Gặp người làm việc ý nghĩa ở Đông Cuông

                                         Ký của HOÀNG TƯƠNG LAI

 

Đến Đông Cuông vào lúc gần buổi trưa nắng lấp lóa, những con ve tình tự hò hẹn với nhau ngân rộ lên trong vòm lá biếc. Không phải mùa lễ hội đền Đông Cuông, nhưng giữa lúc mùa thu hoạch quế, hương quế cứ nồng nàn ngan ngát khắp mọi nẻo đường. Đoàn văn nghệ sĩ Yên Bái dừng chân ở nhà văn hóa xã được Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thượng Phi cùng các anh trong thường trực UBND xã niềm nở bắt tay từng người một. Biết chúng tôi muốn tìm đến những gương làm được nhiều việc lớn đóng góp cho xã, mọi người bắt tay vào việc luôn. Tôi được anh Nguyễn Đức Tĩnh cán bộ văn hóa xã Đông Cuông đưa tới gặp một chị dáng người đậm, mái tóc đã điểm bạc, da dẻ hồng hào, chị nở nụ cười duyên dáng bắt tay tôi, tôi thoáng nghĩ về chị: con mắt biết cười của chị, dáng người của chị chắc còn trẻ chị phải là "hoa hậu" của vùng.

Chị là người Mường sinh ra và lớn lên ở xã Xuân Ái. Lúc còn trẻ, chị đã được tắm mình trong các điệu hát ru, hát Sắc bùa, hát Xường, hát Bọ Meng, hát Lời Thương, nghe các bài Lễ Ca của các thầy Mo. Chị đã đánh chiêng cồng trong các lễ hội của người Mường. Năm 1971, tròn 20 tuổi chị về làm dâu người Tày Khao ở thôn Gốc Quân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Ăn cơm, uống nước nguồn, tắm nước suối, ăn ở, sinh hoạt với người Tày Khao, cúi lễ lên bàn thờ người Tày Khao rồi chị trở thành người Tày Khao thực thụ. Những nét văn hóa của người Tày Khao đã khiến chị nặng lòng, yêu mến và muốn làm một cái gì đấy cứ như có một đấng trên cao tiếp sức cho chị vậy. Lúc còn trẻ chị yêu dân ca Mường bao nhiêu thì giờ chị cũng trân trọng yêu dân ca Tày Khao nơi đây bấy nhiêu. Chị mặc bộ áo dài quần nhuộm chàm đen, thắt đai xanh cạnh bộ xà tích bằng bạc kêu xóc xách bên lưng, đầu đội khăn nhiếu tím, chị hát Khắp, hát múa Then cùng chị em trong ngày lễ hội đền Đông Cuông, trong ngày lễ lớn của xã của thôn. Cứ vậy câu Then câu Khắp ngấm vào chị, để nhớ được chị gặp những người già ghi chép lại những bài Khắp bài Then, những bài hát Quan làng trong các đám cưới. Những người già ấy đã giao cho chị món gia sản tinh thần quý giá rồi lần lượt về cùng các cụ tổ. Đến nay, chị đã có trong tay mỗi loại mấy trăm bài, toàn bài đặc sắc nói về tình yêu hôn nhân, dạy bảo con cháu sống đúng đạo làm người, giờ chị lại thành người truyền dạy lại cho lớp trẻ những làn điệu hát giao duyên của người Tày Khao nơi đây. Chị là Hà Thị Thoa, sinh năm 1951. Tôi đùa: Chị sinh năm đấy là "Tùng bách mộc", là cây cao bóng cả che mát cho con cháu được nương nhờ. Chị cười: Chả biết có che cho ai được không nhưng cứ phải vào rừng lặn lội dưới các bóng cây rừng rậm, hý hoáy lật tìm từng bụi cây để ngắt từng cọng lá đem về mới phân loại rồi chặt, băm rồi giã rồi phơi, rồi đóng gói gửi tới những người bệnh ở tận tỉnh xa. Chị làm nghề thuốc Đông y phải không? Khi biết chị là lương y Hà Thị Thoa, một lương y nổi tiếng trong vùng, chị đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y tỉnh Yên Bái, Ban Chấp hành Hội Đông y huyện Văn Yên nhiều khóa. Chị kể: Ngày còn nhỏ theo cha vào rừng hái thuốc, được cha chỉ cho từng loại lá rừng, dạy cách kết hợp các loại lá rừng với nhau thành bài thuốc gia truyền. Những bài thuốc gia truyền người Mường được cha truyền dạy đã theo chị về làm dâu ở đất Đông Cuông và đã trở thành một lương y có tiếng trong vùng.

 “Mà thôi. Chuyện chị là lương y nổi tiếng cả vùng lát nữa hãy nói, bây giờ chị kể lại về những điều khiến chị gắn bó với văn hóa với người Tày Khao ở Đông Cuông này đi”. Và chị kể:

- Phải bắt đầu từ lễ hội đền Đông Cuông anh nhỉ?

Tôi gật đầu, rồi chị kể:

- Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Từ lâu đã nổi danh là một ngôi đền linh thiêng, ở đây là hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là ngôi đền nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Đền Đông Cuông được các nhà nghiên cứu dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn. Lễ hội đền Đông Cuông là lễ hội văn hóa tâm linh, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân; tri ân các bậc tiền nhân đã có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, hàng năm lễ hội tổ chức vào ngày Mão tháng Giêng và ngày Mão tháng 9 âm, gắn liền với lễ mừng cơm mới. Đền họ Hà của người Tày Khao sắc phong. Đến ngày lễ dân làng mổ một con trâu trắng, mang lễ vật sang sông để dâng lễ tại miếu Cô, miếu Cậu, miếu Đức Ông rồi về cúng đền chính xong làm thành ba mươi mâm cúng đền lần nữa, cúng xong mời mọi người ở lại ăn uống. Các thầy then đánh tính tẩu, múa xòe then, múa kiếm, côn, đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, đu tiên, tung còn, trình diễn trang phục dân tộc, hát Khắp đối đáp giao duyên thật vui nhộn. Chính những nét văn hóa của người Tày Khao nơi đây đã khiến chị nặng lòng không thể dứt ra được với văn hóa người dân tộc nơi đây.

Hôm ở thị trấn Mậu A, tôi đã nghe chị Lã Thị Liền- Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, Trưởng Ban quản lý đền nói về đền Đông Cuông đã được UNESCO công nhận và tiến hành tu tạo, hàng năm đón hàng ngàn khách thập phương đến tham quan, lễ Mẫu. Lễ hội đền Đông Cuông là dịp để quảng bá về hình ảnh, con người, ẩm thực, tín ngưỡng, sản phẩm quế Văn Yên, giới thiệu về trang phục cùng những nét văn hóa của các dân tộc trên địa bàn đến du khách thập phương trong và ngoài nước.

Chị Thoa nói: Người Tày Khao ở Đông Cuông chủ yếu tập trung ở các thôn: Thác Cái, Gốc Quân, Sài Lương, Khe Chàm, Bến Đền, chiếm gần 35% dân số toàn xã. Dân Tày Khao chủ yếu ở nhà sàn gỗ và còn giữ được những nét văn hóa của dân tộc mình như mặc trang phục, tiếng nói, các loại hình dân ca. Chị Thoa băn khoăn: lo nhất là lớp trẻ hiện nay do phải đi làm ăn xa bươn trải cuộc sống thường ngày và lứa trẻ mới lớn quên dần tiếng mẹ đẻ và những phong tục tập quán tốt đẹp của người Tày Khao nơi đây. Chị cứ thấy lo lo thế nào ấy. Theo chị Thoa, ngôn ngữ là thứ cần thiết, là chìa khóa mở cánh cửa cho thế hệ trẻ yêu và biết cái hay cái đẹp của dân ca dân tộc mình. Thế là chị dạy tiếng Tày cho lớp trẻ mới lớn dạy cả những làn điệu như hát khắp, hát then và được mọi người nhiệt tình tham gia. Tôi buột miệng hỏi chị: Thế nào lại gọi là Tày Khao nhỉ? Chị chỉ nghe các cụ nói: Người Tày ngày xưa đói khổ lắm, "dưới bãi chẳng sợi rơm, cổng vườn chẳng vỏ trấu..". Khao là trắng, nghĩa là chẳng có gì, nên gọi Tày Khao là thế! Tôi hỏi chị: Tày Khao mình có hát Khảm hải không? Có chứ! Hay lắm! Thế chị có thuộc không? Tôi lên giọng hát vài câu: "... à lới, đét nàng ới, ngò hăn khôm ăn mính ngò lai/ ngò hăn khôm ăn thân ngò quả...” ( Chao ơi trời đất ơi/ Tôi thấy cay cho thân tôi lắm/ Tôi thấy đắng cho phận tôi nhiều..). Chị Thoa nói như reo: Đúng rồi, đấy đấy hay lắm đấy, ngày xưa khổ thế đấy. Chị lên giọng: ".... à lới, đét nàng ới/ vằn vằn pây Khảm hải hâử quan/ vằn vằn pây khảm thán hâử Sjay..." (Chao ơi, trời đất ơi/ Ngày ngày đi chèo qua biển thuyền cho quan/ Ngày ngày khuân của sang lò than cho Sjay...). Chị Thoa nói: “Người Tày cùng các dân tộc khác ngày xưa khổ nhỉ?” “Thì khổ như thế mới vùng lên đánh đuổi thực dân phong kiến, lập nên xã hội tốt đẹp, hạnh phúc như ngày hôm nay, mới có các tác phẩm khuyết danh như Khảm Hải chị em mình hát cho con cháu nhớ lại thời khốn khó xa xưa, phải không chị?”. Tôi thầm cảm phục chị. Là người Mường mà chị hiểu và có những đóng góp rất đáng kể cho văn hóa Tày Khao nơi đây. Chị thủ thỉ: Người Mường chị có những loại dân ca nghe hay lắm, chị cũng thuộc, cũng biết hát khá nhiều bài, ấy là lúc còn con gái. Chị nhớ làn điệu hát Xường, là điệu hát quanh vò rượu đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Còn hát Sắc Bùa là hát trong dịp lễ tết, hội hè hay các dịp cưới xin, hát Bọ meng là hát giao duyên. Rồi hát Ru bên con cháu nằm trên nôi, hát Lễ Ca đó là những áng mo, những bài khấn do thầy Mo đọc và hát trong các đám tang. Còn bây giờ, chỉ để nhớ thôi, từ lúc sang làm dâu ở Đông Cuông này, chị chỉ biết hát và nhớ làn điệu của người Tày Khao nơi đây.

Tôi lái câu chuyện đang nói sang chuyện lương y của chị, tôi mạnh dạn hỏi chị: Cơ duyên nào khiến chị gắn bó với nghề Đông y và chị chữa được những loại bệnh nào chủ yếu. Chị kể: Trước khi sang bên này làm dâu, bố chị dặn, sang bên nhà chồng, con phải cố giữ lấy nghề, con phải nhớ: Cứu được một mạng người hơn xây được một tòa tháp. Nhà có năm chị em, ông cụ chỉ truyền cho mỗi mình chị. Sang bên này được nhà chồng tạo điều kiện vừa nuôi con ăn học vừa giữ nghề thuốc gia truyền của nhà chị. Đến nay con trai thứ năm ở với chị đã thay chị vào rừng hái thuốc và chữa trị cho mọi người được rồi. Còn về chữa các loại bệnh ư? Rất nhiều loại bệnh nhưng chủ trị là: Chữa rắn cắn, rô na thần kinh, bệnh thận- sỏi thận cùng nhiều loại bệnh nan y và thông thường khác.

Tôi hỏi chị Thoa:

- Thế thuốc trong vườn nhà chị hay phải vào rừng hái?

- Trong vườn nhà trồng nhiều loại thuốc nhưng vẫn phải có thứ vào rừng sâu rừng già mới có, thuốc mới hiệu nghiệm. Vì ở dưới tán cây nơi rừng già có những khóm thuốc mọc cách đây hàng trăm năm nên giá trị lắm, mình lấy phải giữ lại lần sau còn đến hái.

Tôi mạnh dạn hỏi thêm chị:

- Thấy có người nói: những người bị rắn cắn đến lấy thuốc nhà chị phải bước qua chiếc chầy giã thuốc lúc bước lên nhà thì thuốc mới hiệu nghiệm phải không chị?

- Đúng thế, gia truyền mà, ông cụ dạy thế mình làm theo vậy và  những người nào dù bị rắn độc cắn đều được chữa khỏi.

Lúc ấy chị cũng phải nhẩm câu gì theo nữa chứ? Chị cười: Có chứ, rồi hàng năm cứ đến ngày 24 hoặc 25 tháng chạp, gia đình sắm lễ dâng tổ tiên để ghi nhớ công ơn tổ tiên đã truyền lại thuốc gia truyền cho con cháu.

Nhìn cơ ngơi thuốc nơi nhà chị từ nong, nia, lò sao thuốc đến các loại tủ đồ đựng thuốc rồi cảnh người vào ra khám bệnh lấy thuốc, tôi thầm phục người phụ nữ năm nay đã ngoài bảy mươi với mấy chục năm gắn bó với thuốc gia truyền trị bệnh cứu người. Nhìn những bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận, kỷ niệm chương treo khắp xà nhà tôi càng cảm phục chị. Chị là Ủy viên Ban Chấp hành Hội đông y tỉnh Yên Bái và cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y huyện Văn Yên. Những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, bằng chứng nhận là thứ khẳng định sự đóng góp cảu chị cho nền Đông y của tỉnh nhà.

Được biết chồng chị là giáo viên nghỉ hưu. Người con trai thứ hai của vợ chồng chị hiện là Chủ tịch xã Phong Dụ Thượng huyện Văn Yên, người con trai thứ tư hiện là Bí thư Đảng bộ xã Cao Phạ huyện Văn Chấn. Một người con trai kế hiện đang là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn. Các con chị đều trưởng thành và làm ăn tấn tới, con trai thứ năm hiện ở với chị thay chị lên rừng hái thuốc đã được cấp chứng chỉ hành nghề làm mọi việc nối tiếp nghề thuốc gia truyền của gia đình chị. Tôi hỏi chị: Cơ duyên nào khiến anh chị gặp nhau rồi nên vợ nên chồng. Chị cười, kể ra thì dài lắm: Hồi ấy, bố chồng tôi bấy giờ bị bệnh hiểm nghèo lên với nhà tôi chữa trị, con trai của ông, chồng tôi bây giờ đi lại lấy thuốc thành quen rồi yêu mến. Sau khi khỏi bệnh, chắc là ông đã thầm ước có người con dâu làm nghề thuốc Đông y nên đã tác thành cho chúng tôi nên vợ nên chồng. Thế là tôi về làm dâu ở Đông Cuông.

Chị tự hào về truyền thống của gia đình mình. Chị tâm sự: Thật chẳng mong ước gì hơn thấy cuộc sống của mình như thế là trọn vẹn, các con, các cháu biết yêu thương nhau, lo cho cuộc sống và phấn đấu hết mình xây dựng cuộc sống trong công cuộc đổi mới của đất nước. Chị phấn khởi tự hào vì đã góp sức mình chữa bệnh cứu người và giữ gìn bản sắc văn hóa người Tày Khao nơi đây. Với chị đó là hạnh phúc.

 

 

                                                                               H.T.L

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter