LÊ VĂN LỘC
Nhà thơ Ngọc Bái tiếp tục cho ra mắt bạn đọc trường ca “Vầng trăng và cánh rừng” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành đúng vào thời điểm nhà thơ vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012, tạo thêm nốt nhấn mới một thời cống hiến và tiếp tục đóng góp cho Văn học Nghệ thuật nước nhà.
Bản trường ca là liên khúc 3 chương với gần 1400 câu mang tính biểu tượng về tầm vóc, tâm hồn của lãnh tụ kính yêu từ khi Bác Hồ trở về nước sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước… đến khi hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1954. Tâm hồn thi sĩ và tầm vóc của lãnh tụ cuộc kháng chiến gắn với cái nôi của cuộc kháng chiến kiến quốc: Chiến khu kháng chiến, căn cứ địa cách mạng Việt Bắc và mốc son lịch sử của dân tộc mang ý nghĩa thời đại với núi rừng Tây Bắc- Điện Biên Phủ. Điểm tựa cho từng khúc ca làm nền từ câu thơ chính tay Bác viết: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là” (Ngôi sao trên đỉnh núi, khúc 1);“Cúi đầu hồng nhật cận/ Đối ngạn nhất chi mai”(Trăng thề, khúc 2). Còn ở khúc cuối: Cánh rừng chưa nguôi gió hình ảnh trăng ngàn với âm thanh đồng vọng hòa quyện, giao cảm giữa thiên nhiên với con người- “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa” .
Cảm thức về tầm vóc lịch sử của dân tộc và thời đại với đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tinh hoa của dân tộc, linh hồn của chủ nghĩa yêu nước được thể hiện khá thành công, có nét độc đáo trong Vầng trăng và cánh rừng. Ngợi ca Bác là tìm ra thần cốt của người chiến sĩ cộng sản, nhà yêu nước và trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Với Ngọc Bái, khúc ca trong bản trường ca đồng điệu và góp thêm những giai điệu, cung bậc mới để hòa thanh cùng nhiều nhà thơ lớn của đất nước. Cái phông lịch sử, văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc tạo độ sâu của tráng khúc: “Nén hương thờ phụng ông bà/ thần linh, thổ địa, ngày giỗ, ngày tết không quên/ rau dưa muối cà không quên ông Táo/ xá tội vong nhân nhớ thập loại chúng sinh/ có công với nước thì hiển thánh/ có nghĩa với dân thì hóa thần… Trải đao binh thờ đức Thánh Trần/ vết chân ngựa không quên ông Gióng... Đồng bào/ khi loạn có lau cờ xung trận/ khi lâm nguy cây lá cũng hùng văn/ hàng ngàn năm chống ngoại xâm/ mới có Chi Lăng- Bạch Đằng- Đống Đa- Vạn Kiếp…”
Vầng trăng linh diệu, hồn cốt, ký thác, gửi gắm- Sự hoàn thiện về cốt cách thi nhân ở Bác: “Người đã thức cùng trăng thao thức/ lọt qua tán lá/ ánh trăng dịu hiền… trăng lay động rặng tre làng/ trăng thơm những đêm ao sen nở ngát/ trăng tung tăng rồng rắn trẻ thơ/ trăng thuần khiết cùng thi nhân ngẫu hứng/ vầng trăng thơ… Những văn thơ xung kích một thời/ thỏa sức ngắm trăng/ thỏa sức nghe chim rừng hót”.
Hình ảnh “già Thu” quen thuộc bên “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” được thể hiện bằng tầm vóc, cốt cách, tình cảm lớn ở Người: “Già Thu/ trầm ngâm/ bàn đá/ viết những lời hiệu triệu/ bằng thơ/ bằng nỗi đau/ bằng nỗi cực nhọc của người dân/ bằng lịch sử cha ông thấm vào đất”. “Cánh rừng” tràn đầy nhựa sống cho cuộc khởi sinh- Thi liệu đầy sự biểu cảm, được nhà thơ sử dụng thật đắc địa với chiếc “Lán Nà Lừa” cùng sự trường tồn của lịch sử, cuộc sống “Như bàn tay/ nâng cả tiếng chim mồi xây tổ/ sàn nứa/ ống bương/ chiếc quạt lá/ có chi đáng kể/ nuôi sống con người bất tử/ lặng lẽ như rừng”. Cảm ơn nhà thơ đã phác thảo chân dung Bác Hồ vừa tràn đầy hào khí của đất nước trong niềm vui hân hoan chiến thắng, vừa lắng đọng ở nỗi niềm:
Toàn thắng
chiến khu reo hò
cả nước reo hò
nghẹn giọng.
Trên sàn Cụ Hồ ngồi yên lặng
nhìn vách nứa
lặng im
Phần kết của bản trường ca với khúc 3- Cánh rừng chưa nguôi gió- Hình ảnh lãnh tụ với sức lan tỏa, trở thành đức tin trong cõi nhân sinh, hành xử của lãnh tụ, ứng nhân ở con người Bác từ sự kết tinh đạo lý sống giàu chất nhân văn trong lòng dân tộc. Thật cảm động khi “Nhà thơ Ngô Tất Tố ốm/ Cụ Hồ đã đến thăm”.
Giữa những ngày tháng lịch sử này, ta được ấm lòng thêm khi đọc lại những vần thơ đi cùng năm tháng với “Sáng tháng năm”của nhà thơ Tố Hữu cùng với nhiều bài thơ khác từ các nhà thơ lớn của đất nước và bạn bè quốc tế. Bằng sự mẫn cảm về lịch sử, chiều sâu của văn hóa và tài năng của người làm thơ, Ngọc Bái đã đóng góp sáng tác thơ ca với những đề tài lớn về đất nước, dân tộc và thời đại. Tư tưởng, tình cảm, nhận thức mới, tạo nên xúc cảm nghệ thuật có tính tư tưởng và giá trị thẩm mỹ cao mà “Vầng trăng và cánh rừng” sẽ còn ngân vọng mãi: “Anh đã nghe người dân kể Cụ Hồ vui đùa cùng trẻ nhỏ/ cuốc đất bắt sâu/ hát kết đoàn đêm trăng cùng dân bản/ vui reo ca dân cày có ruộng/ vui reo ca ai cũng được học hành/ rét cùng hơ tay bếp lửa/ chăm từng bữa ăn, giấc ngủ chiến sĩ/ và anh nghĩ/ Lãnh tụ là vậy/ làm gì dân không tin/ làm gì kháng chiến chẳng thắng lợi”.
L.V .L