NGUYỄN PHƯƠNG THUỲ
Đông qua xuân tới là sự vần vũ xoay vòng tự nhiên của đất trời, và ở Trạm Tấu xuân tới là lúc những tia nắng vàng nhảy nhót trên nương dưới ruộng xé tan màn sương mù dày đặc, núi nhìn xanh hơn, cây rừng bung tỏa chồi non lộc biếc. Hàng trăm loại hoa rừng nhất tề bung nở, hoa mơ hoa mận nở trắng rừng, đào phai tô điểm sắc hồng thêm hương thơm dịu dàng, dã quỳ vàng rực bên suối quây quanh những bông chuối rừng đỏ thắm. Vùng cao vào xuân tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Chẳng thế mà du khách cứ cuối tuần lại trốn phố thị ngột ngạt để đến với Trạm Tấu- nơi hoang sơ tự nhiên. Hơn trăm nghìn lượt khách đã đến đây mang về doanh thu trên 80 tỷ đồng cho đồng bào Trạm Tấu.
Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân sớm tôi về thôn Tà Xùa xã Bản Công địa danh đang được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi có rừng rêu hoang sơ mang vẻ đẹp huyền bí như miền cổ tích và thác Tà Xùa nằm trên độ cao hàng nghìn mét. Dòng thác trắng, khổng lồ khiến mọi người đến đây phải mê mẩn. Họ mệnh danh nơi đây là nơi không bao giờ có mùa hè bởi thời tiết quanh năm mát mẻ, hoa nở 4 mùa, là nơi cho bao trai tài gái sắc chốn phồn hoa đến trốn nắng, trốn bụi, trốn cả ồn ào. Tà Xùa vì thế mà thay áo mới, Đảng và Nhà nước đầu tư con đường bê tông tiền tỷ lên đỉnh núi Tà Xùa để xe máy, ô tô có thể ầm ì nối đuôi nhau lên bản khám phá vẻ đẹp huyền bí đất rừng nơi đây, rút ngắn quãng đường trải nghiệm “cuốc bộ” ám ảnh bao du khách. Vì thế mà lượng khách tham quan đỉnh Tà Xùa tăng vọt và người dân với những homestay mộc mạc, những món ăn dân dã, những sản phẩm nông nghiệp một thời bị bỏ quên nay trở thành ẩm thực đặc sản vùng miền mang về cả trăm triệu mỗi năm.
Anh Phàng A Xay người dân thôn Tà Xùa chia sẻ: “Tà Xùa như được đón xuân sớm hơn bởi năm nay nhiều gia đình có thu nhập cao. Nhà tôi ngoài tiền từ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng cho khách du lịch, năm nào cũng được chi trả tiền phí môi trường rừng là 17.500.00 đồng. Từ số tiền này mình có kinh phí đầu tư cho sản xuất chuyên canh lúa nếp nương. Loại nếp Lẩu La dẻo thơm, nhưng cần chi phí lớn. Vì vậy mỗi năm mình đầu tư gieo trồng khoảng 30 bao thóc, sau đó bán về phố huyện và giã bánh giày bán cho khách du lịch với giá từ 10.000 đồng- 15.000đồng/chiếc. Cuộc sống gia đình mình đã thay đổi hẳn. Có tiền tích trữ cho con cái đi học.”
Người vui nhất có lẽ là Trưởng thôn Tà Xùa- Phàng A Phà, bởi bản làng thay áo mới không thể phủ nhận có công sức của anh rất nhiều. Sinh ra và lớn lên ở bản làng này, hơn ai hết anh hiểu nguyên nhân của nghèo đói khó khăn là do người dân chưa mạnh dạn đổi mới tư duy, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhất là chưa biết cách để khơi dậy tiềm năng của địa phương. Vì vậy khi vẻ đẹp quê hương được đánh thức nhờ những nỗ lực trong công tác tuyên truyền của Đảng bộ huyện, anh Phàng A Phà đã tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thôn vận động nhân dân trồng cây, con giống đặc sản địa phương giới thiệu đến bạn bè du khách trong và ngoài nước. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 ,Tà Xùa nổi tiếng, người dân vì thế có sản phẩm du lịch mang về thu nhập bền vững.
Anh Phàng A Phà nở nụ cười rạng rỡ, bảo: “Đồng bào Tà Xùa ơn Đảng, ơn Bác Hồ nên không chỉ nỗ lực trong phát triển kinh tế mà còn giữ rừng cây mang tên Bác như giữ linh hồn, trái tim của người dân trong bản. Trên cánh rừng này trải qua nhiều mùa khô hanh, thiên tai bão lũ vẫn có nhiều loại cây gỗ to gần trăm năm tuổi, ít cũng hơn chục năm đã chứng minh cho quyết tâm của đồng bào Mông Tà Xùa giữ đất, giữ rừng, giữ chế độ xã hội chủ nghĩa.”
Anh Phà phấn khởi cho biết thêm: “Hàng năm người dân trong thôn đều được trả đầy đủ phí môi trường rừng, nguồn kinh phí này đã giúp nhiều gia đình trong thôn có nguồn thu ổn định để phát triển kinh tế, cũng là động lực để người dân bảo vệ rừng, Ở Tà Xùa diện tích được chi trả phí môi trường rừng là gần 1300 ha, mỗi năm đồng bào trong thôn được chi trả gần 1 tỉ đồng phí môi trường rừng. Đây là một con số rất lớn đối với đồng bào Mông trong thôn.”
Ngoài niềm vui của kinh tế đổi thay, ở Tà Xùa xuân này hộ nghèo như gia đình anh Phàng A Lư niềm vui cũng nhân lên khi gia đình anh được hưởng chế độ hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Giấc mơ bao năm được trở thành hiện thực anh Phàng A Lư vui như trúng số, anh Lư chia sẻ: “Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì đến nằm mơ cũng không dám nghĩ sẽ có ngôi nhà khang trang thế này. Vậy là tết này niềm vui của gia đình nhân lên gấp bội khi có cái tết ấm áp không sợ mưa dột nắng dội nữa.”
Chung niềm vui với đồng bào Tà Xùa, đồng bào Mông xã Bản Công có một năm mưa thuận gió hòa, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thuận lợi. Và hân hoan hơn cả chính là những người lãnh đạo- người chèo lái con thuyền xóa đói giảm nghèo ở xã Bản Công. Với mục tiêu giúp đồng bào Mông trong xã nâng cao nhận thức nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững. Thông qua tín chấp của các tổ chức hội như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, xã Bản Công đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay này theo đúng đối tượng. Tổng dư nợ do các đoàn thể ủy thác đến nay là trên 27 tỉ đồng với 449 hộ được vay vốn. Ông Giàng A Trư- Chủ tịch UBND xã Bản Công chia sẻ: “Ngoài việc người dân được vay vốn phát triển sản xuất, thì ở Bản Công các hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ về nhà ở, về giáo dục, về y tế, điện thắp sáng, truyền thông... Sở Công thương tỉnh Yên Bái hỗ trợ lợn giống cho 15 hộ (định mức hỗ trợ 01 con/hộ, tổng trị giá 15 triệu đồng). Để người dân chủ động trong việc thoát nghèo xã cũng đẩy mạnh đối tượng tuyên truyền là những đảng viên trẻ, già làng, trưởng dòng họ. Vì vậy năm 2023 qua khảo sát sơ bộ sẽ có 43 hộ thoát nghèo đảm bảo đúng chỉ tiêu giảm nghèo xây dựng từ đầu năm.”
Xuân đến đất trời hân hoan, lòng người mở hội. Từ khắp thôn xa bản gần tiếng sáo véo von trên triền núi, tiếng sáo như mời như gọi khiến lòng ta quyến luyến muốn lưu lại Bản Mông. Ơn Đảng, ơn Bác Hồ đồng bào Mông huyện Trạm Tấu đã nỗ lực vượt qua khó khăn, mạnh dạn đổi mới tư duy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống, quyết tâm xóa đói giảm nghèo
Ở xã Xà Hồ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã cũng tưng bừng các hoạt động đón chào năm mới. Nơi chuẩn bị cờ hoa, nơi các chị em phụ nữ xũng xính váy áo véo von các điệu dân ca Mông chuẩn bị cho hội xuân. Không vui sao được khi năm 2023 xã Xà Hồ có 49 hộ thoát nghèo đạt 100% kế hoạch giao. Ông Giàng A Sáy- Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết: “Để đảm bảo việc giảm tỷ lệ hộ nghèo theo đúng chỉ tiêu kế hoạch thì xã luôn đặt việc rà soát các hộ nghèo lên là nhiệm vụ hàng đầu, để đánh giá năng lực thoát nghèo của người dân.”
Xác định được mục tiêu, Đảng ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Bí thư chi bộ, trưởng các thôn bản để rà soát những hộ nghèo thật sự, tránh tình trạng có thể thoát nghèo nhưng vì yếu tố dòng họ gia đình mà vẫn bình xét hộ nghèo để hưởng hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời vận động những hộ có đủ điều kiện thoát nghèo đăng ký thoát nghèo ngay từ đầu năm kế hoạch. Bên cạnh đó UBND xã cũng tuyên truyền vận động người dân tận dụng lợi thế của địa phương khoanh vùng trồng nếp Lẩu Cáy, Lẩu La, các loại gạo tẻ phù hợp với thổ nhưỡng từng nơi. Tăng các diện tích trồng khoai sọ làm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã.
Anh Chớ A Páo- chòm dân cư Tà Ghênh thôn Sáng Pao xã Xà Hồ phấn khởi chia sẻ: “Người dân trong xã được tập huấn thông qua các mô hình tại chân ruộng về kỹ thuật gieo trồng lúa chất lượng cao, ngô, khoai sọ, cũng như tập huấn về chăn nuôi vì vậy có thêm kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất. Những năm gần đây lúa nếp của chúng tôi làm ra không đủ bán, thương lái lên tận ruộng để thu mua, vì vậy đời sống được cải thiện rất nhiều.”
Tranh thủ các nguồn lực đầu tư của chương trình dự án, xã Xà Hồ đã dần thay áo mới, trên cung đường chinh phục điểm du lịch Tà Chì Nhù, xuất hiện thêm nhiều homestay, quán ăn, quán tạp hóa để phục vụ khách du lịch, làm cho một vùng núi vốn hoang sơ nay sầm uất hơn. Các bạn trẻ còn thành lập các tổ đội xe ôm, tổ đội vận chuyển phục vụ khách du lịch mang về thu nhập cao và bền vững cho gia đình.
Ông Giàng A Sáy- Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết thêm: “Về cơ bản thì việc thực hiện hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo ở xã là đúng đối tượng, nhiều hộ dân đã biết tận dụng các nguồn vốn vay, cũng như sự hỗ trợ khác từ Nhà nước để phát triển kinh tế, đặc biệt là đầu tư phát triển lúa nếp nương đặc sản, gà đen lợn bản địa, nhiều người tận dụng lợi thế về du lịch phát triển homestay, ẩm thực đặc sản trở thành triệu phú của địa phương như Mùa A Dơ ở Cu Vai, Thào A Tủa ở Suối Giao, Giàng A Câu ở Sáng Pao.”
Là một trong 74 huyện nghèo nhất nước nên huyện Trạm Tấu được hưởng nhiều chính sách ưu tiên đặc thù của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn 2021-2023 Trạm Tấu được đầu tư 141.107 triệu đồng hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và 7 dự án cho chương trình giảm nghèo. Trong đó hỗ trợ phát triển sản xuất kế hoạch vốn giao 5.042 triệu đồng. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững 8.788 triệu đồng
Trên cơ sở các nguồn vốn được giao, và kế hoạch giảm nghèo của tỉnh Yên Bái, Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu đã giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo chi tiết đến từng xã, thị trấn. Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết, lập danh sách dự kiến hộ nghèo có khả năng thoát nghèo đến từng thôn, bản, có địa chỉ, danh sách từng hộ phấn đấu thoát nghèo trong năm 2023, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh giúp đỡ các hộ dự kiến thoát nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống sinh hoạt để thoát nghèo bền vững; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu cần hỗ trợ, giúp đỡ để những hộ thoát nghèo bền vững như vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ vật nuôi, máy nông cụ, vật liệu xây dựng, tập huấn về kỹ thuật, phương thức sản xuất...
Bằng nhiều cách làm sáng tạo và tập trung giải quyết khó khăn ngay từ cơ sở. năm 2023, huyện Trạm Tấu đã thực hiện thành công mục tiêu giảm 6,5% hộ nghèo, dự kiến hết năm nay sẽ có 481 hộ thoát nghèo, và tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 50%. Ông Vũ Lê Chung Anh- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đã tạo động lực để người dân Trạm Tấu thoát nghèo. Hiện nay Trạm Tấu đang có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch, theo đó người dân đã thực hiện chủ trương của huyện trong việc phát triển cây trồng, vật nuôi là đặc sản của địa phương trở thành sản phẩm du lịch để tăng thu nhập thoát nghèo bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tin, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự đoàn kết nỗ lực của Đảng bộ chính quyền các dân tộc huyện Trạm tấu, trong tương lai gần Trạm Tấu sẽ thoát nghèo.”
Xuân này huyện Trạm tấu còn có 369 nhà được hỗ trợ làm mới và sửa chữa. Đến hết tháng 11 năm 2023 những ngôi nhà mới của người nghèo đã được hoàn thành. Mùa đông vùng cao với người nghèo đã ấm áp hơn, ấm áp bởi nghĩa Đảng tình dân, bởi sự chung tay chia sẻ của cả cộng đồng. Trong xuân sớm những chén rượu nồng nàn tình nghĩa khiến tất cả lâng lâng trong niềm vui, trong men rượu men tình.
N.P.T