• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Trường hạnh phúc nơi vùng khó
Ngày xuất bản: 22/04/2022 1:47:45 SA

Ký của Hoàng Kim Yến 

Năm 2020, chủ trương xây dựng trường học hạnh phúc về với Trấn Yên mang theo nhiều điều mới mẻ. Để bắt đầu một điều rất mới với tư duy mới, cách thức mới, tiêu chí mới là một thử thách, buộc những người đứng đầu phòng Giáo dục, lãnh đạo quản lý các trường và toàn thể giáo viên phải vào cuộc. Nó như một cuộc cách mạng đổi mới về mọi mặt trong toàn ngành giáo dục mà ở đó giáo viên hạnh phúc khi dạy trẻ, học sinh hạnh phúc khi đến trường, phụ huynh hạnh phúc khi trao con cho cô giáo. Tất cả hòa đồng trong một mối quan hệ gắn bó, thương yêu và tôn trọng. Hiểu được điều đó, ngay từ năm 2020 mục tiêu xây dựng trường hạnh phúc được đặt ra cho 47/47 trường học trong toàn huyện Trấn Yên, với phương châm lấy tiêu chí “Trường học hạnh phúc” làm nền tảng trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Phong trào xây dựng trường học hạnh phúc đi đến đâu, ở trường nào cũng được nói đến. Bất kỳ một phong trào thi đua nào được tổ chức ở các nhà trường đều hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc. Nào là phong trào “Xây dựng trường, lớp xanh, sạch đẹp, an toàn” của Trường TH và THCS Minh Quán, Hội thi trang trí lớp học chủ đề “Lớp học hạnh phúc” của Trường TH và THCS Việt Thành, Thi đua trang trí lớp học, trường học hạnh phúc của Trường TH và THCS Hòa Cuông, xây dựng “Trường học hạnh phúc gắn với văn hóa bản sắc dân tộc” của Trường mầm non Hồng Ca, Hưng Khánh, thi đua xây dựng môi trường hoạt động trải nghiệm cho trẻ của Trường mầm non Hoa Hồng, thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm thông qua hoạt động tạo hình” của Trường mầm non Hồng Ca, nhiều trường học tổ chức cho trẻ trải nghiệm với chủ đề “Xuân yêu thương tết xum vầy”… Giáo viên nỗ lực, học sinh được tham gia, phụ huynh góp sức, các đoàn thể địa phương vào cuộc nhằm đem đến hạnh phúc cho tất cả những người đang giảng dạy, học tập dưới ngôi nhà chung mang tên trường học hạnh phúc. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trấn Yên Vũ Quốc Long thì hiện tại có 10 trường đang triển khai xây dựng mô hình trường học hạnh phúc điểm và 20 trường triển khai xây dựng mô hình lớp học hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2025 có 100% trường học trên địa bàn huyện thực hiện xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”.

Trong tất cả các trường tiêu biểu trong xây dựng mô hình trường học hạnh phúc điểm ở Trấn Yên, tôi đặc biệt chú ý đến Trường Mầm non Kiên Thành, ngôi trường nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, học sinh hầu hết là người dân tộc thiểu số. Là một trường có tuổi đời khá trẻ, năm 2009, trường được tách ra từ trường Tiểu học để hoạt động riêng lẻ như một trường độc lập. Những ngày đầu khai sinh, trường chỉ có 4 nhóm lớp với 8 giáo viên, 1 hiệu trưởng và 1 kế toán. Năm 2015 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, khi ấy trường có 9 lớp học nhưng phòng học thì lại có 7, trong đó có 4 phòng kiên cố ở điểm trường chính và 3 phòng bán kiên cố ở 3 điểm trường lẻ, 6 lớp phải học trong phòng ngủ. Thiếu phòng học các em phải học ghép nhiều độ tuổi, chưa có sân chơi kiên cố, chưa có bãi tập, chưa có các phòng học chức năng, bếp tạm, cây cối môi trường bên ngoài cũng chưa. Ấy là những điều tôi nhớ về Trường Mầm non Kiên Thành khi ấy.

Dạo bước cùng Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tú Anh trên sân trường bằng phẳng vắng bóng học trò vì ngày nghỉ, tôi bất ngờ vì cơ ngơi khang trang, rộng rãi của nhà trường. Trường nằm tọa lạc trên một bãi đất bằng phẳng rộng 2649 m2, cây xanh được trồng trong các chậu bầy trí đẹp mắt. Ở đây các em có sân bóng mini được trải thảm cỏ xanh rì nổi bật trong mái đỏ, tường vàng của các dãy lớp học, các phòng chức năng và bếp. Được biết mầm non Kiên Thành là trường đầu tiên có sân bóng cho các em vui chơi, nếu không chơi bóng thì đó cũng là nơi lý tưởng để các em chơi các trò chơi tập thể, trò chơi dân gian của dân tộc mình hay múa dậm thuông trong những giờ thể dục sáng. Nếu muốn tham gia hoạt động trải nghiệm, trường lại có khu chợ quê, ở đó có các gian hàng trưng bày các sản vật của quê hương như măng bát độ, gạo, sắn, quế, các vật dụng làm bằng tre nứa của bà con, các trang phục dân tộc Tày, Dao, Mông hoặc vào khu vườn rau của Công đoàn và Đoàn thanh niên, có những hơn 30 luống rau các loại cũng là nơi trải nghiệm cuộc sống quý báu cho trẻ, để rồi sau đó là cung cấp nguồn rau sạch cho các em. Nếu muốn đọc sách, vẽ tranh có thư viện ngoài trời với ghế đá, giá vẽ luôn luôn để ở trạng thái mở cho các em có thể vui chơi một cách dễ dàng, đó cũng là nơi lý tưởng để phụ huynh có không gian chờ giờ đón trẻ. Nếu muốn vui chơi thì ngoài các đồ chơi ngoài trời được đặt rải rác khắp sân trường như mọi trường mầm non khác thì nhà trường còn có thêm khu vận động, ở đó có tất các trò chơi hệt như một khu vui chơi bán vé ở ngoài thành phố. Quả là một nơi lý tưởng đối với trẻ em nơi vùng sâu vùng xa này, tôi trầm trồ. Chị Tú Anh vui vẻ “Phụ huynh của chị cũng đã từng nói như vậy. Chị mong trường của chị sẽ là nơi trẻ muốn đến. Và khi đến sẽ không muốn về vì ở đây trẻ sẽ được hưởng nhiều điều hạnh phúc”. Rồi chị trầm tư chia sẻ với tôi về những ngày đã qua.

Năm 2016, chị về làm Phó hiệu trưởng với bề bộn bao điều phải làm. Năm 2018, chị lên làm Hiệu trưởng, mọi khó khăn chính thức đặt lên vai chị. Rồi mục tiêu phải xây dựng trường thành Chuẩn quốc gia mức độ 2 khiến khó khăn lại chồng thêm thử thách. Rất may trường được nhà nước đầu tư xây thêm 4 phòng học, và sửa chữa thêm 4 phòng thành các phòng chức năng. Có lớp, chị tách 4 lớp cũ thành 8 lớp. Các cháu thoát cảnh học lớp ghép nhiều độ tuổi. Có lớp chị nghĩ cách đón các cháu ở điểm trường lẻ về trường chính để các cháu có cơ hội được giao lưu với bạn bè, được học thêm các môn nghệ thuật, được làm quen với tiếng Anh, với vi tính, đặc biệt là được giao tiếp bằng tiếng Việt để rèn thêm kỹ năng nói tiếng phổ thông, chuẩn bị tâm thế tốt để bước vào lớp 1. Tháng 9/2019, sau bao lần lặn lội lên với đồng bào nói những lời thuyết phục, 29 học sinh ở điểm trường Đồng Song được về trường chính. Song song với đó chị tích cực kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân để hoàn thiện cơ sở vật chất nhà trường. Tổng công ty Hàng không Vietnam Airlines ủng hộ 35 triệu đồng để làm đường ống nước. Công ty Vạn Đạt ủng hộ 30 triệu, huyện hỗ trợ xi măng để làm hơn 100 mét đường bê tông từ đường chính vào trường. Các doanh nghiệp ở tỉnh, ở địa phương, cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường và phụ huynh học sinh đã cùng nhau đóng góp để làm một sân bóng đá mini rộng 400m2 trị giá 70 triệu đồng. Ngoài ra trong 2 năm, để xây dựng trường chuẩn quốc gia (2018- 2020) chị huy động được 1200 công của phụ huynh học sinh để cải tạo môi trường, khuôn viên, các khu vui chơi, vận động cho các cháu. Còn các cô giáo vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, không quản ngại, tự tay xây bồn hoa cây cảnh, thác nước, khu chợ quê, góc thư viện. Tháng 9/2020, điểm trường lẻ ở Đồng Ruộng với 22 trẻ người Mông chỉ biết nói tiếng Mông cũng được xóa. Giờ đây 22 trẻ này đã tự tin giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt như mọi trẻ người Kinh, ấy là niềm vui của chị. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chị cùng các cô giáo đã xây dựng thành công, đầy đủ các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Tháng 12/2020 Trường Mầm non Kiên Thành là trường đầu tiên trong 17 trường mầm non độc lập của huyện Trấn Yên lên Chuẩn quốc gia mức độ 2 trong niềm vui ngập tràn của các thầy cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh. Niềm tin vì thế mà nhen lên trong họ. Cùng với việc duy trì mức độ chuẩn quốc gia, chị và các cô lại tiếp tục xây dựng trường học hạnh phúc vì chị được phòng giao nhiệm vụ xây dựng mô hình điểm của huyện. Hỏi chị về kết quả xây dựng trường học hạnh phúc thời gian qua chị khẳng định, hiện tại chị đã xây dựng được một môi trường về cơ sở vật chất khang trang, cán bộ giáo viên, nhân viên có sự thay đổi vượt bậc về tâm thế khi làm việc, chị đã tạo được không khí vui vẻ, cởi mở, luôn được yêu thương, tôn trọng trong các mối quan hệ giữa quản lý với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với phụ huynh. Giáo viên của chị đến trường luôn được thoải mái nhất, họ làm việc như một thú vui, một đam mê của sự hạnh phúc, không còn cái cảnh xem đồng hồ để mong giờ trả trẻ. Học sinh ngủ dậy là muốn đến trường với các cô, phụ huynh yên tâm khi trao tay con cho cô giáo. Chị đang cố gắng thực hiện phương trâm đã ghi thành khẩu hiệu “Không bỏ lại một giáo viên, học sinh nào ở phía sau”. Tôi hỏi: “Chị làm được điều đó bằng cách nào?”. Chị cười, đầu tiên là tuyên truyền để giáo viên hiểu sâu sắc vai trò, ý nghĩa của xây dựng trường học hạnh phúc, thấy trách nhiệm của mình với mục tiêu này để tự họ suy nghĩ, tự lựa chọn hướng xây dựng lớp mình phụ trách thành lớp học hạnh phúc. Khi đặt vào tay họ thế chủ động thì họ cũng sẽ là người chủ động thay đổi mình cho phù hợp với môi trường sư phạm hạnh phúc. Vì thế chị đã phát huy được mọi sự sáng tạo trong giáo viên. Các cô giáo đã nỗ lực tìm kiếm mọi phương pháp để tạo sự hạnh phúc cho các em. Ở Trường Mầm non Kiên Thành các cô giáo đã đón học sinh vào lớp bằng cách dán một bảng ký hiệu lên cửa lớp. Học sinh đặt tay chọn ký hiệu nào thì cô và trò thực hiện hình thức chào hỏi tương ứng. Có thể là cô trò ôm nhau một cái, có thể là chạm tay nhau một cái, có thể bắt tay một cái. Tôi được biết trong những lần như thế trẻ hầu như chọn 1 cái ôm từ cô giáo. Có lẽ khi đã đủ sự yêu thương gần gũi thì người ta mới sẵn sàng trao một cái ôm. Và sau mỗi cái ôm, tình yêu thương sẽ thêm phần nảy nở. Khi dịch bệnh tràn về, các cháu nghỉ ở nhà nhưng các cô giáo thì không được nghỉ. Mỗi ngày, qua mạng Zalo, Messenger các cô phải nắm bắt tình hình chăm sóc của gia đình đối với ít nhất 10 trẻ, làm video giảng dạy chuyển đến phụ huynh cho trẻ xem. Đối với gia đình mạng kém hoặc không có mạng, các cô phải đi nhiều. Cộng với đặc điểm học sinh ở rải rác, xa khu trung tâm, các cô đến 90% ở thành phố, nhưng việc tương tác nắm bắt tới từng trẻ vẫn phải đảm bảo. Điều đó thể hiện nỗ lực của các cô. Đó là mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Còn mối quan hệ giữa quản lý với giáo viên thì chị luôn tìm cách tạo môi trường thân thiện, gần gũi với nhau. Ở đây không có ai sai ai đúng mà chỉ là chưa cùng quan điểm. Việc của chị là cùng với giáo viên phân tích, lựa chọn 1 quan điểm sao cho phù hợp nhất, ưu việt nhất để cùng nhau xây dựng trường thêm lớn mạnh. Tôi cười, chị tự tin “Em có thể gặp bất kỳ một giáo viên nào để kiểm chứng”. “Còn đối với phụ huynh?”. Chị lại cười, trước đây mỗi khi họp phụ huynh, họ rất thụ động. Họ đến để nghe phổ biến mọi thông tin về các khoản tiền đóng góp từ cô giáo rồi thì gật đầu đồng ý hay không đồng ý. Mà hầu hết là họ đồng ý vì ngại không dám nói ra suy nghĩ của mình. Rất nhiều đêm chị tìm cách để xóa đi điều đó. Cuối cùng là quyết định sửa mình, có lẽ bởi chị chưa đủ thân cận, chưa đủ tin cậy, chưa thực sự là người bạn của phụ huynh để họ sẵn sàng chia sẻ mọi tâm tư. Rồi đến khi chị đủ thân thiết, tin cậy để phụ huynh chia sẻ thì chị lại bình tĩnh lắng nghe những điều phụ huynh lo lắng “Tôi sợ đến lớp con chúng tôi bị cô giáo đánh”, “Tôi sợ các cô ăn bớt tiền ăn của các cháu. Ở các trường khác tôi thấy nhiều rồi”, “Chúng tôi góp tiền vào để tổ chức cho con học tập không vấn đề gì nhưng sợ các cô không chi hết”. Chị hiểu ấy là họ chưa tin mình, ấy là những con sâu trong xã hội đã đã làm dầu nồi canh. Chị vui vẻ “Xin kính mời các bậc phụ huynh tham gia vào các hoạt động của trẻ”. Thế là hội trưởng hội phụ huynh các lớp và nếu có thể là bất kỳ phụ huynh nào muốn đều được đến trường dự một tiết học của các cháu, tham gia vào các trò chơi ngoại khóa của trẻ, trải nghiệm với những gì trẻ được chăm sóc khi đến lớp, thậm chí là kiểm tra bữa ăn hàng ngày của các cháu. Thấy để họ tin. Giờ ngay cả những phụ huynh hay kiện tụng vượt cấp nhất cũng vui vẻ làm bạn của cô giáo, cùng sát cánh với cô giáo để dành những điều tốt đẹp nhất cho các cháu. Ngay cả khi họp phụ huynh học sinh, cô giáo lên trò chuyện như trò truyện với những người bạn, rằng năm nay nhà trường định làm việc này cho các cháu có chỗ vui chơi, nhà trường đã kêu gọi ủng hộ được từng này, giáo viên ủng hộ được từng này, còn thiếu từng này nữa, chúng ta bàn cách để làm cho các cháu. Chỉ trò chuyện thế thôi là cô đã trao cho phụ huynh một quyền tự quyết, trao cho họ thế chủ động để tìm cách giải quyết tốt nhất cho con em mình. Chẳng cần phải hô hào, họ tự nguyện giơ tay, tôi sẽ ủng hộ cái này, tôi góp cái kia, chúng tôi góp công, chúng ta cùng góp thêm tiền. Và theo chị thước đo sự đồng thuận, sự tin tưởng của phụ huynh là những lần cần ủng hộ ngày công, ủng hộ cây hoa, hay bất kỳ đồ vật gì sẵn có trong gia đình họ thì họ đều có mặt ngay, nhiệt tình và năng nổ. Những hoạt động trải nghiệm của các cháu như “tham quan”, tết sum vầy, chưa cần yêu cầu họ tự nguyên xung phong. Tôi biết các tiêu chí về hạnh phúc là những giá trị mềm, không mấy ai có thể cân đong đo đếm, và hạnh phúc của người này chưa chắc đã là niềm hạnh phúc của người kia, tôi hỏi chị “Theo chị thế nào là hạnh phúc?”. Chị hiểu rất đơn giản “Khi người ta mong muốn một điều gì đó mà được đáp ứng thì đó là hạnh phúc”. Có lẽ vì thế ngoài việc lắng nghe mong muốn của cha mẹ học sinh trong các buổi họp phụ huynh thì chị làm thêm một hòm thư góp ý treo ngay ngoài cổng. Hằng tuần, các cô mở ra và tiếp thu mọi điều phụ huynh gửi gắm. Lắng nghe rồi các chị lại luôn cố gắng hoàn thiện mình để những mong muốn chính đáng của phụ huynh được đáp ứng. Và tất nhiên điều đó có nghĩa là phụ huynh hạnh phúc, học sinh cũng hạnh phúc và niềm hạnh phúc của họ sẽ là động lực, là niềm hạnh phúc của các cô. Sau bao nhiêu nỗ lực để xây dựng trường học hạnh phúc, các cô làm phiếu khảo sát sự đánh giá của phụ huynh, học sinh. Trong các buổi họp phụ huynh, phiếu khảo sát được phát cho từng người. Phụ huynh không phải ký tên, vô tư đánh giá mà không “ngại” cô giáo. Trên lớp các cô phát cho từng học sinh, xuống tận nơi hỏi học sinh từng mục. Học sinh trả lời thế nào, cô giáo chỉ ô cho học sinh tự đánh dấu. Rồi muốn tìm một sự khách quan hơn nữa, các cô gửi phiếu khảo sát đến các đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân của các thôn. Trong các cuộc họp của Hội, Hội trưởng sẽ khéo léo phỏng vấn họ về sự hài lòng đối với trường mầm non rồi lặng lẽ điền vào phiếu khảo sát khi chính hội viên cũng không biết mình đang được khảo sát. Và niềm vui về với chị và các cô giáo là trên 90% đánh giá rất hài lòng, khi mà trước đó chỉ dừng lại ở mức trên 90% hài lòng thôi.

Tôi chợt nhớ đến câu nói của Đi- ơ- rô “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất” để vui lây với hạnh phúc của các cô. Với chị Tú Anh niềm hạnh phúc còn được nhen lên từ sự tin tưởng của lãnh dạo xã Kiên Thành khi họ nhờ chị lên thôn Đồng Phay- thôn cách trường chính 10 km, tuyên truyền thu hút học sinh để mở một nhóm trẻ tư thục cho các cháu 2 tuổi và cùng với xã hoàn tất mọi vấn đề về chuyên môn để sẵn sàng đón trẻ. Với kinh nghiệm thuyết phục trẻ ra lớp, với niềm tin của nhân dân đối với cô giáo trong dạy trẻ, ban đầu cô đã hut hút được 13 cháu tham gia trong điều kiện xã vừa thoát khỏi vùng 3- vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Và một niềm vui có lẽ sẽ theo chị suốt đời, đó là giọt nước mắt hạnh phúc của phụ huynh có con bị bại não khi họ đến tận phòng chị nói lời cảm tạ vì chị đã dũng cảm nhận một trẻ bại não với bao nhiêu nguy hiểm tiềm ẩn, và khó khăn trước mắt để dạy dỗ cháu hòa đồng. Để khi tròn 5 tuổi ra trường, nhờ các cô cháu tiến bộ trông thấy. Căn bệnh tưởng như rất khó chữa, nhờ các cô đã mở ra nhiều hi vọng cho cháu nhỏ trong tương lai. Và niềm vui lại trở về với tôi khi tôi biết lúc ấy chị dũng cảm gạt đi mọi lời can ngăn của giáo viên để nhận trẻ vì thương một cháu nhỏ không may mắn chứ không phải để nhận về những lời cảm tạ tự đáy lòng trào lên cùng nước mắt.

 

H.K.Y

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter