Giữ gìn ký ức cá nhân

 

Tác giả: Thanh Thảo

Đọc bài giảng của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa, tôi hiểu, ở Trung Quốc từ bao nhiêu năm nay người ta đã kiên trì để, hoặc là xóa ký ức cá nhân, hoặc là mặc định ký ức cá nhân thành một loại ký ức giả dối mang tính bầy đàn. Đó là một điều kinh khủng. Con người chúng ta, dù nhỏ bé, dù vô danh tới đâu cũng đều sở hữu một ký ức riêng của cá nhân mình. Ký ức ấy có thể vui buồn, đau khổ, trải qua hạnh phúc hay thảm họa, cùng chia sẻ những điều lớn lao hay nhỏ bé với cộng đồng, nhưng chia sẻ theo kiểu riêng của mình, không bị mặc định vào một kiểu mẫu hay khuôn khổ nào. Khi ký ức cá nhân bị xóa hay bị “tái cấu trúc” ngoài ý muốn của cá nhân ấy, thì xã hội bị buộc phải sống trong tình trạng giả dối, vì nếu không có ký ức thật thì cũng không thể có tiếng nói thật, không có hoặc ký ức bị làm méo mó đi, bị bôi xóa phi tự nhiên, điều khiến con người dần dần giống như một robot bị điều khiển.

Có lần tôi đã nói, thật bất hạnh nếu sinh ra là người Trung Quốc. Nhưng chúng ta làm sao thay đổi được tổ quốc, thay đổi được cha mẹ mình, thay đổi được nơi mình sinh ra? Con người thoạt kỳ thủy không có sự chọn lựa đó. Đành chấp nhận, dù vui hay buồn, hạnh phúc hay bất hạnh. Nhưng qua những tai họa mà người dân Trung Quốc phải chịu đựng, nhiều khi bắt ta rùng mình. Đã là con người, thì ai cũng có tình nhân loại, dù ẩn giấu hay bộc lộ, ai cũng có thể đau xót vì những thảm họa người nước khác, chứ không phải nước mình, phải chịu đựng. Đó không hề là một “tình cảm bao đồng”, đó là tình nhân loại.

Con người, khi cùng chung lý tưởng, người ta dễ tìm thấy nhau, dễ hợp nhau, dù có khác dân tộc hay quốc tịch. Năm 1945 ở Việt Nam, đã có rất nhiều người lính Nhật, khi Nhật đầu hàng Đồng minh, họ không chịu giải giáp vũ khí, không chịu về nước Nhật, mà  tình nguyện ở lại đứng trong hàng ngũ Việt Minh để chống thực dân Pháp. Có những người lính trong đội quân lê dương của Pháp cũng chọn lựa như vậy. Đó là những lựa chọn hoàn toàn mang tính cá nhân, của những người có ký ức cá nhân, và không hề bị tác động của tuyên truyền. Nói thật, hồi đó Việt Minh cũng chẳng có phương tiện tuyên truyền gì cho ghê gớm, chỉ là những lời nói xuất phát tự đáy lòng. Vậy mà đã có những người trong đội quân xâm lược đã nghe ra, đã khẳng định cho mình một lý tưởng, một phương hướng hành động của đời mình. Ký ức cá nhân đã giúp họ xác quyết điều đó, với chính những trải nghiệm của mình.

Với những người Trung Quốc bây giờ có điều kiện, họ hoàn toàn có thể ra sinh sống ở nước ngoài, ở những nước phát triển giàu có, nhưng vì họ còn ký ức cá nhân, tôi chắc sẽ có những lúc họ nhớ về quê hương mình, tổ quốc mình, và chính ký ức cá nhân ấy khiến họ đau khổ hay dằn vặt. Ở con người có bao điều kỳ lạ, và một điều kỳ lạ nhất trong những điều kỳ lạ, là họ có ký ức cá nhân, có trí nhớ. Điều ấy có thể đem lại cho họ đau khổ, nhưng cũng vì thế, nó mang lại cho họ tư thế làm người, làm một con người đúng với nghĩa con người.

Khi dịch Coronavirus bất ngờ tác động tới Việt Nam, người ta thấy dân tộc này đoàn kết lại, sát cánh với nhau, dù không phải ai cũng như ai. Đó chính là sự đoàn kết của ký ức dân tộc và ký ức cá nhân, sự đoàn kết có từ hàng nghìn năm nay. Trước kẻ thù, dân tộc này đoàn kết lại. Đó là Việt Nam, và đó chính vì người Việt, từng người vẫn còn ký ức cá nhân chưa bị xóa mờ. Đừng để mất đi điều thiết cốt ấy, dù những tác động từ nhiều phía bây giờ mong làm loãng ký ức cá nhân của con người, để sự giống nhau “theo kiểu robot” được lan tỏa. Cưỡng chống lại điều tưởng như vô hình đó, gìn giữ ký ức cá nhân của mình, chính là gìn giữ bản sắc dân tộc đã hun đúc tự nghìn năm.      

Theo nguồn: Báo Văn nghệ

Các tin khác:

56-60 of 82<  ...  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter