Ghi chép của HOÀNG LÊ
Tiết trời tháng ba với cái lạnh se se man mác đến từ những cơn mưa rả rích cuối xuân của đất trời Yên Bái. Từ thấp thoáng xa xa trường THPT Cảm Ân, Yên Bình toạ lạc ven quốc lộ 70 hiện ra ấm áp, rực hồng nhờ sắc thắm của hàng đào đều tăm tắp nở bung trước cổng trường. Đây là thành quả, sản phẩm của tập thể 15 lớp học sinh toàn trường hưởng ứng trong dịp “Tết trồng cây” do nhà trường phát động đầu xuân Nhâm Dần 2022.
Năm học 2020 – 2021 kết thúc, thầy và trò nhà trường vô cùng tự hào, phấn khởi với những thành tích đạt được sau những cố gắng nỗ lực vượt bậc. Đó là kết quả thi đỗ tốt nghiệp THPT của học sinh khối 12 lần đầu tiên đạt 100%, đưa trường THPT Cảm Ân lọt vào top 10 trường có chất lượng thi tốt nghiệp xuất sắc nhất tỉnh. Đó là cô giáo Lâm Thị Thuỷ, giáo viên môn Hoá học đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh”. Đó là thầy giáo Thạc sĩ Lê Văn Cường, giáo viên môn Lịch sử đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo Kĩ thuật tỉnh lần thứ IX. Đó là cô giáo Lưu Khánh Linh bên cạnh vị trí vai trò của một Hiệu trưởng, nữ cán bộ quản lí giáo dục, cô còn được vinh danh “Có thành tích xuất sắc góp phần phát triển sự nghiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2020”. Cùng với đó là 5 nhà giáo đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 3 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh ở các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và tỉ lệ học sinh giỏi văn hóa đã được cải thiện đáng kể khi nhà trường có 2,79% học sinh giỏi; vượt chỉ tiêu cam kết về chất lượng giáo dục với Ngành trong năm học qua (các năm trước, chất lượng học sinh giỏi chỉ đạt từ 1-2%). Những thông số chuyên môn ấy là một vấn đề rất nhỏ, không phải dày công đối với các trường có bề dày thành tích, có nền tảng phát triển thuận lợi. Nhưng, với Trường THPT Cảm Ân nó quả là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong nhà trường, dồn tâm sức tâm huyết để cải tiến phương pháp từ người dạy, kích thích hứng thú người học mới tạo ra được kết quả đáng khích lệ ấy sau một năm học phấn đấu.
Tiếp nối những thành công đáng khích lệ nêu trên, năm học 2021 – 2022 nhà trường tiếp tục quan điểm đề cao tinh thần đoàn kết, nhất trí trong đội ngũ làm gốc, coi đó là điều kiện tiên quyết để hướng tới hạnh phúc, phát triển. Ngay từ đầu năm học, công tác chuyên môn đã được Chi bộ Đảng, BGH xác định là trung tâm, then chốt. Điều này luôn được quán triệt sâu sắc tới bộ phận cán bộ chủ chốt bao gồm các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn để thống nhất tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của nhà trường trong quá trình điều hành, quản lý tổ chuyên môn và các tổ viên. Công tác dạy học mũi nhọn, thành lập và ôn luyện đội tuyển HSG dự thi các môn văn hóa được nhà trường triển khai sớm ngay từ cuối năm học trước. Các thầy cô giáo tham gia luyện thi là những người có kinh nghiệm, trình độ vững vàng và nhiệt huyết cao độ. Cả thầy và trò các bộ môn luôn luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cả về vật chất và tinh thần của nhà trường trong suốt quá trình ôn tập, dự thi. Thành tích một giải ba và hai giải khuyến khích trong kì thi chọn HSG cấp tỉnh năm học 2021–2022 đã phản ánh những nỗ lực đáng ghi nhận của cả thầy và trò nhà trường đang đi lên từ những con số còn trống trơn về bảng thành tích trên nhiều phương diện thời gian trước.
Cũng trong công tác chuyên môn, năm học này nhà trường đã có những đột phá mang tính cách mạng, thể hiện tính cách năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của đội ngũ lãnh đạo. Thứ nhất, đó chính là ý thức “Chuyển đổi số” trong quản lý giáo dục. Với tài năng và sự đam mê trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thầy giáo Thạc sĩ Bùi Vĩnh An, giáo viên Toán học sau nhiều năm ấp ủ đã viết thành công phần mềm “Sổ báo giảng điện tử” phục vụ công tác quản lý cho BGH, bộ phận phụ trách chuyên môn và công tác báo giảng của đội ngũ giáo viên nhà trường một cách hiệu quả. “Sổ” có chức năng bảo mật, quản lý giúp lãnh đạo trường, lãnh đạo các tổ chuyên môn theo dõi được tiến độ và tính chính xác trong việc thực hiện các tiết dạy theo kế hoạch giảng dạy của từng giáo viên. Đồng thời “Sổ” cũng giúp cho các thầy cô giáo dễ dàng truy cập lịch báo giảng trong tuần của mình mọi lúc mọi nơi với điện thoại thông minh kết nối mạng. Sau khi có thời khoá biểu tuần mới, “Sổ” được kích hoạt nhanh chóng, đồng bộ cho toàn thể giáo viên giảng dạy. Nhận thấy tính ưu việt của phần mềm này, Thạc sĩ Lưu Khánh Linh – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã mạnh dạn báo cáo Sở Giáo dục và đưa vào áp dụng ngay từ đầu năm học. Từ thành công này, thầy An chia sẻ bản thân mình đang trong quá trình nghiên cứu cải tiến và thử nghiệm để cho ra đời sản phẩm tiếp theo là “Sổ đầu bài điện tử”, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả vượt trội.
Thứ hai, với mong muốn tạo lập hành trang tri thức và kĩ năng, cách tiếp cận với phương pháp tuyển sinh mới nhất của các trường Đại học hiện nay, trong tháng 2/2022 vừa qua nhà trường đã tổ chức thành công kì thi Đánh giá năng lực cho tất cả học sinh của 5 lớp khối 12. Điểu đặc biệt trường THPT Cảm Ân là một trong hai trường đầu tiên trong toàn tỉnh tổ chức được kì thi này và là trường duy nhất tổ chức được cho các thí sinh thi trên máy theo phương thức thi tuyển đánh giá năng lực của các trường Đại học hàng đầu hiện nay. Được biết, cả hai đột phá lớn nêu trên của nhà trường đã và đang được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá rất cao về tính chất đổi mới dám nghĩ dám làm, về sự tâm huyết sáng tạo và tính hiệu quả thực tiễn. Thật đáng ghi nhận và trân trọng!
Về cơ sở vật chất, nhận thấy khó khăn trong việc gửi xe của học sinh do sức chứa của nhà để xe cũ còn hạn chế, được sự tài trợ giúp đỡ toàn phần của Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Bà, nhà trường đã cho tiến hành xây dựng thêm nhà để xe mới kiên cố tại hành lang sân thể dục với trị giá gần 200 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu gửi xe cho toàn bộ lượng xe đăng kí gửi của các em. Thật ý nghĩa khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỉ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2021). Bên cạnh đó, để phục vụ và nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường cũng đã cho bổ sung mua và lắp mới hai hệ thống đầu máy chiếu chất lượng cao ở hai phòng học chuyên môn bên cạnh 15 phòng học thông minh của nhà trường trường và tạo điều kiện cho học sinh được mượn máy tính bảng đem về nhà làm phương tiện
học tập. Giữa thời điểm dạy học thích ứng, khi mà trực tuyến và trực tiếp phải linh hoạt liên tục thì việc nhà trường thấu hiểu và đồng cảm được những khó khăn của cả đội ngũ giảng dạy lẫn người học như thế đã cho thấy sự quan tâm một cách đầy nghiêm túc và tự cung ứng chủ động một cách rất chân thành, rất mực yêu thương của nhà trường vì một điều kiện và môi trường làm việc – học tập tốt nhất cho cả người dạy cùng người học. Giá trị và ý nghĩa ấy lớn lao, xúc động biết bao!
Về đời sống cán bộ công nhân viên, giáo viên được nhà trường chăm lo chu đáo, thấu hiểu mọi hoàn cảnh riêng của từng người thông qua thăm hỏi, lễ tết, ốm đau. Nhà trường xác định công tác cán bộ là trọng tâm của mọi thành bại, muốn xây dựng được “Trường học hạnh phúc” thì trước hết người lao động phải được tạo điều kiện làm việc và chăm lo cuộc sống tốt nhất trong điều kiện nỗ lực nhất của nhà trường, họ nhất định phải cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ thì từ đó mới có động lực và toàn tâm toàn ý cho công việc, sự nghiệp. Công tác biểu dương, ghi nhận và tôn vinh kịp thời những tấm gương điển hình, những thành tích xuất sắc, những ý tưởng giáo dục tích cực... Việc quan tâm, chăm lo đến đời sống của cán bộ giáo viên nhân viên từ những điều giản dị: kiến tạo bếp ăn trưa, trùng tu nơi ở khu tập thể, sửa chữa – thay mới những vật dụng tại phòng chờ, bố trí sinh hoạt tập thể trong những dịp lễ tết... đã góp phần củng cố niềm tin yêu của đội ngũ với nhà trường. Từ đó, trái ngọt thu về ngày một đậm đà khi chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, tiến bộ. Quả đúng là trường học hạnh phúc, thầy cô giáo hạnh phúc thì học sinh cũng sẽ hạnh phúc!
Đồng hành với công tác dạy và học, các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ, đoàn thê, ngoại khóa cũng được nhà trường dành nhiều ưu tiên, chú ý. Buổi họp gian bao giữa BGH và Bí thư, lớp trưởng 15 lớp tiếp tục được duy trì định kì vào sáng thứ 2 hàng tuần. Câu lạc bộ Phát thanh và truyền thông hoạt động đều đặn các sáng với nhiều bản tin phong phú được học sinh chờ đón, mong mỏi. Câu lạc bộ Văn học tổ chức được nhiều hoạt động hữu ích, tiêu biểu như việc tổ chức thành công cuộc thi viết cảm nhận “Cuốn sách/tác phẩm hay trên giá sách” góp phần lan toả tình yêu văn học, khuyến khích nâng cao văn hoá đọc cho học sinh nhà trường (tổng kết công bố giải dịp 8/3/2022 vừa qua). Thêm nữa, nhà trường vô cùng thuận lợi trong các hoạt động phong trào khi có tổ chức Đoàn năng động, xung kích đi đầu, tạo ra sân chơi tích cực cho Đoàn viên thanh niên với nhiều giải thi đấu bóng đá, bóng chuyền hơi, cầu lông nam nữ lành mạnh, bổ ích. Nhân đợt thi đua lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tháng 11/2021, có 3 đoàn viên đoàn trường được Tỉnh đoàn trao tặng danh hiệu “Học sinh 3 tốt” năm học 2021-2022. Tại cuộc thi “Tự hào Việt Nam” lần thứ IV do TW Đoàn – Bộ Giáo dục phối hợp tổ chức tháng 3/2022 này, thật vui mừng khi biết rằng có 2 em học sinh nhà trường đã xuất sắc lọt vào vòng thi cấp tỉnh (trên tổng số 20 thí sinh toàn tỉnh).
Với nhân dân địa phương, nhà trường luôn xác định phải tạo lập và giữ mối quan hệ tôn trọng và cùng xây đắp vì một mục tiêu chung nâng cao dân trí, văn hóa địa phương. Làm tốt điều này không chỉ có ý nghĩa tương tác, phối hợp trong giáo dục học sinh giữa gia đình - nhà trường – xã hội mà còn thu hút được đáng để các nguồn lực góp nhằm làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục. Và đúng như vậy, đầu năm học này nhà trường đã nhận được sự ủng hộ tài trợ kinh phí lắp đặt giá sách mini lên tất cả các lớp để tạo ra “bước đi của sách”, góp phần kích thích hứng thú đọc sách, từng bước xây dựng văn hóa đọc cho học trò. Từ cuối năm học trước, lễ kết nghĩa giữa Chi bộ nhà trường với Chi bộ thôn Đoàn Kết xã Cảm Ân nơi trường đặt địa bàn được tổ chức trang trọng chính là cụ thể hoá cho chủ trương này.
Để có được “Trường học hạnh phúc” đó là cả chặng đường dài, phải tiến hành các biện pháp tích cực thường xuyên, liên tục phù hợp với đặc thù, với tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị và kiên trì để mỗi một cá nhân từ đội ngũ đến học sinh và các bậc cha mẹ cảm thấy vui vẻ, yên tâm, tin cậy khi nghĩ về nhà trường. Những cách làm hay, độc đáo nói trên của trường THPT Cảm Ân chính là những giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc trong trường học. Đồng thời cũng góp phần cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân tiếp tục phát huy mọi nguồn lực để nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 10-CTr/TU và Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 30-KH/TU của Tỉnh ủy Yên Bái.
Khi tôi chuẩn bị kết thúc bài viết này thì cũng là thời điểm thầy giáo Lê Văn Cường - Thạc sĩ, giáo viên Lịch sử của nhà trường được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam về “Người viết truyện thơ về lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái bằng nhiều câu thơ lục bát nhất” với 2 tác phẩm phục vụ dạy học lịch sử, giáo dục địa phương là “Yên Bái ghi dấu sử thiên” và “Ngang trời mây đỏ thiên thơ” xuất bản năm 2021 của thầy. Đây đã là lần thứ 3 thầy vinh dự nhận được giải thưởng danh giá trên và là công dân duy nhất của Yên Bái từ trước tới thời điểm hiện tại làm được điều này. Và với thành tích đặc biệt xuất sắc nêu trên, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Yên Bái đã quyết định tặng giấy khen đột xuất cho thầy ngày 8/3/2022. Điều đó khiến tôi vô cùng xúc động và càng thêm củng cố sâu sắc một niềm tin mãnh liệt rằng với đội ngũ lãnh đạo mang trái tim nhiệt huyết, với những thầy cô giáo tài năng đầy đam mê sáng tạo và một đội ngũ cán bộ trẻ trung năng động nơi đây, tin chắc trường THPT Cảm Ân trong tương lai sẽ không ngừng tiếp tục cống hiến, vươn lên và hạnh phúc!
H.L