Thanh Tửu
Thực hiên mục tiêu phát triển tỉnh Yên Bái theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” thời gian qua, thành phố Yên Bái- đô thị văn hóa, sinh thái, động lực phát triển kinh tế của tỉnh không ngừng được đầu tư xây dựng. Cùng với chỉnh trang đô thị, nâng cấp và xây mới các địa điểm vui chơi giải trí, công viên vườn hoa trong thành phố... nhiều tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong xu thế hội nhập, phục vụ nhu cầu dân sinh góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Những tuyến đường mới, rộng mở khang trang từ trung tâm tỉnh lỵ, kết nối với các khu đô thị trong tương lai và không gian phát triển của thành phố hai bên bờ sông Hồng... đã tạo nên dáng vẻ hiện đại và sinh thái cho thành phố trẻ Yên Bái. Dạo trên những đại lộ “Mở hướng tương lai” và những ngả đường “trải bao mưa nắng” gắn với quá trình phát triển của thành phố, ta càng thấy tự hào và thêm yêu hơn những con đường mang dấu ấn quê hương.
Thành phố Yên Bái hôm nay- Ảnh Tuấn Vũ
Dấu ấn đầu tiên chính là tuyến đường Âu Cơ nối thành phố với cao tốc Nội Bài- Lào Cai, hành lang phát triển kinh tế năng động cho cả khu vực Trung du và miền núi Tây Bắc. Con đường vinh dự mang tên Quốc Mẫu- người mẹ huyền thoại của dân tộc, trải dài hơn 10 cây số, băng qua sông Hồng thắm đỏ phù sa, với bốn làn xe thênh thang em vút, là cửa ngõ Yên Bái đón chào du khách muôn phương. Đây là một trong những con đường dẫn vào cao tốc đẹp nhất trên toàn tuyến giao thông quan trọng này. Những hàng cây xanh, đủ sắc màu khi mùa hoa nở được phân bố hài hòa theo từng nhóm cây trên mỗi đoạn đường, luôn mang lại cảm xúc cho những ai từng một lần đi trên con đường này. Hoa ban rực rỡ tháng hai, dáng hương tháng ba thơm ngát; tháng tư tím màu bằng lăng, tháng sáu rực hồng sắc phượng, hòa cùng màu vàng rực rỡ hoa huỳnh liên, diên vĩ, muồng vàng, hoa giấy... đã tạo nên cảnh sắc thật ấn tượng trên con đường mang tên Mẹ Âu Cơ. Từ tuyến đường này, qua cầu Văn Phú rẽ trái không xa là đến đền Quốc Mẫu ở Hiền Lương. Và cũng từ cuối con đường nhắc nhớ cội nguồn dân tộc, đi vài cây số nữa là tới hồ Vân Hội, điểm du lich sinh thái nổi tiếng, nơi có dòng ngòi Mon trong vắt góp nguồn sinh thủy làm nên hồ lớn- tương truyền là nơi từng in dấu chân Mẹ Âu Cơ cùng các con lên khai thiên lập địa ở đất này.
Mùa thu năm 1958, thị xã Yên Bái xưa (nay là thành phố Yên Bái) vinh dự được đón Bác lên thăm. Ký ức thiêng liêng về Người vẫn còn nguyên trong niềm tự hào của mỗi người dân Yên Bái. Và một con đường trên thành phố quê hương đã vinh dự mang tên Bác. Đường Nguyễn Tất Thành thênh thang, nối trung tâm tỉnh với huyện cửa ngõ Yên Bình- một trong những tuyến giao thông chính của thành phố. Nhiều công sở khang trang và các dãy phố văn minh đã mọc lên, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Đường Nguyễn Tất Thành là niềm tự hào, nhắc nhớ mỗi người dân Yên Bái luôn đoàn kết, sáng tạo chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như lời căn dặn “Ấm tình non nước” của Bác kính yêu, hơn 60 mùa thu trước.
Cùng với những con đường thiêng liêng ký ức tháng năm, là các tuyến giao thông dọc ngang trong thành phố, nối các phường với trung tâm tỉnh như: Đường Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, đường Điện Biên, Trần Phú, Nguyễn Quang Bích... thành phố Yên Bái còn có nhiều tuyến phố, tên đường nhắc nhớ công lao của những người đã góp phần làm nên truyền thống lịch sử quê hương. Đường Ngô Minh Loan đi qua địa phận phường Hợp Minh- cửa ngõ phía tây thành phố, là con đường mang tên Bí Thư đầu tiên của tỉnh Yên Bái (người lãnh đạo xây dựng Chiến khu cách mạng Vần- Hiền Lương ở địa bàn 3 tổng: Lương Ca, Giới Phiên thuộc huyện Trấn Yên và Đại Lịch- huyện Văn Chấn thời kỳ tiền khởi nghĩa); Chạy dọc sông Hồng nối phường Hồng Hà với phường Nguyễn Phúc là tuyến đường thơ mộng- ghi nhớ công lao nhà cách mạng Nguyễn Văn Phúc- người từng bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Sơn La. Năm 1945 ông vượt ngục, tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng và ngày 20/8/1945 tổ chức cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Yên Bái. Ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái lúc bấy giờ.
Một trong những đại lộ được hình thành sớm nhất trên thành phố “Tuổi 20” là đại lộ mang tên Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, đi qua địa phận phường Hồng Hà và phường Nguyễn Thái Học. Kề bên đại lộ là hồ nước mênh mông và công viên Yên Hòa, nơi dựng tượng đài và nhà thờ tưởng niệm người chí sĩ kiên trung cùng các đồng sự của ông trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930. Hồ Yên Hòa còn được các nhân sĩ, trí thức ở Yên Bái quen gọi là “Hồ Cô Giang” để nhắc nhớ mối tình bi tráng, thủy chung giữa liệt nữ Nguyễn Thị Giang với Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học trong phong trào kháng Pháp những năm 30- thế kỷ XX.
Bắt đầu từ quảng trường 19 tháng 8 đến ngã tư Nam Cường là đường Yên Ninh- một tuyến đường từng tham dự và để lại dấu ấn tại cuộc thi “Con đường đẹp Việt Nam”. Đường Yên Ninh còn là biểu tượng của tình kết nghĩa, giữa hai tỉnh Yên Bái và Ninh Thuận trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước hôm nay. Nghĩa tình Yên Bái- Ninh Thuận đã đi vào thơ vào nhạc, nhắc nhớ tháng ngày gian khó, song cũng rất đỗi tự hào của những người con Yên Bái lên đường chi viện cho miền Nam, giải phóng Ninh Thuận góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất đất nước: “… Yên Ninh ra đi, băng qua rừng, suối sâu với đèo cao. Anh em ta ơi! Ninh Thuận thiết tha đang chờ mong. Ra đi, ra đi chứa chan trong lòng ý chí diệt Mỹ. Ta hy sinh không ngần ngại vì Miền Nam thân yêu…”
Dạo trên những con đường, ngõ phố hôm nay ta luôn cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của thành phố Yên Bái. Cùng với những con đường mang dấu ấn, tự hào về truyền thống quê hương còn có nhiều tuyến đường mới đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện theo quy hoạch phát triển và mở rộng thành phố sang hữu ngạn sông Hồng và hướng tới đạt đô thị loại II trong nhiệm kỳ này.
Đã hiện hữu thêm, trên bản đồ giao thông thành phố những tuyến đường đôi thênh thang hiện đại- nơi không gian phát triển đô thị mới trong nay mai bên Bảo Hưng, Giới Phiên và một con đường đẹp vừa mới được đặt tên “Đường Tuần Quán” nối cầu Tuần Quán, nơi có công trình văn hóa tâm linh nổi tiếng bên bờ sông Hồng với đường mang tên Quốc mẫu Âu Cơ. 4 làn xe cơ giới và 2 làn dành cho phương tiện thô sơ, dải phân cách rộng tạo thành thảm cỏ trải dài mềm mại, kết hợp với những hàng dáng hương, Osaca hoa đỏ bên đường cùng với hệ thống đèn chiếu sáng thông minh sử dụng năng lượng mặt trời và sức gió... Đường Tuần Quán thực sự tạo điểm nhấn cho giao thông đô thị. Rồi còn cả những con đường đầy lãng mạn đang hình thành dọc đôi bờ sông Hồng, như một dải lụa đào duyên dáng giữa lòng thành phố, lung linh soi bóng những cây cầu mang khát vọng vươn xa. Không chỉ với chức năng trị thủy, chống sạt lở, đảm bảo sự vững chắc cho những cây cầu đã nối nhịp qua sông như: Bách Lẫm, Tuần Quán, Văn Phú... hai tuyến đường dọc bờ sông còn tạo nên điểm nhấn cho không gian đô thị, góp phần thiết thực phục vụ đời sống người dân thành phố. Từ những con đường tạo nền móng cho thành phố trẻ gắn với quá trình hình thành và phát triển của Yên Bái, với tư duy sáng tạo, ý chí “Tự lực tự cường” và khát vọng dựng xây quê hương đất nước “... Phồn vinh, hạnh phúc” của các cấp chính quyền và sự nỗ lực đoàn kết của mỗi người dân, thành phố Yên Bái thân yêu sẽ có thêm nhiều công trình giao thông xứng tầm đô thị văn minh, sinh thái, hiện đại góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “... xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030. Những con đường của ngày hôm qua đầy tự hào và những con đường mới mở hôm nay là sự tiếp nối của truyền thống văn hóa, khát vọng dựng xây, vững bước đi lên cùng cả nước vì hạnh phúc nhân dân và phồn vinh của quê hương Yên Bái.
T.T