XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HÁT LỪU

Bút ký của MINH NGỌC

Cuối thu, trời Tạm Tấu cao vợi, thăm thẳm sắc xanh. Những đám mây trắng cuộn vào nhau tạo thành biển trắng bềnh bồng phía trên những rặng núi xanh thẫm. Dãy cờ cắm dọc cây cầu vào thị trấn đỏ tươi dưới nắng. Từ trung tâm thị trấn, lướt trên quãng đường bê tông chừng 3 cây số, chưa kịp hết mải mê với những ruộng rau màu xanh mướt, chúng tôi đã vào tới Ủy ban xã Hát Lừu. Nhìn những khuôn mặt thân thiện, nhiệt huyết trong tôi ngập tràn sự thiện cảm. Liên tục khách ra vào phòng làm việc của Chủ tịch xã Lò Văn Tiếp. Người vào xin ý kiến, người xin chứng nhận mua giống, người xin xác nhận hỗ trợ... giữa lúc anh đang chuẩn bị nội dung họp buổi chiều nhưng Chủ tịch Tiếp vẫn luôn nhẹ nhàng, điềm đạm, thi thoảng lại trao đổi thêm với bà con bằng tiếng dân tộc Thái đầy thân tình, gần gũi. Giữ lời hẹn, Chủ tịch Lò Văn Tiếp, người đã gần 20 năm công tác tại xã, chứng kiến đầy đủ quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hát Lừu tranh thủ chút thời gian quý báu chia sẻ với tôi những điều thật đáng nhớ.

Xã Hát Lừu với diện tích đứng thứ 11 trong số 12 đơn vị hành chính cấp xã của huyện, địa hình bán sơn địa, nằm ở vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa với thị trường bên ngoài song điểm xuất phát của xã từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hết sức khó khăn. Người dân sinh sống ở 2 khu vực riêng biệt là Bản Hát và Bản Lừu cách nhau chừng bảy cây số. Với 99,6% dân số là người dân tộc Thái, từ lâu bà con nơi đây đã quen với nếp sống giản đơn chỉ cần có chỗ ăn, chỗ ở là được. Với kiến trúc nhà sàn, trâu bò được nuôi buộc ngay dưới gầm sàn, việc vệ sinh chủ yếu là đào hố, dùng que, rác thải thường vứt bừa bãi. Là xã thuần nông, người dân sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội còn thiếu thốn, hộ nghèo chiếm trên 77%. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về xây dựng nông thôn mới bước đầu chưa đầy đủ, chưa thực sự coi mình là chủ thể, còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ nại; chưa tự giác, tự nguyện đóng góp ngày công và hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa; tinh thần tự giác phấn đấu thoát nghèo còn chưa cao, một số hộ dân còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. Thêm vào đó, hàng năm địa bàn xã thường chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, rét đậm, rét hại, đặc biệt là ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử đầu tháng 10 năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhà nước và nhân dân, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị phá hủy, ruộng đất sản xuất, cây cối hoa màu, thủy sản bị cuốn trôi và vùi lấp ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã. Song với quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, Hát Lừu đã từng bước cán đích thành công 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Lò Văn Tiếp chân thành chia sẻ: “Việc cán đích tiêu chí số 2- Giao thông, đối với Hát Lừu quả thực là một cuộc cách mạng. Ngày trước dân từ các thôn Hát 1, Hát 2, Lừu 1, Lừu 2 muốn xuống đến ủy ban xã trời nắng phải mất cả tiếng đồng hồ, trời mưa thì chịu, nhưng nay ngồi trên xe máy lướt êm trên đường bê tông chưa đầy 15 phút đã đến nơi. Để có được kết quả đó là cả một quá trình chỉ đạo, vận động, tuyên truyền, ủng hộ, đồng thuận và chung sức xây dựng nông thôn mới trên xã Hát Lừu”. Với phương châm nhà nước đầu tư kinh phí, hỗ trợ vật liệu cát sỏi, xi măng còn đất đường và công người dân phải cùng chung sức. Tưởng chừng mọi việc sẽ giản đơn khi chủ trương đã có, tỉnh đã tạo điều kiện đầu tư về kinh phí, câu chuyện chỉ là triển khai thực hiện song trên thực tế mọi chuyện lại không hề đơn giản. Việc vận động người dân hiến đất mà không hề có hỗ trợ ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Để làm đường liên thôn, mở rộng tuyến đường, đổ bê tông để ô tô có thể đi lại buộc nhiều hộ phải đập tường, cắt vườn hiến đất. Diện tích đất đai nơi đây vốn không rộng rãi nên ban đầu nhiều hộ không nghe, thậm chí phản ứng quyết liệt, cầm dao dọa lại. Cán bộ xã phải lập đoàn công tác đến từng nhà vận động, tuyên tuyền hiến đất, đóng góp công sức làm đường. Một lần, hai lần không được, lãnh đạo xã phải nhờ những người có uy tín, các già làng trong thôn đến tuyên tuyền, vận động. Các anh phải hạch toán bằng kinh tế, đưa ra kết quả cụ thể, lợi ích cụ thể nếu bà con chịu hiến đất làm đường. Cuối cùng dân nghe, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa hơn 18 km, người dân được đi lại thuận tiện, kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội theo đó cũng được nâng lên. Tại xã hiện nay có 5 cầu treo, có đường nội đồng liên thông 02 cánh đồng của xã, 02 tuyến giao thông chính từ thôn Hát 1 đi thôn Hát 2 và từ thôn Lừu 1 đi thôn Lừu 2. Trên 80% đường trục thôn, liên thôn; đường ngõ xóm; đường nội đồng được bê tông hóa. Cùng đó là đầu tư hệ thống cống rãnh thoát nước nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường cho người dân.

Nhìn con số thu nhập bình quân của người dân tăng từ 15 triệu đồng năm 2011 lên 33,2 triệu đồng năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 80% năm 2011 xuống còn 10% năm 2019 mới thấy những bước chuyển biến không hề nhỏ trong tiêu chí số 10- Thu nhập. Chỉ chục năm về trước đời sống kinh tế của bà con hết sức khó khăn, quanh năm túng thiếu. Mặc dù Đảng, Nhà nước có các chương trình hỗ trợ vay vốn song bà con chưa biết cách đầu tư làm kinh tế nên vốn vay sử dụng không hiệu quả, không trả được lãi. Thậm chí đã có lúc bà con còn cho rằng tiền nhà nước cho vay có thì trả, không có thì thôi. Cán bộ xã, thôn lại phải xuống tận nơi tuyên truyền, giải thích rằng nhà nước đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho bà con làm kinh tế thì mình phải có trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, định kỳ trả cả gốc cả lãi. Nhờ nhận thức đúng đắn, sử dụng vốn vay 40- 50 triệu mỗi hộ vào đầu tư thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi giống mới mà chỉ sau mấy năm chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển, chuồng trại được mở rộng, lợn bản địa được đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, đời sống kinh tế không ngừng được nâng lên. Đặc biệt việc tham dự các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956 của Chính phủ như chế biến nông sản, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, gò hàn, kỹ thuật trồng nấm, trồng lúa, trồng hoa, trồng rau an toàn, chăn nuôi- thú y, chăn nuôi lợn, xây dựng, sửa chữa thiết bị máy nông cụ, may mặc... đã giúp người dân biết áp dụng kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Cùng với đó, xã cũng hình thành được 2 hợp tác xã và một mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với 11 tổ hợp tác tham gia… Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 36 triệu đồng/người/năm.

Với ánh nhìn cởi mở, giọng nói đầy hào hứng, Chủ tịch xã Hát Lừu cho biết: “Một khía cạnh đổi thay nổi bật nữa từ Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hát Lừu chính là vấn đề giáo dục. Nếu trước kia cơ sở vật chất đều là tranh tre, vách đất, trường mầm non phải mượn gầm sàn nhà dân, việc dạy dỗ con em các gia đình đều phó mặc cho thầy cô giáo, bút sách thì trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước thì đến nay ý thức của người dân đã thay đổi hoàn toàn. Các gia đình có trách nhiệm hơn, chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà trường để dạy dỗ các cháu, đặc biệt các khoản đóng góp đã có sự xã hội hóa. Ngoài đóng học phí đầy đủ các phụ huynh còn đóng góp kinh phí tôn tạo cơ sở vật chất của nhà trường, xây dựng tường rào, mua thêm trang thiết bị để phục vụ cho công tác giảng dạy. Đến nay cả xã có 3 điểm trường đều đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1, gồm 01 trường mầm non, 01 trường TH- THCS Bản Hát, 01 trường TH-THCS Bản Lừu. Năm 2019 số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt gần 98%, số học sinh tiếp tục học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt tỉ lệ sấp sỉ 80%. Kết quả đó đã giúp Hát Lừu cán đích tiêu chí số 14- Giáo dục và đào tạo”.

Rõ ràng đây chỉ là 3 tiêu chí điển hình trong tổng số 19 tiêu chí. Mặc dù Chủ tịch Tiếp không đủ thời gian chia sẻ hết nhưng tôi hiểu 16 tiêu chí còn lại chắc hẳn là 16 bài toán, 16 phương thức nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm để Hát Lừu có thể cán đích nông thôn mới. Hát Lừu đã huy động sức mạnh tổng thể, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp gieo trồng các loại cây có năng suất cao, thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi và dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Xác định rõ nông nghiệp là mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương, trong 9 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Hát Lừu đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị, năng suất cao đưa vào sản xuất, phát huy lợi thế của địa phương, tổ chức quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Công nghiệp nông thôn, ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển, tập trung vào các ngành nghề chính có thế mạnh của địa phương như: Chế biến gỗ Hạt thảm, Trồng xả JAVA, sản xuất gạch không nung, chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và thương mại, dịch vụ, tham gia lao động tại các công ty, doanh nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động tạo nguồn thu nhập ổn định... Môi trường được cải thiện rõ rệt, người dân đã di chuyển vật nuôi, gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, xây hố vệ sinh tự hoại. Đặc biệt hàng tháng thôn, bản đều tổ chức vệ sinh đường liên thôn, ngõ ngách của các hộ gia đình, vận động mỗi gia đình đều phải có hố rác, thùng rác thải, phân loại rác và tự xử lý rác thải tại nhà. Trên cánh đồng mướt xanh của xã, đếm nhanh có đến gần 40 thùng rác thải để đựng bao bì, lọ nhựa, tạo môi trường sạch, an toàn cho người dân.

Bằng quyết tâm chính trị cao, huy động sức mạnh tổng thể, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Hát Lừu đạt trên 159 tỉ đồng; trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước chiếm gần 74%, vốn vay tín dụng chiếm trên 15% và người dân đóng góp chiếm gần 11% (17 tỷ đồng). Đây quả thực là những con số biết nói, đó không chỉ là ý đảng, lòng dân mà còn là sự chung tay vào cuộc của các tổ chức đoàn thể để tạo nên kết quả xây dựng nông thôn mới thành công ngoài mong đợi trên mảnh đất thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hát Lừu chính thức trở thành xã đầu tiên của 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Trải qua hơn một năm đạt chuẩn nông thôn mới, từ những bài học kinh nghiệm rút ra trên thực thế, trong thời gian tới, Chủ tịch xã Lò Văn Tiếp khẳng định: để tiếp tục củng cố vững chắc các tiêu chí, tiến tới xây dựng xã Hát Lừu là xã nông thôn mới nâng cao, “là trung tâm lan tỏa và rút kinh nghiệm để huyện xây dựng nông thôn mới tại các xã khác và các thôn khác trong huyện” như lời đồng chí Trần Ngọc Luận- nguyên Chủ tịch UBND Huyện Trạm Tấu đã nói thì cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó lĩnh vực nông lâm nghiệp, cần thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp và triển khai sản xuất theo quy hoạch. Tiếp tục phấn đấu phát triển những loại cây trồng, vật nuôi mũi nhọn, như trồng lúa có giá trị kinh tế cao, cây măng sặt, gà đen bản địa…, hình thành vùng chuyên canh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cần phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp để thu hút khách du lịch vào địa bàn tạo nguồn thu từ dịch vụ du lịch. Tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất mở rộng đường làng ngõ xóm, môi trường xanh sạch đẹp, duy trì lao động theo định kỳ hằng tháng tại các thôn. Nâng cao chất lượng dạy và học, chú trọng giáo dục về đạo đức lối sống, tổ chức tốt các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nâng cao kiến thức của người dân về sức khỏe vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vận động người dân nâng cấp sửa chữa các công trình vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Xây dựng lực lượng công an, quân sự trong sạch vững mạnh. Duy trì tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân không ngừng phấn đấu phát huy những kết quả đã đạt được cũng như tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trên mọi lĩnh vực phát triển toàn diện…

 Chia tay Chủ tịch xã Lò Văn Tiếp, biết rằng con đường cán đích nông thôn mới nâng cao của Hát Lừu vẫn còn không ít những thách thức, nhưng tin tưởng với những định hướng giải pháp mà các đồng chí lãnh đạo các cấp đưa ra và việc Hát Lừu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ là nền tảng vững chắc mở ra cho xã cơ hội mới trong phát triển nông nghiệp nông thôn, đời sống của người dân sẽ ngày một khởi sắc. Cuộc sống mới ấm no đang dần hiện hữu trên vùng đất “Thác nước- Cây chanh”(*)

M.N

(*) Theo tiếng Thái, “Hát” nghĩa là Thác nước, “Lừu” nghĩa là Cây chanh.

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 29<  1  2  3  4  5  6  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter