Hạnh phúc từ mái trường Mầm non Hoa Lan

Ký của HOÀNG VIỆT QUÂN

 

Nghe nói thị xã Nghĩa Lộ có nhiều điểm trường hạnh phúc được nhiều vị khách trong tỉnh và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi, tôi quyết định cùng anh chị em văn nghệ sĩ Yên Bái tìm đến trường Mầm Non Hoa Lan đóng trên địa bàn tổ 3 phường Pú Trạng xem xét cụ thể. Điều ngạc nhiên trước hết hiện lên trong mắt chúng tôi là một ngôi trường to rộng, khang trang có cảnh quan, trang trí thật đẹp mắt. Ngay sân trường cũng rộng, chia làm hai khu: khu sân ngoài trời thoáng đãng và khu sân có mái che mát mẻ với hai dãy bàn ghế nho nhỏ, xinh xắn có nhiều đồ dùng, vật liệu để các em “Vừa chơi vừa học” nom thật hấp dẫn.

Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Tịnh cùng các cô giáo khác đang bận chăm sóc các em, cũng dành thời gian ra đón tiếp chúng tôi và mời vào phòng khách khu Hiệu bộ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Trường Mầm Non Hoa Lan được thành lập năm 1997. Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, từ một ngôi trường có 5 điểm trường nằm gắn với các thôn bản đến tháng 1/2019 được sự quan tâm của UBND tỉnh, UBND thị xã Nghĩa Lộ đầu tư xây dựng thành một ngôi trường mới trên diện tích 5.580m2, hoàn thành vào tháng 12/2020. Trường có quy mô lớn với 12 phòng học đồng bộ khép kín có lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ, một dãy nhà Hiệu bộ với 8 phòng làm việc. Khối nhà đa năng có 3 phòng: phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tin học, phòng đa năng. Khu bếp ăn đầy đủ, có thang máy. Tổng kinh phí xây dựng là 27 tỷ đồng. Hiện nay nhà trường có 12 nhóm lớp với 376 học sinh, trong đó trẻ em người dân tộc chiếm 52%, chủ yếu là trẻ em dân tộc Thái, có 107 trẻ thuộc diện chính sách. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là 29 người, có 20 người tốt nghiệp Đại học chiếm 77%, còn lại là Cao đẳng chiếm 23%. Các giáo viên tiêu biểu có thể kể: Hà Thị Bình, Cầm Thị Thanh, Triệu Thị Hoa, Đỗ Thùy Dung, Hoàng Thị Thúy Hạnh... Chi bộ có 21 đảng viên, năm 2022 kết nạp được 5 đảng viên, luôn là chi bộ trong sạch vững mạnh. Công đoàn có 29 công đoàn viên, Chi đoàn thanh niên có 12 đoàn viên, đều là các tổ chức quần chúng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tuy vậy, nói như cô giáo Triệu Thị Hoa, dân tộc Thái đã từng tham luận về công tác xã hội hóa tại Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020- 2022 thì: “Chất lượng giáo dục mầm non phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết phải kể đến là chất lượng công tác quản lý chỉ đạo, đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo, sau đó là chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ, tiếp đến là cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, điều đặc biệt quan trọng là công tác xã hội hóa giáo dục, sự phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Đây cũng chính là các tiêu chí để nhà trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia”. Cô giáo đã chỉ ra 9 biện pháp mà nhà trường đã tiến hành trong công tác xã hội hóa giáo dục, do đó nhà trường đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp của phụ huynh nhiều thứ đáng kể để giáo dục học sinh như: thảm đi trong lớp, xốp dán tường, hai giá dép cho lớp, bộ nghe nhìn, tranh truyện, tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi, vật liệu trang trí lớp học, vườn hoa, cây cảnh, cây thông Noel to đẹp dùng chung cho toàn trường... Công tác xã hội hóa được tuyên truyền và được sự ủng hộ lớn của các ban ngành, đoàn thể, các bậc cha mẹ học sinh với tổng kinh phí 93.800.000 đồng làm khu mái che ngoài trời có diện tích 350m2.

Trong những năm qua, nhà trường luôn duy trì các hoạt động chuyên môn sát với hướng dẫn của phòng giáo dục, thực hiện các chuyên đề trong năm học và phát huy kết quả triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021- 2025 với chủ đề năm học là “Xây dựng trường mầm non xanh- an toàn- thân thiện”, tiếp tục thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi đắp “Đức, Trí, Thể, Mỹ”. Đặc biệt, nhà trường đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng mô hình “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong các trường học” do Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ triển khai. Nhà trường chú trọng xây dựng các góc hoạt động trong lớp, góc nhà sàn, chợ quê, góc các trò chơi dân gian đặc trưng của dân tộc Thái Mường Lò ở không gian sân trường, đồng thời cải tạo sân chơi, tạo điều kiện cơ sở vật chất giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động cho trẻ.

Thảo nào khi chúng tôi bước ra sân trường thì cũng là lúc các em nhỏ từ các lớp, phòng ăn ùa ra sân chơi ngoài trời, sân chơi dưới mái che ồn ào, náo nhiệt, đủ các sắc màu quần áo, váy dân tộc. Khuôn mặt các em hồn nhiên, rạng rỡ, những ánh mắt long lanh đáng yêu, hớn hở. Các em chạy ra các khu bàn mang mô hình “vừa chơi vừa học” có các cô giáo trông nom, hướng dẫn. Các em líu ríu chào chúng tôi, dắt tay chúng tôi vào các khu bàn "vừa chơi vừa học" với các nhóm trẻ như: đọc sách, vẽ, chơi nhạc với các bộ gõ, chiêng trống, hát múa, bán hàng, gội đầu, đóng vai y bác sĩ chữa bệnh, mát xoa, làm đồ thủ công mỹ nghệ, thể dục... Các em dắt tay tôi vào cùng nhảy sạp trong bộ váy áo xúng sính sắc màu các dân tộc nom thật đáng yêu. Bước qua cổng chào chợ quê mang tên “Xuống chợ noọng ơi” với hai hàng chữ chạy dọc hai bên cổng chợ “Vui lòng khách đến”, “Vừa lòng khách đi” thì thấy một khoảng sân rộng dẫn đến các quầy bán hàng mô phỏng chợ Mường Lò nom thật đẹp mắt, các em đóng vai các chủ nhà hàng mời khách tham quan, mua hàng với đủ các thứ hàng hóa và hoa quả, đồ chơi bằng nhựa, có nơi đọc sách, biểu diễn văn nghệ.

Nhìn cảnh các em vui chơi hạnh phúc trong sân trường, tôi cũng lây cái niềm vui hạnh phúc và thầm nghĩ: Chắc cha mẹ các em cũng hài lòng và hạnh phúc lắm khi đưa con vào học ở trường này? Hỏi thêm, tôi được biết: nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để trẻ được trải nghiệm qua các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ, làm bánh ngày xuân, phiên chợ dân tộc vùng cao. Các lớp học cũng xây dựng các mô hình nhà sàn và các hoạt động lao động sản xuất của dân tộc Thái, trưng bày đồ dùng nông cụ dân tộc Thái, trở thành góc hoạt động trải nghiệm bổ ích, yêu thích của các bé. Nhà trường xây dựng lịch hoạt động các Câu lạc bộ múa xoè Thái vào các buổi sáng thứ 2, 4, 6, Câu lạc bộ Võ thuật Nhất Nam buổi chiều các ngày thứ 3, 5. Cô và trò tích cực tập luyện múa xòe, còn Võ Nhất Nam tập trung tập luyện tại sân trường. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tịnh- Hiệu Trưởng nhà trường cho biết: thông qua mô hình, trẻ em không chỉ được biết thêm về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, mà các em còn được bồi đắp thêm vốn ngôn ngữ, hiểu biết về cội nguồn, nâng cao ý thức dân tộc và tình yêu quê hương, bản làng. Đặc biệt, trong những năm qua, nhà trường đã phối hợp với Câu lạc bộ Võ Nhất Nam thị xã Nghĩa Lộ dạy võ cho các em học sinh mẫu giáo 4- 5 tuổi, bởi vì Võ Nhất Nam không chỉ dạy cho các em về đạo đức, sự tự tin, lòng dũng cảm, mà còn giúp các em tăng cường thể lực, sức khỏe, rèn luyện tinh thần thượng võ và đạo lý “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Trường đặt ra phương châm “Vừa học vừa chơi, vừa giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”. Theo đó, nhà trường tiếp tục thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” gắn với xây dựng trường, lớp xanh sạch đẹp, an toàn, thân thiện. Thực hiện tốt mô hình “Trường học hạnh phúc” và xây dựng môi trường khang trang với 3 tiêu chuẩn và 19 tiêu chí của phong trào thi đua “Trường mầm non xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện”. Các góc chơi trong và ngoài lớp học được thiết kế khoa học. Đồ dùng, đồ chơi tự tạo phong phú, đa dạng, đảm bảo an toàn, thẩm mỹ, kích thích sự khám phá, trải nghiệm và hoạt động của trẻ. Nhà trường phấn đấu duy trì kết quả kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Trường phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2 năm 2022.

Nhìn về kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết năm học 2021- 2022, xét về việc phát triển mạng lưới trường, lớp, tăng tỷ lệ huy động trẻ, nhà trường đã duy trì được 12/12 nhóm lớp đảm bảo 100% kế hoạch được giao, số học sinh 337/337 trẻ. Thực hiện được 12 nhóm lớp với 377 trẻ, trong đó nhà trẻ gồm 3 nhóm với 77/78 trẻ, mẫu giáo 9 lớp với 300/279 trẻ. Số trẻ bán trú 377/377 đạt tỷ lệ 100%. Về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, nhà trường đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ, luôn nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Đã ký hợp đồng với 8 nhân viên nấu ăn. Tổ chức cho 100% trẻ ăn bán trú với mức ăn 12.000 đồng/ngày. Ngoài ra có 228 trẻ tự nguyện tham gia chương trình sữa học đường với mức đóng góp 3000 đồng/bữa, 2 bữa/tuần; 100% trẻ được khám sức khỏe, 241 trẻ tham gia bảo hiểm thân thể, 7 trẻ được giải quyết chế độ bảo hiểm, 76 trẻ được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 105.

Về chất lượng giáo dục, nhà trường luôn có ý thức đổi mới nâng cao thực hiện chương trình giáo dục mầm non bằng các việc làm cụ thể, thiết thực. Nhà trường đã thành lập tổ xây dựng chương trình giáo dục, xây dựng kiểm tra phê duyệt kế hoạch dài hơi của các độ tuổi trước khi thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục cho từng năm học. Do dịch Covid-19 trẻ nghỉ học 1,5 tháng (từ tháng 2 đến 9/4/2022) nên nhà trường đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh phù hợp cho trẻ ở các độ tuổi. Trong thời gian trẻ nghỉ dịch ở nhà, nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng video về giáo dục kỹ năng sống, lĩnh vực phát triển nhận thức, ngôn ngữ... để chuyển qua mạng xã hội zalo, video, messenger...  cho phụ huynh hướng dẫn trẻ ở nhà, đảm bảo kết thúc chương trình học và học sinh nghỉ hè theo đúng phân phối chương trình. Điểm mạnh của nhà trường khi triển khai chỉ đạo thực hiện chương trình là đảm bảo nội dung cho từng độ tuổi phong phú, phương pháp giảng dạy không gò bó, giáo viên được chủ động khai thác, tìm kiếm. Việc đầu tư cơ sở vật chất và môi trường học tập luôn được quan tâm, đội ngũ giáo viên có trách nhiệm trong việc tạo môi trường học tập cho trẻ, làm đồ dùng phục vụ các hoạt động cho trẻ phù hợp theo chủ đề, chủ điểm. Tổ chức các hội thi cho các cô giáo: thi giáo viên dạy giỏi cấp tổ, cấp trường, thi làm đồ dùng đồ chơi trải nghiệm “Xuống chợ noọng ơi”, 100% các lớp thực hiện mô hình “Lớp học yêu thương, trường học hạnh phúc”. Triển khai mô hình trường học hạnh phúc, nhà trường tạo cơ hội cho mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh đều được phát triển tối đa năng lực, sở trường của bản thân. Có nhiều tập thể và cá nhân liên tục đạt các danh hiệu thi đua. Nhà trường thực hiện tốt quy chế dân chủ, đảm bảo kỷ cương, nền nếp.

Nhìn chung, các công tác như: xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, công tác phát triển đội ngũ, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, công tác kiểm định chất lượng giáo dục mầm non và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non, công tác xã hội hóa và hội nhập quốc tế đều được nhà trường thực hiện đồng bộ và đạt được các thành tích đáng kể. Đây cũng là cơ sở để nhà trường tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được trong các năm học tiếp theo.

Thành tích của nhà trường đã rõ, còn để xây dựng trường học hạnh phúc đạt các tiêu chí theo hướng dẫn kế hoạch của cấp trên thì nhà trường đang tiếp tục phấn đấu hoàn thiện. Tuy vậy, nhìn vào các hoạt động của nhà trường, phụ huynh, nhìn vào ánh mắt vui tươi của các cô giáo, sự hân hoan yêu thích của các em học sinh, tôi cũng hiểu hạnh phúc đang tràn ngập trong lòng họ. Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Tịnh tự hào nói:

- Trường chúng em là mơ ước của mọi người. Các cô giáo ra trường ai cũng muốn về đây dạy học. Các cô giáo đang dạy học ở trường thì rất an tâm, tâm huyết, không ai muốn rời xa trường. Phụ huynh ai cũng muốn gửi con vào đây học và sẵn sàng đóng góp xây dựng trường. Các em học sinh thì khỏi phải nói, anh chứng kiến các em vừa học vừa vui chơi nơi đây, chắc hẳn anh cũng nhận thấy các em yêu trường yêu lớp như thế nào rồi.

Quả thật, tôi cũng chẳng biết nói gì hơn. Chỉ biết hạnh phúc từ mái trường Mầm Non Hoa Lan ở thị xã Nghĩa Lộ đang truyền cảm hứng sang tôi, khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng, xúc động.

 

H.V.Q

 

Các tin khác:

11-15 of 333<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter