TRẦN THI
Giữa tháng 6, vợ chồng tôi được người cháu gọi bằng bác ở thành phố Hồ Chí Minh mời vào chơi cùng với bố mẹ cháu. Cháu chủ động gợi ý những điểm sẽ đến thăm, trong đó có điểm đến là Côn Đảo, rừng Sác, núi Bà Đen. Thực sự là quá mong đợi của tôi, nhất là được đến Côn Đảo.
Chúng tôi đi từ bến xe miền Tây lúc 24h, đến cảng Trần Đề (cửa sông Hậu) của Sóc Trăng lúc 5 giờ hôm sau. 7giừ tàu thuỷ từ cảng Trần Đề chạy ra Côn Đảo, đây là đường ngắn nhất từ đất liền ra Côn Đảo, khoảng 80km, tàu chạy khoảng hai tiếng rưỡi. Lần đầu đến Côn Đảo không ai nghĩ đây đã từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”; đường trên Côn Đảo giải nhựa phằng lỳ, hai bên đường rợp bóng cây xanh. Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 đảo, với tổng diện tích 72,18km2; trong đó Côn Đảo là đảo lớn nhất, với diện tích 51,52 km2. Đảo lớn Côn Đảo chiều dài Đông- Tây là 15 km, rộng nhất là 9 km, chỗ hẹp nhất là 1 km. Huyện Côn Đảo không chia thành các xã mà chia thành 10 tổ dân cư. Người dân ở nhiều nơi đã đổ về Côn Đảo lập nghiệp, dân số Côn Đảo đã lên hơn 1 vạn người.
Pháp chính thức chiếm Côn Đảo năm 1862, người Pháp nhận thấy đây là nơi lý tưởng đề xây nhà tù. Vì Côn Đảo bốn bề là biển mênh mông, người tù không thể vượt ngục, người ngoài không có cách cứu. Người tù cách mạng bị giam ở đây bị cắt đứt mọi liên hệ với gia dình, xã hội và tổ chức. Bọn cai ngục thẳng tay giết tù nhân mà không ai hay biết. Chỉ sau 45 ngày chiếm đảo, thực dân Pháp đã ra đảo xây dựng cơ sở để giam giữ 200 tù nhân. Trong 113 năm, từ năm 1862 đến năm 1975, Côn đảo là nhà tù lớn nhất cả nước, với 7 trại giam, 2 khu biệt lập, 127 phòng giam, 44 xà lim cùng 504 phòng giam biệt lập, giam cầm khu chuồng cọp, chuồng bò, hầm xay lúa. Nhà tù thời Pháp chiếm đóng kéo dài 92 năm, với 39 chúa đảo là người Pháp; thời Mỹ - Nguỵ cai quản nhà tù dài 21 năm, có 14 chúa đảo đều là người của Nguỵ quyền Sài Gòn, người Mỹ làm cố vấn.
Du lịch Côn Đảo là du lịch tâm linh. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nghĩa trang Hàng Dương, đây là nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, yêu nước với những cái tên ghi trong sử sách nước nhà, như Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Cừ… Đi viếng nghĩa trang thường có hai lễ, lễ viếng các anh hùng, liệt sĩ ở đài tưởng niệm và lễ viếng mộ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Có rất nhiều điểm sắm lễ, cửa hàng bán đủ sẵn mọi thứ trên một lễ, như viếng mộ chị Võ Thị Sáu có bó hoa cúc trắng to, bộ quần áo trắng, nón trắng… Người mua ghi rõ tên, tối đến chủ hàng bán lễ mang lễ đợi sẵn ở cổng nghĩa trang .
Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất Côn Đảo. Nghĩa trang rộng 19 ha, chia làm 4 khu A, B, C, D. Nghĩa trang có 1921 ngôi mộ, nhưng chỉ có 713 ngôi mộ có tên. Mới 20 giờ mà đã có rất đông người đến viếng. Tôi hỏi bác bảo vệ, bác cho biết hôm nay có khoảng 2.000 người, vào dịp 27/7, các ngày lễ lớn, hoặc ngày mất của chị Võ Thị Sáu người đến nghĩa trang lên tới 5000- 6000 người. Ở khu vực sân hành lễ trung tâm nghĩa trang là bức tượng điêu khắc tinh xảo, tiêu biểu nhất là bức “Trao áo”, có chiều cao 9m, nặng 25 tấn, kể lại câu chuyện có thật giữa đồng chí Vũ Văn Hiếu và cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đồng chí Vu Văn Hiếu là Bí thư Đảng uỷ đặc khu mỏ Cẩm Phả- Cửa Ông, bị địch bắt đày ra Côn đảo hai lần. Lần thứ hai bị bắt ngày 17/01/1940, cùng đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ. Đồng chí bị đày ra Côn đảo giam cùng đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tạo. Cai ngục không cho tù nhân mặc quần áo. Đồng chí Vũ Văn Hiếu bị ho lao, anh em tù xin được bộ quần áo cho đồng chí mặc. Nằm cạnh đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Hiếu tâm sự: “Tôi không sống được nữa, tôi đang nghĩ có cách gì làm lợi cho Đảng mà nghĩ mãi không ra, giờ chỉ có cách tôi đưa bộ quần áo này cho đồng chí mặc để đồng chí sống mà hoạt động cho Đảng”. Hôm sau đồng chí Vũ Văn Hiếu tắt thở.
Người viếng mộ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu rất đông, đoàn người phải xếp hàng; mỗi đợt khoảng hơn 10 đoàn, sau 10 phút thì hoá vàng, lại đến đoàn khác. Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu quê huyện Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa. Chị làm liên lạc cho cách mạng từ năm 14 tuổi. Năm 16 chị ném Lựu đạn giết được một số tên phản động, nhưng sau bị bắt, chị bị kết án tử hình, nhưng bị dư luận phản đối vì còn ở tuổi vị thành niên. Chúng không dám thi hành án. Ngày 21/01/1952, chị ở tuổi 19, chúng đưa chị cùng 40 tù nhân khác từ khám Chí Hoà ra Côn Đảo. Hai ngày sau chúng xử bắn chị. Trước khi bị bắn, chị mặc bộ áo trắng, không cho giám ngục rửa tội, không cho bịt mắt. Chị hát bài Tiến quân ca, hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Tên bắn chị thẫn thờ hai ngày, rồi tuyên bố giải nghệ. Cô Liễu vợ một cai ngục chứng kiến hành hình ngất xỉu. Chuyện kể tối hôm đó cô Liễu chốn chồng ra thắp hương mộ chị Sáu, đang loay hoay thì thấy một người thiếu nữ mặc áo trắng bước ra từ mộ, cô Liễu sợ quá vái lạy rồi chạy về và luôn thấy một người áo trắng đi trước. Cô Liễu kể lại với chồng, hai vợ chồng lập bàn thờ trong nhà, hương khói cho chị Sáu; nhiều vợ chồng cai tù cũng làm theo. Tăng Tư một chúa đảo (1964- 1965) khét tiếng, cũng bí mật làm một bia đặt tại mộ chị Sáu (vì vậy trước mộ chị Sáu có hai tấm bia, một của những người tù và của Tăng Tư). Năm 1998, người dân huyện Đất Đỏ mang cây Lêkima trồng cạnh mộ chị Sáu, cây xanh tốt, cho nhiều trái.
Sáng hôm sau chúng tôi đến thăm nhà tù Côn Đảo. Muốn thấy hết sự tàn ác của kẻ thù phải đến chuồng cọp là nơi giam tù chính trị. Chuồng cọp thời Pháp được xây dựng từ năm 1940, nằm trong khu trại giam Phú Tường, ở khu biệt lập có tường xây bằng đá rộng 50cm, cao 3m, trên cắm mảnh sành và chăng dây thép gai để tù không vượt ra ngoài được. Chuồng cọp kiểu Pháp có 120 phòng chia thành hai khu, mỗi khu 60 phòng giam. Phòng giam có kích thước 1,45m x 2,5m, nhốt từ 3- 4 tù nhân; tù nhân nằm trên bệ xi măng có gắn cùm. Người tù ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh vào thùng gỗ đặt ngay trong phòng giam, vài ba ngày mới cho đổ thùng vệ sinh. Bên trên phòng giam có hệ thống song sắt và lối đi, cai tù dễ quan sát tù nhân bên dưới. Trên trần phòng giam chúng để nhiều thùng vôi bột, nước bẩn, sẵn sàng đổ xuống người tù và sào dài có bịt sắt nhọn khi người tù có biểu hiện gì chúng đứng bên trên đâm vào người tù.
Chuồng cọp kiểu Mỹ nằm trong trại Phú Bình, có 384 phòng giam do chuyên gia Mỹ thiết kế, nhà thầu Mỹ xây dựng. Phòng giam chỉ rộng 5m2, giam tới 8- 10 người, tù giam ở đây bị lột hết quần áo. Tường phòng giam chỉ cao khoảng 2m, bên trên lợp tôn xi măng, mùa hè nóng hầm hập, mùa đông nằm trên nền xi măng lạnh thấu xương. Người tù ăn uống, vệ sinh tại chỗ, có khi vài tuần chúng mới cho đổ thùng vệ sinh. Bọn cai tù tra tấn tù nhân rất dã man, như đóng đinh vào người, đục răng, ném người vào nước sôi, đốt nóng dây kẽm đâm vào người. Chúng tra tấn người tù nhằm làm họ nhụt ý chí đấu tranh, vắt kiệt sức người tù, nếu có về cũng không còn sức hoạt động. Tên Mỹ thiết kế chuồng cọp này tuyên bố: Người tù giam ở đây không chết, cũng phát điên.
Khủng bố dã man nhất là bắt người tù chính trị học tố cộng, viết đơn ly khai Đảng Cộng sản, đả đảo lãnh tụ, chào cờ ba que của Nguỵ quyền. Nếu không thực hiện sẽ bị nhốt vào xà lim hoặc hầm xay lúa, đánh tù bất kể lúc nào. Đã có 53 tù chính trị kiên quyết không ly khai, chúng tra tấn, giết hại chỉ còn 18 người vẫn không ly khai đến cùng. Trong đó nổi bật là ông Cao Văn Ngọc 63 tuổi, được mệnh danh là “ông già chuồng cọp”, tuy không phải là đảng viên, chỉ là cơ sở liên lạc của cách mạng, ông bị bắt đầy ra Côn Đảo. Biết ông không phải là đảng viên Cộng sản, cai ngục hỏi sao không ly khai. Ông trả lời: “Tôi già rồi, sướng có, khổ có đủ cả, chỉ còn thiếu chết cho cách mạng”. Chúng bỏ đói và tra tấn ông cho đến chết. Ông là người tù duy nhất được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Chúa đảo, cai ngục bắt tù khai thác đá, trồng lúa, lặn xuống biển lấy san hô về nung vôi… Để xây dựng cầu tàu Côn Đảo dài 107m, bọn cai ngục bắt tù nhân vác đá tảng xây cầu tàu; chúng chỉ chờ người tù không khuân nổi là xông vào đánh. Đã có 914 tù nhân làm cầu tàu đã bị chết, vì vậy cầu tàu này được đặt tên là cầu tàu 914. Năm 2012, cầu tàu 914 được Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia.
Những đảng viên Cộng sản bị đày ra Côn Đảo đã liên lạc với nhau thành lập chi bộ nhà tù. Chi bộ đảng đầu tiên ra đời năm 1932, do ông Nguyễn Hới, nguyên Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định làm Bí thư; chi uỷ có Tôn Đức Thắng, Lê Đức Thọ, Tống Văn Trân. Chi bộ tập trung lãnh đạo đấu tranh trong tù, giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho nhau, tuyên truyền, giác ngộ binh lính, giám thị, phân hoá kẻ thù, liên hệ với tổ chức đảng ở đất liền. Đảng uỷ chỉ đạo mở các lớp học văn hoá, lý luận; tuyên truyền, giác ngộ những tù nhân ở các đảng phái khác để họ hiểu mục đích, lý tưởng của Đảng, nhiều người sau này ra tù trở về theo cách mạng. Ngày 11/01/1962, Đại uý Bùi Văn Tám phụ tá Tỉnh trưởng Côn Đảo, một chân quỳ, một chân co nói với tù chính trị Nguyễn Đức Thuận (tác giả cuốn Bất khuất nổi tiếng): “Vũ lực không thể khuất phục được trái tim người cộng sản”. Chuồng cọp được Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia.
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ngày 23/9/1945, tàu Phú Quốc và 25 ghe bầu đã đưa 1800 tù chính trị trở về đất liền tiếp tục tham gia cuộc chiến đấu đánh đuổi thực dân, phong kiến giải phóng đất nước, trong đó có các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ… Người tù Tôn Đức Thắng là tù nhân ở Côn Đảo lâu nhất (15 năm, từ 1930 đến năm 1945), trực tiếp cầm lái đưa con tàu trở về đất liền.
Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa, chúng lại bắt các tù chính trị ở mọi miền mang giam tại Côn Đảo. Đến năm 1950 số tù nhân ở Côn Đảo là 1.392 người. Sau Hiệp định Pari, số tù nhân lên đến 8.000 người. Trước ngày giải phóng, 58,7% tù chính trị bị giam trong các trại cầm cố. Trong 113 năm lập nhà tù Côn Đảo, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền Nguỵ đã giết hại 2 vạn tù nhân, chưa kể nhiều tù nhân bị chết khi vượt ngục hay bị bắn chết ngay trên biển..
Các đảng viên bị bắt ở các nơi đày ra Côn Đảo, tiếp tục thành lập chi bộ và đến năm 1952, Đảng uỷ nhà tù Côn Đảo được thành lập, do đồng chí Lê Văn Hiến nguyên Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ban chính trị tỉnh đội Hải Dương làm Bí thư. Đảng uỷ Côn Đảo đã qua 4 kỳ đại hội.
Ngày 29/4/1975, khi quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, thì 16 giờ 30 phút bọn cố vấn Mỹ đóng ở Côn Đảo rút chạy; đêm ấy chúa đảo Lâm Hữu Phương lái xe chở vợ con xuống ca nô trốn ra tàu di tản. Linh mục Phạm Gia Thuỵ vận động giáo dân không di tản, ở lại giúp giải thoát tù chính trị và ngăn không cho bọn cai ngục thủ tiêu tù chính trị. Đến 23 giờ, bọn cai ngục ở trại Phú Bình đến báo tin cho tù nhân là Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng. Các đồng chí có trách nhiệm trong trại yêu cầu cho mượn rađiô để nghe tin tức. Khi nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin Dương Văn Minh đầu hàng, ngay sau phút bàng hoàng, sung sướng, Đảo uỷ lâm thời họp thành lập lực lượng vũ trang và chính quyền lâm thời đảo, tiến hành mở khoá tất cả các trại giam, tù nhân hoàn toàn được giải phóng. Ngày 03/5/1975, Đảo uỷ liên lạc được với Thành uỷ Sài Gòn. Đất liền hỏi cần chi viện gì ngay, Đảo uỷ trả lời: Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ. Rạng ngày 4/5/1975, hai tàu Hải quân chở bộ đội ra đảo mang theo 500 ảnh Bác Hồ. 500 ảnh Bác Hồ được tù nhân rước về các phòng, các trại.
153 chiến sĩ bị cầm tù xin ở lại đảo để tiếp tục hương khói cho các đồng chí, đồng đội đang yên nghỉ (hiện nay chỉ hai người còn sống). Côn Đảo là nơi nằm lại của hàng ngàn người con ưu tú của mọi miền đất nước Việt Nam, các anh, các chị đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Vì vậy Côn Đảo còn được ví như “Bàn thờ Tổ quốc”.
T.T