Ký của Hoàng Kim Yến
Nhiệm vụ khó thực thi
Ngày nhận nhiệm vụ dẫn các tổ lưu động lên các xã để làm căn cước công dân cho đồng bào cũng là ngày Thiếu tá Nguyễn Đức Trung- Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội- Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Tổ trưởng Tổ Căn cước công dân lưu động- cùng anh em phải căng mình dồn lực như thể bắt đầu vào chặng đua nước rút. Mù Cang Chải có 40.522 người đủ tuổi làm căn cước công dân, trong thời gian ngắn nhất có thể, bằng mọi cách các anh phải làm cho hết. Đường từ các bản về trung tâm xã đã xa lại khó đi, thêm trận mưa nữa thì hoàn toàn không đi được. Dân cư tập trung rải rác, đi gọi dân thôi cũng là một chặng đường gian nan, đã vậy có nơi sóng điện thoại chập chờn, nhắn một cái tin gọi dân xuống xã làm căn cước hai ngày sau dân mới nhận được. Có bản người dân phải đi gần một ngày đường mới xuống đến Ủy ban xã. Các anh có muốn đến gần với dân hơn để rút ngắn khoảng cách vượt đường rừng bằng đôi chân trần của đồng bào cũng không được vì thiếu nguồn điện. Sống với dân, gắn bó lâu với Mù Cang Chải các anh hiểu, ngoài khó khăn về địa lý, các anh còn gặp rất nhiều khó khăn bởi dân trí thấp, ngôn ngữ bất đồng, nhiều người dân không đủ giấy tờ, thông tin không trùng khớp. Rồi qua bao nhiêu tháng năm làm lụng vất vả, qua bao nhiêu ngày đêm thêu thùa, nhuộm chàm trên vải, những vết sẹo nhằng nhịt trên ngón tay, màu chàm phủ kín các đường vân li ti trên tay đồng bào, máy thông minh cũng không thể nào đọc nổi… Tất cả như dãy núi thâm u, sừng sững chắn lối các anh. Dù cao, dù hiểm trở, dù xa tút hút, các anh vẫn phải vượt qua, tìm mọi cách để vượt qua.
Làm căn cước công dân lưu động tại xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải
Cái khó ló cái khôn
Hiểu hoàn cảnh của chính mình để tìm ra phương án trong điều kiện có thể. Vậy là bao đêm suy nghĩ, bao khối óc cùng làm việc để tìm ra một cách làm vừa sáng tạo lại vừa phù hợp với điều kiện của địa phương. Dân bất đồng ngôn ngữ thì khi chia tổ phải đảm bảo mỗi tổ có một cán bộ người Mông để nói cho người Mông nghe, có một cán bộ người Thái để nói cho người Thái nghe, có cán bộ người Kinh để nói cho người Kinh nghe. Dân không có đủ giấy tờ hợp lệ, chắc chắn sẽ phải nhờ chính quyền địa phương bổ sung cho đủ, sửa đổi cho đúng mà lại không ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể và mọi quyền lợi khác của dân. Thế là sáng kiến phối hợp với tư pháp xã trực 100% để khi dân cần gì, vào bất cứ lúc nào cũng có cán bộ chuyên môn sẵn sàng giúp đỡ. Dân chưa hiểu căn cước công dân là gì thì các anh chuẩn bị nội dung tuyên truyền, phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền đến tận làng, tận bản giống như ta đang tuyên truyền một nghị quyết quan trọng làm thay đổi cuộc sống nhân dân. Dân mất cả ngày đường mới xuống đến nơi, nhiều người bận lên nương 9- 10 giờ tối mới nghỉ, đêm mới đi làm căn cước thì các anh đợi cả đêm, không sao, miễn là bà con xuống để làm. Biết dân mình vất vả, họ còn phải vật lộn với việc kiếm ăn nuôi sống gia đình chứ thời gian đâu mà ngồi không để đợi đến lượt làm căn cước nên các anh chủ động chia nhỏ số lượng từng thôn, từng bản, ước tính thời gian làm để hẹn dân sao cho không có người nào phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Trước nhiệm vụ, điều đầu tiên là phải vì dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho dân được làm căn cước. Chỉ thế thôi, còn muốn làm được điều đó, các anh phải nỗ lực hơn rất nhiều thì ấy là đương nhiên, ấy là trách nhiệm- Các anh nghĩ thế.
Quyết chí ắt làm nên
Lên với bản, va với thực tế các anh mới hiểu công việc làm căn cước không hề đơn giản với đồng bào. Rõ là cán bộ người Mông giải thích cho người Mông nghe nhưng dường như những điều cán bộ nói rất “lạ” đối với đồng bào nên nói mãi mà vẫn cứ à.. ừ… như không. Mỗi việc thẳng đầu lên để chụp ảnh mà nói mãi, tận tay vào chỉnh mãi, nhưng hễ buông ra thì lại trở về y như cũ, cứ như trêu. Cái công cuộc mài tay để tìm lại vân trong rất nhiều lớp chàm bám lại cũng chật vật chẳng kém. Nào là mài tay vào nền xi măng, trà tay vào đá mài, ngâm tay trong nước đá để vết chàm gặp lạnh bong ra dễ bóc. Tất cả đều mất thời gian, đòi hỏi các anh một lần nữa lại phải kiên nhẫn “Chờ đợi là hạnh phúc”. Có những người mất đến cả tiếng đồng hồ mới hoàn thành mọi công đoạn mà thời gian đối với các anh lại là “vàng”. Thành thử các anh lại chủ động giúp đỡ dân, làm cùng dân cho nhanh, vì thế hình ảnh cán bộ công an dùng máy sấy tóc xì tay cho bà con đã trở thành quen thuộc ở nơi này. Tôi đã từng thấy tranh thủ lúc mất điện các anh ngủ lịm ngay trên nền đất, chỉ trải đơn sơ một chiếc chiếu, xung quanh nào thùng, nào ghế, nào đồ đạc mà cảm phục. Gần 2 tháng trời, hết xã này chuyển ngay sang xã khác, cứ 6 tiếng lại thay ca, mỗi tổ chỉ được nghỉ 6 tiếng một ngày, sau 5 ca một tổ được nghỉ 12 tiếng, không kể ngày đêm, không kể mưa gió, ăn vội, nghỉ vội, ngủ cũng chẳng thảnh thơi là những điều có lẽ không phải ai cũng thấy. Với sức trai trẻ mà Tổ trưởng Trung sút 6- 7 cân cũng đủ hiểu nhiệm vụ này lấy đi sức lực của các anh đến nhường nào. Lao lực là thế nhưng tôi không thấy ở các anh nét khó chịu nào khi làm việc với dân thậm chí các anh vẫn nghĩ đến nỗi vất vả của dân bởi đường xá xa xôi, bởi con bồng con bế phải mang theo đi làm căn cước, bởi việc nương việc rẫy đang chất chồng chờ bàn tay của họ nên nhỡ công việc bị làm chậm tiến độ, các anh lại sốt sắng gọi cho làng, cho bản báo với dân lùi lại vài tiếng hãy đi, vì cứ đi theo như đã hẹn trước lại phải đợi thì khổ. Cứ thế, với 2 đợt làm căn cước công dân ở các xã của Mù Cang Chải và tại trụ sở Công an huyện, các anh đã làm được 33.000 hồ sơ, chiếm trên 83% tổng số dân đủ tuổi làm căn cước.
Nỗ lực là không ngừng…
Bằng nỗ lực, các anh đã đi được hơn bốn phần năm chặng đường gian nan. Song chặng đường phía trước không phải vì ngắn mà khó khăn sẽ bớt. Bởi những người còn lại đều là những người gặp khó khăn không khắc phục được hoặc là những người chưa thấy được tờ căn cước bé bằng nửa lòng bàn tay ích lợi gì cho cuộc sống của họ nên bỏ ngoài tai những lời thuyết phục. Đến ngay cả các xã đội trưởng xuống tận nhà tuyên truyền cũng không tài gì lay chuyển nổi tư duy “mặc kệ đời” ấy. Thế là các anh lại phải đích thân lên tận bản, bám vào lợi ích của dân để tuyên truyền, rằng tương lai Nhà nước sẽ không sử dụng chứng minh nhân dân nữa mà thay bằng căn cước. Căn cước là giấy tờ không thể thiếu được để bà con hưởng các dịch vụ y tế, dịch vụ bảo hiểm xã hội, nhận tiền bảo vệ rừng, nhận hỗ trợ của nhà nước về giống, phân bón, hay vay vốn phát triển kinh tế... Bây giờ không làm, mấy nữa rút máy về Bộ muốn làm cũng không làm nổi. Rõ là ảnh hưởng đến nồi cơm, bát gạo rồi đây. Đói nghèo còn đang vây bủa thì những thứ đó làm sao để bị bớt đi cho được. Đó được coi là cú huých khiến bà con đề ra một quyết tâm: đi làm căn cước. Thế là xong một chướng ngại vật. Giờ là phần quyết tâm của các anh. Thiếu giấy tờ, lần này các anh đích thân hoàn thiện giấy tờ cùng dân. Dân không xuống được xã, các anh vượt rừng lội suối, bao bọc máy móc bằng linon cho thật kín để lên tận bản với dân. Mùa mưa đường trơn thì mặc đường trơn, nguồn điện không đủ cấp cho máy hoạt động thì mang máy nổ công suất lớn lên hoạt động cùng máy. Dân không di chuyển được do bệnh tật, già yếu có thể các anh mang máy đến tận nhà dân. Những con đường rừng chỉ vừa hai bàn chân đi có thể sẽ đang chờ đợi các anh ở phía trước. Đấy là chưa kể đến điều kiện ăn, ngủ nghỉ khi lên với bản làng heo hút. Song để tiếp tục cấp căn cước cho 17% số dân còn lại, dẫu biết rằng phía trước còn có thêm nhiều khó khăn mới đang chờ và những nỗ lực mới của các anh cũng phải hơn gấp nhiều lần những điều đang nỗ lực, thì các anh vẫn luôn gắng sức..
H.K.Y