Bút ký của QUANG VĂN
Phong Dụ Thượng, chỉ nghe cái tên thôi đã thấy cao và xa rồi. Cách trung tâm huyện Văn Yên 50km, con đường đến Phong Dụ Thượng đang được làm lại và mở rộng, nằm trong dự án đường kết nối 3 tỉnh, nối cao tốc Nội Bài- Lào Cai với Yên Bái- Lai Châu- Sơn La. Xe chúng tôi cứ thế tồng tộc, rù rì đi, men theo con suối Hút trong xanh, rì rầm, uốn lượn. Hai tiếng rưỡi chúng tôi đến xã. Trước mắt tôi là bạt ngàn quế, lớp lớp quế non, quế già, trùng điệp nối tiếp nhau, phủ kín núi đồi. Những bản người Tày, người Dao, người Mông… ẩn hiện. Thật ngỡ ngàng, bên quế là những ngôi nhà xây khang trang, những biệt thự vườn tiền tỉ; bên quế là những dãy ruộng bậc thang trải tít tắp ven suối Hút, hứa hẹn một mùa no ấm. Ruộng đang mùa xanh, hòa với màu xanh của quế, của trời, của nước, tạo nên một khung cảnh sơn thủy hữu tình.
Giữa màu xanh phơi phới sức sống ấy, chợt hiện lên một chứng tích lịch sử, gợi nhớ về một thời cực khổ, đó là đồn Chạng, đình Chạng. Do nằm ở vị trí chiến lược, trung tâm giữa huyện Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) nên thực dân Pháp đã dựng đồn tại đây. Dưới ách thống trị của thực dân và phong kiến, người dân Phong Dụ Thượng sống trong lao dịch, đói khổ. Đến tháng 10 năm 1952, quân đội ta mở chiến dịch Tây Bắc, tập kích đồn Chạng, mở đường vào Nghĩa Lộ, tiến lên giải phóng Điện Biên. Người dân Phong Dụ Thượng thoát khỏi ách thống trị, bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới. Tuy nhiên do giao thông cách trở, đường đất đi lại khó khăn, từ xã xuống trung tâm huyện hết nửa ngày trời nên cuộc sống của người dân vẫn khó khăn chồng chất. Mãi đến năm 2007, tuyến đường Đông An- Phong Dụ Thượng được xây dựng, có thể nói đây là cú huých để Phong Dụ Thượng tăng tốc phát triển kinh tế- xã hội.
Đón chúng tôi tại UBND xã, sau cái bắt tay thân mật và vài câu hỏi han, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Quang hồ hởi: “Chỉ vài năm nữa thôi, khi con đường kết nối ba tỉnh được hoàn thành thì Phong Dụ Thượng sẽ như rồng cất cánh anh ạ. Có thể nói Phong Dụ Thượng là một kho báu của tự nhiên, ngoài quế ra còn có suối nước nóng, ruộng bậc thang, hồ thủy điện, có bản sắc văn hóa, có nhiều tiềm năng du lịch… tất cả đang tạo nên một sức sống mãnh liệt của Phong Dụ Thượng”. Quả đúng như vậy! Diện tích Phong Dụ Thượng là 19.520ha, rộng nhất huyện, thì có tới 1.998 ha quế, là một trong 8 xã trồng quế trọng điểm của huyện Văn Yên. Với nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng cao nên diện tích
trồng quế được người dân mở rộng, tận dụng triệt để. Toàn xã có đến 95% hộ dân trồng quế. Những năm gần đây, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền các hộ dân chuyển từ trồng quế tự nhiên sang trồng quế hữu cơ, hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện toàn xã có hơn 200 hộ tham gia Dự án quế hữu cơ của Biotrade SECO và Dự án Biotrade EU. Tất cả sản phẩm quế hữu cơ được Công ty Cổ phần Visimex thu mua xuất khẩu sang châu Âu. Trồng quế sạch giá cao, thị trường ổn định. Từ trồng quế, nhiều hộ dân có của ăn, của để và giàu lên, tiêu biểu như hộ ông Siều Ngọc Tân, Đặng Thái Tài, Triệu Toàn Phú, Bàn Thừa Châu… Ông Siều Ngọc Tân tâm sự: “Nhà mình có gần 20ha, chủ yếu bán tỉa kiểu cuốn chiếu, thu nhập lúc nào cũng trên 100 triệu một năm. Giờ chuyển sang trồng quế hữu cơ theo quy trình sạch, nghĩa là không được bón phân hóa học, không được sử dụng thuốc diệt cỏ hay các loại hóa chất khác. Phân bón cho quế chỉ là lá rụng tự ủ do nước mưa. Không tỉa cành lá để đảm bảo lượng tinh dầu trong vỏ quế không bị giảm sút. Cây quế không phải chăm sóc nhiều mà giá cả lại cao”. Ông Triệu Toàn Phú vừa lau những giọt mồ hôi vừa vui vẻ: “Cây quế có giá trị kinh tế cao vì có thể bán cả vỏ đến thân, lá. Gốc sẽ mọc chồi, sau 5 năm lại cho thu hoạch. Nếu tính trung bình, mỗi ha quế thu về khoảng một tỉ đồng. Ngoài ra cây quế còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người từ người có sức khỏe đến người già, trẻ con tham gia vào quy trình sơ chế quế như cạo vỏ, bóc vỏ, phơi vỏ, bẻ cọng lá quế với mức công cao. Công cao nhất là người bóc vỏ quế, trung bình 500.000 đồng một người, một ngày”. Ngoài vỏ quế, tinh dầu quế và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như bột quế, trà quế, lau sàn hương quế… còn khoảng 500 sản phẩm chế biến từ cây quế vô cùng phong phú, được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân chế tác, trở thành thứ hàng hóa vô cùng độc đáo, được bày bán tại nhiều nơi trên cả nước như: hộp tăm quế, lọ hoa quế, đồng hồ, đèn ngủ, điếu cày quế, bộ ấm chén quế… Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Quang cho biết: “Cây quế đang lên ngôi, xã đang tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh theo chuỗi giá trị gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thật vui vì từ năm 2020, quế Phong Dụ Thượng và các xã khác của Văn Yên là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi EVFTA”. Nhân rộng mô hình quế sạch hữu cơ, hướng đến chuỗi giá trị bền vững. Đó là cách làm, là cơ hội nâng cao vị thế cây quế, tạo chỗ đứng vững chắc, vươn xa ra thị trường quốc tế. Là một trong 8 xã trồng quế trọng điểm của huyện Văn Yên, cây quế xã Phong Dụ Thượng đã khẳng định được vị thế với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế, đang là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập vững chắc cho người dân. Tôi hướng mắt ra bạt ngàn rừng quế. Mùa này người dân đang thu hoạch, bóc vỏ quế, người vào, người ra nhộn nhịp, tất bật, hương quế thơm bao trùm khắp không gian.
Ngoài cây quế thì sản xuất nông nghiệp như trồng lúa nước, trồng ngô, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh của Phong Dụ Thượng. Toàn xã có 295 ha lúa nước, do địa hình, địa thế, ruộng ở đây tạo thành quần thể ruộng bậc thang, một kỳ quan từ bàn tay lao động của người dân, khoảng 30ha, tập trung ở thôn Khe Táu, đang trở thành một điểm du lịch mới nổi, hấp dẫn. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Quang kể: “Từ khoảng năm 1997, nhiều hộ người Mông từ xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải di cư về Phong Dụ Thượng sinh sống, họ đã khai phá đất đai để trồng lúa nước. Điều kiện khí hậu phù hợp, lại thêm sự khuyến khích của chính quyền địa phương nên diện tích ruộng ngày càng mở rộng, tạo thành kỳ quan ruộng bậc thang…”. Xen lẫn ruộng là những đồi hoa mua rất đẹp. Đứng trên quần thể ruộng bậc thang, với độ cao 1000m so với mặt nước biển, có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh Phong Dụ Thượng và các xã lân cận thuộc huyện Văn Chấn. Thôn Khe Táu chủ yếu đồng bào Mông sinh sống. Không gian văn hóa độc đáo, phong tục, lễ hội cùng các món ẩm thực đặc sản như lợn đen, gà đồi, nếp nương… cũng tạo thêm điểm nhấn thu hút khách du lịch. Cùng ruộng bậc thang, sối nước nóng Cao Sơn, thác nước Khe Ban, thác nước Khe Mạng, tạo thành một quần thể với rất nhiều tiềm năng du lịch hiếm nơi nào có được. Mạch nước suối khoáng nóng tự nhiên, nhiệt độ ổn định khoảng 60- 700C quanh năm, phía dưới người dân còn sáng tạo hướng dòng chảy tạo thành những điểm tắm, nước đủ ấm để có thể tắm cả bốn mùa. Đến đây mọi người sẽ được hòa mình trong khung cảnh hoang sơ, tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành với sự thân thiện của đất trời và con người. Những năm gần đây, do lượng khách đến tắm suối nước nóng Cao Sơn ngày một tăng cao, nên ở đây đã hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, các điểm homestay, phục vụ nhu cầu tắm suối khoáng nóng, thưởng thức ẩm thực, dân ca, dân vũ và lưu trú. Còn tại khu vực thác nước Khe Ban và thác nước Khe Mạng, một số hộ gia đình cũng đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Quang vui vẻ cho biết: “Với mục tiêu từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng lấy du lịch làm sinh kế mới cho người dân, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xã đã tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, thu hút nguồn lực đầu tư. Tạo mọi điều kiện để du khách đến với Phong Dụ Thượng có thể hòa mình vào thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc, mặt khác giúp tiêu thụ các sản phẩm do người dân địa phương làm ra. Giúp người dân có thêm thu nhập, việc làm, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ bản sắc. Thật mừng từ phía huyện Văn Yên đã luôn chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch, quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Phong Dụ Thượng là một trong 5 xã được huyện quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển các làng nghề. Mục tiêu là xây dựng ngành du lịch Văn Yên phát triển bền vững, lấy du lịch sinh thái, văn hóa, tham quan nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng làm chủ đạo…”. Năm 2021, dù dịch bệnh Covid nhưng vẫn có trên 3.400 lượt khách đến tham quan và lưu trú tại Phong Dụ Thượng, tăng hơn 200% so với năm trước. Đầu năm nay, lượng khách đến Phong Dụ Thượng đang tăng lên gấp nhiều lần.
Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Quang cho biết thêm: “Hiện nay xã đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Xác định rõ từng nội dung, tiêu chí, cấp ủy, chính quyền xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân với nhiều hình thức. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động nội lực, xã đã tập trung xây dựng mới và chỉnh trang, nâng cấp nhiều công trình như: đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, hệ thống điện thắp sáng, thu gom rác thải… Điều đáng nói nữa là xã xây dựng hiệu quả các mô hình tự quản, nên an ninh trật tự cực kỳ tốt, không có tệ nạn xã hội, không có tình trạng buôn ma túy, trộm cắp, các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang được xóa bỏ…”.
Tôi bước đi giữa màu xanh Phong Dụ Thượng. Những con đường bê tông sạch sẽ như những mạch máu nối liền tới các bản. Tiếng máy công nông rì rì chuyển quế về nơi chế biến tinh dầu, tiếng cười nói, những gương mặt rạng ngời. Phong Dụ Thượng đang mang trong mình một sức sống mới, nhộn nhịp và mạnh mẽ. Vẫn còn đấy nhiều việc phải làm, những khó khăn cần phải vượt qua, nhưng tôi tin chính quyền và nhân dân Phong Dụ Thượng sẽ làm được, như dòng suối Hút kia ngày đêm miệt mài chảy qua mọi thác ghềnh mà vẫn mang trong mình nét tươi xanh, dào dạt.
Q.V