Bá Lâm của tôi

Truyện ngắn của PHAN LONG ĐỊNH

 

            Bá Lâm là chị gái cả kế trên và hơn mẹ tôi ba tuổi. Dưới mẹ tôi còn dì Vi và cậu Tạo nữa. Nhà ông bà ngoại tôi nghèo lắm. Chỉ có con trâu và đám ruộng ông ngoại khai hoang được coi là tài sản đáng giá nhất. Ngôi nhà sàn cột gỗ tạp, xiêu vẹo, lợp tranh sơ sài, nép mình trong chân núi. Nồi cơm chỉ có lưng bát gạo cõng các loại củ rừng nấu độn tạp nham, cốt để yên bụng lũ trẻ lúc nào cũng sôi réo ùng ục. Ông ngoại tôi cùng người em trai đi làm thuê khắp các nơi trong vùng để kiếm thêm đấu gạo nuôi con. Một lần hai anh em ông ngoại với mấy anh thợ sơn tràng vào rừng chặt gỗ, sắp xong thì ông ngoại tôi bị sốt rét ác tính. Tốp thợ đặt ông lên võng khiêng về nhà em chú thì ông đã cấm khẩu. Lúc ấy bà ngoại tôi mới sinh cậu Tạo nên cho bá Lâm và mẹ tôi đến chăm sóc ông. Hai đứa trẻ theo người dẫn đường đi từ sáng sớm tới chiều tối mới đến nơi. Ông ngoại cố mở mắt nắm tay hai đứa con gái nhỏ thều thào được mấy câu thì tắt thở. Từ đó bà ngoại tôi phải căng mình lên để nuôi bốn đứa con côi cút.    

             Năm mười sáu tuổi, bá Lâm đã lớn phổng phao và giúp được bà ngoại rất nhiều việc. Một lần đi đỡ đám cưới làng bên, bá đang cùng các chị em giã gạo thì mấy chàng trai xúm vào tán tỉnh. Anh Cẩn trắng trẻo đẹp trai mạnh dạn chộp tay bá Lâm nói nhỏ:

- Cô Lâm làm vợ anh nhé!

Bá Lâm ngượng đỏ mặt, giật mạnh tay ra khỏi tay anh Cẩn. Đám thanh niên thấy thế cười rũ rượi. Thế rồi anh Cẩn nói với mẹ anh ấy muốn được cưới bá Lâm. Mẹ anh Cẩn nhờ bà mối đến đánh tiếng với bà ngoại tôi. Bà mối bước vào ngôi nhà sàn ọp ẹp chưa kịp thưa chuyện với bà ngoại thì đúng lúc đó mẹ tôi đi chăn trâu về. Thấy mẹ tôi ăn mặc rách rưới, đầu tóc bù xù dính đầy hạt ké. Bà tưởng lầm mẹ tôi là bá Lâm, nên bà nói vài câu chuyện bâng quơ rồi xin phép ra về. Bà mối thuật lại những gì mắt thấy tai nghe với bố mẹ anh Cẩn rồi kết luận:

- Con bé xấu xí mà nhà nó nghèo rớt không hợp với nhà mình nên em chả dám đánh tiếng đâu.

Nghe bà mối kể, bố mẹ anh Cẩn kiên quyết cấm đoán. Khi biết bố mẹ dạm hỏi cô gái nhà giàu trong làng cho mình, anh Cẩn vùng vằng cãi lại. Mẹ anh Cẩn chỉ thẳng tay vào mặt con trai chửi:

- Cha tiên sư bố mày nhé, làng này hết gái rồi hay sao mà mày phải đâm đầu vào cái hạng người đấy hả?

Thấy con trai tỏ ý không bằng lòng, bà quát:

- Không lôi thôi gì nữa, tao cho dạm hỏi con bé nhà ông Lý Hảo trong xóm rồi, tháng này dạm hỏi, tháng mười ta là cưới. Nghe chưa!

Biết tính mẹ đã nói là làm, đến bố anh nhiều lúc còn phải nhịn, nên Cẩn đành im lặng. Trong lòng Cẩn không nguôi nhớ bá Lâm, nhưng anh đành nuốt nước mắt làm thinh. Thế rồi chính mẹ anh Cẩn đã rêu rao khắp xóm. Gặp bà ngoại tôi ngoài chợ, bà thẳng thừng:

- Bà về nói với con Lâm đũa mốc đừng chòi mâm son nhé, buông tha thằng Cẩn nhà tôi ra để nó còn đi lấy vợ.

Bà ngoại tôi mặt tái mét, đem cái bực bội từ chợ về trút lên đầu bá Lâm:

- Mày ăn ở như thế nào lại để cho người ta khinh cho thế hả con?

Đến lượt bá Lâm ngơ ngác, mặt tái mét vì giận. Bá tức tốc tìm gặp mắng anh Cẩn không tiếc lời. Bá về nhà, buồn thiu, khóc xưng húp cả mặt tuyên bố với bà ngoại:

- Con sẽ không bao giờ lấy chồng!

Bà ngoại tôi thở dài nói với bá Lâm bằng giọng của người có lỗi:

- Con ạ! Cứ bình tĩnh đừng làm gì bậy bạ nhé. Nhà mình nghèo nhưng trong sạch, rồi sẽ có người thương thôi.

 Ngỡ tưởng trong lúc nóng giận nói thế, nhưng hóa ra bá làm thật. Bao nhiêu đàn ông kể cả những người nhà giàu có đến ngỏ lời, bá đều từ chối hết. Bà ngoại nói thế nào bá đều bỏ ngoài tai. Bố mẹ tôi cưới nhau và vì bố tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nên bà ngoại cho ở rể. Cũng là muốn có người đàn ông làm trụ cột trong gia đình bươn trải cuộc sống. Nghe bố mẹ tôi khuyên nên lấy chồng, bá Lâm sừng sộ:

- Tôi đã bảo không lấy là không lấy, chú dì đừng nói nhiều!

Từ đó cả nhà cứ lặng lẽ, không ai dám nhắc chuyện chồng con của bá nữa. Chị Hồng, chị Hải và tôi lần lượt ra đời. Bá Lâm được mặc định vừa là người mẹ vừa là người cha thứ hai của chúng tôi. Từ tắm rửa, thay quần áo, ru chị em tôi ngủ đều do bá đảm nhiệm hết. Năm cậu Tạo lấy vợ, nhà đông người quá nên bố mẹ tôi xin ra ở riêng. Đến tối ăn cơm xong, chúng tôi lại lũ lượt kéo nhau sang ngủ với bá Lâm. Nhiều hôm chúng tôi không chịu về nhà, bà ngoại giục năm lần bảy lượt vẫn cứ ì ra. Bá Lâm phải nịnh:

- Mấy đứa ngoan cứ về đi, tối bá sang ngủ cùng. 

Thế là chị em tôi dắt díu nhau về. Nhưng tối đấy bá chẳng sang như đã hứa. Chị em tôi nhớ bá cứ khóc i ỉ, bố tôi huơ huơ cái roi bừa vun vút dọa thế là đành phải im. Hôm sau chúng tôi nhất quyết phải chờ bằng được bá sang cùng mới chịu ngủ. Sự ương bướng của chị em tôi đã làm cho bà ngoại và bá Lâm cùng bố mẹ tôi lung lay ý chí. Bá Lâm phải khoác cái tay nải quần áo sang ở hẳn nhà tôi làm chúng tôi mừng vui khôn xiết.

Mẹ đẻ thêm thằng Cường, thế là bá Lâm đương nhiên thuộc độc quyền của riêng tôi. Mấy chị mà động vào bá Lâm thì y như rằng ăn đấm của tôi ngay. Ngủ trưa đối với tôi quả là một cực hình. Bởi vì tôi không được chơi các trò ưa thích. Mà khi ngủ dậy đã ba giờ chiều, ngôi nhà vắng lặng. Bố mẹ và các chị tôi đã đi làm đồng hết, chỉ còn bá Lâm đang ngồi kỳ cạch gọt sắn ở góc nhà. Tôi buồn thiu và thằng Cường thì i ỉ khóc. Một buổi trưa bá Lâm phe phẩy quạt cho tôi ngủ. Vì muốn đi chơi nên tôi cố cưỡng lại cơn buồn ngủ. Khi thấy bá ngừng phe phẩy cái quạt, tôi liền nhỏm dậy. Bá bừng tỉnh hỏi:

- Mày đi đâu đấy?

- Cháu đi uống nước ạ.

Tôi nói dối như thế mà bá cũng tin. Khi thấy bá nằm im tôi nhẹ nhàng tụt xuống cầu thang cùng mấy đứa bạn đi bắt chuồn chuồn. Đang mải chơi, bỗng thấy tiếng bố tôi e hèm ngay đằng sau chúng tôi:

- Mấy cái thằng này! Trốn đi chơi lại còn í ới làm cho cả xóm mất ngủ. Về nhà ngay! Không ăn roi bây giờ!

Chúng tôi chạy tán loạn. Tôi chạy nhanh về nhà rúc vào lòng bá Lâm. Mẹ đang ru thằng Cường cũng ngóc đầu lên nhìn làm tôi run lên bần bật. Bá Lâm vừa quạt vừa xoa lên mái tóc bê bết mồ hôi của tôi thì thầm:

- Khiếp! Đi phơi nắng mồ hôi ướt hết cả tóc đây này. Mẹ mày biết đánh cho thì chết. Thôi ngủ đi!

Rồi bá vừa quạt vừa cất tiếng ru nhè nhẹ. Mùi trầu không thơm ngào ngạt phả ra từ hơi thở của bá làm tôi thiu thiu chìm vào giấc ngủ.

Năm ấy giặc Pháp đánh lên sông Lô. Một toán quân Pháp tách ra đánh thẳng vào khu công binh xưởng của bộ đội Việt Minh ở ngay làng tôi. Cả làng kéo nhau chạy lên rừng. Bá Lâm và bố mẹ tôi gánh đồ, chị Hồng địu thằng Cường, còn tôi ngồi sau chị Hải trên lưng con trâu. Vào sâu trong rừng, các loại dây gai cào vào chân, tay, mặt mũi chúng tôi đến rớm máu. Tôi ôm chặt vào lưng chị Hải mỗi khi cúi rạp người để tránh các cành cây lòa xòa chắn ngang lối đi. Lên đến đỉnh núi, cả nhà tôi dừng lại. Từng tiếng nổ lớn vọng lên núi làm chúng tôi sợ run rẩy. Chúng tôi cùng nhìn xuống làng thấy những đụn khói bốc cao. Bố tôi lẩm bẩm chửi: “Cha tiên sư cái quân cướp nước, chúng đốt cháy hết nhà mình rồi còn đâu”. Chợt nhớ đến con dao con mà tôi quên không mang theo, tôi khóc tức tưởi vì tiếc. Con dao đó là do ông Sinh Đường cho tôi trong một lần theo bố vào nhà ông rèn lưỡi cày. Ông vốn là thợ rèn, nhà tận trong chân núi. Khi thấy tôi cứ mân mê con dao con mà ông vừa rèn xong, ông Sinh Đường hỏi tôi:

- Cháu thích con dao đó lắm hả?

Tôi liền gật đầu.

- Thế thì bác cho cháu đấy.

Ông cười hở cả hai hàm răng vàng ra làm tôi chột dạ. Nhưng thấy ông đưa cho con dao, tôi vội cầm lấy và mừng đến chảy cả nước mắt. Về nhà bố tôi đẽo cho một cái vỏ dao vừa in. Hằng ngày đi đâu tôi đều thắt dao ngang hông như người lớn. Rất oách. Ấy vậy mà lúc chạy giặc, tôi lại quên khuấy mất con dao. Bá Lâm đến bên hỏi:

- Sao cháu lại khóc.

- Cháu quên mất con dao con, chắc bọn Pháp lấy mất của cháu rồi.

- Để hôm nào bá nhờ ông Sinh Đường làm cho con khác đẹp hơn.

Nghe bá nói tôi gạt nước mắt nhưng vẫn bán tín bán nghi. Giặc Pháp rút. Cả làng lục tục kéo từ trên núi về. Làng tôi có tất cả hơn chục nóc nhà vốn yên ả thanh bình, nay bị giặc đốt phá tan hoang. Ngôi nhà sàn của tôi bị chúng đốt cháy sập xuống, những cây cột chôn cháy nham nhở đen thui chĩa thẳng lên trời, nhiều chỗ vẫn âm ỉ khói. Cây cối xung quanh nhà táp hết lá gục xuống thật thảm thương. Bố tôi mắt long lên tức giận chửi bọn giặc Pháp. Bá Lâm và mẹ tôi cùng các chị vừa khóc vừa đi quanh nhà nhặt nhạnh những vật dụng còn sử dụng được xếp thành một đống. Tôi chạy lại chỗ đống tro đã nguội bới tìm con dao. May quá, đến trưa thì tôi tìm được nhưng nó đã bị cháy mất cái cán. Tôi quệt nước mắt, mỉm cười cầm con dao chạy lại khoe với bá Lâm. Mẹ tôi bực mình vằn mắt quát to:

- Nhà cháy hết rồi còn dao với rựa cái gì?

Bị mẹ quát, tôi đứng đực người ra. Thấy thế bá Lâm liền nhỏ nhẹ:

- Ừ. Để đấy lúc nào bá bảo bố cháu làm lại cho cái cán nhé.

Tôi gật đầu rồi chạy theo chị Hồng, chị Hải thu dọn đồ đạc.

            Điện Biên giải phóng. Ngỡ tưởng đất nước sẽ được hòa bình thống nhất. Ngờ đâu giặc Mỹ lại vào xâm lược miền Nam, thế rồi chúng đưa máy bay đánh phá dữ dội ra miền Bắc nữa. Nhà máy thủy điện Thác Bà quê tôi là trọng điểm đánh phá của lũ giặc trời. Trường học chúng tôi phải sơ tán vào đồi cọ. Ngay dưới nền lớp học có giao thông hào tỏa đến những cái hầm kèo chắc chắn. Nhiều buổi đang học thì máy bay địch ầm ầm bay đến dội bom xuống Thác Bà, chúng tôi chạy theo đường hào chui vào hầm trú ẩn. Làng tôi mỗi nhà phải làm một cái lán nhỏ sơ tán vào chân núi. Bố mẹ tôi còn đào một cái hầm rộng ngay cạnh lán, trong đó có kê một cái giường to. Bá Lâm là người cai quản chị em tôi ở trong lán. Nhiều hôm máy bay địch đánh phá, bá Lâm và chị em tôi phải ngủ ngay trong hầm cả đêm.

            Vừa tròn mười bảy tuổi, tôi theo các bạn làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Khi có giấy gọi cả nhà mới biết. Bá Lâm định lên xã rút đơn, nhưng bố tôi ngăn lại nên bá giận bố tôi lắm. Cả mấy ngày bá chỉ ngẩn ngơ, dặn dò tôi nhiều thứ lắm. Từ việc bị rắn rết cắn thì lấy loại lá cây nào đắp, ngã nước thì lấy thuốc gì xông, đứt chân đứt tay, ho hắng thì xử lý thế nào. Rất nhiều thứ tôi chẳng tài nào nhớ được nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Bá Lâm đọc cho chị Hồng ghi hẳn một nửa tập giấy bắt tôi đem theo cho khỏi quên. Bá còn bảo phải cho tất cả anh em cùng đọc để cùng nhớ nữa. Buổi tối trước khi lên đường, các bạn tôi đến chơi rất đông. Mải vui chuyện tự dưng tôi nói:

            - Các bạn yên tâm, tớ đi bộ đội nhất là xanh cỏ nhì là đỏ ngực. Mà chết thì tớ là liệt sĩ chứ lo gì.

            Các bạn nghe tôi nói vậy thì tất cả cùng trùng xuống. Bá Lâm lẳng lặng đi ra đầu nhà rút cái roi mây cài trên mái lá – cái roi mà ngày xưa bá dùng để dọa tôi với thằng Cường mỗi khi nghịch ngợm. Bá bắt tôi nằm sấp xuống sàn nhà rồi quất mạnh cái roi vào mông tôi. Vừa đánh bá vừa mắng:

            - Này thì nói gở! Này thì nói dại!

            Bố mẹ tôi cũng tỏ sự đồng tình với bá Lâm. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi bị bá Lâm đánh. Cái roi quất vào mông đau đến xé thịt nhưng tôi cố chịu. Thế rồi bá xúc một bát gạo trộn với muối đi xuống cầu thang, bá vừa quẳng từng nắm gạo ra xung quanh vừa lẩm bẩm:

            - Vía lành thì ở, vía dữ thì đi. Con lạy các ngài bề trên, các ngài thần linh thổ địa phù hộ độ trì, bỏ qua sự dại dột của thằng cháu con. Nam mô a di đà phật, nam mô a di đà phật…

            Bá Lâm quệt nước mắt, buồn rầu. Tôi biết bá đang giận lắm nên chủ động đến bên cạnh thì thầm:

            - Bá ơi! Cho cháu xin lỗi vì câu nói dại dột nhé.

            Bá kéo tôi vào lòng. Vừa xoa đầu tôi bá vừa thủ thỉ:

            - Ừ. Cháu đừng nói dại dột như thế nữa nhé. Nhất định hết giặc cháu phải về đấy nghe chưa!

Cuộc sống chiến trường cực kỳ gian khổ ác liệt, khác xa với cánh thanh niên chúng tôi tưởng tượng trước lúc nhập ngũ. Vào đến Trường Sơn, đập vào mắt bọn lính trẻ chúng tôi là những cánh rừng bị bom đạn cày xới, bị chất độc hóa học địch rải xuống khô héo tàn tạ. Ngày đêm hầu như không lúc nào ngớt tiếng máy bay, tiếng bom nổ chát chúa. Đói ngủ và mệt mỏi làm cho mặt mày chúng tôi đứa nào cũng hốc hác hẳn đi. Chúng tôi tham gia vào hàng chục trận đánh ác liệt từ giữ thành cổ Quảng Trị, chiến dịch giải phóng Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ranh giới giữa sự sống và cái chết có lúc chỉ mảnh như sợi tóc. Nhiều đồng đội tôi đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường. Ấy vậy mà tôi không hề hấn gì. Đôi lúc nghĩ điều cầu nguyện của bá Lâm trước lúc lên đường thực sự là linh thiêng. Sau ngày giải phóng, tôi được nghỉ phép về thăm nhà. Cả nhà tôi mừng vui khôn xiết. Bá Lâm ôm chặt tôi vào lòng như hồi nhỏ. Hai bàn tay khẳng khiu, thô ráp của bá vuốt dọc theo người tôi từ đầu đến chân. Bá quay sang tự cấu vào má mình rồi tự hỏi:

- Tôi tỉnh hay mơ đây? Có phải là cháu đấy không hả?

- Bá Lâm! Cháu đây! Cháu về với bá đây!

Cả nhà tôi và mọi người trong xóm chứng kiến cảnh này ai cũng đầm đìa nước mắt vui sướng. Quà của tôi mang từ miền Nam về là mấy túi bánh kẹo và cái đài nhỏ. Riêng quà cho bá Lâm là chiếc lược bằng mảnh máy bay Mỹ mà tôi kỳ cạch cưa hai tháng trời mới xong. Cầm chiếc lược bá Lâm ngắm nghía, xuýt xoa hồi lâu rồi nói:

- Đẹp quá, cháu cài lên gần chiếc gương kia để cả nhà dùng nhé. 

Bữa cơm đêm ấy là những đĩa thịt gà luộc đầy ắp. Bá Lâm ngồi cạnh cứ gắp những miếng thịt gà béo ngậy vào bát tôi và giục:

- Ăn đi cháu! Ở chiến trường gian khổ lấy đâu ra miếng ăn ngon nào!

Rồi bá cứ chống đũa nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Thấy vậy tôi nói:

- Bá cũng ăn đi chứ, không phải gắp cho cháu đâu.

- Cứ ăn đi! Cháu về được là bá mừng, bá no rồi.

- Nếu bá không ăn cháu cũng thôi đây!

Tôi làm ra vẻ giận rỗi. Bá cười hềnh hệch:

- Cha tiên sư bố cái nhà anh nhé, chả bù cho ngày xưa mấy chị em toàn tranh nhau ăn.

Thằng Cường đã to cao gần bằng tôi, giờ nó mới lên tiếng:

- Tiếc quá! Em đang định xung phong đi bộ đội thì giải phóng rồi.

- Giải phóng là tốt chứ sao? Chúng mày thật là… - Bá Lâm nói và lừ mắt làm thằng Cường im thin thít.

Đêm ấy cả xóm đến chơi đầy nhà và bắt tôi kể chuyện chiến đấu. Mãi đến khuya, bá Lâm bảo cho tôi nghỉ thì mọi người mới giải tán.

Hôm tôi trả phép, bá Lâm ngạc nhiên hỏi:

- Ơ! Cháu lại đi à? Bá cứ tưởng được về hẳn rồi?

- Dạ! Cháu chỉ về phép thôi ạ.

- Thế thì cháu lấy vợ đi đã chứ- Bá Lâm liền giục tôi.

- Cháu đã có người yêu đâu mà lấy vợ chứ.

- Bá thấy có cái Lan trong xóm đẹp người, đẹp nết. Hay hỏi nó cho cháu nhé.

- Dạ! Để từ từ đã bá ơi.

- Từ đến bao giờ? Hai lăm hai sáu rồi đấy.

Thấy tôi cười hì hì, bá cốc mạnh vào đầu tôi đau điếng.

Tôi được cấp trên cử theo học Trường sĩ quan Lục quân. Cuối năm đó nhà trường cho tôi được về ăn tết. Đây là cái tết đầu tiên kể từ ngày tôi bước chân vào bộ đội được xum họp cùng gia đình. Mặc dù về vật chất so với những năm trước không khá hơn là bao, nhưng về tinh thần thật là đầm ấm. Bố mẹ tôi luôn hớn hở như trẻ lại. Bá Lâm thì coi tôi như một đứa trẻ con, nên chăm lo chu đáo mọi thứ cho tôi. Chiều ba mươi tết vẫn như ngày xưa, bá chuẩn bị các loại lá thơm đun một nồi nước to cho cả nhà tắm. Bá còn giảng giải:

- Ba mươi tết phải tắm nước lá thơm mới xua hết cái đen đủi của năm cũ, các cụ mới phù hộ cho mọi điều tốt đẹp trong năm mới.

Cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng đón giao thừa. Tôi lấy trong ba lô ra đôi áo bông nữ biếu bá Lâm và mẹ tôi mỗi người một chiếc. Riêng bá Lâm tôi biếu thêm một đôi tất lính nữa. Bá Lâm cảm động hỏi tôi:

- Cháu lấy đâu ra tiền mà mua quà nữa hả?

- Dạ! Cháu mua bằng số tiền phụ cấp tiết kiệm được bá ạ.

- Cho bá xin. Từ nay không phải mua quà cáp nữa, bá thấy cháu gầy đi nhiều lắm, để dành tiền mà bồi dưỡng chứ ốm ra đấy thì khốn cháu ạ.

Tôi cười nghe bá nói vậy. Tôi giục bá mặc cái áo bông vào người rất vừa vặn. Bá cảm động cười móm mém với tôi.

Tôi học xong khóa sĩ quan và tiếp tục lên tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi biên giới yên ổn thì tôi đã là cán bộ trung đoàn. Tôi cưới vợ là bác sỹ quân y. Vợ chồng tôi đã sinh được hai đứa con và đã mua được nhà trên thành phố. Thế nhưng việc về thăm nhà, thăm bá Lâm của tôi cứ ít dần đi. Nhìn khuôn mặt hiền từ của bá, lòng tôi nao nao của người có lỗi. Ấy vậy mà bá Lâm vẫn vui vẻ:

- Chẳng sao cả, miễn là các cháu khỏe mạnh, công tác tiến bộ, các cháu ngoan ngoãn học giỏi là bá vui rồi.

Có lần tôi bàn với vợ chồng Cường cho đón bá lên thành phố ở với vợ chồng tôi. Cũng là nhằm san sẻ nỗi vất vả với vợ chồng Cường cùng lúc phải chăm sóc cả ba người già. Vợ chồng Cường không đồng ý:

- Không sao đâu, giờ các cháu nhà em đã lớn cả rồi, việc chăm sóc các cụ chúng em cố gắng được ạ.

Bá Lâm thì chối đây đẩy:

- Các cháu cứ yên tâm, bá vẫn khỏe với lại ở nhà quen hơn. Bá lên đó làm ảnh hưởng đến công tác của các cháu đấy. Thỉnh thoảng rỗi việc thì về thăm bá thế là tốt lắm rồi.

Nói là cứ nói vậy, chứ thực tình bá Lâm đã yếu đi rất nhiều. Nhìn những bước đi chậm chạp nặng nề với cái lưng còng xuống, khuông mặt hốc hác, hàm răng móm mém làm chúng tôi ai cũng chạnh lòng thương bá. Duy chỉ có cái mùi thơm của trầu không từ hơi thở của bá vẫn nồng nàn như xưa. Có lúc tôi muốn mình bé lại rồi xà vào lòng bá để được nghe những câu hát ru trầm ấm, để được bá quạt mát như cái thời thơ ấu nhưng nào được nữa. Bá đã già quá rồi.

Bá Lâm ốm nặng khi tôi đang tham gia diễn tập toàn quân khu. Trong lòng tôi lúc nào cũng như có hàng ngàn hàng vạn mũi kim châm. Vừa kết thúc diễn tập là tôi về ngay với bá. Nhưng muộn mất rồi. Bá Lâm đã mồ yên, mả đẹp. Tôi khụy xuống trước di ảnh bá đang nghi ngút khói hương. Tôi khóc như một đứa trẻ. Cả nhà cùng nức nở bên tôi. Mẹ tôi gào lên:

- Sao giờ này con mới về hả?

Nghe mẹ nói, tôi càng nghẹn ngào chới với:

- Bá Lâm ơi. Cháu có lỗi với bá, có lỗi với cả nhà. Sao bá không chờ cháu…

Bố tôi bước đến bên, thì thầm an ủi:

- Thôi! Vì con phải làm nhiệm vụ bố biết bá Lâm không trách gì con đâu, hãy để bá được thanh thản nơi suối vàng.  

Chị Hồng gạt nước mắt đưa cho tôi một vật và nói:

- Bá dặn đưa cái gói này cho cậu.

Tôi nhanh tay mở gói nhỏ để lộ ra con dao được ông Sinh Đường tặng thời thơ ấu. Ấp gói nhỏ vào ngực, tôi như cố níu kéo chút hơi ấm từ bá Lâm dành cho mình.

Sau bá Lâm lần lượt là bố mẹ tôi đi về cõi vĩnh hằng. Vợ chồng tôi được nghỉ hưu, các con tôi đều đã trưởng thành.

Trong tiết Thanh minh ấp áp, chị em tôi cùng con cháu đi tảo mộ. Làn khói hương nghi ngút bên nấm mộ của bá Lâm. Sống mũi tôi cay cay, họng tôi như nghẹn lại khi nghĩ về cuộc đời của bá. Mãi tôi mới thì thầm được một tiếng gọi: “Bá Lâm ơi!”.

P.L.Đ

Các tin khác:

1-5 of 336<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter