năm nay, với chủ đề “Mường Lò- Tinh hoa miền di sản”, một chương trình nghệ thuật đặc biệt cùng những màn múa xoè độc đáo của 2.023 diễn viên, nghệ nhân tham gia đã đem đến cho du khách thập phương một trải nghiệm vô cùng mới mẻ và thú vị. Câu chuyện về một người con của Yên Bái sau nhiều năm xa quê đưa những người bạn về thăm Mường Lò đã được kể bằng âm nhạc. Trong câu chuyện ấy, người con Yên Bái đã giới thiệu với bạn của mình về một miền quê “thanh sơn bích thủy”, mời bạn dạo chơi miên man giữa vùng hồ Thác Bà trong xanh mát lành, lên Văn Yên đắm say hương quế, đến Lục Yên ngỡ ngàng miền đất Ngọc, vào miền Tây thăm Văn Chấn bốn mùa thơm hương chè shan cổ thụ, qua Nghĩa Lộ nghe dòng Thia kể chuyện bản mường, ngược Trạm Tấu nghe thông reo trong gió rồi lên Mù Cang Chải ngắm những bậc thang trải vàng sóng lúa trong mây. Yên Bái, Mường Lò trong câu chuyện ấy là một miền quê đậm đà bản sắc với hơn 30 dân tộc anh em cùng chung sống; nơi hội tụ những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có nhưng luôn thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đã và đang góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại. Sau đêm khai mạc Lễ hội, du khách không nỡ rời chân bởi phần vì còn chưa hết cái cảm giác lâng lâng say trong điệu xoè cổ của những thiếu nữ Thái duyên dáng; phần vì Nghĩa Lộ, Mường Lò vẫn còn diễn ra rất nhiều hoạt động đặc sắc khác. Cũng phải thôi, bởi nơi đây được xác định là vùng đất tổ của người Thái đen tại Việt Nam, là vùng đất nổi bật với các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc; các di tích lịch sử- văn hóa mang tầm khu vực và quốc gia. Nhớ lời Bác dạy, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ luôn ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững quê hương, nhất là việc chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, tốt đẹp của các dân tộc để biến đó thành nền tảng, thành nguồn lực và là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh, xây dựng và phát triển quê hương Nghĩa Lộ. Cũng bởi xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ của mình nên Nghĩa Lộ đã sớm xây dựng và tập trung triển khai thực hiện Đề án xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa và du lịch. Đặc biệt là trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, Nghĩa Lộ đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Trọng tâm là khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch thông qua nhiều hoạt động như: Bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, thông qua bảo tồn các giá trị kiến trúc nhà ở, trang phục, đồ dùng sinh hoạt; Bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể thông qua gìn giữ, trao truyền tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống... Nhiều năm trở lại đây, những lễ hội văn hoá, du lịch Mường Lò hàng năm với sự tham gia của hàng nghìn diễn viên quần chúng cùng rất nhiều lễ hội tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc như lễ hội Xên Đông, lễ hội Rằm tháng Giêng, lễ hội Khai hạ, Tết Xíp xí, Xên bản, Xên mường… được duy trì tổ chức thường niên đã làm nên thương hiệu cho miền di sản Mường Lò, trở thành sự kiện văn hóa, du lịch thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến mỗi năm.
Lên Mù Cang Chải, lúa chín đang dần phủ một màu vàng no ấm trên các thửa ruộng bậc thang. Mùa lúa chín cũng là mùa người Mông đất núi cùng nhau làm du lịch. Chủ bụng đến vào ngày cuối tuần xem có cơ may gặp được Bí thư Huyện uỷ Nông Việt Yên để hỏi chuyện, ấy thế mà Bí thư đã đi thôn bản từ sáng sớm để thị sát tình hình, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện công trình nâng cấp đường vành đai Thị trấn Mù Cang Chải và việc giải phóng mặt bằng chuẩn bị xây dựng nhà văn hoá. Bắt một chiếc xe ôm tự mình đi xã, vừa là đi cơ sở, vừa tự thưởng cho mình cơ hội thưởng lãm bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp của Mù Cang Chải khi vào mùa lúa chín. Vòng quanh hết đường lớn đến đường nhỏ, hết đường bằng đến đường dốc mà đến đâu cũng thấy bảo lãnh đạo xã đi lên bản với bà con. Vẫn biết Mù Cang Chải là nơi khởi phát đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” và hình ảnh những người cán bộ huyện áo đẫm mồ hôi, tay chân lấm lem cùng bà con cuốc đất, san đường, trộn bê tông làm đường rồi vác gỗ dựng nhà, đào hố trồng cây lâu nay đã trở nên quen thuộc với Mù Cang Chải, mà tôi vẫn thấy bất ngờ vì sau hơn 4 năm mô hình ấy không những được duy trì mà còn lan toả, phát huy mạnh mẽ đến thế. Đưa tôi đi mấy xã không gặp được cán bộ, anh bạn lái xe ôm A Nhù tỏ ra ái ngại. Nhưng khi nghe tôi nhắc đến mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”, Nhù lại phấn khởi và hào hứng mà khoe với tôi rằng mấy năm nay, người dân trên khắp các thôn bản ở Mù Cang Chải, nhất là các thôn bản vùng cao rất vui, rất biết ơn vì được cán bộ xã, cán bộ huyện thường xuyên tổ chức đến giúp đỡ, chỉ cho cách làm ăn. Như ở bản Tà Sung của Nhù, ngày cuối tuần, cán bộ lên tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bỏ bớt hủ tục, không tảo hôn, sinh nhiều con; chỉ cho bà con cách tăng gia sản xuất, còn giúp bà con khai hoang thêm ruộng, trồng thêm cây ngô, cây lúa, nuôi thêm con dê, con lợn; thậm chí còn dọn dẹp, vệ sinh đường, thu gom rác thải... Nhờ thế mà giờ người trong bản Nhù không ai còn thiếu đói, các cháu được đi học. Tham gia vào đội xe ôm, những lúc nông nhàn hay vào mùa lúa chín, Nhù lại cùng các thanh niên trong bản xuống phố chạy xe ôm chở khách du lịch để kiếm thêm thu nhập cho gia đình...
Từ một huyện miền núi nằm trong nhóm nghèo nhất cả nước với trên 90% dân tộc Mông sinh sống, bằng quyết tâm vươn lên để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới, làm cho cuộc sống người dân được “sung sướng hơn” như lời Bác dạy khi về thăm Yên Bái, suốt chặng đường hơn 60 năm không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, giờ đây Mù Cang Chải đang từng ngày khởi sắc. Đời sống của người dân được nâng lên. Kinh tế dần phát triển, không chỉ chấm dứt tình trạng thiếu lương thực lưu niên mà bình quân lương thực đầu người đạt trên 700kg/người/năm; thu nhập bình quân đạt trên 30,3 triệu đồng/người/năm; nhiều vùng sản xuất chuyên canh được hình thành, nhiều sản phẩm nông nghiệp trở thành đặc sản, được xây dựng thành thương hiệu. Văn hoá tiến bộ, nhiều phong tục tập quán lạc hậu dần được xoá bỏ, sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng (toàn huyện có 39 đơn vị trường và 01 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên, với 694 lớp 22.784 học sinh, 11 trường đạt chuẩn quốc gia; 37/37 đơn vị trường triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc, Trường học du lịch”). Y tế những năm 1960 chỉ có 1 trạm xá với nhiệm vụ chính là vận động người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, ngủ ấm, ở sạch, phun thuốc phòng dịch bệnh thì nay 13/13 xã có trạm y tế, 12 đơn vị đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, 75.000 lượt người được thăm khám, chữa bệnh mỗi năm; 99,3% dân số tham gia bảo hiểm y tế…
Chia tay Mù Cang Chải, muốn đi tiếp để được chiêm ngưỡng, cảm nhận sự đổi thay, phát triển trên khắp miền quê Yên Bái như câu chuyện kể bằng âm nhạc của người con Yên Bái ở đêm khai hội Mường Lò nhưng tôi đành bỏ lỡ vì ở thành phố còn bộn bề công việc đang chờ. Ngẫm cho cùng, đến một huyện vùng cao nghèo khó nhất tỉnh như Mù Cang Chải mà nay đang tiến dần đến đích cơ bản không còn là huyện nghèo, trở thành điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện” thì một Văn Chấn trù phú những đồi chè, rừng chè shan cổ thụ; một Văn Yên- vùng “vàng xanh” nức tiếng gần xa; rồi Lục Yên đất ngọc giàu có và bản sắc hay Yên Bình cá bạc lấp lánh mặt hồ thì sao có thể không phát triển, không tươi đẹp. Trở về thành phố, từ nút giao IC12, thay vì lướt ga trên con đường Âu Cơ hay đường nối quốc lô 32C rộng thênh thang, tôi lại chọn qua cầu Giới Phiên để sang sông. Kể cũng lạ, cách đây chưa đầy 10 năm, từ các huyện thị phía Tây về, muốn qua sông chỉ còn cách qua cầu Yên Bái, thì nay lại có tới 5 sự lựa chọn. Bởi chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, 5 cây cầu to đẹp, sững sững vượt sông Hồng, nối liền đôi bờ thành phố cùng hệ thống giao thông trọng điểm, kết nối vùng, liên vùng, kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh với tuyến đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai liên tục được đầu tư xây dựng, mở ra một mạng lưới giao thông đồ sộ chưa từng có xưa nay.
Nhớ năm xưa Bác Hồ đã dạy “Trước kia chúng ta khổ vì thực dân phong kiến bóc lột. Bây giờ chúng ta đã được thoát khỏi, chúng ta phải làm thế nào cho sướng hơn. Muốn sướng hơn phải ǎn no mặc ấm…”. Từ việc chăm lo cho dân được ăn no mặc ấm thì nay, Yên Bái còn đặt ra mục tiêu đem lại hạnh phúc cho Nhân dân. Hạnh phúc ấy không chỉ là đáp ứng những nhu cầu thiết yếu mà còn là sự hài lòng về cuộc sống, môi trường sống, sống thọ, sống khoẻ. Mục tiêu được đưa ra, những nhiệm vụ cùng giải pháp hiệu quả lập tức được triển khai với sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng làm mục tiêu sang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm, Yên Bái tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp cao nhất trong vùng và trở thành điểm sáng trong khu vực Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới với 99/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đem đến một diện mạo nông thôn thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tiếp tục được phát huy.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển mạnh dịch vụ, thương mại; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp; chú trọng quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các dự án phát triển chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo, đa dạng các sản phẩm trên cơ sở lợi thế của tỉnh. Nhờ đó, công nghiệp duy trì ổn định và có bước phát triển nhanh, khai thác được tiềm năng, lợi thế, huy động nhiều nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân; tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp- xây dựng năm 2022 đạt 14,76%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng; các ngành dịch vụ có lợi thế như tài chính, ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục, đào tạo được tập trung phát triển; các loại thị trường tài chính, bất động sản, lao động từng bước hình thành và phát triển... Tích cực cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, kết quả là chỉ số cải cách tăng 7 bậc sau 1 năm; chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công (PAPI) năm 2022 xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố, tiếp tục nằm trong nhóm trung bình cao; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm sau cao hơn năm trước 3 bậc, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; thu ngân sách năm 2022 đạt trên 4.600 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt kết quả ấn tượng (đạt 8,62% năm 2022, là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây).
Thực hiện đời sống văn hóa mới để cuộc sống của nhân dân được tiến bộ, ngày càng ấm no, hạnh phúc, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương, nhiệm kỳ 2020- 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX xác định phương hướng phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” với 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm. Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân, Yên Bái là điểm sáng trong các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 32,21% năm 2016 xuống còn 4,76% năm 2021, đứng thứ 11 so với các tỉnh trong khu vực và đứng thứ 16 so với cả nước, cải thiện 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ. Sự nghiệp giáo dục, nguồn lực phục vụ phát triển sự nghiệp y tế được đầu tư hiệu quả, chất lượng, những mô hình “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc”, “Bác sĩ tận tâm - bệnh nhân hạnh phúc” ngày càng được nhân rộng trên toàn tỉnh. Cùng với đó, đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân cũng được chăm lo. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch ngày càng phát triển. Công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng con người Yên Bái được xác định là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển. Từ các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” mà trên 42% người dân thường xuyên tập luyện thể dục thể thao; toàn tỉnh có tới 1.555 đội văn nghệ quần chúng; 132 di tích, danh thắng đã được xếp hạng các cấp 60 di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn các cấp (trong đó Nghệ thuật Xòe Thái- được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 06 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Công tác chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn dân. Năm 2022, Yên Bái được ghi nhận nỗ lực vượt bậc trong bảng xếp hạng DTI, xếp vị trí thứ 15/63 các tỉnh, thành. Trong nhóm nền tảng chung, Yên Bái là 1 trong 9 địa phương đứng đầu về nhận thức số, 1 trong 10 địa phương đứng đầu về nhân lực số; xếp thứ 9 trong bảo đảm An toàn thông tin mạng; đứng thứ 15 trong xếp hạng thể chế số và xếp thứ 11 trong hoạt động kinh tế số.
Trước kia, Yên Bái từng là mảnh đất nghèo khó và xa lạ với ngay cả người dân nước Việt. Để rồi giờ đây, sau 65 năm vâng lời Bác dạy, 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, và nhất là sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Yên Bái với sức bật mạnh mẽ đã xây dựng cho mình hình ảnh và thương hiệu là một tỉnh miền núi hội tụ sắc màu Tây Bắc; là “điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng”. Thành phố Yên Bái sau bao năm nỗ lực phấn đấu đã trở thành đô thị loại II, một đô thị trẻ đầy tiềm năng, khẳng định rõ vai trò, vị thế là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tỉnh Yên Bái với phương châm và triết lý phát triển “Xanh- Hài hoà- Bản sắc và Hạnh phúc” đã xây dựng cho mình một bản quy hoạch dài hơi có tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã công bố ngay trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bắc Hồ thăm Yên Bái. Một bản Quy hoạch có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo, khoa học, tầm nhìn đột phá, chiến lược, tạo ra khung hành lang pháp lý, đồng thời là cơ sở để các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân thống nhất trong nhận thức, hành động, quyết tâm, nỗ lực cao nhất để cụ thể hóa, hiện thực hóa, tạo đột phá trong thời kỳ phát triển mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, đưa Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc; phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đô thị đồng bộ, thông minh, hiện đại; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, xã hội hài hòa với thiên nhiên; quốc phòng- an ninh vững chắc; đời sống của người dân ấm no hạnh phúc vào năm 2050; dựng nên một cơ đồ tốt đẹp, góp phần từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như mong ước suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
N.T