Bút ký của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG
Đã lâu, tôi mới trở lại Văn Yên, trong chuyến đi tìm hiểu thực tế về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân Văn Yên. Còn nhớ lần đầu đến Văn Yên cách đây ngót 2 chục năm, tôi đã “phải lòng” Văn Yên ngay từ cái nhìn đầu tiên, để rồi phải thốt lên mấy câu thơ trải lòng: Dẫu rằng tôi vẫn biết/ Lần đầu lên Văn Yên/ Dẫu rằng tôi vẫn hiểu/ Đã muộn mằn gặp em/ Mà đôi mắt, đôi mắt/ Đôi mắt người Văn Yên/ Lòng tôi từ buổi ấy/ Chẳng thể nào nguôi yên…
Nhớ lại những kỉ niệm, tôi càng có nhiều cảm xúc và mong đợi ở chuyến đi này. Xe vừa tới sân UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Lã Thị Liền từ trên tầng xuống, tay bắt mặt mừng. Sau mấy câu chào hỏi thân tình, biết chúng tôi đi rất khẩn trương, chị tranh thủ thông tin nhanh khái quát về Văn Yên. Huyện được thành lập từ tháng 12/1964, trên cơ sở tách các xã của 2 huyện Trấn Yên và Văn Bàn. Cái tên Văn Yên được tách ra từ Văn Bàn, Trấn Yên ghép lại mà thành. Toàn huyện hiện có 24 xã, 1 thị trấn, với 172 thôn, bản, tổ dân phố. Về tự nhiên, Văn Yên nằm giữa dãy núi Con Voi và dãy Púng Luông, chạy dọc theo sông Hồng nên có một hệ thống sông ngòi dày đặc và 3 kiểu địa hình cơ bản: vùng núi cao, vùng đồi bát úp xen kẽ với thung lũng và vùng thấp gồm những cánh đồng phù sa nhỏ ven sông. Đặc điểm tự nhiên, khí hậu và tập quán canh tác của người dân hình thành nên 3 vùng kinh tế chính ở Văn Yên: Vùng lúa gồm 11 xã, vùng trồng màu và cây ăn quả gồm 6 xã và vùng quế gồm 8 xã. Trên mảnh đất Văn Yên có 12 dân tộc anh em chung sống từ lâu đời, đã tạo nên một truyền thống lịch sử- văn hóa mang đậm bản sắc Văn Yên. Người Văn Yên đã góp sức vào 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhà Nguyên của dân tộc. Lần thứ nhất, tham gia đội quân của tù trưởng Hà Bổng; lần thứ hai tham gia đội quân của tướng quân Trần Nhật Duật. Hai anh em người Tày Khao, Hà Đặc- Hà Chương đuổi giặc theo đường sông Hồng, tới Châu Quế Hạ, trong cuộc huyết chiến, Hà Chương anh dũng hy sinh, được nhân dân chôn cất tại cửa thác Nhược và lập đền thờ. Khi Pháp xâm lược nước ta, người Văn Yên gia nhập đội quân của Tổng đốc Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích đánh tan đoàn thuyền địch 13 chiếc trên sông Hồng, đoạn giữa Trái Hút và Bảo Hà. Tham gia cuộc khởi nghĩa do Triệu Tài Lộc, Triệu Kiến Tiên lãnh đạo, tiến đánh 2 đồn Trái Hút, Bảo Hà. Kháng chiến 9 năm chống Pháp và 25 năm chống Mỹ, nhân dân Văn Yên đóng góp sức người, sức của với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Yên, xã Đại Phác, thị trấn Mậu A đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Bên cạnh truyền thống lịch sử hào hùng là truyền thống văn hóa đặc sắc. Từ thế kỷ 7, người Tày Khao Văn Yên đã lập Miếu thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, lập nên bản mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh cho dân. Vào đời nhà Lê, bà phù hộ cho vua Lê đánh tan quân giặc xâm lược, được vua Lê Thái Tổ phong là Lê Mại Đại Vương. Ngôi Miếu cổ được chuyển thành Đền; tục thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn cũng có từ ngày đó, góp phần hoàn chỉnh tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài thờ Mẫu, đền còn các vị Thần bản địa Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương… có công giúp vua dẹp giặc. Thời Nhà Nguyễn, vua ra sắc phong là Đền Thần Vệ quốc.
Đồng chí Phó Chủ tịch huyện kết luận: Truyền thống lịch sử- văn hóa đặc sắc ấy luôn là những giá trị tinh thần to lớn, của nhân dân các dân tộc Văn Yên trên con đường xây dựng quê hương Văn Yên ngày càng giàu đẹp, con người Văn Yên ngày càng ấm no hạnh phúc.
Trao đổi về việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân Văn Yên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, đồng chí Phó Chủ tịch huyện cho biết: Từ đầu năm 2021, Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch chi tiết và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí lãnh đạo huyện và các phòng, ban. Theo đó, mục tiêu tổng quát là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của người dân Văn Yên về cuộc sống, môi trường sống và tuổi thọ trung bình của người dân. Để đạt mục tiêu, Văn Yên sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: phát triển kinh tế nhanh và bền vững; xây dựng các mối quan hệ gia đình và xã hội thân thiện; thực hiện tốt chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; đẩy mạnh xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới; bảo vệ tốt môi trường; cải cách hành chính và xây dựng đồng bộ các mô hình: “Gia đình hạnh phúc”, “Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”, “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc” theo bộ tiêu chí của tỉnh và thực tế Văn Yên. Quyết tâm phấn đấu đến năm 2025, chỉ số hạnh phúc của người dân Văn Yên đạt 70%, tức là hạnh phúc ở mức khá.
Sau buổi làm việc với lãnh đạo huyện, ngay buổi chiều, đoàn đã tranh thủ đi thực tế cơ sở. Điểm đến đầu tiên là thôn có cái tên khá ấn tượng: Thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp. Đây là mô hình điểm xây dựng thôn, bản hạnh phúc năm 2022 của huyện Văn Yên. Tại Nhà văn hóa thôn còn thơm mùi sơn, khang trang, sạch đẹp, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Nguyễn Thị Ánh cho biết, thôn Hạnh Phúc có 1034 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc, diện tích hơn 2 nghìn ha, chiếm 1/3 diện tích toàn xã và bằng diện tích cả xã Đại Phác. Thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu hết năm 2023 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Theo Bí thư Ánh, giữa thôn nông thôn mới và thôn hạnh phúc có sự gắn kết và tác động qua lại nhau. Xây dựng thôn nông thôn mới là tiền đề xây dựng thôn hạnh phúc. Dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình, trên con đường thôn được bê tông hóa kiên cố, đủ rộng cho xe tải cỡ lớn đi; cổng chào thôn bề thế, vững chãi, đẹp đẽ, Bí thư Ánh chia sẻ: Con đường này do nhân dân hiến đất mở rộng và làm thẳng. Kinh phí theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhân dân đóng góp bình quân 270.000 đồng/ khẩu, mỗi đảng viên còn góp thêm từ 200.000 đồng trở lên. Khi đường hoàn thành nhân dân lại đóng góp thêm làm cống thoát nước và góp công trồng hoa ngũ sắc 2 bên ven đường. Tôi hỏi về hệ thống đường ngõ, xóm, Bí thư Ánh cho biết, chỉ còn gần 5km, sẽ tiếp tục được bê tông hóa trong năm 2022. Đường điện lưới quốc gia cũng đã hoàn thiện. Còn về đời sống nhân dân, thôn đã có 150 hộ có nhà xây 2, 3 tầng kiên cố, đủ các tiện nghi sinh hoạt. Thu nhập bình quân đầu người hiện là 48 triệu/người/năm, phấn đấu đến năm 2023 tăng lên 50 triệu/người/năm. Trao đổi việc xây dựng gia đình, thôn bản hạnh phúc, Bí thư Ánh hồ hởi nói: Hiện, 90% hộ dân đã đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc, thôn cũng đã đạt 8/10 tiêu chí của thôn hạnh phúc. Phấn đấu hết năm 2022, 100% hộ dân đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc, thôn đạt 10/10 tiêu chí của thôn hạnh phúc. Mục tiêu này được toàn bộ hệ thống chính trị ở thôn vào cuộc và nhân dân đồng tình ủng hộ. Chi bộ thôn có 47 đảng viên, bản thân các đảng viên và gia đình đều thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương cho nhân dân noi theo. Mỗi đảng viên được phân công giúp đỡ 1 nhóm hộ thoát nghèo và xây dựng gia đình hạnh phúc. Ban Chi ủy có 7 đồng chí, mỗi Chi ủy viên được giao phụ trách một đoàn thể, vận động hội viên tích cực trong xây dựng gia đình và thôn hạnh phúc. Chi hội phụ nữ thôn đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây gia đình hạnh phúc”; xây dựng Câu lạc bộ “Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”; “Gia đình hạnh phúc”. Chi hội Người cao tuổi phát động phong trào “Tuổi cao gương sáng, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Chi đoàn thanh niên hăng hái trong làm sạch môi trường. Ngày 20 tháng 3 vừa rồi, buổi công bố quyết định xây dựng thôn Hạnh phúc đông vui như một ngày hội. Nhân dân toàn thôn tham gia thi giã bánh giày, giao lưu thể thao, văn nghệ. Tôi hỏi: Sao lại lấy ngày ra mắt là ngày 20/3? Bí thư Ánh bảo: Vì đó là Ngày quốc tế hạnh phúc. Nhân đân trong thôn mong muốn mình cũng hạnh phúc như người dân các nước khác. Tôi chia sẻ với Ánh: Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan, quốc gia được xem hạnh phúc nhất thế giới. Từ năm 1970, Vương quốc này đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, thông qua chỉ số hạnh phúc của người dân bên cạnh các chỉ số về kinh tế đánh giá sự giàu có vật chất. Chỉ số hạnh phúc được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Liên Hợp quốc chọn ngày 20/3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc, vì đó là ngày mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài của ngày và đêm bằng nhau, thể hiện sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, để truyền đi một thông điệp: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc cho con người.
Tôi hỏi Bí thư Ánh, tên thôn Hạnh Phúc có từ bao giờ? Bí thư Ánh bảo: Tên Hạnh Phúc có lâu rồi ạ và bây giờ nhân dân quyết tâm làm cho nó xứng với tên gọi. Dẫn chúng tôi vào thăm nhà mình, một căn nhà 3 tầng xây đẹp, Bí thư Ánh chia sẻ: Em có 2 cháu, một cháu học lớp 11, một cháu học lớp 6. Nhà em sinh năm 1983, hơn em 3 tuổi, tình nguyện đảm trách việc phát triển kinh tế gia đình để em tham gia công tác xã hội. Em làm Trưởng thôn được 10 năm rồi, từ 2020 đến nay, vừa làm Bí thư Chi bộ lại kiêm Trưởng thôn, tham gia HĐND xã và làm tổ trưởng 2 tổ vay vốn của ngân hàng, cũng bận lắm chẳng giúp gì nhiều được cho anh ấy. Tôi nắm chặt tay Ánh khi chia tay. Quả thực, tôi rất cảm phục nghị lực và sức làm việc của cô gái Tày này. Nhìn nét mặt rạng ngời của Ánh, tôi biết em đang rất hạnh phúc với gia đình và thôn bản của mình.
Ngày thứ 2, chúng tôi lên Châu Quế Thượng, một trong 10 xã khó khăn của huyện Văn Yên. Đồng chí Nguyễn Đức Cải, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có 8 dân tộc, phần lớn là các dân tộc: Tày, Xa Phó, Mông, Dao. Tới thăm thôn Ngòi Nhầy, một trong 3 thôn chủ yếu là đồng bào Xa Phó sinh sống; gặp Nghệ nhân dân gian ưu tú Đặng Thị Thanh. Chị Thanh hồ hởi dẫn đoàn lên thăm ngôi nhà sàn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tài trợ làm nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đồng bào Xa Phó, Châu Quế Thượng. Cầm cây sáo Cúc kẹ trên tay, chị say sưa kể: sáo Cúc kẹ có từ lâu rồi. Khi ấy, cụ tổ người Xa Phó trú mưa ở một bụi nứa trong rừng. Trong cơn gió mạnh, cụ bỗng nghe thấy văng vẳng một thứ âm thanh kì diệu phát ra từ cây nứa. Quan sát kĩ, cụ thấy nơi phát ra âm thanh là lỗ thủng của cây nứa do kiến đục. Tùy vào lượng gió thổi vào mà lỗ thủng phát ra những âm thanh trầm bổng khác nhau. Về nhà cụ đã tìm cách chế tác nên cây sáo một lỗ, thổi bằng mũi và đặt tên là Na cù pí Cúc kẹ. Chị Thanh cũng chia sẻ, chị cảm cảm thấy rất hạnh phúc khi được Đảng, Nhà nước cho khôi phục lại sáo Cúc kẹ. Chị đã say sưa truyền dạy cách chế tác và sử dụng sáo Cúc kẹ cho các thiếu nữ Xa Phó Châu Quế Thượng. Chị bảo, giữ tiếng sáo Cúc kẹ là giữ hồn Xa Phó nên chị và bà con Xa Phó cảm thấy rất hạnh phúc. Tại thôn Ngòi Nhầy, tôi còn gặp bác Nguyễn Văn Huynh, một trong những gia đình hạnh phúc tiêu biểu của Châu Quế Thượng. Bác Huynh là người Kim Động, Hưng Yên, đã tham gia chiến đấu 10 năm ở mặt trận Tây Nguyên. Năm 1976, được ra quân về quê, tình cờ trong một đám cưới ở quê, gặp bác gái, cùng quê Hưng Yên nhưng gia đình đã lên xây dựng kinh tế mới tại Châu Quê Thượng. Tình yêu sét đánh, sau 3 ngày tìm hiểu, bác Huynh quyết định tổ chức đám cưới, rồi khoác ba lô theo vợ lên Châu Quế Thượng. Bác chọn thôn Ngòi Nhầy, nơi 100% đồng bào Xa Phó sinh sống để định cư, lập nghiệp. Vừa khai khẩn đất đai ổn định cuộc sống, vừa tham gia công tác xã hội; ban đầu là công tác Đoàn, tiếp đến làm Xã đội trưởng, rồi làm Bí thư Đảng ủy xã. Bác là người đầu tiên đưa cây quế về Châu Quế Thượng. Gắn bó với Châu Quế Thượng hơn 50 năm nay, bác Huynh đã biến một nơi hoang vu, heo hút thành một cơ ngơi khang trang, đẹp đẽ và một tổ ấm hạnh phúc. Ngôi nhà xây kiên cố, rộng rãi, thoáng mát; vườn cây ăn quả xum xuê và 2ha vườn rừng, trong đó có hơn 1ha quế đã cho thu hoạch. 5 người con đều tốt nghiệp đại học và thành đạt. Người con cả đang giữ chức Chủ tịch Mặt trận xã, cũng có một cơ ngơi khang trang, con trai cũng đang học đại học ở Hà Nội. Bốn người con còn lại đều công tác ở Hà Nội, Lào Cai. Không chỉ lo cho gia đình mình, bác Huynh còn hướng dẫn, giúp đỡ cho nhiều gia đình Xa Phó trong thôn vươn lên làm giầu và xây dựng hạnh phúc gia đình. Dù nghỉ hưu đã lâu nhưng nhân dân Ngòi Nhầy vẫn rất tin tưởng và yêu quý người đảng viên, Cựu Bí thư Đảng ủy xã gương mẫu này.
Ngày thứ 3, đoàn lên Phong Dụ Thượng, một xã vùng cao, dân tộc, giao thông đi lại khó khăn nhất của Văn Yên. Quả thật, nếu trời mưa thì xe ô tô không thể đi nổi, nhưng cũng rất vui khi thấy con đường nối Quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai chạy qua Phong Dụ Thượng đã có hình hài. Dọc đường, suốt từ Phong Dụ Hạ lên bạt ngàn rừng quế. Gió thổi, rừng quế reo lên xôn xao như âm điệu tình tứ của khúc Páo dung muôn thuở của người Dao. Tôi bỗng nhớ tới ca khúc “Trăng sáng trên rừng quế” của nhạc sĩ Trọng Loan, sáng tác đã mấy chục năm nhưng vẫn là một trong những ca khúc hay nhất viết về Yên Bái. Dưới chân những đồi quế là dòng suối Hút, mùa này nước trong xanh, yên ả uốn lượn mềm mại. Đến trụ sở UBND xã Phong Dụ Thượng, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Quang ra chào hỏi thân thiết như người quen cũ lâu ngày gặp lại. Buổi làm việc diễn ra nhanh chóng. Phó Chủ tịch Quang cho biết, Phong Dụ Thượng, nhất là các thôn Bản Lùng, Làng Than, Khe Dẹt chịu tổn thất rất nặng nề của trận lũ quét kinh hoàng chưa từng có vào tháng 7/ 2018. Đặc biệt là thôn Bản Lùng, gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Nhà cửa, bị cuốn trôi, còn lại cái nào thì cũng tan hoang; vườn tược, bãi ngô, ruộng lúa chồng chất toàn đá khối, ngổn ngang cây cối; cầu dân sinh, ngầm tràn bị phá hủy hoàn toàn; gia súc, gia cầm cũng bị quét sạch. Tổng thiệt hại lên tới vài chục tỷ đồng. Nhưng đến giờ này, cuộc sống không chỉ hồi sinh mà Bản Lùng còn vươn lên đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Nghe phó Chủ tịch Quang nói vậy, chúng tôi xin anh cho vào Bản Lùng ngay. Thật ngạc nhiên, con đường bê tông trong thôn đủ cho xe ô tô đi thoải mái. Hai bên đường san sát nhà xây kiên cố, vườn tược xanh tốt, xa xa là đồng lúa chiêm xuân đang thì con gái mướt mát. Tất cả, không còn dấu vết gì của trận lũ quét cách đây 4 năm. Vào nhà Bí thư Chi bộ Ngô Văn Minh, một ngôi nhà xây khang trang, đẹp đẽ. Anh cho biết, đây là khu tái định cư được tỉnh, huyện cho xây dựng cách nơi ở cũ hơn 1km. Với sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và sự nỗ lực của nhân dân từ một đống hoang tàn, đổ nát, hôm nay 100% hộ dân Bản Lùng đã có nhà ở kiên cố và các tiện nghi sinh hoạt hiện đại như ti vi, tủ lạnh, xe máy. Kinh tế ngày càng phát triển, mức thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chỉ còn dưới 10%. Đường thôn và liên thôn, đường ngõ, xóm hoàn toàn bê tông hóa. Nhà văn hóa thôn xây mới đẹp, rộng, đầy đủ âm ly, loa đài. Toàn thôn đã có điện lưới quốc gia. Hơn 40 héc ta đất canh tác lúa 2 vụ được khôi phục và khai hoang mới. Đặc biệt, nhiều hộ trong thôn đã thay đổi tập quán canh tác tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Toàn thôn hiện có trên 10 mô hình gia đình chăn nuôi trâu, bò, dê, gà với quy mô lớn; 1 tổ hợp tác 7 thành viên nuôi cá sạch. Bản thân gia đình Bí thư Minh cũng là một mô hình chăn nuôi bò và trồng quế tiêu biểu. Các sinh hoạt văn hóa dân tộc truyền thống được khôi phục. Năm ngoái thôn tổ chức Lễ hội Lồng Tồng theo đúng các nghi lễ từ xưa của người Tày, có treo trâu tế thần, các trò chơi dân gian đẩy gậy, kéo co, ném còn, đua mảng và giao lưu văn nghệ. Bản Lùng không chỉ vượt khó, xây lại cuộc sống mà còn trở thành thôn nông thôn mới thứ 2 của Phong Dụ Thượng; tiếp tục phấn đấu thành thôn hạnh phúc tiêu biểu của xã. Bí thư Minh dẫn đoàn ra tham quan thác Khe Ban. Phong cảnh thật sơn thủy hữu tình. Anh hào hứng nói: Mai đây đường nối Quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai hoàn thành sẽ mở ra một tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế và du lịch, thôn sẽ xây dựng thác Khe Ban sẽ thành 1 điểm du lịch sinh thái.
Trời đã sắp tối, phải cầm lòng chia tay với Phong Dụ Thượng mà vẫn tiếc nuối không đến được với Làng Than, Khe Dẹp, Khe Táu. Đặc biệt là Khe Táu, nơi sinh sống của đồng bào Mông, đã tạo nên một thắng cảnh ruộng bậc thang tuyệt đẹp, một Mù Cang Chải thứ 2 trên đất Phong Dụ Thượng.
Điểm cuối cùng đoàn tới là Đông Cuông, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016, nông thôn mới nâng cao năm 2021, đang tiếp tục phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu và xã hạnh phúc. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thượng Phí cho biết, xã có 2 vùng sản xuất hàng hóa tập trung là vùng sản xuất sắn và vùng sản xuất lúa chiêm hương chất lượng cao; 2 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, tăng 1,25 lần so với khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giáo dục, y tế đều đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,19%. Xã có các tổ thu gom rác thải. Các tuyến đường xã, thôn có rãnh thoát nước, cây bóng mát, hoa, biển báo theo quy định. An ninh trật tự được đảm bảo. Các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, kịp thời, được người dân đánh giá hài lòng và rất hài lòng. Vào thăm thôn Thác Cái, thôn được công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu và là mô hình thôn hạnh phúc tiêu biểu của xã. Bí thư Chi bộ Sầm Đức Minh cho biết, Thác Cái là thôn lớn, với 274 hộ, 1021 nhân khẩu. Các hộ gia đình đều có kinh tế ổn định. Trong thôn có 4 mô hình chăn nuôi quy mô lớn, trong đó, 2 mô hình chăn nuôi trâu, 2 mô hình chăn nuôi lợn. Đi trên con đường thôn thông thoáng, có điện chiếu sáng, các điểm giao cắt có biển báo theo quy định, nhà cao tầng san sát 2 bên đường, tôi bảo Bí thư Minh: Thật chẳng khác nào phố trong làng, thôn làm sao có con đường đẹp vậy? Bí thư Minh bảo: Để có con đường này, 35 hộ trong thôn đã tự nguyện dịch rào hiến đất, có hộ hiến tới 200m2, mà đất ở đây đều rất có giá. Vào thăm gia đình ông Nguyễn Văn Đào, mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thương phẩm quy mô lớn. Ông Đào hỉ hả chỉ vào căn nhà 2 tầng khang trang, chiếc xe ô tô, nói: Nhà cửa, xe pháo, các con được học hành, thành đạt đều nhờ vào chăn nuôi lợn cả. Quả thật, vào khu chăn nuôi của gia đình ông Đào nhìn đàn lợn và những dãy chuồng mới thấy sức lao động và khát vọng vươn lên của vợ chồng ông lớn như thế nào.
Chia tay thôn Thác Cái, chúng tôi tới thăm Trường Tiểu học & THCS Đông Cuông, 1 trong 20 trường được Phòng Giáo dục & Đào tạo Văn Yên chọn xây dựng thí điểm trường học hạnh phúc. Thầy giáo Hiệu trưởng Đào Minh Đức, cho biết Trường Tiểu học & THCS Đông Cuông có 52 cán bộ, giáo viên, 1214 học sinh, chia thành 33 lớp, trong đó khối Tiểu học 21 lớp, THCS 12 lớp. Trường đạt chuẩn quốc gia từ 2012, chất lượng đào tạo trong những năm qua luôn ở vị trí tốp đầu của huyện. Được giao xây dựng thí điểm trường học hạnh phúc, trường đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết và phát động phong trào thi đua trong toàn trường. Hiệu trưởng Phi chia sẻ, bằng nội lực nhà trường phấn đấu tạo nên môi trường giáo dục “An toàn, yêu thương, tôn trọng” và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Qua một năm thực hiện, điều thay đổi dễ dàng nhìn thấy là không gian các lớp học như được khoác một tấm áo mới, bảo đảm “sáng- xanh- sạch- đẹp- an toàn- thân thiện”; phòng xép chân các cầu thang được cải biến thành thư viện mi ni, vừa sạch, đẹp lại tạo cho học sinh thói quen đọc sách. Sân trường đã có cây bóng mát, bố trí thêm cây cảnh và ghế đá cho các em thư giãn trong giờ ra chơi. Hiệu trưởng Phi cũng chia sẻ, ngoài những thay đổi về không gian trường, lớp ai cũng thấy còn có một sự thay đổi mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được. Đó là sự cảm thông, chia sẻ nhiều chiều. Chia sẻ giữa lãnh đạo với giáo viên, giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh và chia sẻ giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh. Các giáo viên được phát huy mọi khả năng sáng tạo trong dạy học, mối quan hệ giữa lãnh đạo với giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên cởi mở hơn, thân tình hơn; các học sinh được tôn trọng, động viên, khích lệ, biểu dương nhiều hơn. Học sinh trong lớp và khác lớp cũng yêu thương nhau hơn, không còn sự chia bè, kéo cánh, cãi lộn, ẩu đả. Các cha mẹ học sinh cũng cảm thông và chia sẻ cùng nhà trường trong hoạt động giáo dục. Hội nghị phụ huynh học sinh, thay cho việc giáo viên chủ nhiệm độc thoại phổ biến các quy định của trường, của lớp là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, các ý kiến đề xuất của cha mẹ học sinh. Cuối buổi họp giữa cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm có sự cam kết cụ thể, rõ ràng. Ví dụ, cha mẹ học sinh cam kết khi các con đi xe đạp điện đến trường phải đội mũ bảo hiểm; giáo viên chủ nhiệm cam kết, nếu thấy học sinh vắng mặt phải gọi điện báo ngay cho cha mẹ học sinh biết. Cũng nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của cha mẹ học sinh, trong đợt phòng dịch bệnh Covid- 19 vừa qua, nhà trường phải tổ chức dạy học trực tuyến, 100% cha mẹ học sinh đều tạo điều kiện cho các con có điện thoại thông minh và sóng điện thoại để học.
Bốn ngày ở Văn Yên, đến với 4 xã, 4 thôn, 1 trường học, tôi đã cảm nhận thấy việc xây dựng gia đình, thôn, bản, trường học hạnh phúc đã lan tỏa đến từng con người Văn Yên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020- 2025 về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân đã thực sự đi vào cuộc sống ở Văn Yên. Đảng bộ, Chính quyền Văn Yên rất chú trọng đến xây dựng yếu tố con người theo tiêu chí của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” còn có thêm phẩm chất “Nghĩa tình”, bản sắc Văn Yên. Văn Yên cũng chú trọng khơi dậy các giá trị lịch sử- văn hóa truyền thống, khát vọng vươn lên để người dân Văn Yên chung tay cùng Đảng bộ, Chính quyền thực hiện mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc.
Chia tay Văn Yên, qua thị trấn Mậu A, xe bon bon trên con đường thảm nhựa rộng rãi, bằng phẳng, hai bên là phố xá san sát nhà xây, tôi bỗng nhớ tới câu thành ngữ “Nước Mậu A, ma Ngòi Quạch”, chỉ một Mậu A heo hút, một Mậu A từng bị coi là nơi sơn lam chướng khí, rừng thiêng, nước độc. Quả là đã có một sự đổi thay kì diệu được tạo nên bởi bàn tay, khối óc, trái tim của con người Văn Yên. Nên tôi rất tin, những người đã tạo nên sự đổi thay kì diệu ấy, họ cũng sẽ nâng cao được chỉ số hạnh phúc. Tôi lại nghĩ về cái tên Văn Yên, đâu chỉ là sự lắp ghép giữa 2 địa danh mà còn toát lên khát vọng về một cuộc sống nhân văn, bình yên, hạnh phúc. Ai đó đã gọi Văn Yên là miền đất nhớ, quả là rất đúng. Mỗi lần đến với Văn Yên lại thêm một lần để nhớ, để yêu, để tin vào khát vọng Văn Yên.
N.H.L