Kỷ niệm chiến trường

Truyện ngắn của THÚY HỢP

 

Nhà tôi chỉ có năm người, cả bà nội. Lúc bố mẹ tôi đi làm ngoài rẫy chỉ có ba bà cháu tôi. Bà nội tôi ít nói, bà có đôi mắt nhìn sâu thẳm. Một hôm bà gọi tôi:

- Tâm à! 

- Dạ, bà gọi cháu ạ! 

Bà nhặt mấy miếng vỏ chay, bổ miếng cau và lá trầu không nhét vào cái cối nhỏ giã trầu. Bà kéo tay tôi nói:

- Cháu giã cho bà cối trầu. 

Tôi nhìn bà ngượng nghịu rồi đón cối trầu trên tay bà. Lúc đầu tôi giã nó trượt ra, trượt vô. Bà nhìn tôi bảo:

- Cháu làm mãi sẽ quen. 

Đôi mắt bà tôi vẫn nhìn xa xăm như muốn lôi hết những kỷ niệm sâu thẳm trong lòng, để bà vơi đi nỗi lo âu hiển hiện lên khuôn mặt khắc khổ.

Bỗng bà hỏi tôi:

- Ông nội mất lúc cháu mới ba tuổi, cháu có còn nhớ mặt ông không? 

Tôi thật thà đáp:

- Cháu hơi nhớ thôi. Vì bố cháu giống ông như tạc nên cháu nhớ. 

Tôi hỏi lại bà:

- Thế bà có nhớ ông không? 

Bà tôi tràn nước mắt, rồi như đang nói chuyện với ông nhiều hơn nói với tôi.

Cối trầu tôi giã chưa xong, bà đón trên tay tôi rồi và vào miệng. Nhưng trầu vẫn rơi ra ngoài theo dòng nước mắt của bà tôi. Bỗng nhiên tôi nghe bà nói:

- Ông đi bộ đội hy sinh rồi. 

- Đời bà chỉ có một con trai. 

- Bao nhiêu lần giỗ ông ấy là bấy nhiêu lần tôi kêu nhờ ông ấy phù hộ cho nó, che chở, dạy dỗ nó, vậy mà ông ấy không giúp tôi. Không biết thằng Tài nó có hư đốn đến mức ấy không?

Tôi ngồi yên như nín thở, nghe bà nói từng câu đứt quãng. Tôi không tin

là bố tôi hư đốn. Bố mẹ tôi không cãi nhau bao giờ, nhưng họ không ai nói với ai, có lẽ là chiến tranh lạnh.

Tôi cố gắng tìm trong trí nhớ của mình xem tình cảm của bố mẹ tôi thế nào? Nhưng có lẽ đúng. Họ lặng lẽ làm việc, ít khi ngồi bàn bạc công việc chung, điều đó làm cho tôi nghi ngờ. 

Một buổi trưa nắng, mẹ tôi ở rẫy về gọi tôi:

- Tâm ơi, em Nam đâu? 

Tôi nói nhanh: “Em Nam đang học trong nhà” rồi quay sang hỏi mẹ: “Sao bố không cùng về với mẹ?”. Nghe mẹ trả lời bâng quơ: “Bố con về sau”, tôi chạy ra cổng đón bố. Một lát sau thấy bố tôi về, mặt đỏ bừng. Bố cầm tay tôi đưa cho nắm xôi rồi nói:

- Cầm về hai chị em ăn.

Tôi cầm nắm xôi mà lòng không vui như những lần trước bố chia quà cho chị em tôi. Đôi chân tôi như khụy xuống. Bố quay lại bảo tôi:

- Đi nhanh lên kẻo nắng. Con gái lớn rồi mà vẫn nũng nịu như con nít.

Tôi càng thấy mình có lỗi với thân bản, không hiểu gì về bố mẹ. 

Bữa trưa hôm ấy bố tôi không ăn cơm. Mẹ dọn cơm bảo tôi và em Nam:

- Các con lên mời bà xuống ăn cơm. Gọi cả bố con nữa.

Mẹ vừa dứt lời, bà tôi đã đến phòng ăn, còn bố tôi đã ngủ li bì. Hai chị em tôi gọi lay mãi, bố tôi bảo:

- Hôm nay là ngày họp sơ kết sáu tháng đầu năm của cựu chiến binh khu mình, anh em liên hoan bố uống vài chén rượu say quá! Các con bảo bà và mẹ cứ ăn cơm đi. 

Hiểu ý bố, hai chị em chạy xuống ăn cơm. Tuy mẹ tôi không được vui nhưng mẹ vẫn gắp thức ăn cho bà. Mẹ vẫn tôn trọng bà tôi. Mẹ thương bà nuôi con một mình để ông đi bộ đội, rồi bà lại vất vả nuôi chúng tôi chờ ngày giải phóng bố tôi mới được về. 

Bữa cơm hôm nay tôi không nói nhiều như mọi ngày, em Nam cũng vậy.

Vì hứa với bố rằng thi tốt nghiệp xong rồi vào đại học luôn nên nó không có thời gian để ý chuyện gia đình nữa.

Bữa cơm đã xong, tôi lấy tăm, bưng nước mời bà, rồi theo bà lên phòng bà chơi. Tôi chợt òa khóc nức nở. Bà mắng yêu tôi:

- Con gái sắp lấy chồng còn khóc nhè. Không nhanh mà thi vào Sư phạm, sau này có nghề kiếm cơm mà ăn. Như bố mày đi bộ đội chín, mười năm rồi lại về cổ cày, vai bừa, bà đau lòng lắm! 

Rồi bà lại nói luôn:

- Nhưng vẫn phải đi bộ đội mới giữ được nước chứ.

Tiếng cười của bà như thức tỉnh tôi, giúp tôi hiểu nỗi đau bao nhiêu năm bà tôi gánh nặng trong lòng. 

Đã mấy năm trôi qua, tôi không còn là cô bé nữa. Bà nội tôi ngày một già, không đi lại được, phải chăm sóc bà tại giường. Bỗng một ngày bà cố nhoài người ôm lấy cổ tôi rồi nói thều thào:

- Cháu hãy tha thứ cho bố cháu nhé! 

Bà nhắc đi nhắc lại để tôi nghe rõ, rồi nụ cười nở trên khuôn mặt hiền hậu của bà. Đôi mắt sâu thẳm từ từ khép lại ...

Tôi không khóc được, nhưng cái gì xảy ra với bố mà bà tôi cứ phải lo toan cho đến hơi thở cuối cùng?

Sau đám tang bà, tôi thi vào Sư phạm cũng là nguyện vọng của bà. Em Nam vào thẳng Đại học Xây dựng. Cả hai chị em tôi đi học là một gánh nặng cho gia đình. Bố mẹ tôi phải oằn mình lo cho hai chị em tôi ăn học. Mẹ tôi là người miền xuôi theo ông bà ngoại khai hoang trên Yên Bái. Bố tôi đi bộ đội được nghỉ mấy ngày rồi cưới vợ. Bà tôi bảo ra trận biết thế nào được, cưới vợ cho nó có người đỡ đần, chăm sóc lúc bà tuổi già. Mẹ tôi đảm đang nuôi mẹ, thương con. Mẹ hay nói, hay cười vậy mà cái gì đã đè nặng mẹ tôi sau ngày bố tôi xuất ngũ?

Còn bố tôi, tuy vẫn hồn nhiên vui vẻ cùng lối xóm, quan tâm đến mẹ tôi nhưng không thoát khỏi cái vòng đời oan nghiệt. Mỗi ngày mỗi già đi, các vết thương lại hành hạ bố cho đến ngày bố tôi ốm nặng. Bố tôi chỉ tay lên cái ống đóm pháo dắt tận kèo nhà bảo chị em tôi bắc thang lên lấy xuống.

Tôi giữ chân thang, em Nam trèo lên kèo nhà lôi xuống cái ống pháo sáng. Tôi hồi hộp lấy ra một tờ giấy chứng nhận của Tiểu đoàn xác nhận cháu Kiều Anh là con của đồng chí Trần Huy Toàn và một lá thư của người tên bác Toàn gửi cho Tài nuôi giúp đứa con. Tôi choáng váng ngỡ ngàng nói với mình “Chắc bao nhiêu năm qua mẹ trách bố lý do này sao?”

Mẹ tôi giật bức thư trên tay tôi, bà gào lên rồi quỳ xuống:

- Em có lỗi với anh nhiều quá! Sao anh lại nhận nó là con anh?

Bố tôi cười rồi nói với mẹ:

- Chiến tranh là thế mà. Con của đồng đội cũng như con mình.

Bố tôi khó nhọc kể lại chuyện cũ rồi đưa tôi địa chỉ về tận Kim Bôi, Hòa Bình đón chị Kiều Anh. Tôi vội đi đón xe luôn. Ngồi trên xe tôi như mơ như tỉnh. Thì ra bố của chị Kiều Anh đã cùng chiến đấu với bố Tài, bác ấy đã hy sinh nhờ bố nuôi chị Kiều Anh, nhưng có một bác cùng đơn vị nhà ở tận Kim Bôi, Hòa Bình đã có tuổi mà không có con đã xin chị Kiều Anh về làm con trong gia đình. Một hôm bố viết thư cho bác ấy hỏi thăm con gái Kiều Anh học hành ra sao thì vô tình mẹ đọc được lá thư bố viết và hiểu lầm bố tằng tựu với người khác có con riêng. Bà buồn rầu lo lắng. Chẳng ai tin bố. Và bây giờ thì con đã hiểu.

Xe đã đến Kim Bôi, Hòa Bình. Tôi tìm đến nhà bác Định ở một xóm người Mường. Lúc đầu gặp tôi, bác ngờ ngợ, rồi nghe nói tôi là con bố Tài, bác mừng rỡ đón tôi như đón đứa con xa trở về. Một lát sau Kiều Anh về, bác Định nói với chị và gia đình:

- Đây là con gái của đồng chí Tài, người đã giao con gái Kiều Anh cho tôi. Mẹ Kiều Anh hy sinh sau bố Kiều Anh chỉ một ngày, anh Tài đưa cháu về nuôi.- Bác định quay sang tôi- Nhưng bác nói với bố cháu: Cậu đã có con rồi, tớ không thể có con, cậu cho phép tớ nuôi Kiều Anh. Cậu Tài suy nghĩ một lát rồi đồng ý luôn. Thế mà đã ba mươi năm rồi đấy. Kiều Anh giờ là cô giáo dạy trẻ và đã có gia đình rồi cháu ạ! Còn cháu thế nào?

Tôi vui mừng trả lời bác:

- Cháu cũng học xong Sư phạm và cũng đã đi dạy rồi. Em Nam cháu học Đại học xong đang chờ xin việc bác ạ! 

Bỗng tôi thấy nóng ruột nói với bác Định:

- Cháu lên đây là để thăm bác và chị Kiều Anh. Ngày mai cháu phải về, bố cháu ốm.

Bác Định nôn nóng nói:

- Bố cháu ốm có nặng không? 

Tôi tần ngần một lúc rồi kể đầu đuôi sự việc. Bác Định và chị Kiều Anh cùng tôi đi xe về ngay. Xe vẫn chạy đều, lên xuống gập ghềnh nhưng tôi hiểu chị Kiều Anh, lúc này lòng như mối tơ vò. Chiến tranh đã cướp đi cha mẹ nhưng vẫn còn những đồng đội đã cưu mang chị như bố Tài, bác Định. Tôi càng thấm thía và trân trọng những người đã hy sinh cả bản thân mình để thế hệ chúng tôi được hưởng niềm hạnh phúc này. 

Xe đã về bến, tôi dắt chị Kiều Anh xuống xe rồi cùng bác Định vào nhà. Bố tôi đang sốt li bì vì vết thương tái phát. Mỗi lần trở trời mưa nắng như thế là mảnh đạn trong đầu lại dằn vặt bố. Bố lại hô “Xung phong! Xung phong”.

Ngày bà tôi còn, mỗi lần bố tôi sốt cao kêu đau đầu, bà tôi lại sợ bố tôi hô “Xung phong”. Cứ mỗi lần như thế làm trái tim bà và mẹ tôi đau như dao cắt. Bố tôi là một thương binh nặng, nhưng bố làm mất hết giấy tờ nên chẳng được hưởng chế độ gì cả.

Đã ba mươi năm rồi, nhưng những cơn đau đớn, những vết thương vẫn thúc giục bố tôi hô “Xung phong!” rồi “Tiến lên” ...

Đồng đội thương cho hoàn cảnh gia đình tôi đã tìm bác Đại đội trưởng chỉ huy của bố tôi năm xưa, xin chữ ký chứng nhận song vẫn chưa làm được chế độ gì cho bố. 

Sau cơn đau đớn, bố mở to đôi mắt thâm quầng vì đau đớn hành hạ nhìn bác Định. Ông muốn chồm người dậy ôm choàng lấy đồng đội của mình như ngày còn chung một chiến hào mà không thể nhấc nổi người lên. Bác Định ôm lấy bố, rưng rưng nước mắt:

- Chú cố giữ gìn sức khỏe. Tôi có lỗi không đưa cháu Kiều Anh về sớm để giới thiệu cho bà và cô nhà biết. 

Bố xua tay trả lời bác Định:

- Vợ mình mới biết nên cô ấy hiểu lầm. Còn mẹ, ngày bà gần qua đời, mình đã kể hết sự tình cho mẹ nghe. Mẹ mình rất vui, bảo “Con đã làm được một điều tốt”.

Chị Kiều Anh đến gần bố tôi bật gọi:

- Bố! Bố ơi...!

Tiếng gọi “bố” tự dưng làm cả nhà ai cũng cảm động. Mẹ tôi càng thấy mình có lỗi. Mẹ xin lỗi bố, bác Định rồi ôm chị Kiều Anh vào lòng:

- Bác có lỗi với cả con, vì chưa chăm sóc gì cho con được. Từ nay nhà bác cũng là nhà của con. Bác xem con như con lớn trong nhà. 

Bệnh tình bố tôi như được tan biến. Mẹ bưng bát cháo hành nóng lên, bố tôi ăn ngon lành. 

Hai đồng đội lại say sưa kể chuyện chiến trường, những trận đánh ác liệt. Chị Kiều Anh, tôi và em Nam cùng nghe bác Định và bố kể chuyện chiến trường mà đầy cảm phục lòng dũng cảm của những người lính, các thế hệ cha anh. Tôi tự hứa với mình sẽ phải làm gì đó thật xứng đáng để đền đáp công ơn của những người đã hy sinh thân mình cho đất nước. 

Chị Kiều Anh nắm tay tôi rồi cả ba chị em cùng ra vườn. Những cánh hoa xoan rơi tím trong mùa xuân ấm áp. Mẹ tôi đã nấu cơm xong. Cả ba chị em tôi cùng mời bác Định và bố vào dùng bữa. Gia đình tôi đã có một buổi hội ngộ thật là vui vẻ. 

                                                                                                   T.H

 

Các tin khác:

16-20 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter