Ký của NGUYỄN TÂM
Ấn tượng sâu sắc với An Thịnh bởi sức hồi sinh mãnh liệt sau cơn bão số 3 lịch sử đã đưa tôi trở lại thăm nơi này. Cuối tháng hai, chắc bởi tại thời điểm Xuân đang vừa độ chín, cũng có lẽ để cổ vũ, mừng An Thịnh bước vào Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025- 2030, kỳ Đại hội điểm đầu tiên của huyện Văn Yên mà khắp đất trời đều bừng lên sắc màu tươi mới. Dọc hai bên đoạn đường quốc lộ chạy qua xã, hoa cúc nở vàng rực rỡ như hòa tiếng reo vui cùng cờ phướn, băng rôn, khẩu hiệu tung bay trong gió xuân. Về An Thịnh, qua thôn Đồng Tâm, ngắm nhìn cả đoạn đường tấp nập, náo nhiệt, đông vui và sầm uất như một thị trấn thu nhỏ nhắc tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đoàn Xuân Quý hồi cuối năm ngoái; người mà hơn 30 năm qua tận tụy vì cuộc sống của bà con giáo sứ Đồng Tâm; dốc hết lòng, hết sức làm cây cầu nối vững chắc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với Dân; cũng như gắn kết người dân gần hơn với Đảng, góp phần đem lại cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Dù không sinh ra và lớn lên ở An Thịnh nhưng ông Đoàn Xuân Quý đã gắn bó tròn 60 năm trên mảnh đất này. Cùng gia đình và bà con sơ tán từ vùng lòng hồ Thác Bà để nhường chỗ cho Thủy điện Thác Bà khi mới 12 tuổi, ông Quý lớn lên với tuổi thơ nghèo khó của nhà nông nơi quê núi Văn Yên. Năm 1978, với sự nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát và nhiệt tình, ông Quý được tham gia công tác, làm kế toán cho đội sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp An Thịnh, rồi được tin tưởng bầu vào các chức danh Đội Phó, Đội Trưởng trong suốt nhiều năm và trở thành Trưởng thôn từ năm 1993 cho đến nay.
Tôi nhớ trong chuyến công tác ấy, Bí thư Đảng ủy xã Trần Sỹ Nguyên đã không ngớt lời giới thiệu, khen ngợi Trưởng thôn Đoàn Xuân Quý. Anh bảo: “Đồng Tâm là thôn có 100% đồng bào theo đạo Công giáo nhưng lại là thôn có truyền thống đoàn kết và là một trong những thôn phát triển mạnh nhất của xã. Lâu nay, công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào Công giáo vốn rất khó khăn, nhưng riêng với Đồng Tâm thì không khó. Từ 8 đảng viên những ngày đầu thành lập chi bộ, đến nay Đồng Tâm đã có gần 30 đảng viên. Nhất là những năm gần đây, năm nào Chi bộ thôn cũng giới thiệu, bồi dưỡng kết nạp được 2 đến 3 đảng viên mới; Chi bộ luôn là cơ sở Đảng vững mạnh của địa phương. Có được những kết quả đó, công đầu là nhờ vào bác Quý”.
Không riêng ở Đông Tâm mà đến bất cứ nơi nào của An Thịnh, chỉ cần nhắc đến ông Quý Trưởng thôn Đồng Tâm thì hầu như ai cũng biết. Nhất là người dân ở trong thôn. Bởi bao năm nay, người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông Trưởng thôn với thân hình gầy gò, nhỏ bé, khắc khổ, nhưng bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, việc lớn hay việc nhỏ, chỉ cần dân gọi là ông đều có mặt để chia sẻ, giúp đỡ bà con. Đồng Tâm vốn được hình thành từ sự hợp nhất hai thôn Đồng Cọn và Đồng Vật xưa. Với gần 400 hộ dân, trên 2000 nhân khẩu gồm các dân tộc Kinh, Dao, Tày cùng sinh sống, Đồng Tâm là thôn có dân số đông nhất toàn xã. Ngày mới sáp nhập hai thôn, lãnh đạo xã còn rất lo lắng bởi không chỉ dân cư đông, địa hình rộng mà lề thói, tập quán sinh sống mỗi nơi mỗi khác; sẽ khó tránh khỏi sự chênh lệch, lủng củng và những va chạm không đáng có. Thế nhưng, bằng sự tận tụy, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ lãnh đạo thôn, nhất là ông Quý, người dân hai thôn đã nhanh chóng hoà nhập, đi vào nề nếp, đoàn kết, gắn bó thành một thể thống nhất và sớm ổn định cuộc sống.
Bản thân là người có đạo, ông Quý hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống, cũng như những vấn đề vướng mắc của đồng bào vùng công giáo. Đồng bào công giáo xưa nay luôn có truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau. Với đức tin của mình, họ luôn tuân thủ một ý niệm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “ăn ngay, ở lành” và mong cầu có một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Tôi nhớ ông từng kể cho tôi nghe những câu chuyện về tình đoàn kết gắn bó của bà con giáo dân nơi đây. Khi xưa, người dân có tục “bóc nhà”. Khi trong thôn có hộ cần sửa nhà, dựng nhà hay lợp lại mái là họ lại đến báo cho ông biết để ông đi báo cho cả thôn. Đến ngày dựng nhà, lợp mái, không ai bảo ai, mỗi nhà cử đến ít nhất một người, đem theo cân thịt, cân gạo hoặc mớ rau, lít rượu đến giúp cho gia chủ. Khi trong thôn có người qua đời, mọi người từ già, trẻ, lớn, bé ai giúp được việc gì thì chủ động vào việc đấy. Người góp gạo, người góp củi. Phụ nữ thì vào bếp nấu nướng. Thanh niên, đàn ông khỏe mạnh tự bảo nhau đi đào huyệt. Rạp đem đến khắc có người bắc hộ, bàn ghế khắc có người kê, dọn, sắp đặt… Mỗi người mỗi việc, tự nguyện giúp nhau đến nửa đêm, gà gáy cũng chẳng nề hà. Gần đây thôi, khi cơn bão số 3 tràn qua gây ngập úng diện rộng và gây thiệt hại nặng nề cho bà con nhân dân ở nhiều địa phương, trong đó có Đồng Tâm, bà con trong thôn đã cùng nhau sẻ chia, chung sức, đồng lòng vượt qua khốn khó. Trước khi bão đến, nghe tiếng loa gọi của Trưởng thôn Quý, bà con bảo nhau chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng chống lũ. Khi nước tràn về phủ trắng mênh mông khắp thôn xóm, nhà nào nhà nấy bị cô lập, nhưng chỉ cần nghe tiếng gọi ở đâu là họ sẵn sàng lội nước để đến với nhau. Trong mấy ngày bão lũ, có người không may gặp nạn, có sản phụ đến ngày sinh cũng vẫn được bà con đưa đi cấp cứu kịp thời ngay trong đêm… Suốt bao năm qua, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, điều kiện sống ngày một nâng cao, các loại hình dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ, nhưng người Đồng Tâm vẫn luôn duy trì truyền thống đoàn kết tốt đẹp ấy. Bởi vậy, ông Quý vẫn luôn cho rằng, để xóa đi những rào cản, vướng mắc, đưa được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân, giúp bà con có được cuộc sống tốt đẹp hơn thì cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ cho họ thấy, hiểu được những chủ trương, chính sách tốt đẹp dành cho Nhân dân, hướng về người dân; những nỗ lực vun đắp cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo lời căn dặn của Bác mà Đảng và Nhà nước vẫn thực hiện bao lâu nay. Nghĩ là làm, để bà con hiểu và tin, bản thân ông đã gương mẫu đi đầu trong mọi việc, rồi tuyên truyền, vận động anh em, con cháu trong gia đình, họ tộc trong nhà phải luôn tuân thủ mọi quy định, sống mẫu mực và tập trung phát triển kinh tế.
Vốn là người nhiệt tình, tế nhị lại khéo léo, ông Quý luôn dành nhiều thời gian gần gũi, chia sẻ với bà con trong cuộc sống và luôn giải quyết thấu đáo, hài hòa mọi sự việc, tình huống để sao cho thấu tình đạt lý cả về công lẫn về đạo. Trong cuộc sống, biết bà con giáo dân luôn có niềm tin tuyệt đối vào các vị linh mục, cho nên việc kết nối, nắm bắt và thông qua các vị linh mục luôn là cách làm hiệu quả để ông tuyên truyền, vận động Nhân dân. Mỗi khi có vị linh mục mới đến thôn làm công tác truyền đạo, việc đầu tiên ông Quý làm là tìm đến để tuyên truyền, vận động. Với mục đích và mong muốn họ hiểu rằng, linh mục làm công tác giáo hội, ông làm công tác xã hội, nhưng đều là con chiên của chúa, cũng là công dân của địa phương; để dẫn dắt tư tưởng, giúp bà con đi theo con đường đúng thì phải cùng nhau đoàn kết, thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Mỗi khi nhận nhiệm vụ từ xã giao, ông đến từng nhà thông báo và mời bà con đến họp. Trong mỗi cuộc họp dân, tất cả nội dung quan trọng đều được nêu lên rõ ràng trước nhân dân, đề xuất hướng giải quyết và xin ý kiến của dân. Có được sự thống nhất cao rồi ông mới triển khai thực hiện. Cả quá trình triển khai được ông ghi chép rất tỉ mỉ, chi tiết, đầy đủ. Với ông, tiền thiếu có thể đi vay, đi xin nhưng niềm tin thì không thể. Ông luôn nói với bà con rằng, trong các cuộc họp hay ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, bà con có nhu cầu gì, suy nghĩ thế nào cứ việc mạnh dạn đề xuất; bản thân ông làm sai điều gì mọi người thẳng thắn chỉ ra giúp để ông sửa sai, khắc phục… Bởi vậy mỗi công việc, mỗi nhiệm vụ được cấp trên giao xuống ông đều hoàn thành, thậm chí còn hoàn thành hơn cả mong đợi.
Trước kia, cuộc sống của người dân Đồng Tâm cũng nghèo khó, đói khổ như nhiều địa phương trong vùng. Quanh năm chỉ trông vào cây lúa, cây ngô. Được mùa thì no, mất mùa thì chịu đói, chỉ còn cách vào rừng tìm rau củ dại sống qua ngày. Ngay đến người làm trưởng thôn như ông, tiền công mỗi tháng có khi chỉ là vài lạng thóc, dần dần tăng lên được 20 nghìn, rồi 40 nghìn đồng. Mãi tới sau này, khi sự nêu gương cùng những tận tụy, gần dân, hiểu dân và nỗ lực tuyên truyền vận động của ông Quý đã có hiệu quả, tạo được niềm tin trong dân, trở thành động lực thôi thúc bà con thi đua tăng gia sản xuất, tranh thủ vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và sự hỗ trợ của Nhà nước vào phát triển kinh tế thì đời sống của bà con nơi đây đã dần được nâng lên. Nhất là 10 năm trở lại đây, cùng An Thịnh bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, Đồng Tâm đã thực sự trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của xã, của huyện. Thông qua sự vận động, tuyên truyền tích cực của ông Quý, người dân nơi đây đã hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới; hiểu được rõ vai trò, nghĩa vụ và những việc mình nên làm, cần làm trong công cuộc này. Chung tay với xã, người Đồng Tâm đã tình nguyện hiến hơn 1.000m2 đất và nhiều tải sản trên đất để mở rộng các tuyến đường nội thôn, đóng góp gần 159 triệu đồng để xây dựng gần 1 km đường bê tông, cùng nhau đóng góp làm hơn 4km đường điện thắp sáng đường quê, chỉnh trang vườn hộ, phát triển kinh tế. Giờ đây, Đồng Tâm trở thành thôn luôn phát triển đi đầu về mọi mặt. Cả thôn không những không còn hộ nghèo mà số hộ khá giàu còn chiếm tới trên 70%; 100% hộ có nhà xây kiên cố, khang trang từ một đến ba tầng và có tới 30 mô hình điển hình tiên tiến mà các hộ dân trong thôn, xã và các địa phương trong huyện vẫn về tham quan học tập.
Còn nhớ trong cuộc gặp hồi cuối năm ngoái, ngồi trò chuyện với tôi ở ủy ban xã mà điện thoại của ông Quý liên tục đổ chuông bởi những cuộc gọi xin ý kiến của những người được giao phụ trách công trình xây dựng nhà văn hóa thôn. Hóa ra khi ấy, công trình vừa được khởi công. Trở lại Đồng Tâm chỉ sau 4 tháng, tôi bắt gặp công trình nhà văn hóa to đẹp của thôn đã được xây trên diện tích đất hơn 800m2 ở ngay mặt đường quốc lộ. Ông Quý khoe với tôi, có được vị trí đẹp thế này để làm nhà văn hóa là nhờ bà con nhiệt tình tự nguyện hiến tặng đất, cho dù đó đều là đất mặt đường có giá trị kinh tế cao. Không lâu nữa công trình sẽ hoàn thành, nhưng bà con trong thôn chưa đưa vào sử dụng ngay mà muốn dành thời gian sắm sửa, trang hoàng nhà văn hóa cho thật đẹp để đặc biệt khánh thành đúng vào dịp 30/4, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Dẫn tôi đi thăm quan một vòng để giới thiệu về sự phát triển, đổi thay mạnh mẽ của Đồng Tâm, chỉ cho tôi thấy những ngôi nhà to đẹp, lộng lẫy của những người trẻ tuổi giỏi làm giàu của thôn mà ông Quý không giấu nổi niềm tự hào. Ông chỉ cho tôi nào là nhà anh Đạo làm nghề bia mộ mà xây được ngôi nhà ngang to, trị giá bạc tỷ; nhà anh Yên nuôi hàng trăn con lợn, mấy chục con dê, rồi hộ anh Ngọc, anh Giang làm máy xúc, ô tô tải; nhà anh Thụ buôn bán quế vỏ; nhà anh Kiều kinh doanh tổng hợp, thức ăn gia súc… anh nào cũng có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Nhìn người trẻ đua nhau làm ăn thì mừng lắm, nhưng ông cũng thấy lo. Ông bảo, sống gắn bó với bà con, được làm việc góp sức cho quê hương, được gần gũi, chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống với mọi người, được bà con tin tưởng, yêu quý là niềm vui và hạnh phúc nhất của cuộc đời ông. Bởi quan điểm ấy, suy nghĩ ấy nên suốt 32 năm qua ông luôn dành trọn tâm huyết, sức lực của mình để phụng sự quê hương, phục vụ nhân dân, trở thành vị Trưởng thôn kỳ cựu của địa phương, được bà con tin yêu suốt bao năm. Và cũng bởi thế nên dù rất nhiều lần ông muốn đề cử người khác thay thế mình; thậm chí nhiều lần lấy lý do sức khỏe, tuổi già để thoái lui mà người dân nơi đây vẫn không để cho ông nghỉ. Nhưng mấy năm nay, khi đã bước vào tuổi 70, dù còn sức khỏe, còn nhiệt huyết nhưng ông biết mình sẽ không thể nhanh nhẹn, hoạt bát bằng giới trẻ. Cho nên ông chưa hề từ bỏ việc tìm kiếm đối tượng để bồi dưỡng lớp kế cận và ông quyết phải làm cho bằng được. Dù không hé lộ gì nhiều nhưng sau câu nói ấy tôi đã thấy đáy mắt ông lóe lên một ánh cười mãn nguyện. Có lẽ, trong số những “đối tượng nguồn” đầy tiềm năng mà ông nhắm tới, ông đã ngầm chọn được một người trẻ đủ tâm, đủ tài và đủ nhiệt tình để bồi dưỡng làm người kế nhiệm cho mình. Để rồi, khi ông đã yên trí thoái lui, Đồng Tâm sẽ lại có một vị Trưởng thôn mới tận tụy giống như ông, đem hết sức trẻ và nhiệt huyết của mình gắn bó với bà con, góp sức xây dựng quê hương ngày càng thêm phát triển.
N.T